Thứ Năm, 2025-01-23, 2:07 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Hai » 9 » Nhận xét về cuốn Hồ Chí Minh Sinh Bình Khảo
4:26 PM
Nhận xét về cuốn Hồ Chí Minh Sinh Bình Khảo

Nguyễn Duy Chính
Gửi cho BBC từ California, Hoa Kỳ

 
 
Trong thời gian gần đây, dư luận người Việt xôn xao về một cuốn sách có nhan đề Hồ Chí Minh Sinh Bình Khảo của một tác giả Đài Loan công bố một nghi vấn lịch sử quan trọng, khẳng định Hồ Chí Minh (1890-1969), cố chủ tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà [tức Bắc Việt thời kỳ chia đôi hai miền Nam Bắc] trong một khoảng thời gian khá dài - từ 1932 đến khi từ trần năm 1969 - chỉ là một người Đài Loan giả dạng người Việt lãnh đạo đảng Cộng Sản.

Để cung cấp một số tin tức cho những độc giả không đọc được tác phẩm này trực tiếp bằng Trung văn hay không tìm được nguyên tác, người viết điểm qua cuốn sách và ghi lại một vài nhận xét riêng của mình.

Về tác giả

Theo như tiểu sử của Hồ Tuấn Hùng ghi nơi trang gập bìa trước thì ông sinh năm 1948 [trong khi trên một số mạng internet thì lại ghi là 1949], người Miêu Lật, Đài Loan, tốt nghiệp ban Sử trường đại học quốc gia Đài Loan, đã từng dạy học gần 30 năm, có thêm một số chứng chỉ của các cơ quan hành chính thuộc bộ giáo dục và hiện hoạt động trong một tổ chức tư nhân là hội Dịch Kinh Ngũ Thuật..

Ông đã trước tác một số sách vở bao gồm Dịch Kinh Tân Thuyên, Dịch Kinh Đại Diễn Chiêm Phệ, Dương Trạch Phong Thuỷ, Trạch Nhật Bảo Điển, Lưỡng Hán Mệnh Lý Tư Tưởng Giản Giới .

Những sách này đều thuộc loại chiêm bốc, phong thuỷ nên chúng ta cũng có thể tin rằng ông thích nghiên cứu về huyền học.

Về tác phẩm

Cuốn sách có nguyên danh là Hồ Chí Minh Sinh Bình Khảo do Bạch Tượng Văn Hoá ở Đài Loan xuất bản lần thứ nhất tháng 11 năm 2008, tổng cộng 342 trang với nhiều hình ảnh.

Cũng nên nói thêm, Bạch Tượng là một nhà in tư nhân, các tác phẩm do chính tác giả ấn hành và chịu hoàn toàn trách nhiệm nên nội dung và phẩm chất không cần phải đạt một số tiêu chuẩn nhất định như những nhà xuất bản có uy tín khác.

Nội dung Hồ Chí Minh Sinh Bình Khảo chia làm 6 thiên [không kể lời nói đầu và một số thư giới thiệu]:

Thiên thứ nhất: Màn kịch thay long đổi phượng (Thâu Long Chuyển Phượng đích hí khúc)
Sự thật về cái chết của Nguyễn Ái Quốc (Nguyễn Ái Quốc tử vong đích chân tướng)
Nguyên uỷ của việc Nguyễn Ái Quốc chết rồi sống lại (Nguyễn Ái Quốc tử nhi phục sinh đích hí mã)
Thiên thứ hai: Việc thật giả của kế Kim Thiền Thoát Xác (Kim Thiền Thoát Xác chân giả nhân sinh)
Thiên thứ ba: Những năm tháng phiêu bạt giang hồ (Phiêu bạc lưu lãng đích tuế nguyệt)
Hồ Chí Minh tại Trung Quốc (Hồ Chí Minh tại Trung Quốc) (1938-1945)
Thiên thứ tư: Khúc tình ca nhân duyên đầy đau khổ (Hôn nhân luyến tình đích bi ca)
Thiên thứ năm: Bản văn Nhật Ký Trong Tù và bản di chúc (Hán Văn “Ngục Trung Nhật Ký” dữ di chúc)
Thiên thứ sáu: Lời kết hạ màn (Lạc Mạc Cảm Ngôn)

Vấn đề nêu ra

Như ngay tại đề tựa, nội dung quyển Hồ Chí Minh Sinh Bình Khảo là một tác phẩm viết về tiểu sử ông Hồ Chí Minh. Cho đến nay, cuộc đời hoạt động của Hồ Chí Minh đã được nhiều tác giả Tây phương và Việt Nam – trong cũng như ngoài nước – tìm hiểu rất công phu, có người còn ngưỡng mộ ông như một nhân vật thần kỳ. Tuy nhiên, cũng như cuộc đời ái tình sự nghiệp của bất cứ lãnh tụ Cộng Sản nào, nhiều chi tiết liên quan đến Hồ Chí Minh vẫn còn là những bí mật chưa có câu trả lời hoàn toàn thích đáng.

Để thực hiện tác phẩm của ông, Hồ Tuấn Hùng sử dụng chủ yếu các tài liệu viết bằng Anh, Hoa và Nhật văn và một số tài liệu Việt Nam xuất bản ở trong nước.

Một cách tổng quát, nghiên cứu về một nhân vật nhiều bí ẩn, tiếng tăm và mâu thuẫn như Hồ Chí Minh ngoài phương pháp và đường lối suy luận, tác giả cần có những tư liệu độc đáo soi sáng những giai đoạn mà những người đi trước chưa có được. Đối với những khuôn mặt chính trị mà phần lớn cuộc đời hoạt động trong bóng tối, phần tài liệu hiện còn trong văn khố chính trị, quân sự, ngoại giao của Việt Nam, Pháp, Trung Hoa, Liên Xô ... là những đóng góp quan trọng.

Riêng về Hồ Chí Minh Sinh Bình Khảo, phát hiện quan trọng nhất – và cũng mới mẻ hơn cả – của tác giả là việc Hồ Chí Minh thật đã qua đời, sau đó một người Trung Hoa tiếp tục vai trò từ năm 1932 đến năm 1969 là khi ông từ trần.

Do đó, trong phạm vi nhỏ bé của bài điểm sách này, chúng tôi chỉ xét về hai chi tiết thuần tuý liên quan đến công trình của chính tác giả: từ đâu Hồ Tuấn Hùng đưa ra giả thuyết này, và ông chứng minh giả thuyết này dựa trên cơ sở nào?



Tác giả đặt vấn đề từ đâu?

Việc Hồ Tuấn Hùng tin tưởng một cách chắc chắn rằng người nằm trong lăng Ba Đình tại Hà Nội không phải là Nguyễn Ái Quốc là một giả thuyết quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến không phải chỉ cá nhân ông Hồ Chí Minh mà cả lịch sử cận đại Việt Nam. Để đi đến kết luận, chắc chắn người viết phải có được những chứng cứ xác thực, đáng tin cậy. Vậy nguyên uỷ của giả thuyết bắt nguồn từ đâu?

Chúng tôi xin dịch một đoạn trong tiểu mục “Có phải Hồ Chí Minh đến từ Đài Loan hay không?” để xem ông Hùng dựa trên cơ sở nào:

Vài năm trước, một bằng hữu là thương gia Đài Loan buôn bán tại Việt Nam cho bút giả [tức tác giả Hồ Tuấn Hùng] biết: “Hồ Chí Minh là người họ Hồ ở Đồng La, Miêu Lật của ông đó, ông có biết không?”. Cái tin nói rằng Hồ Chí Minh là người họ Hồ ở Miêu Lật, Đồng La lần này là lần thứ hai chính tai tôi nghe được khiến cho bút giả cảm thấy bùng lên một nghi ngờ. Liệu tin đồn này có thể giúp giải mật về thân phận Hồ Chí Minh hay không?

Trước đây vào khoảng thập niên 1960 [nguyên tác viết là Dân Quốc ngũ thập niên đại, tính theo kiểu Trung Hoa dân quốc thì chúng ta phải cộng với năm dân quốc 1911 là năm cách mạng Tân Hợi, nghĩa là 1911 + 50] cũng đã có một đảng viên Quốc Dân Đảng, trong một kỳ tế tổ từng hỏi cha tôi: “Hồ Chí Minh là người liên hệ với các ông thế nào?” đủ biết lúc ấy đã có tin đồn Hồ Chí Minh là người Miêu Lật nhưng chỉ lưu truyền trong họ Hồ gốc Miêu Lật, Quảng Đông mà thôi.

Một vị thầy thuốc họ Hà người Miêu Lật sang Đài Loan chơi cũng cho hay: Năm 1945, ông ta đi theo quân đội Quốc Dân Đảng sang Hà Nội [tức quân đội của Lư Hán sang tiếp thu và giải giới quân đội Nhật], có nghe phong thanh từ một người bán thịt lợn 3 cho hay là Hồ Chí Minh gốc người Miêu Lật, Đồng La, Đài Loan.

Một người anh họ tôi cũng cho biết, vào khoảng thập niên 1970, anh ấy đi cùng chú tôi đến bộ Ngoại Giao Đài Bắc để thăm hỏi tin tức về Hồ Chí Minh (tác giả mở ngoặc Hồ Tập Chương) ở Việt Nam ra thế nào, và thân phận ra sao, nhưng cũng không có đáp số nào cụ thể.

Từ lời nói của vị thương gia Đài Loan kia, nói rằng Hồ Chí Minh là người Miêu Lật, Đồng La, nguyên uỷ thế nào, khi hỏi đến các cán bộ Việt Nam cấp cao thì không đi thêm được gì nữa. Như vậy tin ở trên hẳn là các cán bộ trung ương của đảng Cộng Sản Việt Nam đều biết rõ quá trình sinh trưởng của Hồ Chí Minh, còn lưu truyền đến hôm nay nhưng không ai dám nói lên bí mật về thân phận của họ Hồ. [HCMSBK, trang 17]

Từ nghi vấn này, Hồ Tuấn Hùng khẳng định rằng Hồ Chí Minh [tức Nguyễn Ái Quốc] đã chết từ năm 1932 vì bệnh lao, theo báo cáo của nhà đương cục Anh tại Hương Cảng là đúng sự thực và sau đó là Hồ Tập Chương, một người Đài Loan đồng tộc với tác giả giả dạng theo cái kế mà người Trung Hoa gọi là “thâu long chuyển phượng” và “kim thiền thoát xác”.

Lý giải của tác giả

Thực ra, chi tiết nhân vật Nguyễn Ái Quốc chết từ năm 1932 rồi còn sống quay trở lại chính trường đã được nhiều người nhắc đến, chính mật thám Pháp đã đối chiếu rất kỹ về nhân dạng, về hành tung khi ông xuất hiện dưới cái tên mới là Hồ Chí Minh năm 1945. Việc phủ nhận toàn bộ những sưu tra của Nha Liêm Phóng Pháp về thân thế của ông Hồ không phải dễ.

Trong suốt quyển sách, rất tiếc tác giả không đưa ra được một chứng cớ cụ thể nào để chứng minh giả thuyết ông Hồ Chí Minh sau này chỉ là một người Trung Hoa được nguỵ trang.

Rất tiếc tác giả không đưa ra được một chứng cớ cụ thể nào để chứng minh giả thuyết ông Hồ Chí Minh sau này chỉ là một người Trung Hoa được nguỵ trang

Tối thiểu tác giả cũng phải trưng ra một số hình ảnh của ông Hồ Tập Chương hồi trẻ để chúng ta so sánh với ông Hồ Chí Minh sau này nếu muốn tin rằng đó chỉ là một người, ngược lại ông chỉ sao chụp những hình ảnh trong các sách vở mà hầu hết chúng ta quen thuộc.

Trong suốt cuộc đời chính trị, Hồ Chí Minh dùng đến mấy chục tên khác nhau và hàng loạt nghề nghiệp, kể cả đóng vai chồng hờ trong những trường hợp đặc biệt để che dấu hành tung. Tuy hoá trang giỏi nhưng có lẽ cho đến ngày nay khó có ai có thể đóng giả một vai trong nhiều năm mà tình báo quốc tế cũng như người đối lập với ông không biết.

Điểm quan trọng nhất trước đây cụ Hoàng Văn Chí cũng đã nêu ra để nhận biết Hồ Chí Minh sau năm 1945 chính là Nguyễn Ái Quốc là cái tai nhọn rất khác thường mà không ai có thể giả tạo được. Hình đôi tai của Hồ Chí Minh đối chiếu với nhân dạng trong hồ sơ của chính quyền thuộc địa đã giúp người ta truy tầm ra lý lịch ông một cách chắc chắn.

Chính vì không có được những chứng cớ cụ thể hơn để củng cố cái “tin đồn của ông bán thịt lợn”, Hồ Tuấn Hùng dùng phương pháp lý luận dựa trên những tài liệu về cuộc đời Hồ Chí Minh để chứng minh rằng Hồ Chí Minh sau này là một người Trung Hoa, không phải người Việt.

Ông cũng không đưa ra được một chi tiết nào khả tín khi khẳng định rằng hai đảng Cộng Sản Trung Hoa và Việt Nam đã đồng tình thực hiện âm mưu này mà Liên Xô không hay biết.

Cũng nên nói thêm, Hồ Tập Chương, người đóng vai ông Hồ Chí Minh sau này kém Nguyễn Ái Quốc 11 tuổi [theo năm sinh 1890 mà người ta ghi trên tiểu sử, mặc dù tuổi thật theo một số nguồn có thể còn cao hơn] và đây cũng là một điểm ông Hồ Tuấn Hùng dùng để chứng minh ông Hồ Chí Minh là giả hiệu mà chúng tôi sẽ đề cập đến sau.

1. Lý giải thứ nhất: Ông Nguyễn Ái Quốc [thật] dốt chữ Hoa, Hồ Chí Minh [giả] phải là người Trung Hoa mới có thể làm thơ được.

Để chứng minh rằng Hồ Chí Minh phải “dốt” chữ Hán, trong tiểu mục “Lịch trình học tập ngữ văn [tức Hán văn] của Nguyễn Ái Quốc”, Hồ Tuấn Hùng viết:
Chúng ta thường thấy các tác giả Việt Nam viết trong tiểu sử Hồ Chí Minh là “Nguyễn Ái Quốc sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống nho học, từ nhỏ đã được học chữ Hán, căn bản chữ nho rất vững vàng, có thể làm thơ và viết chữ” nên nghe riết rồi tin. Thế nhưng từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX là thời kỳ thực dân Pháp mới chiếm Việt Nam, hầu hết những gia đình quan lại hoặc giàu có, đều gửi con cái sang Pháp du học, rất ít người bằng lòng để cho con cái học chữ Hán, và sau khi phế trừ khoa cử khảo thí để tuyển nhân tài thì dường như không còn ai học chữ nho nữa. Phụ thân của Nguyễn Ái Quốc là người thân Pháp thì hẳn là phải hiểu điều này, tuy chính mình là do khoa cử xuất thân, nhưng chắc không khuyến khích con học Hán văn, ngược lại còn tích cực bắt con học Pháp ngữ và chữ quốc ngữ [là thứ chữ] mới lưu hành. (tr. 2578)
Quá xuống một chút, Hồ Tuấn Hùng làm tính rằng trước năm 1911 [là lúc ông Hồ xuất dương] thì tình hình rất long đong, Hồ Chí Minh làm gì có cơ hội mà ăn học. Theo lối tính của tác giả Hồ Chí Minh Sinh Bình Khảo, Hồ Chí Minh cho đến năm 21 tuổi không thể được học Hán văn quá 3 năm, còn tiếng Việt và tiếng Pháp không thể quá 4 năm rồi kết luận (tr. 258):
Nguyễn Ái Quốc chỉ được học Trung văn trình độ tiểu học khoảng 3, 4 năm, không thể nào đủ sức để viết những bài chuyên luận lưu loát trên các tạp chí chữ Hoa, cũng không thể nào có thể làm thơ “Nhật Ký Trong Tù”, cũng không thể nào dùng bút lông để viết thư pháp, lại càng không thể dùng ngón tay để thay cho bút.
Vấn đề tác giả Ngục Trung Nhật Ký có thể không phải là Hồ Chí Minh đã được nhiều nhà nghiên cứu người Việt đề cập từ lâu, với những luận cứ khá xác đáng và minh bạch, nhưng không phải lý do ông Hồ Chí Minh “dốt” chữ Hán mà vì văn liệu có nhiều chi tiết không khứng hợp với những gì người ta biết về ông.

Quan trọng nhất, các tác giả người Việt đều đồng ý rằng tác giả thật của Ngục Trung Nhật Ký phải là một người lớn tuổi hơn Hồ Chí Minh chứ không thể nhỏ hơn đến 11 tuổi.

Vả lại, dù trước đây không được theo học đến nơi đến chốn thì trong khoảng hơn 30 năm từ 1911 đến 1943 [là năm Hồ Chí Minh bị tù], ông Hồ cũng có rất nhiều cơ hội để tự học thêm chữ Hán hay các ngoại ngữ khác, không thể căn cứ vào thời điểm xuất dương để hạn định học vấn của ông.

Việc cho rằng từ đầu thế kỷ XX, người Việt không còn ai học chữ Hán nữa cũng hoàn toàn sai lầm vì người Việt còn học chữ Hán rất lâu, không phải vì mục tiêu thi đỗ làm quan mà để “nối nghiệp nhà” hay “đọc được quyển gia phả” như các cụ thường nói. Cho đến tận ngày nay rất nhiều người Việt vẫn học chữ Hán - và cả chữ Nôm - để nghiên cứu sách vở của tổ tiên vì chữ Hán gắn liền với văn minh Việt Nam trong hàng chục thế kỷ.

Bản thân người viết cũng quen biết nhiều bằng hữu không đi học một trường nào, một lớp nào nhưng vẫn có thể đọc và làm thơ chữ Hán, sở học uyên thâm đến chính những người gốc Trung Hoa phải kinh ngạc. Những suy luận của ông Hồ Tuấn Hùng chỉ là một võ đoán không có cơ sở vững chắc.
    
Những giải thích cố chứng minh tác giả quyển Ngục Trung Nhật Ký phải là người gốc Khách Gia cũng có nhiều điểm đáng ngờ.

Những giải thích cố chứng minh tác giả quyển Ngục Trung Nhật Ký phải là người gốc Khách Gia cũng có nhiều điểm đáng ngờ. Tác giả cho rằng chữ lung [bài số 8] người Trung Hoa không dùng khi nói về tù ngục, chỉ có người Khách Gia mới dùng, hay chữ tẩy diện [bài số 22] người Trung Hoa không dùng [mà phải là tẩy kiểm khi nói về rửa mặt, người Trung Hoa không dùng thân thân cước [bài số 109] mà nói là thân thân thối khi nói về duỗi chân ...

Thực sự, không riêng người Khách gia mà trong tiếng Việt những chữ lao lung, rửa mặt, duỗi chân ... rất dễ hiểu và thông dụng [người Việt cũng chẳng ai nói rửa má hay duỗi đùi] khiên lý giải của tác giả làm chúng ta càng nghi rằng những bài thơ trong NTNK quả do một người gốc Việt sáng tác [dù tác giả thực chưa hẳn đã là Hồ Chí Minh] nên đã dịch ra tiếng Hán một cách vô thức thay vì dùng những chữ mà người Trung Hoa thường dùng.

2. Lý giải thứ hai: Hồ Chí Minh trẻ hơn Nguyễn Ái Quốc 11 tuổi, không thể già như người ta nói

Để chứng minh tuổi “thật” của ông “Hồ Chí Minh” giả kia phải thấp hơn năm sinh 1890, Hồ Tuấn Hùng căn cứ vào câu sau đây trong bản di chúc ông Hồ viết năm 1969 để giải thích: “Ông Đỗ Phủ là người làm thơ rất nổi tiếng ở Trung quốc, đời nhà Đường có câu rằng nhân sinh thất thập cổ lai hy nghĩa là người thọ 70 xưa nay hiếm!”.
"Năm nay tôi vừa 79 tuổi, đã là hạng người “xưa nay hiếm” nhưng tinh thần, đầu óc vẫn rất sáng suốt, tuy sức khoẻ có kém so với vài năm trước đây ...”

Từ câu này, Hồ Tuấn Hùng lý luận:
Theo đoạn di chúc này, bút giả [tức Hồ Tuấn Hùng] nhận định rằng [câu này] phải là “nay tôi vừa sáu mươi chín tuổi” và đã bị sửa thành “nay tôi vừa bảy mươi chín tuổi”, vết sửa còn ngấn rõ ràng. Câu di chúc đó phải hiểu như sau:

“Nhân sinh thất thập cổ lai hi, năm nay, tôi vừa đến tuổi sáu mươi chín, đã vào hạng người xưa nay hiếm rồi. Có như thế thì văn mới thông? ... Không lẽ ông Hồ Chí Minh là người thông hiểu Hán văn lại viết một câu mâu thuẫn kém ngữ pháp như thế?
Tiếp theo, Hồ Tuấn Hùng cho rằng Hồ Chí Minh [tức Hồ Tập Chương] khi đó mới 69 tuổi [sinh ngày 11 tháng 10 năm 1901] nên việc ông Hồ so sánh tuổi 79 với câu “nhân sinh thất thập cổ lai hy” là không phù hợp [mà chỉ 69 mới thích đáng] (tr. 313-4).

Chúng ta thấy lối giải thích này rất cưỡng từ đoạt lý. Nếu hiểu theo tiếng Việt thuần tuý, việc câu trước đưa ra “bảy mươi xưa nay hiếm” chỉ là một phá đề cốt nhấn mạnh vào câu sau với ý nghĩa, 70 đã hiếm, tôi đã 79 còn hiếm hơn, hoàn toàn không thể ép rằng như thế khi đó ông Hồ Chí Minh mới 70 tuổi tròn.

Điểm này chứng tỏ Hồ Tuấn Hùng – nếu quả có học tiếng Việt – thì trình độ cũng chưa đủ để nghiên cứu trực tiếp các văn bản Việt Nam [những tựa đề sách Việt ghi trong Thư Mục Tham Khảo ở cuối cuốn sách chúng tôi thấy đầy lỗi chính tả].

3. Lý giải thứ ba: Hồ Chí Minh [giả] rất “kém” tiếng Việt, dịch một câu ngắn cũng không thông [vì là người Hoa mới học].

Để chứng minh rằng Hồ Chí Minh [tức Hồ Tập Chương giả dạng] không rành tiếng Việt khi viết những bài xã luận đăng trên Cứu Vong Nhật Báo [năm 1940], Hồ Tuấn Hùng đưa ra một bài viết nhan đề Thiên Thượng Cố Muội có chú thích ngay bên cạnh bằng quốc ngữ “Ông Trời Có Mắt” [để trong ngoặc đơn].

Theo ông, nếu hiểu nghĩa câu “ông trời có mắt” một cách rành mạch thì phải dịch ra chữ Hán tương đương là Hoàng Thiên Hữu Nhãn mới phải. Từ so sánh này, Hồ Tuấn Hùng cho rằng khi đó vì mới học tiếng Việt nên ông Hồ Chí Minh [Hồ Tập Chương] đã hiểu sai một “cụm từ” rất thông thường (tr. 190-1).

Thực sự, nếu chúng ta suy nghĩ sâu thêm một chút thì biết ngay bốn chữ Thiên Thượng Cố Muội này không phải là tiếng Hoa [hiểu theo tiếng Trung Hoa thì có nghĩa là trên trời mờ tối, chẳng liên quan gì đến “ông trời có mắt”] và vì thế hai câu không ăn khớp.

Trái lại, nếu chúng ta đọc theo chữ Nôm - là một thứ chữ đặc biệt chỉ người Việt Nam có - thì bốn chữ này chính là Trời Có Mắt [chữ trời Hồ Tuấn Hùng lại tưởng hai chữ thiên 天 và thượng上 rời nhau, còn chữ mắt thì tác giả lại tưởng là chữ muội, nhật 日 + mùi 未, thực ra là mục 目 + mạt末].

Chính điểm này, chúng ta càng thấy rằng tác giả chưa tìm hiểu văn hoá Việt Nam đúng mức nên không nêu ra được những gì cần thiết để bảo vệ quan điểm của mình.

Ngoài các chi tiết lẻ tẻ không lấy gì làm đặc biệt nêu trên, Hồ Tuấn Hùng cũng cố chứng minh là Hồ Chí Minh [thực] không thể nào có khả năng để làm một bài thơ trong đó bao hàm những nét đặc trưng của văn minh Trung Hoa như chiết tự [bài 77] hay điển tích [bài 63] . Chiết tự đó ra sao mà ghê gớm thế?

Đó là chữ tù [囚], bỏ chữ nhân [人], thay chữ hoặc [或] thì thành chữ quốc [國 ]. Chữ hoạn [患] bỏ đầu [中] đi thì thành chữ trung [忠], chữ nhân [ 亻] đứng cạnh chữ ưu [憂J] thì thành chữ ưu [優] [là ưu điểm], chữ lung [籠] bỏ bộ trúc [竹] thì còn chữ long [龍].

Còn điển tích là những điển tích nào? Tích Bá Di, Thúc Tề không chịu ăn gạo nhà Chu nên lên núi Thú Dương, Quan Vũ nhận áo gấm của Tào Tháo nhưng bên trong vẫn mặc chiếc áo rách của chủ cũ ... Những điển tích rất thông thường ấy cũng được Hồ Tuấn Hùng cố chứng minh rằng là sở học gia truyền của dòng họ Hồ mà một người “mới học Hán tự vài ba năm” như Nguyễn Ái Quốc không thể biết được.

Luận cứ Hồ Tuấn Hùng để nhiều trang chứng minh rằng phải người Trung Hoa được học từ nhỏ là thư pháp [phép viết chữ Hán]. Xét những lần Hồ Chí Minh thăm Trung Hoa năm 1959, 1961 ông đã trổ tài đề chữ lưu niệm, theo Hồ Tuấn Hùng phải là “người học thuần thục tiếng mẹ đẻ mới làm nổi” đi đến kết luận Hồ Chí Minh không thể là Nguyễn Ái Quốc (tr. 305).

Ngay cả một vài câu thơ Đường khá phổ thông của Vương Xương Linh tác giả cũng cho rằng người Việt không thể biết (tr. 301-305).

Kết luận

Tuy mới xuất hiện, cuốn Hồ Chí Minh Sinh Bình Khảo gây xôn xao trong cộng đồng hải ngoại. Tiếng vang đó phần lớn bắt nguồn từ quan điểm chính trị của người Việt tị nạn Cộng Sản tò mò muốn biết thm về mặt trái vị “lãnh tụ thần thánh” của chế độ Cộng Sản khi đọc một số chi tiết trên các mạng internet.

Đứng về mặt nghiên cứu, cuốn sách có ưu điểm dẫn được nhiều tài liệu tiếng Trung Hoa, tiếng Nhật [mặc dù phần lớn chỉ là những bài báo hàng ngày] để chúng ta có thể đọc thêm về hành tung của Hồ Chí Minh khi ông hoạt động tại ngoại quốc, nhất là trong phái bộ Borodin thời chính quyền Tưởng Giới Thạch còn “liên Nga dung Cộng”.

Tuy nhiên, trong thư mục tham khảo tiếng Việt chúng tôi thấy hoàn toàn vắng bóng những nghiên cứu của các tác giả Việt Nam ở phía quốc gia trước và sau năm 1975. Chính những nguồn tài liệu này đóng góp nhiều vào việc soi sáng “chân diện mục” của Hồ Chí Minh hơn là một loạt những “toàn tập” và bài vở trích từ báo chí trong nước.

Một suy nghĩ chủ quan theo kinh nghiệm của người viết thì người Hoa giả làm người Việt khó hơn người Việt giả làm người Hoa. Thanh niên Việt Nam sống lâu năm tại ngoại quốc phát âm tiếng nước ngoài hầu như hoàn chỉnh trong khi những người Trung Hoa sinh trưởng và lớn lên tại Việt Nam dù rất lưu loát vẫn có âm sắc mà chúng ta nhận biết không phải là người Việt chính gốc.

Hơn thế nữa, vào thời kỳ 1930, Nguyễn Ái Quốc [sau này là Hồ Chí Minh] chỉ mới là một cán bộ cỡ trung, so với nhiều người khác ngay trong các cán bộ thuộc Á Đông Vụ ông cũng chưa phải là con bài sáng giá thì hà cớ gì đảng cộng sản Trung Hoa phải mất công dàn dựng cho người đóng giả?

Chẳng ai lại rỗi hơi “buôn” một ông vua trong khi chính những đầu não của Trung Hoa thời đó như Mao Trạch Đông, Chu Đức, Chu Ân Lai ... còn long đong, luân lạc, sống nay chết mai.

Tác giả cũng không cho biết một chi tiết cụ thể nào chứng minh những điều ông nghe được quả thực xảy ra, chưa kể nguồn tin vốn từ những người hoàn toàn không có thẩm quyền hay vai trò quan trọng. Ông “bán thịt lợn” hay thương gia Đài Loan đều vô danh, không ai biết tung tích ra thế nào.

Viết sử nếu chỉ dựa trên những “tin đồn” hay “nguồn tin riêng trong gia tộc” thì ít khi được công nhận một cách chính thức. Nghi án Hồ Chí Minh trong 37 năm sau cùng là một người Trung Hoa giả dạng thật không có gì đáng cho chúng ta tin.

Dịch giả Nguyễn Duy Chính được biết đến qua các bản dịch tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung và các tiểu luận về văn hóa, lịch sử Trung Quốc. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
..
Nguồn: BBCVietnamese.com
Category: Đạo đức Hồ Chí Minh | Views: 1030 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 29
Khách: 29
Thành Viên: 0