Các
phương tiện truyền thông ở nước ta liên tục nóng bỏng bởi những thông
tin liên quan đến độc chất có trong thực phẩm là thứ vốn để nuôi sống
và phát triển con người về thể chất và trí tuệ. Trong vụ phát hiện hàm
lượng đạm trong sữa thấp quá mức cho phép và sai số đến không thể tưởng
tượng so với số liệu ghi trên bao bì đã được các chuyên gia về dinh
dưỡng coi đó là hàng giả, thậm chí họ xem nó còn tác hại cho sức khỏe
hơn là sữa nhiễm Melamine.
Thực tế nhiều trẻ em đã sinh bệnh vì uống loại sữa này. Đấy là chưa có
nghiên cứu hay điều tra một cách nghiêm túc về sự suy mòn cơ thể, sự
thiểu năng trí tuệ trẻ em trường diễn nếu các bà mẹ tin vào nhà sản
xuất, tin vào sự kiểm soát của Nhà nước mà cứ cho con mình uống sữa này
hàng ngày và yên tâm rằng con mình đã đủ dưỡng chất.
Xét
trên bình diện tội phạm, sự việc này có thể nói là hành vi hủy hoại sự
sống của con người một cách từ từ. Nó phải được gọi tên là một tội ác.
Đã đến lúc không thể trông chờ vào lương tri
Từ
lâu lắm, lý thuyết biện chứng đã chỉ ra, vì lợi nhuận cho dù treo cổ
người ta vẫn làm. Đất nước ta chọn nền kinh tế thị trường làm con đường
phát triển, bên cạnh những mặt tích cực do nó tạo ra về tốc độ tăng
trưởng kinh tế, về giải quyết việc làm, về nâng cao thu nhập, về cải
thiện đời sống nhân dân thì mặt trái của nền kinh tế thị trường cũng đã
bộc lộ rõ rệt trong suốt mấy thập niên qua mà điển hình nhất là sự suy
mòn đạo đức trong sản xuất, kinh doanh, là mầm mống và hành vi tội ác
có xu hướng ngày một phát triển, tăng cao.
Đành
rằng, qui luật 2 mặt của một vấn đề là thứ con người phải chấp nhận
nhưng bổn phận của các thiết chế cộng đồng - xã hội, của luật pháp là
phải quyết liệt tuyên chiến, phải trừng phạt, phải loại bỏ những loại
tội ác đó bằng cách tạo ra một bộ máy với những công cụ hiệu quả, đủ
mạnh để kiềm chế và triệt tiêu nó.
Tôi
cứ loay hoay tự lý giải rằng tại sao xã hội chúng ta không làm được, và
làm tốt nhiệm vụ này? Phải chăng chúng ta thiếu tiền, thiếu phương
tiện, trình độ của chúng ta không đủ, chúng ta chưa có cơ chế kiểm soát
phù hợp để tội ác có điều kiện nảy nở? Hay tại những con người, những
tổ chức, những cơ quan công quyền có trách nhiệm lơ là chức phận? Hay
tại những cơ cấu ấy có vấn đề về lương tâm để biết mà làm ngơ, thậm chí
tiếp tay cho những hành động tội ác đó được tồn tại?
“Tháng
10-2008, sau khi có kết quả kiểm nghiệm từ Quatest 3, Hội Tiêu chuẩn và
bảo vệ người tiêu dùng đã gửi kết quả kèm văn bản cho ba bộ Công
thương, Y tế và Khoa học - công nghệ, đề nghị các bộ kiểm tra các chỉ
tiêu dinh dưỡng thực tế so với nhãn hàng hóa, công bố công khai trên
các phương tiện thông tin đại chúng, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người
tiêu dùng sẵn sàng phối hợp lấy mẫu, gửi kiểm nghiệm sản phẩm một cách
khách quan, nhanh chóng. Tuy nhiên, đến nay chỉ có Bộ Công thương có
văn bản phản hồi, còn Bộ Y tế và Khoa học - công nghệ hoàn toàn im hơi
lặng tiếng!” (Theo Tuổi trẻ 5/2/2009).
Thông
tin trên đây, làm cho chúng ta, những người tiêu dùng đơn độc và yếu
đuối phải nghĩ thế nào về những cơ quan có trách nhiệm đang tồn tại
bằng tiền thuế do nhân dân đóng góp? Đã đến lúc, chúng ta những người
tiêu dùng không thể cứ lặng lẽ, cứ cam chịu những hiểm họa liên tục
giáng xuống đầu, chúng ta cần lên tiếng mạnh mẽ, cần có thái độ đấu
tranh, đối đầu với những hành vi tội ác trong kinh doanh và chúng ta
cũng cần bày tỏ yêu cầu chính đáng hay nói rõ hơn là quyền được bảo vệ
từ các tổ chức và các cơ quan công quyền.
Không
có lý do nào để tiếp tục trì hoãn những biện pháp cải tổ cần thiết để
kiểm soát, ngăn chặn, trừng phạt những hành vi tội ác đặc biệt là tội
ác hàng ngày đang âm thầm hủy hoại con người thông qua đồ ăn thức uống
nhiễm độc và giả dối.
Không
có lý do gì nhân dân là những người tiêu dùng vốn là trung tâm của nền
kinh tế xã hội không được thụ hưởng một thiết chế trong đó có tiếng nói
và hành động của mình để bảo vệ cuộc sống của chính mình.
Trong
lĩnh vực ATVSTP, không còn sớm để Nhà nước đưa ra cơ chế để xã hội tham
gia, để người dân được quyền kiểm soát và trừng phạt những hành vi tội
ác. Đã đến lúc Nhà nước và cả xã hội không thể tin và không thể trông
chờ vào lương tri của nhà sản xuất, kinh doanh nữa.