Thứ Tư, 2025-01-22, 6:02 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Hai » 16 » Bauxite: Cả ngoại bang lẫn Mafia đang thao túng Việt Nam
3:32 PM
Bauxite: Cả ngoại bang lẫn Mafia đang thao túng Việt Nam

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=90709&z=2

 

medium_vn_110209_bauxite_1.jpg

Hình chụp một mỏ bauxite tại Cộng Hòa Dominican. Khai thác bauxite đồng nghĩa với khai tử khu vực có mỏ. (Hình: www.sierrabauxite.com)

medium_vn_110209_bauxite_2.jpg

Ðây cũng sẽ là hình ảnh trong tương lai của Tây Nguyên, Bình Phước. (Hình: www.sierrabauxite.com)

Gia Ðịnh

Tại cuộc họp báo định kỳ diễn ra hôm 4 Tháng Hai, ông Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng CSVN tuyên bố với báo giới: “Vấn đề khai thác bauxite tại Tây Nguyên là chủ trương lớn của đảng và nhà nước. Sắp tới, chính phủ sẽ tổ chức một cuộc hội thảo về các phương án khai thác nguồn tài nguyên to lớn này một cách bền vững, hiệu quả, đảm bảo môi trường sinh thái và an ninh quốc gia”.

Có thể xem tuyên bố vừa kể là bằng chứng mới nhất, rõ nhất, chính thức xác nhận cả đảng lẫn chính quyền CSVN sẵn sàng bán rẻ lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc không chỉ cho ngoại bang mà cả cho các nhóm mafia đã cũng như đang lũng đoạn kinh tế, xã hội, thậm chí chính trị tại Việt Nam...

Nhân danh phát triển để tiến hành hủy diệt

Bauxite là loại quặng trầm tích với thành phần chủ yếu là hydroxide nhôm xen lẫn với các chất khác (như: sắt, silica...). Từ bauxite, người ta có thể tách ra alumina, nguyên liệu chính để luyện nhôm.

Ở Việt Nam, bauxite có hai loại chính: Bauxite có nguồn gốc trầm tích, tập trung ở các tỉnh miền Bắc (như: Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Sơn La, Nghệ An) và bauxite có nguồn gốc phong hóa laterite từ đá bazan tập trung ở các tỉnh miền Nam (như: Bình Dương, Ðồng Nai, Phú Yên, Quảng Ngãi, khu vực Tây Nguyên gồm các tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Ðắk Lắk, Ðắk Nông, Lâm Ðồng). Trong đó Tây Nguyên là khu vực có trữ lượng bauxite lớn nhất Việt Nam và riêng tại Ðắk Nông, trữ lượng bauxite tại tỉnh này chiếm khoảng 20% trữ lượng bauxite trên toàn thế giới.

Vào năm 2007, lần đầu tiên, chính quyền CSVN phê duyệt “Quy hoạch phát triển ngành bauxite - nhôm”, xác định lĩnh vực này như một “thế mạnh để phát triển”.

Cũng kể từ đó, “Quy hoạch phát triển ngành bauxite - nhôm” đã tạo ra một làn sóng phản đối, lúc đầu chỉ ngấm ngầm song về sau, đặc biệt là gần đây, đã chuyển thành công khai, trong cả giới nghiên cứu kinh tế, xã hội, văn hóa, lẫn báo giới và dân chúng ở Việt Nam.

“Quy hoạch phát triển ngành bauxite - nhôm” được chính quyền CSVN giao cho Tập Ðoàn Công Nghiệp Than và Khoáng Sản Việt Nam (TKV) thực hiện. Theo đó, TKV đã ký một số hợp đồng với các tập đoàn của Trung Quốc (Chalco), Nga (UC Rusal), Nhật (Sojits Nippon), Úc (BHP Billiton), Hoa Kỳ (Alcoa)... để khai thác bauxite ở khu vực Tây Nguyên và Bình Phước. Sau đó bauxite sẽ được vận chuyển bằng đường sắt về Bình Thuận để tinh chế rồi xuất cảng.

Những ý kiến phản bác “Quy hoạch phát triển ngành bauxite - nhôm”, được xem là đáng chú ý và nặng ký nhất đã được nêu ra ở hội thảo “Tìm giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực do khai thác, chế biến quặng bauxite, sản xuất alumin và luyện nhôm tại khu vực Tây Nguyên và Nam Trung bộ”, diễn ra hôm 22 Tháng Mười năm 2008, tại Ðắk Nông. Tường thuật của báo giới Việt Nam cho thấy, đại diện nhiều giới đã chỉ trích kịch liệt chủ trương khai thác bauxite tại Tây Nguyên.

Tuy chính quyền CSVN và TKV quảng cáo, việc khai thác bauxite nhằm “phát triển kinh tế, đánh thức tiềm năng của Tây Nguyên”, song Tiến Sĩ Nguyễn Thành Sơn, giám đốc công ty Năng Lượng Sông Hồng, một thành viên của chính TKV, bác bỏ. Ông Sơn gọi dự án khai thác bauxite là “một sai lầm chiến lược, chứa đựng những rủi ro không thể lường hết”.

Vị tiến sĩ này nhận định: “Quy hoạch khai thác quặng bauxite mà thủ tướng đã duyệt và giao cho TKV triển khai ở Tây Nguyên là quá nhiều tham vọng. Nhôm không phải là kim loại quý và chưa có quốc gia nào coi bauxite là khoáng sản chiến lược để dốc sức khai thác như Việt Nam”. Cũng theo ông Sơn: “Dự án của TKV chỉ chú trọng việc khai thác quặng rồi chế biến thành alumin để xuất khẩu thì hiệu quả kinh tế sẽ không cao và chỉ có tác dụng phục vụ các 'đại gia' luyện nhôm của nước ngoài vốn không muốn tiêu tốn quá nhiều chi phí cho việc khai thác.

Chưa kể chương trình khai thác, chế biến quặng bauxite của TKV chứa đựng nhiều rủi ro không thể kiểm soát được. Nhu cầu nhôm trong nước vốn không nhiều và cũng không thể có đủ điện để có thể xây dựng các nhà máy luyện nhôm phục vụ xuất khẩu. Trong khi đó, vì quá trình khai thác đòi hỏi nguồn vốn lớn và công nghệ cao, do vậy sẽ đặt Việt Nam vào thế phụ thuộc nước ngoài. Ðặc biệt, các rủi ro về môi trường, sinh thái bị hủy hoại lại không được nghiên cứu, không được đề cập đến nơi đến chốn”.

Ông Sơn đề nghị: “Lập ngay một ủy ban quốc gia về phát triển bền vững cho vùng Tây Nguyên, đồng thời tổ chức những cuộc tranh luận khoa học 'đến đầu, đến đũa' về các tác động của việc khai thác bauxite đến kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường. Trong khi tranh luận chưa ngã ngũ thì phải ngừng triển khai các dự án để hạn chế những hậu quả đáng tiếc”.

Do khai thác quặng bauxite để chế biến thành alumina, luyện nhôm là công việc tiêu tốn một lượng nước và điện khổng lồ, đồng thời thải ra lượng khí và bùn đỏ có sức hủy diệt môi trường rất tàn tệ, ông Ðào Công Tiến, cựu hiệu trưởng Ðại Học Kinh Tế Sài Gòn, cảnh cáo: “Những năm gần đây, nguồn nước của Tây Nguyên bị sụt giảm nghiêm trọng, nếu trưng dụng nguồn nước cho khai thác bauxite, chắc chắn Tây Nguyên sẽ chết vì thiếu nước”.

Chưa kể với công nghệ như hiện nay, muốn sản xuất một tấn nhôm cần phải có hai tấn alumina, nghĩa là phải khai thác ít nhất 4 tấn quặng bauxite và toàn bộ quá trình này thải ra đến 3 tấn bùn đỏ, một loại chất thải cực kỳ độc hại, thậm chí còn chứa phóng xạ và ngay cả các nước phát triển như Mỹ, Nhật cũng không có cách nào xử lý ngoài việc chôn lấp. Ông Nguyễn Thành Sơn đã trưng ra những hình ảnh chụp các bãi chứa bùn đỏ ở Úc, Pháp để chứng minh rằng ý tưởng “trồng cây trên những bãi bùn đỏ” của TKV là “ảo tưởng”.

Cũng theo ông Sơn, khai thác bauxite tại Tây Nguyên đồng nghĩa với việc chôn lấp bùn đỏ ngay tại Tây Nguyên và vì Tây Nguyên là thượng nguồn của nhiều con sông lớn, những bãi bùn đỏ này sẽ trở thành những núi “bom bẩn”. Nếu xảy ra thiên tai, lũ quét thì “không chỉ các tỉnh Tây Nguyên mà người dân các tỉnh Nam Trung bộ, Ðông Nam bộ sẽ lãnh đủ hậu quả”.

Quan trọng hơn, sau khai thác quặng, mặt đất sẽ như thế nào? Tuy TKV dẫn kinh nghiệm của một số quốc gia để trấn an rằng khả năng hoàn thổ, phục hồi thổ nhưỡng là gần như đạt 100% nhưng giới khoa học chứng minh ngược lại: “Với địa hình nhiều đồi dốc và mưa lũ hàng năm như Tây Nguyên, sau khai thác, toàn bộ mặt đất sẽ bị nước cuốn trôi và không thể nào có hy vọng tái tạo”.

Tại hội thảo kể trên, một tiến sĩ tên Tuyết Nhung, công bố nghiên cứu xã hội của Ðại Học Tây Nguyên về khu vực mà TKV đang xây dựng nhà máy để chứng minh TKV thiếu trung thực: “TKV bảo rằng, khu vực khai thác bauxite là những vùng rừng không phát triển, cây trồng không sống được trong khi thực tế cho thấy, khu vực này đang phát triển rất mạnh, cây cà phê đang giúp dân chúng có đời sống ổn định”. Ðó là chưa kể dự án đe dọa không gian văn hóa truyền thống của người M'Nông bản địa. Nếu mất làng, văn hóa của người M'Nông sẽ bị triệt tiêu. Từ đó sẽ kéo theo hàng loạt vấn đề về văn hóa - xã hội, thậm chí là các vấn đề an ninh, chính trị vì cơ hội về việc làm cho người bản địa gần như không có. Bà Nhung nêu thắc mắc: “Không còn đất, dân bản địa sẽ đi đâu? Văn hóa Tây Nguyên sẽ về đâu?”

Nhà văn Nguyên Ngọc, một người nghiên cứu về Tây Nguyên, nhận xét: “Ðiều cần cân nhắc nhất, quan trọng hơn hết là chuyện xã hội-văn hóa. Sau năm 1975, chúng ta đã tổ chức một cuộc di dân chưa từng có, từ đồng bằng lên Tây Nguyên với cường độ, tốc độ rất lớn và đến nay đã chứng tỏ đó là một sai lầm lớn. Chúng ta đã hành động ở Tây Nguyên rất thản nhiên, không hề quan tâm đến việc đây là một vùng đất và người rất đặc biệt về nhiều mặt. Thậm chí có thể nói chúng ta đã làm mọi việc ở Tây Nguyên như là trên một vùng đất không người”. Ông cho rằng: “Nếu tiếp tục triển khai dự án của TKV, chắc chắn không gian sống, không gian văn hóa của cư dân bản địa Tây Nguyên sẽ bị đảo lộn, nếu không nói là bị xóa sổ. Người M'Nông, chủ nhân ngàn đời của vùng đất Ðắc Nông, sẽ đi về đâu? Chúng ta đang đứng trước một quyết định mất còn. Sẽ rất kỳ lạ nếu chúng ta làm chuyện quá ư to lớn này ở đây mà không hề nghĩ, không hề nhớ đến những gì đã diễn ra trong 30 năm qua. Những bài học lớn, sâu và cay đắng mà 30 năm ấy còn sờ sờ ra đấy, rất có thể lại dạy ta lần nữa, và thường vẫn vậy, lần sau bao giờ cũng nghiêm khắc hơn lần trước”!

Ðặc biệt đáng chú ý là theo tiết lộ của giới khoa học, vào thập niên 1980, chính quyền CSVN đã từng đề nghị đưa dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên vào chương trình hợp tác đa biên của khối COMECON (một tổ chức hợp tác phát triển kinh tế giữa các quốc gia Cộng Sản). Tuy nhiên lúc đó, các thành viên của khối COMECON, đặc biệt là Liên Xô, tuy đang rất cần bauxite cho nhu cầu công nghiệp quốc phòng, vẫn từ chối hỗ trợ thực hiện dự án này bởi theo họ, nếu thực hiện các dự án khai thác bauxite, những dự án đó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn nước của khu vực Tây Nguyên. Tây Nguyên sẽ không đủ nước để phát triển cao su, cà phê và chè. Về sinh thái, khai thác bauxite sẽ ảnh hưởng xấu đến khí hậu của toàn khu vực Nam Trung Bộ và Campuchia, hạn hán sẽ kéo dài, lũ lụt sẽ xảy ra thường xuyên hơn. Về kỹ thuật, không thể lưu giữ một khối lượng khổng lồ bùn đỏ (red mud) trên cao nguyên, chỉ có thể tuyển bauxite ở vùng đồng bằng ven biển để chôn cất bùn đỏ gần bờ biển. Xét về tổng thể, hỗ trợ khai thác bauxite sẽ không hiệu quả bằng giúp Việt Nam phát triển các dự án trồng cao su, cà phê và chè...

Sau sự phản đối của đại diện nhiều giới, ngày 5 tháng 1, Tướng Võ Nguyên Giáp, một “đại công thần” của chế độ CSVN, gửi thư cho Nguyễn Tấn Dũng xác nhận: “Tôi được phân công trực tiếp theo dõi, chỉ đạo chương trình khai thác bauxite trong kế hoạch hợp tác đa biên của khối COMECON. Sau khảo sát, đánh giá hiệu quả tổng hợp của các chuyên gia Liên Xô, khối COMECON đã khuyến nghị chính phủ ta không nên khai thác bauxite trên Tây Nguyên do những tác hại sinh thái lâu dài, nghiêm trọng, không thể khắc phục, chẳng những đối với dân cư tại chỗ mà còn cả với dân cư và vùng đồng bằng Nam Trung Bộ. Khi đó, chính phủ đã quyết định không khai thác bauxite mà gìn giữ thảm rừng và phát triển cây công nghiệp (cao su, cà phê, chè...) trên Tây Nguyên...”

Trước cảnh báo của giới nghiên cứu khoa học về “Quy hoạch phát triển ngành bauxite-nhôm” mà Nguyễn Tấn Dũng đã phê duyệt, tướng Giáp cho rằng: “Việc xác định chiến lược phát triển Tây Nguyên bền vững là vấn đề rất hệ trọng đối với cả nước về kinh tế, văn hóa và an ninh quốc phòng. Tôi đề nghị Thủ tướng cho dừng triển khai các dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên và báo cáo Bộ Chính Trị chỉ đạo tiến hành các nghiên cứu vĩ mô cần thiết làm căn cứ cho mọi quyết định”...

Tuy nhiên, hai tuần sau, ngày 14 tháng 1, chính quyền CSVN trả lời cả tướng Võ Nguyên Giáp lẫn giới khoa học Việt Nam bằng tuyên bố của Hoàng Trung Hải, phó thủ tướng: “Cho phép thăm dò bauxite tại Bình Phước”... Ðầu tháng này, Nguyễn Tấn Dũng, ủy viên Bộ Chính Trị kiêm thủ tướng CSVN tiếp tục tái xác nhận: “Vấn đề khai thác bauxite tại Tây Nguyên là chủ trương lớn của Ðảng và nhà nước”.

Cách hành xử kể trên đã làm gia tăng cả thắc mắc lẫn bất bình: Vì sao giới lãnh đạo Ðảng và chính quyền CSVN lại chọn con đường hủy diệt toàn diện, bất chấp những cảnh báo và khuyến cáo?

Do lợi ích của... Trung Quốc

Ðối tác chính của TKV trong các dự án thuộc “Quy hoạch phát triển ngành bauxite-nhôm”, triển khai tại Tây Nguyên là tập đoàn Chalco Trung Quốc.

Cùng lên tiếng phản đối “Quy hoạch phát triển ngành bauxite-nhôm”, ông Nguyễn Trung, cố vấn của ông Võ Văn Kiệt, cựu Thủ tướng CSVN, tiết lộ: Trữ lượng bauxite của Trung Quốc trên thế giới chỉ chiếm khoảng 3% trữ lượng bauxite trên thế giới nhưng mỗi năm tiêu thụ khoảng 10% sản lượng nhôm của thế giới. Sản xuất nhôm trên lãnh thổ Trung Quốc đạt khoảng 16 triệu tấn, nhiều gấp đôi châu Âu, bằng Hoa Kỳ và Tây Âu cộng lại, chỉ đứng thứ hai thế giới (sau Úc) và còn tiếp tục tăng. Tập đoàn sản xuất nhôm lớn nhất của Trung Quốc là Chalco, đứng thứ tư trên thế giới, mỗi năm sản xuất khoảng 2.1 triệu tấn nhôm. Vì vậy, Trung Quốc đang thực hiện một chiến dịch dài hạn “chinh phục” bauxite trên thế giới. Thị trường cung cấp alumina cho Trung Quốc khá dồi dào, nguồn cung cấp chủ yếu là Úc, châu Phi, Indonesia và Nam Mỹ, tại một số nơi ở Châu Phi, Trung Quốc trực tiếp khai thác bauxite. Song khó khăn lớn nhất đối với Trung Quốc là môi trường ở khu vực khai thác bauxite bị ô nhiễm nghiêm trọng, nhiệt độ không khí tăng và các khu vực quanh đó bị tàn phá nghiêm trọng.

Sự hủy diệt môi trường cũng như các thảm họa về sinh thái đã buộc chính quyền nhiều quốc gia phải đóng cửa các mỏ bauxite hoặc cấm khai thác bauxite. Ngay tại Trung Quốc, chính quyền cộng sản Trung Quốc cũng bị buộc phải làm như vậy dù điều đó ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của Trung Quốc. Theo Chinanews, nhiệt độ quanh mỏ Thái Nguyên (Sơn Tây), Tịnh Tây (Quảng Tây) đã tăng bất thường kể từ khi Trung Quốc khai thác bauxite ở đó. Trong giai đoạn từ 2004-2008, Trung Quốc bắt đầu thực thi “Pháp lệnh nguồn tài nguyên khoáng sản” và đến nay, Trung Quốc đã đóng trên 100 mỏ bauxite. Trong đó có mỏ bauxite Nhử An, từng ngốn 1.5 tỉ nhân dân tệ vốn đầu tư nhưng vì mỏ này làm nguồn nước bị ô nhiễm nặng nề và là nguyên nhân phát sinh nhiều chứng bệnh lạ, sau một năm hoạt động, Trung Quốc vẫn phải đóng cửa mỏ Nhử An...

Trong bối cảnh như thế, Trung Quốc đã nhắm tới Việt Nam. Người ta chưa rõ, Trung Quốc hứa hẹn những gì để cuối cùng, sau bốn ngày thăm Trung Quốc (từ 30 tháng 5 đến 2 tháng 6 năm 2008), ông Nông Ðức Mạnh, Tổng Bí Thư Ðảng CSVN, cam kết: “Hai bên tăng cường hợp tác trong các dự án như: Bauxite Ðắc Nông,...”

Ở phần đầu lá thư đề ngày 5 tháng 1, gửi Nguyễn Tấn Dũng, tướng Võ Nguyên Giáp, nhấn mạnh chi tiết: “Ðầu tháng 11 năm 2008, một số nhà khoa học và quản lý có tên tuổi đã gửi kiến nghị đến lãnh đạo Ðảng và Nhà nước đề nghị cho dừng các dự án này để nghiên cứu, xem xét lại, cân nhắc lợi hại một cách toàn diện. Tuy nhiên, các dự án này vẫn đang được triển khai, trong tháng 12 năm 2008 đã có hàng trăm công nhân Trung Quốc có mặt trên công trường (dự kiến cao điểm sẽ lên tới vài ngàn tại một dự án)” và nhắc nhở: “Việc xác định chiến lược phát triển Tây Nguyên bền vững là vấn đề rất hệ trọng đối với cả nước về kinh tế, văn hóa và an ninh quốc phòng”.

Sự âu lo đó của một “đại công thần” vẫn không được những lãnh đạo thuộc loại “hậu sinh” đếm xỉa.

Vì lợi ích của các nhóm mafia trở về từ Nga

Ngoài Trung Quốc, có những dấu hiệu cho thấy, “vấn đề khai thác bauxite tại Tây Nguyên trở thành chủ trương lớn của Ðảng và Nhà nước” còn vì tác động của các nhóm mafia người Việt trở về từ Nga.

Ngày 27 tháng 10 năm 2008, một số hãng thông tấn đồng loạt đưa tin UC Rusal, một tập đoàn sản xuất alumina và nhôm của Nga cho biết: “Ðã ký 'Biên bản Ghi nhớ' với ông Phạm Nhật Vũ, đại diện tập đoàn An Viên của Việt Nam để xây dựng một tổ hợp bauxite-alumina tại Việt Nam”. Ông Alexander Bulygin, chủ tịch Hội đồng Quản trị UC Rusal, cho biết: “Dự án mới sẽ khai thác bauxite và luyện alumina, với công suất xấp xỉ 1.5 triêu tấn/năm,tại Bình Phước, một vùng có trữ lượng quặng xấp xỉ 700 triệu tấn/năm...” và: “Khu vực Châu Á Thái Bình dương sẽ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh doanh của UC Rusal. ‘Biên bản ghi nhớ’ là một phần trong chiến lược mở rộng cơ sở nguyên liệu thô của chúng tôi”.

Ở Việt Nam không nhiều người biết Phạm Nhật Vũ nhưng gần như ai cũng biết anh ruột của Phạm Nhật Vũ là Phạm Nhật Vượng - nhân vật đứng đầu trong danh sách những người giàu nhất Việt Nam hiện nay.

Phạm Nhật Vượng, quê Hà Tĩnh, sinh năm 1968, sang Nga du học, sau đó ở lại Nga và theo thông tin từ website của cộng đồng người Việt tại Kharkov, Ukraina, Phạm Nhật Vượng đã sử dụng nhiều thủ đoạn (câu kết với nhân viên ngoại giao Việt Nam, viên chức chính quyền sở tại, trục xuất, o ép, giết đối thủ, khống chế bạn hàng) để cuối cùng trở thành thủ lĩnh nhóm điều hành ngôi chợ Việt Nam lớn nhất ở Liên Xô cũ.

Sau đó, Phạm Nhật Vượng thành lập Technocom (một công ty chuyên sản xuất mì gói để cung cấp cho thị trường thuộc khu vực Liên Xô cũ). Kế đến, từ Nga, nhóm của Phạm Nhật Vượng đầu tư về Việt Nam, thành lập tập đoàn An Viên. Lúc đầu, tập đoàn An Viên hoạt động trong các lĩnh vực: bất động sản, xây dựng, khách sạn, giải trí và đến cuối năm vừa qua thì vươn vòi sang lĩnh vực... khai thác bauxite.

Hiện nay, tập đoàn An Viên đang điều hành các cơ sở trải rộng trên 9 thành phố, tỉnh ở Việt Nam và sở hữu nhiều công trình đồ sộ, nổi tiếng như: Khu Trung tâm Thương mại và văn phòng cho thuê Vincom Tower (Hà Nội), Vinpearl Resort và Spa (Nha Trang), Khu du lịch và sinh thái An Viên (Nha Trang),...

Phạm Nhật Vượng - An Viên (Vincom) đã làm hao tốn khá nhiều giấy mực của báo chí Việt Nam. Ngoài vô số bài ca ngợi sự giàu có, “tử tế”, “tài năng” của “doanh nhân trẻ” Phạm Nhật Vượng, một số tờ báo ở Việt Nam đã nêu ra hàng loạt thắc mắc về những “đặc quyền, đặc lợi” mà Phạm Nhật Vượng cũng như tập đoàn An Viên có thể thủ đắc một cách hết sức bất thường trong hàng loạt công trình ở khắp nơi: Từ giấy phép xây dựng Vincom City Towers (Hà Nội), đến khu du lịch Vinpearl Hòn Tre với hệ thống cáp treo tuy “dài nhất thế giới” nhưng không đủ cao độ khiến tàu du lịch cỡ lớn không thể ra vào cảng Nha Trang. Rồi việc cho phép tập đoàn An Viên cải tạo công viên Thống Nhất ở Hà Nội thành trung tâm vui chơi giải trí kiểu Disneyland, bất chấp điều đó “cắt mất một lá phổi của thủ đô vốn đã ít diện tích dành cho cây xanh”. Gần đây nhất là sự kiện chính quyền thành phố Sài Gòn đã bị chỉ trích kịch liệt khi ngấm ngầm trao cho tập đoàn An Viên tư cách chủ đầu tư khu vực mệnh danh là “đất vàng” ở Sài Gòn (tứ giác Ðồng Khởi - Lê Lợi - Nguyễn Huệ - Lê Thánh Tôn). Phạm Nhật Vượng còn được xem là tác giả của những vụ trao tặng cổ phiếu ầm ĩ dư luận nhằm “đánh bóng tên tuổi” để huy động vốn.

Trong thực tế, chính quyền CSVN luôn dành cho những nhân vật nổi tiếng nhờ buôn lậu và phạm đủ loại tội ác từ Liên Xô trở về nhiều đặc ân khác thường, kể cả khi những nhân vật này đã trở thành tội phạm.

Hồi tháng 11 năm ngoái, Viện Kiểm Sát Tối Cao của nhà cầm quyền CSVN công bố quyết định “đình chỉ điều tra” đối với các bị can Trần Minh Duân (cựu phó chủ tịch tỉnh Khánh Hòa từng bị khởi tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”), Mai Ðức Chính (cựu giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi Trường tỉnh Khánh Hòa), Vũ Xuân Thiền (cựu phó giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi Trường tỉnh Khánh Hòa) đã cùng bị khởi tố về tội “Cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng”. Cả ba là những cựu viên chức cuối cùng được “đình chỉ điều tra” trong vụ án “Rusalka.”

“Rusalka” là tên một vụ án nổi đình, nổi đám ở Khánh Hòa. Khoảng giữa năm 2005, Nguyễn Ðức Chi, một người Việt trở về từ Nga và là chủ công ty RIT được cấp giấy phép thực hiện dự án Rusalka bị bắt bởi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của công ty Xuất Nhập Khẩu Lương Thực Trà Vinh (Imex Trà Vinh) cũng như một số doanh nghiệp khác. Song vụ án này không chỉ có yếu tố lừa đảo.

Theo báo chí Việt Nam, sau khi bị bắt, ông Nguyễn Ðức Chi khai thêm rằng đã chi 700 ngàn USD để được nhận giấy phép thực hiện dự án Rusalka. Lúc ấy, công an CSVN xác định có hàng chục cán bộ của Bộ Kế Hoạch Ðầu Tư, Bộ Tài Chính, Học Viện Lục Quân của Bộ Quốc Phòng, UBND tỉnh Khánh Hòa, UBND tỉnh Trà Vinh liên quan tới các sai phạm của ông Nguyễn Ðức Chi. Chưa kể ông Nguyễn Công Tạn, phó thủ tướng CSVN, cũng dính líu đến các sai phạm trong dự án “Rusalka” (ban hành các văn bản cho phép thu hồi nhà, đất của hơn 200 gia đình ở Khánh Hòa để giao cho ông Nguyễn Ðức Chi trái với các qui định pháp luật).

Năm 2007, ông Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng CSVN, tuyên bố: Rusalka là một trong 8 vụ mà chính quyền CSVN đã xác định là “án điểm”, cần điều tra sớm, xét xử nghiêm túc để “chứng minh quyết tâm chống tham nhũng của chính phủ”.

Trong quá trình điều tra vụ án này, từ khoảng hai chục cán bộ cao cấp, được xác định là có liên quan, giờ chót, công an CSVN chỉ khởi tố bảy người. Tuy nhiên, sau đó ít lâu, Viện Kiểm Sát Tối Cao đã quyết định “đình chỉ điều tra” đối với ba người. Năm ngoái, quyết định “đình chỉ điều tra” đối với ba cựu viên chức còn lại, khiến vụ án “Rusalka” chỉ còn... một bị cáo là... Nguyễn Ðức Chi. Cuối cùng, Nguyễn Ðức Chi chỉ bị tòa án phạt 4 năm tù vì không “lừa đảo”, mà chỉ “sử dụng trái phép tài sản”.

Khi bị chất vấn về vụ án “Rusalka”, ông Trương Vĩnh Trọng, phó thủ tướng CSVN, kiêm phó ban chỉ đạo chống tham nhũng, còn tuyên bố với Quốc Hội CSVN: “Việc Nguyễn Ðức Chi dùng 700,000 đô la để 'bôi trơn' dứt khoát là không có và chúng tôi sẽ xét xem ai đã đưa tin đó ra”.

Cũng vì vậy, tại diễn đàn Quốc Hội CSVN, ông Nguyễn Minh Thuyết, một đại biểu Quốc Hội CSVN đã ví von nỗ lực chống tham nhũng của chính quyền CSVN là “biến khủng long thành thạch sùng”.

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 1141 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 24
Khách: 24
Thành Viên: 0