CTV CSsR
Ngày 12/2/2009, theo lịch hẹn của Tòa Án Nhân Dân quận Ba Đình, từ
sáng sớm, bà Ngô Thị Dung và Nguyễn Thị Việt đã có mặt tại giáo xứ Thái
Hà với luật sư Lê Trần Luật, để cùng nhau đến TAND quận Ba Đình nhận
trả lời đơn khiếu nại về những sai phạm trong những bản tin mà đài VTV1
đã đưa trong cái mà truyền thông nhà nước gọi là ‘’vụ việc Thái Hà’’.
Với
tinh thần tôn trọng pháp luật, nhóm khiếu nại đã cố gắng thu xếp sớm để
đến đúng giờ hành chính, phòng nạn tắc đường xảy ra thường xuyên ở thủ
đô. Khi nhóm người vào đến cổng tòa án nhân dân quận Ba Đình các bảo
vệ, thường trực đã mời họ đi lên tầng 2. Một bất ngờ xảy ra khi một
trong những người bảo vệ chạy theo chặn nhóm người khiếu nại và yêu cầu
tất cả phải quay lại phòng thường trực để xuất trình chứng minh thư.
Thắc mắc về việc trình giấy chứng minh thư của nhóm người khiếu nại,
được phòng bảo vệ gồm 4 người trong đó một cảnh sát trả lời rằng:
-
Ngày thường thì không phải thế, nhưng hôm nay trong tòa án có buổi họp
quan trọng cho nên ai ra vào đều phải xuất trình chứng minh thư nhân
dân.
Thời gian xuất trình chứng minh thư kéo dài 15 phút, đủ để
có người đứng bên trong tòa nhà dùng máy camera thu hình nhóm khiếu
nại.
Nhân viên áo trắng được gọi tới quay phim các giáo dân
Nhóm
người khiếu nại đến phòng tiếp nhận đơn, lúc này đã hơn 9 giờ sáng,
nhưng các bàn làm việc đều không có người ngồi. Một nam nhân viên tòa
án chạy loanh quanh từ phòng này sang phòng khác với vẻ mặt bối rối.
Sau cùng anh ấy cũng mời mọi người liên quan vào phòng tiếp nhận hồ sơ, trả lời rằng:
- Đến 14 giờ chiều nay sẽ trả lời.
Các
bà Dung, Việt đã rất buồn bực vì cho rằng để chờ đợi sự trả lời của cơ
quan công lý nhà nước, từ khi trình đơn cho đến ngày hôm nay, họ đã
phải trải qua những thủ tục đặc biệt mà ngày thường không có. Sau đó,
đứng chờ gần tiếng đồng hồ chỉ để nhận câu trả lời như vậy. Trong khi ở
phòng bên cạnh, một số nam nhân viên trẻ khỏe đang ngồi nhẩn nha đọc
báo, nhắn tin điện thoại và thêm nữa là ném cái nhìn sắc lạnh về phía
các giáo dân. Một nam nhân viên hình như đây là ngày làm việc đầu tiên
trong căn nhà Tòa Án, anh ta đến cạnh nhóm người để tò mò đọc cái bảng
chỉ dẫn của Tòa Án treo trên tường. Bảng chỉ dẫn chỉ dành cho công dân
đến khiếu nại, khiếu kiện..
Nam nhân viên tòa án thoái thác mọi
thắc mắc của nhóm người. Anh ta chỉ có đúng một việc là nhắc lại câu
đến 14 giờ chiều nay toà án sẽ trả lời.
Nhóm khiếu nại rời khỏi
Tòa Án Nhân Dân quận Ba Đình trong nỗi niềm thông cảm sâu sắc với những
trường hợp công dân đã phải chịu trong quá trình đi đòi công lý, sự
thật mà nhiều báo đài đã đưa tin. Họ rời cổng tòa án trong một ngày rất
nhiều nắng và ánh sáng rọi xuống sân tòa.
Tiếp tục cuộc hành
trình đi tìm lại sự thật, nhóm người đến tòa báo Hà Nội Mới. Tiếp nhóm
là nữ phóng viên Vũ Sơn Trà trong ban Thư bạn đọc. Khá mềm mỏng và lịch
thiệp. Phóng viên Sơn Trà cho biết, tòa báo Hà Nội Mới đã tiếp nhận đơn
từ ngày 6-2-2009. Sau khi nhận đơn đã có cuộc họp nội bộ tòa báo từ
tổng biên tập, các trưởng ban và các phóng viên liên quan. Tiếp đến
ngày hôm nay tổng biên tập báo Hà Nội mới, hiện trong lúc này (trong
lúc mà Sơn Trà đang tiếp chuyện với các giáo dân) đang họp với Ban
Tuyên Giáo của thành ủy để có hướng giải quyết đơn kiện của mọi người.
Căn cứ để giải quyết phải đợi kết quả chỉ đạo từ buổi họp này. Và kết
quả như thế nào thì chưa chắc biết được là có ngay hay không. Cho nên
phóng viên Sơn Trà một lần nữa thay mặt tòa báo Hà Nội Mới tiếp nhận
đơn thư và hứa sẽ trả lời theo đúng trình tự khiếu nại của luật báo
chí. Đại diện cho nhóm, luật sư Lê Trần Luật nhờ phóng viên Sơn Trà gửi
lời nhắn đến Thành Ủy Hà Nội, Ban Tuyên Giáo thành ủy Hà Nội nhanh
chóng có ý kiến chỉ đạo, tạo điều kiện cho ban biên tập báo Hà Nội Mới
có cơ sở giải quyết đúng trình tự, pháp luật đối với đơn thư khiếu nại
của nhân dân.
Nữ phóng viên Vũ Sơn Trà trong ban Thư bạn đọc
Cũng
trong chiều cùng ngày (12/2/2009), theo lịch hẹn buổi sáng, hai giáo
dân cùng các luật sư đã tới Tòa án Nhân dân quận Ba Đình để nhận kết
quả thì được thư ký Tòa trả lại hồ sơ, kèm theo một công văn có nội
dung tương tự như công văn Tòa án Nhân dân quận Hoàn Kiếm đã trả lại hồ
sơ vụ kiện Báo Hà Nội mới, rằng: “Theo đơn khởi kiện và các tài liệu
gửi kèm do Bà Dung, Bà Việt xuất trình cho Tòa án Nhân dân quận Hoàn
Kiếm, không thể hiện các bà đã gửi lời phát biểu bằng văn bản của mình
cho Đài truyền hình Việt Nam…” và đề nghị các nguyên đơn về gửi lại đơn
khiếu nại cải chính.
Việc khiếu nại các cơ quan truyền thông
Nhà nước cải chính những thông tin sai sự thật (những sự thật đã rõ như
ban ngày) tưởng đơn giản như luật pháp đã qui định, nhưng hóa ra không
đơn giản chút nào!!!
Vấn đề nằm ở chỗ những thông tin sai sự
thật này lại là những thông tin phát đi từ Ban Tuyên Giáo Thành ủy Hà
Nội. Nói cách khác, các báo đài được cấp trên chỉ đạo phải thông tin
như thế. Do đo, nhiệm vụ cải chính các thông tin sai sự thật về vụ Thái
Hà cũng cần phải được sự chỉ đạo của Ban tuyên giáo thành ủy.
Vậy hãy chờ xem Ban Tuyên giáo Thành ủy chỉ đạo gì???
Thông tin tiếp về phiên tòa xử giáo dân Thái Hà
CTV CSsR
Chiều
ngày 11 tháng 2 năm 2009, Luật sư Lê Trần Luật đã đưa hai Luật sư Hoàng
Cao Sang và Huỳnh Văn Đông tới Tòa án Nhân dân Hà Nội để đăng ký tư
cách luật sư bào chữa cho tám nạn nhân là giáo dân Thái Hà.
Sự
xuất hiện của hai luật sư sẽ tham gia tranh tụng tại phiên tòa phúc
thẩm xử tám giáo dân Thái Hà khiến các cán bộ tòa án Hà Nội bối rối.
Sau khi trao đổi với các vị có thẩm quyền, các cán bộ tòa án đã hẹn hai
luật sư trở lại vào sáng hôm sau (ngày 12/2/2009) sẽ cho biết kết quả
có được tham gia tranh tụng tại tòa với tư cách là luật sư bào chữa cho
các nạn nhân hay không?
Sáng ngày 12 tháng 2 năm 2009, theo
lịch hẹn, các luật sư Lê Trần Luật, Hoàng Cao Sang và Huỳnh Văn Đông,
đã tới Tòa án Nhân dân Hà Nội để nhận kết quả và nhân tiện đọc hồ sơ vụ
án. Cả hai luật sư – Hoàng Cao Sang và Huỳnh Văn Đông, đã được cấp giấy
phép bào chữa tại phiên tòa phúc thẩm sắp tới. Như vậy, tại phiên tòa
phúc thẩm sẽ có ba luật sư đứng ra bảo vệ quyền lợi cho các giáo dân.
Sau
khi nhận giấy phép bào chữa, các luật sư đã đề ghị được đọc hồ sơ vụ
án, nhưng đã bị tòa từ chối với lý do đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án cho
Viện Kiểm sát Nhân dân và hẹn các luật sư ngày 23/2/2009 đến tòa để đọc
hồ sơ vụ án (đây là lần hẹn thứ ba của các quan chức tòa án nhân dân
thành phố Hà Nội).
Về ngày và địa điểm xét xử vụ án, theo
các luật sư cho biết, cho tới giờ này, các cơ quan thụ lý vụ án vẫn
chưa nhận được “chỉ đạo” chính thức từ cấp trên; riêng về địa điểm xét
xử, thông tin phiên tòa sẽ được xử tại Cơ sở 2 của Tòa án Nhân dân
thành phố Hà Nội, số 2 Nguyễn Trãi, Hà Đông cũng chưa có gì là chắc
chắn.
Điều đáng nói là, kể từ ngày các giáo dân nộp đơn
kháng án (ngày 19/12/2008) cho tới nay đã gần hết thời hiệu 2 tháng
theo như luật định, nhưng phiên tòa phúc thẩm vẫn chưa được đưa ra xét
xử. Sự kiện này một lần nữa cho thấy, chính quyền Việt Nam là một chính
thể tự cho mình cái quyền “ngồi trên pháp luật”, đồng thời cũng cho
thấy sự lúng túng của các cơ quan công quyền trong vụ việc Thái Hà.
Tại
phiên tòa sơ thẩm, ngày 8/12/2008, có trên 2000 tín hữu đã tới, với
cành thiên tuế trên tay, tham dự phiên tòa để ủng hộ các nạn nhân.
Nhiều giáo dân khác đã không thể tới dự phiên tòa vì bị chặn lại ngay
từ cửa ngõ vào thành phố. Một số khác, sau vụ án đã tỏ ý tiếc rẻ chỉ vì
nghĩ rằng không được vào bên trong dự phiên tòa nên đã không tới và cho
biết bằng mọi giá họ sẽ tới tham dự phiên tòa phúc thẩm.
Thực
tế, sáng ngày 12 tháng 2 năm 2009, rất nhiều các giáo dân từ các giáo
xứ ngoại thành Hà Nội, vì không có được những thông tin chính xác hoặc
nghe nhầm, nên đã kéo tới số 2 Nguyễn Trãi, Hà Đông để tham dự phiên
tòa. Họ mang theo các chai nước và những biểu ngữ để ủng hộ các nạn
nhân của mình. Sau đó, họ kéo về nhà thờ Thái Hà để hỏi cho biết rõ
thông tin về phiên tòa phúc thẩm sắp tới.
Khi được hỏi động nào thúc đẩy họ tới dự phiên tòa, một cụ bà cho biết: “Chúng
tôi đã già rồi làm được gì cho Giáo hội và xã hội chúng tôi cố sức làm.
Chúng tôi già rồi, sống chết có là chi. Chúng tôi không sợ chết”.
Theo
các linh mục tại giáo xứ Thái Hà cho biết, những ngày qua rất nhiều
người đã gọi điện tới giáo xứ hỏi thông tin về phiên tòa để họ còn tới
tham dự.
Sự kiện hàng ngàn giáo dân đã tới tham dự phiên tòa
sơn thẩm (ngày 8/12/2008) và rất nhiều giáo dân bày tỏ quyết tâm tới
tham dự phiên tòa phúc thẩm tới đây, chứng tỏ rằng sau hơn nửa thế kỷ
bị chèn ép, đe dọa, giờ đây người giáo dân, với một tâm thức mới, đã
đàng hoàng, đĩnh đạc bước ra khỏi bóng tối của sự sợ hãi và nhất là đã
ý thức được rằng sứ mạng của người giáo dân gắn chặt với vận mạng của
đất nước.
Trong khi chờ đợi thông tin chính thức về ngày,
giờ và địa điểm mở phiên tòa phúc thẩm tám giáo dân Thái Hà từ các cơ
quan nhà nước có thẩm quyền, thì việc hiệp thông cầu nguyện, ủng hộ các
nạn nhân về mặt tinh thần là điều cần thiết giúp các nạn nhân thêm can
đảm, vững tin vào công lý và giúp lay động lương tâm của nhà cầm quyền,
can đảm đưa ra những phán quyết đúng đắn dựa trên luật, sự thật và lẽ
công bằng.
13/02/2009
CTV. C.Ss.R Nguồn: Dòng Chúa Cứu Thế
|