Chủ Nhật, 2024-12-22, 12:15 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Hai » 17 » Ba mươi năm trước: Nhớ lại đêm 17 tháng 2
10:35 AM
Ba mươi năm trước: Nhớ lại đêm 17 tháng 2
Nhớ lại đêm 17 tháng 2 năm 1979
 

 
 
Lính VN
Nhiều lính Việt Nam đã bị bắt làm tù binh trong cuộc chiến Việt Trung

Tháng 9 năm 1977, tôi được lãnh đạo Bộ Ngoại giao Việt Nam cử sang làm Bí thư thứ nhất tại Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh, chuyên làm công tác nghiên cứu.

Quan hệ hai nước Việt Trung, từ lúc tôi ở trong nước đã xấu, lúc này càng xấu đi từng ngày.

Dòng “nạn kiều” dưới sự kích động của nhà đương cục Trung Quốc vẫn lũ lượt kéo nhau rời khỏi Việt Nam, một phần về Trung Quốc một phần đi sang các nước khác.

Lấy lý do cần có tiền để “nuôi nạn kiều” ngày 13/5/1978 lần đầu tiên nhà cầm quyền Trung Quốc tuyên bố cắt một phần viện trợ không hoàn lại đã ký cho Việt Nam và rút một bộ phận chuyên gia về nước.

Kkhông lâu sau đó, ngày 3/7/1978 chính phủ Trung Quốc tuyên bố cắt hết viện trợ và rút hết chuyên gia đang làm việc tại Việt Nam về nước.

Xung đột biên giới trên đất liền, nhất là tại điểm nối ray trên đường sắt liên vận Hà Nội-Bằng Tường ngày càng tăng (có lúc có nơi đã xảy ra đổ máu).

Chuẩn bị tình huống xấu

Tháng 7 năm 1978 chúng tôi được phổ biến Nghị Quyết TW 4, tinh thần là phải thấu suốt quan điểm nắm vững cả hai nhiệm vụ vừa xây dựng kinh tế vừa tăng cường lực lượng quốc phòng, chuẩn bị tốt và sẵn sàng chiến đấu.

Tháng 11 năm 1978 Việt Nam ký “hiệp ước hữu nghị và hợp tác” với Liên Xô.

Đến tháng 12 năm 1978 mọi việc chuẩn bị cho tình huống xấu nhất trong đại sứ quán đã làm xong. Sứ quán nhận được máy phát điện chạy xăng (và đã cho chạy thử), gạo nước, thực phẩm khô đã được tích trữ đầy đủ, đại sứ quán mấy nước anh em thân thiết cũng nhận được các đề nghị cụ thể khi bất trắc xẩy ra…

 Tôi không bao giờ có thể quên vẻ mặt lỗ mãng và lời nói “bạo đồ” đầy giọng tức tối của ông ta (Đặng Tiểu Bình).
 

Tôi được đồng chí đại sứ phân công đọc và lựa chọn các tài liệu lưu trữ quan trọng, cái phải gửi về nhà, cái có thể hủy,

Tháng 12 năm 1978 trong chuyến thăm mấy nước Đông Nam Á, trong một cuộc trả lời phỏng vấn, Đặng Tiểu Bình vừa hùng hổ vừa tức tối nói một câu không xứng đáng với tư cách của một người lãnh đạo một nước được coi là văn minh: “Việt Nam là côn đồ, phải dạy cho Việt Nam bài học”.

Tôi không bao giờ có thể quên vẻ mặt lỗ mãng và lời nói “bạo đồ” đầy giọng tức tối của ông ta qua truyền hình trực tiếp và tiếng người phiên dịch sang tiếng Anh là “hooligan” - tức du côn, côn đồ.

Rồi ngày 22 tháng 12 năm 1978, Trung Quốc đơn phương ngừng vận chuyển hành khách xe lửa liên vận tới Việt Nam, rất nhiều cán bộ, sinh viên Việt Nam từ Liên Xô Đông Âu trở về bị đọng lại trong nhà khách sứ quán chờ đường hàng không và cuối cùng đến đầu tháng 1 năm 1979 đường bay Bắc Kinh Hà Nội cũng bị cắt.

Đầu tháng 1 năm 1979 quân đội Việt Nam bất ngờ phản công trên toàn tuyến biên giới Tây Nam, chỉ trong thời gian ngắn đã đập tan sức chống cự của bè lũ Polpot, tiến vào giải phóng Phom Penh. Đây cũng là điều mà Đặng Tiểu Bình không ngờ.

Lại một quả đắng khó nuốt nữa đối với nhà lãnh đạo Trung Quốc này.

'Không đánh nhau không xong'

Cuối tháng 1 năm 1979 Đặng Tiểu Bình thăm Mỹ, được Tổng thống Carter đón tiếp với nghi lễ rất cao, hai nước quyết định thiết lập quan hệ ngoại giao, và không biết còn bàn bạc gì nữa? Trên đường về nước Đặng Tiểu Bình ghé qua Nhật Bản.

Trước những tình hình trên, một số anh em nghiên cứu chúng tôi đã khẳng định khá sớm: hai nước anh em thân thiết như răng với môi này không đánh nhau một trận không xong!

Tù binh Trung Quốc
Lính Trung Quốc bị bắt tại Phố Lu

Lý trí mách bảo như vậy, thậm chí còn mách bảo hơn nữa: Trung quốc đã từng gây cuộc chiến tranh biên giới với Ấn Độ và nhất là với Liên Xô và cả hai lần họ đều bất ngờ ra tay trước.

Thế nhưng về mặt tình cảm (bây giờ nhìn lại thì còn có cả sự ngây thơ, cả tin nữa) vẫn hy vọng dù chỉ là chút ít thôi: quan hệ Việt Trung đã từng gắn bó, sâu nặng như vậy, họ không thể một sớm một chiều trở mặt được.

Không nói tới những khoản viện trợ to lớn có hiệu quả, những tình cảm thân thiết như anh em trước đây, mà ngay trong những giờ phút căng thẳng này, tôi vẫn không thể quên được những việc làm tốt hay tỏ ra biết điều của một số cán bộ Trung Quốc:

Năm 1977, Nhà máy dệt Vĩnh Phúc do Trung Quốc viện trợ cho ta, sau một hồi chạy thử vẫn không hiện đúng màu nhuộm cần thiết, một kỹ sư Trung Quốc đã bí mật cung cấp cho ta bí quyết. Khi các chuyên gia Trung Quốc khác thấy kết quả đó, không biết do ai chỉ đạo, họ đã “xử lý” một cách tàn bạo, anh bị đánh tới chết.

Khi đoàn chuyên gia Trung Quốc thi công cầu Thăng Long bị cấp trên của họ điều về nước, một số đồng chí đã để lại khá nhiều bản vẽ, tài liệu kỹ thuật về chiếc cầu này cho ta. Tôi biết chiếc cầu Chương Dương do ta tự thiết kế thi công sau này đã dùng một số sắt thép do phía Trung Quốc đưa sang để dựng cầu Thăng Long.

Mặc dù khi truyền hình trực tiếp , Trung Quốc không thể cắt được câu nói lỗ mãng của Đặng Tiểu Bình: Việt Nam là côn đồ, nhưng báo chí chính thức ngày hôm sau của Trung Quốc đã cắt bỏ câu này khi đưa tin ( chỉ còn đăng câu “phải dạy cho Việt Nam bài học” , nghĩa là đỡ tệ hơn).

Chúng tôi đã làm gì?

Trong bối cảnh trên, cuộc chiến tranh biên giới đẫm máu ngày 17/2/1979 do nhà cầm quyền Trung Quốc - mà người chủ xướng là Đặng Tiểu Bình, phát động, về tổng thể không bất ngờ đối với chúng tôi, nhưng về thời gian cụ thể và nhất là về qui mô binh lực mà Trung Quốc sử dụng thì quả là không tính tới.

Sau này những day dứt về dự báo không chính xác trên đã có phần giảm bớt, khi được biết có một số cán bộ trung cấp và một số đơn vị quân đội Trung Quốc chỉ sau khi đã tiến vào lãnh thổ nước ta rồi họ mới biết là phải đi đánh Việt Nam.

10 giờ tối ngày 17/2/79( tức 9 giờ tối Việt Nam) tôi bật đài nghe tin của đài tiếng nói Việt Nam, không thấy có tin quan trọng nào liên quan đến hai nước, tôi chuyển đài khác nghe tin.

Khoảng 10 giờ 30 phút đồng chí Trần Trung, tham tán đại biện lâm thời( thời gian này đại sứ Nguyễn Trọng Vĩnh về Việt Nam họp) đến đập mạnh vào cửa phòng tôi: Dy, lên phòng hạnh phúc họp ngay, Trung Quốc đánh ta rồi!

  Về mặt tình cảm (bây giờ nhìn lại thì còn có cả sự ngây thơ, cả tin nữa) vẫn hy vọng dù chỉ là chút ít thôi: quan hệ Việt Trung đã từng gắn bó, sâu nặng như vậy, họ không thể một sớm một chiều trở mặt được.
 

Ít phút sau, một số đồng chí có trách nhiệm đã có mặt đông đủ. Đồng chí Trần Trung phổ biến tình hình nhà vừa thông báo: sáng sớm ngày 17/2, bọn bành trướng Trung Quốc đã tấn công trên toàn tuyến biên giới trên đất liền ( 6 tỉnh của Việt Nam lúc đó) với qui mô 20 sư đoàn bộ binh.

Hai sư đoàn chủ lực của ta cùng với bộ đội địa phương và anh chị em dân quân du kích đang anh dũng chống trả.

"Nhiệm vụ của chúng ta bây giờ là dịch ngay bản Tuyên Bố của chính phủ ta ra 3 tiếng Trung, Anh, Pháp để phục vụ cho cuộc họp báo quốc tế sẽ phải tổ chức và để thông bào càng rộng càng tốt cho một số nhân dân Trung Quốc biết rõ sự thực."

Bộ phận dịch tiếng Trung, dưới sự chỉ huy của anh Thái Hoàng-Bí thư thứ nhất, gồm hai đồng chí Hoàng Như Lý, bí thư thứ ba và Chu Công Phùng cán bộ phòng chính trị, đã dịch văn bản một cách “ngon lành”; đồng chí Lê Công Phụng, bí thư thứ ba phụ trách phần dịch tiếng Anh cũng không vất vả gì; riêng phần tiếng Pháp, đồng chí Minh, phiên dịch tiếng Pháp do mới ra trường không lâu, nên có đôi lúc tỏ ra luống cuống.

Guồng máy dịch, in roneo, soát, sửa lại bản in nhanh chóng chạy đều, mọi người làm việc không biết mệt với lòng căm giận bọn bành trướng.

Thi thoảng mấy câu chửi bọn chúng như kìm nén không nổi lại khe khẽ bật ra từ vài đồng chí. Không căm tức uất hận sao được?

Khi chúng tôi hoàn thành công việc thì trời đã hửng sáng (đài BBC sau đó đã đưa tin, tối ngày 17/2/1979 toàn Đại sứ quán Việt Nam để sáng đèn).

Những người ngoài 40, 50 chúng tôi sau một đêm vất vả không ngủ vẫn tỏ ra bình thường nhưng riêng hai đồng chí Phùng và Minh đang tuổi ăn tuổi ngủ, tuy được đồng chí Đặng Hữu-Bí thư thứ nhất, tiếp sâm, nhưng vẻ mặt sau một đêm căng thẳng đã lộ nét mệt mỏi. Thương cảm vô cùng.

Tuy vậy, chúng tôi đã nhanh chóng bước vào ngày làm việc mới với tất cả sức mạnh tinh thần và lòng căm thù bọn bành trướng bá quyền, nước lớn.

Quá khứ 30 năm

Cuộc chiến tranh do nhà cầm quyền Bắc Kinh mà người chủ xướng là Đặng Tiểu Bình gây ra, kết thúc đã 30 năm.

Sau khi bình thường hóa, quan hệ hai nước nhìn chung phát triển khá tốt.

Tuy nhiên cần nhấn mạnh một điều, vì nghĩa lớn, chúng ta đã thực hiện đúng lời cam kết: không nhắc lại chuyện cũ. Nhưng ở phía bên kia, một số kẻ không biết điều, vẫn thường xuyên, xuyên tạc sự thật lịch sử, rêu rao, tự cho là đã “giành thắng lợi”, là “chính nghĩa”, là “Việt Nam bài Hoa, Việt Nam chống Hoa, Việt Nam “xua đuổi nạn kiều”, Việt Nam xâm lược Cămpuchia” v.v..

Cho đến hôm nay, một số cuốn sách lịch sử, sách nghiên cứu, không ít bài thơ, truyện, ký…vẫn nhai lại những luận điệu trên dù hai nước đã bình thường hóa quan hệ được gần hai chục năm.

Nghĩa trang tử sỹ Trung Quốc
 Vết thương chung phải do cả hai bên cùng đồng tâm, thành ý chữa trị thì mới có thể lành hẳn.
 

Tôi nghỉ hưu đã được hơn mười năm nhưng do vẫn tiếp tục nghiên cứu về Trung Quốc, nên thỉnh thoảng vẫn có dịp gặp các bạn cũ công tác tại Bộ Ngoại Giao Trung Quốc trước đây cũng như nhiều học giả Trung Quốc.

Không dưới một lần tôi đã thân tình và nghiêm túc nhắc họ: nếu các bạn chỉ nhận phần đúng trong những việc xảy ra trong thời gian trước đây, đổ hết lỗi cho cho người khác thì quan hệ Việt Trung dù ai đó có dùng những chữ vàng để tô vẽ cũng không thể nào xóa bỏ được những vết hằn lịch sử do người lãnh đạo của các bạn gây ra, quan hệ hai nước không thể nào thực sự phát triển tốt đẹp được, vì những hoài nghi lớn của nhân dân hai bên chưa được giải tỏa?

Mong rằng một số nhà lãnh đạo Trung Quốc hiện nay nên nhớ chuyện sau: nếu không biết lời dặn của Chủ tịch Mao với đoàn cố vấn Trung Quốc khi sang giúp Việt nam thời kỳ chống Pháp: ‘Tổ tiên chúng ta trước đây đã làm một số việc không phải với nhân dân Việt Nam, các anh sang giúp nước bạn lần này là để trả nợ cho cha ông’; và nếu không thấy trong chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, Thủ tướng Chu đã tới dâng hương tại đền thờ Hai Bà, thì chắc chắn những người Việt Nam thời đó không dễ quên được chuyện cũ để nhanh chóng hòa hiếu với Trung Quốc như sau đó đâu?

Vết thương chung phải do cả hai bên cùng đồng tâm, thành ý chữa trị thì mới có thể lành hẳn.

Chúng ta không nói lại chuyện cũ là vì nghĩa lớn, chứ không phải vì chúng ta không có lý, không phải vì người Việt Nam sợ hãi hay chóng quên.


Xu Quang, Quảng Nam
Cảm ơn bài viết của ông Dy. Ông đã nói đúng: quá khứ 30 năm chúng ta không quên, ngày đó mỗi người Việt nam máu cứ sôi lên, nếu TQ kéo dài chiến tranh có lẽ sẽ thảm bại. Mọi người chúng ta nên nhớ rằng: ” Chúng ta quên chuyện cũ là vì nghĩa lớn, chứ không phải vì sợ hãi hay chóng quên”.

AGF007, Cần Thơ
Đọc bài viết này tôi cảm nhận được sự sôi sục của người VN thời đó đối với hành động xâm chiếm của TQ. Cảm ơn ông Dương Danh Dy. Lúc đó tôi còn nhỏ, nhưng vẫn nhớ hoài các bài vọng cổ có câu "...còn quân bành trướng Bắc Kinh...". Con người VN hãy giỏi lên về tri thức và mạnh lên về kinh tế đồng thời độc lập hơn trong tư vấn chính sách với TQ thì mới mong thoát khỏi "từ trường TQ". Hãy nhìn Israel, họ có kẻ thù xung quanh mình trong khu vực Trung Đông mà không ai làm gì được họ.

Minh, Hà Nội
Cảm ơn ông Dy đã cung cấp thông tin. Thông tin này bổ sung thêm các thông tin khác, và qua đó chúng ta và các thế hệ sau này sẽ tự rút ra những kết luận chân thực hơn về lịch sử. Tôi rất cảm động về những cử chỉ hữu nghị của các chuyên gia và kỹ sư Trung Quốc cũng như cử chỉ và phát ngôn của Mao Chủ Tịch và Thủ Tướng Chu Ân Lai.

Nếu như không phải ông Đặng Tiểu Bình mà là thế hệ trước như Mao Chủ Tịch và Hồ Chủ Tịch thì chắc chắn sự việc đã diễn ra rất khác. Vai trò cá nhân ở đây rất lớn. Nếu ta chỉ qui trách nhiệm chung chung cho một đất nước hay một chính phủ thì có lẽ còn phiến diện. Cần phân tích vai trò của từng cá nhân để biết rằng bên cạnh những người thù địch với ta vẫn có bạn tốt. Có lẽ phải như thế.

Ẩn danh
Tôi còn nhớ mãi buổi phát thanh thời sự 19 giờ tối ngày 17/2/1979. Phát thanh viên Mạnh Hùng của đài truyền hình Việt Nam đọc lời hiệu triệu kêu gọi mọi người dân Việt Nam đứng lên chống lại quân xâm lược Bành trướng Bắc Kinh và sau đó là bài hát " Quân xâm lược bành trước Bắc kinh đã giày xéo mảnh đất quê hương... máu đã đổ trên khắp giải biên cương..."

Khi đó chúng tôi đang là sinh viên đại học ai nấy đều hừng hực khí thế ra trận. Còn nhớ khi đó kinh tế nước ta khó khăn lắm sinh viên ăn toàn hạt bo bo và khoai sắn thôi nhưng khi tàu hoả chở bộ đội lên biên giới mọi người đều cảm thương: những em bé bán sắn luộc, chè xanh, tấm mía... khi tàu đỗ ở các ga tất cả đều cho các anh bộ đội hết cả mà không lấy tiền thế mới biết lòng dân Việt Nam khi cả nước có chiến tranh khì mọi người như một đều góp công góp sức cho cuộc chiến đấu bảo vệ tổ quốc.

Sự việc này đã trải qua đúng 30 năm, không ai muốn nhắc lại ký ức buồn này, chỉ mong rằng các nhà lãnh đạo 2 nước láng giềng từng là anh em: núi liền núi, sông liền sông, môi hở thì răng lạnh mãi mãi không để xảy ra việc tương tự nữa để nhân nhân hai nước thật sự là anh em, thật sự là bằng hữu.

PPT, VN
"Nhất chiến công thành, vạn cốt khô". Cái ngây thơ hay cả tin mà cụ Đại sứ nói đến ở đây xuất phát từ ý niệm "vừa là đồng chí, vừa là anh em". Và hôm nay ngày 17/2 chúng ta hồi tưởng lại để kính nhớ những con người đã bỏ mình nơi trận mạc, ở bên này và bên kia.

Họ đáng được ghi nhớ chính thức, trong các đền thờ và bia kỷ niệm. Không vì sắc màu chính trị mà chúng ta, phía TQ cũng như VN, tiếp tục coi họ là các hồn hoang. Họ đáng được tôn vinh để dạy cho chúng ta những bài học. Và một trong các bài học cho nhà cầm quyền VN là đừng ngây thơ, đừng cả tin nữa. Hãy nhìn vào sự thật, theo đó cuộc chiến 30 năm trước chưa hề kết thúc bao lâu CQ TQ vẫn lăm le bành trướng và thôn tính nước ta, cả về đất đai, cả về vị thế và cả nền hành chánh thông qua những con người được họ nuôi dưỡng chứ không phải do dân bầu lên.

Ở đây chúng ta phải nói lại chuyện cũ để cúi đầu xin lỗi những người đã khuất, để rút ra các bài học cho mình, không vì hai chữ “nghĩa lớn” vu vơ không chút định nghĩa của hàng ngũ lãnh đạo CSVN hiện nay để rồi tiếp tục lừa dối cả tin. Cái nghĩa lớn thực sự của chúng ta hiện nay là chung tay phục hưng Đất Nước, trả lại các giá trị nhân bản Ông Cha để lại, và cuối cùng bảo vệ tổ quốc bằng mọi phương cách.

Nguyen Son, Hà Nội
Sự im lặng tuyệt đối của truyền thông Việt nam trong ngày hôm nay thật đáng hổ thẹn. Sự lạnh lẽo, quạnh hiu tại các Nghĩa trang liệt sỹ nơi biên giới phía Bắc trong những ngày này là một tội lỗi.

VnH2710, SG
Kim chỉ nam trong hành xử và giải quyết mọi vấn đề của Trung Quốc là: Cái lý thuộc về kẻ mạnh. Chỉ thế thôi!

Lee
Cảm ơn ông Dy, bài viết của ông đã phản ánh cả tâm trạng và suy nghĩ chung của rất nhiều người Việt Nam: Chúng ta là một dân tộc nhỏ, nhưng biết sống vì nghĩa lớn và không phải là một dân tộc dễ bị đe doạ.

Thanh Mai, TP HCM
Tuyệt. Không còn gì để bình luận. Chỉ ngạc nhiên vì sao báo chí trong nước không có những bài thế này. Cảm ơn bác Dy.

Anh Trung, Hà Nội
Tôi rất ngưỡng mộ nền văn minh Trung Hoa rực rỡ, rất yêu quý những người bạn Trung Quốc mộc mạc chân thành! 17/2/1979, tôi 11 tuổi chưa biết nhiều về sự khốc liệt của chiến tranh. Sau đó anh tôi đi bộ đội theo lệnh tổng động viên. Năm 1986, các bạn tôi lại lên "chốt" ở Hà Giang, một số trong đó sốc nặng, di chứng vẫn còn lại đến bây giờ. Là người VN tôi và các con tôi sẽ không bao giờ quên sự kiện này, không bao giờ quên công ơn các liệt sỹ đã ngã xuống để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ Quốc.

Năm 2004, tôi sang Trung Quốc, cảm giác là vô cùng ngưỡng mộ dân tộc vĩ đại này. Nhưng thỉnh thoảng lại nghe tin tranh chấp ở biển Đông và một số hành động quá khích của một của một số ít phía Trung Quốc. Tuy nhiên, bây giờ đã đến lúc khép lại quá khứ đau buồn mà nhìn về tương lai, và hành xử một cách văn minh. Mong các bạn Trung Quốc hành xử như lời chủ tịch Mao Trạch Đông và Thủ tướng Chu Ân Lai căn dặn. Mong các đồng bào của tôi đừng để chủ nghĩa dân tộc quá khích làm cho hành động của mình trở nên mù quáng.

Thang, Hanoi
Đọc bài trên, phần nào người dân Việt có thể cảm thông cho chính quyền trong cách hành xử về sự kiện 17/02 nhưng còn những vong hồn các liệt sĩ đã hy sinh cả phía Bắc và Tây Nam thì sao? Chúng ta có thiện chí cái đó là đúng nhưng chưa đủ. Chúng ta cần đặt thẳng vào vấn đề như là một sự thật cần gỡ bỏ để người dân nhất là các gia đình thân nhân liệt sĩ đỡ tủi đừng nên che dấu sự việc.

Chính nghĩa là của chúng ta tại sao lại cần che đậy nhưng cũng đừng tô hồng hãy trả nó về đúng bản chất thật. Tại Việt Nam hiện nay cũng có rất nhiều Hoa kiều hãy để họ hiểu rõ hơn bản chất người Việt và bản chất nhà cầm quyền nước họ từ đó người dân hai nước mới có thể có sự tôn trọng và bình đẳng trong quan hệ.

Mr Neo
Câu nói của tác giả là quá đủ cho một bình luận rồi. " Chúng ta không nói lại chuyện cũ là vì nghĩa lớn, chứ không phải vì chúng ta không có lý, không phải vì người Việt Nam sợ hãi hay chóng quên."

Category: Chính trị | Views: 896 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 13
Khách: 13
Thành Viên: 0