Nếu
có dịp hỏi những người Việt Nam đang sống trong nước, ngày 2-9 là ngày
gì; ngày 30-4 là ngày gì? Chắc hẳn, nhiều người có thể trả lời được
ngay những sự kiện đã xảy ra vào thời điểm ấy ở một năm nào đó trong
lịch sử.
Photo courtesy of Osin's blog
Ảnh cùa Lê Quang Nhật
Và những thế hệ tiếp theo của Việt Nam, có thể sẽ còn có cơ hội
nhớ nhiều hơn thế nữa. Chẳng hạn, theo tin tức từ báo chí trong nước,
thì “chương trình giáo dục mầm non” được Bộ Giáo Dục đưa ra lấy ý kiến,
và sẽ giảng dạy trong năm 2009 cho trẻ em từ 3 đến 6 tuổi, có yêu cầu
là “trẻ em từ 4 đến 5 tuổi phải nhận ra hình ảnh Bác Hồ… thích và thuộc
một số bài hát, bài thơ về Bác.”
Nhưng, sẽ có những ngày, những thời điểm trong lịch sử, mà các thế hệ
đi sau phải tranh đấu, mới có thể, hoặc có quyền, được nhớ.
17 tháng Hai là một ngày như vậy!
Huynh đệ tương tàn
Vâng, 17 tháng Hai là một ngày như vậy.
Ngày này, tháng này, của năm này sẽ là thời điểm đánh dấu 30 năm một sự kiện xảy ra nơi vùng biên giới.
Hãy nghe nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo kể lại ngày ấy, “30 năm trước, lửa đã chảy và máu đã đổ…”
“…Nhớ thời Trung Quốc nổ súng tấn công 6 tỉnh biên giới phía Bắc
nước ta vào ngày 17 tháng Hai, 1979 người chết như rạ mà buồn.
Hồi đó, sau cái đêm đại họa láng giềng đó, tôi viết một bài thơ ca
ngợi người lính của ta chiến đấu chống bành trướng nơi biên giới đưa ngay cho
báo Văn Nghệ lên trang rồi cùng Chu Lai đeo ba lô và súng ngắn ra ga Hàng Cỏ
lên Cao Bằng.
Chúng tôi đi ngược dòng người gồng gánh trẻ con chạy giặc. Hai bên
đường đỏ loét hầm ếch khoét vào núi. Đói và rét. Cầu sông Bằng bị đánh sập.
Thị xã Cao Bằng chỉ còn đống đổ nát, các cột điện cao thế bị bộc
phá đánh gục, xác người chết còn cuốn trong giây điện. Ruồi nhặng nhiều như trấu
vì xác chết của người và súc vật. Hễ đưa máy ảnh lên là ruồi nhặng bu kín ống
kính. Tôi phải dùng cành cây xua đưổi ruồi nhặng cho phóng viên nước ngoài quay
phim...”
Nguyễn Trọng Tạo viết
tiếp, rằng ông đã “đi và viết về những người dân, người lính anh hùng trụ lại
chống trả bọn xâm lược để giữ vững biên cương Tổ Quốc.” Ông viết trên blog
riêng của mình, rằng sau này bài thơ ông làm “vẫn còn đau đáu nỗi đau từ tháng
Hai năm ấy.”
“Thời tôi sống thêm một lần súng nổ
Trái tim đau rỏ máu dọc biên
thùy...”
Và đây, ký ức Nguyễn Trọng Tạo về tháng Hai năm ấy.
“Sau cái bắt tay xòe một lưỡi dao găm
Kẻ tình nguyện giữ nhà muốn chiếm nhà ta
ở
Tấm ảnh Mao treo lẫn màu cờ đỏ
Tay ta treo đâu nghĩ có một lần
Như con chiên sùng đạo chợt bàng hoàng
Nhận ra chúa chỉ ghép bằng đất đá
Thời tôi sống thêm một lần súng nổ
Trái tim đau rỏ máu dọc biên
thùy...”
Biên giới tháng Hai
Nguyễn Trọng Tạo đề cập đến bài thơ, nhắc đến cái ngày “đeo ba lô và
súng ngắn ra ga Hàng Cỏ lên Cao Bằng” nhân dịp có một ai đó đã nhắc lại cái
ngày 17 tháng Hai cách đây 30 năm.
Nhà báo Huy Đức đã nhắc đến ngày ấy, với tựa đề “Biên Giới Tháng Hai, 2009-1979.” Bài viết này đã được
đăng trên tờ Sài Gòn Tiếp Thị, trên báo in cũng như trên trang mạng của tờ báo.
Những
thông tin sau đó truyền đi trên thế giới ảo cho biết bài viết đã bị lấy xuống.
Tờ Sài Gòn Tiếp Thị không cho biết lý do. Và người ta cũng không thấy có lý do
gì để tờ báo tự lấy bài viết này xuống.
Tác
giả Huy Đức mở đầu bài viết:
“Tháng Hai, những cây đào
cổ thụ trước cổng đồn biên phòng Lũng Cú, Hà Giang, vẫn chưa có đủ hơi ấm để
đâm hoa; những khúc quanh trên đèo Tài Hồ Sìn, Cao Bằng, vẫn mịt mù trong sương
núi.
Sáng 7-2 nắng lạnh, vợ chồng
ông Nguyễn Văn Quế, 82 tuổi, nhà ở khối Trần Quang Khải 1, thị xã Lạng Sơn, ngồi
co ro kể lại cái chết 30 năm trước của con trai mình, anh Nguyễn Văn Đài. Năm ấy,
Đài 22 tuổi. Ông Quế nói: “Để ghi nhớ ngày ấy, chúng tôi lấy Dương lịch, 17-2,
làm đám giỗ cho con”.
Năm 1979, vào lúc 5giờ 25
phút sáng ngày 17-2, Trung Quốc nổ súng trên toàn tuyến biên giới Việt Nam,
đánh chiếm từ Phong Thổ, Lai Châu, tới địa đầu Móng Cái.”
Tác giả kể tiếp, rằng từ ngày
17 tháng Hai đến 5 tháng Ba, năm 1979, cuộc chiến 16 ngày đã để lại một Lào
Cai, một Sapa, một Đồng Đăng, một Lạng Sơn… bị phá tan hoang, và rằng:
“Tại Cao Bằng, quân Trung Quốc phá sạch sẽ từng ngôi
nhà, từng công trình, ốp mìn cho nổ tung từng cột điện.
Nếu như, ở Bát Xát, Lao Cai, hàng trăm phụ nữ trẻ em bị
hãm hiếp, bị giết một cách dã man ngay trong ngày đầu tiên quân Trung Quốc tiến
sang. Thì, tại thôn Tổng Chúp, xã Hưng Đạo, huyện Hòa An, Cao Bằng, trong ngày
9-3, trước khi rút lui, quân Trung Quốc đã giết 43 người, gồm 21 phụ nữ, 20 trẻ
em, trong đó có 7 phụ nữ đang mang thai.
Tất cả đều bị giết bằng dao như Pol Pốt. Mười người bị
ném xuống giếng, hơn 30 người khác, xác bị chặt ra nhiều khúc, vứt hai bên bờ
suối.”
Hy sinh trong ngậm ngùi!
Trong một bài viết
khác, được đăng tải trên rất nhiều trang mạng, trang blog trong và ngoài nước,
tác giả Hoàng Kim Phúc, đang theo học chương trình hậu tiến sĩ tại đại học
Oxford, viết rằng năm anh lên chín, “Trung Quốc tấn công
Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía Bắc.”
Một cuộc chiến
kéo dài chưa đầy 30 ngày “mà gần một trăm ngàn người của
cả hai phía đã thương vong.”
Tác giả kể tiếp:
“Mặc dù cuộc chiến đẫm máu chính thức diễn
ra khá ngắn ngủi nhưng những đợt pháo kích dai dẳng dọc tuyến biên giới, kéo
dài nhiều năm sau đó mới để lại những “vết thương” khó lành trong kí ức đương đại
của dân chúng Việt Nam, đặc biệt là dân miền Bắc. Làng tôi sống khi ấy gồm ba xóm, nay thuộc quận Ba Đình,
vậy mà cũng có tới hai anh đi bộ đội bị pháo chết trên “chốt”. Từ “lên chốt” đã có lúc được nhiều thanh niên nhắc tới
như “ác mộng”. Dù mục tiêu chiến lược của việc tấn công Việt Nam vẫn còn nhiều
uẩn khúc lịch sử nhưng về mặt nào đó Trung Quốc đã thành công trong việc gây
nên một tâm lý lo lắng bất ổn, pha sự sợ hãi trong các thành phần dân chúng Việt
Nam.” Trở lại với tác giả Huy Đức.
Vào thời điểm truy cập vào blog của tác giả này, chúng tôi lại thấy một bài viết
khác, có vẻ như là bài tiếp theo của “Biên
Giới Tháng Hai, 2009-1979” đã bị “đục bỏ” trên trang web của báo Sài Gòn Tiếp
Thị.
Trong bài thứ hai này, tác giả
ghi thêm bên dưới: “bài này chưa đăng báo giấy.” Có nghĩa là sao? Chỉ suy đoán
thôi, bài viết thứ hai này, với tựa đề “Cuộc Chiến 1979 và Hoàng Sa” rất có thể
sẽ không được đăng trên báo giấy!
Dù sao, blog cũng là một nơi
chuyển tải thông tin!
Chắc hẳn tác giả Huy Đức có
những ngụ ý khi cho gắn cuộc chiến 1979 vào với địa danh Hoàng Sa. Quả vậy, tác
giả viết ở đoạn cuối bài trên blog của anh:
“Tôi công bố bài viết này không chỉ vì sắp đến ngày
17-2 mà còn vì, muốn lưu ý, “người Trung Quốc làm gì cũng có tính toán,” không
nên đặt cuộc chiến tranh 17-2 ra ngoài âm mưu Biển Đông. Bản Giốc, Tục Lãm… giờ
đã xong; nhưng, Hoàng Sa, Trường Sa thì vẫn đó.”
Nếu có dịp hỏi
những người Việt Nam đang sống trong nước, ngày 2 tháng Chín là ngày gì; ngày
30 tháng Tư là ngày gì? Chắc hẳn, nhiều người có thể trả lời được ngay những sự
kiện đã xảy ra vào thời điểm ấy ở một năm nào đó trong lịch sử.
Nhưng sẽ có những
ngày, những thời điểm trong lịch sử, mà các thế hệ đi sau phải tranh đấu, mới
có thể, hoặc có quyền được nhớ.
17 tháng Hai
là một ngày như vậy!
“Chỉ có một điều
ngậm ngùi,” một nhà báo Việt Nam nói với chúng tôi. “Đó là, 30 năm trước, một
thế hệ thanh niên Việt Nam lao về biên giới để bảo vệ lãnh thổ. Bây giờ, 30 năm
sau, họ không được nhắc tới; và những người khác cũng không được quyền nhắc đến
họ, như thể họ chưa hề tồn tại.”
“Có cái gì như
một sự phản bội!”
-----------------
Trên đây là những ghi nhận từ các
blog cá nhân liên quan đến cuộc chiến biên giới Việt – Trung năm 1979.
Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm,
sàng lọc và gởi đến quí vị những hình thức thông tin trên Internet, trong các
trang Blog cá nhân liên quan đến nhiều đề tài khác nhau và gởi đến quí vị trong
các chương trình sau.
Mong quí vị đóng vai trò cầu nối
giữa chúng tôi và các thông tin như vậy. Xin gởi cho chúng tôi các thông tin
cùng đường liên kết đến các blog hữu ích mà quí vị đọc được, qua địa chỉ vietweb@rfa.org.