Thanh Phương
Bài đăng
ngày 02/02/2009 Cập nhật lần cuối ngày 03/02/2009
08:47 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/110/article_2403.asp
Quần đảo Hoàng Sa
Phải chăng đã đến lúc phải đưa vấn đề Hoàng Sa Trường Sa ra
trước toà án quốc tế ? Theo nhà sử học Nguyễn Nhã, đây không phải là một việc
đơn giản.
Cách đây 35 năm, trong những ngày 19
tháng 1 năm 1974, đã xảy ra trận hải chiến đẫm máu ở quần đảo Hoàng Sa giữa Hải
quân Việt Nam Cộng hòa với Hải quân Trung Quốc. Trước một hạm đội hùng hậu của
Trung Quốc, Hải quân VNCH đã chống trả quyết liệt, gây nhiều thiệt hại cho địch
quân, nhưng do không cân sức, nên cuối cùng họ đã không giữ được Hoàng Sa.
58 chiến sĩ Hải quân đã hy sinh một
cách anh dũng trong trận hải chiến này. Những người lính trở về được dân
chúng đón chào như những anh hùng. Từ đó đến nay, Hoàng Sa vẫn bị Trung Quốc
chiếm giữ. Bắc Kinh nay cũng đang kiểm soát một số đảo của Trường Sa.
Vấn đề bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của
Việt Nam ngày càng được đặt ra một cách cấp thiết, trước việc Trung Quốc liên
tục có những hành động nhằm khẳng định chủ quyền của họ trên vùng biển Đông.
Hành động gần đây nhất đó là ngày 10
tháng 12 năm ngoái, Cục Hải Dương của Trung Quốc đã công bố chủ trương khuyến
khích các đơn vị, cá nhân khai thác và sử dụng các đảo không có người ở. Tờ báo
trên mạng '' Kinh tế buổi chiều'' còn cho rằng, đối với khu vực Hoàng Sa- Trường
Sa, việc khai thác các đảo không người là ''có lợi cho việc bảo vệ chủ quyền
biển của Trung Quốc ''
Trước đó, ngày 22/11, tập đoàn dầu
khí Nhà nước của Trung Quốc đã công bố dự án thăm dò dầu khí nước sâu tại biển
Đông, sẽ được thực hiện trong năm nay, với chi phí khoảng 29 tỷ đô la. Trước đó,
vào tháng 7, Bắc Kinh còn gây áp lực buộc tập đoàn dầu khí ExxonMobil của Mỹ rút
khỏi dự án dầu khí với Việt Nam, xem việc tham gia vào dự án này là một hành
động vi phạm chủ quyền của Trung Quốc.
Năm 2007, dưới áp lực của Trung
Quốc, tập đoàn BP của Anh đã phải ngưng thăm dò dầu khí ở Trường Sa. Cũng
trong năm 2007, vào tháng 8, tờ nhật báo chính thức bằng Anh ngữ China Daily
loan báo một kế hoạch khai thác du lịch đến Hoàng Sa của chính quyền đặc khu Hải
Nam vừa được chính phủ thông qua. Đến tháng 11 năm đó, Hải quân Trung Quốc đã mở
cuộc tập trận ở khu vực Hoàng Sa.
Nhưng hành động làm phẫn nộ dư luận
Việt Nam nhiều nhất đó là sự kiện Quốc vụ viện Trung Quốc vào cuối năm ngoái đã
phê chuẩn việc thành lập thành phố hành chính cấp huyện Tam Sa. Thành phố này
trực tiếp quản lý ba quần đảo, bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Người dân ở Hà Nội và Sài Gòn đã bày tỏ sự phẩn nộ này qua các cuộc biểu tình
trước đại sứ quán và tổng lãnh sự Trung Quốc. Nhưng sau đó, chính quyền Hà Nội
đã ngăn chận các cuộc biểu tình tiếp theo.
Về phía chính quyền thì mỗi lần Bắc
Kinh có những hành động như trên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng chỉ
đưa ra cùng một tuyên bố, đó là '' Việt Nam có đủ bằng chứng lịch sử và cơ
sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa ''
và '' Việt Nam chủ trương giải quyết các bất đồng thông qua thương lượng
trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế''.
Nhưng những lời tuyên bố phản đối rõ
ràng là đã không ngăn chận được ý đồ xâm chiếm lãnh thổ Việt Nam của phía Trung
Quốc. Phải chăng đã đến lúc phải đưa vấn đề Hoàng Sa Trường Sa ra trước toà án
quốc tế ? Câu hỏi này đang được nhiều người đặt ra, nhưng đây không phải là một
việc đơn giản như lời của nhà sử học Nguyễn Nhã trong phần phỏng vấn sau đây với
RFI Việt ngữ.
Tờ báo trên mạng VietnamNet vào ngày
11 tháng 1 đã đăng bài viết của Lê Minh Phiếu và Dương Danh Huy, thuộc Quỹ
nghiên cứu biển Đông, đề nghị Việt Nam nên có thái độ như thế nào trước chủ
trương của Trung Quốc đối với biển Đông.
Theo hai tác của bài viết này, cho
tới nay, Việt Nam chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc trong
việc bảo vệ chủ quyền trên biển Đông . Đây là một thiệt thòi, tương tự như việc
chiến đấu trong khi một tay bị buộc sau lưng. Lê Minh Phiếu và Dương Danh Huy
cho rằng, '' nói chung cho tới thời gian gần đây, chúng ta vẫn chỉ nhắc tới
Hoàng Sa, Trường Sa, mặc dù đòi hỏi của Trung Quốc trên biển Đông liên quan đến
cả những vùng biển nằm ngoài phạm vi Trường Sa và Hoàng Sa theo Công ước quốc tế
về luật biển''. Cho nên, hai tác gia đề nghị là cần phải tích cực xây dựng
một tư duy biển Đông, từ đó phải có một đội ngũ hùng hậu nghiên cứu các vấn đề
liên quan đến biển, nâng cao ý thức và kiến thức về biển Đông.
Rõ ràng việc nâng cao ý thức và kiến
thức về biển Đông cũng là một điều cấp thiết bởi lẻ cho tới nay, nhiều người ở
Việt Nam, nhất là trong giới trẻ, vẫn không biết rằng Hoàng Sa đã bị Trung Quốc
xâm chiếm từ lâu, cho dù về mặt chính thức, Hoàng Sa là một huyện đảo trực thuộc
thành phố Đà Nẵng. Cũng có nhiều người không biết rằng cố thủ tướng Phạm Văn
Đồng từ năm 1958 đã đại diện cho Việt Nam ký công hàm công nhận chủ quyền của
Trung Quốc trong phạm vi hải phận 12 hải lý, tức là bao gồm luôn cả hai quần đảo
Hoàng Sa và Hoàng Sa của chúng ta.
Để biết thêm về lịch sử Hoàng Sa và
Trường Sa, quý vị có thể đọc
bài tham luận của tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã tại Hội thảo quốc tế Việt Nam
học lần thứ 3 ở Hà Nội từ ngày 4 đến 7/12/2008
|