Thứ Hai, 2024-12-23, 8:19 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Hai » 8 » Được hát, đọc, xem những gì luật không cấm
6:33 PM
Được hát, đọc, xem những gì luật không cấm

Nguyễn Hữu Vinh
Viết cho BBCVietnamese.com từ Hà Nội




Cái thời "cả nước nô nức vào hợp tác xã (HXT)", thì mảnh đất phần trăm mỗi hộ được chia mới là nơi mà người nông dân mê đắm nhất, vì nó là thứ họ kiếm thêm tối đa đúng với công sức của mình chứ không chỉ sống nhờ công, điểm cứng nhắc từ HTX.

Các thứ rau quả trồng ở đây, được đem bán ra chợ, thu tiền đút túi (không phải nộp HTX). Nhưng lại còn phải nuôi gia cầm nữa, chúng có thể phá hỏng vườn rau?

Thế là, thay vì nhốt lũ gà, vịt lại, họ quây rào chỉ những thứ rau nào có thể bị chúng phá thôi. Như vậy gà vịt cũng được tự do kiếm mồi, giao lưu phát triển nòi giống, mà rau quả cũng vẫn tươi tốt.

Quản người

Thế nhưng hình như trên thành phố, người ta không học được kinh nghiệm này của bà con nông dân để quản lý con người, nên đã có phương pháp ngược lại.

Vì qua các văn bản pháp luật, thấy rõ một điều là người dân chỉ được làm những gì mà luật pháp cho phép, thay vì được làm những gì pháp luật không cấm. Mà các văn bản pháp luật thường được ban hành chậm, rối rắm chồng chéo, không theo kịp với bước phát triển xã hội, bộ máy lập pháp cũng còn yếu, nên dân cứ dài cổ mà chờ luật cho gì mới được làm, rồi khi chưa có luật cho thì chờ các ông các bà "đầy tớ nhân dân" xét duyệt theo cái tình cảm sớm nắng chiều mưa của các vị.

Như vậy chả hóa ra là: không rõ gà vịt nó thích ăn cây gì, quả gì, thôi thì cứ nhốt béng chúng nó lại cho xong chuyện. Thế là lũ gà vịt sẽ kém phẩn khởi, còi cọc, ít sinh sản vì đánh nhau tranh ăn, tranh yêu ... Những kẻ bất mãn quá lời lại bảo "người mà chả được bằng gà vịt!"

Nhưng cũng còn may, vì đói thì đầu gối phải bò. Bao cấp, ngăn sông cấm chợ theo mô hình XHCN tưởng tượng mãi tới độ cùng cực, phải "mở cửa", mới biết chỉ có hệ thống XHCN mới có lối làm luật theo kiểu "người dân chỉ được làm những gì mà luật cho phép", còn phe tư bản thì nó ngược lại, "người dân được làm những gì mà luật không cấm."

Nên năm 2000 đã có một bước ngoặt lịch sử trước hết trong hệ thống Pháp luật Việt Nam là sự ra đời nhọc nhằn của Luật Doanh nghiệp, trong đó người dân được kinh doanh những gì mà luật pháp không cấm, thay vì cả nửa thế kỷ trước (không kể miền Nam trước 1975) chỉ được kinh doanh những gì mà luật pháp cho phép.

Nhà nước công bố một danh mục các ngành nghề bị cấm, và có điều kiện. Thế là xong. Doanh nghiệp, doanh nhân tức khắc nở rộ như hoa mùa xuân, đời sống vật chất dân chúng cũng lên theo phơi phới.

Hư người

Ngoài nhu cầu vật chất, thì nhu cầu tinh thần cao gấp bội so với gà vịt, nhưng oái oăm nó lại là thứ mà nhà nước lo ngại sẽ quá đà, thậm chí là bất ổn cho chế độ. Thế nên mới sinh ra những biện pháp quản cả nhu cầu tinh thần. Đây chính là mối mâu thuẫn lớn và cũng thuộc vào loại đáng phải bàn nhất hiện nay.

Những nhu cầu tinh thần như văn thơ, phim, ảnh, ca nhạc, hoạ, sinh hoạt, lễ hội dân gian ..., tất thảy đều được quản theo lối "nhốt gà". Tỉ như không có văn bản luật quy định rằng: tất cả các tác phẩm âm nhạc, văn học ... xưa nay đều được lưu hành, trừ những thứ nằm trong danh mục kèm theo là bị cấm. Danh mục này sẽ được bổ sung định kỳ.

Mà ngược lại, các cơ quan quản lý thỉnh thoảng lại cho công bố một hai bài hát của nhạc ca sĩ nào đó thời trước 1975 ở Sài Gòn được sử dụng, hoặc có nhà xuất bản tự nhiên lại dám tái bản một cuốn sách của chế độ cũ xưa nay thuộc diện "nhạy cảm" mà không rõ dựa trên văn bản pháp luật nào mà làm được, hay lại do "lách", hoặc "liều".

Nhưng phiền hơn nữa là mỗi thời, mỗi người quản lý lại có lối suy xét, cắt gọt riêng rất tù mù (ở đây chưa muốn bàn tới chuyện tiêu cực). Như vậy tác phẩm khi tới tay bạn đọc sẽ trở thành một thứ "oẳn tà roằn" - "đầu Ngô mình Sở", không rõ cha mẹ chúng là ai.

Gà vịt ăn nhiều mà không được tung tẩy thì cũng không đến nỗi hư hỏng hay ù lì lắm. Nhưng con người mà ăn uống no say, xài xỉ tiền bạc nhiều, nhưng đời sống tinh thần không được chăm chút là sẽ sinh nhiều chuyện.

Trước hết là "rửng mỡ"-như lời các cụ hay mắng con cháu. Tức là nhẹ thì sống theo lối bóc ngắn cắn dài, nặng thì tệ nạn xã hội, ăn chơi sa đoạ, từ dân đen cho tới doanh gia và giới công quyền.

Dẫn chứng có vô vàn. Từ chuyện nông dân có tiền đền bù đất bị thu hồi, mua sắm xe máy cưỡi cho sướng, xây nhà cao ngất ngồi ngắm cho đã, rồi thì trắng tay, đói! cho tới quan chức nhiều tiền, quyền quá rồi ăn, chơi những thứ hơn cả bạo chúa ngày xưa. Con trẻ thì không có chỗ chơi, thứ đọc, xem hấp dẫn, đành chúi đầu vào cái vi tính thôi.

Vậy xin được nói nôm na và hơi trần tục là ta mới chỉ chăm chút nhau theo kiểu nông dân chăm gà vịt thôi, chứ chưa được như với con người. Trong khi người ta cứ chạy tìm quanh kẻ nào làm cho đạo đức băng hoại, con cháu ta chán nản, coi khinh cả cha ông, tìm không được thì đổ tại mở cửa mạnh quá, nọc độc tư bản tràn vào. Ai dè cái thứ nọc độc đó lại do chính ta tự tiêm chích vào mình, tự bó mình để nên nông nỗi không có nhiều những sản phẩm tinh thần đáng để thưởng lãm, nuôi dưỡng tâm hồn, rèn đạo đức, lối sống đẹp đẽ cho dân chúng.

Nên người

Cũng không phải ta chưa từng nhận ra điều này. Những năm cuối 1980, khi mới đổi mới, văn hóa văn nghệ cũng đã từng được "cởi trói". Rồi cánh cửa mới hé mở đã bị đóng sập lại (hình như có vài vị còn bị kẹp chân đau ra phết ấy chứ? Mà trí thức, văn, nghệ sĩ vốn nhạy cảm, nhút nhát. Hết cả hứng thú "thai nghén"). Rõ là ông nhà nước tính toán lại, muốn "mở" cái kinh tế đã, rồi văn hóa tinh thần thì tính sau.

Ấy vậy mà đã ngót 20 năm rồi. Vẫn còn sợ loạn nữa sao? Liệu ta có nhân lúc khó khăn về kinh tế toàn thế giới, mà ta có vùng vẫy mấy cũng khó thoát khỏi hệ quả từ mối ràng buộc chung trong thời hội nhập, để xem lại lối quản lý văn hóa tinh thần?

Nếu như có luật, hay chí ít là văn bản dưới luật, quy định rất chi tiết: thế nào là khiêu dâm, kích động bạo lực, chia rẽ dân tộc (cụ thể trong văn học, hội họa, điện ảnh...), v.v.., ngoài ra còn có hội đồng thẩm định những tác phẩm sau khi được lưu hành mà có dư luận phản ứng.

Cơ quan quản lý dựa trên phán quyết của hội đồng này mà đưa ra quyết định hành chính như phạt tiền, thu hồi; không còn theo kiểu một hai vị quan chức tự phán cho số kiếp một tác phẩm nghệ thuật, rồi ra lệnh miệng.

Tiếp nữa là có tòa án dân sự nếu ai muốn khởi kiện. Như vậy là có cái "lề đường bên phải" được vạch ra trong luật rất rõ ràng rồi, chứ không có chuyện chú cảnh sát giao thông tự vạch lề đường ở đây mỗi hôm mỗi kiểu, các văn nghệ sĩ cứ tha hồ sáng tác, xuất bản, lưu hành.

Nhất cử lưỡng tiện, lựa lúc khó khăn vật chất mà nới lỏng, chăm bẵm chút đời sống tinh thần, người dân sẽ đỡ cảm giác bức bối hơn.

Lại cũng là lúc thực trạng xã hội đã tới hồi báo động khẩn cấp về đạo đức, lối sống, loang ra đến cả quốc tế làm mất thể diện quốc gia rồi, không thể chậm trễ được nữa, phải đi tiếp một bước nữa trong đổi mới.

Nguyễn Hữu Vinh
Nguồn: BBCVietnamese.com
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 874 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 12
Khách: 12
Thành Viên: 0