Nga Pham BBC News, Nguyễn Phương Nga lược dịch
Việt
Nam đang đánh dấu dịp kỷ niệm cuộc chiến biên giới với Trung Quốc bằng
một sự im lặng đến khó chịu, trong khi các đài phát thanh truyền hình
của nhà nước tránh không đề cập đến sự kiện đã xảy ra cách đây 30 năm.
Nhưng tinh thần quốc gia dân tộc hiện đang sôi sục được mang trở lại bằng những ký ức đau thương.
Bà
Hoàng Thị Lịch, 72 tuổi, còn nhớ rất rõ ràng buổi sáng ngày 17/2/1979
khi bà và gia đình bị đánh thức dậy trong một cảm giác ngột ngạt đầy
hoang mang trong vùng đồi núi thuộc tỉnh Cao Bằng.
Khi bình minh
vừa ló dạng, Trung Quốc phát động nhiều cuộc tấn công vào một số các vị
trí trong các tỉnh cực bắc của Việt Nam, với sự phô bày đến choáng váng
cái gọi là “biển người” và hoả lực pháo binh.
Gia đình bà Lịch
được mau chóng sơ tán khỏi thôn làng bé nhỏ thuộc huyện Hòa An, cùng
với hàng chục gia đình người sắc tộc Tày khác.
Bà kể lại: "Chúng
tôi được bảo là chạy về hướng nam ... Tôi nghe tiếng súng nổ rất lớn.
Tôi quá sợ hãi nên bị đờ người ra một lúc khá lâu, tôi không biết phải
làm gì"
Gia đình bà Lịch đã trốn thoát an toàn.
Chỉ 18
ngày sau đó, cũng trong huyện Hòa An, theo tin tức cho biết thì lính
Trung Quốc khi rút lui đã chém chết 43 người - phần lớn là phụ nữ và
trẻ em.
Hy vọng ngây thơ
Cuộc
tấn công của Trung Quốc làm cho phía Việt Nam bị bất ngờ, mặc dù có
nhiều tin đồn về một cuộc chiến do lãnh tụ Trung Quốc lúc đó là Ðặng
Tiểu Bình đề xướng đã lan truyền trong giới lãnh đạo chính trị Việt Nam
hàng tháng trời.
Một cựu cán bộ ngoại giao cao cấp thuộc Tòa đại
sứ Việt Nam ở Bắc Kinh, ông Dương Danh Dy, đã cảnh báo từ đầu năm 1978
rằng mối quan hệ song phương giữa Hà Nội và Bắc Kinh càng ngày càng tồi
tệ.
Vào tháng 7/1978, sau khi Bắc Kinh nhìn thấy tình trạng
ngược đãi người Hoa sinh sống ở Việt Nam, Trung Quốc liền tạm ngưng trợ
giúp nước láng giềng của họ, khiến Hà Nội phải ký một hiệp ước "hợp tác
và hưũ nghị" với Mạc Tư Khoa sau đó không lâu.
Vào khoảng cùng
thời gian đó, Hà Nội tăng cường các nỗ lực để lật đổ đồng minh của Bắc
Kinh, là chế độ Mao ít Khmer đỏ ở Cam bốt.
Chủ tịch Ðặng Tiểu Bình đòi “dạy cho Việt Nam một bài học”.
Ông
Dương Danh Dy, khi nhắc đến một cuộc họp báo truyền hình của lãnh tụ
Trung Quốc Ðặng Tiểu Bình vào tháng 12/1978, kể lại: "Tôi sẽ không bao
giờ quên được bộ mặt của ông ta khi lão mô tả Việt Nam như là một "bọn
côn đồ". Lúc đó, tất cả chúng tôi đều nghĩ rằng 'thế là xong, chiến
tranh không thể nào tránh khỏi'. Nhưng sâu trong tận đáy lòng, chúng
tôi vẫn hy vọng, có lẽ là quá ngây thơ, rằng Việt Nam và Trung Quốc
rất thân thiết như anh em, cho nên họ (Trung Quốc) sẽ không trở mặt với
chúng tôi nhanh chóng và mạnh mẽ như vậy".
Cô lập
Thay
vào đó, Bắc Kinh huy động hàng trăm ngàn bộ đội và thanh niên xung
phong trong một cuộc hành quân quân sự to lớn nhất kể từ cuộc chiến
tranh Triều Tiên.
Trong khi đó, Việt Nam ở trong một tình
trạng khó khăn phải đối phó với cuộc chiến ở Cam bốt và phục hồi lại
một nền kinh tế gần như suy sụp.
Ông Trần Quang Cơ, cựu thứ
trưởng ngoại giao đầu tiên của Việt Nam, đang ở trong văn phòng của
mình khi cuộc chiến bắt đầu, nói rằng chính sách cô lập của Việt Nam
khiến cho nước ông có nhiều nhược điểm.
"Chúng tôi quá lệ
thuộc vào các đồng minh lý tưởng của chúng tôi, và cho đến lúc đó thì
đồng minh duy nhất mà chúng tôi còn lại là Liên Xô", ông Cơ nói.
"Là
một nước nhỏ nằm bên cạnh một nước lớn, chúng tôi cần thêm bạn. Chúng
tôi cần phát triển các mối quan hệ và nới rộng tình hữu nghị"
"Cuộc chiến dạy dỗ" của Trung Quốc kết thúc chỉ trong vòng hơn hai tuần lễ, cả Việt Nam lẫn Trung Quốc đều tuyên bố chiến thắng.
Mặc
dù còn trong vòng tranh cãi, có nhiều ước lượng cho rằng đến 60 ngàn
ngưòi ở cả hai bên đã bị thiệt mạng. Cùng với sự tổn thất về nhân mạng,
là lòng tin tưởng và tình đồng chí anh em mà hai đảng cộng sản đã khổ
công xây dựng trong nửa thế kỷ trước cũng bị thiệt hại nghiêm trọng.
Trong
tập hồi ký Hồi ức và Suy nghĩ , ông Trần Quang Cơ đã trích dẫn lời của
cố lãnh tụ Võ Văn Kiệt nói vào năm 1991 - là năm hai nước bình thường
hóa quan hệ giữa họ - rằng Trung Quốc "luôn luôn là một cái bẫy".
"Tình hữu nghị Việt Trung"
"Quá nhân nhượng"
Sự mất tin tưởng lẫn nhau đã kéo dài qua hàng năm trời, thỉnh thoảng lại bộc phát khi các tranh chấp hai bên xảy ra.
Việt
Nam đã chứng kiến nhiều cuộc biểu tình của quần chúng vào năm 2007 khi
Trung Quốc được biết là đã thông báo dự định thành lập một đơn vị hành
chánh để quản trị hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa - là lãnh thổ Việt
Nam đã tuyên bố chủ quyền.
Một cuộc biểu tình nhỏ hơn đã xảy ra khi ngọn đuốc Olympic Bắc Kinh đến TPHCM.
Nhưng các cuộc biểu tình như vậy thì không được phổ biến lắm.
Hà
Nội đang cố gắng hết mình để không làm hại đến mối quan hệ nồng ấm với
kẻ láng giềng khổng lồ phương bắc. Cả Việt Nam lẫn Trung Quốc dường như
đều không có ý muốn lập lại cái kinh nghiệm cay đắng của năm 1979.
Với
quan hệ mậu dịch song phương đang gia tăng nhanh chóng và một hiệp định
biên giới trên đất liền được tiên đoán là sẽ hoàn tất sớm sủa sau 35
năm đàm phán, một số người cho rằng quan hệ giữa hai nước đang ở lúc
tốt đẹp hơn bao giờ hết.
Do đó nhà nước Việt Nam đang quan sát
cặn kẽ những gì mà truyền thông báo chí viết về mối quan hệ Việt-Trung
- nhất là các đề tài nhạy cảm như chiến tranh biên giới hoặc tuyên bố
chủ quyền lãnh thổ.
"Trung Quốc đang trở nên mạnh mẽ hơn, vì thế
Việt Nam cần học hỏi một cách khéo léo thêm làm thế nào để cùng tồn tại
với nhau", theo nhà ngoại giao cao cấp Lê Công Phụng cho biết.
Hồi tuần trước, báo Sài gòn Tiếp thị đã cho đăng tải một bài báo của một ký giả nổi tiếng là Huy Ðức, viết về cuộc chiến biên giới năm 1979 trên trang nhà của họ. Bài báo đó liền bị gỡ xuống chỉ trong vòng vài giờ.
"Chúng
tôi giữ vững lời hứa là không nhắc lại những sự kiện đã qua vì quan tâm
đến quan hệ giữa hai nước", theo ông Dương Danh Dy, hiện nay là một
trong những nhà nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam về các vấn đề Trung
Quốc.
Lập trường của nhà nước đã bị quần chúng lên án là qúa nhu nhược và nhân nhượng.
Các
diễn đàn trên mạng internet và các trang blog cá nhân tràn đầy các lời
phê bình chỉ trích chống Trung Quốc khi dịp kỷ niệm cuộc chiến biên
giới đang đến gần.
Trên báo Du Lịch, một bài viết đã lọt qua khỏi cơ quan kiểm duyệt
của nhà nước, ca ngợi "tinh thần yêu nước trong sáng và lòng tự hào"
của những người biểu tình phản đối Trung Quốc ở Hà Nội và TPHCM.
Trong
khi ngọn đuốc dân tộc đang bừng cháy, thì câu hỏi là liệu nó có lan
rộng như cơn bão lửa hay không, còn tuỳ thuộc vào chính sách của cả hai
chính phủ đối với nhau.
Nguồn: BBC News
|