Thứ Năm, 2024-11-21, 6:42 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Hai » 8 » Sài Gòn hạ nêu
6:36 PM
Sài Gòn hạ nêu


Nguyễn Thị Lan Anh

 

Sau lễ hạ nêu mùng bảy tết, vẻ xuân của Sài Gòn giảm nhiều. Trong tâm thức người Sài Gòn, cây nêu – biểu trưng của tết – đã được hạ xuống. Trong khi người Hà Nội vẫn lũ lượt trẩy hội Chùa Hương, thì bánh chưng, dưa hấu, chậu hoa, bia lon Sài Gòn cái nào thanh toán được đã thanh toán, cái nào lên xe rác đã lên. Đường phố nhanh chóng lấy lại nhịp sống hối hả những ngày trước tết. Xe cộ lại kẹt cứng, lô cốt lại mọc tua tủa trên các trục giao thông chính, bến xe miền đông miền tây lại ầm ào những chuyến xe chở người lao động nhập cư trở về thành phố.

Dư âm Tết

Nếu ai nghĩ người Sài Gòn làm việc cật lực ngay sau ngày Chủ nhật 1/2 thì kẻ đó chỉ có thể là người nước ngoài, hoặc người … cõi trên. Trong thực tế, dù nhiều cơ quan công sở xí nghiệp đã mở cửa hôm mùng năm nhưng cán bộ đến cơ quan lác đác, chỉ ngồi một lát, trông trước trông sau, chưa hết buổi đã rủ nhau về ăn tết muộn. Chủ một hợp tác xã xe khách trẻ tuổi, từ trong tết đã ‘hạ lệnh’ cho nhân viên ‘mùng tám tết, đi làm lại, nhớ đem bộ bài cào theo. Nội bộ mình đánh lấy hên’. Lệnh đánh bài lấy hên của anh này, coi vậy vẫn hiền hơn các ‘bố’ phụ trách cơ quan X. Tiếng một ‘bố’ có vẻ thủ lĩnh, vọng to ra tận ngoài đường, nghe rõ mồn một ‘Nghe phân công này! tám thằng đi bốn xe, điểm tập kết – nhà ông Tư. Chiều mát, lên thăm trại gà cha Sáu, làm bữa nhậu. Tối về tao chơi phỏm (tá lả)……’ Một người dân, xịch xe trước cơ quan, nghe lọt tai ‘lịch công tác’ này, lắc đầu tiu nghỉu.

Trong câu chuyện của những người ăn tết muộn, dù trong quán xá tưng bừng hay nhà riêng tuềnh toàng thì tiết mục ‘nhìn ra thế giới’ cũng hằn dấu muộn phiền. Các ông tranh nhau dẫn nhiều tin trong luồng ngoài luồng rằng kinh tế Mỹ đang ở thời điểm tồi tệ nhất trong nhiều thập niên trở lại đây; tổng thống Pháp lo sốt vó vì hơn 2 triệu người tham gia biểu tình đòi chính phủ giải quyết hàng loạt bất cập trong lương bổng, công ăn việc làm; Trung Quốc hơn 20 triệu lao động nhập cư thất nghiệp; các tập đoàn lớn của Nhật đóng cửa, thải người; hội nghị diễn ra ở Davos – Thụy sĩ năm ngày liền, qui tụ hơn 2,000 nhà lãnh đạo kinh tế và chính trị thế giới, vẫn chẳng đâu vào đâu…

Trong bối cảnh u ám như vậy, diện mạo kinh tế Việt Nam nói chung và thành phố Sài Gòn nói riêng, tuy không đến mức ‘tươi như hoa héo’ song vẫn chưa tới nỗi nào. Bên cạnh những tin buồn công nhân mất việc, doanh nghiệp đóng cửa, báo chí loan tin từ đầu tháng 2-2009 trở đi, các doanh nghiệp có vốn dưới 20 tỉ đồng sẽ được vay vốn sản xuất từ ngân hàng với lãi suất thấp, được hỗ trợ giảm 4% lãi suất trong thời hạn từ ngày 1-2 tới 31-12-2009. Hỏi chuyện anh Phương, chủ một doanh nghiệp may thêu nhỏ ở quận Tân Bình, về chủ trương mới này anh Phương cho biết vấn đề cốt tử của giới làm ăn nhỏ và vừa như anh hiện nay là các đơn đặt hàng, chứ không phải vốn. Không có đơn đặt hàng thì công nhân không có việc làm. Không việc làm thì dù ngân hàng có hạ lãi suất xuống dưới 9% như hiện nay cũng không dám vay. Vì vay dễ nhưng lúc trả, không biết lấy đâu ra tiền để trả’.

Trên những con đường Quang Trung, Thống Nhất, Phạm Văn Chiêu – Gò Vấp năm nay những tấm bảng ‘chiêu quân’ quen thuộc không thấy xuất hiện. Mọi năm hiện tượng công nhân lãnh lương lãnh thưởng tết rồi là ‘biến’, ăn tết xong không trở lại đã gây khó khăn về nhân sự cho các xí nghiệp, cơ sở làm giầy da, túi xách, đồ nhựa, may xuất khẩu. Vì thế, cứ tầm mùng ba mùng bốn tết trở đi, người dân Gò Vấp, Thủ Đức, Quận 7, Nhà Bè…lại thấy những tấm bảng tuyển nhân công treo ngoài cổng nhà máy, xí nghiệp.

Năm nay hiện tượng chiêu quân không có vì tính tới hết tháng 1-2009, trong khi Hà Nội vẫn tưng bừng lễ hội thì Sài gòn đã có gần 60 doanh nghiệp ngưng hoạt động, 25 doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, đẩy 10,000 công nhân vào cảnh ‘nước lọ cơm niêu, liêu xiêu chết đói’. Ngoài những người chọn giải pháp ‘ta về ta tắm ao ta’, số đông vẫn bám trụ thành phố, chờ cơ hội mới. Hỏi chuyện các chị em bán thúng mủng bằng tre, quê Thanh Hóa, một chị trạc ngoài ba mươi tuổi, vẻ từng trải, thay mặt chị em ‘phát ngôn chính thức’ rằng sau tết ngoài quê là lúc nông nhàn, tiền khó kiếm nên phải vào lại Sài Gòn. Các chị khoe ‘lăn lóc chán rồi, thừa kinh nghiệm xoay xở. Không ai trong chúng em có dưới ba bốn nghề trong tay – (cả giúp việc nhà, buôn gánh bán bưng cũng được kể là nghề).

Sài Gòn với hơn một triệu người nhập cư đến từ các địa phương khác, nếu ai cũng quyết tâm như các phụ nữ Thanh Hóa này, xem ra truyền thống ‘ăn rau má, phá đường tàu’ thời chống Mỹ vẫn chưa bị ‘đề mốt’. Và Việt Nam có thể ưỡn ngực “lép” tự hào rằng Việt Nam cũng khó khăn, nhưng không hề có biểu tình, người lao động Việt Nam không hề bị bỏ mặc…(!)

Vẫn còn sắc xuân

Tạm yên lòng với tương lai, người Sài Gòn cho phép mình xả hơi thư giãn với hai lễ hội sắp tới. Lễ hội thứ nhất là lễ hội Nguyên tiêu của đồng bào người Hoa quận 5.
Đây là lễ hội của người Hoa nhưng từ lâu đã được đông đảo người Việt hưởng ứng, coi như lễ hội của mình. Những ngày này, vào Chợ Lớn du khách sẽ cảm nhận không khí chuẩn bị rất rõ rệt. Đường Trần Hưng Đạo, Hải Thượng Lãn Ông, Nguyễn Trãi, chùa Ông Bổn, chùa Bà đều treo đèn lồng kết hoa, để khi trăng rằm tháng giêng ló dạng, thì đồng loạt thắp sáng, biến Chợ Lớn – Sài Gòn thành viên da châu rực rỡ lung linh.

Cùng hội hoa đăng, là các tiết mục múa lân sư rồng của các đội lân nổi tiếng như Nhân Nghĩa Đường, Hằng Anh Đường trong sân Nhà Văn hóa quận 5 – nơi năm nào cũng đăng cai tổ chức lễ hội Nguyên tiêu cho người Hoa với nhiều hoạt động phong phú như triển lãm thư pháp, quốc hoạ, múa lân sư rồng, hát Hồ Quảng, chơi trò đố đèn truyền thống

Sau Nguyên tiêu năm ngày là một lễ hội khác, nhỏ hơn, nhưng lãng mạn và đậm mầu sắc riêng tư hơn, dành riêng cho những đôi tình nhân đủ mọi lứa tuổi- lễ hội Valentine 14 tháng 2

Khác với Nguyên Tiêu có mùi Tầu, Valentine này lại có mùi Tây. Ở Việt Nam lễ Valentine du nhập chưa lâu, chưa phổ biến rộng rãi, chủ yếu chỉ dừng lại ở giới thanh niên sinh viên học sinh (cá biệt cả học sinh học tiểu học!). Những đôi vốn xưa kia là tình nhân, bây giờ đã nên vợ chồng, trước ngày lễ Valentine 14-2 đều ít nhiều lơ đãng (hay giả bộ lơ đãng!). Anh bạn vong niên của kẻ viết bài, một phóng viên tuổi đã ‘băm mấy nhát’ khoát tay, tuyên bố ’sắp tới ngày Phụ nữ Quốc Tế 8 tháng 3, túi tiền sắp ‘nứt toạc móng heo’. Bây giờ bập vào cái 14 tháng 2, hy sinh cho cách mạng thế là quá sớm, không ngu vậy được!’.

May cho anh cu phóng viên, phát ngôn trong chỗ thân tình, chứ không, nhóm từ ‘hy sinh cho cách mạng quá sớm, không ngu vậy được’ lọt vào tai một đảng viên nào đó thì chắc đã rầy rà to.

Kẻ viết bài không có tư cách lạm bàn thêm về lời phát biểu của anh cu phóng viên, mà chỉ ngồi làm chuyện phất phơ nho nhỏ đầu năm. Đó là giải thành công câu đố ‘con trâu có mấy tên’ của đứa cháu. Xin mách nhỏ bạn đọc nhé: Con trâu có ba tên cả thẩy cơ đấy. Lúc bé, nó tên nghé. Khi thành món phở, nó tên phở…bò. Bán thịt trâu ế, đem phơi khô, nó lại tên là khô…nai. Ly kỳ thế đấy!

Có lẽ trong cuộc sống này, còn không ít đồ vật, sự việc cũng ‘one in three’ như con trâu này, dám lắm! (NTLA)

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 819 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 71
Khách: 71
Thành Viên: 0