Thứ Ba, 2024-12-03, 11:57 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Hai » 13 » Trên bảo dưới không thèm nghe
6:52 PM
Trên bảo dưới không thèm nghe

Phạm Trần

Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, Chống Tham nhũng: “Tình hình tham nhũng hiện còn nghiêm trọng và diễn biến phức tạp.”

Hoa Thịnh Đốn.- Chưa có nơi nào trên Thế giới mà lệnh của Thủ tướng bị cấp dưới coi thường như ở Việt Nam, nhưng nếu tìm hiểu cho kỹ thì không có gì phải ngạc nhiên vì Cổ nhân ta đã dậy “Thượng Bất Chính thì Hạ Tắc Loạn”.

Việc này đã do Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng chứng minh trong bản tin của nhà nước Cộng sản Việt Nam phổ biến ngày 4-1-2009.


Theo Nghị định số 37/2007/NĐ-CP ngày 09-03-2007 thì Dũng ra lệnh cho cán bộ, đảng viên thuộc diện phải kê khai “tài sản” phải hòan tất hồ sơ lần đầu trước ngày 31-12-2007, nhưng đến ngày 20/12/2008, mới có 19 cơ quan ở Trung ương và 10 địa phương làm xong.

Báo cáo của Thanh tra Chính phủ cho biết trong đợt khai này có : “Tổng số 36.427 cơ quan tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của các Bộ, ngành, địa phương đã triển khai việc kê khai tài sản, thu nhập. Gần 395.000 người đã kê khai tài sản thu nhập.”

Nhưng, theo Ban Thanh tra vẫn còn : “Một số Bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm đến việc triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về minh bạch tài sản, thu nhập, chưa thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo về minh bạch tài sản, thu nhập... Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai của nhiều cơ quan, đơn vị chưa triệt để, chậm tiến độ so với quy định.”

Vậy các Bộ và Cơ quan nào trực thuộc Trung ương trong phạm vi trách nhiệm của Nguyễn Tấn Dũng đã làm theo lệnh Chính phủ?

Thanh tra báo cáo : “Các Bộ, ngành đã kê khai xong tài sản, thu nhập lần đầu: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Dân tộc, Văn phòng Chính phủ.

Các cơ quan trung ương, cơ quan thuộc Chính phủ khác đã kê khai xong tài sản, thu nhập lần đầu: Kiểm toán Nhà nước, Trung ương Hội Phụ nữ VN, Trung ương Mặt trận Tổ quốc VN, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Tổ chức Trung ương, Hội Cựu chiến binh, Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng, Ban Quản lý Lăng.

Các tỉnh, thành phố đã kê khai xong tài sản, thu nhập lần đầu: Bắc Giang, Bình Thuận, Cà Mau, Hà Nam, TP Đà Nẵng, Kon Tum, Phú Yên, Sóc Trăng, Gia Lai, Ninh Bình.”

COI TRỜI BẰNG VUNG

Chính phủ Dũng có 18 Bộ, nhưng mới chỉ có nhân viên thuộc 5 Bộ kê khai tài sản, số 13 Bộ còn lại vẫn trơ ra như gỗ mà Dũng không làm được gì thì cũng lạ. Điều đáng nói là trong số các Cơ quan bất tuân lệnh Chính phủ có cả các Bộ quan trọng như : Quốc phòng, Công an, Ngọai giao, Tài chính, Nội vụ, Công thương, Giáo dục và Đạo tạo.

Như vậy những kẻ đứng đầu các Bộ này, tiêu biểu như Phạm Gia Khiêm, Phó Thủ tướng (Ngọai giao); Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng (Bộ Giáo dục và Đào tạo); Phùng Quang Thanh, Đại tướng (Bộ Quốc phòng); Lê Hồng Anh, Đại tướng Công an (Bộ Công an) v.v... có biết xấu hổ không, hay nhóm này có lý do nào khác mà không thi hành lệnh của Thủ tướng ?

Báo cáo cũng liệt kê các Cơ quan trực thuộc Trung ương coi lệnh Dũng không ra gì gồm có : Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Thông Tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Viện Khoa học Xã hội Việt Nam.

Cũng nên biết các cơ quan như Thông Tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam là những “cái loa tuyên truyền” hàng đầu của nhà nước Cộng sản Việt Nam ngày nào cũng ra rả thúc bách dân chúng tuân thủ luật pháp và tuyên truyền lời nói của Lãnh đạo phô trương đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên và đề cao “thành tích” chấp hành luật pháp và thì hành nhiệm vụ của các cơ quan đảng và nhà nước.

Riêng Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh là nơi đào tạo cán bộ lãnh đạo cấp cao và cán bộ tư tưởng hàng đầu cho đảng và nhà nước mà những đảng viên phục vụ tại đây cũng “trốn” kê khai tài sản, cũng không coi lệnh Thủ tướng ra gì thì dậy bảo ai được ?

Những kẻ tốt nghiệp từ trường chính trị cấp cao nhất của đảng CSVN đã học được những gì từ những Giáo sư, Tiến sỹ, Phó Tiến sỹ ở đây ? Hèn chi Cổ nhân chẳng dậy “Nhân nào thì Qủa ấy”.

Đối với các “quan” lãnh đạo trong 64 Tỉnh và Thành phố trong cả nước, theo Báo cáo của Thanh Tra, chỉ có cán bộ và đảng viên ở 10 nơi đã khai báo. Trong số 54 Tỉnh, Thành còn lại không thèm khai , nhưng các “quan” ở đó lại to mồm hô hào chống tham nhũng và kêu gọi người khác phải học theo “Bác” nhiều hơn nơi khác lại có cả đám cán bộ đứng đầu ở Thủ đô Hà Nội và các Thành phố lớn như Hồ Chí Minh (Sài Gòn cũ), Cần Thơ và Hải Phòng.

Hãy nghe Phạm Quang Nghị, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội phô trương tại buổi mít tinh Kỷ niệm 79 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2009) : “Với vị thế là trái tim của cả nước, trong nhiều thập kỷ qua, Đảng bộ và nhân dân thủ đô Hà Nội luôn ra sức phát huy truyền thống vẻ vang của Đảng, nỗ lực phấn đấu, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng và an ninh....
... Trong năm qua, Thành uỷ Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt 5 nhiệm vụ trọng tâm: đẩy mạnh cải cách hành chính; chấn chỉnh trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực xây dựng và quản lý đô thị; đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hóa; tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; thực hiện 2 khâu đột phá về công tác cán bộ và cải cách hành chính.”

Đã làm được 5 nhiệm vụ trọng tâm, nhưng lại “quên mất” việc kê khai tài sản thì có buồn cười không?

Chẳng nhẽ một người có chức trọng, quyền cao nhất của Thủ đô như Nghị mà không biết Điều 5 của Nghị định 37 ngày 09-03-2007 đã quy định rằng : “Việc kê khai tài sản, thu nhập là để cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền biết được tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai nhằm minh bạch tài sản, thu nhập của người đó; phục vụ công tác quản lý cán bộ, công chức, góp phần phòng ngừa và ngăn chặn hành vi tham nhũng.”

Nhưng khi không kiểm tra, không làm theo lệnh của người đứng đấu Chính phủ thì ai mà biết được thực chất của công tác “ tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” ở Hà Nội ra sao?

Cũng tại lễ kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam tại Sài Gòn, Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM cũng bô bô cái miệng: “Làm người cộng sản thì tâm đức, phẩm hạnh ấy phải có trước khi nói đến tài trí, mưu lược; đó cũng là đòi hỏi hàng đầu trong công tác cán bộ, trong việc phòng, chống tham nhũng, lãng phí - một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng mà Đảng và nhân dân đang yêu cầu; chúng ta phải luôn xem lại chính mình và nâng cao hơn nữa tính tự giác của chính mình….

…Đảng mạnh trước tiên từ mỗi đảng viên, mỗi chi bộ. Chúng ta cần quán triệt sâu sắc hơn nữa quan điểm của Đảng: “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh là khâu then chốt, là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp đổi mới”; và yêu cầu: “Đặc biệt quan tâm giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên để mỗi cán bộ, đảng viên thực sự là tấm gương sáng về phẩm chất, đạo đức, lối sống, hết lòng vì nhân dân, vì sự nghiệp cách mạng. Cán bộ, đảng viên phải nâng cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng và nhân dân, thực sự tiên phong, gương mẫu, đi đầu trong mọi công việc; xử lý hài hòa các lợi ích, đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết….

…Cán bộ phải lấy đức làm gốc, phải có cái đức để đi đến cái trí…Nhiệm vụ cách mạng và cuộc sống của cả nước cũng như của thành phố đang đòi hỏi bức bách phải xây dựng Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh như lời Bác đã dạy. Phải làm đến nơi đến chốn, phải giành được những hiệu quả thiết thực; phải khắc phục các nguyên nhân phát sinh ra các tệ nạn tiêu cực; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tiêu cực trong Đảng, trong hệ thống chính trị và cả trong xã hội hiện nay; phải lấy việc xây dựng Đảng làm nhiệm vụ then chốt với trọng tâm là xây dựng đạo đức cách mạng đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên làm hàng đầu.” (Báo Sài Gòn Giải Phóng, 03-02-09)

Ăn nói “cách mạng” trơn tru, vung xích chó như thế thì còn chê vào đâu được, nhưng tại sao chưa bảo nhau “Kê khai tài sản’ thì Lê Thanh Hải, người mới nhận Huy chương 40 năm tuổi đảng, trả lời làm sao với nhân dân Thành phố, ăn nói thế nào với cán bộ dưới quyền?
Vì vậy mà tại kỳ họp thứ 9 ngày 8-01 (2009) tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Phòng, Chống Tham Nhũng do Nguyễn Tấn Dũng đứng đấu đã phải nhìn nhận : “Chủ trương kê khai tài sản, thu nhập cũng như xử lý trách nhiệm người đứng đầu do để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị đều chưa đạt yêu cầu.”

Nhưng tại sao chưa đạt yêu cầu và nhà nước và đảng phải có biện pháp kỷ luật nào đối với những kẻ không chịu thi hành theo yêu cầu của Thủ tướng thì không thấy Dũng nói tới.

Tuy nhiên, bản tin của Chính phủ đã hé lộ có tình trạng không thuận tại phiên họp với tình hình Kê khai Tài sản hiện nay : “Một số thành viên Ban Chỉ đạo kiến nghị có biện pháp cụ thể hơn trong việc bảo vệ người tố cáo tham nhũng, đồng thời nghiêm trị người lợi dụng việc tố cáo để tố sai; nghiên cứu lại và có định mức sát thực hơn trong quy định về kê khai tài sản. Ðề xuất thành lập Trung tâm giám định quốc gia nhằm đẩy nhanh công tác giám định, không để vụ án kéo dài do giám định chậm...”

Sở dĩ có lời than phiền về vấn đề “giám định” vì từ khi Luật Phòng, chống Tham nhũng có hiệu lực năm 2005, nhiều vụ điều tra kéo dài, chậm kết luận của cơ quan điều tra đã đưa đến tình trạng chậm truy tố, hay có truy tố thì cũng “đầu voi đuôi chuột”, hoặc “cá lớn” thì được tha, chỉ bắt “cá bé” làm nhiều vụ án tham nhũng, lãng phí bị chìm xuồng, biến thành kịch tính khôi hài làm nản lòng mọi người.

Vì vậy, Ban Chỉ đạo đã nhìn nhận một tình trạng không mới mẻ gì, những vẫn phải xác nhận: “Tình hình tham nhũng hiện còn nghiêm trọng và diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân.”

Không nản lòng sao được vì đảng và nhà nước càng hô hào chống tham nhũng thì số cán bộ, đảng viên thi đua tham nhũng, lãng phí của công càng lên cao và công tác chống tham nhũng càng trì trệ đến mức người dân không dám tố cáo vì sợ bị trả thù, hù họa.

Báo chí, cánh tay mặt của đảng trong mặt trận chống tham nhũng cũng đã chùn bước kể từ khi hai nhà Báo Nguyễn Việt Chiến của Báo Thanh Niên và Nguyễn Văn Hải, Báo Tuổi Trẻ bị liên lụy trong vụ án tham nhũng PMU 18 (Bộ Giao thông-Vận tải) vì đã viết nhiều tin đăng báo trước khi được phép của nhà nước.

TRÒ ĐÙA CHO VUI?

Trước những “ hỷ, nộ, ái, ố ” của vấn đề kê khai tài sản ở Việt Nam, mọi người nên nghe lại ý kiến của những người hiểu chuyện trong nước như Tiến sỹ kinh tế Lê Đăng Doanh. Ông thắc mắc : “Quan trọng là phải tạo tiền đề để kê khai có căn cứ và có thể kiểm chứng. Việc này trước đây ta có làm, các vị được đề cử vào các chức vụ này khác đều kê khai nhưng không được công bố. Hơn nữa, cái kê khai đó cũng không có ai xác minh như thế nào cả …” (Báo Điện tử VietNamNet, 31/10/2006)

Bà Lưu Thị Minh Hải, cán bộ Học viện Chính trị Quân sự phát biểu : “Tôi nghĩ là khó mà bắt được cán bộ có chức quyền kê khai đúng tài sản họ có. Vì ai cũng biết là tiền bạc họ có gắn liền với chức quyền, nếu vì khai hết của cải mà mất chức thì làm gì còn tiền nữa. Một điều nữa là người có chức quyền xây nhà hàng tỷ đồng, trong khi lương cao nhất của những công chức làm ở những ngành nghề “màu mỡ” nhất như hàng không, ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông... cũng chỉ 5-7 triệu. Vậy thì tiền ấy ở đâu ra? Để né tránh pháp luật, tôi nghĩ là họ thừa thông minh để nhờ con cái, họ hàng... đứng tên tài sản, tài khoản ngân hàng. Tóm lại, tôi thấy chính sách của chúng ta chưa đủ “mạnh” để thực hiện tốt việc minh bạch thu nhập của cán bộ đâu.” (Báo VietNamNet, 17/10/2006)

Báo này còn trích lời Ông Nguyễn Văn Mỹ, giám đốc Công ty Du lịch Dã ngoại Lửa Việt- TP Hồ Chí Minh nói : “Tôi nghĩ điều quan trọng trong nghị định công khai tài sản của các quan chức là chúng ta có quyết tâm và có chịu làm đến cùng hay không. Nếu không có quyết tâm thì mười ban chống tham nhũng cũng chẳng có ý nghĩa gì. Liệu chính phủ có đủ sức đi ngược lại cả một dòng chảy của xã hội, nơi tham nhũng đã ăn sâu vào từng hơi thở của cuộc sống hay không?

Tôi nói đơn giản thế này, với đồng lương cán bộ nhà nước, dù là cán bộ cấp cao thì thử hỏi liệu các vị quan chức có thể sắm nhà lầu, biệt thự, có thể gửi con đi học nước ngoài được hay không? Hai vợ chồng chúng tôi đều là giám đốc doanh nghiệp, vậy mà chật vật lắm mới có thể lo nổi cho con đi học ở Singapore với học bổng bán phần. Vì vậy, tôi không hiểu sao các quan chức lại có thể dễ dàng gửi con cái họ đi Mỹ, Úc, Anh như vậy.”

Lê Kiên Thành, con trai đầu lòng của Lê Duẩn, Cựu Tổng Bí thư đảng cũng nghi ngờ việc làm của đảng : “Ở Việt Nam, đời sống vật chất và tinh thần của mỗi người không riêng rẽ mà có tính "tập thể" gia đình, cụ thể hơn là việc sở hữu tài sản có tính độc lập rất thấp. Ví dụ, ở nước ngoài, tài sản của bộ mẹ là của bố mẹ, con cái là của con cái. Nhưng ở nước ta, bố mẹ có thể đứng tên tài sản của con, thậm chí cả anh em họ hàng cũng có thể làm việc này. Chúng ta có câu “Một người làm quan, cả họ được nhờ“.

Ở nước ngoài, người ta không làm như vậy, vì "gửi" tài sản khó mà đòi lại được. Còn ở Việt Nam, đôi khi những ràng buộc của gia tộc, làng xã đôi khi còn cao hơn những quy định có tính pháp lý. Trên thực thế, người ta có thể tin tưởng được những người họ hàng xa lắc xa lơ ở đâu đó để nhờ đứng tên những tài sản khổng lồ và không bị lấy mất...

Chính vì thế, khó mà đưa ra được quy định giới hạn kê khai tài sản của người thân đến mức nào.” (Báo VietNamNet, 17/10/2006)

Các mánh khóe tham nhũng ờ Việt nam có cả ngàn chân rết, có những chân rết không để lại dấu vết trên hàng hà, sa số tài sản, đất đai nên có khai cũng như không vì tham nhũng là những kẻ có chức, có quyền trong đảng và nhà nước. Đến khi làm giấy tờ, cấp thẻ Đỏ xác nhận chủ quyền cũng do cán bộ, đảng viên làm cho nhau thì ai kiểm chứng được ? Đấy là chưa nói đến chuyện che giấu cho nhau để “dĩ hòa vi qúy”, “nay anh mai tôi” và “đồng lao, đồng hưởng”.

Hơn nữa, người khai cũng yên tâm vì nhà nước không phổ biến cho dân biết, trừ phi có hồ sơ tố cáo được chứng minh. Nhưng ở Việt Nam bây giờ, có cho vàng cũng không có người dân nào dám húc đầu vào đá để làm chuyện vá trời này.

Có lẽ vì thế mà đảng đã không bảo được nhau và chẳng ai coi lệnh của Dũng ra gì. -/-

Phạm Trần
(02/09)
Nguồn: Ðối Thoại
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 743 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 57
Khách: 57
Thành Viên: 0