Ðài RFA tường thuật, khi tuyên bố khai
mạc hội thảo, Dân Biểu Jim Moran, cho rằng: “Cần thiết phải cổ vũ cho
tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do bầu cử, bởi đó là
những quyền căn bản của con người mà đã trở thành lợi ích chung cho
nhân loại”. Ông Moran đã kể tên hàng loạt “nhân vật dũng cảm vì dám
đương đầu với sự đàn áp để đòi hỏi quyền con người cho dân tộc của
mình” như: Bác Sĩ Nguyễn Ðan Quế, Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ (Việt Nam),
ông Ngụy Kinh Sinh (đang ở Hoa Kỳ), bà Aung San Suu Kyi (lãnh tụ tranh
đấu cho dân chủ ở Miến Ðiện).
Bác Sĩ Nguyễn Quốc Quân, cựu chủ tịch
của Tổ Chức Quốc Tế Yểm Trợ Cao Trào Nhân Bản, nằm trong Liên Minh Nhân
Quyền Châu Á, cho biết: “Chúng tôi đứng ra tổ chức buổi hội luận này
nhắm vào mục đích giúp chính quyền của tân Tổng Thống Obama biết tình
trạng đàn áp nhân quyền ở Việt Nam, biết họ cần phải làm gì để giúp cải
thiện tình trạng đó. Chúng tôi cũng muốn chứng tỏ là nếu hợp lại với
nhau thì tiếng nói mạnh hơn và được nghe nhiều hơn.”
Trả lời đài RFA, Dân Biểu Jim Moran
cho rằng: “Không ai muốn những điều đại loại như cách mạng đẫm máu hay
lật đổ chính phủ, mà chỉ muốn một chính phủ biết tôn trọng phẩm giá của
người dân. Người Việt Nam làm việc cần mẫn, họ là những người tốt và
đạo đức, họ cần được tự do hơn để có thể nhận ra cái tiềm năng dồi dào
của mình. Ðó là tất cả những gì chúng tôi mong muốn, chúng tôi không
đòi hỏi điều gì có lợi cho nước Mỹ, chỉ yêu cầu cho người dân Việt Nam
được quyền là chính họ để từ đó cống hiến cái tiềm năng kinh tế cho đất
nước của họ.”
Tiến Sĩ Sophie Richardson,giám đốc
Human Right Watch, khuyến cáo rằng, tình hình bất ổn tại các quốc gia
sẽ đậm nét hơn vào khi khủng hoảng toàn cầu lan rộng và các chính phủ
buộc phải cắt giảm nhiều chương trình phúc lợi. Bà Sophie Richardson
phỏng đoán: “Không chừng trong tình trạng kinh tế khó khăn thì hành
động trấn áp đối lập sẽ có cớ để diễn ra. Ðiển hình như từ tháng chín
2008, Việt Nam siết chặt việc kiểm soát Internet, blog, những phương
tiện mà người dân dùng để bày tỏ quan điểm của họ trước những hành vi
sai trái của chính phủ.
Các chuyên gia nhận định: “Việt Nam
bày tỏ một vài thiện chí như cho phép một ít tổ chức tôn giáo bị cấm
được ghi tên hoạt động, cho phép một vài tờ báo trong nước đăng những
tin thuộc loại nhạy cảm, có nội dung phê bình chính phủ, những vụ biểu
tình phản đối diễn ra thường xuyên hơn mà nếu có bị giải tán thì ít
nhất cũng không có vấn đề bạo động nhưng tất cả những điều đó không thể
nhầm lẫn với yêu cầu cao hơn là phải tôn trọng và phải cải thiện nhân
quyền thực sự cho người dân”.
Khi thuyết trình về “Những thử thách
của chính phủ Obama trước tình trạng nhân quyền ở Châu Á”, Tiến sĩ T
Kumar, Giám đốc Amnesty International, khẳng định: “Tình trạng nhân
quyền ở Việt Nam không thay đổi, Việt Nam phải cải thiện nhiều hơn để
có tự do tín ngưỡng, tự do sử dụng Internet, về người sắc tộc miền núi.
Ân Xá Quốc Tế hy vọng chính phủ Việt Nam cởi mở thông thoáng hơn, vì
làm được như vậy là tạo cơ hội thăng tiến quyền làm người cho người dân
trong nước họ. Nếu cần thì tôi phải nói là Việt Nam thực sự chưa có cải
đổi tích cực về mặt nhân quyền.”
Ông Scott Flipse, chuyên gia về Châu Á
trong Ủy hội Quốc tế Mỹ về Tự do Tôn giáo Thế giới, nhận xét: “Tự do
tôn giáo ở Việt Nam là vấn đề khó khăn. Công bằng mà nói, Việt Nam có
tiến bộ đáng kể trong hai năm qua, phần lớn là do áp lực từ phía Mỹ.
Ðiều đáng thất vọng là khi Hoa Kỳ rút tên Việt Nam khỏi danh sách các
nước cần quan tâm vì thiếu tự do tôn giáo thì chừng như mọi chuyện
không tiến triển thêm bước nào nữa. Vẫn còn sự phân biệt đối xử đối với
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất mà Hà Nội không công nhận, Giáo
Hội Phật Giáo Hòa Hảo vẫn tiếp tục bị kỳ thị, lời lẽ thẳng thắn xây
dựng của các nhà lãnh đạo tôn giáo bị xuyên tác bóp méo, Việt Nam rõ
ràng không muốn thay đổi và đi thêm bước nào nữa để tôn giáo được tự do
hơn”.
Dân Biểu Loretta Sanchez nói rằng, bà
tin Tổng Thống Obama và Ngoại Trưởng Hillary Clinton, thường quan tâm
và thường lên tiếng về những vấn đề như nhân quyền, giáo dục, thanh
thiếu niên, sẽ thấy rõ hai vị cần phải có chính sách gì để thúc đẩy sự
cải thiện quyền con người ở Châu Á: “Tôi và đồng viện rất quan tâm đến
vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, chúng tôi đang nhắm tới một chương trình
hành động để hành pháp lưu ý đến các vấn đề tiêu cực đang tiếp diễn ở
Việt Nam, nạn buôn phụ nữ trẻ em qua Campuchia, qua Thái Lan làm nô lệ
tình dục, tình cảnh khó khăn bế tắc của công nhân Việt Nam ở các nước
trong lúc kinh tế suy trầm, lao động Việt Nam bị ngược đãi ở các xứ
Trung Ðông. Những điều đó phải được nêu lên thế cho những tiếng nói
không cất lên được”.