Thứ Ba, 2024-11-05, 8:40 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Hai » 16 » Hội thảo về nhân quyền và phát triển Việt Nam
3:35 PM
Hội thảo về nhân quyền và phát triển Việt Nam


2009-02-15

Tổ chức Quốc tế Phát triển Việt Nam tức International Foundation for the Development of Vietnam (SOV), một tổ chức của người Việt tỵ nạn tại Hòa Lan, vừa mở ra một cuộc hội thảo về vấn đề nhân quyền và vấn đề phát triển của Việt Nam.

Photo courtesy of TS Ngô Văn Tuấn

Bà J.W.E Spies, Dân Biểu của Quốc hội Âu Châu đồng thời là Phó Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do CDA.

Trong một bài trước Nhã Trân đã phỏng vấn Tiến sĩ Ngô Văn Tuấn, Chủ tịch của tổ chức SOV. Trong bài này Nhã Trân trao đổi với Ban tổ chức cùng một vài thuyết trình viên và người tham dự để có chi tiết về cuộc hội thảo này.

Cuộc hội thảo diễn ra ở thành phố Alphen a/d Rijn của Hòa Lan trong ba ngày 6, 7 và 8 cho không những chỉ người Việt mà còn người ngoại quốc, đặc biệt là người dân Hòa Lan và Âu Châu.

Sau khi ban tổ chức tuyên bố bế mạc, Nhã Trân hỏi thăm vị đại diện là Tiến sĩ Ngô Văn Tuấn.

Nhã Trân: Tiến sĩ có thể cho biết cảm tưởng của Ban tổ chức sau 3 ngày hội thảo? Chúng ta có thể bắt đầu với số người tham dự.

Cuộc hội thảo thành công

TS Ngô Văn Tuấn: Chúng tôi cho là cuộc hội thảo đã rất thành công. Số người tham dự vào khoảng gần 200, hầu hết là người Hòa Lan và Âu Châu.

Có bà J.W.E Spies, Dân Biểu của Quốc hội Âu Châu đồng thời là Phó Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do CDA tức là đảng cầm quyền Hòa Lan, lên phát biểu; có ông Tiến sĩ Peters của Tổ chức Quốc tế Novib Oxfam; có ông Chủ tịch của Vitens ở Bỉ và Hòa Lan. Hai người đó đã đóng góp rất nhiều cho cuộc hội thảo. Riêng bà Spies thì tôi thấy bà đã có những phát biểu rất hay, rất có ý nghĩa. Chúng tôi nghĩ rằng đó là điều rất tốt.

Nhã Trân: Bà Dân biểu đã bày tỏ sự ủng hộ cộng đồng người Việt tại Hòa Lan hay thế nào thưa ông?

Trong cuộc hội thảo diễn giả của tổ chức Novib Oxfarm cho biết là đã có nhiều thay đổi ở Việt Nam kể từ 20 năm vừa qua, nhưng tình trạng xã hội Việt Nam hiện vẫn còn nhiều điều chưa được tốt trừ khi có sự cải sửa.

TS W. A. Koetsier, Tổng thư ký của Liên minh Hòa Bình Thế giới

TS Ngô Văn Tuấn: Bà Dân Biểu Spies của Quốc hội Âu Châu đã bày tỏ thiện chí và tán đồng về người Việt Nam.

Nhã Trân: Và trong 3 ngày hội thảo đã có sự tham dự đầy đủ của các diễn giả, kể cả người Hòa Lan lẫn người Âu Châu?

TS Ngô Văn Tuấn: Trong thành phần diễn giả thì có Tiến sĩ Wimkoetsier, Tổng thư ký của Liên minh Hòa Bình Thế giới, tổ chức đã hỗ trợ chúng tôi rất nhiều trong việc tổ chức cuộc hội thảo này cũng như các hoạt động của người Việt ở Hòa Lan v.v; có Tiến sĩ Tottenberg, cựu Nghị sĩ của Nghị viện Âu Châu và đồng thời là Chủ tịch của Cơ quan Quốc tế Vitens ở Bỉ và Hòa Lan, nói về đề tài nước uống và môi trường của Việt Nam.

Diễn giả người Việt thì có Tiến sĩ Trương Quang, giáo sư Đại học nói về vấn đề tổng quát và cạnh tranh. Thứ hai là Tiến sĩ Phùng Liên Đoàn của cơ quan NASA (Mỹ), hiện là Chủ tịch của Pa Corporation, nói về điện nguyên tử và các lãnh vực về phát triển của Việt Nam, trong đó thì có vấn đề tư pháp của Việt Nam. Kế đến là Giáo sư Kinh tế Nguyễn Quốc Khải của Đại học John Hopkins, trình bày về các vấn đề kinh tế, tài chánh và khủng hoảng ở Việt Nam. Rồi có kỹ sư Phạm Công Hoàng, trình bày về một số vấn đề của xã hội Việt Nam hiện nay.

Nhã Trân: Và ngoài ra cũng có các quan khách và giới truyền thông?

TS Ngô Văn Tuấn: Phía truyền thông Việt Nam thì có UPF, tiếng nói của cộng đồng người Công Giáo Hòa Lan. Ngoài ra có Đài Multi Radio của Hòa Lan và Đài truyền hình Multi Media của Hòa Lan và Châu Âu, đến thu hình để phát ở Hòa Lan cũng như ở Châu Âu.

Người kế tiếp Nhã Trân có dịp trao đổi là kỹ sư Phạm Công Hoàng, Chủ tịch Tổ chức Sinh hoạt Người Việt Tỵ nạn tại Cộng hòa Liên bang Đức, diễn giả của một số đề tài về hiện trạng của xã hội Việt Nam.

Nhân quyền và phát triển ở Việt Nam

KS Phạm Công Hoàng: Chúng tôi tham dự với tư cách là thành viên của Tổ chức Quốc tế Phát triển Việt Nam, và nói về vấn đề phát triển kinh tế, phát triển xã hội, và tình trạng nhân quyền ở Việt Nam. Chiều hướng phát triển như thế nào thì anh em đã thảo luận và trình bày về những điều đã làm, đang làm và sẽ làm.

Nhã Trân: Xin cho biết ông đã trình bày như thế nào về đề tài nhân quyền, và tình trạng phát triển ở Việt Nam?

KS Phạm Công Hoàng: Chúng tôi trình bày là nhân quyền ở Việt Nam đến giờ vẫn chưa được tôn trọng. Việt Nam có thay đổi chút ít nhưng vẫn đàn áp. Thứ hai là vấn đề tham nhũng. Tham nhũng vẫn còn tồn tại trong xã hội Việt Nam. Thứ ba là cái chiều hướng phát triển của Việt Nam. Phải làm sao để giúp dân chúng hết đói nghèo, và đất nước tiến theo các nước khác.

Nhã Trân: Hình như đây là lần đầu tiên ông tham dự cuộc hội thảo của Tổ chức Quốc tế Phát triển Việt Nam?

KS Phạm Công Hoàng: Đây là lần đầu tiên tôi tham dự cuộc hội thảo về phát triển Việt Nam, và tôi qua đây để làm quen với anh Tuấn cũng như với các diễn giả đến từ Mỹ, từ Bỉ, cũng như ở Hòa Lan.

Nhã Trân: Thế ông có nhận định hay ý kiến gì về cuộc hội thảo này?

Chúng tôi trình bày là nhân quyền ở Việt Nam đến giờ vẫn chưa được tôn trọng. Việt Nam có thay đổi chút ít nhưng vẫn đàn áp. Thứ hai là vấn đề tham nhũng.

KS Phạm Công Hoàng

KS Phạm Công Hoàng: Tôi thấy cuộc hội thảo rất có ích vì nói đến nhiều vấn đề của Việt Nam. Nói về ước mơ cho Việt Nam, nói về vấn đề xã hội, vấn đề tự do, vấn đề luật pháp, vấn đề thịnh vượng, và vấn đề thăng tiến cho Việt Nam.

Trong cuộc hội thảo bà Dân Biểu Spies Phó chủ tịch của đảng cầm quyền Hòa Lan đã nói nhiều điều rất là hay. Tôi thấy là người ngoại quốc họ lo cho người Việt mình rất nhiều. Đặc biệt là bà Spies. Bà đã thực hiện rất nhiều chương trình giúp đỡ các nước khắp thế giới trong đó có giúp người Việt Nam. Bởi vậy tôi nghĩ nếu mình là người Việt Nam mà không lo cho đất nước mình thì là điều rất đáng buồn. Tôi thấy là việc tổ chức hội thảo này của Tổ chức Quốc tế Phát triển Việt Nam có một tầm mức nào đó, và mình sẽ tiếp tục các đóng góp đó.

Diễn giả kế tiếp mà Nhã Trân phỏng vấn là Tiến sĩ W. A. Koetsier, Tổng thư ký của Liên minh Hòa Bình Thế giới tức tổ chức quốc tế Universal Peace Federation (UPF), định chế đã hỗ trợ nhiều cho Tổ chức Quốc tế Phát triển Việt Nam trong nhiều hoạt động cộng đồng cũng như trong việc tổ chức cuộc hội thảo này.

Kế hoạch cho Việt Nam

Ông Koetsier cho biết ý kiến về cuộc hội thảo này cũng như về Việt Nam:

“Điều chính yếu là làm sao người Việt có thể lập ra một tổ chức, một tập hợp các chuyên gia để soạn thảo kế hoạch phát triển Việt Nam.

Trong cuộc hội thảo diễn giả của tổ chức Novib Oxfarm cho biết là đã có nhiều thay đổi ở Việt Nam kể từ 20 năm vừa qua, nhưng tình trạng xã hội Việt Nam hiện vẫn còn nhiều điều chưa được tốt trừ khi có sự cải sửa. Đặc biệt là việc giáo dục người dân, việc xây dựng khả năng lãnh đạo trong các doanh nghiệp và các lãnh vực công.

Tôi nghĩ rằng việc tổ chức hội thảo này, tập họp người Việt lại để bàn thảo những điều nên làm đối với xã hội Việt Nam bây giờ, là điều đúng, và đó là lý do chúng tôi đã hỗ trợ Tổ chức Quốc tế Phát triển Việt Nam trong việc tổ chức cuộc hội thảo này.”

Cuộc hội thảo tiếp đón nhiều người Việt đến từ các nước Âu Châu và Nhã Trân hỏi thăm một trong các tham dự viên đến từ Đức Quốc:

Nhã Trân: Chào ông Minh Đức và mời ông cho biết cảm nghĩ hoặc ý kiến về cuộc hội thảo này?

Ông Minh Đức: Tôi là một trong những người đi sang học tập và lao động ở bên Đông Âu. Tôi đại diện cho một số anh em ở bên Đông Âu sang đây để tham dự hội thảo và để làm quen với anh Ngô Văn Tuấn cũng như với các anh em người Việt những nước khác tới.

Tôi thấy cuộc hội thảo rất là thành công. Nó thỏa mãn sự trăn trở của chúng tôi về việc giúp ích cho người dân trong nước, không những là xóa đói giảm nghèo mà rồi còn để theo kịp các bước phát triển khác nữa, ví dụ như về đời sống, và sau đó là tiến tới vấn đề văn hóa và vấn đề tự do, nhân quyền v.v.. được cải thiện.

Chúng tôi rất lấy làm thích. Và trong tương lai nếu như được hợp tác với ông Tuấn thì chúng tôi sẽ cố gắng hỗ trợ và thực hiện.

Cuộc hội thảo của Tổ chức Quốc tế Phát triển Việt Nam chính thức bế mạc hôm ngày 8 tháng 2. Đại diện ban tổ chức Tiến sĩ Ngô Văn Tuấn cho hay tường trình về cuộc hội thảo sẽ được công bố rộng rãi, và kiến nghị sẽ được gửi đến Liên minh Châu Âu cũng như đến chính phủ Hòa Lan.

Category: Tiếng nói dân chủ | Views: 777 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 457
Khách: 457
Thành Viên: 0