Thứ Bảy, 2024-04-27, 10:01 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Hai » 14 » VỊ TƯỚNG VÀ NHÀ CHÍNH TRỊ
2:21 PM
VỊ TƯỚNG VÀ NHÀ CHÍNH TRỊ

PHẠM ĐÌNH TRỌNG

Trần Khải Thanh Thủy: Tướng Giáp tiết lộ 4 bí mật về chiến tranh Việt Nam

          Trong bài “Tướng Giáp tiết lộ bốn bí mật về chiến tranh Việt Nam” trên một trang mạng có khá đông người đọc, trang mạng doi-thoai.com, đầu tháng 2 năm 2009, người viết là một phụ nữ kể rằng nhân dịp sinh nhật lần thứ 84 của đại tướng Võ Nguyên Giáp “Giữa các đoàn khách nườm nượp ra vào, đa phần là lính tráng . . . dường như không nén nổi xúc động trước sự quan tâm của mọi người, ông cất giọng trầm đục kể lại: Tôi đã tưởng sẽ đem những bí mật của mình xuống mồ nhưng không ngờ trời cho tôi thọ đến vậy. Vì thế, trong lần sinh nhật thứ 84 này, tôi xin tiết lộ bốn bí mật trong cuộc đời tôi để anh em biết “ Trang mạng mới đăng một phần bài viết, phần sau không thấy đăng tiếp nên bài viết mới kể ra ba bí mật là ba lần chủ trương tác chiến của Tổng Tư lệnh quân đội Võ Nguyên Giáp bị Tổng Bí thư đảng bác bỏ một cách gia trưởng. Những lần bác bỏ đó là những sai lầm nghiêm trọng dẫn đến mất mát, tổn thất nặng nề.

Đối Thoại : Sau bài viết cuả nhà văn Trần Khải Thanh Thủy về tướng Giáp trên Người Việt Online, Đối Thoại sao chép lại, Đối Thoại hân hạnh nhận được bài viết cuả nhà văn Pham Đình Trọng về bài cuả nhà văn Trần Khải Thanh Thủy. Đối Thoại xin đăng tải để rộng đường dư luận.Chân thành cám ơn Người Việt Online, nhà văn Trần Khải Thanh Thủy và nhà văn Phạm Đình Trọng

         Tôi đã có thời gian khá dài sống và làm việc ở cơ quan Bộ Tổng Tư lệnh từ lúc là anh lính thông tin binh nhất đến khi là sĩ quan chính trị cấp tá, giai đoạn sau, công việc cho tôi được tiếp cận kho tư liệu chiến tranh và gặp gỡ nhiều tướng lĩnh, ghi chép về các trận đánh, các chiến dịch từ lúc còn bàn thảo, lựa chọn phương án tác chiến đến khi chiến dịch kết thúc. Từ sự hiểu biết về con người và từ những tư liệu về chiến tranh mà tôi được tiếp cận, tôi khẳng định những bí mật được nêu ra trong bài viết “Tướng Giáp tiết lộ bốn bí mật . . .” là không có sơ sở, không đúng sự thật! Không những thế, bài viết đã xúc phạm, làm hại một nhân cách đáng kính, một vị tướng huyền thoại của nhân dân trong cuộc chiến tranh nhân dân huyền thoại. Trong dịp sinh nhật nườm nượp người đến chúc mừng lại hằn học kể tội, chê trách người khác bằng giọng hàng tôm hàng cá để đề cao mình, khoe công của mình, đó không phải là con người Võ Nguyên Giáp, không phải là nhân cách Võ Nguyên Giáp.

         Có, với thể chế tuyệt đối hóa đảng, người đứng đầu đảng với quyền uy bao trùm, với thói độc đoán mang nặng dấu ấn đế vương phong kiến đã có lần thẳng thừng bác bỏ ý đồ tác chiến của người thống lĩnh quân đội. Nhưng lần bác bỏ ấy không xảy ra trong những đợt hoạt động quân sự được kể ra trong bài viết trên.

1. VỊ TƯỚNG VÕ MANG TÂM HỒN VĂN VÀ CỐT CÁCH HIỀN TRIẾT

        Nhà văn quân đội Hữu Mai đã có nhiều năm ra vào nhà vị tướng anh cả của quân đội Nhân dân Việt Nam, giúp vị tướng thể hiện nhiều tập hồi kí có giá trị. Đã có câu chuyện kể rằng nhà văn đã có lần đi nhầm giầy của vị tướng về đến nhà mới phát hiện ra. Không biết câu chuyện có thật hay chỉ là chuyện đùa nhưng người được gần gũi vị tướng đến mức đó đã có lần nói với chúng tôi về con người văn hóa, về ứng xử văn hóa của vị tướng. Nhà văn quân đội Nguyễn Khải trong một bài viết đã hơn một lần nhắc đến đức nhẫn nhịn, vị tha của vị tướng thấm nhuần văn hóa ứng xử phương Đông.

         Được thế giới liệt vào tốp nhà quân sự tài ba hàng đầu của nhân loại, Võ Nguyên Giáp còn là nhà văn hóa mang phong thái nhà hiền triết phương Đông. Là thầy dạy lịch sử ở trường trung học nổi tiếng thủ đô từ khi còn rất trẻ. Sử - văn bất phân, sử là văn và sử cũng là tư tưởng, là triết học. “Lòng thế bạc đen dầu nó biến / Ta gìn nhân nghĩa chớ loàn đan” – Nguyễn Trãi. (loàn  đan, tiếng cổ, chớ loàn đan: chớ trái đạo) Nhà quân sự Võ Nguyên Giáp có thân phận chính trường, có vóc dáng văn hóa và cốt cách hiền triết gần gũi với nhà tư tưởng Nguyễn Trãi. Con người văn hóa, con người hiền triết ấy đã cho Võ Nguyên Giáp một phong thái sống ung dung, thanh thản, vượt lên trên mọi đố kị, tị hiềm, xúc xiểm của chốn quan trường thời hậu chiến nhiễu nhương, tranh giành, chụp giật và sự tranh giành, chụp giật ấy đã nhiều lúc nhằm vào ông ra đòn!

         Võ Nguyên Giáp còn là con người có tính tổ chức rất cao. Những việc cần có ý kiến, ông đều nêu ý kiến trong hệ thống tổ chức một cách đàng hoàng, chính danh. Ngay cả khi có cả một chiến dịch được tổ chức qui mô, được cả một cơ quan tình báo quân sự có bề dày thành tích, lại sử dụng cả những thủ thuật nghề nghiệp rất bài bản để đánh sập uy tín ông, giết chết vận mệnh chính trị của ông cùng một số người có vị trí quan trọng  khác nhằm thực hiện một cuộc đảo chính từng phần, lặng lẽ, vụ T4, ông vẫn ung dung tự tại. Là một nhân cách văn hóa, một tâm hồn cao thượng, ông không bận tâm đến sự xúc phạm cá nhân ông. Ông chỉ lo cho nhà nước cách mạng mà ông đã giành cả cuộc đời chiến đấu dựng lên. Ông chỉ lo cho vận mệnh đảng cách mạng là lí tưởng cao đẹp của cuộc đời ông. Vì nỗi lo đó ông phải viết thư đòi hỏi những người đương quyền của đảng và nhà nước phải điều tra và xử lí minh bạch vụ việc. Nhưng vụ việc đã bị nhấn chìm đến tận hôm nay. Vụ T4 và bao vụ việc khác của đất nước vẫn là nỗi canh cánh thường trực trong lòng ông. Vì thế ông phải có ý kiến về vụ T4. Ông phải có ý kiến về việc phá bỏ hội trường Ba Đình thiêng liêng. Ông phải có ý kiến về việc khai thác bô xít ở Tây Nguyên. Mọi ý kiến ông đều trình bầy trong tổ chức. Con người văn hóa, con người tổ chức không cho phép ông đưa ra ý kiến một cách dấm dúi ở nơi không chính danh, không đàng hoàng. Con người văn hóa, con người tổ chức ấy không khi nào lại hằn học, bức xúc cá nhân đến nỗi mọi người vui mừng đến chúc mừng sinh nhật ông thì ông lại trút nỗi hằn học cá nhân ra nói xấu người khác, tự đề cao mình. Bài viết “Tướng Giáp tiết lộ bốn bí mật” đã biến vị tướng lẫm liệt chiến công, cao thượng tâm hồn thành người lắm điều, buôn chuyện trong đám lao xao ở bến sông, góc chợ!

2. SỰ THẬT LỊCH SỬ

         Cuộc khánh chiến chống Mĩ kết thúc, các đơn vị quân đội từ sư đoàn trở lên đều lập ra ban Quân sử, viết lịch sử truyền thống đơn vị. Từ quân đoàn, binh chủng, quân khu trở lên còn có thêm ban Tổng kết chiến tranh, nghiên cứu, tìm tòi, đúc kết tư tưởng lí luận và nêu bài học thành bại của chặng đường trận mạc. Cơ quan Tổng cục Chính trị có ban Kí sự lịch sử quân sự tập hợp gần 20 nhà văn, nhà báo quân đội: Nhà báo Tư Đương, nhà báo Vũ Thành, nhá báo Khương Thế Hưng con trai nhà thơ Khương Hữu Dụng, nhà văn Triệu Huấn, nhà văn Nam Hà  . . . viết bộ sách kí sự lịch sử năm tập “Trận đánh 30 năm”. Con đường chiến trận và con đường văn chương đã đưa tôi về ban Kí sự lịch sử quân sự một thời gian. Là lính báo vụ trong tổng trạm thông tin vô tuyến điện của Bộ Tổng Tư lệnh, sống và làm việc ở ngay cơ quan thâm nghiêm nhất của quân đội, đến nay tôi vẫn còn nhớ gương mặt, vóc dáng, tính cách và cả chuyện gia đình vợ con nhiều vị tướng ở cơ quan Tổng hành dinh. Tốt nghiệp trường Sĩ quan Thông tin, tôi vào mặt trận Tây Nguyên. Giải phóng miền Nam xong, tôi lại được điều ra Hà Nội, về Tổng cục Chính trị, đi học khóa I trường Viết văn Nguyễn Du. Học xong, tôi được bổ xung về ban Kí sự lịch sử quân sự, tham gia làm tập năm, tập kết thúc chiến tranh, do nhà văn quân đội, trung tá Nam Hà làm trưởng nhóm, chủ biên tập năm.

         Tập năm tái hiện lại không khí, sự việc, con người, diễn biến chiến tranh từ sau cuộc tổng tiến công xuân Mậu thân 1968 đến ngày 30. 4. 1975. Với loại sách kí sự lịch sử, tư liệu là quyết định, tư liệu là chín mươi phần trăm, thể hiện chỉ chiếm mười phần trăm công sức làm sách. Cả nhóm cùng tập trung làm tư liệu. Đọc tài liệu lưu trữ. Đọc sách báo đã viết về thời kì này. Đọc hồi kí của tướng lĩnh cả hai phía. Gặp gỡ, khai thác tư liệu ở những người lãnh đạo đảng và nhà nước, ở các tướng lĩnh, từ những người ở tổng hành dinh đến những người cầm quân ngoài mặt trận . . . Từ khối tư liệu có được, chủ biên lên đề cương thể hiện. Các thành viên bổ xung, xây dựng đề cương rồi chia nhau thực hiện. Chủ biên tập hợp bản thảo cả tập, đọc lại để cân đối bố cục, chỉnh sửa hoàn chỉnh rồi nộp cho trưởng ban Kí sự lịch sử, đại tá, nhà báo Kinh Lịch. Tập sách “Trận đánh 30 năm” đã được nhà xuất bản Quân đội Nhân dân lần lượt ấn hành trong hai năm 1984 – 1985.

         Những điều được gọi là bí mật về chiến tranh Việt Nam do đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp tiết lộ trong bài viết trên mạng kia đều là những sự việc xảy ra trong giai đoạn lịch sử của tập năm bộ sách “Trận đánh 30 năm”. Là người tham gia làm tư liệu tập sách cùng một tập thể làm việc nghiêm túc, tư liệu được khai thác từ nhiều nguồn, vừa bổ xung, vừa đối chiếu với nhau, bảo đảm chân thực, chính xác, đầy đủ, đối chiếu những tư liệu đó với những điều được gọi là những bí mật về cuộc chiến tranh Việt Nam trong bài viết “Tướng Giáp tiết lộ . . .” càng thấy rõ những bí mật đó hoàn toàn không có trong thực tế lịch sử, càng không có việc đại tướng Võ Nguyên Giáp tiết lộ những bí mật tưởng tượng đó!

         Những bí mật đó đều rất vô lí. Tôi chỉ nêu ra những vô lí của một điều bí mật. Chiến dịch thành cổ Quảng Trị năm 1972 không thể có chuyện Đại tướng Tổng Tư lệnh chủ trương lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh, lấy chiến tranh du kích tiêu hao địch rồi đánh cấp tập một trận dứt điểm. Đối sách lấy ít địch nhiều, lấy lối đánh du kích chống đội quân tinh nhuệ chỉ thực hiện ở giai đoạn đầu chiến tranh khi lực lượng ta chưa cân bằng với địch, địch chủ động tấn công, ta bị động đối phó. Năm 1972, ta tập trung quân chủ động mở chiến dịch đánh lớn ở Quảng trị, ở Tây Nguyên, ở đông Nam Bộ. Không thể dùng mấy đơn vị du kích phân tán nhỏ lẻ, sinh hoạt luộm thuộm để mở chiến dịch đánh lớn được! Thế trận năm 1972 không còn cái tiết tấu chậm chạp, rỉ rả, âm thầm của chiến tranh du kích được nữa! Không gian chiến trường Quảng Trị năm 1972, nơi đối đầu của hai ý chí, hai quyết tâm chiến lược, điểm quyết chiến đã được lựa chọn của hai sức mạnh quân sự, hai đội quân khổng lồ, tinh nhuệ, không thể dừng lại ở chiến tranh du kích được nữa. Năm 1972, chiến tranh đã đi vào tổng lực, ngã ngũ, không thể dùng hình thức tác chiến du kích của buổi khởi đầu chiến tranh được nữa. Người thống lĩnh quân đội đã không có chủ trương hoài cổ, trở lại hình thức tác chiến du kích của buổi đầu chiến tranh ở chiến trường Quảng trị năm 1972 thì Tổng bí thư đảng cũng không có cớ gì nổi xung mạt sát vị tướng Tổng Tư lệnh giữa ba quân “giữa hội nghị anh Ba đập tay xuống bàn, quát: Thế là giảm sút ý chí chiến đấu!” Nếu đúng Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp chủ trương dùng chiến tranh du kích ở Quảng trị năm 1972 thì Tổng bí thư đảng quát như thế còn là nhẹ!

         Bài “Tướng Giáp tiết lộ bốn bí mật” chỉ là chuyện đơm đặt ! Nhưng chuyện đơm đặt lại trở thành thông tin nghiêm túc, trở thành tư liệu lịch sử thì không còn bình thường nữa! Vì thế tôi phải viết để trả cái đơm đặt về đúng chỗ của nó. Làm đẹp là nhu cầu chính đáng, là ý thức tự trọng . Cũng vì lòng tự trọng mà không thể lấy vẻ đẹp lấp lánh hào quang của nhân vật lịch sử làm đồ trang sức cho mình!

3. HAI NHÂN CÁCH

         Vì sao có chuyện đơm đặt về nỗi bức xúc của vị tướng thống lĩnh quân đội với nhà lãnh đạo đảng? Vì trong thực tế vị tướng thao lược và trung thực có mối quan hệ không êm thấm với nhà chính trị nhiều quyền uy và luôn khao khát quyền lực, luôn khao khát danh tiếng. Mối quan hệ không êm thấm thực sự trở thành sự kiện mâu thuẫn từ khi soạn thảo kế hoạch Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968. So sánh tương quan lực lượng lúc đó, quân Mĩ và quân các nước đồng minh có mặt ở Việt Nam đang ở đỉnh điểm, hơn nửa triệu quân. Quân đội Sài Gòn với gần một triệu quân, có cố vấn Mĩ bên cạnh, được tổ chức tốt nhất, được trang bị đầy đủ nhất, nhà quân sự dày dạn trận mạc chủ trương Tết Mậu Thân 1968 chỉ thực hiện một cuộc tập kích chiến lược, bất ngờ đồng loạt tấn công, đánh vào tất cả các căn cứ, các thành phố, đánh vào các cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn từ trung ương đến địa phương, tạo một cơn địa chấn hoảng lọan về tâm lí, tinh thần, tạo ra bước ngoặt về chiến tranh. Khi yếu tố bất ngờ không còn, đối phương đã hoàn hồn, kịp xốc lại lực lượng đối phó, sức mạnh của vũ khí, công sự, sức mạnh của đội quân hiện đại, khổng lồ lại được phát huy thì ta phải kết thúc chiến dịch, bảo toàn lực lượng cho những chiến dịch đánh lớn và quyết định tiếp theo. Chủ trương tỉnh táo, sát thực tế, biết ta biết địch, thấy trước thấy sau, có đường tiến có đường thoái của nhà quân sự đã làm nên Điện Biên Phủ đã bị bác bỏ bởi nhà chính trị đầy quyền uy, đầy lạc quan, đầy tư duy kì vĩ (khoét núi, đặt nhà máy thủy điện trong lòng núi Hòa Bình, dồn hai, ba tỉnh, huyện lại làm một để có những tỉnh, những huyện mênh mông, hoành tráng về diện tích, dân số, nguy nga, choáng ngợp về những chương trình kinh tế nhưng cũng thê thảm về mất đoàn kết, nội bộ lục đục, đấu đá triền miên .  .  .) Nhà chính trị thừa quyền uy, thừa lạc quan chủ trương chiến dịch Tết Mậu Thân 1968 phải là tổng công kích, tổng khởi nghĩa, giành chính quyền, đánh dồn dập hết đợt này đến đợt khác cho đến khi địch hoàn toàn tan rã!

         Thực tế diễn ra đúng như nhận định của nhà quân sự. Bị đánh bất ngờ trong đêm giao thừa, trở tay không kịp, đối phương bị tổn thất nặng nề trên khắp miền Nam và tổn thất lớn nhất là tinh thần, tâm lí suy sụp hoảng loạn của chính quyền và binh sĩ Sài Gòn! Cả miền Nam đã trở thành chiến trường không còn góc nhỏ nào bình yên. Cuộc tập kích Tết Mậu Thân đã đưa chiến tranh chết chóc vào tận hang ổ chiến tranh. Nhà Trắng kinh hoàng. Nước Mĩ rung chuyển. Những bộ não chiến tranh choáng váng nhận ra rằng cuộc chiến đã vượt ra qúa xa tầm kiểm soát của họ, vì thế không thể tiếp tục theo đuổi cuộc chiến được nữa! Đó là thắng lợi to lớn của cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968. Đạt được thắng lợi vô cùng quan trọng đó, biết sức mình, dừng lại, bảo toàn lực lượng thì thắng lợi Mậu Thân 1968 sẽ trọn vẹn và to lớn biết bao! Nhưng chiến sự vẫn tiếp diễn thảm khốc. Khoảnh khắc hoảng loạn ban đầu của chính quyền Sài Gòn qua đi, đội quân khổng lồ của Mĩ và Sài Gòn trở lại đúng với bản lĩnh và năng lực của đội quân tinh nhuệ, hiện đại, từng bước giành lại vị trí đã mất và cũng từng bước giành lại thế chủ động, đánh bật những đợt tiến công của quân giải phóng. Rời hậu cứ, rời địa bàn rừng núi và nông thôn quen thuộc, quân giải phóng vào thành phố với những tên gọi khắc khoải nhớ thương mà lạ lẫm, trống trải như đến một đất nước khác! Thế đứng chông chênh, lực lượng ngày càng cạn kiệt. Đơn vị sau thế chỗ đơn vị trước đã bị xóa sổ nhưng đơn vị thế chỗ càng về sau càng ít ỏi! Nhiều đơn vị, cả bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, cả du kích bị xóa sổ nhiều lần! Nhiều đảng bộ, chi bộ hi sinh trắng không còn một đảng viên! Hết đợt này đến đợt khác, cố đánh chiếm và làm chủ thành phố trong Mậu Thân 1968 đã gây ra tổn thất vô cùng to lớn làm cho mấy năm tiếp theo quân giải phóng không có một hoạt động quân sự nào đáng kể! Mãi đến xuân hè 1972 mới hồi sức để có một mùa hè đỏ lửa ở Quảng trị, ở Kon Tum, ở đường 13, Bình Long, Phước Long!

         Với quyền uy và thói ngạo mạn lạc lõng của bậc đế vương thời công nghiệp, không có thói quen nhìn nhận sai lầm, tổn thất nặng nề không đáng có của quân giải phóng trong chiến dịch tổng tiến công Mậu Thân 1968 càng đẩy nhà chính trị khao khát quyền lực vào sự cay sú, đối lập với nhà quân sự đã vạch ra kế hoạch đúng nhưng bị bác bỏ. Không  những thế, cuộc tổng tiến công Mậu Thân 1968 còn trở thành một mặc cảm, một ám ảnh, một vết thương trong lương tâm nhà chính trị nếu nhà chính trị đó còn chút lương tâm. Ngày nay người ta tổ chức kỉ niệm rầm rộ Mậu Thân 1968, ca ngợi sự hi sinh to lớn của đồng bào chiến sĩ trong Mậu Thân 1968 cũng là để khỏa lấp đi nỗi ám ảnh đó!

         Hội Nhà Văn Việt Nam có nhà sáng tác ở Quảng Bá, Hồ Tây, Hà Nội, gần nhà nghỉ của trung ương đảng. Dạo ấy vào khoảng mùa hè năm 1984, một số nhà văn như Bùi Bình Thi, Xuân Thiều đang ở đây sáng tác. Một buổi chiều mấy nhà văn dừng bút xả hơi đến phòng nhà văn quân đội, đại tá Xuân Thiều tán chuyện đợi đến giờ ăn cơm thì Tổng Bí thư Lê Duẩn đột ngột xuất hiện. Từ nhà nghỉ Hồ Tây, ông lững thững đi dạo, ghé vào nhà sáng tác của các nhà văn. Các phòng đều đóng cửa kín chỉ có một phòng cửa mở rộng và đang đông vui, ông bước đến. Ông vui vẻ hỏi tên từng nhà văn. Nghe giới thiệu về nhà văn Xuân Thiều, ông nắm chặt tay nhà văn, nheo mắt ngắm nhìn cái đầu hói nhẵn bóng của nhà văn và tươi cười hỏi: Đại tá hỉ? Nhà văn đại tá hỉ? Tốt hỉ? Nghe Bùi Bình thi xưng tên, ông bảo: À, à, Thi lãnh đạo hội Nhà Văn hỉ? Nhà văn cao Bùi Bình Thi lớn có khuôn mặt đầy đặn và hàng lông mày rậm giống nhà văn Nguyễn Đình Thi vội cải chính: Dạ, thưa bác, cháu là Bùi Bình Thi, không phải Tổng Thư kí hội Nhà Văn Việt Nam Nguyễn Đình Thi ạ! Nhà văn Xuân Thiều có dịp được giãi bày nỗi băn khoăn: Thưa bác, tôi đang viết tiểu thuyết về Huế trong tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Tôi thấy Mậu Thân sáu tám ta tổn thất lớn quá, mất mát đau thương quá . . . Mới nghe có thế, Tổng Bí thư đã đỏ mặt quát: Ngu! Ngu! Đại tá mà ngu! . . . Ông quát một thôi một hồi rồi đùng đùng bước nhanh ra cửa, đột ngột đến nỗi người cảnh vệ vẫn kè kè theo ông cũng bất ngờ, vội lật đật chạy theo!

         Nhà văn quân đội, đại tá Xuân Thiều đã mất nhưng nhà văn Bùi Bình Thi thì vẫn đang còn sống. Chuyện này do chính nhà văn Bùi Bình Thi kể với chúng tôi.

         Vị tướng quân sự luôn điềm tĩnh, ung dung. Thời chiến tranh chống Mĩ căng thẳng ông vẫn mời bà giáo dạy piano là vợ một nhà văn đến dạy ông đàn. Còn bây giờ ông tập thiền. Chín mươi chín tuổi ông vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Chín mươi chín tuổi ông  vẫn viết thư cho những người đang quản lí quốc gia cảnh báo hiểm họa khai thác bô xít ở Tây Nguyên, hiểm họa môi trường và hiểm họa an ninh, toàn vẹn lãnh thổ, vì những người đến Tây Nguyên, trung tâm bán đảo Đông Dương, lấy cớ làm bô xít lại là những người Đại Hán phương bắc luôn nung nấu bành trướng lãnh thổ, đất đai. Nhà quân sự tài năng bẩm sinh phải có tâm hồn sáng trong mới có được cuộc sống thanh thản, ung dung và rộng lớn đến thế. Tâm hồn ấy không có chỗ cho sự hằn học, đố kị, nhỏ nhen.

         Còn nhà chính trị thì luôn sôi sục, luôn khẳng định quyền uy ở mọi lúc, mọi nơi. Trong quyền uy bao giờ cũng có bóng dáng cá nhân. Cá nhân ấy khi khuynh loát, lấn lướt, khi hằn học tức tối, khi hả hê mãn nguyện! Cái cá nhân ấy luôn mâu thuẫn, xung đột với vị trí, với trách nhiện nhà chính trị. Vì thế nhà chính trị ấy luôn xung đột với chính mình và luôn hằn học với chung quanh!

         Vị tướng điềm tĩnh kia không bao giờ xung đột, hằn học với nhà chính trị đầy quyền uy này!

Category: Chính trị | Views: 834 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0