Thứ Ba, 2024-11-05, 8:41 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Hai » 8 » Đầu xuân du hí, đã gặp... du côn
6:01 AM
Đầu xuân du hí, đã gặp... du côn

Trần Khải Thanh Thủy

7 giờ sáng ngày 4-2- 2009 tức mồng 10 tết Kỷ Sửu, tôi vừa lò dò xuống nhà chia tay hai con gái đi học thì nhận ra anh Nguyễn Kim Nhàn - người căng biểu ngữ ở cầu Lai Vu được đảng ưu ái cho vào khám B14 ngồi một lệnh 4 tháng, nay được tại ngoại.

Ngồi chưa ấm chỗ lại thêm một cú điện thoại của Vương Chí Kiều (Yên Bái) gọi đến báo tin đang ở ngoài phố Khâm Thiên, nơi gia đình tôi mới chuyển về, nhưng không tìm được nhà. Biết rõ Hà Nội là thành phố của những ngõ ngách, người từ Yên Bái về như Kiều khó có thể xác định nổi địa chỉ của ngôi nhà giữa "trận đồ bát quái", nên tôi vội nhờ anh Nhàn làm người "cầm lái vĩ đại" đi đón. Sau đó đến lượt Phương Anh, nhà ngay gần khu vực Bách Khoa cũng không biết nhà, anh Nhàn lại một lần nữa đèo tôi ra ngõ đón. Tay bắt mặt mừng, niềm vui nối tiếp niềm vui khi nghe tin anh Vi Đức Hồi từ Lạng Sơn về đang chờ Phương Anh tại nhà... Thế là lại nhất cử lưỡng tiện, trong khi nhà không có xe máy, anh Nhàn tình nguyện làm xe ôm không lệ phí, đón anh Hồi... Không ngờ sự đi ra, đi vào của anh Nhàn đã bị những con mắt cảnh giác "Kách mệnh" theo tư tưởng bất minh... của đảng để ý, theo dõi. Ngay lập tức nhà tôi bị phong toả, cả chục chiến sĩ an ninh, kẻ mặc quân phục, người thường phục, không mời mà đến xộc thẳng vào nhà, trong lúc gia đình tôi, Kiều, vợ chồng anh Nhàn tíu tít chuẩn bị ăn bữa cơm xum họp đầu xuân (cách đó một tiếng, Nguyễn Phương Anh và nhà dân chủ "đối mặt" Vi Đức Hồi, cùng một người bạn đã kịp rút). Cuộc đột nhập bất ngờ của cái gọi là lực lượng an ninh Việt Nam làm mọi người mất hứng, không khác gì đang uống sữa tươi ngon lành, mát lạnh, ngọt lịm lại ngửi thấy mùi mắm tôm nồng nặc, thum thủm nơi đáy cốc. Uống vào cổ họng không được mà nhổ ra thì qúa thô, chẳng còn cách nào khác tôi miễn cưỡng bỏ mâm bát đứng dạy, tiếp các "đồng chí".

- Trời đánh còn tránh bữa ăn, các anh đến nhà tôi vào buổi trưa làm gì mà đầy đủ lệ bộ thế này, lực lượng an ninh lúc nào cũng cậy đông áp đảo dân thường nhỉ? Bỏ qua chất giọng móc máy của tôi, một trong số các chú "trâu cỏn buồn sừng húc dậu thưa" lầu bầu lên tiếng

- Chúng tôi là công an phường Trung Phụng, còn đây là các anh Nguyễn văn Thạo, công an bộ, và anh Nguyễn văn Trung - sở công anh thành phố Hà Nội... chúng tôi đến đây để mời anh Nhàn lên đồn phường làm việc.

- Vô lý, tôi cãi: - Anh Nhàn là khách của tôi, anh ấy đến đây là do tôi mời, liên quan gì đến công an mà phải ra làm việc?

Trừ tên Trung và Thạo có thái độ cợt nhả, xoa dịu, còn những tên còn lại mặt như ướp bằng sáp, giải thích

- Anh Nhàn vi phạm pháp luật, bị bắt vào tù, vì lý do sức khoẻ mà được tại ngoại , song lại dám đi khỏi nơi cư trú khi không được phép

Tất cả bùng lên như một quả cầu lửa chứa đầy năng lượng, cả tôi, cả anh Nhàn, và Vương Chí Kiều cùng nói:

- Anh ấy vi phạm gì, có cơ quan an ninh của đảng bắt người trái phép thì có, căng biểu ngữ giúp nhà nước chống tham nhũng theo lời kêu gọi của đảng và chính phủ mà bị coi là vi phạm à?

- Chúng tôi chỉ biết anh ấy đang trong diện điều tra, cấm ra khỏi địa phận Bắc Giang mà cố tình bỏ đi là phạm pháp. Phía công an đáp

Tiếng anh Nhàn:
- Tôi không vi phạm, chính nhà nước các anh mới là kẻ vi phạm. Gia đình tôi là thành phần trí thức, cả bố, mẹ, anh chị em đều đóng góp, cống hiến cho nhà nước xã hội chủ nghĩa này mà bị đảng cướp trắng công lao, tôi đói, tôi phải đi kiếm ăn chứ.

- Đúng thế, tôi nghiêm túc xác nhận: - Con người là một thực thể vật chất, nếu không có vật chất thử hỏi thực thể đó có sống được không hay chết rũ ra sau vài ngày bị bỏ đói? Các anh cứ trả hết quyền lợi cho người ta đi, rồi hãy bắt người ta ngồi nhà phục vụ cho việc "điều tra" của các anh.

- Việc ấy đã có chính sách của đảng và nhà nước, cụ thể bộ lao động thương binh xã hội lo, chúng tôi không có trách nhiệm.

- Nếu thế anh Nhàn cũng không có trách nhiệm phải đáp ứng nhu cầu của các anh.

Giở giọng chày cối, chúng đáp:
-  Không lôi thôi dài dòng nữa, lên đồn giải thích.

Tức bực vì từ sáng mải khách khứa, trò truyện, chưa có hạt cơm bỏ bụng, lại gặp ngay lũ cướp ngày, tôi nhấm nhẳn:
-  Không phải lên đồn để giải thích mà là các anh thích giải người ta lên đồn để hù doạ, làm bậy thì có.

Biết tôi chơi chữ, tên Trung cố làm ra vẻ thích thú, cất tiếng,
- Ngoa lắm bà ơi.
- Chứ còn gì nữa, tôi lập luận: - Người ta từ Bắc Giang đến đây...ăn một bát cháo chạy ba quãng đồng, đằng này chạy 70 km xe máy, không húp nổi một muỗng cháo
- Thôi, đầu xuân năm mới không lý sự dài dòng, tên Trung đổi thái độ, trở lại giọng hách dịch, mắt vằn lên những tia đỏ giữa lòng trắng , ra lệnh :
- Đề nghị anh em áp giải người này cho tôi.

Thấy anh Nhàn, vẫn ngồi bất động trên các bậc cầu thang, tên Trung trừng mắt, rít khẽ giữa hai hàm răng:
- Đề nghị anh Nhàn đứng dậy

Quay sang Kiều đang mở to mắt xem tấn trò đời của công an, tên Trung khoát tay, ra hiệu:
- Cả anh và chị Lộc nữa, đi luôn.

 Hiểu ra tình thế , tôi gay gắt:
- Có nghĩa là bây giờ, tất cả những ai đến nhà tôi đều bị các anh cưỡng chế phải không?
- Chúng tôi không cưỡng chế, chúng tôi mời - giọng điệu đồng loạt của những kẻ "nạn dân" cất lên
- Mời - tôi dài giọng, mai mỉa: - Nếu vậy, đi hay không là quyền của anh Nhàn, còn giữ anh Nhàn ở lại hay không là quyền của tôi. Đề nghị các người ra cho, đừng kéo hết cả cán bộ chiến sĩ công an vào nhà tôi như thế này, giông lắm.

Tất cả như điếc lác, kẻ ngắm nền nhà, kẻ soi bể kính trơ trọi (vì lạnh qúa cá chết cả loạt), kẻ lăng xăng tắt công tắc bơm nước vì tiếng máy bơm chạy nghe ồn ào âm u, nhiễu "sóng"... mặc những lời yêu cầu cuả chủ nhà rơi tõm vào khỏang không, tiếp tục hạ lệnh với những con người khốn khổ, vô tội là anh Nhàn và Kiều.

Nghe thủng mệnh lệnh của cơ quan an ninh, Vương Chí Kiều cất giọng khẳng khái:
- Tôi báo cho các anh biết, tôi đến nhà chị Thuỷ chúc tết, vô tình gặp anh chị Nhàn, Lộc ở đây, chứ chúng tôi không hẹn trước gì. Ăn xong, chúng tôi sẽ về. Còn các anh cậy khoẻ, cậy đông cậy có luật pháp trong tay muốn bắt thì cứ bắt, chứ nếu mời là tôi không đi đâu đấy. Tôi còn lạ gì kiểu mời của các anh nữa? Lần trước tôi đến nhà Nguyễn Phương Anh chơi, các anh cũng xộc lên tận tầng 2 "mời tôi" ra đồn làm việc đến 12 giờ đêm mới thả cho về. Giữa đêm Hà Nội, đói, lạnh, bơ vơ, tôi biết đi đâu, về đâu? Đấy kiểu mời của các anh là như thế, tôi không tin nữa. Bản thân các anh tự làm mất niềm tin của người dân chúng tôi từ lâu lắm rồi

- Không nói nhiều: - Tất cả lũ nạn dân nhao nhao: - Chúng tôi là những kẻ thừa hành công việc, đề nghị các anh các chị phải tuân thủ luật pháp.

Tôi bắt bẻ :
- Luật nào quy định đến bắt người khi bạn bè tụ tập ở nhà riêng? Luật nào cũng phải dựa trên nền tảng là đạo đức chứ. Đạo đức là nguồn sống của luật pháp cơ mà, nếu không có đạo đức thì luật pháp hết đất sống à?

- Đúng đấy, anh Nhàn hất cổ, vênh cằm, để lộ ra vết sẹo nằm ngay phía dưới quai hàm, phụ hoạ: - Luật của các ông là luật rừng, luật cướp. Tôi đi bộ đội từ năm 17 tuổi, bị thương mất vĩnh viễn 24 % sức khoẻ, đến mức phải rời quân ngũ đi học trung cấp rồi đi làm... vậy mà nhà nước các anh cắt sạch mọi tiêu chuẩn, khiến vợ con tôi cũng phải bỏ, còn tôi phải bán nhà ở thành phố để về thôn quê sinh sống, may mà có cô Lộc cưu mang trong những ngày ở tù, nếu không cũng chết rũ rồi. Giờ thả tôi ra, các anh phải để tôi đi kiếm ăn chứ. Trước khi bị bắt , tôi đem mật ong đến nhà chị Thuỷ, vì chị ấy ốm, các anh biết rõ rồi. Giờ, sau 4 tháng trong trại B14, các anh tịch thu của tôi không còn cả đôi dép rách, thì cũng phải để tôi đi lấy nốt tiền để sống chứ. 27 năm trời không một đồng lương, có ít đâu.

Nghe giọng ảo não than thân trách phận của bậc mày râu, chán cho kiếp nạn làm người ở Việt Nam, tôi thủng thẳng:
- 27 năm vô lương mà không mất dạy là tử tế lắm rồi, lẽ ra người hỏi tội phải là anh Nhàn chứ sao là ngược lại? Luật của đảng và nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam quả là luật rừng.

Quen gặm khúc xương của chủ quẳng cho hàng tháng, nên nghe nhắc đến đảng của mình bằng chất giọng bài xích, bản năng nghề nghiệp trỗi dạy, tên Trung trâng tráo giải thích:
- Luật này do chính tay các anh, các chị ký và có sự đồng thuận, nhất trí cao độ với người soạn thảo đấy thôi.

Không chút kiêng nể, e dè tôi đập thẳng:
- Các cậu nhầm, tôi không bao giờ bầu bán, ký cót cho những kẻ cầm đầu, xuất thân từ đói dốt rách là những kẻ lãnh đạo đất nước này.

Không khi căng thẳng, ngột ngạt như trong lò lửa, giữa mùa đông mà người cứ nóng hầm hập, tê đờ.. .Biết đối thoại cũng vô ich, nhất là một người mà chúng coi là: "ngoa ngôn, lộng ngữ", đầy đủ lập luận, lý lẽ như tôi, nên bằng mọi cách, chúng co kéo anh Nhàn và Kiều đi, chỉ để hai người canh chừng chị Lộc.

Bức xúc trước việc làm của những kẻ săn người, bỗng dưng, không đâu lại bị cả lũ 5,7 đứa áp giải như đưa tội phạm ra trước vành móng ngựa, Vương Chí Kiều bất ngờ hô to:
- Đả đảo đảng cộng sản
- Đả đảo bọn tham nhũng
- Đả đảo công an Việt Nam bắt người vô tội
- Đả đảo bọn bao che cho tội đồ tham nhũng
- Đả đảo...

Giữa trưa nắng hanh hao, se lạnh của tiết trời cuối đông, cả cái hẻm nhỏ nhà tôi, chừng hai chục ngôi nhà, người đang ăn cơm, người đã đi ngủ, người đang nựng ru con, nghe tiếng hô lạ tai nhào hết ra cửa, ngơ ngác trông theo người anh hùng thời đại, bé nhỏ nhưng cương trực, chí khí.

Trước bao ánh mắt ngỡ ngàng, tò mò của người dân vây quanh, Kiều lớn tiếng phản bác việc làm của lũ ác nhân:
-  Tôi đi chống tham nhũng mà bị chúng nó cố tình bắt bớ... Cái xã hội này là xã hội gì mà bắt người vô tội thế này, thưa bà con?

Nhìn hút theo bóng hai người, cho đến khi cả con ngõ chật cứng bóng dáng công an không còn, chúng tôi mới trở vào nhà, trả lời vài câu hỏi thắc mắc của hàng xóm.

... Chạy lên, chạy xuống,lo việc đưa con đi học, thấy hai tên Trung và Thạo vẫn ra sức thúc giục chị Lộc đi với chúng ra đồn làm việc, chồng tôi bực tức bảo:
- Chị Lộc là khách của nhà tôi, các cậu cũng phải đối xử nhẹ nhàng với phụ nữ chứ. Chị ấy dính dáng, liên quan gì đến công việc của hai anh kia mà cứ bắt chị ấy phải lên? Làm gì cũng phải có lý có tình một chút chứ, đã đói lý lại vơi tình, sao có thể chấp nhận được?

Nể lời chồng tôi- một giáo viên có tuổi, chững chạc, lại thấy chị Lộc như con chim sợ làn cung tên, đang rúm lại nơi góc bếp, chúng bỏ đi, sau khi giao hẹn:
-  Chị cứ ở đây, chốc nữa chúng tôi sẽ cho người vào mời chị ra.

Đuổi được lũ cướp của đảng đi rồi , cả nhà tôi cùng chị Lộc đứng lặng bên bàn ăn nguội ngắt, bữa cơm mà tôi cố thể hiện theo đúng phong cách người Hà Nội xưa để mong những người bạn tỉnh xa được thưởng thức, bởi tôi biết rõ, trong điều kiện lạm phát, lại "văn minh thôn dã, mẫu mã nhà quê" họ chẳng mấy khi có dịp nếm món ăn cầu kỳ tinh tế của người Hà Nội... Thế mà bao nhiêu công lao, tâm huyết hoá thành công cốc.


Bữa ăn vô chủ


Nhuốm lây tâm trạng tôi, ba bố con vác bụng rỗng đi dạy, đi học. Món ăn dù là cao lương mỹ vị nhưng chán ngán uất hận dâng nghẹt cổ, thì có cố cũng chỉ trệu trạo như bò nhai rơm, không nuốt nổi.

Căn nhà chỉ còn lại tôi và Lộc, cả hai ngồi dài cổ đợi...

Kim đồng hồ nặng nề nhích từng bước, tiếng tích tắc dội vào không gian những nhịp điệu uể oải trống rỗng, chán chường, không khác gì sự tĩnh mịch trong các nấm mồ nơi nghĩa địa.

Nửa tiếng, 1 tiếng rồi 2 tiếng trôi qua, ngước nhìn đồng hồ, tôi ngán ngẩm bảo:
- Kiểu này có sớm chúng cũng phải giam giữ, tra hỏi chất vấn đến hết giờ làm việc chiều mới thả.

Cuối cùng phút giây mong đợi ngậm ngùi cũng tới. Nghe tiếng động và một bóng người lúi húi phía ngoài, tôi mừng rỡ:
- Kiều, Vương Chí Kiều!

Cửa bật mở, Kiều dáng vẻ vừa mệt mỏi, vừa phấn khích lách vào, ngồi phịch xuống chiếc ghế tựa, nặng nhọc bảo:
- Chúng lục túi thổ cẩm của em, lấy mất hai thứ, đó là tờ báo Tổ Quốc số 56 và quyển sổ ghi chép, xong lập biên bản, bắt em ký, em điên tiết xé biên bản làm tư, chúng xông đến định đánh em, em lùi lại, bảo:
- Các ông không mặc quân phục, giỏi thì cứ đánh đi, tôi đi chống tham nhũng, lại bị công an đánh, tôi sẽ tố cáo. Chúng điên lắm, nhưng phải dừng tay, cuối cùng vẫn không có cách nào bắt em ký biên bản được, đành phải gọi một lão già lên để ký nhận dưới góc độ nhân chứng.

- Chúng có hoạnh hoẹ gì thêm không, tôi hỏi:
- Tất nhiên, chúng hỏi quen biết chị trong trường hợp nào, quen bao lâu rồi, đã được chị thâu nạp giúp đỡ gì chưa? Em cứ có sao nói vậy: Quen trước tết, do bà con dân oan khiếu kiện giới thiệu, xuống gặp chị lần đầu. Chúng nói xấu chị nhiều lắm nhưng em bảo: "Tôi lại chỉ nghe bà con phản ảnh chị Thuỷ là người hay giúp đỡ họ, luôn đứng về phía họ, nên tôi tin bà con thật lòng".
- Còn gì nữa không? Tôi hỏi vì biết suốt 4,5 tiếng đồng hồ chúng tra khảo mọi ngóc ngách tâm tư tình cảm của "đương sự".

Vẻ mặt buồn buồn, Kiều kể:
- Chúng hỏi anh Nhàn có kể chuyện gì trong tù cho mọi người nghe không, kể như thế nào? Em bảo công an các anh là đồ dã man, bắt người ta đi lúc 11 giờ đêm, giữa lúc đang đau ốm, làm anh ấy bị nôn suốt cả 100 km đường trường, nôn ra cả mật xanh, mật vàng, đến mức các y tá, bác sĩ của trại phải kết luận: "Thể lực yếu, suy dinh dưỡng trầm trọng", lúc ấy tay Na trong trại mới chịu tin là ốm thật chứ không phải giả vờ ốm để chống đối và bị nó đánh.

Như nhớ ra điều hệ trọng, Kiều cất giọng trầm, buồn kể tiếp:
- Em thấy chị có nhiều điểm trội, nên 8/3 này cũng muốn gợi ý chị thành lập một hội đoàn tổ chức gì đó thuộc về nhân quyền của nữ giới, gọi tắt là nữ quyền. Sợ quên, nên em có viết tắt mấy ý trong sổ để về phác thảo với chị, không ngờ chúng đọc được cứ tra hỏi em mãi, em không biết nói dối mà đành phải nói tránh đi là không biết mấy chữ đó là những chữ gì, ai viết, và viết vào đó từ bao giờ?

Trút nốt tiếng thở dài qua lồng ngực, tôi kéo Kiều và Lộc ngồi vào bàn, lúc này mới là lúc củng cố dạ dày. Tuy đói lả, song niềm vui không trọn, nên tâm hồn ăn uống cũng không sao "Mọc mụn, sủi tăm" được, ăn như là nghĩa vụ để các vết lõm trong dạ dày được gia cố phần nào mà thôi.


"Căng thẳng chờ đợi" (Chị Ngô Thị Lộc - bạn anh Nguyễn Kim Nhàn)


Ăn xong, Kiều và Lộc về bằng xe máy, còn anh Nhàn - vì vi phạm pháp luật mà phải đi bằng chân... công an Bắc Giang, qua số điện thoại của công an phường Trung phụng. Khi lên huyện còn tiếp tục được "mời" làm việc, không chỉ một ngày, 2 ngày mà liên hồi kỳ trận. Không chỉ ban ngày mà tận 9, 10 giờ đêm.

Xem ra giữa nhà tù nhỏ và nhà tù lớn, sự cách biệt đối với anh Nhàn chẳng là bao nhiêu. Trong tù chỉ đi được 4 bước nhỏ là hết chiều dài của phòng, phải nằm bệ xi măng, ăn nước giếng, nhưng "cơm bưng, nước rót", có chế độ tiêu chuẩn 15 kg gạo, 15 kg rau. Còn nhà tù lớn thì đi khỏi nhà một bước cũng phải cất miệng xin phép chính quyền, dù cố tình không "lạy ông" thì "con dân" có ở bụi nào, mấy ông công an cũng mò ra và sẵn sàng tống đạt mệnh lệnh: - Muốn vào tù hở, còn một cái lệnh 4 tháng nữa đã ký rồi đấy. Thích thì cứ việc...

Thế là suốt tháng, quanh năm ngồi canh bệ cửa, cơm không có ăn, quần áo không có mặc, tất cả trông vào vợ vì chế độ lương và tiêu chuẩn thương binh 27 năm vẫn được nhà nước trưng thu, cất giữ (!)

... Còn lại một mình trong nhà, nhớ lại mọi việc xảy ra với ba người bạn , tôi buông tiếng thở dài: "Đúng là đầu xuân du hí, đã gặp... du côn".

Khâm Thiên 6-2-2009
TKTT

Nguồn: Dân Lên Tiếng
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 722 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 456
Khách: 456
Thành Viên: 0