Thứ Năm, 2025-01-23, 2:01 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Hai » 12 » Vụ bô-xít: Ai đã quyết, và Ai sẽ phủ quyết?
8:31 AM
Vụ bô-xít: Ai đã quyết, và Ai sẽ phủ quyết?


2009-02-11

Những ngày này, khi nói về bauxite và những dự án khai thác khổng lồ tại Việt Nam với sự hiện diện của người Nga và cả người Trung Quốc, giới quan sát đặt ra hàng loạt câu hỏi liên quan đến hệ quả của các chương trình đầy tham vọng này.


central-highland-map-200.jpg
Khu vực Tây Nguyên (Central Highlands) trên bản đồ Việt Nam. Photo courtesy of Wikipedia
Chẳng hạn, trên blog của một blogger tên Linh, tác giả viết, rằng “chắc phải sớm đi Tây Nguyên,” trước khi “núi rừng bị cày nát,” trước khi xuất hiện “những dòng suối đỏ ngầu màu bùn và chất thải,” trước khi “những cánh đồng cà phê bị khát cháy vì thiếu nước,” và trước khi “mảnh đất giữa lòng Việt Nam bị một nhát dao xé nát ngang hông, chia Nam Bắc thành hai nửa.”

Một tác giả khác, tên là Võ Văn Thành, có bài phân tích được đăng trên blog của blogger Trung N., đặt vấn đề mang tính kinh tế. Ông Thành viết rằng, khai thác bauxite tại Việt Nam là “không cần thiết, vì nhu cầu về nhôm kim loại của Việt Nam không nhiều;” khai thác bauxite tại Tây Nguyên là một chọn lựa “không thông minh” vì có thể làm mất nguồn nước cung cấp cho Đồng Nai, Bình Dương, Sài Gòn; khai thác bauxite làm ảnh hưởng cuộc sống đồng bào sắc tộc thiểu số; và khai thác bauxite sẽ khiến “người dân tộc trên Tây Nguyên bị đẩy ra ngoài cuộc sống xã hội ngay trên quê hương của mình.”

Chủ trương lớn?

Đến ngày 5 tháng Giêng vừa qua, một nhân vật quân sự nổi tiếng Việt Nam, là đại tướng Võ Nguyên Giáp, gởi thư cho thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhấn mạnh:

Việc xác định một chiến lược phát triển Tây Nguyên bền vững là vấn đề rất hệ trọng đối với cả nước về kinh tế, văn hóa và an ninh quốc phòng.” Bức thư gởi người đứng đầu chính phủ cũng nhắc đến việc “trong tháng 12 năm 2008, đã có hàng trăm công nhân Trung Quốc đầu tiên có mặt trên công trường, (dự kiến cao điểm sẽ lên tới vài nghìn tại một dự án).”

Việc xác định một chiến lược phát triển Tây Nguyên bền vững là vấn đề rất hệ trọng đối với cả nước về kinh tế, văn hóa và an ninh quốc phòng.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Ông Dũng trả lời tướng Giáp, thông qua phương tiện truyền thông, rằng “vấn đề khai thác bauxite tại Tây Nguyên là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà Nước.”

Những thông tin trên báo chí trong nước cho thấy, bauxite không chỉ được khai thác ở Tây Nguyên. Cao Bằng và Bình Phước cũng sẽ là những cuộc chơi lớn. Và không chỉ người Trung Quốc, mà cả người Nga cũng sẽ dự phần trong các cuộc khai thác qui mô ấy.

Thủ tướng Dũng dường như cũng lý cớ để khẳng định rằng “khai thác bauxite là chủ trương lớn của Đảng và Nhà Nước.” Hãy điểm qua một vài sự kiện của quá khứ:

Bản tin của Interfax ngày 27 tháng 10 viết rằng, 2 phía Việt – Nga đã ký biên bản ghi nhớ về việc khai thác bauxite, như một phần của chương trình hợp tác lớn giữa 2 quốc gia, với sự chứng kiến của tổng thống Nga Dmitri Medvedev và chủ tịch Nguyễn Minh Triết nhân chuyến ông Triết sang Nga.

Bản tin cũng nói, đại diện tập đoàn UC RUSAL của Nga cũng đã gặp ông Dũng trong chuyến sang Việt Nam, kể rằng, ông Dũng nói Việt Nam rất mong phát triển kỹ nghệ nhôm.

Bản tin của Bộ Ngoại Giao Việt Nam thì nói, hồi giữa năm ngoái, Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam, ông Nông Đức Mạnh, sang thăm Trung Quốc, cũng khẳng định 2 nước “tăng cường hợp tác trong các dự án” trong đó có dự án khai thác bauxite tại Đắc Nông!

Ai lợi, Ai thiệt?

Trở ngược về thời điểm đầu năm 2007, chính thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết Định Số 167, có nội dung “phê duyệt quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến sử dụng quặng bauxite giai đoạn 2007 đến 2015, có xét đến năm 2025.”

central-highland-305.jpg
Nhiều ý kiến lo ngại việc tiến hành dự án khai thác bô-xít có thể hủy hoại môi trường sống của vùng Tây Nguyên.
Câu hỏi đặt ra, ai sẽ hưởng lợi, và ai sẽ chịu thiệt thòi, một khi các dự án khai thác bauxite khổng lồ ở Tây Nguyên, ở Đắc Nông, ở Cao Bằng, ở Bình Phước, chính thức đi vào hoạt động?

Trên blog của nhà báo Bùi Thanh, nguyên là phó Tổng Biên Tập báo Tuổi Trẻ, vừa bị thôi việc gần đây, độc giả có thể tìm được phần nào lời giải đáp.

Bùi Thanh viết rằng: “Công ty phía Nga tham gia khai thác bauxite tại Việt Nam là United Company RUSAL, một “tập đoàn tầm cỡ thế giới trong ngành công nghiệp nhôm với sản lượng nhôm và alumina tương ứng xấp xỉ 12% và 15% sản phẩm toàn cầu.

Còn phía Việt Nam thì có công ty cổ phần “An Viên (An Viên Group), hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng, du lịch, khách sạn, khu vui chơi giải trí.”

Vẫn theo Bùi Thanh:

“An Viên bao gồm một nhóm các nhà đầu tư đã và đang kinh doanh trên 9 tỉnh thành thuộc lãnh thổ Việt Nam. Một số dự án điển hình đã được thực hiện bao gồm: Khu Trung tâm Thương mại và văn phòng cho thuê Vincom Tower tại Hà Nội, Dự án Vinpearl Resort & Spa tại Nha trang, dự án khu du lịch và sinh thái An Viên tại Nha Trang….

Sẽ rất khó cho tướng Giáp và các nhà khoa học, nhà báo đang đấu tranh không mệt mỏi vì một Tây Nguyên an lành, trước nguy cơ và hiểm họa môi trường không tránh khỏi do những dự án khai thác khổng lồ của “những anh bạn đói nguyên liệu nhôm” đến từ Matxcơva và Bắc Kinh.

Nhà báo Bùi Thanh

Từ năm 2008, An Viên bắt đầu quan tâm và bước đầu triển khai nghiên cứu dự án thăm dò bauxite tại khu vực Bình Phước…

... Đại diện An Viên Group ký Biên Bản Ghi Nhớ là ông Phạm Nhật Vũ. Phạm Nhật Vũ chính là em trai Phạm Nhật Vượng, ông chủ Technocom, Vincom.

Điều đáng ngạc nhiên ở đây là công ty An Viên đang từ kinh doanh bất động sản, khách sạn, du lịch giải trí…đã chuyển sang khai thác bauxite, với cú bắt tay với gã khổng lồ UC Rusal.

Và vậy, sẽ rất khó cho tướng Giáp và các nhà khoa học, nhà báo đang đấu tranh không mệt mỏi vì một Tây Nguyên an lành, trước nguy cơ và hiểm họa môi trường không tránh khỏi do những dự án khai thác khổng lồ của “những anh bạn đói nguyên liệu nhôm” đến từ Matxcơva và Bắc Kinh…”

Dư luận quan ngại

Về phương diện kỹ thuật, nhiều nhà khoa học trong nước đã và đang lên tiếng phản đối việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên. Xin dẫn lại những phát biểu của mốt số nhà khoa học đã từng phát biểu trên đài chúng tôi về vấn đề này.

Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn, giám đốc Công ty Năng lượng Sông Hồng, là người có những ý kiến phản biện mạnh mẽ, nói rằng bùn đỏ thải ra trong quá trình khai thác bauxite được ví như “bom bẩn” đe doạ môi trường và mạng sống con người. “Bùn đỏ chứa 70% nước và 30% chất thải quặng thì rất nguy hại về môi trường, vì 70% còn lại chất NAOH, tức là xút.”

Tiến sĩ Trần Bỉnh Chư, phó trưởng bộ môn Địa Chất, thuộc Đại Học Mỏ - Địa Chất Hà Nội đặt câu hỏi về việc giải quyết chất thải sinh ra trong quá trình “làm giàu” bauxite: “Bô-xít thành phần chính là AL2O3 cộng với một số hợp chất; mà muốn làm giàu lên thì phải sử dụng hóa chất để giải phóng, tức tách các hợp chất ra; sau khi xử lý ra thì chất thải đó đổ đi đâu. Nếu tích lại mà thấm ra đất thì ảnh hưởng.”

Tiến sĩ Phạm Duy Hiển thì cảnh báo rằng, phá môi trường Tây Nguyên sẽ gây thiệt hại không chỉ cho Tây Nguyên: “Tây Nguyên được ví như mái nhà Đông Dưong nên phải thận trọng. Phá môi trường vùng như Tây Nguyên thì sẽ gây ra những thiên tai lớn không chỉ Tây Nguyên mà còn những vùng dưới nữa.”

Xét đến khía cạnh văn hoá, thì nhà văn Nguyên Ngọc, người am hiểu văn hoá Tây Nguyên, tỏ ra đặc biệt quan ngại. Ông nói, khai thác bauxite tại Tây Nguyên đồng nghĩa với việc phá huỷ đơn vị xã hội cơ bản của địa phương này.

“Xung quanh dự án bauxite tại Tây Nguyên, hiện có rất nhiều lo lắng trong xã hội. Lo lắng về nhiều mặt, kể cả kinh tế, về mặt môi trường, xã hội, an ninh quốc phòng, vân vân. Tôi thì tôi lo lắng về mặt văn hoá xã hội ở Tây Nguyên. Đây là một vùng văn hoá rất đặc sắc và độc đáo. Tây Nguyên trước hết là rừng.

Văn hoá Tây Nguyên có thể nói là văn hoá rừng, là tinh hoa của sự gắn bó của con người với tự nhiên. Tự nhiên ở đây là rừng, “rừng của làng.” Đơn vị xã hội cơ bản của Tây Nguyên là làng, “làng rừng.” Có thể nói, đất và rừng là nền tảng văn hoá của Tây Nguyên.”

Phá rừng, thì với Tây Nguyên, “tế bào cơ bản của xã hội,” hay “không gian sinh tồn của làng,” sẽ tan. Theo đó, con người cũng sẽ không tồn tại.

Nhà văn Nguyên Ngọc

Nhà văn Nguyên Ngọc cũng nhận định, là nếu nền tảng “đất và rừng” mất đi, văn hoá Tây Nguyên sẽ tan: “Một xã hội, một dân tộc mà văn hoá bị tan đi, thì xã hội không thể ổn định, và thậm chí các dân tộc không thể tồn tại.”

“Ở Đắc Nông chẳng hạn, bauxite có tầng quặng mỏng, độ phân giải vì vậy rất rộng, chiếm 2 phần 3 diện tích sẽ bị “bóc” rừng. Phá rừng, thì với Tây Nguyên, “tế bào cơ bản của xã hội,” hay “không gian sinh tồn của làng,” sẽ tan. Theo đó, con người cũng sẽ không tồn tại.”

Một chi tiết trong bức thư mà đại tướng Võ Nguyên Giáp, năm nay gần 100 tuổi, gởi ông Nguyễn Tấn Dũng, có một chi tiết đáng để ý. Đó là: “…nên mời thêm các tư vấn chuyên ngành quốc tế có nhiều kinh nghiệm phối hợp với các nhà khoa học và nhà quản lý của nước ta cùng thẩm định cho khách quan … xem xét, cân nhắc kỹ càng, không thể chỉ dựa vào đề xuất của các Bộ hay tập đoàn kinh tế.”

Tiến sĩ Phạm Duy Hiển, cũng trong một phát biểu với đài chúng tôi, nói rằng vấn đề khai thác bauxite, chính phủ “đã quyết rồi thì khó thay đổi quyết định.”

Vấn đề đặt ra là, ai đã quyết định, và tiến trình đi đến quyết định ấy, diễn ra như thế nào? Người dân, thông qua Quốc Hội, có tiếng nói như thế nào trong những vấn đề liên quan đến chính họ? Và tất cả những chuyến đi Nga, đi Trung Quốc, của lãnh đạo Việt Nam, nhằm ký kết hoặc chứng nhận lễ ký kết các biên bản ghi nhớ khai thác bauxite, đã được công khai đến đâu?

Liệu có cơ hội cho một sự phủ quyết hay không? Nếu có, quyền ấy thuộc về ai?

----------------------

Trên đây là những ghi nhận từ các blog cá nhân liên quan đến vấn đề Việt Nam hợp tác với Trung Quốc và Nga khai thác bauxite ở vùng Tây Nguyên cùng một số địa phương khác.

Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm, sàng lọc và gởi đến quí vị những hình thức thông tin trên Internet, trong các trang Blog cá nhân liên quan đến nhiều đề tài khác nhau và gởi đến quí vị trong các chương trình sau.

Mong quí vị đóng vai trò cầu nối giữa chúng tôi và các thông tin như vậy. Xin gởi cho chúng tôi các thông tin cùng đường liên kết đến các blog hữu ích mà quí vị đọc được, qua địa chỉ vietweb@rfa.org.

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 910 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 36
Khách: 36
Thành Viên: 0