Thứ Năm, 2025-01-23, 1:57 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Hai » 9 » Dự thảo chiến lược GD: những con số phi thực tế
4:35 PM
Dự thảo chiến lược GD: những con số phi thực tế

09/02/2009 13:45 (GMT + 7)
Trong phần các mục tiêu và chương trình quốc gia của bản Dự thảo đã nêu ra nhiều những con số nhưng hầu hết mới là những con số định lượng, chưa thể hiện được sự thay đổi về chất lượng giáo dục đào tạo cho đến năm 2020. Thậm chí ngay cả những con số định lượng đó mới thể hiện sự kỳ vọng của các nhà làm chiến lược chứ không có tính thực tế, khả thi.

Trong Dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2009-2020 lần thứ 14 của Bộ Giáo dục - Đào tạo có rất nhiều vấn đề đáng phải bàn. Trong bài viết này chỉ nêu ra một vài điểm mà người đọc thấy Dự thảo còn mang tính kỳ vọng mà chưa có tính thực tế ở phần mục tiêu chiến lược đến năm 2020.

Ảnh minh họa: thugian.com.vn



Trong phần các mục tiêu và chương trình quốc gia của bản Dự thảo đã nêu ra nhiều những con số nhưng hầu hết mới là những con số định lượng, chưa thể hiện được sự thay đổi về chất lượng giáo dục đào tạo cho đến năm 2020. Thậm chí ngay cả những con số định lượng đó mới thể hiện sự kỳ vọng của các nhà làm chiến lược chứ không có tính thực tế, khả thi. Dưới đây chỉ nêu ra một vài con số điển hình:

Dự thảo chiến lược đề ra: đến năm 2020 có 99% trẻ em trong độ tuổi đi học học tiểu học và trung học cơ sở; Tỷ lệ trẻ em người dân tộc trong độ tuổi được đến trường tiểu học là 90% và trung học cơ sở là 85%.

Bản thân chỉ tiêu này đã có mâu thuẫn. Nếu biết rằng (theo Tổng điều tra dân số 1999), tỷ lệ người dân tộc chiếm 15% dân số cả nước thì chỉ bằng cách suy luận số học, muốn cả nước đạt tỷ lệ 99% trẻ em trong độ tuổi đi học tiểu học và trung học cơ sở trong khi người dân tộc là 90% và 85%, thì người Kinh phải đạt 100,9%!
 

Ảnh minh họa: vnexpress.net


Hơn nữa, nếu biết rằng tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi 6-14 tuổi có đến trường tiểu học và trung học cơ sở năm 1999 là 86,2% (chỉ tính số em đang ngồi học không tính các em đã bỏ học và không đi học) và những năm vừa qua con số này chắc cũng không khá hơn bao nhiêu do trẻ em trong độ tuổi bỏ học gia tăng; mặt khác để tăng thêm 1% của chỉ tiêu này khi nó đã ở mức cao là việc không phải dễ dàng thì sẽ thấy chỉ tiêu đề ra về số trẻ em trong độ tuổi được đến trường trong Dự thảo chiến lược là không khả thi.

Dự thảo chiến lược đề ra: Đến năm 2020, đạt tỷ lệ 450 sinh viên trên 1 vạn dân. Lúc đó qui mô sinh viên đai học, cao đẳng của cả nước là 4,5 triệu và như vậy mỗi năm sẽ phải tuyển mới 1,2 triệu sinh viên. Nhưng theo dự báo dân số, vào những năm 2020, mỗi năm cả nước chỉ có khoảng 1,5 triệu em ở độ tuổi học xong lớp 9 (tốt nghiệp trung học cơ sở).

Nếu như thực hiện phân luồng tốt như Dự thảo đề ra thì 30% số em này sẽ đi học nghề, trung cấp chuyên nghiệp còn 70% sẽ học tiếp trung học phổ thông và khi tốt nghiệp lớp 12 sẽ có khoảng 1 triệu em. Trong số 1 triệu em này lại phân luồng học nghề và trung cấp chuyên nghiệp 30% như Dự thảo thì chỉ còn lại có 700 nghìn em để làm nguồn cho tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Cứ cho là sẽ tuyển hết cả 700 nghìn em này thì tuyển sinh viên mới hàng năm cho đại học, cao đẳng vẫn còn thiếu khoảng 500 nghìn em nữa. Số này lấy ở đâu đây? Hay là lúc ấy ngành giáo dục đào tạo Việt nam sẽ nhập khẩu sinh viên nước ngoài để cho đạt chỉ tiêu 450 sinh viên trên 1 vạn dân!

Đấy là chưa kể hiện nay xã hội đang kêu là “lạm phát đại học cao đẳng” mà con số tỷ lệ sinh viên trên một vạn dân mới là 220.

Cũng không thể hiểu nổi là tại sao các nhà làm Dự thảo chiến lược lại đưa ra con số đến năm 2020 tỷ lệ sinh viên trên 1 vạn dân là 450 trong khi nền kinh tế nước ta không có khả năng chịu đựng được qui mô sinh viên lớn như vậy. Rồi lấy đâu ra giảng viên, giáo sư, tiến sỹ để đáp ứng cho qui mô ấy!

Trên đây chỉ là 2 ví dụ về chỉ tiêu số lượng. Ta còn có thể kiểm chứng các chỉ tiêu khác trong một tổng thể chung kinh tế - xã hội của nước ta để có thể thấy rằng các chỉ tiêu trong Dự thảo chiến lược mang tính kỳ vọng, không thực tế, thiếu khả năng thực hiện. Để có một chiến lược đúng, sát thực tế cần nhiều công sức hơn nữa của nhiều người, nhiều ngành, của cả xã hội tham gia. 

  • Kim Ngọc Cương     
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 843 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 34
Khách: 34
Thành Viên: 0