|
|
Concord
là biểu tượng của khát vọng con người về dân chủ tự do. Vì những giá
trị đó mà con người với vũ khí thô sơ dám đứng lên đối đầu với bạo lực
hùng mạnh. Nhờ đó mới có một Hiệp Chủng Quốc HK với bản Tuyên ngôn Độc
lập lịch sử, làm cơ sở để nhân loại tạo dựng một xã hội thực sự văn
minh tiến bộ theo trào lưu tiến hoá của lịch sử.
Phần mở đầu
Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ đã ghi rõ: “Chúng tôi coi những chân lý sau
đây là hiển nhiên: mọi người đều được dựng lên bình đẳng. Tạo hoá đã
phú cho họ một số quyền không thể chuyển nhượng được, trong đó có quyền
sống, quyền được hưởng tự do và quyền được mưu tìm hạnh phúc. Chính để
bảo vệ những quyền đó mà chính phủ được thiết lập giữa con người với
nhau. Chính phủ nắm quyền hợp lý của họ do sự ưng thuận của nhân dân.
Vì thế bất cứ hình thức cai trị nào có xu hướng phá huỷ mục đích trên
thì nhân dân có quyền sửa đổi hoặc huỷ bỏ hình thức cai trị đó và thành
lập một chính phủ mới, đặt nó trên nhũng nguyên tắc và tổ chức quyền
hành của nó theo những hình thức mà nhân dân xét thấy có thể bảo đảm
được an ninh và hạnh phúc cho mình”. (1)
Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mượn những ý tưởng trên để mở đầu Tuyên Ngôn Độc Lập của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà.
Gettysburg
là biểu tượng của tình dân dân tộc nghĩa đồng bào như quan niệm của
người Việt Nam: “Người chung một nước phải thương nhau cùng”. Những
người Mỹ dũng cảm yêu chuộng tự do đã “đồng lao cộng khổ” mới tạo được
một quốc gia độc lập trên một lãnh thổ rộng lớn dồi dào tài nguyên
nhưng thiếu nhân lực để khai phá. Do đó nảy sinh mâu thuẫn đưa đến hiềm
khích rồi anh em một nhà bất đắc dĩ phải đánh nhau. Nhưng khi hết đánh
nhau cũng là lúc hết hận thù, tất cả đoàn kết trở lại để bảo vệ di sản
của tiền nhân, phát triển nó thêm để truyền lại cho các thế hệ mai sau.
Sau nội chiến, là thời kỳ phát triển không ngừng của HK, từng bước đưa
đất nước này trở thành một siêu cường quốc đứng đầu thế giới.
Nhắc
đến Gettysburg, phải chăng tân tổng thống Mỹ Barack Obama muốn chuyển
thông điệp đầu tiên của ông đến giới lãnh đạo và nhân dân các nước Việt
Nam, Triều Tiên, Iraq, Afghanistan, Palestine… về bài học lịch sử đau
thương của Hoa Kỳ?
Normandy là biểu tượng của
sức mạnh hợp tác chiến đấu bảo vệ nền dân chủ tự do cho các dân tộc
trên thế giới. Âu Châu là nguyên quán của những người đã lập ra nước
Mỹ. Nơi đây vào những năm trước Thế chiến II, ba thế lực độc tài là
Quốc Xã Đức, Phát Xít Ý và Cộng sản Liên Xô đã liên kết với nhau nhằm
thống trị toàn thể các nước Âu Châu.
Đến giữa tháng 4/1940 toàn
bộ phần đất Tây Âu, chỉ trừ Anh Quốc đã lọt vào tay Hitler. Ngày
8/9/1940 TT Mỹ Franklin D. Roosevelt tuyên bố đặt quốc gia trong tình
trạng khẩn trương, luật trưng binh được ban hành, mọi công dân từ 18
đến 35 tuổi đều bị cưỡng bách thi hành quân dịch. Giữa tháng 6/1941,
Đức xé bỏ hiệp ước bất tương xâm, khai chiến với LX. HK liền viện trợ
vũ khí giúp Stalin chiến đấu chống Đức. Trong ba năm sau đó, Hồng quân
LX gánh chịu những tổn thất hết sức nặng nề. Đầu năm 1944, họ đã đẩy
lui Đức ra khỏi lãnh thổ và bắt đầu phản công tiến vào Đông Âu. Trên
con đường tiến quân về Bá Linh, mối quan tâm hàng đầu của Stalin là
giúp các đảng CS trong khu vực Balkan chiếm chính quyền, thành lập các
nước Cộng hoà ở Đông Âu. Thảm họa Đức Quốc Xã sắp tàn thì một thảm họa
mới đe dọa Âu Châu lại xuất hiện. Do đó HK tức tốc đổ bộ vào Tây Âu để
cứu các nước này khỏi lọt vào tay LX. Khi chiến tranh chấm dứt, Âu
Châu, Đức và thủ đô Bá Linh đều bị chia đôi, một bên thuộc ảnh hưởng
Anh Pháp Mỹ, một bên thuộc ảnh hưởng Liên Xô.
Liên Xô và Hoa Kỳ
đều là đồng minh trong hai trận thế chiến. Trong giai đoạn hậu chiến
sau 1945, thế giới kỳ vọng họ sẽ bằng lòng với những phần đất ảnh hưởng
được họ thoả thuận chia nhau trong giai đoạn hợp tác chống Đức Ý Nhật.
Cả hai đều là thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, họ
sẽ thiết lập một trật tự thế giới an ninh và bình đẳng cùng tồn tại và
phát triển…Nhưng sự thù nghịch lại xảy ra với chiến tranh lạnh -cả hai
vẫn giữ mối liên hệ với nhau, sống chung hoà bình, song chiến tranh
nóng lại diễn ra ở VN.
Concord, Gettysburg và Normandy đều có
biểu tượng riêng của nó trong lịch sử Hoa Kỳ. Vậy thì Khe Sanh nói lên
biểu tượng gì của HK trong chiến tranh VN khiến tân TT Hoa Kỳ Barack
Obama liệt kê nó với ba địa danh lịch sử lừng danh trong diễn văn nhậm
chức của ông?
Khe Sanh là một căn cứ quân sự của
HK trong chiến tranh VN. Khe Sanh nằm ở phía Nam khu Phi Quân Sự (vĩ
tuyến 17) khoảng 23 cây số, cách biên giới Lào Việt khoảng 10 cây số.
Trước tháng 3/1967, Khe Sanh do một đại đội Thuỷ Quân Lục Chiến HK trấn
đóng được sự yểm trợ của một Đại đội Địa Phương Quân VNCH đồn trú cách
căn cứ khoảng hai cây số. Vào thời điểm này, chiến tranh VN sắp đi vào
một bước ngoặc mới. Đầu tháng 2/1967 khi đến thăm Anh Quốc, thủ tướng
LX Kosygin lên tiếng yêu cầu HK chấm dứt không điều kiện việc oanh tạc
miền Bắc để khởi đầu các cuộc thương lượng hoà bình. Do đó ngày
8/2/1967, TT Johnson chính thức gởi đến Chủ tịch Hồ Chí Minh lời đề
nghị: Hoa Kỳ sẽ ngưng ném bom Bắc Việt và ngưng tăng cường quân lực Mỹ
ở miền Nam Việt Nam, nếu Bắc Việt cũng đình chỉ gởi người và vũ khí vào
MN. Sau đó Mỹ và Bắc Việt sẽ tiến hành những cuộc mật đàm để giải quyết
vấn đề miền Nam VN. Trong thư trả lời, Chủ tịch HCM cho biết nước Việt
Nam Dân Chủ Cộng Hoà “không thể thương lượng dưới sự đe dọa của bom đạn
Mỹ. Hoa Kỳ phải chấm dứt vĩnh viễn và không điều kiện việc ném bom và
mọi hành động chống lại nước VNDCCH, khi đó hai bên mới có thể đàm phán
và thảo luận những vấn đề mà hai bên quan tâm”. (2)
Để nắm ưu
thế về quân sự trước khi bước vào đàm phán (một điều chắc chắn sẽ xảy
ra) Hà Nội phải tăng cường xâm nhập nhiều hơn nữa người và vũ khí vào
miền Nam. Căn cứ Khe Sanh nằm sát biên giới Lào Việt, cạnh Quốc lộ 9,
đã án ngữ con đường xâm nhập của quân Bắc Việt từ đường mòn Hồ Chí Minh
đặt trên lãnh thổ Lào vào chiến trường Trị Thiên Huế. Do đó từ cuối
tháng 4/1967, Bắc Việt tập trung quân số đông đảo vào vùng này nhằm
bứng nhổ căn cứ Khe Sanh. Hoa Kỳ phải tăng cường những đơn vị TQLC tinh
nhuệ, thiết lập một hệ thống cứ điểm chiến lược kiên cố với quân số lên
đến 6 ngàn. Từ căn cứ Khe Sanh, HK tin rằng họ có thể kiểm soát và mở
những đợt pháo kích và tấn công phá vỡ các mạng lưới tiếp vận vũ khí và
các hành lang xâm nhập quân BV trên đường mòn HCM. Các cuộc đụng độ đã
gây tử thương cho 155 binh sĩ HK, nhưng quân BV bị thiệt hại nặng hơn
với 940 cán binh tử thương. Từ giữa tháng 5/1967 Cộng quân tạm ngưng
các hoạt động, áp lực quân sự giảm dần. HK rút bớt lực lượng khỏi Khe
Sanh.
Trung tuần tháng 6/1967, Kosygin đến Mỹ tham dự Đại hội
đồng LHQ. Trong cuộc họp kín với TT Johnson ngày 23/6, ông cho biết vừa
nhận một điện văn của TT Phạm Văn Đồng gởi từ Hà Nội với nội dung: Hoa
Kỳ chấm dứt ném bom, họ sẽ đến bàn hội nghị ngay. Từ đó có nhiều nổ lực
quốc tế giúp Hoa Kỳ và Hà Nội đến bàn hội nghị, đáng kể nhất là trung
gian của Pháp từ tháng 6/1967. Ông Raymond Aubrac (một người CS từng
quen biết HCM hồi năm 1946) và Hervert Marcovich -cả hai là khoa học
gia Pháp, nhiều lần đi Hà Nội gặp HCM và TT Phạm Văn Đồng để giúp BV và
HK trao đổi những đề nghị. Phía Hà Nội do đại sứ Mai Văn Bộ phụ trách,
còn phía Mỹ là Henry Kissinger. Hà Nội đòi HK ngưng ném bom MB vô điều
kiện. HK đồng ý nhưng với điều kiện Hà Nội phải ngồi vào bàn hội nghị
để giải quyết vấn đề miền Nam. Hà Nội đòi HK phải rút khỏi MN và thừa
nhận MTGPMN. Cuối cùng BV nhấn mạnh: “chỉ sau khi Hoa Kỳ chấm dứt không
điều kiện việc ném bom và bất cứ các hoạt động gây hấn nào khác chống
Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thì họ mới có thể nói chuyện”.
Ngày
6/10/1967, Wallner -đại diện HK ở Paris, nhờ Marcovich trao cho đại
diện Hà Nội ở Paris một dự thảo thông điệp xác nhận: Mỹ chấm dứt mọi
hình thức đánh phá nước VNDCCH mà không nói đến điều kiện, Hà Nội có
thể nhanh chóng tiến hành thảo luận với HK. Wallner nói thêm nếu đại
diện Hà Nội đồng ý, Kissinger sẽ sang Paris trao tận tay cho BV thông
điệp với nội dung trên. Hà Nội không trả lời. (3) Trong hồi ký, cựu Bộ
trưởng Quốc phòng McNamara tiết lộ trong buổi họp nội các ngày
18/10/1967, TT Johnson đã chỉ thị cho Kissinger thông báo cho Bắc VN về
sự tiếp tục sẳn sàng đàm phán của Hoa Kỳ. (4)
Trong giai đoạn
chuyển tiếp, từ tháng 11/1967 đến tháng Giêng 1968, Lực lượng Vũ trang
Giải Phóng Miền Nam (Việt Cộng) chuẩn bị thực hiện Nghị quyết của Bộ
Chính trị Đảng CSVN (tháng 12/1967): “Chuyển cuộc chiến tranh Cách mạng
miền Nam sang một thời kỳ mới, thời kỳ giành thắng lợi quyết định”. (5)
Đó là cuộc Tổng công kích + Tổng khởi nghĩa toàn miền Nam vào dịp Tết
Mậu Thân 1968 mà giới lãnh đạo CSVN kỳ vọng sẽ đánh bại VNCH giành toàn
bộ chính quyền; nếu không, những thắng lợi quân sự sẽ làm cơ sở giành
ưu thế về chính trị trên bàn đàm phán.
Sau này, Thượng tướng
Trần Văn Trà –nguyên Tư lịnh Quân Giải Phóng MN nhận xét: “Đi vào tổ
chức thực hiện một quyết định lớn như vậy mà Bộ Chính trị chỉ dành cho
các cấp ở chiến trường có ba tháng, thật là quá ngắn ngủi”. Ông cho
biết mục tiêu đề ra là “Tiêu diệt và làm rã tuyệt đại bộ phận quân đội
Sài Gòn, đánh đổ chính quyền các cấp và giành toàn bộ chính quyền về
tay nhân dân” và “tiêu diệt một phần quan trọng sinh lực và phương tiện
chiến tranh của Mỹ” thì thật là vượt quá nhiều khả năng thực tế ta có.
Thứ nhất ta không đủ sức -lực lượng ta chỉ bằng 1/5 của Mỹ và quân đội
Sài Gòn về bộ binh. Còn không quân, hải quân và cơ giới thì chúng có ưu
thế tuyệt đối”… Ông chua chát kết luận: “Như vậy đề ra chủ trương
TCK-TKN để giành toàn bộ chánh quyền về tay nhân dân” mà cán bộ và
chiến sĩ ta diễn đạt gọn và đơn giản lúc đó là “dứt điểm” thì thật là
hoàn toàn không thực tế, không thể thực hiện nổi, vượt quá sức của ta
và coi thường khả năng và phản ứng của Mỹ”. (6)
Tại Khe Sanh
từ đầu tháng 12/1967, tin tình báo cũng như không thám và các máy điện
tử khám phá BV đã bố trí nhiều trận địa pháo và hoả tiễn ở những đồi
núi bao quanh căn cứ, trong khi nhiều sư đoàn chủ lực BV và các đơn vị
pháo đang dồn về mục tiêu này. HK phải đưa một Trung đoàn TQLC trở lại
Khe Sanh. Đêm 20/1/1968 Cộng quân bắt đầu khai hoả với hàng ngàn hoả
tiễn, tiếp theo là các trận mưa pháo vào căn cứ. Kho chứa đạn khổng lồ
trong căn cứ với 1500 tấn đã phát nổ. Phi đạo Khe Sanh dài 1.2 cây số
bị cày nát phân nửa. Tướng Westmoreland khẩn cấp gởi 1500 quân tăng
cường lực lượng phòng thủ, trong đó có TĐ 37 Biệt Động Quân VNCH. Quân
Mỹ + Việt đổ bộ xuống Khe Sanh dưới làn mưa đạn.
Lúc bấy giờ
cứ điểm này đang bị bao vây bởi khoảng 19 ngàn quân thuộc ba sư đoàn
304, 324, 325c Bắc Việt và có khả năng bị tràn ngập với chiến thuật
biển người bất cứ lúc nào. Cục diện này tương tự trận Điện biên Phủ hồi
đầu tháng 5/1954, khiến nhiều người lo ngại Khe Sanh có thể là chiến
trường sẽ kết thúc chiến tranh VN. Tin tức chiến sự ở Khe Sanh là tin
nóng bỏng nhất thế giới hồi đầu năm 1968, hầu như khắp nơi đều nhìn về
VN theo dõi các biến cố đang xảy ra ở đây. Nhưng tình hình lại diễn ra
theo hướng khác với cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân (30/1/1968): Cộng
quân đồng loạt mở cuộc tấn công vào Sài Gòn và hầu hết các tỉnh lỵ ở
miền Nam. Nhưng ở Khe Sanh tình hình lại yên tỉnh. Sự lắng dịu chỉ kéo
dài 6 ngày. Sau đó trận chiến trở nên ác liệt, lần đầu tiên có cả chiến
xa PT-76 do LX chế tạo được đưa vào trận địa. Có đêm cộng quân pháo
kích 1300 quả đạn đủ loại liên tục 8 giờ vào Khe Sanh làm nổ tung một
kho đạn trong căn cứ.
Cuộc chiến Khe Sanh đầu năm 1968 kết thúc
cùng lúc với đợt 1/Tổng công kích Tết Mậu Thân. Tình hình Khe Sanh lắng
dịu trở lại từ cuối tháng 3/1968. Sau 77 ngày đêm chiến đấu, tổng kết
số thương vong của hai bên được ghi nhận như sau: HK có 199 tử thương,
1600 bị thương. VNCH có 34 tử thương, 184 bị thương. Riêng CSBV số tử
thương ước tính từ 10 ngàn đến 13 ngàn.
Sau này, các sách vỡ
về chiến tranh VN có những nhận xét khác nhau về cuộc chiến Khe Sanh.
Một lập luận cho rằng tướng Võ Nguyên Giáp muốn dụ HK dồn quân vào Khe
Sanh để rảnh tay tấn công các vùng khác. Một lập nữa lại cho rằng tướng
Giáp bao vây Khe Sanh với lý do muốn tạo một Điện Biên Phủ thứ hai buộc
HK phải đầu hàng, rút lui khỏi miền Nam VN. Còn tài liệu chiến sử HK
lại cho rằng tướng Westmoreland đã “tương kế tựu kế”. Ông mong Cộng
quân tập trung nhiều binh đoàn gần Khe Sanh để ông dùng hoả lực pháo
binh và phi cơ tiêu diệt. (7)
Riêng cá nhân tôi, nghiên cứu về
cuộc chiến của đất nước mình, tôi có nhận định khác, khi nhìn lại những
biến cố tiếp diễn sau đó. Ngày 30/3/1968 TT Johnson ra lệnh xuống thang
chiến tranh, hạn chế ném bom miền Bắc, nhằm tạo điều kiện cho việc
thương thuyết sớm khai diễn. Ba ngày sau chính phủ VNDCCH ra tuyên bố
sẵn sàng cử đại diện tiếp xúc với Mỹ. Cuộc đàm phán Mỹ và BV bắt đầu từ
13/5/1968 tại Paris giữa đại biểu Hà Nội, ông Xuân Thuỷ và đại diện HK,
ông Harriman.
Đàm phán với CS Bắc Việt để giải quyết cuộc
chiến ở Nam VN là chủ trương của HK. Một tháng sau khi ra lệnh cho hai
Tiểu đoàn TQLC đổ bộ vào Đà Nẳng, tại Đại Học John Hopkins ngày
7/4/1965, TT Johnson mời gọi BV ngồi vào bàn hội nghị để giải quyết
chiến tranh bằng đường lối hoà bình. Hà Nội luôn khước từ, trong ba năm
sau đó, HK phải xử dụng hai gọng kềm: dội bom miền Bắc và đưa quân vào
miền Nam VN để làm áp lực. Năm 1968 cuộc đàm phán đã khai diễn, chủ
đích của HK đã đạt được. Từ đó, tôi cho rằng Khe Sanh đóng một vai trò
quan trọng trong việc kết thúc chiến tranh VN. Năm 1967, Hà Nội đòi HK
phải rút khỏi NamVN và thừa nhận Mặt trận Giải phóng. HK sẵn sàng đáp
ứng đòi hỏi này, nếu MTGPMN chứng tỏ họ mạnh hơn VNCH và được nhân dân
miền Nam ủng hộ. Cuộc Tổng công kích - Tổng khởi nghĩa Tết Mậu Thân sẽ
trắc nghiệm điều đó.
Từ trước đến nay, có nhiều nguồn tin nói
rằng Mỹ và Hà Nội đã thoả thuận “án binh bất động” để Lực lượng vũ
trang GPMN dốc toàn lực vào cuộc Tổng công kích -Tổng khởi nghĩa khắp
các thị trấn, đô thị miền Nam. Họ lập luận nếu quả thật MTGPMN có ưu
thế, được sự ủng hộ của dân chúng như họ thường rêu rao “kiểm soát 3/4
dân số và 4/5 đất đai” thì HK sẵn sàng rút quân để MTGP quản lý công
việc MN theo cương lĩnh của họ. Nếu không thắng, MTGP sẽ cùng chính
quyền Sài Gòn đàm phán, giải quyết chiến tranh bằng con đường hoà bình.
Chiến trường Khe Sanh diễn ra ác liệt 10 ngày trước khi CS mở ra cuộc
Tổng công kích Tết Mậu Thân. Lúc đó, ai cũng thấy CSBV và HK đều dồn nổ
lực vào Khe Sanh và đều có ý nghĩ nơi đây sẽ giải quyết cuộc chiến VN.
Nhưng đó chỉ là kế “dương Đông kính Tây”. Quân Mỹ và Cộng sản Bắc Việt
đều tập trung vào Khe Sanh, họ để Quân Giải phóng MN đọ sức với QLVNCH
trong dịp Tết, thời điểm mà người lính Cộng Hoà lơ là trong phòng thủ
vì đã có lịnh hưu chiến để ăn Tết cổ truyền. Như vậy, có thể nói chiến
sự Khe Sanh để đánh lạc hướng trong âm mưu trắc nghiệm sức mạnh của Mặt
trận Giải phóng Miền Nam nhằm đưa CS ngồi vào bàn hội nghị.
Hai
mươi năm sau, vào năm 1988, Trần Bạch Đằng -cựu bí thư Thành uỷ Sài
Gòn- Gia định, người đã chỉ huy cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân ở chiến
trường trọng điểm Sài Gòn đã dành cho ký giả Úc Clayton Jones một cuộc
phỏng vấn về biến cố này. Ông nói: “Chúng tôi bị dồn vào thế phải tổng
công kích, dù chúng tôi đã cố gắng tìm kiếm nhiều giải pháp chính trị
khác. Tôi đã thông báo điều này với chính Đại sứ Bunker vào năm 1967
khi chiến tranh sẽ là một điều tất yếu”. Ông Đằng cho biết từ năm 1966
đến 1969, Việt Cộng đã tiếp xúc nhiều lần với Mỹ để trao đổi tù binh.
Chính Bunker đã can thiệp để trả tự do cho vợ của Đằng là bà Nguyễn Thị
Chơn, sau này là phụ tá đắc lực của bà Nguyễn Thị Bình tại bàn đàm phán
Paris. (8)
Ngoài ra, vợ ông Trần Bửu Kiếm là bà Dược sĩ Phạm thị
Yên cũng được Mỹ phóng thích năm 1967 “để thực hiện một âm mưu chính
trị mới”. Ông TBK là trưởng phái đoàn đầu tiên của MTGPMN tại hoà đàm
Paris. Bà Yên là trưởng ban trí vận thành phố Sài Gòn bị bắt khoảng năm
1961, bị giam ở Côn Đảo. Năm 1967, Mỹ đưa bà về Sài Gòn, vào bệnh viện
tư của bác sĩ Nguyễn Duy Tài, cho gia đình đến thăm nom. Vài tuần sau
Mỹ chở bà lên biên giới Tây Ninh, đưa ít tiền ria và bảo: Bà đi thẳng
thì lên Pnôm Pênh, có sứ quán của Việt Cộng ở đó. Bà rẽ tay mặt, thì
vào chiến khu Việt Cộng. Tuỳ bà lựa chọn. Bà quyết định lên Pnôm Pênh.
Năm 1968 bà trở về miền Nam và qua đời sau cơn sốt ác tính năm 1971.(9)
Tiết lộ của Trần Bạch Đằng về việc ông tiếp xúc với Đại sứ HK
Bunker trước khi xảy ra biến cố Tết Mậu Thân đã giải toả một bí ẩn lớn
mà từ trước nay những ngưòi nghiên cứu chiến tranh VN luôn thắc mắc. Họ
tin rằng đã có một thoả thuận ngầm nào đó giữa HK và CSVN về biến cố
này…Nhưng chưa có tài liệu chứng minh, phải dành cho nó hai chữ “tồn
nghi”.
Trong cuộc tấn công Tết Mậu Thân, một sử gia HK đã nhận
xét: “Việt Cộng đã chịu một thất bại quân sự nặng nề. Hàng chục ngàn
cán binh cuồng tín nhất, có kinh nghiệm nhất từ vùng rừng núi nhẩy vào
vùng đồng bằng và thôn quê gánh chịu những trận mưa bom chết người.
Việt Cộng mất cả một thế hệ chiến binh và nhân dân thành phố cũng không
chịu nổi dậy theo chúng”. (10) Nhờ đó, Hà Nội mới chấp nhận đàm phán
theo đề nghị của HK. Dù thắng hay bại, CS luôn tự hào đã đến bàn hội
nghị với Mỹ không phải dưới áp lực của bom đạn mà đã mở ra trận tổng
tấn công khắp nơi kể cả Sài Gòn và Toà Đại sứ Mỹ.
Trong đàm phán
HK đưa ra đề nghị: HK và CSBV đồng rút quân khỏi miền Nam. Công việc
miền Nam sẽ do nhân dân ở đây tự quyết định. Trong 4 năm thương thảo,
Hà Nội đòi Mỹ phải rút quân khỏi miền Nam, còn họ nêu ra nhiều lý lẽ để
né tránh, không chịu rút quân về Bắc để kéo dài chiến tranh. Đến 1972,
năm cuối cùng của nhiệm kỳ mà TT Nixon hứa với nhân dân Mỹ sẽ giải
quyết xong chiến tranh VN, khó có thể thực hiện được. HK phải tìm sự
hợp tác với LX và TC để kết thúc chiến tranh. HK dành cho LX nhiều ưu
đãi, hưởng qui chế tối huệ quốc, bán lúa mì với giá rẻ…Đối với Bắc
Kinh, HK không dùng quyền phủ quyết giúp Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa
trở thành hội viên LHQ và là thành viên thường trực Hội đồng Bảo An có
quyền hạn ngang hàng với LX và HK. Mối quan hệ giữa HK và hai nước CS
đàn anh dựa trên cơ sở hai bên đều có lợi, cùng hợp tác bảo vệ hoà bình
thế giới.
Được sự đồng thuận của LX và TC, Hiệp định Paris
1973 do Mỹ chủ động ra đời, chấm dứt chiến tranh dựa trên cơ sở không
có sự can thiệp từ bên ngoài. Hội đồng Quốc gia Hoà hợp và Hoà giải dân
tộc gồm ba thành phần ngang nhau sẽ đứng ra tổ chức cuộc tuyển cử dân
chủ tự do để người dân miền Nam VN thực hiện quyền tự quyết của mình.
Kết quả cuộc bầu cử, nếu được tổ chức theo tinh thần HĐ Paris 1973 có
lẽ cũng tương tự như cuộc tuyển cử ở Cam Bốt khi nước này thi hành
Paris 1991. Nghĩa là không có một lực lượng chính trị nào giành được ưu
thế. Quốc hội do nhân dân miền Nam bầu ra sẽ phải thành lập một chính
phủ liên hiệp và theo thể chế trung lập. Vì đó là xu thế phát triển của
khu vực lúc bấy giờ. Từ khi thành lập hồi năm 1967, năm nước ASEAN đều
có khuynh hướng thân Mỹ… Nhưng khi thấy Mỹ quyết tâm chấm dứt chiến
tranh và rút lui khỏi MNVN, họ vội chuyển hướng chiến lược. Tháng
11/1967, năm nước ASEAN ra tuyên bố: “Cùng nhau hành động để biến vùng
này thành một khu vực hoà bình, tự do và trung lập”.
Tóm lại mục
tiêu của HK khi can dự vào cuộc chiến VN là giúp nhân dân miền Nam VN
được hưởng các quyền tự do dân chủ, được tự quyết định vận mạng chính
trị của mình chớ không phải bị áp đặt bởi bạo lực bên ngoài. Muốn vậy,
phải đưa CS vào bàn đàm phán. Để thuyết phục Hà Nội, TT Johnson leo
thang chiến tranh từng bước, một chiến thuật có trù liệu những thời
gian tạm ngưng ném bom, tạo cơ hội cho Bắc Việt chấp nhận thương
thuyết. Thái độ mềm dẻo đó khiến Hà Nội vững tin là HK không có quyết
tâm đánh bại họ. Bắc Việt chỉ có thắng cùng lắm là hoà, nên cứng rắn
không lùi trước áp lực của Mỹ. Họ nghĩ rằng sở dĩ HK ngưng oanh tạc chỉ
vì dư luận chống đối của thế giới. Họ coi đề nghị đàm phán của Mỹ là
dấu hiệu chứng tỏ sự yếu đuối của HK nên tiếp tục đưa quân vào miền Nam
chiến đấu. Họ tin tưởng cuối cùng HK mệt mỏi và rút lui, họ sẽ chiến
thắng.
Khi bước vào đàm phán, Hà Nội bác bỏ đề nghị “song phương
rút quân” của HK. Họ viện cớ rằng Mỹ đưa quân vào miền Nam VN nhằm biến
nơi đây thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ, vì thế họ phải đưa quân vào
Nam để chống Mỹ. HK phãn bác lại, cho rằng vì CS miền Bắc muốn áp đặt
chế độ độc tài lên nhân dân miền Nam, tước đoạt quyền tự quyết của họ.
Và do yêu cầu của VNCH, Mỹ phải gởi quân đến giúp. Do đó đề nghị của HK
là công bằng hợp lẽ phải…Nhưng không thể thuyết phục được Hà Nội. TT
Nixon phải tìm cách vận động hai nước CS đàn anh. Ông cho rằng sự tranh
giành ảnh hưởng giữa các cường quốc đã tạo ra nhiều lò lửa chiến tranh,
điển hình là VN. Để mang lại hoà bình cho thế giới, mở ra giai đoạn hoà
bình hợp tác giữa các cường quốc, HK quyết định rút lui khỏi VN. Nixon
kêu gọi LX và TC cũng tự chế như vậy. Cả hai đều tán đồng, nhờ đó HK đã
bình thường hoá mối quan hệ Đông Tây (Thế giới Tự do và khối CS) Trong
quan hệ với LX, HK dành nhiều ưu đãi cho nước này. Nixon bắt tay với
Mao Trạch Đông, thừa nhận vai trò lớn của TC như là lãnh tụ Thế giới
thứ ba, tạo thế ba chân vạc vì nền hoà bình thế giới.
Sau khi
dàn xếp xong với hai nước CS đàn anh, Nixon chấm dứt chiến tranh VN
bằng một hiệp định hoà bình dựa “trên cơ sở tôn trọng các quyền dân tộc
cơ bản của nhân dân Việt Nam và quyền tự quyết của nhân dân miền Nam
Việt Nam”. Trong đó ghi rõ “nhân dân miền Nam Việt Nam tự quyết định
tương lai chính trị của miền Nam Việt Nam thông qua tổng tuyển cử thực
sự tự do và dân chủ, có giám sát quốc tế” (điều 9) và “Bảo đảm các
quyền tự do dân chủ của nhân dân: tự do cá nhân, tự do ngôn luận, tự do
báo chí, tự do hội họp, tự do tổ chức, tự do hoạt động chính trị, tự do
tín ngưỡng, tự do đi lại, tự do cư trú, tự do làm ăn sinh sống, quyền
tư hữu tài sản và quyền tự do kinh doanh”. (Điều 11)
Những sự
kiện trên đã phản ảnh những điều mà TT Obama đề cập trong diễn văn nhậm
chức, khi ông ta nhắc lại sự đối đầu với chủ nghĩa CS của các thế hệ
trước. Họ biết sử dụng sức mạnh (quân sự) một cách thận trọng, chớ
không phải tuỳ thích; sức mạnh của mục tiêu chính nghĩa; sức mạnh của
những việc mà HK đã nêu gương (công bằng, hợp lý, hai bên đều có lợi…)
cùng sự khiêm cung và tự chế. Đó là biểu tượng của Khe Sanh khi HK đối
phó với chủ nghĩa CS hồi cuối thế kỷ trước. Biểu tượng này vẫn còn hữu
dụng trong thời đại ngày nay khi thế giới ngày càng phát triển, nhiều
thế lực mới xuất hiện, tạo ra nhiều mâu thuẫn mới, tất phải dẫn đến sự
xung đột dưới nhiều hình thức. Vì thế phải tìm cách chuyển xung đột từ
đấu trường sang nghị trường, cuối cùng đi đến kết thúc bằng một thoả
hiệp hai bên đều có lợi.
Bài học VN: Thực trạng đất nước sau khi HK chấm dứt can dự
Sau
khi HĐ Paris 1973 ra đời, để chuẩn bị giành thắng lợi về chính trị,
Trần Bạch Đằng cùng số cán bộ Trí vận và Địch vận MTGPMN ra sức vận
động và tranh thủ các tôn giáo, các sĩ quan VNCH, các nhân sĩ có khuynh
hướng yêu chuộng hoà bình và hoà giải dân tộc…tham gia Lực lượng thứ
ba. Trong khi TT Nguyễn Văn Thiệu luôn kiên định với lập trường “bốn
không”: không thừa nhận cộng sản, không trung lập hoá miền Nam VN,
không lập chính phủ liên hiệp, không nhường đất cho cộng sản. Sau hơn
hai năm không thuyết phục được TT Thiệu thay đổi lập trường, HK bỏ
cuộc. Ngày 23/4/1975 trong diễn văn đọc tại Đại học Tulane, TT Ford
tuyên bố: “Vai trò của Mỹ tại Việt Nam kể như đã chấm dứt và nước Mỹ sẽ
không trở lại một cuộc chiến mà riêng đối với Mỹ đã coi là xong rồi”.
Hà
Nội liền bắn tiếng chỉ chấp nhận nói chuyện với ông Dương Văn Minh
–lãnh tụ Lực lượng thứ ba, để giải quyết vấn đề miền Nam VN. Sau khi
nhậm chức, ông Minh liền cử người đến tiếp xúc với CS. Họ nói rằng giai
đoạn thương thuyết đã qua, giờ đây ông Minh phải đầu hàng vô điều kiện.
Ngay sau đó, cả ba thành phần chính trị ở miến Nam bao gồm những người
quốc gia đã chiến đấu bảo vệ lý tưởng dân chủ tự do, những người cộng
sản hoặc không CS thuộc MTGPMN tham gia phong trào “chống Mỹ cứu nước”,
những người thuộc thành phần thứ ba yêu chuộng hoà bình chủ trương hoà
giải dân tộc, lần lượt bị CSBV loại bỏ.
Cộng sản đã toàn thắng ở
VN. Tháng 12/1976, CSVN triệu tập Đại hội Đảng lần thứ IV. Trong Báo
cáo Chính trị, Tổng Bí thư Lê Duẩn vạch ra chủ trương của đảng trong
giai đoạn mới là: “tiếp tục kề vai sát cánh với các nước Xã hội chủ
nghĩa anh em chống chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là đế quốc Mỹ”. Ông Duẩn
còn kêu gọi “xây dựng và phát triển Mặt trận nhân dân thế giới chống
chủ nghĩa đế quốc, chĩa mũi nhọn đấu tranh vào tên đế quốc đầu sỏ là
Mỹ”. (11)
Tháng 11/1978, Tổng Bí thư Lê Duẩn đi LX cùng Breznhev
ký Hiệp ước hữu nghị hợp tác Xô Việt (3/11/1978). Ông Duẩn cho rằng “sự
hợp tác toàn diện với Liên Xô theo hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt-Xô
là hòn đá tảng của đường lối quốc tế và chính sách đối ngoại của Đảng
và nhà nước”. (12) Ba tháng sau, vào cuối năm 1978, CSVN đưa quân sang
Cam Bốt lấy cớ giúp nhân dân Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot
để xoá bỏ nhà nước Campuchia Dân chủ, lập ra nước Cộng hoà Nhân dân
Campuchia do số cán bộ Khmer thân Hà Nội lãnh đạo.
Từ Bắc Kinh
hệ thống truyền thông không ngớt lên án “tiểu bá” VN liên kết với “đại
bá” LX thực hiện mưu đồ bá quyền ở Đông Nam Á. Vào thời điểm này TC
thiết lập bang giao với Mỹ (1/1/1979). Ngay sau đó, Đặng Tiểu Bình đến
thăm Mỹ, ông hô hào “Trung Quốc, Tây Âu, Nhật Bản và Hoa Kỳ cần phải
thống nhất trong một liên minh chống bá quyền”. Đặng tuyên bố “Bắc Kinh
sẽ dạy cho Việt Nam một bài học”. Trên đường về nước, khi ghé Đông
Kinh, Đặng nói với cựu thủ tướng Nhật Kakuei Tanaka là sẽ “trừng phạt
Việt Nam nặng nề” (13)
Dù điều 6 của Hiệp ước hợp tác Xô Việt
qui định rõ “trong trường hợp một trong hai bên bị tấn công thì hai bên
đã ký hiệp ước sẽ lập tức trao đổi ý kiến và áp dụng những biện pháp
thích đáng có hiệu lực để bảo đảm hoà bình và an ninh của hai nước”…
Song TC bất kể phản ứng của LX, họ huy động 60 vạn quân mở cuộc tấn
công qui mô vào VN trên tuyến biên giới dài hơn 1000 cây số.
Chưa
đầy 5 năm sau khi HK rút lui khỏi VN, chiến tranh lại tái phát. Lần
này, các nước CS đánh nhau báo hiệu bước thoái trào của chủ nghĩa cộng
sản. Thế giới tấn công Mạc Tư Khoa vì họ xâm lăng Afghanistan và yểm
trợ CSVN đưa quân vào Cam Bốt. Sau 10 năm sa lầy vì hai cuộc chiến này,
cuối cùng Hà Nội và Mạc Tư Khoa đều phải rút quân về nước. Một vài năm
sau LX sụp đổ, khối CS Đông Âu tan rã. Chiến tranh lạnh hay cuộc đối
đầu của HK chống chủ nghĩa CS chấm dứt.
Khi LX sụp đổ, hệ thống
XHCN cáo chung, giới lãnh đạo CSVN vội đến Thành Đô xin nối lại bang
giao với TC. Chủ trương của Hà Nội là đoàn kết hai nước “hợp tác bảo vệ
chủ nghĩa xã hội, chống đế quốc Mỹ”. Để làm vừa lòng TC, tướng Lê Đức
Anh còn đề ra “giải pháp Đỏ” nhằm thúc đẩy hai lực lượng CS Khmer (Pol
Pot và Hun Sen) hợp tác với nhau để củng cố xã hội chủ nghĩa. Trong
quyển “Hồi ức và suy nghĩ” (2003) cựu thứ trưởng Ngoại giao Trần Quang
Cơ, người đã đại diện Hà Nội trực tiếp đàm phán với Bắc Kinh tại Thành
Đô tiết lộ: “Chiến lược của Trung Quốc là đặt ưu tiên cao nhất vào việc
tranh thủ Mỹ, phương Tây, ASEAN để phục vụ mục tiêu ‘bốn hiện đại hoá”.
Nên họ nói rõ họ coi quan hệ với Việt Nam sau này chỉ nằm trong phạm vi
quan hệ giữa hai nước láng giềng… Quan hệ Việt Nam – Trung Quốc không
thể làm cho Mỹ và ASEAN lo ngại”.
Còn “giải pháp đỏ”, họ cũng
chỉ trả lời là phải giải quyết xong vấn đề Campuchia, họ mới tính đến
việc này. Thực chất phương án của TQ là nhằm xoá đi chính quyền và quân
đội của Hun Sen để giao thực quyền cho cựu hoàng Sihanouk”.
Ông
Cơ kết luận: “Cuộc hội đàm Thành Đô tháng 9/1990 hoàn toàn không phải
là một thành tựu, hiện tại (2003) đó là một sai lầm hết sức đáng tiếc
về đối ngoại. Vì quá nôn nóng cải thiện với TQ, đoàn ta đã hành động
một cách vô nguyên tắc, tưởng rằng thoả thuận như thế sẽ được lòng Bắc
Kinh…Việc bình thường hoá quan hệ với TQ, làm cho uy tín quốc tế của ta
bị hoen ố”. Ông Cơ nói thêm “TQ một mặt bác bỏ những đề nghị của ta,
nhưng mặt khác lại dùng ngay những đề nghị đó chơi xấu ta với các nước
khác nhằm tiếp tục cô lập ta”.
Đúng như nhận xét của ông Cơ
“Chiến lược của TQ là đặt ưu tiên cao nhất vào việc tranh thủ Mỹ…” Đó
là con đường mà Đặng Tiểu Bình đã thực hiện từ 1979 khi TQ bình thường
hoá bang giao với Mỹ và Nhật. Kế hoạch hiện đại hoá XHCN của Đặng thành
công, TC càng ve vãn Mỹ, Nhật và khối ASEAN để TQ sớm hội nhập với thế
giới qua hai tổ chức APEC và WTO. Và họ đã đạt được mục tiêu này hồi
năm 1998 và 2000.
Từ khi Nixon gặp Mao hồi tháng 2/1972, TC đã
hợp tác với HK kết thúc cuộc chiến ở VN, mối quan hệ ngày càng phát
triển, hai bên đã chính thức thiết lập bang giao vào đầu năm 1979.
Trong khi LX và CSVN tiếp tục chống Mỹ. Khi LX sụp đổ những người lãnh
đạo CSVN quay về với TC, kỳ vọng sẽ tiếp con đường chống đế quốc Mỹ.
Một tính toán sai lầm! TQ giờ đây đâu còn chống ĐQ Mỹ như hồi thập niên
1950-60. Giang Trạch Dân vạch ra phương châm cho mối quan hệ mới
Việt-Trung là “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài,
hướng về tương lai”. Số phận đất nước cũng giống như số phận đoạn
trường của Thúy Kiều của Nguyễn Du
“Chém cha cái số ba đào,
Cổi ra rồi lại cột vào như chơi”.
Thúy
Kiều vừa thoát khỏi lầu xanh, số phận đẩy đưa, lại trở lại lầu xanh,
chịu cảnh “thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần”. Còn CSVN đã thoát khỏi
kẻ thù của mình (cũng là kẻ thù truyền kiếp của dân tộc), lại bổng dưng
tự nguyện “đưa cổ vào tròng” trở lại. Vì hợp tác toàn diện với TQ, hai
cố vấn tối cao Đỗ Mười và Lê Đức Anh chỉ thị TT Phan Văn Khải khước từ
thiện chí của TT Clinton giúp Hà Nội gia nhập WTO hồi cuối năm 1999. Vì
láng giềng hữu nghị, trong hiệp ước biên giới và lãnh hải, CSVN đã mất
nhiều đất và biển so với các hiệp ước biên giới mà Pháp nhân danh VN đã
ký với triều đình nhà Thanh hồi năm 1886. Cũng vì tình hữu nghị mà năm
1958 Chủ tịch Hồ Chí Minh và TT Phạm Văn Đồng đã sốt sắng công nhận
tuyên cáo lãnh hải 12 hải lý của Bắc Kinh, trong đó TQ xác nhận Hoàng
Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của họ.
Tình hữu nghị với TQ
do ông HCM vun bồi đã đổ vỡ từ sau 1975 khi Tổng bí thư Lê Duẩn lên án
Bắc Kinh là bọn phản động, tiếp tay với đế quốc Mỹ. Từ đó BK trở thành
kẻ thù của Đảng CSVN. Tình hữu nghị Việt-Trung đã không còn thì công
hàm năm 1958 của TT Phạm Văn Đồng gởi TT Chu Ân Lai cũng không còn giá
trị. Nhưng nay lại kẹt vì đảng CSVN đã quay về với TQ với chủ trương
hợp tác toàn diện, hữu nghị lâu dài… thì làm sao có thể giành lại được
Hoàng Sa và Trường Sa!
Trong cảnh đoạn trường, tiến thoái lưỡng
nan… nhiều người cộng sản phân vân giữa hai lựa chọn: “Theo Trung Cộng
thì mất đất” còn “Theo Mỹ thì mất đảng”. Để ra ngoài vấn đề “mất đất
hay mất đảng” câu hỏi đặt ra là:
- Tại sao phải theo TC? Không có một thế lực nào bắt buộc ta phải theo TC cả?
- Tại sao phải theo Mỹ? Cũng không có ai buộc mình phải theo Mỹ cả?
Cả
hai sự lựa chọn trên nếu có, đều không thực tế. Vì sao? Do thế địa lý
chính trị, VN nói riêng và Đông Dương nói chung là nơi duy nhất trên
thế giới có chiến tranh liên tục trong gần nửa thế kỷ (1946-1990). Cuộc
chiến này tác hại nặng nề đến mối bang giao giữa các cường quốc. Vì thế
đây cũng là nơi duy nhất, trong vòng bốn thập niên đã có tới bốn hội
nghị quốc tế được triệu tập với sự tham dự của tất cả 5 thành viên
thường trực Hội đồng Bảo An LHQ. Đó là: Hội nghị Genève 1954 về Đông
Dương, HN Genève 1962 về Lào, HN Paris 1973 về VN và HN Paris 1991 về
Cam Bốt.
Trong hội nghị Genève 1954, các cường quốc thừa nhận
Lào và Cam Bốt là hai nước trung lập. Còn VN tạm thời chia đôi. Cuộc
tổng tuyển cử thống nhất VN dự trù diễn ra năm 1956 bất thành. Hai đồng
chủ tịch hội nghị Genève 1954 là Liên Xô và Anh Quốc đều nhìn nhận
rằng: “tổng tuyển cử thực ra không quan trọng bằng việc duy trì hoà
bình”. Để rảnh tay đối phó với vấn đề nội bộ LX chủ trương sống chung
hoà bình với Mỹ. Họ còn đề nghị thu nhận hai nước VN vào LHQ như là hai
quốc gia riêng biệt. Việc thừa nhận nguyên trạng chính trị ở VN với hai
chính phủ cùng tồn tại hoà bình đã được TC đề cập ngay sau khi hội nghị
Genève bế mạc. TT Chu Ân Lai đã đề nghị với đại sứ Ngô Đình Luyện, bào
đệ thủ tướng nam VN về đặt sứ quán hai nước ở Bắc Kinh và Sài Gòn. (14)
Năm
1960, CSVN triệu tập Đảng lần thứ III, phát động chiến tranh giải phóng
MN. Hà Nội liền khuynh đảo chính quyền trung lập của Lào, đưa quân vào
Hạ Lào thiết lập đường mòn HCM chuyển vận người và vũ khí vào Nam VN.
Nội chiến Lào bùng nổ, Hội nghị Genève 1962 được triệu tập, các cường
quốc tái xác nhận Lào trung lập. Hơn một thập niên sau, HĐ Paris 1973
ra đời, các cường quốc tham gia một hội nghị quốc tế về VN, đồng ký một
bản Định ước trước sự chứng kiến của ông TTK/LHQ, tuyên bố tán thành và
ủng hộ HĐ Paris. Việc hiệp định qui định một hội đồng (thực sự là một
chính phủ) hoà giải và hoà hợp dân tộc gồm ba thành phần ngang nhau
đứng ra tổ chức cuộc bầu cử, đã hàm ý chính phủ tương lai thành hình
tại miền Nam sau chiến tranh sẽ là liên hiệp trung lập, không có sự can
thiệp từ bên ngoài.
Ông Dương Văn Minh lên cầm quyền với thiện ý
sẽ thực hiện kế hoạch trên, nhưng CS buộc ông đầu hàng. Sau đó chiến
tranh VN tái phát ở biên giới Tây Nam, Hà Nội liền đưa quân sang Nam
Vang lật đổ Pol Pot. Cuối cùng một hội nghị quốc tế lại được triệu tập
để chấm dứt cuộc chiến Cam Bốt. HĐ Paris 1991 ra đời rập khuôn hiệp
định Paris 1973 về VN. Chỉ có điểm khác, ở VN có Hội đồng Quốc gia Hoà
giải gồm ba thành phần còn ở Cam bốt có bốn thành phần, vì phe CS có
hai nhóm: Khmer Đỏ của Pol Pot (thân TC) và Khmer Đỏ Hun Sen (thân
CSVN). Một cuộc tuyển cử dưới sự giám sát của LHQ đã được tiến hành vào
năm 1993. Từ đó Cam Bốt trở thành một quốc gia đa đảng.
Tóm lại,
do thế địa lý-chính trị, VN chỉ có một con đường duy nhất, một sự lựa
chọn duy nhất là đứng ngoài ảnh hưởng của các cường quốc. Đi sai con
đường tất yếu đó, hơp tác toàn diện với LX nên chiến tranh tiếp diễn
sau 1975. Hợp tác toàn diện với TC thì mất một phần đất ở thác Bản Giốc
ở Ải Nam Quan… còn Hoàng Sa và Trường Sa thì khó lòng thu hồi lại được,
trong khi đất nước ngày càng tụt hậu. Tất cả chỉ vì ý tưởng “chống Mỹ”.
Nay TT Obama nhắc lại chiến tranh VN chỉ vỏn vẹn hai chữ Khe Sanh. Vậy
Khe Sanh mang ý nghĩa gì trong chiến tranh VN?
Có phải Khe
Sanh đã góp phần chuyển cuộc chiến VN đã kéo dài quá lâu từ “đánh” sang
“đàm”. Rồi từ “đàm” sang kết thúc. Sau đó “Miền Bắc và miền Nam Việt
Nam sẽ không tham gia bất cứ liên minh quân sự hoặc khối quân sự…”
(Điều 15d/HĐ Paris 1973) Đó chính là mục tiêu của HK ở Việt Nam mà TT
Johnson đã tuyên bố tại Đại học John Hopkins ngày 7/4/1965: “Nơi đây
[VN] không phải là căn cứ quân sự cho nước nào và cũng không liên minh
với nước nào”. Trong điều kiện độc lập đó, một dân tộc vốn có truyền
thống tự chủ tự cường sẽ phát huy sức mạnh bằng sự họp tác toàn dân để
mang lại phồn vinh cho đất nước, không còn hợp tác liên minh với ngoại
bang đem thảm họa lại cho dân tộc.
Nhắc Khe Sanh cũng chưa đủ,
TT Obama còn nhắc Gettysburg, cho thấy nhân dân Mỹ cũng có truyền thống
cao đẹp như dân tộc Việt Nam “Người trong một nước phải thương nhau
cùng”. Nhờ đó mà sau nội chiến, họ không còn thù hận, góp phần hàn gắn
vết thương chiến tranh nhanh chóng, đất nước trở nên phú cường. Đây có
thể là thông điệp mang nhiều ý nghĩa mà TT Obama muốn gởi đến Việt Nam
vừa giúp HK xoá đi “hội chứng Việt Nam” đã ám ảnh họ từ bấy lâu nay.
Lê Quế Lâm
(1) Peter Wells, The American War of Independence. Holder & Stroughton, London, 1967, pp. 124/125.
(2) Lyndon B. Johnson, The Vantage Point: Perspectives of the Presidency. Redwood Press Ltd, London, 1972, pp. 592-95
(3) Nguyễn Đức Thiện, Diễn tiến và hậu quả HĐ Paris 1973 về Việt Nam. Tự Lực, Hoa Kỳ, 205, tr. 162-179.
(4) Robert S. McNamara, In Retropect – The Tragedy and Lessons of Vietnam. Times Books, Random House, New York, 1995, p. 302
(5) Học Viện Quan hệ Quốc tế, Thắng lợi có tính thời đại và cuộc đấu tranh trên mặt trận đối ngoại của nhân dân ta. Nxb Sự thật, Hà Nội, 1985, tr. 88
(6) Chung một bóng cờ (Về Mặt trận Giải phóng MNVN). Nxb Chính trị Quốc Gia, Hà Nội, 1993, tr.305.
(7) Phạm Cường Lễ, Khe Sanh 77 ngày trong năm 1968.
(8) John Clayton, “Twenty Years Ago: The Tet Offensive – Viet says: We are forced into Tet”, The Christian Science Monitor, Vol 80, Feb 1-7, 1988.
(9) Chung một bóng cờ, Sđd, tr. 947-49.
(10) Don Oberdorpher, Tet. Doubledy & Co, New York, 1971, pp. 329-30.
(11) Lê Duẩn, Tình hình thế giới và chính sách đối ngoại của nhân dân ta. Nxb Sự thật Hà Nội, 1980, tr. 112.
(12) Lê Duẩn, Đoàn Kết và hơp tác toàn diện với Liên Xô, là nguyên tắc, là chiến lược và tình cảm của chúng ta. Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1982, tr 117.
(13) Grant Evans & Kelvin Rowley, Red Brotherhood At War: Indochina Since The Fall of Saigon. Pluto Press, Australia, 1984, p.129
(14) Sự thật quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong 30 năm qua, Văn kiện của Bộ Ngoại giao nước Cộng hoà XHCN Việt Nam. Nxb Sự thật, Hà Nội, 1979, tr.38.