Thứ Hai, 2024-12-23, 8:22 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Hai » 10 » Hiến chương 08 —một quan niệm phổ quát
2:10 PM
Hiến chương 08 —một quan niệm phổ quát

Jon Adams, Tạp chí Kinh Tế Viễn Ðông 06/02/09, Khưu Bình lược dịch

Ðược đưa lên mạng vào đầu tháng 12/2008, “Hiến chương 08” là một lời cáo buộc nghiêm trọng đối với quyền cai trị của Ðảng Cộng sản Trung Quốc (ÐCSTQ). Hiến chương 08 đã trình bày một tầm nhìn rất rõ nét đầy chi tiết cho một nước Trung Hoa mới: một quốc gia với tinh thần pháp trị, bầu cử đa đảng và sự chia sẻ quyền lực.

Một trong những người đề thảo ra bản Hiến chương là ông Liu Xiaobo, hiện vẫn đang còn trong tù, phải đối diện với các tội danh “kích động lật đổ nhà nước” hoặc nặng hơn. Công an đã tra hỏi và cảnh cáo ít nhất hàng chục người ký tên, khóa miệng báo chí và đóng cửa các trang mạng đề cập đến bản Hiến chương.  

Cho đến nay, những tiếng xầm xì ban đầu về Hiến chương 08 đã trầm xuống, nhưng một số lời bình luận vẫn tiếp tục. Trong hai bài viết gần đây, blogger Roland Soong của trang blog Ðông Nam Tây Nam được mọi người đón đọc rộng rãi, đã bác bỏ điều cho rằng hầu hết mọi người dân Trung Quốc không chú ý nhiều đến Hiến chương 08. (Ông ta đã trích dẫn một bài báo mà tôi đã viết cho tạp chí Christian Science Monitor.) Rebecca MacKinnon cũng có một bài tiểu luận dài về Hiến chương 08 trên trang web của bà ấy.

Tôi nói chuyện với ông Zhang Zuhua, một trong những người đề thảo ra Hiến chương 08, ở Bắc Kinh vào ngày 26 tháng 12 năm ngoái. Trong buổi phỏng vấn đó, ông ta đã nói rõ ràng rằng Hiến chương 08 chỉ có ý định như một bản thiết kế về chính trị, và công cuộc cải cách có thể mất hàng thập niên, thậm chí cả hàng thế hệ. Ông nói, “Chúng tôi không mong sự thay đổi này có thể xảy ra qua một đêm”.

Chính cá nhân ông Zhang là một bài học về những sự đảo ngược nhanh chóng có thể xảy ra chỉ trong một đời người ở Trung Quốc. Là một người sinh ra và lớn lên ở Bắc Kinh, ông đã bị “đưa xuống” nông thôn cùng với các thành phần trẻ có nhiều đặc quyền để được “giáo dục cải tạo” trong thời gian có cuộc Cách mạng Văn hóa. Cuối cùng ông bị đưa vào làm công việc chế tạo các phụ tùng tên lửa trong một hang động ở tỉnh Tứ Xuyên suốt 8 năm trời.  

Cùng với những điên cuồng của cuộc Cách mạng Văn hóa được kết thúc, ông là một phần của thế hệ thứ nhất quay trở lại trường học. Ông theo học ở Trường Ðại học Phổ thông Tứ Xuyên, và chú tâm vào hiến pháp Tây phương. Sau đó ông được thăng cấp leo lên nhiều chức vụ trong ông Ðoàn Thanh niên Cộng sản, nơi ông từng công tác vào thập niên 1980s với Lý Khắc Cường —bây giờ là phó thủ tướng.

Sự nghiệp chính trị của chính bản thân ông Zhang bị kết thúc khi ông lên tiếng ủng hộ cuộc biểu tình phản kháng tại Quảng trường Thiên An Môn. Từ đó, lúc có lúc không, ông bị đặt dưới sự giám sát của chế độ. Gần đây nhất, công an đã tra vấn ông suốt 12 tiếng đồng hồ vào hôm 08/12/08 vì sự liên quan của ông đến Hiến chương 08. 


Ông Zhang Zuhua (Trương Tổ Hoa)

Dưới đây, bằng chính lời nói của mình, là những suy nghĩ của ông về  Hiến chương 08 và tương lai của Trung Quốc. (Bản lược ghi đã được sửa chữa và xếp đặt lại cho dễ đọc)  

Jonathan Adams (JA): Một vài nhà phê bình cho rằng các quan niệm trong Hiến chương 08 là của “Tây phương”, rằng Trung Quốc ở trong một tình trạng đặc biệt cho nên các quan niệm này không áp dụng được.

Zhang Zuhua (ZZ): Ðầu tiên, chúng tôi có một thái độ phải chăng về những lời bình luận và phê phán như vậy. Chúng tôi đón nhận tất cả mọi người lên tiếng bình luận về bản Hiến chương này, và chúng tôi có thể học hỏi từ họ.

Tôi là môt trong những người chủ yếu đề thảo ra bản Hiến chương. Khi công an hạch hỏi tôi, tôi đã nhìn nhận rằng phần lớn các quan niệm này là quan niệm của Tây phương. Các quan niệm trong bản Hiến chương không những chỉ đến từ Ðạo luật Dân quyền Hoa Kỳ, mà cũng còn cả từ hiến chương cải cách Magna Carta năm 1215 ở Anh Quốc, từ Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền Pháp năm 1789, và từ Hiến chương Tiệp Khắc 77 [lời kêu gọi cải cách chính trị năm 1977 của các nhà tranh đấu Tiệp Khắc trong những ngày còn dưới sự cai trị của Cộng sản]

Nhưng  chúng tôi cũng có một khát vọng bẩm sinh : đó là, Ðài Loan. Trước năm 1986, cũng có nhiều nhà tranh đấu, người ta tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền ở Ðài Loan, và đưa ra nhiều lời kêu gọi về những việc này [Ðài Loan bắt đầu công cuộc dân chủ hoá vào cuối thập niên 1980s]

JA: Nhiều người Trung Hoa cho rằng điều quan trọng nhất là Trung Quốc cần sự ổn định, rằng phải chú tâm vào tăng trưởng kinh tế và việc cải cách chính trị có thể chờ đợi.

ZZ: Cá nhân tôi đồng ý với điều này. Trung Quốc phải có thời gian để phát triển. Năm nay sẽ là dịp kỷ niệm lần thứ 20 sự kiện Thiên An Môn 1978. Và chúng tôi hy vọng Trung Quốc có thể tiến tới dân chủ và tinh thần pháp trị với một cái giá rất thấp. Tôi hy vọng rằng Trung Quốc có thể hoàn thành sự chuyển đổi này trong một đường lối ôn hoà bất bạo động.   

JA: Ðiều gì sẽ cần thiết cho Trung Quốc để thay đổi ?

ZZ: Trong các bài viết của tôi, tôi dùng một phương pháp phân tích gọi là phép phân tích “3 cộng 1”. Nhìn vào tất cả các nhân tố ảnh hưởng đến tương lai của Trung Quốc, tôi thấy có 3 yếu tố chính trị và môt yếu tố kinh tế. Các yếu tố chính trị là đảng cầm quyền, xã hội dân sự và xã hội quốc tế.

Ðảng Cộng sản Trung Quốc là đảng cầm quyền và những lựa chọn của họ về tương lai thì rõ ràng là rất quan trọng cho xã hội Trung Quốc. Nhưng các nỗ lực của đảng cầm quyền thì không đủ. Không có sự tham gia của xã hội dân sự và xã hội quốc tế, thì rất khó khăn để đưa Trung Quốc đi đúng đường.

JA: Ông nghĩ là bao lâu thì sự thay đổi có thể xảy ra ?

ZZ: Tôi nghĩ điều đó sẽ không khó khăn gì để hoàn tất một sự thay đổi trong hệ thống chính trị, nếu 4 nhân tố mà tôi đã đề cập tất cả được sẵn sàng. Cho nên tôi nghĩ trong một hay hai thập niên tới, sự thay đổi như thế này có thể hoàn thành được. Nhưng để củng cố và làm hòan hảo nền dân chủ —sẽ tốn một thời gian dài.  Có lẽ sẽ đòi hỏi nhiều nỗ lực của của hàng thế hệ. Cho nên chúng tôi không mong sẽ đạt được điều này chỉ qua một đêm.

JA: Nhiều nhà phân tích mà tôi đã tiếp xúc đều nói rằng chính phủ Trung Quốc lo ngại rằng ảnh hưởng của ngoại quốc đang nằm đằng sau Hiến chương 08 —rằng các yếu tố nước ngoài muốn phá hoại Trung Quốc từ trong ra.

ZZ: Cá nhân tôi không đồng ý với ý kiến bác bỏ sự can thiệp từ những quốc gia khác. Tôi nghĩ điều này đi ngược lại với xu hướng toàn cầu về một xã hội dân sự. Trong Hiến chương 08, chúng tôi chấp nhận và thực hiện một quan niệm phổ quát được toàn nhân loại chia sẻ. Quan niệm đó không phải là của người Mỹ, không phải của người Âu Châu, cũng không phải của người Phi Châu. Quan niệm đó áp dụng cho tất cả loài người. Nhưng ÐCSTQ không đồng ý với quan niệm phổ quát này và chỉ trích nó. Ðó là điều chúng tôi khác biệt với họ.

JA: Những phản ứng như thế nào mà cá nhân ông đã nhận được đối với Hiến chương 08 ?

ZZ: Khi chúng tôi đề thảo ra Hiến chương 08 thì chúng tôi lo ngại rằng nó chỉ dành cho giới thượng lưu, và sẽ không được những người dân bình thường đón nhận. Nhưng theo những phản ứng trên mạng Internet thì nó không phải như vậy. Rất nhiều người, bao gồm cả nông dân nghèo lẫn giới công nhân, đều đồng ý với Hiến chương 08, và càng ngày càng nhiều người biết đến nó.

Hiến chương 08 kêu gọi cho một hệ thống tòa án độc lập và huỷ bỏ sự bất bình đẳng. Những người dân bình thường chấp thuận tất cả những đề nghị này.

Thật ra, một trong những đề nghị quan trọng nhất trong Hiến chương 08 là huỷ bỏ nguyên tắc kỳ thị bất công đối với nông dân nghèo –hoặc huỷ bỏ sự phân biệt giữa cư dân ở nông thôn và thành thị, vì nhiều nông dân bị đối xử một cách bất công. Tôi đã nhận được nhiều cú điện thoại từ các nông dân tán thành dự kiến này.

JA: Những điều gì khác giải thích sức lôi cuốn rộng rãi của Hiến chương này ?

ZZ: Tôi nghĩ Hiến chương này đã nói lên rõ ràng những gì mà nhiều người Trung Quốc muốn nói. Nó rất hợp lý và rất có tinh thần xây dựng. Trước nhất, nhiều người không dám lên tiếng nói ra. Thứ hai là không có chỗ để cho họ nói ra, vì không có cơ quan truyền thông báo chí nào sẽ đăng tải cho họ. Và thứ ba, 303 người ký tên đầu tiên là các nhà khoa bảng rất nổi tiếng.

Thí dụ như, người ký tên đầu tiên là ông Yu Haocheng [một nhà vận động thay đổi hiến pháp nổi tiếng]. Thứ hai là ông Zhang Sizhi [một trong những luật sư nổi tiếng nhất của Trung Quốc]. Và thứ ba là ông Mao Yushi [một chuyên gia kinh tế rất đáng kính], và rồi là ông He Weifang [một nhà vận động nổi tiếng cho việc cải cách luật pháp ở Trung Quốc].

Và dĩ nhiên, họ [chính phủ] bỏ tù người ta —điều đó lại thu hút thêm sự chú ý.
 
JA: Phản ứng của chính phủ đối với Hiến chương 08 đến tầm mức nào liên quan đến dịp kỷ niệm sắp tới chiến dịch đàn áp ở Quảng trường Thiên An Môn ?

ZZ: Chính phủ đã công khai nhìn nhận điều đó. Họ có hai mối lo ngại. Một là dịp kỷ niệm Thiên An Môn 1989. Cái kia là nền kinh tế hiện giờ rất xấu—họ lo sợ sự náo loạn và những khó khăn do nạn thất nghiệp gây ra. Thật ra thì khi công an hạch hỏi tôi, họ đã đề cập rằng các giới chức cao cấp của chính quyền trung ương thật sự là rất lo ngại về năm nay, vì tình hình có thể trở nên rất nghiêm trọng.

JA: Vai trò của kỹ thuật quan trọng như thế nào trong việc truyền bá Hiến chương 08 ?

ZZ: Cách đây 31 năm, trong thời kỳ của Hiến chương 77, không có mạng Internet, cho nên rất khó khăn để truyền bá văn kiện đó. Hôm qua, tôi tìm kiếm bằng “google” về Hiến chương 08. Ngay bây giờ đã có hơn 300 ngàn link nối kết về Hiến chương 08. Nhiều người trong giới trẻ dùng các blog hoặc QQ [ý nhắc đến loại nhu liệu nhắn tin nhanh rất thông dụng ở Trung Quốc] để tìm bạn, đồng thời cũng loan truyền về bản Hiến chương mới này. Bản Anh ngữ của Hiến chương 08 được loan tải nhanh chóng. Do đó nhờ vào Internet, bây giờ không thể nào ngăn chặn được thông tin đến với xã hội.

JA: Tình trạng của ông bây giờ ra sao? Ông có bị theo dõi, và mới đây ông có bị công an hạch hỏi không ?

ZZ: Kể từ ngày 9/12, họ không trực tiếp sách nhiễu tôi. Nhưng họ [công an Trung Quốc] đưa người đến canh gác nhà chúng tôi, và họ đặt dụng cụ nghe lén điện thoại nhà lẫn điện thoại di động của tôi. Họ cắt điện thoại nhà tôi từ 11 giờ khuya đến 9 giờ sáng. Tôi nói đùa với họ rằng tôi sẽ phản đối vì điều đó có nghĩa rằng họ không được chuyên nghiệp lắm –họ không làm việc chăm chỉ vào ban đêm, vì họ cần nghỉ ngơi.

JA: Ông lo ngại như thế nào về việc ông sẽ bị đưa vào tù ?

ZZ: Tôi không lo ngại lắm, nhưng gia đình và bà xã tôi thì lo lắng. Khi tôi bắt đầu làm việc cho dự án này, tôi đã tiên đoán rằng chính phủ sẽ phản ứng giống như thế này, tức là tôi có thể bị bắt. Cho nên tôi đã chuẩn bị tinh thần. Khi công an tra vấn tôi, họ cũng nói rằng như thế này là chưa xong đâu, rằng họ sẽ còn điều tra thêm và hạch hỏi tôi trở lại. Do đó tôi đang đối diện với nguy cơ bị bắt giữ trở lại.

JA: Tại sao ông lại sẵn sàng lên tiếng ?

ZZ: Lúc tôi ở đồn công an, tôi đã nói với công an rằng, “Trong mọi quốc gia, tình trạng đều giống nhau. Những người đứng dậy tranh đấu cho tự do nhân quyền —thì họ là những người bị mất mát những điều này trước. Họ phải trả một cái giá cho tự do nhân quyền của những người khác”.

Tôi thật sự không muốn bị tù đày, nhưng tôi không có sự lựa chọn. Chế độ [cai trị của ÐCSTQ] thì giống như thế này —họ không cho phép người dân được đối lập với họ, không được bất đồng với chế độ. Cho nên chúng tôi phải đứng dây và tranh đấu cho dân chủ —đó là trách nhiệm của chúng tôi.  

http://www.feer.com/free-interviews/20098/january59/Charter-08-A-Universal-Idea
Category: Tiếng nói dân chủ | Views: 778 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 8
Khách: 8
Thành Viên: 0