Thứ Bảy, 2024-12-21, 8:30 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Hai » 14 » MUA DÂY BUỘC MÌNH
2:43 PM
MUA DÂY BUỘC MÌNH


Đối với chính quyền Hà Nội, có vẻ như những vấn đề về Công Giáo đã khép lại, khi họ vội vã xây hai vườn hoa đạt tiêu chuẩn cấp xã ngay tại thủ đô. Ban đầu, với tài phù phép, chính quyền Hà Nội dự định sử dụng hai khu đất này vào những mục đích không minh bạch, nhắm phục vụ quyền lợi cho một nhóm người có thế lực. Nhưng ý đồ của nhóm người này sớm bị phát hiện và bị bại lộ dưới sức ép mạnh mẽ của hàng vạn người đang quyết tâm đòi công bằng, lẽ phải.

Thay vì phải tổ chức một cuộc đối thoại công khai, minh bạch trước công luận; thay vì phải hành xử theo cách thức đàng hoàng của một nhà nước pháp quyền, do dân và vì dân, thì chính quyền Hà Nội lại hành xử theo đúng bản chất kiêu ngạo của họ. Đó là sử dụng các phương tiện truyền thông, đài báo để làm biến dạng sự thật đang diễn ra. Người ta né tránh lý do khởi nguồn việc người Công Giáo đòi đất và tệ hơn nữa, người ta cố tình đi sâu vào những sự việc lắt nhắt, mổ xẻ, nâng cấp và cố tình dàn dựng một hình ảnh không hay về người Công Giáo.

Thậm chí, vào thời điểm cao trào của cuộc chiến thông tin bôi nhọ, chính quyền Hà Nội, qua các cơ quan thông tấn báo chí, còn khoác cho người Công Giáo ý tưởng là “bị thế lực thù địch xúi dục”, một số phần tử muốn phá hoại an ninh… thiếu nước, chụp thêm cho người Công giáo cái mũ: “phần tử khủng bố.” Điều này thì không lạ, bởi truyền thông của chính quyền từ lâu đã không ngần ngại hay sợ bị trừng phạt khi vùi dập những đối tượng mà chính quyền không ưa.

Những việc làm như thế như mang dây trói buộc người khác vào một định kiến mà mình rắp tâm tạo ra. Nếu là tổ chức hay đảng phái nào đó dùng trò này để hạ thấp đối thủ còn dễ tạm chấp nhận. Nhưng đường đường nhà nước cầm quyền tuyệt đối mà sử dụng trò như vậy chưa biết có đạt mục đích không ? Trước mắt đã tự làm cho mình vấy bùn. Khác nào cầm dây buộc người chưa xong, chính mình cũng đã tự trói mình.

Của người phúc ta

Xây hai vườn hoa là một nước cờ khá mới mà chính quyền Hà Nội đã làm. Thâm ý của việc này là biến miếng đất của người Công Giáo thành đất chung của toàn dân. Nếu người Công Giáo tiếp tục đòi hỏi thì họ phải đối đầu với quyền lợi của nhân dân. Thứ nữa là chính quyền đã lợi dụng việc xây vườn hoa để tỏ cho dư luận thấy họ rộng lượng, quan tâm đến đời sống tinh thần của bà con nhân dân. Tuy nhiên, người biết suy nghĩ thừa hiểu rằng chính quyền chả rộng lượng gì mà ban phát cho nhân dân hai vườn hoa ở địa thế mà không một nhà kiến trúc nào lựa chọn (chắc ông chủ tịch Lê Thế Thảo với chuyên môn của mình biết rõ điều đó). Việc xây những vườn hoa ấy là lựa chọn bất đắc dĩ mang tính giải pháp thời cuộc.

Giải quyết tạm thời với phía người Công Giáo yên ắng rồi, giờ còn bài toán nữa phải giải là quyền lợi của nhóm đã đầu tư vào hai khu đất trước kia. Đối với nhóm đầu tư miếng đất ở 178 Nguyễn Lương Bằng (cho mục đích xây biệt thư, lô nhà ở), việc giải quyết đơn giản, đó là có thể cấp nhiều mảnh đất khác nhau ở Hà Nội bù cho họ. Cái này êm thấm và dư luận khó tìm hiểu. Nhưng đối với miếng đất ở 42 Nhà Chung thì phức tạp bởi mục đích của nhóm đầu tư vào đó là kinh doanh. Mà đất kinh doanh thì cần phải ở vị trí đẹp, tiện lợi… chính quyền Hà Nội sau khi xây vườn hoa 42 Nhà Chung xong, cần phải có một vị trí tương xứng để bù cho nhóm đầu tư. Một quyết định liều lĩnh, bất chấp dư luận quần chúng, miễn sao giải quyết được thúc bách mà nhóm đầu tư có thế lực đang đòi hỏi quyền lợi. Đó là Hà Nội cho xây khách sạn ASA HANOI ROYAL tại công viên Thống Nhất.

Có lẽ khi xâm phạm công viên Thống Nhất, chính quyền Hà Nội đánh giá rằng dù sao công viên Thống Nhất là đất chung của người dân, mà người dân Việt Nam thì từ lâu được đào tạo có bản tính là “cha chung không ai khóc”. Chính quyền đã bất chấp tất cả những ý kiến xác đáng phản đối từ nhân dân. Khách sạn SAS đang được khởi công phần móng, mặc cho cảnh quan và môi trường đang bị ỗ nhiễm trầm trọng vì lượng xe cộ tập trung dày đặc trong nội thành. Đáng ra phải dãn bớt những công trình lớn, tập trung nhiều người và xe cộ ở nội thành, thì ủy ban nhân dân TP Hà Nội lại cố nhồi nhét bằng mọi giá vào giữa lòng thủ đô một chốn kinh doanh phục vụ ăn chơi của những kẻ lắm tiền.

Tăng Minh Phụng và UBND TP. Hà Nội

Có lẽ suốt cuộc đời, nhiều người dân Hà Nội không đặt chân lên vườn hoa 1-6 hay vườn hoa Hàng Trống. Thật khó mà có cảm giác vui vẻ khi đến hai nơi này do bởi vị trí của nó và bởi sự miễn cưỡng hình thành của hai vườn hoa. Nhưng với Công viên Thống Nhất, thử hỏi mấy ai trong số người Hà Nội chưa đặt chân đến? Cho dù với sự quản lý, quan liêu và tắc trách của nhà nước làm công viên kém hấp dẫn đi, nhưng một khoảng không bao la giữa cây và nước vẫn là nơi thu hút nhiều người dân Hà Nội đến để tìm những không gian yên tĩnh, thoáng đãng giữa cái thành phố càng ngày càng lộn xộn và lúc nhúc này.

Nếu người dân Hà Nội có sự đoàn kết như người Công Giáo, có lẽ, sẽ có khả năng khiến cho chính quyền phải tìm cái gì đó để đền bù cho một phần công viên Thống Nhất của người dân bị xâm hại. Khi ấy, liệu UBND TP. Hà Nội sẽ làm gì? Lại lấy đất ở chỗ khác ra bù vào, và ở nơi lấy đất đó người ta lại bất bình thì sao.

Bỗng nhiên tưởng vụ làm hai vườn hoa là nước cờ hay. Nhưng rút cục chỉ là vay chỗ này, đập trả chỗ kia. Khiến UBND TP. Hà Nội không khác gì đại gia Tăng Minh Phụng trong việc trả nợ ngân hàng, cũng loanh quanh, vá víu. Có thể UBND TP. Hà Nội trông đợi vào sự thiếu đoàn kết, tạo nên tiếng nói mạnh mẽ của người dân Hà Nội trong đòi hỏi món nợ công viên Thống Nhất. Hy vọng này là có cơ sở vì người dân Hà Nội bàng quan trong việc tranh đấu đòi quyền lợi chung, họ không ý thức như người dân Phương Tây trong việc phản đối những công trình xâm hại môi trường hay biến của chung thành của riêng này.

Nếu ý thức của người dân tốt thì UBNDTP Hà Nội  khéo phải đi vào con đường mà đại gia Tăng Minh Phụng đã đi.

Luật Nhân Quả

Sau những cố gắng huy động mọi nguồn lực như tòa án, cảnh sát, dân phòng, báo chí, truyền hình... mất nhiều thời gian và tốn kém nhưng không đạt được mục đích ban đầu là xây lô biệt thự và khách sạn, cũng không đạt được mục đích hạ thấp người Công Giáo và các lãnh tụ tinh thần của họ, chính quyền giờ vừa nợ người Công Giáo một lời xin lỗi về những bôi bác, gian trá mà giới truyền thông đã tung ra, đồng thời nợ nhân dân Hà Nội về việc cắt xén công viên Thống Nhất.

Nhìn lại những gì mà chính quyền Hà Nội đã làm bắt đầu từ hai khu đất 178 Nguyễn Lương Bằng và 42 Nhà Chung đến nay, thì thấy rằng mọi biện pháp đều theo cảm tính chủ quan, xuất phát từ sự ỷ lại sức mạnh trong tay, không có dũng khí để đi đến quyết định minh bạch, hợp lòng người. Thay vì chọn một cách tốt để giải quyết dứt điểm, chấm dứt mọi cơn sóng ngầm trong lòng dân... UBND TP. Hà Nội lại chọn cách giải quyết chắp vá thiếu bản lĩnh của người lãnh đạo chính trị. Đó là: một mặt dùng cảnh sát ngăn chặn cuộc nguyện cầu đòi Công Lý – Sự Thật của người công giáo, một mặt dùng truyền thông xuyên tạc, cắt xén làm sai lệch sự thật dẫn đến UBND TP. Hà Nội giờ phải lâm vào cảnh nợ trả, nợ mang, chuốc thêm tai tiếng, mất uy tín.

Bài học mà UBND TP. Hà Nội cần rút ra để giải quyết món nợ lòng vòng này là nhanh chóng chấm dứt việc lấn chiếm công viên Thống Nhất; đồng thời, giải quyết khách quan, đúng theo pháp luật đơn khiếu nại của giáo dân về những tin tức, bài báo sai trái mà truyền thông đã đưa. Tránh dùng thủ đoạn dây dưa, lần khất làm cho người đi khiếu nại mất nhiều thời gian chờ đợi, đi lại. Cũng là tránh mua thêm dây buộc mình trong sự việc vốn dĩ giờ đã như mối tơ vò. Hy vọng chính quyền Hà Nội sẽ vì sự yên bình, ổn định của toàn xã hội, để không những buộc thêm dây mà sẽ cởi bớt dây mà trước đó đã buộc.

14/2/2008
Phong Thương

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 828 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 2
Khách: 2
Thành Viên: 0