Thứ Ba, 2024-12-24, 6:04 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Hai » 8 » Nếu dân Việt chọn một đảng chính trị
6:35 PM
Nếu dân Việt chọn một đảng chính trị

Ngô Nhân Dụng

Ngày hôm qua mục này bàn về sự lựa chọn một trong hai đảng chính trị ở Mỹ. Người dân Mỹ chọn bầu cho một ứng cử viên, hoặc một đảng, vì đồng ý với những chủ trương lớn của đảng đó. Thí dụ đảng Cộng Hòa thường chủ trương guồng máy chính quyền phải càng nhỏ càng tốt, cho nên phải giảm thuế; những ai đồng ý với họ thì bỏ phiếu. Ðó là một triết lý chính trị và kinh tế, có tính cách căn bản. Nhưng dân có thể bầu cho một đảng không phải vì những vấn đề lớn mà có khi chỉ vì đồng ý trong một vấn đề nhỏ cũng đủ. Thí dụ dân Mỹ biết đảng Cộng Hòa vẫn bênh vực quyền làm chủ súng và mang súng; còn đảng Dân Chủ thường quan tâm đến việc kiểm soát súng ống trong tay tư nhân. Trước vấn đề này ai tha thiết đến quyền mang súng hay không, thích đường lối nào chọn đảng đó.

Cho nên, mỗi đảng chính trị ở Mỹ, và ở hầu hết các nước dân chủ tự do, vẫn tìm cách trình bày những tư tưởng và chính sách lớn của họ để tự phân biệt với đảng khác; nhưng đồng thời vẫn cổ động cho từng chủ trương lẻ tẻ trên các vấn đề được nhiều cử tri quan tâm, để thu hút lá phiếu của các nhóm cử tri này. Ðó là đời sống chính trị tự do dân chủ. Có người dân quan tâm đến tư tưởng chính trị lớn, nhiều người khác chỉ cần chú ý đến những gì thiết thực đối với mình. Người dân thường quan tâm đến những vấn đề thiết thực, mỗi kỳ bầu cử đảng nào nêu lên được những chuyện thiết thực nhất thường thắng lợi.

Những ai đã quen nếp sống đó rồi, khi nghe những lời lẽ cổ động cho “một đảng của toàn dân” sẽ cảm thấy đó là một tham vọng có tính chất không tưởng; và hơn thế nữa, ý định đó có thể trở thành nguy hiểm. Nhiều người có thiện chí xây dựng dân chủ ở Việt Nam không hiểu điều đó.

Như thi sĩ Bùi Minh Quốc, hiện đang sống ở Ðà Lạt, Việt Nam. Trong một bài viết gần đây đã được nêu lên trong mục này, ông Bùi Minh Quốc tố cáo âm mưu lũng đoạn chính trị nước Việt Nam của đảng Cộng Sản Trung Quốc. Từ năm 1950 họ đã tính gây ảnh hưởng trên nước ta bằng cách thao túng đảng Cộng Sản Việt Nam. Khi một đảng chiếm độc quyền cai trị một quốc gia trên khắp mọi mặt, thì nếu “chiếm” được đảng đó tức là nắm được vận mạng của cả quốc gia. Bùi Minh Quốc đưa ra các bằng chứng cho thấy Trung Quốc đã nuôi âm mưu này và đã thành công nhiều lần. Ông yêu cầu “...cơ quan lãnh đạo đảng phải tiến hành ngay việc xem xét lại một cách căn bản mối quan hệ giữa đảng ta và đảng Cộng Sản Trung Quốc.”

Theo Bùi Minh Quốc, thực tế lịch sử đã cho thấy đó là trong mối quan hệ đó Trung Quốc “giúp một” nhưng làm “hại mười” lần nặng hơn. Ðồng thời Bùi Minh Quốc kêu gọi phải giáo dục trẻ em Việt Nam mối nguy hiểm bị lệ thuộc vào Trung Quốc, phải dậy các em về chủ quyền của nước ta trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như lịch sử những cuộc xâm lăng của nước lớn từ phương Bắc.

Nhưng cũng trong bài viết trên, Bùi Minh Quốc cũng đưa ra nhiều đề nghị khác với đảng Cộng Sản Việt Nam. Trong số đó, trong đề nghị thứ tư, ông viết: “Vận động toàn đảng toàn dân yêu cầu cơ quan lãnh đạo đảng tiến hành xác định lại tính chất của đảng...” Ðây là chỗ Bùi Minh Quốc bắt đầu lầm lẫn về tính chất của một đảng chính trị. Một đảng chính trị là của những đảng viên họ đồng ý với nhau về mục tiêu giành lấy quyền hành để cai trị theo chủ trương của họ. Nếu cần xác định hoặc thay đổi “tính chất của đảng,” đó là công việc các đảng viên phải vận động, yêu cầu các cơ quan lãnh đạo của đảng. Ðó không phải là việc của toàn dân. Ðảng Cộng Sản Việt Nam là cái đảng thế nào, các đảng viên trong đảng đó quyết định, còn “toàn dân” không cần và không nên dính vào. Bởi vì trong “toàn dân” có nhiều người không đồng ý với đảng đó trên nguyên tắc. Cũng có những người không quan tâm đến chính trị, đảng nào muốn mang tính chất nào, điều đó dân không cần biết. Nếu dân có quyền sống tự do dân chủ thì đến kỳ bầu cử các đảng chính trị hãy nói ra chương trình của mình, lúc đó dân sẽ lựa chọn.

Ðiều sung sướng của người dân sống trong các nước tự do dân chủ là họ chỉ phải lo việc chính trị hai năm hoặc bốn năm năm một lần. Những lúc khác họ còn lo những chuyện quan trọng đối với bản thân họ hơn. Cho nên khi Bùi Minh Quốc đề nghị “toàn dân” cũng yêu cầu đảng Cộng Sản bàn lại về bản chất của họ, nhà thơ này đã không hiểu gì về đời sống chính trị trong các xã hội dân chủ.

Về tính chất của đảng Cộng Sản mà ông muốn họ xác định lại, Bùi Minh Quốc đề nghị đảng này hãy “chuyển từ đảng của giai cấp thành đảng của dân tộc.” Muốn văn hoa, ông mô tả thêm: “Ðảng là tập hợp tinh hoa trí tuệ và đạo đức từ mọi giai cấp và tầng lớp của dân tộc...”

Ðây chính là điều cho thấy thi sĩ Bùi Minh Quốc không có kinh nghiệm và không đủ hiểu biết về đời sống chính trị bình thường của một nước dân chủ tự do.

Trong mọi quốc gia, mọi xã hội, bá nhân bá tính không ai giống ai cả. Người này lập hội để cùng chơi đá bóng hay nuôi hoa lan; hoặc người khác lập hội nuôi nấng trẻ cô nhi hay là khuyến khích trẻ em chăm học, có rất nhiều hội vì họ có những nhu cầu và khát vọng khác nhau. Cũng vậy, người ta họp thành đảng chính trị vì khi bàn đến việc xếp đặt việc nước, họ có nhiều ý kiến giống nhau. Nhưng vì đối với đề tài đó, dân trong một nước có nhiều ý kiến dị biệt lắm. Cho nên những ai giống ý nhau thì lập thành một đảng, nhiều đảng sẽ cùng nhau ganh đua để được dân tín nhiệm, xin dân trao việc nước cho mình trông nom. Ðó là lối sống chính trị dân chủ.

Cho nên trong một xã hội dân chủ người dân có quyền lập đảng chính trị để cùng theo đuổi những chủ trương xếp đặt việc chung. Và khi có nhiều đảng thì dân chúng mới có cơ hội so sánh rồi lựa chọn khi đi bỏ phiếu. Một quốc gia chỉ thực sự tự do dân chủ khi nào người dân có quyền lựa chọn như vậy.

Khi các đảng phái ganh đua để được dân tín nhiệm, mọi người phải theo luật giao đấu dân chủ, chứ không ai được phép đàn áp, tiêu diệt những người khác ý kiến với mình. Ðảng nào được đa số dân tin thì được nắm quyền; không đảng nào có hy vọng được 100% dân chúng bỏ phiếu tín nhiệm. Một đảng có thể được đa số tín nhiệm năm nay, bốn năm sau lại thua, đó là điều bình thường. Mỗi lần dân thay đổi đảng cầm quyền, đó là người dân muốn thử xem một chủ trương, một chương trình mới, với những con người mới, có tốt hơn hay không. Trong xã hội dân chủ tự do người ta rất khiêm tốn, không ai hy vọng sẽ có nhóm người nào tìm được những chủ trương tốt nhất, hay với những người lãnh đạo chính trị hoàn hảo không ai bằng được! Cho nên, dân phải được phép thay đổi, thí nghiệm, không bị ràng buộc vào một đảng nhất định nào cả.

Việc cai trị một nước được trao cho một đảng không có nghĩa là đảng đó muốn làm gì thì làm, theo quyền lợi, sở thích, hay ý kiến của những người ủng hộ họ. Làm sao để tránh không cho tệ hại đó xẩy ra? Phải có sự phân quyền trong guồng máy cai trị quốc gia; không thể nào chấp nhận một đảng cầm tất cả ba ngành hành pháp, lập pháp và tư pháp. Nhất là không thể nào để cho một đảng nắm luôn cả “quyền thứ tư” là báo chí, truyền thông. Muốn bảo đảm cho những người thuộc đa số lấn át những người thiểu số, hiến pháp phải ghi rõ những quyền làm người, nhân quyền, mà không một chính quyền nào được phép xâm phạm. Ðó là phương pháp để sống chung trong một quốc gia theo lối tự do dân chủ, nhiều nước đã thử và đã thành công mấy thế kỷ nay.

Cho nên tất cả những người tự nhận mình là một “đảng của toàn dân” đều là những người nói xạo. Thi sĩ Bùi Minh Quốc đã bị đảng Cộng Sản khai trừ, nhưng ông vẫn chưa vượt được ra ngoài khuôn khổ, lề lối suy nghĩ cũ. Ông vẫn coi tình trạng một đảng duy nhất nắm quyền, là một điều tự nhiên. Các đảng viên Cộng Sản khác, một số ít người đã tỉnh giấc mơ đó. Những người tranh đấu cho dân chủ ở nước ta càng cần phải tỉnh.

Chúng ta không thể nào chấp nhận tình trạng một đảng độc quyền cai trị, độc quyền quyết định tất cả mọi chính sách quốc gia. Ðó là một tình trạng lạc hậu, loài người đã tiến vượt lên trên từ lâu rồi! Cần phải đốt cháy ngay cái tư tưởng một đảng chính trị duy nhất quy tụ toàn thể dân một nước. Ðó là một ảo tưởng, và một ảo tưởng nguy hiểm!

Ngô Nhân Dụng
Nguồn: Người Việt Online
Category: Chính trị | Views: 908 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0