Cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc bằng
trận Ðiện Biên Phủ cách đây 55 năm vẫn được "đảng và nhà nước ta" vỗ
ngực tự hào nhắc đi nhắc lại. Cuộc chiến chống Mỹ để "giải phóng miền
Nam" kết thúc bằng "chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử" vào ngày 30/4/1975
vẫn được kỷ niệm ăn mừng hàng năm. Nhưng cuộc chiến biên giới với Tàu
cộng vào năm 1979, tuy ngắn ngủi nhưng không kém phần đẫm máu thì "đảng
và nhà nước ta" cố tình dìm đi và cho vào quên lãng. Sau đây là bài
viết của tác giả Huy Ðức về cuộc chiến biên giới với Trung Quốc hồi
tháng 2/1979 vừa được đưa lên báo Sài Gòn Tiếp Thị online thì bị gỡ
xuống.
Biên giới tháng Hai (2009-1979)
Huy Đức
Ảnh cùa Lê Quang Nhật
Tháng Hai, những cây đào cổ thụ trước cổng đồn biên phòng Lũng Cú, Hà
Giang, vẫn chưa có đủ hơi ấm để đâm hoa; những khúc quanh trên đèo Tài
Hồ Sìn, Cao Bằng, vẫn mịt mù trong sương núi. Sáng 7-2 nắng lạnh, vợ
chồng ông Nguyễn Văn Quế, 82 tuổi, nhà ở khối Trần Quang Khải 1, thị xã
Lạng Sơn, ngồi co ro kể lại cái chết 30 năm trước của con trai mình,
anh Nguyễn Văn Đài. Năm ấy, Đài 22 tuổi. Ông Quế nói: “Để ghi nhớ ngày
ấy, chúng tôi lấy Dương lịch, 17-2, làm đám giỗ cho con”. Năm 1979, vào
lúc 5giờ 25 phút sáng ngày 17-2, Trung Quốc nổ súng trên toàn tuyến
biên giới Việt Nam, đánh chiếm từ Phong Thổ, Lai Châu, tới địa đầu Móng
Cái.
“Những đôi mắt”
Hôm ấy, ông Quế không có nhà, vợ ông, bà Dự, bị dựng dậy khi bên ngoài
trời hãy còn rất tối. Bà nghe tiếng pháo chát chúa ở hướng Đồng Đăng và
phía dốc Chóp Chài, Lạng Sơn. Bà Dự đánh thức các con dậy, rồi 4 mẹ con
dắt díu nhau chạy về xuôi. Tới ki-lô-mét số 10, đã quá trưa, bà rụng
rời khi hay tin, anh Đài đã bị quân Trung Quốc giết chết. Anh Đài là
công nhân đường sắt, thời điểm ấy, các anh đương nhiên trở thành tự vệ
bảo vệ đoạn đường sắt ở Hữu Nghị Quan. Anh em công nhân trong đội của
Đài bị giết gần hết ngay từ sáng sớm. Đài thuộc trong số 3 người kịp
chạy về phía sau, nhưng tới địa bàn xã Thanh Hòa thì lại gặp Trung
Quốc, thêm 2 người bị giết. Người sống sót duy nhất đã báo tin cho bà
Dự, mẹ Đài.
Cùng thời gian ấy, ở bên núi Trà Lĩnh, Cao Bằng, chị Vương Thị Mai Hoa,
một giáo viên cấp II, người Tày, mới ra trường, cũng bị giật dậy lúc
nửa đêm rồi theo bà con chạy vào hang Phịa Khóa. Hàng trăm dân làng trú
trong hang khi pháo Trung Quốc gầm rú ở bên ngoài, rồi lại gồng gánh
theo nhau vào phía Lũng Pùa, chạy giặc. Chị Hoa không bao giờ có thể
quên “từng đôi mắt” của dòng người gồng gánh ấy. Giờ đây, ngồi trong
một cửa hàng bán băng đĩa trên phố Kim Đồng, thị xã Cao Bằng, chị Hoa
nhớ lại: “Năm ấy, tôi 20 tuổi. Tôi nghĩ, tại sao mình lại chạy!”. Chị
quay lại, sau khi thay quần áo giáo viên bằng bộ đồ chàm vì được những
người chạy sau cho biết, rất nhiều người dân ăn mặc như cán bộ đã bị
quân Trung Quốc giết chết. Từ trên đồi, chị Hoa thấy quân Trung Quốc
gọi nhau ý ới và tiến vào từng đoàn.
Ðồn biên phòng Lũng Cú, Hà Giang
“Cuộc chiến 16 ngày”
Ngày 15-2-1979, Đại tá Hà Tám, năm ấy là trung đoàn trưởng trung đoàn
12, thuộc lực lượng Biên phòng, trấn ở Lạng Sơn, được triệu tập. Cấp
trên của ông nhận định: “Ngày 22 tháng 2, địch sẽ đánh ở cấp sư đoàn”.
Ngay trong ngày 15, ông ra lệnh cấm trại, “Cấp chiến thuật phải sẵn
sàng từ bây giờ”, ông nói với cấp dưới. Tuy nhiên, ông vẫn chưa nghĩ là
địch sẽ tấn công ngay. Đêm 16-2, chấp hành ý kiến của Tỉnh, ông sang
trại an dưỡng bên cạnh nằm dưỡng sức một đêm bởi vì ông bị mất ngủ vì
căng thẳng sau nhiều tháng trời chuẩn bị. Đêm ấy, Trung Quốc đánh.
Ở Cao Bằng, sáng 16 tháng 2, tất cả các đồn trưởng Biên phòng đều được
triệu tập về thị xã Cao Bằng nhận lệnh, sáng hôm sau họ tìm về đơn vị
triển khai chiến đấu khi Trung Quốc đã tấn công rồi. Sáng 17-2, Tỉnh
Cao Bằng ra lệnh “sơ tán triệt để khỏi thị xã”; đại đội 22 của thị xã
Cao Bằng được trang bị thêm 17 khẩu súng chống tăng B41. Ngày 18-2, một
chiếc tăng Trung Quốc có “Việt gian” dẫn đường lọt tới Cao Bằng và bị
tiêu diệt. Nhiều nơi, chỉ khi nhìn thấy chữ “Bát Nhất”, người dân mới
nhận ra đấy là tăng Trung Quốc. Đại tá Hà Tám công nhận: “Về chiến lược
ta đánh giá đúng nhưng về chiến thuật có bất ngờ”. Tuy nhiên, Đại tá
Hoàng Cao Ngôn, Tỉnh đội trưởng Cao Bằng thời kỳ 17-2, nói rằng, cho dù
không có bất ngờ thì tương quan lực lượng là một vấn đề rất lớn. Phần
lớn quân chủ lực của Việt Nam đang ở chiến trường Campuchia. Sư đoàn
346 đóng tại Cao Bằng nhiều năm chủ yếu làm nhiệm vụ kinh tế, thời gian
huấn luyện sẵn sàng chiến đấu trở lại chưa nhiều. Lực lượng cầm chân
Trung Quốc ở tuyến một, hướng Cao Bằng, chủ yếu là địa phương quân, chỉ
có khoảng hơn 2 trung đoàn.
Trong khi, theo tài liệu từ Trung Quốc, chỉ riêng ở Cao Bằng trong ngày
17-2, Trung Quốc sử dụng tới 6 sư đoàn; ở Lạng Sơn 3 sư và Lào Cai 3
sư. Hôm sau, 18-2, Trung Quốc tăng cường cho hướng Cao Bằng 1 sư đoàn
và 40 tăng; Lạng Sơn, một sư và 40 tăng; Lào Cai, 2 trung đoàn và 40
tăng. Lực lượng Trung Quốc áp sát Biên giới vào ngày 17-2 lên tới 9
quân đoàn chủ lực. Ngày 17-2, Trung quốc tiến vào Bát xát, Lao Cai;
chiều 23-2, Trung Quốc chiếm Đồng Đăng; 24-2, Trung Quốc chiếm thị xã
Cao Bằng; ngày 27-2, ở Lạng Sơn, Trung Quốc đánh vào thị xã.
Thế nhưng, bằng một lực lượng nhỏ hơn rất nhiều, các đơn vị Biên giới
đã nhanh chóng tổ chức chiến đấu. Theo cuốn “10 Năm Chiến Tranh Trung
Việt”, xuất bản lần đầu năm 1993 của NXB Đại học Tứ Xuyên, quân Trung
Quốc đã gọi con đường tiến vào thị xã Cao Bằng của họ là những “khe núi
đẫm máu”. Đặc biệt, tiểu đoàn Đặc công 45, được điều lên sau ngày 17-2,
chỉ cần đánh trận đầu ở kilomet số 3, đường từ Cao Bằng đi về xuôi qua
đèo Tài Hồ Sìn, cũng đã khiến cho quân Trung Quốc khiếp vía. Những
người dân Biên giới cho đến hôm nay vẫn nhớ mãi hình ảnh “biển người”
quân Trung Quốc bị những cánh quân của ta cơ động liên tục, đánh cho
tan tác. Đầu tháng 3-1979, trong khi hai sư đoàn 346, Cao Bằng và 338,
Lạng Sơn, thọc sâu đánh những đòn vu hồi. Từ Campuchia, sau khi đuổi
Pol Pốt khỏi Phnompênh, hai quân đoàn tinh nhuệ của Việt Nam được điều
ra phía Bắc. Ngay sau khi Quân đoàn II đặt những bước chân đầu tiên lên
Đồng Mỏ, Lạng Sơn; Quân Đoàn III tới Na Rì; Chủ tịch Nước ra lệnh “Tổng
Động viên”… ngày 5-3-1979, Trung Quốc tuyên bố rút quân về nước.
Lào Cai, Sapa, Đồng Đăng, Lạng Sơn… bị phá tan hoang. Tại Cao Bằng,
quân Trung Quốc phá sạch sẽ từng ngôi nhà, từng công trình, ốp mìn cho
nổ tung từng cột điện. Nếu như, ở Bát Xát, Lao Cai, hàng trăm phụ nữ
trẻ em bị hãm hiếp, bị giết một cách dã man ngay trong ngày đầu tiên
quân Trung Quốc tiến sang. Thì, tại thôn Tổng Chúp, xã Hưng Đạo, huyện
Hòa An, Cao Bằng, trong ngày 9-3, trước khi rút lui, quân Trung Quốc đã
giết 43 người, gồm 21 phụ nữ, 20 trẻ em, trong đó có 7 phụ nữ đang mang
thai. Tất cả đều bị giết bằng dao như Pol Pốt. Mười người bị ném xuống
giếng, hơn 30 người khác, xác bị chặt ra nhiều khúc, vứt hai bên bờ
suối.
Lặng lẽ hoa đào
Ngồi đợi ông Nguyễn Thanh Loan, người trông giữ nghĩa trang Vị Xuyên,
Hà Giang, chúng tôi nhìn ra xa. Tháng Hai ở đây mới là mùa hoa đào nở.
Nghĩa trang có 1680 ngôi mộ. Trong đó, 1600 mộ là của các liệt sỹ hy
sinh trong cuộc chiến tranh từ ngày 17-2. Ở Vị Xuyên, tiếng súng chỉ
thật sự yên vào đầu năm 1990. Năm 1984, khi Trung Quốc nổ súng trở lại
hòng đánh chiếm hơn 20 cao điểm ở Thanh Thủy, Vị Xuyên, bộ đội đã phải
đổ máu ở đây để giành giật lấy từng tấc đất. Rất nhiều chiến sỹ đã hy
sinh, đặc biệt là hy sinh khi tái chiếm đỉnh cao 1509. Ông Loan nhớ
lại, cứ nửa đêm về sáng, xe GAT 69 lại chở về, từng túi tử sỹ xếp chồng
lên nhau. Trong số 1600 liệt sỹ ấy, chủ yếu chết trong giai đoạn 1984,
1985, có người chết 1988, còn có 200 ngôi mộ chưa xác định được là của
ai. Sau khi hoàn thành việc phân giới cắm mốc, cái pháo đài trên đỉnh
1509 mà Trung Quốc dành được và xây dựng trong những năm 80, vẫn còn.
Họ nói là để làm du lịch. Từ 1509, có thể nhìn thấu xuống thị xã Hà
Giang. Năm 1984, từ 1509 pháo Trung Quốc đã bắn vào thị xã.
Trên đường lên Mèo Vạc, sương đặc quánh ngoài cửa xe. Từng tốp, từng
tốp trai gái H’mông thong thả cất bước du xuân. Có những chàng trai đã
tìm được cho mình cô gái để cầm tay. Một biên giới hữu nghị và hòa bình
là vô cùng quý giá. Năm 1986, vẫn có nhiều người chết vì đạn pháo Trung
Quốc nơi đoạn đường mà chúng tôi vừa đi, nơi các cô gái, hôm nay, để
cho các chàng trai cầm tay kéo đi với gương mặt tràn trề hạnh phúc.
Quá khứ, rất cần khép lại để cho những hình ảnh như vậy đâm chồi. Nhưng
cũng phải trân trọng những năm tháng đã thuộc về quá khứ. Tháng Hai,
đứng ở bên này cửa khẩu Chi Ma, Lạng Sơn, nhìn sang bên kia, thấy lừng
lững một tượng đài đỏ rực mà theo các sỹ quan Biên phòng, Trung Quốc
gọi là “đài chiến thắng”. Trở lại Lạng Sơn, những chiếc xe tăng Trung
Quốc bị quân và dân ta bắn cháy hôm 17-2 vốn vẫn nằm bên bờ sông Kỳ
Cùng, giờ đã được bán sắt vụn cho các khu gang thép. Ở Cao Bằng, chúng
tôi đã cố nhờ mấy người dân địa phương chở ra kilomet số 3, theo hướng
đèo Tài Hồ Sìn, tìm tấm bia ghi lại trận đánh diệt 18 xe Trung Quốc của
tiểu đoàn đặc công 45, nhưng không thấy. Trở lại Tổng Chúp, phải nhờ
đến ông Lương Đức Tấn, Bí thư Chi bộ, nguyên huyện đội phó Hòa An, đưa
ra cái giếng mà hôm 9-3-1979, quân Trung Quốc giết 43 thường dân Việt
Nam. Ông Tấn cũng chính là một trong những người đầu tiên trở về làng,
trực tiếp đỡ từng xác phụ nữ, trẻ em, bị chặt bằng búa, bằng dao rồi
quăng xuống giếng. Cái giếng ấy bây giờ nằm sâu trong vườn riêng của
một gia đình, không có đường đi vào. Hôm ấy, anh Tấn phải kêu mấy thanh
niên đi theo chặt bớt cành tre cho chúng tôi chụp hình bia ghi lại sự
kiện mà giờ đây đã chìm trong gai tre và lau lách.
Huy Đức
Nguồn: Osin
|