Thứ Sáu, 2024-03-29, 12:45 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Hai » 17 » 30 năm sau cuộc chiến tranh biên giới, hai chính quyền muốn xòa nhòa quá khứ
6:21 PM
30 năm sau cuộc chiến tranh biên giới, hai chính quyền muốn xòa nhòa quá khứ

Trọng Nghĩa



Ngày 17 tháng 2 năm 1979, Trung Quốc xua quân tấn công các tỉnh miền Bắc Việt Nam. Ngày 16 tháng 3, Bắc Kinh đã rút lui sau khi gặp sức kháng cự mãnh liệt của lực lượng Việt Nam.

Ngày nay, chính quyền cả hai nước đều không muốn nhắc đến sự kiện không tốt lảnh đó trong quan hệ hai bên. Ba chuyên gia Ngô Vĩnh Long tại Mỹ, Carl Thayer tại Úc và Ramses Amer đã lật lại trang sử sóng gió đó trong quan hệ Việt Trung và những hệ quả kéo dài đến nay.

Nếu chỉ căn cứ vào các tuyên bố chính thức của hai chính quyền Hà Nội và Bắc Kinh trong gần hai chục năm gần đây, ít ai có thể nghĩ rằng vào ngày 17 tháng hai năm 1979, cách nay ba thập niên, Trung Quốc đã xua cả trăm ngàn quân tấn công vào các tỉnh biên giới phiá Bắc Việt Nam, nói là để "dậy cho Việt Nam một bài học". Tuy nhiên, sau vỏn vẹn ba tuần lễ giao tranh, gặp sức kháng cự mãnh liệt của lực lượng võ trang Việt Nam, Bắc Kinh đã phải tuyên bố ''hoàn thành mục tiêu'' và rút quân về nước ngày 16 tháng ba.

Căng thẳng giữa hai nước vẫn còn dai dẳng trong suốt một chục năm sau đó, vớI những vụ đột kích thường xuyên và đẫm máu của phiá Trung Quốc vào các vùng biên giới Việt Nam.

Phải chờ đến năm 1991, thì hai bên mới bình thường hoá bang giao trở lại, với quan hệ càng lúc càng được cải thiện, đặc biệt trong lãnh vực kinh tế thương mại, với trao đổi mậu dich giữa hai bên vượt mức 20 tỷ đô la vào năm 2008.
 
Hà Nội và Bắc Kinh đều muốn dìm biến cố 1979 vào lãng quên

Chính vì các mối quan hệ kinh tế hữu hảo đó mà ngày nay, cuộc chiến năm 1979 hầu như đều bị cả Hà Nội lẫn Bắc Kinh hai chính quyền dìm vào quên lãng, cho dù cách nay ba mươi năm, biến cố đó đã tàn phá các tỉnh biên giới phiá Bắc của Việt Nam, gây thương vong cho cả trăm ngàn người ở cả hai phiá.

Theo giáo sư Ramses Amer, chuyên gia về Châu Á Thái Bình Dương tại trường Đại Học Stockholm (Thụy Điển) thì vào thời điểm hiện nay, cả hai nước đều không có lợi gì khi khuấy động quá khứ trở lại.

Điều mà chúng ta có thể ghi nhận là hai nước đang cố tìm cách quên đi là đã có cuộc chiến tranh đó. Tôi không tin là sẽ có những lễ kỷ niệm rình rang ở Việt Nam hay ở Trung Quốc.

Một trong những lý do là Việt Nam có cả một chủ trương muốn khép lại quá khứ, nhất là khi đó là một giai đoạn căng thẳng ngắn trong cả một quá trình hữu hảo giữa hai đảng Cộng Sản... Nhắc lại vào lúc này, đối với Hà Nội không có lợi gì cả.

Trung Quốc thì lại càng không muốn nhắc lại vì lẽ bài học mà họ muốn dạy Việt Nam trong thực tế đã biến thành một bài học quân sự lớn đối với chính họ. Thành tích của quân đội Trung Quốc lúc đó đã hoàn toàn không đạt mong muốn của chính quyền Bắc Kinh. Mặc dù là họ đã rêu rao là họ đã thành công, chiếm được một số tỉnh lỵ Việt Nam dọc biên giới theo đúng kế hoạch đề ra, nhưng  thực hư thế nào thật khó biết. Hơn nữa, quân đội Việt Nam khi ấy cũng không cần tung các đơn vị tinh nhuệ của mình vào vòng chiến, ngoại trừ ở khu vực Lạng Sơn, nơi có đường đi thẳng xuống Hà Nội. Phải nói là trong suốt cuộc chiến ba tuần lễ đó, quân đội chính quy của Trung Quốc đã phải đối phó với bộ đội địa phương và dân quân Việt Nam, điều này lại càng nêu bật thành tích quân sự của Việt Nam.

Tuy nhiên, do quan hệ xấu với Trung Quốc vào thời đó, Việt Nam, đặc biệt là miền Bắc, đã phải trả một cái giá rất đắt. vì phải nhớ rằng tình hình kinh tế miền Bắc Việt Nam tệ hại đi rất nhiều sau năm 1979 so với thời kỳ trước đó, trong cuộc chiến chống Mỹ chẳng hạn, khi Bắc Kinh giúp đỡ Hà Nội rất nhiều về mặt kinh tế. Bên cạnh đó, vùng biên giới đã bị tàn phá trong lúc mà trong cuộc chiến tranh trước đó, khu vực này không bị hủy hoại nhiều vì Hoa Kỳ tránh không dội bom xuống đấy vì sợ xâm phạm vào lãnh thổ miền Nam Trung Quốc.

Nhìn chung, tôi cho rằng ngày nay, cả hai chính phủ, cả hai đảng đều không muốn đề cập đến cuộc chiến đó nữa. Ở Việt Nam, theo tôi, đối với những người vẫn xem Trung Quốc là một mối đe dọa, như ở Biển Đông chẳng hạn,  thì họ muốn kỷ niệm cuộc chiến đó để chứng tỏ rằng Trung Quốc có thể rất nguy hiểm đối với Việt Nam. Còn những người muốn nhấn mạnh đến một giai đoạn mới trong quan hệ Việt Trung, lẽ dĩ nhiên là họ không muốn nhắc lại chuyện xưa đó.

 
Bắc Kinh thất bại về quân sự nhưng thành công về chiến lược
 
Khi mở cuộc tấn công Việt Nam vào ngày 17 tháng 2 năm 1979, mục tiêu từng được tuyên bố của Bắc Kinh là trừng phạt Hà NộI về tội đã công khai thách thức uy quyền của Trung Quốc. Sáu tuần trước đó, Việt Nam đã đưa quân qua Cam Bót đánh đuổi chế độ diệt chủng Khờ Me Đỏ của Pol Pot, một đồng minh của Trung Quốc.

Theo giới phân tích, ngoài nguyên nhân trực tiếp đó, Bắc Kinh cũng muốn dằn mặt một nước Việt Nam đang ngày càng bướng bỉnh, lại có hành động truy bức cộng đồng người Hoa sinh sống tại Việt Nam. Trả lời câu hỏi của RFI, giáo sư Carl Thayer thuộc Học Viện Quốc phòng Úc nhần mạnh :

Về mặt chính thức thì Trung Quốc xâm lấn Việt Nam để ''bình định vùng biên giới'' sau nhiều năm căng thẳng vớI các sự cố ngày càng nhiều. Đặng Tiểu Bình tuyên bố muốn đạy cho Việt Nam một bài học. Có nhiều yếu tố thúc đảy Bắc Kinh mở chiến dịch mà họ mệnh danh là ''phản công tự vệ''. DướI mắt Trung Quốc, Hà Nội đã vô ơn đối với Bắc Kinh : sau khi được giúp đõ trong cuộc chiến chống Mỹ thì đã lại quay sang bạc đãi cộng đồng người Hoa, kề vai sát cánh với Liên Xô lúc đó bị Trung Quốc coi là kẻ thù, rồi lại xâm lăng Cambốt vố là đồng minh của Bắc Kinh.

Nguyên nhân thực thụ thúc đầy Bắc Kinh tấn công Việt Nam đó là vì Hà Nội đã thách thức uy quyền và ảnh hưởng của Trung Quốc tại vùng Đông Dương. Lúc đó, Trung Quốc phải hành động để chứng tỏ uy tìn trong việc bảo vệ đồng mính Khờ Me Đỏ.

 
Thế nhưng, thay vì nâng cao được uy tín thì Trung Quốc đã bị mất mặt vì cuộc tấn công đã bị bộ đội Việt Nam chặn đứng, gây tổn thất nặng nề cho Giải Phóng Quân Trung Quốc. Một trong những mong đợi của Trung Quốc là Việt Nam sẽ tung quân đội chính quy vào vòng chiến, và sẽ phải rút bớt binh lính của mình từ Cam bốt về để điều lên mặt trận phiá Bắc.

Trong cả hai lãnh vực này, như hầu hết các chuyên gia quân sự đều ghi nhận, Việt Nam đã không bị rơi vào bẫy. Quân đội chính quy Việt Nam không cần phải lâm trận, trong lúc bộ đội địa phương và dân quân vùng biên giới đã thành công trong việc cản đướng các xe tăng và quân linh Trung Quốc. Còn tại Cambốt, không những Việt Nam không rút quân mà lại còn tăng viện thêm cho lực lượng của mình.

Sau ba tuần lễ giao tranh, trong lãnh thổ Việt Nam, sau khi giành được quyền kiểm soát nhiều thành phố của Việt Nam, nhất là các tình lỵ Lạng Sơn Cao Bằng, Lào Cai, ngày 16 tháng ba, Trung Quốc tuyên bố hoàn thành mục tiêu và rút quân về nước sau khi tán phá toàn bộ những nơi bị họ chiếm đóng.

Dù ngắn ngày, nhưng cuộc chiến tranh Trung Việt vào năm 1979 đã gây ra những tổn thất rất lớn, đặc biệt về nhân mạng. Theo ghi nhận của giáo sư Carl Thayer, phiá Việt Nam chưa hề chính thức công bố tổn thất của mình trong cuộc chiến đó.

Tuy nhiên, trong diễn văn ngày 16 tháng ba năm 1979, lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã cho rằng họ đã giết được 37.000 bính lính Việt Nam, đánh bị thương 7.000 người và bắt được 5000 tù binh. Một số nguồn tin Trung Quốc khác cho rằng họ đã hạ sát tứ 35.000 đến 45.000 bộ đội Việt Nam, trong lúc phiá Việt Nam thì bị 28.000 người tử trận. Riêng phiá Việt Nam vào thời ấy đã xác định số thương vong của quân đội Trung Quốc là 45.000 người.
 
Theo giáo sư Thayer, nếu tính chung, tổng số người chết và bị thương trong cuộc chiến năm 1979, kể cả thường dân, có thể lên đến 75000 người.
 
Theo giới quan sát, về mặt quân sự thì Trung Quốc đã thất bại trong mục tiêu đánh gục Việt Nam, nhưng về mặt chiến lược thì họ đã gặt hái một số thành quả. Giáo sư Carl Thayer phân tích :
 
Thất bại của Trung Quốc vào năm 1979 tuy nhiên không phải là hoàn toàn. Bắc Kinh đã khéo léo tuyên bố trước là chiến dịch đánh Việt Nam của họ được giới hạn trong thớI gian và không gian. Họ đã chứng tỏ cho các nước Đông Nam Á thấy là họ sẵn sàng dùng võ lực nếu vị thế và uy lực của họ trong vùng bị thách thức. Một cách cụ thể thì chiến dịch của Trung Quốc đã góp phấn làm cho Việt Nam bị cô lập trong vòng một thập niên tại vùng Đông Nam Á.

Mặt khác, sau khi rút lui, Bắc Kinh vẫn duy trì áp lực ở vùng biên giớI trong vòng một thập niên, bằng cách đe dọa tấn công một lần nữa, buộc Việt Nam phải bố trí lực lương phòng thủ biên giớI phiá Bắc.

Ngoài ra, chiến tranh biên giớI với Trung Quốc cũng đã khiến cho việc khởi động tiến trình đổI mớI ở Việt Nam bị chậm đi 7 năm. Vào năm 1978, Đặng Tiểu Bình bắt đầu tung ra các biện pháp cải tổ kinh tế. Giả sử mà Hà NộI Việt Nam thân thiện vớI Bắc Kinh vào lúc ấy, thì có lẽ Việt Nam đã có thể học tập mô hình Trung Quốc và tiến hành đổI mớI kinh tế tại Việt Nam sớm hơn.

Một hệ quả khác là sau cuộc tấn công của Trung Quốc, Việt Nam đã bị buộc phải tùy thuộc vào Liên Xô, với việc cho Maxtcơva sử dụng căn cứ hải quân Cam ranh. Nói cách khác, tình trạng này đã làm thương tổn uy tìn của Việt Nam vớI tư cách một quốc gia độc lập.

 
Ba mươi năm sau ngày nổ ra cuộc chiến tranh Trung Việt, quan hệ Việt Nam Trung Quốc đã hữu hảo hẳn lại. Theo giới phân tích cả hai nước, đã rút ra được nhiều bài học từ sự kiện lịch sử đó. Giáo Sư Ramses Amer nhận định :

Sau cuộc chiến, cả hai nước đều thấy rằng nếu không giải quyết dứt điểm vấn đề biên giới, tranh chấp có thể bùng lên trở lại, đặc biệt khi quan hệ không thuận thảo. Điều đã xẩy ra trong quá khứ hoàn toàn có thể tái điễn trong tương lai. Điều quan trọng không chỉ là ký kết hiệp định biên giới mà là hoàn tất việc cắm mốc để có thể đạt tới một cái gì đó tích cực ba mươi năm sau cuộc chiến. Sự kiện hai bên hoàn tất việc cắm mốc trước đầu năm 2009 theo tôi là một biểu tượng rất lớn, vì trên bãi chiến trường cách đây 30 năm, đã trở thành vùng biên giới được phân định mới nhất trên thế giới. Ý nghĩa biểu tượng nằm ở chỗ hai nước đã khẳng định là quan hệ song phương dựa trên các nguyên tắc quốc tế chi phối các quốc gia có chủ quyền chứ không còn là các kiểu quan hệ đặc biệt như dựa trên chủ nghĩa cộng sản châu Á chẳng hạn, cho rằng tương đồng ý thức hệ đó có thể giải quyết mọi sự ! Theo tôi đó là bài học lớn nhất mà hai nước rút ra từ cuộc chiến tranh cách nay ba mươi năm.

Một bài học nữa theo tôi là Việt Nam đã thấy rõ rằng họ vẫn cần đến Trung Quốc để phát triển kinh tế cho dù thằng được Trung Quốc về mặt quân sự. Thắng được Pháp, thắng được Mỹ, và thắng luôn cả Trung Quốc. Những điểm khác là trong khi Pháp, Mỹ đi rồi thì Trung Quốc vẫn còn đấy. Bài học đối với Việt Nam do đó là tìm cách sống vớI thực tế đó.

Chiến thắng của Việt Nam vào năm 1979 theo tôi nằm trong một loạt những thành tích quân sự của nước này từ thập niên 40 thế kỷ trước đến nay. Phải nói là vào năm 1979, quân đội Việt Nam được xem là thuộc loại hùng mạnh nhất thế giới.

Thế nhưng, bài học đối với Việt Nam là Trung Quốc có thể gây thiệt hại rất lớn cho Việt Nam, do đó quan hệ bình thường với Trung Quốc là một yếu tố quan trọng cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam, vốn tùy thuộc rất nhiều vào sự tiếp giáp với miền Nam Trung Quốc.

Những ai ghé Hà Nội vào thập niên 80 đều thấy rằng miến Bắc Việt Nam thiếu thốn đủ điều, từ lương thực cho đến các mặt hàng tiêu dùng khác vì trước đó các thứ này đều đến từ Trung Quốc.

Tóm lại, đối với Việt Nam, bài học là cho dù họ có thể thắng Trung Quốc về mặt quân sự, nhưng họ vẫn cần đến Trung Quốc để có thể phát triển kinh tế.


Tuy nhiên, vấn đề dặt ra là để tranh thủ Trung Quốc duy trì quan hệ hữu hảo, giới lãnh đạo Việt Nam đã tìm cách xoá nhoà trang sử không tốt lành giữa hai đồng minh trong khối xã hội chủ nghĩa đó. giáo sư Carl Thayer phân tích :

Ba mươi năm đã trôi qua từ ngày nổ ra cuộc chiến tranh biên giới. Dù các tàn phá của thờI kỳ đó đã được thay thế bằng những đề án phát triển to lớn..., tâm lý bài Trung Quốc có thể vẫn còn tồn tại, đặc biết trong giớI cựu chiến binh và các gia đình của họ.

Tuy nhiên Việt Nam là một nhà nước độc đảng, kiểm soát các phương tiện truyền thông và đảy mạnh tuyên truyền trong dân chúng. Vào năm 1979, Hà Nội cho rằng chính chủ nghĩa sô vanh Đại Hán đã gây ra chiến tranh chứ không phải là người dân Trung Quốc hiếu hoà.

Một trong những di sản từ cuộc chiến tranh thời đó, đó là giới lãnh đạo Việt Nam đã chủ trường quên đi những gì xẩy ra vào thời đó. Các vết thương do cuộc chiến gây ra đã bị một chính sách xoá nhoà trang sử đó bao phủ. Sách lịch sử ở Việt Nam không đề cập đến giai đoạn đó. Các giảng viên tại khoá đào tạo sĩ quan nước ngoài đầu tiên tổ chức cách đây một năm đã từ chối viện dẫn cuộc chiến tranh Trung Việt.

Thái độ lãng quên tập thể tại Việt Nam đến từ ý muốn của giới lãnh đạo đảng vốn tin rằng chính trị có thể lấn lướt sự thật lịch sử. Làm sao mà các cán bộ đảng Cộng sản Việt Nam có thể giải thích được với dân chúng rằng nươc Trung Hoa cộng sản đã tấn công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa nều không đặt lại vấn đề ý thức hệ. Lý do là các nhà nước xã hội chủ nghĩa, trên nguyên tắc, là những nước hiếu hoà không như các thế lực đế quốc!

 
Tuy nhiên trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hùng mạnh, vẫn còn tranh chấp chủ quyền vớI Việt Nam trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như sẵn sàng dùng thủ doạn gây sức ép trên các tập đoàn dấu khí ngoại quốc muốn hợp tác vớI Việt Nam để khai thác các khu vực mà Bắc Kinh tự nhận là của họ, chủ trương xoá nhoà quá khứ nêu trên đã không khỏi tạo ra bất bình.

Trả lời câu hỏi của RFI, giáo sư Ngô Vĩnh Long, chuyên gia về Trung Quốc tại Đại Học Maine Hoa Kỳ cho rằng điểm đáng nói nhất về cuộc chiến tranh Trung Việt năm 1979 là sự kiện chính quyền Việt Nam thời đó đã che giấu thông tin liên quan đến âm mưu của Bắc Kinh

Trung Quốc có chủ định đánh Việt Nam từ lâu, nhưng chính phủ Việt Nam lại không cho dân chúng cũng như thế giới biết. Đến khi bị đánh ở sườn phiá Nam, qua việc chi viện cho Pol Pot rồi trực tiếp tấn công ở phiá Bắc thì lúc đó Việt Nam mới có phản ứng. Như vậy là quá trễ!

Việt Nam là một nứơc bé nằm gần một nước lớn, Trung Quốc có nhũng lợi ích riêng của họ, Việt Nam phải nghiên cứu kỹ và báo cho dân chúng cũng như thế giới biết chủ định của Bắc Kinh.

 
Theo giáo sư Ngô Vĩnh Long, ý đồ gây hấn với Việt Nam đã từng được Trung Quốc bộc lộ từ trước năm 1979 :
 
Trung Quốc bực Việt Nam, không muốn Việt Nam hoà đàm với Mỹ năm 1969. Sau năm 1972 khi Nixon sang Trung Quốc, Trung Quốc từng hứa với Mỹ là sẽ bắt Việt Nam làm theo điều mà Mỹ muốn. Khi đó, Việt Nam không chiụ và Trung Quốc trừng phạt Việt Nam bằng cách cắt viện trợ và sau năm 75, Trung Quốc chi viện cho Pol Pot đày đủ để trang bị cho quân lính Khờ Me Đỏ. Lực lượng Pol Pot lập tức lập tức đánh Việt Nam sau tháng tư năm 1975.

Chính phủ Việt Nam dĩ nhiên là biết rõ ý đồ Trung Quốc như thế nào, nhưng lại không nói cho dân chúng biết, và để cho tình hình quá muộn. Bài học ngày hôm nay cũng như thế. Có rất nhiều vấn đề trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, hoặc là chủ ý của Trung Quốc để chèn ép Việt Nam. Thế nhưng, Việt Nam vẫn lặng thinh và ký các bản tuyên bố hợp tác toàn diện với Trung Quốc.

Theo tôi, làm sao có thể hợp tác toàn diện được khi mà vào năm 1979, Trung Quốc đã nhất định cắn Việt Nam thật đau, cho chảy máu để chứng minh với Mỹ và các nước khác là họ không còn ở trong phe xã hội chủ nghiã nữa. Thế mà Việt Nam bây giờ phải chăng vẫn còn không hiểu chính sách của Trung Quốc là như thế nào cho nên không muốn cho dân chúng hiểu là thực tâm của Trung Quốc. Tôi nghĩ như vậy rất là nguy.


Về nguyên nhân thực thụ khiến Trung Quốc xua quân qua Việt Nam vào năm 1979, giáo sư Ngô Vĩnh Long phân tích :

Trung Quốc viện cớ  Việt Nam có nguy  cơ vào chiếm Kampuchea, cho nên phải đánh và dạy cho Việt Nam một bài học. Đó là cái lý do Trung Quốc nói ra,  nhưng thực ra, khi Đặng Tiểu Bình qua Mỹ, nói chuyện với chính quyền Carter, ông ta đã đồng ý với chính quyền Hoa Kỳ là cần đánh Việt Nam để dằn mặt các nước khác trong khu vực.

Hiện nay, theo tôi thì nhiều ngườI trong chính quyền Việt Nam thấy Trung Quốc như ''gà phải cáo''. Có nhiều chuyện, lẽ ra phải nói cho thế giớI biết thì lại lặng thinh, lại còn không cho công dân Việt Nam hay là những người nghiên cứu Việt Nam đưa những vấn đề này ra để bàn luận, tranh cãi. Trong lúc đó thì Trung Quốc muốn nói gì về Việt Nam thì nói.

 
Về dụng tâm của Trung Quốc vào năm 1979 khi đánh Việt Nam vào năm 1979, Giáo sư Ngô Vĩnh Long cho biết :
 
Trung Quốc đã nói ngay từ đầu, cả 5, 6 tháng trước khi Đặng Tiểu Bình qua Mỹ, là sẽ đánh Việt Nam, để cho Việt Nam một bài học. Đánh Việt Nam cho đến mức nào mà thôi, rồi họ sẽ rút, không muốn kéo dài mãi. Và khi họ đánh Việt Nam thì phải phá tan, nghiã là tàn phá kinh khủng 6 tỉnh miền Bắc. Họ muốn dậy cho Việt Nam một bài học là ''nếu mày không nghe lời tao thi tao sẽ phạt mày''.

Dù không thắng Việt Nam về mặt chính trị lúc đó, Trung Quốc đã dùng sự kiện này để tuyên truyền chống Việt Nam mười mấy năm sau

Phải nói là Đặng Tiểu Bình thu lợi rất là lớn trên vấn đề quân sự vì ông ta thực hiện chủ trương 4 hiện đại hoá, trong đó quan trọng nhất là hiện đại hoá quân đội. Làm sao để chứng minh cho dân chúng Trung Quốc quân đội của họ yếu kém, cần phải hiện đại hoá. Thế là Bắc Kinh đưa những cái có thể gọi là đạo binh kém cỏi nhất sang đánh Việt Nam, để rồi sau đó, khi rút lui, để ngưòi ta nói là quân đội Trung Quốc như thế cũng bị thiệt hại thế này thế kia, Đặng Tiểu Bình dùng cái đó để đẩy cái vấn đề hiện đại hoá quân đội Trung Quốc klên thành ưu tiên. Điều này đã được nhiều người nghiên cưú về Trung Quốc chứng minh.
 

Theo giáo sư Ngô Vĩnh Long, như vậy Hệ quả cuộc chiến Trung Việt đối với Việt Nam rất nặng nề, đặc biệt trong việc tạo ra tâm lý e ngại Trung Quốc trong giới lãnh đạo :
 
Hệ quả cuộc tấn công Việt Nam, theo tôi, là sự kiện nhiều người trong giới lãnh đạo Việt Nam thấy Trung Quốc là sợ và muốn làm hài lòng Trung Quốc. Thế nhưng ta không thể nào chiều ý Trung Quốc 100% được, ví dụ như là việc ký kết các hiệp định nói là Việt Nam sẽ hợp tác toàn diện trong mọi lãnh vực đối với Trung Quốc, kể cả trong vấn đề đào tạo cán bộ, rồi cho Trung Quốc biết về tình hình Việt Nam thế này thế kia.

Tôi nghĩ như vậy ấy là quá mức. Không có một đất nước nào trên thế giới mà có thể hợp tác toàn diện với một nước khác được. Kể cả trong gia đình, vợ chồng với nhau cũng có nhiều chuyện, và khi không đồng ý là phải nói ra, phải nói cho nhau biết. Đằng này tôi nghĩ là sau khi bị Trung Quốc trừng phạt như vậy, nhiều người Việt Nam như tôi vừa nói, là đã thấy Trung Quốc cũng giống như là gà thấy cáo. Như vậy rất là khó cho vấn đề giao lưu với Trung Quốc về lâu về dài, bởi vì Trung Quốc sẽ càng ngày càng ép Việt Nam.

Đến khi mà dân chúng Việt Nam không chiụ được nữa, tôi e rằng đó sẽ là một vấn đề gây rất khó khăn, không những giữa chính quyền Việt Nam với dân chúng mà cả giữa Việt Nam vớI Trung Quốc. Nếu mà mình muốn có một sự hợp tác ổn định và lâu dài, thì phải có một sự công bằng, và bình đẳng giữa hai bên.

 
Ngoài ra việc bưng bít thông tin về quan hệ vớI Trung Quốc theo giáo sư Ngô Vĩnh Long cũng là một điều tai hại :
 
Hiện nay, dân chúng Việt Nam cũng không hiểu rõ thực sự vấn đề lịch sử lúc đó là như thế nào, cũng như những vấn đề nổi cộm trong quan hệ giữa Việt Nam Trung Quốc từ năm 1979 đến giờ.

Về những chuyện này, bên Trung Quốc họ muốn nói gì họ nói, trong khi đó phiá Việt Nam thì sợ mất hoà khí với Trung Quốc, thành ra không dám nói ra những vấn đề này. Tôi thấy là nhièu những người nghiên cứu về Trung Quốc ngay ở Việt Nam cũng không nói ra, sợ như vậy là mất hoà khí. Tôi nghĩ đây là một vấn đề rất là đáng lo ngại.

Trong sách sử Việt Nam, giai đoạn chiến tranh đó không những không được đề cập tới, mà bao nhiêu vấn đề trong quan hệ giữa hai nước từ hồi tái lập bang giao cũng không đưọc nhắc đến. Rất nhiều chuyện dân chúng không biết.

Theo tôi, không đề cập tới như vậy rất nguy hiểm. Ở Việt Nam, có rất nhiều người thông thạo tiếng Trung Quốc, nhưng mà tôi không thấy có những nhóm nghiên cứu về Trung Quốc một cách kỹ càng, hay là có nhưng bị che giấu. Trong bao nhiêu năm tôi về Việt Nam từ năm 1979 đến nay, tôi đã đi tìm những đồng nghiệp nghiên cứu về Trung Quốc để có thể đàm thoại, nhưng rất khó, bởi vì hình như có chính sách là không được nói về Trung Quốc.

 
Đối với giáo sư Ngô Vĩnh Long, chủ trương thực dụng hiện nay, tránh né dụng chạm đến Trung Quốc để duy trì quan hệ hữu hảo đạc biệt là về mặt kinh tế,  là một tính toán không đúng :
 
Là một nước nhỏ bé ở gần một nước lớn, Việt Nam phải cho thế giới biết là mình bị chèn ép như thế nào, hay là phải báo cho nước lớn biết là họ nên có thái độ vừa phải, nếu không thì mình sẽ ''la làng''. Không nên để họ nói môi hở răng lạnh, nhưng mà cái răng cứ cắn môi hoài, cắn chẩy máu không biết bao nhièu lần và  cứ để cho nó cắn. Tôi nghĩ cái vấn đề đó không đúng. Nếu Việt Nam cứ để cho Trung Quốc ép mình, từ vấn đề biên giới, chuyện đảo Hoàng Sa, Trường Sa, cho đến vấn đề thương mại giữa hai bên, ép mãi cho đến cuối cùng, nghiã là Việt Nam lọt hẳn vào quỹ đạo của Trung Quốc. Nếu Việt Nam vào cái quỹ đạo của Trung Quốc, thì làm sao Việt Nam có thể độc lập cho được.

Ông Hồ Chí Minh từng nói là không có gì quý hơn độc lập tự do. Đánh thắng Mỹ rồi thì Việt Nam đang lọt vào cái thế có thể nói là bị Trung Quốc làm cho mất độc lập, và phần nào mất tự do.

Như tôi đã nói, cái hậu quả năm 1979, đó là sự kiện sau đó, vì sợ mất hoà khí với Trung Quốc, nên Việt Nam cứ nhượng bộ mãi, có nhiều chuyện đáng lẽ không nên nhượng bộ, nên cho dân chúng, cho thế giới biết thì Việt Nam cứ lặng thinh. Tôi nghĩ khi mà có chuyện lớn xẩy ra thì làm sao mà người ta biết để mà nguoì ta có thể ủng hộ mình.

Tôi cho rằng để bảo vệ đất nước mình, hay là để tự vệ, ta phải làm như những con cá nhỏ thường đi cả bày. Muốn bảo vệ mình, Việt Nam đương nhiên phải có những quan hệ tốt với các nước láng giềng. Việt Nam có một vị trí rất quan trọng, nếu năng động sẽ lôi kéo được bè bạn trong khu vực và thế giới để giúp đỡ bảo vệ Việt Nam. Nếu mà Việt Nam cứ lẻ loi đi với Trung Quốc, để bị họ ngày càng chèn ép, thì tôi sơ rằng vấn đề rất nguy, không những cho Việt Nam mà cho cả khu vực.


Trọng Nghĩa
Nguồn: RFI
Category: Chính trị | Views: 1172 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0