DCVOnline
- Nhật ký điện tử, một phát minh của công nghệ tin học, đã trở thành
phổ quát với giới chuyên dùng mang. Từ thời Justin Hall viết nhật ký
online đến nay, blog đã có 14 năm lịch sử. Và tính đến tháng 11, 2008,
theo Technorati – động cơ tìm blog – hiện có trên 112,8 triệu blogs
khắp mạng internet chưa kể 72,82 triệu blogs ở Trung Quốc và một số
không nhỏ ở Việt Nam (trên mạng Yahoo 360) cũng như những blogs ở các
quốc gia khác không viết bằng Anh ngữ. So với 113 triệu blogs trên
cyberspace, blog tại Việt Nam đã có một vị trí nhất định với người đọc
và giới truyền thông trong và ngoài nước.
Với con số khoảng hơn 1,5 triệu blogs tại Việt Nam, dù quan tâm va lo
ngại thế mấy đi nữa, Hà Nội cũng khó có thể kiểm soát/“quản lý” những
nhật ký (cá nhân) điện tử này. Số người sử dụng internet tại Việt Nam
ước tính sẽ lên đến 30 triệu vào năm 2010.
Gần hai năm trước, hôm 21/08/2007, lần đầu tiên đã có một cuộc hội thảo về blog tại Sài Gòn mang chủ đề “blog trong thế giới thật”.
Và ở cuộc hội thảo này, ý kiến chung của một số blogger có tiếng như
VMC, Andre, Bố cu Hưng, Osin… đều cho là khó mà quản lý blog Việt cho
triệt để. Trong buổi hội thảo còn có Đại tá Trần Thế Tuyển, Phó cục
trưởng Cục Báo Chí, đại diện A25 Bộ Công an.
Tháng 7, 2007 Singapore cũng rút lại yêu cầu blogger phải ghi danh với các cơ quan hữu trách.
Trong cuộc hội thảo vừa kể blogger Osin, Huy Đức, quan niệm blog không phải là thế giới ảo và nói, “Khi ngồi viết blog, tôi vẫn nhìn thấy anh Thế Tuyển và các anh A.25. Vì vậy tôi viết rất cẩn thận!”
DCVOnline xin giới thiệu đến bạn đọc 2 blog mới của Osin xem ông “viết cẩn thận” thế nào.
Blog1 ‒ Cuộc Chiến 1979 và Hoàng Sa (tác giả cho biết bài chưa đăng báo giấy)
Osin - Huy Đức (Thursday February 12, 2009)
Blogger Huy Đức tại Hội thảo “blog trong thế giới thật” Nguồn: tienphong.vn
Ngày
07/02/1979, tại Tokyo, khi ngầm thông báo với báo chí một chiến dịch
“trừng phạt” Việt Nam, Đặng Tiểu Bình giải thích: “Hiệp ước mà Việt Nam
và Liên Xô ký kết có tính chất đồng minh quân sự. Việt Nam đã mở cuộc
xâm nhập vũ trang vào Campuchia và đang khiêu khích ở biên giới Trung
Quốc”. Tuy nhiên, nguyên nhân thực sự của cuộc chiến tranh mà Đặng Tiểu
Bình thực hiện 10 ngày sau không đơn giản chỉ là những gì được nói ra
trong lời tuyên bố ấy.
Hiệp ước mà ông Đặng đề cập là Hiệp ước hợp tác toàn diện giữa Việt Nam
và Liên Xô, ký ngày 03/11/1978. Hiệp ước này được ký kết sau khi mối
quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã rất trầm trọng: Trung Quốc yêu
cầu Việt Nam đóng cửa 3 tổng lãnh sự quán (06/061978) và cắt toàn bộ
viện trợ (07/1978). Ngày 29/01/1979, khi hội đàm ở Mỹ, Đặng Tiểu Bình
nhắc tới Campuchia, Afganistan với Tổng thống Jimmy Carter và cảnh báo
“nguy cơ phản ứng dây chuyền”. J. Carter “đồng ý với Đặng cách nhìn
nhận” ấy. Tuyên bố chung, hai ngày sau đó, nhấn mạnh, “Trung-Mỹ chống
lại bất kỳ quốc gia hoặc tập đoàn quốc gia
nào mưu kế bá quyền”. Đặng đã thành công khi sử dụng liên minh Việt-Xô
để gieo rắc hoài nghi, khiến Mỹ làm ngơ cho Trung Quốc đánh Việt Nam,
bên trong, Đặng không hề đánh giá cao liên minh ấy.
Trong hội nghị do Quân ủy Trung ương Trung Quốc triệu tập, bàn chủ
trương đánh Việt Nam, không ít tướng lĩnh đã cảnh báo nguy cơ bị Liên
Xô tấn công. Khi ấy, trên biên giới Trung-Xô, Liên Xô bố trí tới 50 sư
đoàn chủ lực. Đặng Tiểu Bình nhận định, “Liên Xô không thể không xét tới nhiều nhân tố quốc tế nên khả năng (vì Việt Nam mà) can thiệp vào Trung Quốc là rất ít”.
Trên thực tế, một tuần sau khi Trung Quốc đánh Việt Nam, không thấy
Liên Xô ra tay, Trung Quốc đã đánh tiếp sang thị xã Lạng Sơn, và chỉ
rút khi trên hướng này Quân Đoàn II xuất hiện.
Tại thời điểm Đặng tuyên bố với báo chí, 07/2/1979, quân đội Việt Nam
có mặt ở Phnompênh vừa tròn một tháng, nên “yếu tố Campuchia” có vẻ như
rất dễ thuyết phục. Nhưng, theo cuốn sách “10 Năm Chiến Tranh Trung Việt”
của NXB Đại học Tứ Xuyên, công bố năm 1993, ngay trong Hội Nghị Quân ủy
Trung ương, từ 7 đến ngày 9 tháng 12 năm 1978, Trung Quốc đã quyết định
đánh Việt Nam. Trong ngày 9-12-1978, Quyết định này đã được tuyệt mật
chuyển tới tay tướng Hứa Thế Hữu (Tướng Hữu cùng với Dương Đắc Chí là
hai tướng chỉ huy cuộc chiến tranh 17/02). Trong khi mãi tới ngày
25/12/1978, quân đội Việt Nam mới bắt đầu mở chiến dịch đánh sang
Phnompenh.
Khi Khmer Đỏ chưa nắm được chính quyền, đang “ăn nhờ, ở đậu” gần Trung
ương Cục (Việt Nam), Pol Pot, Ieng Sary đã “đi lại” với Bắc Kinh. Năm
1970, Lon Non lật đổ Sihanouk, Pol Pot đã rất cay cú khi Sihanouk được
đưa về Hà Nội. Pol Pot nhận ra, họ không phải là lực lượng duy nhất mà
Việt Nam ủng hộ ở đất nước nhỏ bé này. Cho dù sau đó lá bài Sihanouk
cũng được nuôi ở Bắc Kinh như một ông hoàng, người Trung Quốc đã khéo
léo nhen nhúm hiềm khích Việt Nam cho Pol Pot. Chính vì thế mà ngay
trong năm 1975, Khmer Đỏ đã phản bội Việt Nam, bắn giết ở Phú Quốc, ở
Thổ Chu và từ năm 1977 đánh sang An Giang, Tây Ninh, có khi vào sâu hơn
10 km. Tuy nhiên, cho dù có bị mất mặt khi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ
do Trung Quốc hậu thuẫn bị Việt Nam đánh đổ ở Phnompênh. Liệu, Trung
Quốc có phải là một đàn anh trung thành với lân bang đến mức hy sinh
mình như vậy?
Người Hoa và vấn đề “nạn kiều” cũng đóng một vai trò nhất định. Thật
khó lý giải vì sao cuộc “cải tạo tư sản công thương nghiệp”, đụng tới
hàng trăm nghìn người Hoa, lại được Việt Nam tiến hành năm 1978, khi mà
mối quan hệ với Trung Quốc đang hết sức căng, nếu như không đề cập đến
câu chuyện sau đây, câu chuyện mà sách vở chưa bao giờ nói đến. Bí thư
Thành ủy TP HCM vào thời điểm 1975, ông Võ Văn Kiệt, kể: “Sau
ngày 30-4, ở khu vực Chợ Lớn có một chi bộ có vũ trang thuộc bộ phận
hải ngoại của đảng Cộng Sản Trung Quốc. Chi bộ này xuất hiện bí mật từ
trước 30-4 và khi đó họ đòi được công khai hoạt động”. Để một lực
lượng Trung Quốc có vũ trang ở Chợ Lớn thì cũng không khác chi đặt mồi
lửa dưới đống củi, Việt Nam buộc phải giải giáp họ. Bắc Kinh rất khó
chịu về vụ “giải giáp” này. Nhưng, cho dù có bao nhiêu người Hoa đã
phải ra đi trong năm 1978 thì “nạn kiều” vẫn là một lá bài mà Trung
Quốc cũng chủ động chơi chứ không hẳn là nguyên nhân khiến cho Đặng
Tiểu Bình đưa quân sang Việt Nam xâm lược.
Tác giả của “10 Năm Chiến Tranh Trung Việt” còn chỉ ra một vấn đề rất
có thể cũng là nguyên nhân: Năm 1978, Đặng Tiểu Bình vừa khôi phục lại
quyền lãnh đạo quân đội, “Ông
có ý thức nhạy bén… thông qua cuộc chiến tranh, vừa thăm dò được sự
trung thành (của quân đội), vừa làm cho các nhà lãnh đạo (Trung Quốc)
khác nhận rõ những mặt phải cải cách quân đội”. Đại tá Hà Tám, chỉ huy trung đoàn 12 anh hùng đánh Trung Quốc tháng 2-1979, cho biết, “Mặc
dù pháo theo cùng của Trung Quốc bắn khá chính xác, nhưng, bộ binh thì
chủ yếu dùng ‘biển người’; chỉ huy của Trung Quốc lúc ấy ra trận mà vẫn
có người che ô, quân thì chờ kèn kêu mới xông trận”. Sau ngày
17/02, Trung Quốc đã gấp rút cải cách quân đội, và họ đã “thử nghiệm”
lại trên Biên giới Việt Nam vào ngày 28-4-1984 bằng một chiến dịch với
phương thức chiến tranh hoàn toàn mới.
Đặng Tiểu Bính nói: “Người Trung Quốc làm gì cũng có tính toán”.
Cuộc chiến tranh được huy động khi mà Trung Quốc đang vô cùng lạc hậu
sau các cuộc cách mạng “da thịt tàn nhau” không chỉ nhắm đến một mục
tiêu. Bằng cách kể lể kiểu chương hồi, cuốn sách mà Trung Quốc cho công
bố, “10 Năm Chiến Tranh Trung Việt”, đã để lộ một ý đồ thâm sâu của
Đặng, đó là vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa. Ngay sau khi kết thúc chiến
tranh ở miền Nam, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã bày tỏ thái độ khá kiên
định về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa, quần đảo mà
từ lâu Trung Quốc đã rắp tâm thôn tính.
Tháng 6, 1975, Bộ Ngoại Giao Việt Nam gửi công hàm cho Trung Quốc về
vấn đề Hoàng Sa. Ngày 24/09/1975, khi gặp Đặng Tiểu Bình ở Bắc Kinh, Bí
thư thứ nhất Lê Duẩn đã “yêu cầu phó thủ tướng Đặng Tiểu Bình đàm phán về vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa”.
Tháng 4, 1977, trên đường đi Liên Xô ghé qua Bắc Kinh, Thủ tướng Phạm
Văn Đồng cũng đã gửi đến Trung Quốc thông điệp của Việt Nam về hai quần
đảo ấy. Tuy nhiên, trước sau Trung Quốc đều một mực yêu cầu Việt Nam trở lại lập trường trước năm 1974. “Lập trường trước năm 1974”, theo cuốn sách “10 Năm Chiến Tranh Trung Việt” là “Tuyên bố của Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958”. Cuốn sách nói là Đặng Tiểu Bình đã rất khó chịu với Bí thư thứ nhất Lê Duẩn, Đặng nói:
Deng Xiaoping Nguồn: fordham.edu
“Vấn đề này không cần thiết phải đàm phán… (đó - Hoàng Sa và Trường Sa, DCVOnline) là lãnh thổ Trung Quốc”.
Có lẽ, năm 1979, Đặng Tiểu Bình nghĩ là có thể đè bẹp ý chí của người
Việt Nam trong vấn đề đòi lại Hoàng Sa và Trường Sa nên đã phát động
chiến tranh. Và, các yếu tố như Liên Xô, Campuchia được Đặng vận dụng
tối đa để cô lập Việt Nam trên trường quốc tế. Điều cay đắng là, lẽ ra
Đặng đã không thể cô lập Việt Nam để gây đổ máu của dân ta như thế nếu
như sau 1975, Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước trong
khối ASEAN ngay và đặc biệt, bình thường ngoại giao với Mỹ. Năm 1977,
khi Mỹ chìa tay ra cho Việt Nam, theo Tổng thống Jimmy Carter, “vấn đề bồi thường chiến tranh đã gây khó khăn”.
Rồi, trong khi Việt Nam đang loay hoay thì Đặng Tiểu Bình đã khai thác
yếu tố này ngay, để thiết lập được quan hệ ngoại giao với Mỹ và đặt
Việt Nam vào tình huống bị bao vây, cấm vận. Tất nhiên, “ý thức hệ”
đóng một vài trò quan trọng trong quyết định “nhất biên đảo” với Liên
Xô; năm ấy, báo Nhân Dân vẫn chỉ trích Đặng về chủ thuyết “mèo trắng,
mèo đen” và ngày nay, chúng ta vẫn cần phải quan tâm tới bài học ấy.
Tôi công bố bài viết này không chỉ vì sắp đến ngày 17/02 mà còn vì,
muốn lưu ý, “người Trung Quốc làm gì cũng có tính toán”, không nên đặt
cuộc chiến tranh 17/02 ra ngoài âm mưu Biển Đông. Bản Giốc, Tục Lãm…
giờ đã xong; nhưng, Hoàng Sa, Trường Sa thì vẫn đó.
Blog2 - Biên Giới Tháng Hai (2009-1979) (Monday February 9, 2009)
Bài vừa đăng trên Sài Gòn Tiếp Thị thì bị rút xuống
Tháng Hai, những cây đào cổ thụ trước cổng đồn biên phòng Lũng Cú,
Hà Giang, vẫn chưa có đủ hơi ấm để đâm hoa; những khúc quanh trên đèo
Tài Hồ Sìn, Cao Bằng, vẫn mịt mù trong sương núi. Sáng 7-2 nắng lạnh,
vợ chồng ông Nguyễn Văn Quế, 82 tuổi, nhà ở khối Trần Quang Khải 1, thị
xã Lạng Sơn, ngồi co ro kể lại cái chết 30 năm trước của con trai mình,
anh Nguyễn Văn Đài. Năm ấy, Đài 22 tuổi. Ông Quế nói: “Để ghi nhớ ngày
ấy, chúng tôi lấy Dương lịch, 17-2, làm đám giỗ cho con”. Năm 1979, vào
lúc 5 giờ 25 phút sáng ngày 17-2, Trung Quốc nổ súng trên toàn tuyến
biên giới Việt Nam, đánh chiếm từ Phong Thổ, Lai Châu, tới địa đầu Móng
Cái.
Những đôi mắt
Hôm ấy, ông Quế không có nhà, vợ ông, bà Dự, bị dựng dậy khi bên ngoài
trời hãy còn rất tối. Bà nghe tiếng pháo chát chúa ở hướng Đồng Đăng và
phía dốc Chóp Chài, Lạng Sơn. Bà Dự đánh thức các con dậy, rồi 4 mẹ con
dắt díu nhau chạy về xuôi. Tới ki-lô-mét số 10, đã quá trưa, bà rụng
rời khi hay tin, anh Đài đã bị quân Trung Quốc giết chết. Anh Đài là
công nhân đường sắt, thời điểm ấy, các anh đương nhiên trở thành tự vệ
bảo vệ đoạn đường sắt ở Hữu Nghị Quan. Anh em công nhân trong đội của
Đài bị giết gần hết ngay từ sáng sớm. Đài thuộc trong số 3 người kịp
chạy về phía sau, nhưng tới địa bàn xã Thanh Hòa thì lại gặp Trung
Quốc, thêm 2 người bị giết. Người sống sót duy nhất đã báo tin cho bà
Dự, mẹ Đài.
Cùng thời gian ấy, ở bên núi Trà Lĩnh, Cao Bằng, chị Vương Thị Mai Hoa,
một giáo viên cấp II, người Tày, mới ra trường, cũng bị giật dậy lúc
nửa đêm rồi theo bà con chạy vào hang Phịa Khóa. Hàng trăm dân làng trú
trong hang khi pháo Trung Quốc gầm rú ở bên ngoài, rồi lại gồng gánh
theo nhau vào phía Lũng Pùa, chạy giặc. Chị Hoa không bao giờ có thể
quên từng đôi mắt của dòng người gồng gánh ấy. Giờ đây, ngồi trong một
cửa hàng bán băng đĩa trên phố Kim Đồng, thị xã Cao Bằng, chị Hoa nhớ
lại: “Năm ấy, tôi 20 tuổi. Tôi nghĩ, tại sao mình lại chạy!” Chị quay
lại, sau khi thay quần áo giáo viên bằng bộ đồ chàm vì được những người
chạy sau cho biết, rất nhiều người dân ăn mặc như cán bộ đã bị quân
Trung Quốc giết chết. Từ trên đồi, chị Hoa thấy quân Trung Quốc gọi
nhau ý ới và tiến vào từng đoàn.
Cuộc Chiến 16 Ngày
Ngày 15-2-1979, Đại tá Hà Tám, năm ấy là trung đoàn trưởng trung đoàn
12, thuộc lực lượng Biên phòng, trấn ở Lạng Sơn, được triệu tập. Cấp
trên của ông nhận định: “Ngày 22 tháng 2, địch sẽ đánh ở cấp sư đoàn”.
Ngay trong ngày 15, ông ra lệnh cấm trại, “Cấp chiến thuật phải sẵn
sàng từ bây giờ,” ông nói với cấp dưới. Tuy nhiên, ông vẫn chưa nghĩ là
địch sẽ tấn công ngay. Đêm 16-2, chấp hành ý kiến của Tỉnh, ông sang
trại an dưỡng bên cạnh nằm dưỡng sức một đêm bởi vì ông bị mất ngủ vì
căng thẳng sau nhiều tháng trời chuẩn bị. Đêm ấy, Trung Quốc đánh.
Đoạn phim của Trung Quốc về trận chiến biên giới 1979 (Cao Bằng, Việt Nam)
Ở
Cao Bằng, sáng 16 tháng 2, tất cả các đồn trưởng Biên phòng đều được
triệu tập về thị xã Cao Bằng nhận lệnh, sáng hôm sau họ tìm về đơn vị
triển khai chiến đấu khi Trung Quốc đã tấn công rồi. Sáng 17-2, Tỉnh
Cao Bằng ra lệnh sơ tán triệt để khỏi thị xã; đại đội 22 của thị xã Cao
Bằng được trang bị thêm 17 khẩu súng chống tăng B41. Ngày 18-2, một
chiếc tăng Trung Quốc có “Việt gian” dẫn đường lọt tới Cao Bằng và bị
tiêu diệt. Nhiều nơi, chỉ khi nhìn thấy chữ “Bát Nhất”, người dân mới
nhận ra đấy là tăng Trung Quốc. Đại tá Hà Tám công nhận: “Về chiến lược
ta đánh giá đúng nhưng về chiến thuật có bất ngờ”. Tuy nhiên, Đại tá
Hoàng Cao Ngôn, Tỉnh đội trưởng Cao Bằng thời kỳ 17-2, nói rằng, cho dù
không có bất ngờ thì tương quan lực lượng là một vấn đề rất lớn. Phần
lớn quân chủ lực của Việt Nam đang ở chiến trường Campuchia. Sư đoàn
346 đóng tại Cao Bằng nhiều năm chủ yếu làm nhiệm vụ kinh tế, thời gian
huấn luyện sẵn sàng chiến đấu trở lại chưa nhiều. Lực lượng cầm chân
Trung Quốc ở tuyến một, hướng Cao Bằng, chủ yếu là địa phương quân, chỉ
có khoảng hơn 2 trung đoàn.
Trong khi, theo tài liệu từ Trung Quốc, chỉ riêng ở Cao Bằng trong ngày
17-2, Trung Quốc sử dụng tới 6 sư đoàn; ở Lạng Sơn 3 sư và Lào Cai 3
sư. Hôm sau, 18-2, Trung Quốc tăng cường cho hướng Cao Bằng 1 sư đoàn
và 40 tăng; Lạng Sơn, một sư và 40 tăng; Lào Cai, 2 trung đoàn và 40
tăng. Lực lượng Trung Quốc áp sát Biên giới vào ngày 17-2 lên tới 9
quân đoàn chủ lực. Ngày 17-2, Trung quốc tiến vào Bát xát, Lao Cai;
chiều 23-2, Trung Quốc chiếm Đồng Đăng; 24-2, Trung Quốc chiếm thị xã
Cao Bằng; ngày 27-2, ở Lạng Sơn, Trung Quốc đánh vào thị xã.
Thế nhưng, bằng một lực lượng nhỏ hơn rất nhiều, các đơn vị Biên giới
đã nhanh chóng tổ chức chiến đấu. Theo cuốn “10 Năm Chiến Tranh Trung
Việt”, xuất bản lần đầu năm 1993 của NXB Đại học Tứ Xuyên, quân Trung
Quốc đã gọi con đường tiến vào thị xã Cao Bằng của họ là “những khe núi
đẫm máu”. Đặc biệt, tiểu đoàn Đặc công 45, được điều lên sau ngày 17-2,
chỉ cần đánh trận đầu ở kilomet số 3, đường từ Cao Bằng đi về xuôi qua
đèo Tài Hồ Sìn, cũng đã khiến cho quân Trung Quốc khiếp vía. Những
người dân Biên giới cho đến hôm nay vẫn nhớ mãi hình ảnh biển người
quân Trung Quốc bị những cánh quân của ta cơ động liên tục, đánh cho
tan tác. Đầu tháng 3-1979, trong khi hai sư đoàn 346, Cao Bằng và 338,
Lạng Sơn, thọc sâu đánh những đòn vu hồi. Từ Campuchia, sau khi đuổi
Pol Pot khỏi Phnompenh, hai quân đoàn tinh nhuệ của Việt Nam được điều
ra phía Bắc. Ngay sau khi Quân đoàn II đặt những bước chân đầu tiên lên
Đồng Mỏ, Lạng Sơn; Quân Đoàn III tới Na Rì; Chủ tịch Nước ra lệnh “Tổng
Động viên”… ngày 05/03/1979, Trung Quốc tuyên bố rút quân về nước.
Lào Cai, Sapa, Đồng Đăng, Lạng Sơn… bị phá tan hoang. Tại Cao Bằng,
quân Trung Quốc phá sạch sẽ từng ngôi nhà, từng công trình, ốp mìn cho
nổ tung từng cột điện. Nếu như, ở Bát Xát, Lao Cai, hàng trăm phụ nữ
trẻ em bị hãm hiếp, bị giết một cách dã man ngay trong ngày đầu tiên
quân Trung Quốc tiến sang. Thì, tại thôn Tổng Chúp, xã Hưng Đạo, huyện
Hòa An, Cao Bằng, trong ngày 9-3, trước khi rút lui, quân Trung Quốc đã
giết 43 người, gồm 21 phụ nữ, 20 trẻ em, trong đó có 7 phụ nữ đang mang
thai. Tất cả đều bị giết bằng dao như Pol Pốt. Mười người bị ném xuống
giếng, hơn 30 người khác, xác bị chặt ra nhiều khúc, vứt hai bên bờ
suối.
Lặng Lẽ Hoa Đào
Ngồi đợi ông Nguyễn Thanh Loan, người trông giữ nghĩa trang Vị Xuyên,
Hà Giang, chúng tôi nhìn ra xa. Tháng Hai ở đây mới là mùa hoa đào nở.
Nghĩa trang có 1680 ngôi mộ. Trong đó, 1600 mộ là của các liệt sỹ hy
sinh trong cuộc chiến tranh từ ngày 17-2. Ở Vị Xuyên, tiếng súng chỉ
thật sự yên vào đầu năm 1990. Năm 1984, khi Trung Quốc nổ súng trở lại
hòng đánh chiếm hơn 20 cao điểm ở Thanh Thủy, Vị Xuyên, bộ đội đã phải
đổ máu ở đây để giành giật lấy từng tấc đất. Rất nhiều chiến sỹ đã hy
sinh, đặc biệt là hy sinh khi tái chiếm đỉnh cao 1509. Ông Loan nhớ
lại, cứ nửa đêm về sáng, xe GAT 69 lại chở về, từng túi tử sỹ xếp chồng
lên nhau. Trong số 1600 liệt sỹ ấy, chủ yếu chết trong giai đoạn 1984,
1985, có người chết 1988, còn có 200 ngôi mộ chưa xác định được là của
ai. Sau khi hoàn thành việc phân giới cắm mốc, cái pháo đài trên đỉnh
1509 mà Trung Quốc dành được và xây dựng trong những năm 80, vẫn còn.
Họ nói là để làm du lịch. Từ 1509, có thể nhìn thấu xuống thị xã Hà
Giang. Năm 1984, từ 1509 pháo Trung Quốc đã bắn vào thị xã.
Trên đường lên Mèo Vạc, sương đặc quánh ngoài cửa xe. Từng tốp, từng
tốp trai gái H'mông thong thả cất bước du xuân. Có những chàng trai đã
tìm được cho mình cô gái để cầm tay. Một biên giới hữu nghị và hòa bình
là vô cùng quý giá. Năm 1986, vẫn có nhiều người chết vì đạn pháo Trung
Quốc nơi đoạn đường mà chúng tôi vừa đi, nơi các cô gái, hôm nay, để
cho các chàng trai cầm tay kéo đi với gương mặt tràn trề hạnh phúc.
Thiếu tá Nguyễn Văn Thái, Phó đồn Biên phòng
Chi Ma (Lạng Sơn) Nguồn: vietimes.com.vn
Quá khứ, rất cần khép lại để cho những hình ảnh như vậy đâm chồi. Nhưng
cũng phải trân trọng những năm tháng đã thuộc về quá khứ. Tháng Hai,
đứng ở bên này cửa khẩu Chi Ma, Lạng Sơn, nhìn sang bên kia, thấy lừng
lững một tượng đài đỏ rực mà theo các sỹ quan Biên phòng, Trung Quốc
gọi là “đài chiến thắng”. Trở lại Lạng Sơn, những chiếc xe tăng Trung
Quốc bị quân và dân ta bắn cháy hôm 17-2 vốn vẫn nằm bên bờ sông Kỳ
Cùng, giờ đã được bán sắt vụn cho các khu gang thép. Ở Cao Bằng, chúng
tôi đã cố nhờ mấy người dân địa phương chở ra kilomet số 3, theo hướng
đèo Tài Hồ Sìn, tìm tấm bia ghi lại trận đánh diệt 18 xe Trung Quốc của
tiểu đoàn đặc công 45, nhưng không thấy. Trở lại Tổng Chúp, phải nhờ
đến ông Lương Đức Tấn, Bí thư Chi bộ, nguyên huyện đội phó Hòa An, đưa
ra cái giếng mà hôm 9-3-1979, quân Trung Quốc giết 43 thường dân Việt
Nam. Ông Tấn cũng chính là một trong những người đầu tiên trở về làng,
trực tiếp đỡ từng xác phụ nữ, trẻ em, bị chặt bằng búa, bằng dao rồi
quăng xuống giếng. Cái giếng ấy bây giờ nằm sâu trong vườn riêng của
một gia đình, không có đường đi vào. Hôm ấy, anh Tấn phải kêu mấy thanh
niên đi theo chặt bớt cành tre cho chúng tôi chụp hình bia ghi lại sự
kiện mà giờ đây đã chìm trong gai tre và lau lách.