Thứ Ba, 2024-11-05, 8:36 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Hai » 8 » Trung Quốc đang khoét sâu mối bất hòa tại Việt Nam
6:41 PM
Trung Quốc đang khoét sâu mối bất hòa tại Việt Nam

Duy Hoang

http://www.atimes.com/atimes/Southeast_Asia/KA14Ae01.html


Các đoàn đàm phán của Việt Nam và Trung Quốc mới đây thông báo đã hoàn thành việc phân chia đường biên giới trên bộ, dài 1.350 km, vốn có tranh cãnh từ lâu, giữa hai nước. Việc hoàn thành đó như thể đã giải quyết xong mối bất đồng sôi sục giữa hai quốc gia, nhưng chính nó lại đang làm cho xung đột gia tăng giữa lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCS VN) với một số nhóm trong lực lượng quân đội về cách xử lý khi giao thiệp với người láng giềng to lớn.

Cách xử lý của chính quyền Hà Nôi trong các đàm phán biên giới với Trung Quốc đã gây ra nhiều bức xúc cho giới sinh viên, trí thức. Nhiều người cho rằng ĐCS VN hiện đang quị gối trước Bắc Kinh để đổi lấy sự bảo trợ về chính trị.

Việt Nam và Trung Quốc đã có một đường biên giới tồn tại từ hàng ngàn năm nay. Cuối thế kỷ 19, chính quyền thuộc địa của Pháp, thay mặt Việt Nam cùng với triều đình nhà Thanh, thay mặt Trung Quốc, đã cùng thống nhất một hiệp ước phân định đường biên giới trên bộ. Theo hiệp ước đó, đã có 333 cột mốc được dựng lên để phân định.

Đường biên giới đó hầu như được giữ nguyên vẹn cho tới tận năm 1979. Sau cuộc chiến ngắn ngủi nhưng đẫm máu, Trung Quốc đã rút quân đội về, nhưng vẫn chiếm giữ các điểm chiến lược của phía Việt Nam. Khi hai nước nối lại quan hệ ngoại giao vào năm 1991, các đường biên trên bộ và biển vẫn trong tình trạng chưa được giải quyết dứt điểm.

Bắc Kinh đã tăng sức ép đối với Việt Nam bằng cách tự định ra các thời hạn đàm phán và gây ra các sự cố dọa nạt trên thực địa. Tháng Bảy năm 1997, Chủ tịch ĐCS Trung Quốc là Giang Trạch Dân đã nói với đồng cấp Đỗ Mười của Việt Nam là hiệp định biên giới trên bộ phải được kết thức trước năm 2000 và hiệp định đó, như đã thấy, đã được ký vào lúc 11h00 đêm ngày 30 tháng Mười Hai năm 1999.

Lãnh đạo của chính quyền Việt Nam ban đầu đã giữ kín về hiệp định biên giới trên bộ. Chính quyền đã bắt và tống giam nhiều người hoạt động dân chủ trẻ tuổi khi họ lên tiếng cảnh báo cho dân chúng biết về hiệp định biên giới trên bộ và hiệp ước về phân chia vịnh Bắc Bộ một năm sau đó. Do vội vã trong việc ký kết hiệp định biên giới năm 1999 nên hai bên vẫn phải đàm phán thêm để xác định rõ nhiều điểm trên đường phân định. Vì muốn giải quyết sớm, Bắc Kinh lại một lần nữa yêu cầu đường biên phải được phân định xong ngay và không được muộn hơn ngày 31 tháng Mười Hai năm 2008. Và như đã thấy, đường biên giới trên bộ đã được hai bên cắm mốc phân định xong chỉ vài giờ trước khi chuông đồng hồ báo nửa đêm cuối của năm 2008.

Người Việt Nam từ lâu đã biết rằng chính quyền Trung Quốc đã di chuyển rất nhiều cột mốc đường biên giới có tuổi hàng mấy trăm năm. Những cư dân tại Quảng Ninh ở phía Bắc Việt Nam đã kể nhiều về việc các cột mốc bị chuyển một cách bí mật vào ban đêm và đường biên ngày càng tiến gần hơn các vùng dân bên Việt Nam. Ở những vùng có ít dân hơn bên Việt Nam cũng có nhiều ghi nhận cho thấy có một sự di dân có tính toán từ bên Trung Quốc sang Việt Nam.

Các đàm phán về đường biên đã gây ra nhiều bất đồng sâu sắc trong lãnh đạo của ĐCS Việt Nam và trong lực lượng quân đội. Tin rò rỉ vào tháng Mười Hai cho thấy quân đội đã phản đối lại việc nhượng bộ cho Trung Quốc các khu vực, trong đó có điểm chiến lược là bờ sông có tên là Bãi Túc Lâm nằm tại ngã ba Trung Quốc, Việt Nam và vịnh Bắc Bộ.

Không lâu sau khi đài Chân trời mới (một đài phát thanh sóng AM phủ toàn Việt Nam không được chính quyền Việt Nam thừa nhận) đưa tin về sự kiện trên, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã vội vã tới tận địa phương có Bãi Túc Lâm để tỏ ra ĐCS Việt Nam và chính phủ có sự quan tâm về vấn đề đó.

Nhiều cựu chiến binh, nhất là những người đã chiến đấu trong cuộc chiến biên giới 1979 đã kịch liệt phản đối sự nhượng bộ biên giới cho Trung Quốc. Trần Anh Kim, một cựu trung tá quân đội và là người bất đồng chính kiến có tiếng đã nói lên sự thất vọng chung của rất nhiều sỹ quan khi biết chính quyền đã nhượng nhiều phần biên giới mà người Việt đã phải đổ máu để bảo vệ cách đây hai thập niên.[1]

Trong bối cảnh đó, những lãnh đạo của Bộ Quốc phòng có nhiệm vụ cắm mốc biên giới cũng đã thể hiện sự bức xúc ngấm ngầm. Một số người còn thừa nhận đó là nỗi nhục cho dân tộc và lịch sử. Liệu những người này và quân đội nói chung có còn tuân lệnh của Đảng cộng sản trong tương lai nữa hay không vẫn là một câu hỏi để ngỏ.

Cho đến nay, cả Hà Nội và Bắc Kinh đều chưa tiết lộ gì về các điều khoản chi tiết trong hiệp định biên giới hay về bản đồ biên giới mới. Trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông nhà nước, ông thứ trưởng ngoại giao Việt Nam chịu trách nhiệm về đàm phán biên giới đã cố tình hạ thấp sự mất mát các vị trí địa danh văn hóa quan trọng như Ải Nam Quan và thác Bản Giốc. Ông ta phủ nhận các cáo buộc từ các blog và các trang web hải ngoại cho rằng chính phủ đã nhượng lãnh thổ cho Trung Quốc bằng lập luận là chính phủ đã cố gắng giữ lại được phần lớn Bãi Túc Lâm trong khi sự thật hiển nhiên là toàn bộ vùng đất đó trong các bản đồ trước đây đều thuộc về Việt Nam.

Sự mắc kẹt về chủ quyền

Sự mắc kẹt của ĐCS Việt nam hiện nay là làm sao vừa duy trì được sự khống chế của Đảng vừa không nhượng bộ về chủ quyền. Để duy trì được sự bảo trợ của Trung Quốc về ý thức hệ, Hà Nội luôn phải cố làm hài lòng ông chủ phương bắc, nhưng Trung Quốc lại ít khi tỏ ra biết điều. Hiện nay vẫn còn bốn vấn đề tranh cãi lớn về lãnh thổ giữa Việt Nam và Trung Quốc, đó sẽ là những vấn đề sẽ tác động tới chính trị nội bộ của Việt Nam trong những năm tới.

Thứ nhất là vịnh Bắc Bộ, vịnh này đã được phân định chính thức bằng hiệp ước năm 2000 cho dù tập bản đồ chính thức chưa được công bố. Những năm gần đây đã xảy ra nhiều sự cố trong đó hải quân Trung Quốc bắn vào tàu đánh cá phía Việt Nam, nhiều vụ đã làm nhiều người chết, cho dù những ngư dân Việt Nam đó đã chỉ hoạt động trên vùng biển quen thuộc với họ từ nhiều đời nay. Như vậy chắc là chính quyền Việt Nam đã nhượng vùng biển đánh cá đó cho phía Trung Quốc rồi hoặc hải quân Trung Quốc đã xâm lấn vùng đặc khu kinh tế của Việt Nam. Dù lý do nào nhưng người ta vẫn không thấy báo chí chính thống của Việt Nam đưa tin về những vụ tấn công đó, ngoài những tin tức được truyền đi khắp nơi từ các blog cá nhân.

Thứ hai là quần đảo Hoàng Sa (Paracels) mà Trung Quốc đã chiếm giữ ngày 19 tháng Một năm 1974. Chính quyền Hà Nội lúc đó vẫn tuyên bố chủ quyền quần đảo này, nhưng họ lại cố không để cho dân chúng biết kẻ đang thực sự chiếm giữ chúng. Lý do là quần đảo Hoàng Sa trước đó vẫn do Miền Nam Việt Nam quản lý trong thời kỳ chiến tranh và Cộng sản Việt Nam đã âm thầm ủng hộ người đồng minh Trung Quốc xâm chiếm quần đảo đó.

Thứ ba là quần đảo Trường Sa (Sparatlys), đều được tuyên bố chủ quyền hoàn toàn hoặc một phần bởi Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan và một số nước ở Đông Nam Á. Cuối năm 2007, Trung Quốc đã tiến thêm một bước bằng việc chính thức sát nhập quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào lãnh thổ của họ. Trong khi đó chính quyền Hà Nội cũng công khai phản đối động thái của Trung Quốc, nhưng họ lại cũng đàn áp các sinh viên Việt Nam và giới blogger khi những người này biểu thị phản đối Trung Quốc.

Thứ tư là vũng Nam Côn Sơn, đây là vùng trữ nhiều dầu và khí đốt nằm ngoài bờ biển phía Nam Việt Nam, đúng trong khu vực đặc quyền kinh tế hợp pháp của Việt Nam. Năm ngoái Trung Quốc đã gây áp lực làm ExxonMobil phải rút khỏi một dự án khai thác với Việt Nam trong vùng này.

Ngay sau đó, tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc CNOOC đã công bố kế hoạch trị giá 29 tỷ USD nhằm khai thác dầu khắp vùng biển đang có tranh chấp, bao gồm cả vũng Nam Côn Sơn, cách bờ biển Việt Nam khoảng 249 Km và cách mũi phía nam của đảo Hải Nam của Trung Quốc khoảng 1.600 Km.

Trong dịp nghỉ Tết vừa rồi, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết của Việt Nam đã gặp các lãnh đạo cao cấp tại Đà Nẵng – là nơi đặt tổng chỉ huy cho khu vực quân sự kiểm soát các quần đảo đang bị tranh chấp. Triết đã nhắc nhở các sỹ quan là phải đợi lệnh từ trung ương trước khi hành động. Động thái này như một sự phản hồi trước các vụ xâm nhập của Trung Quốc vào vùng biển Việt Nam và sự sốt ruột của giới quân đội trước phản ứng yếu ớt của chính quyền trung ương.

Cách đây một thập niên, chính quyền Hà Nội có thể kiểm soát được sự giao du của họ với Trung Quốc mà không bị dân chúng phản đối. Với sự quảng bá rộng rãi của Internet và phát triển liên tục của các blog hiện nay, khả năng kiềm chế dư luận và khống chế dân chúng của chính quyền đang bị suy yếu mạnh mẽ. Với sự bức xúc ngày càng tăng trong giới quân đội, sự để ý ngày càng nhiều lên của dân chúng, những ngày tháng mà bộ chính trị của Đảng cộng sản Việt Nam có thể yên trí lén lút giao du với Bắc Kinh đã qua rồi.

(Duy Hoàng: lãnh đạo tại Mỹ của Việt Tân-đảng chính trị ủng hộ dân chủ chưa được thừa nhận tại Việt Nam.)

Lược dịch bởi D.Y.


[1] Nguyên văn " two decades ago" " hai thập niên", có lẽ tác giả có sự nhầm lẫn vì từ 1979-2009 là 3 thập niên.(ND)

Category: Chính trị | Views: 944 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 210
Khách: 210
Thành Viên: 0