Thứ Ba, 2024-12-03, 11:37 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Hai » 9 » Bắn Cho Trúng , Đánh Cho Đúng
4:32 PM
Bắn Cho Trúng , Đánh Cho Đúng
  Nguyễn Duy Hinh


Nếu có người thợ săn trên ba chục năm liền không mang về được một con thú hay một võ sĩ lên đài thi đấu 34 năm không đoạt được trận thắng nào thì chúng ta, người bàng quan, nghĩ sao? Theo đời thường thì hai kẻ đó thực đã chọn lầm nghề. Nhưng trong “nghĩa vụ cứu nước”, con đường đi phải tiếp tục, không thể nản chí, thoái lui.


Cứu nước quả là công trình gian khổ, lênh đênh, ngắn dài theo vận nước. Nhưng khi đối phương cũng đã thật nhiều phen lên thác xuống ghềnh, thất điên bát đảo và phía ta trầy trật, loay hoay chẳng có khả năng lật ngược thế cờ thì trong cuộc đấu, suy cho thấu, ta chẳng thể nhận là cao cường, kẻ đấu tranh chính trị chẳng thể tự cho là cao thủ. Có nhiều điều phải xem xét và tính toán lại. Tình trạng kéo dài đã quá lâu bắt tìm một lối thoát, đòi hỏi một cách giải quyết.



CHUYỆN XƯA VÀ CHUYỆN NAY


Truyện xưa kể rằng khi Đức Trần Hưng Đạo bệnh nặng, nhà vua trẻ Trần Anh Tôn đến thăm rồi hỏi Ngài về phương lược giữ nước. Sau ba lần quân Nguyên xâm lăng, vua và dân đời Trần luôn luôn bị ám ảnh về hiểm họa từ phương Bắc. Hưng Đạo Vương trình bày một số trường hợp dụng binh rồi ngỏ lời khuyên nhủ : “Ta nhiều lần bị vây bốn mặt nhưng chúng ta, vua tôi đồng tâm, một nhà hòa thuận, cả nước hợp lực, ta đã thắng. Kẻ địch cậy có trường trận, ta có đoản binh, ta đều cả thắng. Quân địch đến ầm ầm như lửa, như bão, thế ấy dễ trị. Nếu như nó thủng thẳng như tằm ăn lá, không cần thắng mau, không hà hiếp dân thì ta khó chống hơn. Cần binh hùng, cần lương tướng và biết quyền biến như đánh cờ vậy. Cốt binh và tướng như con với cha, nên phải biết “nới lỏng sức dân” và thực hành kế sách “rễ sâu, gốc vững”. “Nới lỏng sức dân “là nuôi dân, dưỡng dân, thu phục nhân tâm. Thực hiện được thì có “rễ sâu, gốc vững”. Đó là lý do triều Trần trị vì được 188 năm trong khi nhà Hồ chỉ đứng có 7 năm, Trần Thủ Độ và Hồ Quí Ly đều làm chuyện thoán nghịch và đã giết hại hàng trăm nội ngoại tôn thất triều trước. Các vua Trần đều là bậc đạo hạnh, tu học cao thâm trong khi Hồ Quí Ly tuy có tài cải cách nhưng làm nhiều điều tàn ác, thất nhân tâm.


Nhìn vào thời nay, các tổ chức quân chính như Hezbollah, Hamas nhỏ bé, yếu ớt mà đứng vững được trước sức mạnh của Do Thái đều là nhờ vào thế dân, sức dân, núp trong dân mà sống, ẩn trong dân mà chống giữ.


Chúng ta có nhận định thứ nhất : “VẤN ĐỀ NỀN TẢNG LÀ LÒNG NGƯỜI. PHẢI BIẾT GÂY THẾ DÂN VÀ DÙNG SỨC DÂN .


TRỞ LẠI CHUYỆN NƯỚC MÌNH


Phương Đông chúng ta có lời dạy cho các quân vương : “ý dân là ý trời”. Trong các vận động xã hội quan trọng như chiến tranh và cách mạng, động lực chính yếu là “ý dân mà ta còn gọi là “lòng người”. Hiểu rõ, nắm vững, vận dụng được ý dân là yếu tố tạo ra sức mạnh.


Có bí kíp đó, Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN) đã đè bẹp các đảng phái quốc gia, đánh thắng đoàn quân Viễn Chinh Pháp, chiếm được nửa nước năm 1954 để rồi sau này đẩy lui lực lượng Hoa Kỳ và Đồng Minh. Đà thắng lợi của CSVN lên tới cao điểm vào 30 – 4 – 1975, làm chủ cả nước. Đó là đỉnh cao chót vót !


Thế rồi, không tránh được biến thiên là một qui luật của vạn vật, đảng CSVN với lòng kiêu ngạo toàn thắng lấn át lý trí, đánh mất khôn ngoan, xa rời quần chúng. Chính nghĩa dân tộc mà Đảng huênh hoang đại diện đã vượt biển đi theo dân Tị Nạn và các Thuyền Nhân (từ cả Nam rồi đến Bắc). Những khuyết tật của tổ chức, những lầm lẫn về chính sách cộng với sự hư hỏng của cán bộ phối hợp với ảnh hưởng của Quốc tế CS sụp đổ đã khiến cho con đường xuống giốc của Đảng thành một định mệnh không thể cưỡng lại.


Nếu 30 tháng tư 1975 là một ngày bi thảm cho Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) thì đó cũng là một thời điểm chuyển hướng của “mong đợi ngày mai không cộng sản trên Quê Hương . Thực hiện “chủ nghĩa xã hội” đưa “cả nước xuống hố” với khoai, sắn, bo bo và biết bao hành động thất nhân tâm, tàn độc khác khiến “lòng người” chuyển đổi, đi tìm hướng “quốc gia” và “dân chủ”.


Nhưng nếu nói là lòng người đã chuyển hướng không có nghĩa là hoàn cảnh sẵn sàng để tự nhiên đưa tới một sự thay đổi trật tự đất nước. Tình trạng có thể ví như sự mong mỏi tạo được một vài nguồn năng lượng thay thế cho dầu lửa. Nguyên liệu cơ bản thì đầy rẫy trong thiên nhiên, nhưng sự sản xuất năng lượng mới đòi hỏi nhiều điều kiện về hiểu biết và trình độ kỹ thuật chưa sẵn sàng. “Lòng người VN ngày nay” đã có biến đổi thuận lợi nhưng chưa có nghĩa là toàn khối nhân dân đã sẵn sàng cho thay đổi và vẫn còn cần nhiều nỗ lực tôi luyện để có thể thật sự thành khả dụng.


Chúng ta có nhận định thứ nhì : “NGƯỜI VIỆT NAM NGÀY NAY, NÓI CHUNG, NGÓNG TRÔNG VỀ HƯỚNG “TỰ DO – DÂN CHỦ”, NHƯNG THỰC TẾ CÒN ĐÒI HỎI NHIỀU SỬA SOẠN, ĐÀO LUYỆN, TỔ CHỨC VÀ LỰC ĐÂY ĐỂ CÓ THỂ GÂY THÀNH SỨC MẠNH ĐƯA ĐẾN ĐỔI THAY.”


CÓ ĐÀN ÁP THÌ CÓ ĐẤU TRANH


Trong vật lý học có một qui luật là “đối lại mỗi áp lực đều có một phản lực”. Áp dụng vào đời sống xã hội thì luật ấy đổi thành luật đấu tranh : “ở đâu có đàn áp thì có đấu tranh.


Một nhà nước CS độc tài, toàn trị, khống chế mọi mặt đời sống nhân dân trên sáu chục năm nay đã gây ra biết bao điều tàn ác, xấu xa. Nó không còn là chính đáng để trị dân, nó phản dân chủ, áp bức, bất công và đã phản lại quyền lợi quốc gia. Nó ung thối, bịp bợm. Luật pháp của chúng là để bảo vệ chế độ, che trở tập đoàn cán bộ lạm quyền, hư hỏng, làm giầu trên đầu, trên cổ người dân. Tình trạng đã tạo ra một xã hội băng hoại về cả vật chất và tinh thần, đầy rẫy nghèo khổ, đàn áp, bất công.


Ở đâu có áp bức thì có chống đối. Sự chống trọi cường quyền nảy mầm và diễn ra thật tự nhiên. Dân mất đất thì dân phản kháng, tự động,vô thức. Chống đối không có kết quả lại bị bắt bớ, đàn áp trở thành quyết liệt, có ý thức, từ sợ hãi, ngần ngại tiến đến liều lĩnh, hết sợ. Phản kháng lẻ loi biến thành tập hợp lớn hơn, từ địa phương đến thành từng tỉnh, từng miền.


Dân khiếu kiện, chống đối gồm mọi thành phần : dân thành phố mất nhà, nông dân mất đất, mất ruộng, thợ thuyền không đủ sống, đồng bào tôn giáo bị cấm cản, hành hung, sắc tộc bị đàn áp. Bất mãn âm ỉ trong lòng dân nghèo thành phố, dân quê túng đói, ý tưởng cách mạng tự nảy sinh và phát triển, tất cả diễn biến tự nhiên như là theo một qui luật xã hội.


Ít năm gần đây, ta thấy sự tham gia đấu tranh của nhiều luật sư, bác sĩ, giáo sư, văn sĩ, ký giả dủ hạng tuổi, nam và nữ và cả cựu tướng lãnh, cựu sĩ quan cùng nhiều bậc tu hành cao trọng. Người thức giả thường cẩn trọng, tính toán nay như đã cảm được niềm đau của đồng bào, xã hội và của chính mình, đã can đảm dấn thân. Tới giai đoạn này thì sóng ngầm cách mạng có cơ khai triển nhiều hơn vì người chiến sĩ ở tầng lớp hiểu biết cao hơn mang đến cho đấu tranh một số lợi khí mà quần chúng không có : óc tổ chức, sự lãnh đạo, tư tưởng hướng dẫn, phương lược tiến hành và nhất là cán bộ. Nhưng đồng thời, chính quyền CS phản động gia tăng đàn áp, bắt bớ, giam cầm, bưng bít.


Từ khoảng Giáng sinh 2007, đồng bào Giáo dân VN đã bất ngờ gia nhập đấu tranh chống ngụy quyền CS bằng các cuộc “xuống đường cầu nguyện” đòi nhà và đất, khởi đầu từ Tổng Giáo phận Hà Nội rồi lan rộng tới nhiều nơi khác trong toàn quốc. Cầu nguyện đấu tranh nhiều lúc đã thật căng thẳng. Nhưng một năm sau, sự quỉ quyệt của CSVN đã khiến cho tình hình Giáo dân có vẻ tạm êm đi. Các tôn giáo khác và đồng bào các giới không cùng đồng loạt đứng lên hưởng ứng. Cuộc tranh đấu chung chưa tiến lên cao hơn nữa. CSVN có vẻ đã tạm thời lập lại được ổn định bằng mưu mô và đàn áp và sự sợ hãi mà chúng đã gây ra nhờ bàn tay mạnh của công an, cảnh sát, tòa án cùng với sự bưng bít thông tin.


Chúng ta có nhận xét thứ ba : “PHONG TRÀO NHÂN DÂN ĐẤU TRANH CHƯA TIẾN LÊN CAO ĐỘ ĐƯỢC VÌ HAI YẾU TỐ : SỰ HIỆN DIỆN CỦA MỘT BẬC THỀM SỢ HÃI VÀ SỰ THIẾU VẮNG HỢP ĐỒNG ĐẤU TRANH .


PHẢI TÌM CÁCH BỨT PHÁ


Nhận xét thứ ba vừa nêu ra dựa trên một nguyên tắc : “Thi hành nhiệm vụ dân chủ hóa đất nước, đóng vai trò chính là người trong nước, người haỉ ngoại chỉ có thể yểm trợ. Các tổ chức đấu tranh nơi quốc nội chắc hẳn tự biết tìm cách thỏa mãn cho đòi hỏi nhu cầu của mình. Người viết không có tham vọng đi vào phạm vi đó và chỉ mong trình bày một đề nghị về một phương thế yểm trợ có hi vọng giúp cho phong trào có thể đi lên ở quốc nội.


Trước hết, ta cần xác định mục tiêu : phải làm gì ? Nói theo binh gia thì là tấn công mục tiêu nào, bằng cách gì, nặng nhẹ ra sao ? Hãy nghe vài lời nhắn nhủ của người xưa :


____Trước hết, Carl Von Clausewitz, một chiến lược gia người Đức khuyên rằng muốn chiến thắng mau lẹ và chắc chắn, phải đập tan trọng tâm sức mạnh của địch. Nó có thể là hữu hình như quân lực, hay thủ đô, hay lãnh thổ quan trọng của đối phương. Nó có thể là vô hình như ý chí, như dân tâm địch. ( Xin nhớ lại trận Mậu Thân 1968 ở VN, CSVN thua và thiệt hại đậm ở trận địa VN nhưng đã làm nản lòng dân chúng Hoa Kỳ, một thu hoạch quá lớn, ngoài lề mà chính những kẻ làm kế hoạch Tổng công kích – Tổng khởi nghĩa ấy cũng đã không dự liệu. )


_____Tiếp đến, Liddell Hart, một tư tưởng gia quân sự Anh, đã cổ động chiến lược gián tiếp. Đánh trực tiếp, chính diện thường là khó khăn, cần lực lượng lớn và nhiều thiệt hại mà kết quả không mấy bảo đảm. Đánh gián tiếp là đánh vào sườn, vào phía sau, vào chỗ ít ngờ tới, địch thường lơ là. Gián tiếp cũng có nghĩa là dùng các phương tiện khác với đường lối quân sự.


_____Trước đây trên cả hai thiên kỷ, chính Tôn Tử cũng đã đề cập đến chiến lược gián tiếp khi nhà quân sư bậc thày của phương Đông này dạy rằng thắng lợi đẹp đẽ nhất là thắng mà không phải đánh. Không dụng lực thì chắc là ít thiệt hại rồi, đó là khuyến dụ dùng mưu lược, dùng ngoại giao, dùng tâm lý chiến vậy.


Phối hợp ba lời khuyên trên đây, chúng ta chọn mục tiêu “trọng tâm sức mạnh của địch”. Trọng tâm này có vẻ như khá phức tạp. Trước hết nó phải là quân đội CSVN, nó cũng có thể là chính đảng CSVN, hai đích này dường như khó cho ta đụng tới một cách trực tiếp, nhưng nó có thể là lòng người Việt Nam là điều mà bài này đã đề cập tới thật nhiều và hướng đánh đó là thuận, hợp với khả năng của Hải Ngoại.


Đánh vào nhân tâm VN là trận đánh tâm lý chiến. CSVN sẽ khó bịt miệng Hải Ngoại. Chúng ta nhằm chuyển đổi tâm trạng và ý thức toàn bộ nhân dân VN kể cả những thành phần chưa cùng hướng với ta và cả các đảng viên CS với thân nhân của họ. Phổ biến hiểu biết về Dân Chủ, đưa từ ý thức tới hành động, tới quyết tâm vượt qua bậc thềm sợ hãi. Người Việt phải tự lo lấy số phận mình, không thể nhờ người, không thể chờ người. Đó là mục đích của TRẬN ĐÁNH TRUYỀN THÔNG TÂM LÝ CHIẾN.


Có người sẽ bảo là Chống Cộng kiểu này, ta vẫn làm rồi. Đúng ! Ta có làm và làm cả 34 năm nay rồi, nhưng có lẽ cố gắng vẫn là rời rạc, nỗ lực còn tan loãng, chưa tập trung, dầu có ý thức nhưng kết quả là đánh chưa tới và đi chưa thấu.


Cách đánh theo đề nghị này có khác : ---- thứ nhất, nó đặt mục tiêu ở tầm quan trọng cao nhất, nó có ưu tiên trên hết và phải được chú ý một cách đặc biệt, kiên trì, liên tục với cường độ không sút giảm, dồn dập, không ngưng nghỉ cho tới đạt mục đích; ---- thứ nhì, nó tập trung mọi phương thức hoạt động, mọi lãnh vực và khả năng truyền thông; trong giai đoạn đầu, nó có thể chú trọng nhiều vào xử dụng mạng lưới vì nhiều điều thuận tiện; ---- thứ ba, nó phải được tham mưu nghiên cứu và kế hoạch cho kỹ càng; ---- thứ tư, nó cần có tổ chức để phối hợp hoạt động các mặt trong và ngoài, nhất là các đợt và loại tấn công; ngoài ban nghiên cứu nên có thêm ban biên tập (thí dụ : nên soạn sẵn một số tài liệu truyền bá về Dân Chủ ….), ban thông tin (phụ trách các thông tin về sinh hoạt và đấu tranh dân chủ trên thế giới kể cả nhiệm vụ vạch mặt chế độ CSVN,…) và các toán chuyên viên truyền thông (đây là các toán biệt kích của trận đánh này); ---- thứ năm, nó có triển vọng đi xa hơn nhu cầu cho mục tiêu quốc nội vì mong sau này nó sẽ được sự hưởng ứng, tham gia của thêm nhiều nhân vật có khả năng đa diện và trước tác uyên thâm nữa (sẽ cần cả sự tẩy độc quốc tế).


Đây là trận đánh ở tầm chiến lược, ý định của ta, kẻ thù rồi sẽ biết dễ dàng, điều đó không quan trọng lắm đâu vì trong cuộc chơi này, ta là chủ động và chúng sẽ bất lực khi ta đánh vào các khuyết tật, các khe hở, yếu kém mà chúng sẽ không làm sao che giấu hay sửa chữa được nữa. Mọi sự kêu gọi, tham dự, thiết kế kể cả sinh hoạt của ta đều có thể thi hành trên mạng lưới, không gây tốn kém. Người tham dự chỉ cần xử dụng (đóng góp) một cách có ích lợi thì giờ dư rảnh của mình, tại nhà mình như vẫn thường chơi internet. Sự tốn kém của ban chủ xướng sẽ chẳng là bao. Tổ chức lớn ra có thể lấy tên là một hội thiện nguyện dân sự (NGO, non-governmental organization) phổ biến và phát triển Dân Chủ và có khả năng đi tìm trợ cấp từ các nguồn hảo tâm.


THAY CHO LỜI KẾT


Người viết, trong tâm lý của một binh gia có ý nghĩ rằng chúng ta như một người đi tìm săn một con thú dữ và từ nhiều chục năm nay, chúng ta toàn bắn chệch, chưa bao giờ trúng vào tâm, vào não của con thú để hạ gục nó. Thấm thoắt đã 34 năm rồi và giờ đây rõ ràng hiểm họa đã kề bên. Xin trưng một điều chứng rất tầm thường : CSVN là những kẻ rất khôn ngoan, tâm lý và lo tính xa thật xa, chúng không ngu dại gì khi chọn lựa làm một điều cấm kỵ : nhượng đất và biển cho Tầu. Chúng đã cam tâm, nhắm mắt bán nước để giữ đảng. Con đường này sẽ biến Việt Nam thành một tỉnh nhỏ của kẻ thù phương Bắc trong vài thế hệ nữa một cách thật êm đềm. Không hạ mau con thú dữ kia, chúng ta sẽ mất nước !


Vì lý do đó, người viết đã mạnh bạo đề nghị giải pháp trình trên, mong thỉnh giáo Quí Hữu già và trẻ, bốn phương góp thêm xây dựng. Những ai cảm thấy khả năng mình có thể kêu gọi và lập được một đoàn truyền thông mạng lưới thì xin tập hợp các bạn hữu xa gần khởi sự tạo lấy một đội ngũ. Đừng ngần ngại ! Cộng đồng VN có một đại vấn nạn : không ngồi lại được với nhau ! Tôi tha thiết đề nghị những ai có khả năng họp bạn, xin cứ tự động lập thành các đoàn truyền thông xung kích riêng rẽ, không sao, càng nhiều, càng đông càng tốt. Miễn là chúng ta cùng nhắm một đích mà đi tới, cùng tổng tấn công, cùng giúp quốc nội vượt tường lửa. Tất cả sẽ như nhiều đoàn quân cùng hợp đồng tấn công một mục tiêu. Sau này ta sẽ có cơ hội hợp đoàn.


Cộng Sản Việt Nam đã ngự trị quá lâu và ngày nay chúng đã hiện nguyên hình là một đảng cướp cầm quyền. Tội phản quốc của chúng đã quá rõ ràng và lòng người đã chán ghét, nguyền rủa chúng. Tình thế thích hợp cho một sự chuyển hướng và thay đổi. Tạo được nhân tâm thuận lợi thì các tổ chức chính trị, các đoàn thể đấu tranh sẽ có cơ hội đi lên dễ dàng. Đó là phần mà ai còn để tâm tới QUÊ HƯƠNG VIỆT NAM nên đóng góp. Chúng ta mong chờ một ngày mai TOÀN DÂN VIỆT VÙNG DẬY !


Tết KỶ SỬU , cuối 1 - 2009


Nguyễn Duy Hinh

Category: Chính trị | Views: 972 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 20
Khách: 20
Thành Viên: 0