Thứ Năm, 2024-11-21, 7:29 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Hai » 18 » Việt Nam làm gì để tự vệ?
6:32 PM
Việt Nam làm gì để tự vệ?
 
 

 
 
Sĩ quan biên phòng Trung Quốc ở một cửa khẩu với Việt Nam


Ai sống cạnh một anh hàng xóm khổng lồ trong một thế giới vô chính phủ cũng phải canh cánh câu hỏi: Khi nào thì anh ta có thể đánh mình, và làm sao để mình không bị anh ta đánh?

Đây cũng là một câu hỏi thường trực cho các chính sách quốc phòng và ngoại giao của Việt Nam, và anh hàng xóm khổng lồ của Việt Nam là Trung Quốc.

Quy luật lịch sử

Khi nào thì Trung Quốc có thể đánh Việt Nam? Tương lai không thể nói trước được, nhưng nếu lịch sử cho thấy có quy luật thì có nhiều khả năng quy luật đó sẽ tiếp tục ứng nghiệm trong tương lai.

Lịch sử từ khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời có ba lần lớn và một số lần nhỏ hơn Trung Quốc ra quân đánh Việt Nam.

Lần thứ nhất năm 1974, Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa từ tay Việt Nam Cộng hòa.

Lần thứ hai năm 1979, Trung Quốc tấn công toàn tuyến biên giới trên bộ, vào sâu nhiều chục cây số, phá huỷ cơ sở vật chất, rồi rút về sau đúng một tháng.

Lần thứ ba năm 1988, Trung Quốc chiếm 6 bãi đá trong vùng lân cận các đảo do Việt Nam kiểm soát ở quần đảo Trường Sa, riêng vụ đụng độ chiếm đá Gạc Ma (Johnson South Reef) bắn cháy ba tàu vận tải và giết khoảng 70 thuỷ thủ của Hải quân Việt Nam.

Những lần đánh nhỏ hơn bao gồm các cuộc tấn công ở biên giới sau cuộc chiến 1979, liên tục cho đến năm 1988. Trong thời gian này, Trung Quốc đã chiếm được một số điểm cao chiến lược dọc biên giới như ở các huyện Vị Xuyên, Yên Minh (tỉnh Hà Giang) và Cao Lộc, Tràng Định (tỉnh Lạng Sơn). Các cuộc lấn chiếm này dường như đã được hợp pháp hóa tại Hiệp ước biên giới trên bộ năm 1999.

Ngoài ra, trên quần đảo Trường Sa sau năm 1988, Trung Quốc đã chiếm thêm các bãi đá ở gần vị trí đóng quân của Việt Nam như Én Đất (Eldad Reef) và Đá Ba Đầu (Whitson Reef) vào các năm 1990, 1992, và sau đó chiếm đá Vành Khăn (Mischief Reef) ở gần Philippin năm 1995.

Thế và Thời

Tư duy chiến lược Trung Hoa đặc biệt coi trọng chữ Thế và chữ Thời. Các cuộc tấn công Việt Nam cho thấy có một quy luật khá nhất quán trong việc Trung Quốc chớp thời cơ vào lúc thế của họ đi lên và thế của đối phương đi xuống để tung quân ra đánh.

Thời điểm tháng 1-1974, Trung Quốc đánh Hoàng Sa đang do Việt Nam Cộng hòa kiểm soát là sau khi Mỹ cam kết chấm dứt can thiệp quân sự ở Việt Nam (Hiệp định Paris tháng 1-1973) và Quốc hội Mỹ cấm Chính phủ can thiệp trở lại (Tu chính án Case-Church tháng 6-1973), tạo ra một khoảng trống quyền lực ở khu vực và khiến cho Việt Nam Cộng hòa chới với không nơi nương tựa.

Trong khi đó thế của Trung Quốc đang dâng lên với việc Bắc Kinh trở thành một thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (tháng 10-1971) và từ địa vị kẻ thù của cả hai siêu cường (Liên Xô và Mỹ) trở thành đối tác của Mỹ (với Thông cáo chung Thượng Hải tháng 2-1972).

Trung Quốc tấn công Việt Nam năm 1979 là để trả đũa Việt Nam đưa quân vào Campuchia nhưng cũng là khi thế của Việt Nam đi xuống trong khi thế của Trung Quốc đi lên.

Một tháng sau khi Việt Nam và Liên Xô ký liên minh quân sự (tháng 11-1978) thì Trung Quốc và Mỹ cũng tuyên bố lập quan hệ ngoại giao. Đồng thời, Việt Nam đang bị thế giới ngoài phe Liên Xô tẩy chay vì chiếm đóng Campuchia nên thế của Việt Nam đang xuống rất thấp.

Các cuộc tấn công của Trung Quốc dọc biên giới trong các năm từ 1980 đến 1988 diễn ra trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục bị bao vây cô lập với thế giới bên ngoài trong khi Liên Xô, chỗ dựa chủ yếu của Việt Nam, cũng bị cô lập trên trường quốc tế (do đưa quân vào Afghanistan) và, cộng với những khó khăn kinh tế, phải đi vào giai đoạn hòa hoãn và thỏa hiệp với Trung Quốc cũng như phương Tây.

Chiến dịch chiếm một phần Trường Sa năm 1988 của Trung Quốc khởi sự từ năm 1986, khi Liên Xô chuyển sang nhượng bộ chiến lược với phương Tây và Trung Quốc, đồng thời rục rịch rút lui ảnh hưởng khỏi Đông Nam Á cũng như toàn thế giới.
Quốc huy Trung Quốc và Việt Nam tại cửa khẩu ở Vị Xuyên
Hai nước Việt Trung đã quyết định xong về biên giới trên bộ

Bài nói tại Vladivostok của lãnh tụ Liên Xô Gorbachov ngày 28-7-1986 tỏ ý Liên Xô sẵn sàng chấp nhận các điều kiện Trung Quốc đưa ra để bình thường hóa quan hệ Xô-Trung (Liên Xô rút quân khỏi Afghanistan và giảm căng thẳng ở biên giới Xô-Trung, Việt Nam rút quân khỏi Campuchia) đánh dấu sự thay đổi chiến lược trong chính sách của Liên Xô ở châu Á, đồng thời cũng là chỉ dấu cho thấy thế của Liên Xô đi xuống và thế của Trung Quốc đi lên.

Trong các năm sau, việc Liên Xô rút lui trong khi Mỹ không trám vào đã thực sự tạo ra một khoảng trống quyền lực ở khu vực.

Trong khi ấy Việt Nam vẫn bám vào Liên Xô mà không phá được thế bị cô lập. Một nghị quyết mật của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam điều chỉnh cơ bản chiến lược đối ngoại từ dựa vào Liên Xô sang “đa phương hóa” chỉ được thông qua vào tháng 5-1988, hai tháng sau vụ đụng độ ở quần đảo Trường Sa.

Xung đột biên giới giữa Trung Quốc và Việt Nam giai đoạn 1980-1988 có thể coi là dư chấn của cuộc chiến năm 1979. Các cuộc chiếm đảo ở Trường Sa thời kỳ 1990-1992 cũng có thể coi là dư chấn của chiến dịch năm 1988.

Thời kỳ 1980-1988, Việt Nam tiếp tục bị bao vây cô lập trong khi Liên Xô, chỗ dựa chủ yếu của Việt Nam, đi vào giai đoạn hòa hoãn và thỏa hiệp với Trung Quốc.

Thời kỳ 1990-1992, tuy là những năm Trung Quốc bị phương Tây cô lập phần nào sau vụ Thiên An Môn, cũng lại là những năm Việt Nam mất hẳn chỗ dựa ở Liên Xô và các nước Đông Âu trong khi vẫn chưa được nhận vào ASEAN và chưa bình thường hóa quan hệ được với Mỹ.

Việt Nam làm gì?

Hiện nay Việt Nam có thể làm gì để Trung Quốc không đánh? Lý thuyết quan hệ quốc tế gợi ý năm phương pháp chính: 1) cùng chung một nhà, 2) ràng buộc bằng lợi ích, 3) ràng buộc bằng thể chế, 4) răn đe quân sự, 5) răn đe ngoại giao.

Phương pháp “cùng chung một nhà” xem ra không ổn vì ít nhất ba lý do. Thứ nhất, Trung Quốc rất thiếu cảm tình với Việt Nam và kinh nghiệm quan hệ với Việt Nam khiến Trung Quốc tin rằng Việt Nam hay tráo trở. Các cuộc thăm dò dư luận ở Trung Quốc cho thấy Việt Nam cùng với Mỹ và Nhật Bản là ba nước bị người Trung Quốc ghét nhất trên thế giới. Thứ hai, Trung Quốc chỉ coi Việt Nam là đồng chí chứ không phải đồng minh. Thứ ba, lịch sử cho thấy quan hệ “gắn bó như môi với răng” giữa Hà Nội và Bắc Kinh vẫn không ngăn được Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa, nẫng tay trên người “đồng chí anh em” Bắc Việt.

Phương pháp “ràng buộc bằng lợi ích” sẽ không ngăn được Trung Quốc đánh ở Biển Đông vì lợi ích của Trung Quốc ở Biển Đông có vị trí rất cao trong chiến lược lớn của Trung Quốc. Biển Đông là yết hầu con đường tiếp tế vật tư và nhiên liệu cho Trung Quốc từ Trung Đông, châu Âu, châu Phi, Nam Á và Đông Nam Á, với 2/3 lượng dầu khí nhập khẩu và 4/5 lượng hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc đi qua.

Biển Đông cũng là bàn đạp để khống chế Đông Nam Á, một khu vực mà nếu Trung Quốc khống chế được thì sẽ có thể quy phục được Nhật Bản và trung lập hóa cả Mỹ lẫn Ấn Độ, còn nếu Trung Quốc không khống chế được thì sẽ không thể ngoi lên địa vị đứng đầu châu Á. Trung Quốc không có lợi ích nào ở Việt Nam, kể cả trong hiện tại lẫn trong tương lai, lớn hơn lợi ích ở Biển Đông để Trung Quốc phải đánh đổi.

Phương pháp “ràng buộc bằng thể chế” càng khó ngăn cản Trung Quốc ra tay khi cần thiết vì Trung Quốc cũng như các nước lớn khác chỉ tuân thủ thể chế quốc tế nếu thể chế ấy phục vụ lợi ích chiến lược của họ. Trong trường hợp lợi ích chiến lược của họ đòi hỏi làm khác đi, họ sẽ có cách giải thích thể chế quốc tế theo kiểu riêng để biện minh cho hành động của mình.

Trung Quốc đã làm như thế khi xâm lăng Việt Nam năm 1979, nói rằng để trừng phạt Việt Nam xâm lăng Campuchia. Đây không phải là đặc điểm riêng của Trung Quốc mà các nước lớn đều như vậy. Mỹ và phương Tây đánh Nam Tư rồi tách Kosovo ra khỏi nước này hay Nga đánh Gruzia rồi tách Nam Ossetia và Abkhazia ra khỏi nước này đều nói là dựa trên luật pháp và thể chế quốc tế nhưng đó là luật pháp và thể chế quốc tế theo cách giải thích riêng của họ.

Phương pháp “răn đe quân sự” không phải là cách mà Việt Nam có thể làm với Trung Quốc trong lúc này vì Việt Nam không có vũ khí hạt nhân để răn đe chiến lược (trong khi Trung Quốc có) và lực lượng quân sự thông thường của Việt Nam hiện còn quá yếu để có thể tạo sức mạnh răn đe chiến thuật đối với Trung Quốc.
Ải Chi Lăng là di tích lịch sử nhắc lại trận quân Lê Lợi chém Liễu Thăng hồi thế kỷ 15

Còn lại duy nhất phương pháp “răn đe ngoại giao”. Phương pháp này là dùng quan hệ với các nước mạnh hơn Trung Quốc và áp lực của quốc tế để Trung Quốc không dám đánh Việt Nam. Hiện nay trong khu vực, Trung Quốc vẫn phải kiêng dè Mỹ, do đó Việt Nam quan hệ càng gần gũi với Mỹ bao nhiêu càng có tác dụng răn đe bấy nhiêu. Một điểm nữa Việt Nam có thể tận dụng là Trung Quốc muốn thế giới tin rằng họ không phải là mối đe dọa đối với các nước.

Nếu những lấn lướt ức hiếp của Trung Quốc với Việt Nam được thế giới quan tâm và hiểu như bước đầu của một mối đe dọa lớn hơn đối với họ thì thứ nhất, chúng có thể làm Trung Quốc yếu thế đi, và thứ hai, đó cũng là một lý do để Trung Quốc phải cân nhắc kỹ hơn nếu có ý định đánh Việt Nam.

Bài học lịch sử

Quy luật rút ra từ lịch sử ba lần Trung Quốc đánh Việt Nam và qua phân tích năm phương pháp nói trên cho thấy để tránh không bị Trung Quốc đánh, Việt Nam phải làm được ba điều.

 Sống cạnh một anh hàng xóm khổng lồ mà không để bị đánh hoặc ăn hiếp quả là rất khó nhưng vẫn có thể được
 

Thứ nhất, phải liên tục nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế, đặc biệt chú ý trong tương quan với Trung Quốc. Nếu Trung Quốc có thêm bạn thì Việt Nam cũng phải có thêm bạn mạnh hơn và nếu Trung Quốc xích lại gần các nước thì Việt Nam còn phải xích lại gần các nước hơn. Không bao giờ được để Việt Nam ở thế cô lập hơn Trung Quốc trên thế giới.

Thứ hai, phải hết sức bén nhạy với cán cân quyền lực trong khu vực và phải lập tức mạnh dạn điều chỉnh chiến lược đối ngoại khi tương quan lực lượng trong khu vực biến đổi bất lợi cho Việt Nam.

Thứ ba, phải sáng suốt tìm ra ai là kẻ mạnh trong khu vực và đâu là chỗ yếu của Trung Quốc để thực hiện kế răn đe ngoại giao.

Trong dài hạn, chỉ có kết hợp răn đe ngoại giao (kết thân với nước lớn và tranh thủ dư luận thế giới) với răn đe quân sự (quân đội mạnh, đặc biệt hải quân và không quân) và liên tục nâng cao vị thế quốc tế của mình thì Việt Nam mới có thể tương đối yên tâm không bị Trung Quốc đánh.

Sống cạnh một anh hàng xóm khổng lồ mà không để bị đánh hoặc ăn hiếp quả là rất khó nhưng vẫn có thể được, nhất là khi anh hàng xóm đó chưa phải là kẻ mạnh nhất trong vùng.

Bài viết thể hiện ý kiến riêng của tác giả, tiến sĩ Alexander Vuving (Vũ Hồng Lâm), không nhất thiết phản ánh quan điểm của Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á-Thái Bình Dương, Bộ Quốc phòng và Chính phủ Hoa Kỳ.


Shooter BìnhDương
Ông Vũ kính mến! Tôi thực sự khâm phục cách nhìn của ông. Nhưng tôi không cho rằng dựa vào vũ khí hạt nhân là một điểm mạnh trong quân sự. Ông nên nhớ rằng, Việt Nam đã đặt bút ký vào thỏa ước không phổ biến vũ khí hạt nhân rồi. Trung Quốc là một nước lớn, và việc một nước lớn ngụy biện cho chiến lược của họ là không thể tránh khỏi. Theo tôi thì hiện tại Trung Quốc chỉ dám phe phẩy đuổi ruồi ở ngoài biên giới và hải đảo nhằm gây anh hưởng và chờ cơ hội đối với VN chứ chưa thể làm gì được VN. Chúng ta thấy rằng, Nhật Bản là một nước không có vũ khí hạt nhân, nhưng họ đã cố gắng không để tầm ảnh hưởng bị mai một kể từ sau thế chiến thứ hai. Và họ đã làm được điều đó. Việc ông nêu lên phương thức nhằm tránh xung đột với Trung Quốc trên chiến trận ngoại giao là rất hợp lý, nhưng theo tôi nghĩ thì lựa chọn phương pháp ngoại giao đa chiều vẫn hơn là dựa dẫm vào một ai đó hiện tai đang có thế lực. Bài học từ Liên Xô như ông đã viết trong bài này là bài học đắt giá nhất từ trước tới nay.

XBPX
Tôi đồng ý với TS Lâm về chiến lược đấu tranh trên mặt trận ngoại giao nhưng theo tôi ý kiến của TS Lâm là chưa đủ và có phần phiến diện vì có thể bản thân anh là Việt Kiều Mỹ. Theo tôi Nga là một đối tác hết sức quan trọng để chúng ta, để qua họ, ràng buộc các lợi ích kinh tế và chính trị với TQ. Nga đang cố tìm lại sự ảnh hưởng và kiểm soát của mình ở khu vực Đông Nam Á và Việt Nam là chỗ dựa của Nga và Gazprom là lá bài chủ lực của họ. Việc Gazprom đuợc giao quyền điều hành lô 112/113 (nơi bắt đầu của vùng biển tranh chấp tính từ phía Bắc) và gần đây là 4 lô 129-132 chính là bước đi có lợi cho cả Nga và VN. Hiện Gazprom đang có một kế hoạch "rất hoành tráng" tại VN. BBC trước đây có đưa tin về việc VN đàm phán mua Chiến khu trục hạm của Nga, không biết tình hình đến đâu rồi? TQ bị Nga ràng buộc nhiều thứ nhưng số một sẽ là nguồn cung cấp năng luợng. Một khi quyền lợi kinh tế và chính trị của Nga phát triển đến một mức độ tương đối ở VN, Nga sẽ lại là một ông anh tốt bụng để VN có thể trong cậy vào sự che chở khi có chính biến (hoặc để không xẩy ra chính biến). Câu hỏi tiếp theo của tôi sẽ là cảng Cam Ranh, cho ai, để lảm gì và bao giờ?

Phạm Hồ Quang, VN
VN không thể tự vệ trước bất cứ nguy cơ xâm lấn nào của các nước lớn nếu tình trạng nội lực của VN không thay đổi. Đây là thực tế. Còn các mối quan hệ quốc tế đều thay đổi theo lợi ích của họ chứ không phải vì lợi ích của VN. VN cộng hòa bị tấn công như thế mà đồng minh Mỹ còn mặc kệ huống gì Việt Nam cộng sản. Kẻ thù lớn nhất của VN là sự trì trệ yếu kém trong tất cả các hệ thống từ luật pháp, quân sự, ngoại giao, kinh tế, xã hội.. của đất nước chứ không phải là từ một quốc gia nào khác. Hy vọng các cá nhân có trách nhiệm đặt lợi ích cá nhân dưới lợi ích quốc gia một chút thì VN mới có thể cất cánh đi lên. Nếu đất nước đã mạnh rồi thì còn phải lo gì người nào bắt nạt.

Hùng, Sài Gòn
Sau năm 1945 một số quan niệm cũ như chiếm đất chiến thị trường thuần tuý đã được các nước phương Tây thay đổi. Nhật: "hàng hóa của Nhật đến đâu thì biên giới của Nhật đến đó". Mỹ cỗ suý cho Tự do thương mại vì với họ quan trọng là biên giới mở. Nhưng riêng với TQ thì với quan điểm cũ kiểu thực dân địa nên đã chọn con đường chiếm đất. Sai lầm là những người cầm quyền thời đó với tư duy quá cũ vẫn coi Mỹ là đế quốc nên chống họ đến cùng. Giờ nhìn lại đã trễ. Nhưng chưa quá trể. Hãy nhìn Singapore họ cũng có kẻ thù là TQ, Malaysia... nhưng họ vẫn đứng vững vì sao? Dân giàu thì nước mạnh. Mỗi người VN hãy làm việc nhiều hơn cho con cái du học Mỹ nhiều hơn...Nên nhớ rằng cách đây 10 năm ai tin rằng Nepal nay đã thành nước tự do trước VN. Nếu có thời cơ thì VN sẽ được tự do ngay. Không có gì là vĩnh hằng và "muôn năm cả". Là người VN hãy cố gắng và vững tin lên. TQ chỉ nhất thời đe doạ.

Công Lao Gia Tp:Hồ Chí Minh
Các phương pháp trên đều sai. Ông tiến sĩ Alexander Vuving chẳng hiểu gì về Việt Nam. Phương pháp "răn đe ngoại giao" như ông nói nếu áp dụng thì dân Việt Nam làm nô lệ là cái chắc. Lịch sử cho thấy mấy nước lớn có thể vì lợi ích của mình mà bắt tay bán rẻ đồng minh bạn bè. Theo tôi thì chỉ có một cách là hiện đại quân đội ngoài ra không còn cách nào. Riêng về chống giặc ngoại xâm thì Việt Nam có thể tự hào là "không cần một thằng nào chỉ bảo". Lịch sử đã cho thấy, mạnh như quân Nguyên (đánh chiếm cả một phần châu Âu được cho là phát triển hơn) mà tướng lĩnh vẫn phải chết yểu ở đất Việt. Lũ đồng minh Pháp, Mỹ, Anh, Úc và chư hầu tay sai có vào đất Việt thì mỗi tên lính của bọn chúng cũng chỉ được người Việt nhân từ cấp cho một khoả! ng đất đủ chôn cái xác thối. Muốn chiếm Việt Nam? Trừ khi giết sạch người Việt trên thế giới.

Xyz Tp. HCM
Không ai mượn ông tiến sĩ lưu vong phải lo hộ về tương lai an ninh của đất nước. Ý kiến của ông sặc mùi nô lệ, chỉ những kẻ bỏ quê cha đất tổ mới nói được như thế.

Quân Trần VN
Ở Việt Nam ai cũng hiểu được vấn đề mà ông tiến sĩ Alexander dẫn giài. Nhung Riêng tôi vẫn nghĩ, nếu chiếu theo qui luật ''mạnh thắng yếu thua'' thi chúng ta không có gì phải lo sợ, Trung Quốc mạnh sẽ có nước khác mạnh hơn để dạy dỗ, vấn đề là Việt Nam phải làm sao để lấy được cảm tình và niềm tin đối với những nước mạnh hơn Trung Quốc, để Việt nam nhận được sự ủng hộ của họ. Linh cảm của tôi lại thấy rằng, còn có một điều gì đó nữa ở phía sau kịch bản này

Ohita HN
Mọi chính sách để tự bảo vệ trong thế giới hiện tại là phải dựa trên luật quốc tế. Danh chính ngôn thuận để tự bảo vệ mình. Đừng làm gì đi ngược lại lợi ích của quốc tế thì sẽ chiếm được sự quan tâm của đa số. Một nước lớn không thể đánh cùng một lúc với nhiều nước nhỏ. Vậy hiện nay, chính sách ngoại giao tốt, đa phương hóa quan hệ quốc tế chính là đường lối để Việt Nam tự bảo vệ mình. Trung Quốc chẳng làm gì được Việt Nam nếu quan hệ quốc tế của Việt Nam duy trì tốt.

Sakura Nhật bản
Tôi đồng quan điểm với các quý vị Paul N và PPT. Còn ý kiến của "Ngài" Wise Quan chức Việt Cộng thì cần phải xem lại. Ngài muốn cầm vũ khí Nhật để chống Trung Quốc hả? Hành pháp này, xưa như trái đất rồi!

Vô Vĩnh Viễn
Ngụ ngôn có câu: Nói thì giỏi, làm chẳng được bao nhiêu. Bài viết của ông Lâm cũng không có gì mới mà báo đài đã nói trong thời gian qua. Cuộc sống sẽ chứng minh tất cả. Tuy nhiên, nếu không là người Việt Nam thì nói chuyện Việt Nam thì có gì đó khôi hài và thiển cận.

Phạm Lợi TP. HCM
Ông viết hay có logic nhưng tôi thấy bi quan quá. Nge ra thi phương pháp thứ 5 là ổn nhất. Nhưng nếu như VN chọn giải pháp này cũng khó. Có thật sự Mỹ, Nhật sẽ giúp mình. Mỹ rất thực dụng đã từng bắt tay TQ hy sinh VNCH và hiện nay Mỹ cũng có nhiều ưu tiên. Quyền lợi của Mỹ ở Đông Nam Á cũng không quá lớn như chúng ta tưởng. Còn việc tác giả viết về điều tra ở TQ thì Mỹ, Nhật, Việt Nam là 03 nước người TQ ghét nhất.... Số liệu này có trung thực không?. Nếu là sự thực thì đảng CS Việt Nam không nên rao giảng đạo lý mê hoặc dân mình về một nước bạn răng hở môi lạnh như TQ được.

Giang NCT Hà Nội
Đảng CS Việt Nam và Đảng CS Trung Quốc tuy 2 nhưng là 1. Nhưng Đảng không đại diện cho cả dân tộc Việt. Tôi sẽ khóc nếu một ngày thể chế dân chủ thực sự có trên toàn cõi Việt Nam. Đa Nguyên Đa Đảng dẫn đến Đảng cầm quyền là do dân bầu và vì dân thì mới tính được đường lối chống Trung Cộng. Tôi mới chỉ 19 tuổi và Đảng hãy biết rằng thế hệ tôi rất nhiều người như tôi.

Đoàn Kiến Quốc
Tôi đồng ý với các chính kiến và nhận xét đúng có cơ sở lý luận của các bạn bởi vì tôi là nguời VN ,tôi yêu lịch sử hào hùng và Tổ Quốc tươi đẹp VN . Nhưng các bạn ạ ! Lịch sử chúng ta phải nhìn nhận và đánh giá trên nhiều bình diện ,nhiều khía cạnh và góc độ khác nhau . Chúng ta hãy để quá khứ và thực tại của lịch sử VN- TQ (chính trong lòng người dân Trung Quốc - ĐCSTQ hiẻu rõ hơn ai hết và luôn luôn mâu thuẫn ) hãy để chính họ và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới và các nhà sử học thế giới đánh gía ,bình luận, mổ sẻ ,phanh phui . Tôi tin tuởng rằng sự thật lịch sử và nhân chứng lịch sử mãi mãi còn đó không có thể đổi trắng thay đen được.Chúng ta đang sống năm 2009 trong thế giới hòa bình và phồn thịnh chúng ta nên tạm gác ! lại quá khứ và huớng tới tuơng lai tươi sáng tốt đẹp hơn ( Hòa Bình - Hữu nghi - Hơp Tác -Phát triển & thịnh Vượng ).Đó cũng là mong muốn chung của cả hai dân tộc Việt - Trung và các quốc gia trên toàn thế giới. Xin cảm ơn các bạn . Chúc các bạn thànhcông.Chào thân ái ! Đoàn Kiến Quốc- VN

Conan Sài Gòn
Một số bạn nói biết ơn TQ vì đã giúp đỡ VN trong chiến tranh chống Pháp, Mỹ & VNCD. Tôi thì nghĩ ngược lại. TQ muốn sử dụng CS Bắc Việt để đánh Mỹ & VNCH vì lúc đó VNCH theo Mỹ và dĩ nhiên TQ không muốn đồng minh của Mỹ hiện diện sát sườn TQ như Hàn Quốc, Đài Loan hiện tại. Cho nên TQ tiếp tế cho bắc CS đánh VNCH là vì lợi ích của TQ chứ không phải vì giúp VN như các bạn lầm tưởng & nghe tuyên truyền của CS.

Nguyễn Tư Văn
Kinh nghiệm trong lịch sử chiến tranh VN đã cho thấy VN luôn "vừa đánh, vừa đàm". Tức là chỉ dùng con đường ngoại giao, thì không thể thắng được kẻ địch. Nếu không có chiến thắng Điện Biên Phủ, thì không thể có Hiệp định Giơnevơ về hòa bình ở VN. Nếu không có sự thất bại của chiến dịch ném bom B52 ở miền Bắc, thì người Mỹ chưa thể chịu ngồi ký Hiệp định Pari về rút quân khỏi VN cuối năm 1972. Bởi vậy chiến lược răn đe ngoại giao của ông Vuing không ổn lắm. VN cần phải sử dụng tất cả các vũ khí có trong tay, không loại trừ bất kỳ khả năng nào, ngoại giao, kinh tế,,,,nhưng quan trọng nhất, vẫn là củng cố khả năng quốc phòng. Yếu nhất của VN hiện nay là hải quân. Nhưng mọi người hẳn còn nhớ báo chí trong nước đưa tin công nghiệp đóng tàu của VN hiện nay nằm trong top 5 nước mạnh nhất thế giới đó sao.

Wise
Là nước lớn, có vũ khí hạt nhân, bản chất lại tham lam, TQ khó tránh khỏi việc ăn hiếp VN trong tương lai. Với tầm nhìn chiến lược, các thành phần trong Bộ CT chắc hẳn biết rõ điều đó hơn ai hết, không cần ai phải nhắc nhở.

Đối với phía Nga, TQ đã có những hiệp ước quân sự ngầm. Hiện tại, trên thế giới TQ chỉ sợ có Mỹ và đồng minh quân sự thân cận số một của Mỹ là Anh và Israel (thật ra, không công khai tiết lộ nhưng ai cũng đoán là Israel cũng có vũ khí hạt nhân từ lâu).

Nhật mặc dù là cường quốc kinh tế, viện trợ và giúp đỡ VN ta rất nhiều, nhưng vì không thể có được vũ khí nguyên tử nên không là đối thủ của TQ trong tương quan quân sự.

Pháp tuy không thân thiện với Mỹ như Anh và Israel, nhưng thực tế vẫn luôn là đồng minh quân sự của Mỹ nếu có chiến tranh xảy ra.

Vậy ra, suy cho cùng VN cố gắng là đồng minh thân cận của Mỹ sẽ có thể giữ vững được an ninh lãnh thổ. Nhưng biết làm sao hơn khi những đầu óc căm thù "giặc Mỹ" vẫn còn chưa nguôi ngoai mặc dù đã qua hơn 30 năm chiến tranh "chống đế quốc"?

Giấu tên
Những điều ông Lâm nói, người trong nước đều biết cả. Chỉ muốn nhờ ông làm rõ hơn Việt Nam mà ông nói trong bài viết là Ai và của Ai? Và như thế Ai sẽ mong muốn gì và họ mới biết cần thiết phải làm gì? Nếu không thì mọi chuyện chỉ là đàm tiếu cho vui mà thôi.

ABC
Tôi ủng hộ những phân tích và nhận định của tiến sĩ Alexander Vuving. Bài viết của ông tuy rất ngắn so với một đề tài mang tính chiến lược về tương lai của VN, nhưng bài viết khá xúc tích, cụ thể và gợi ra nhiều điều đáng để suy nghĩ.

Tôi mong CSVN không đặt lợi ích chính trị của Đảng lên quá cao, hãy đặt lợi ích của quốc gia lên hàng đầu, và vì vậy, hãy tham khảo bài viết của tiến sĩ Alexander Vuving.

Dân
Nếu Trung Quốc tấn công Việt Nam, một trong những yếu điểm là mạng internet kết nối Việt Nam và quốc tế, nếu đường cáp quang bị cắt đứt thì mạng Việt Nam bị cô lập và những dịch vụ tài chính thương mại hoặc tin tức từ thế giới đều bị ngưng trê.

Cách đây chừng một năm điều này đã xảy ra khi có trận động đất ở Đài loan lằm đứt dây cáp quang nối qua Hongkong. Thiết tưởng chúng ta cần bảo vệ bằng cách dùng mạng vệ tinh hoặc là nối cáp quang đi qua Singapore nhiều hơn là Hongkong.

PPT
Phân tích của Tiến sĩ có phần sâu sát, nhưng các giải pháp thì đưa ra chưa ổn. Thứ nhất, trên một bàn cờ cần để cho đối phương thấy rằng tất cả quân cờ đều có thể gây hại.

Cả 5 giải pháp đều được quan tâm với những ưu tiên khác nhau tùy thời tùy thế, chứ không tách riêng.

Thứ hai, hảy coi ngoại giao như một thế cờ chứ không phải một "răn đe". Hàng xóm ta quá ư to con để có thể làm ẩu, hoặc khi "hiếp dâm" (thôn tính), hoặc khi ẩu đã (đánh nhau) nếu thấy chúng ta dùng thế ngoại giao để làm mất ảnh hưởng của họ trên trường quốc tế. Vấn đề bây giờ là phải tự thân tạo nên khối lớn, mà trước hết là với các nước Đông Nam Á nơi cùng chung trong một tổ chức. Thời Thế hiện nay TQ coi ĐNA là một đối trọng.

Sự lơ là của VN với khối là điều sai lầm. Hãy nhớ rằng tất cả các nước ĐNA đều sợ TQ xâm lấn và một số trong họ cùng chung quyền lợi Biển Đông. Người Mỹ hay Âu Châu sẽ phải bảo vệ vị thế một khối ĐNA cho dù có thể bỏ rơi VN nếu quyền lợi ở đó không đáng để tranh đua với TQ.

Người ta có câu "nước xa không cứu được lửa gần". Cái Thế của VN bây giờ là khối ĐNA, còn cái Thời của VN chưa đến bao lâu chủ nghĩa CS còn ngự trị độc tôn trên đất chữ S.

Nu
Tôi đồng ý với ý kiến của ông tác giả. Viet nam chỉ có thể răn đe bằng ngoại giao. Nhưng e rằng ngay cả vấn đề này Trung quốc cũng đã có các biện pháp ngăn chặn mất rồi.

Thực ra Trung quốc không chi muốn có Việt Nam đâu. Trung quốc muốn nhiều hơn cơ. Hãy nhớ rằng người Trung quốc dạy nhau từ lúc còn trẻ con rằng mục tiêu của người đàn ông Trung quốc là "Tế gia, trị quốc, bình thiên hạ".

Họ muốn cả thế giới. Nhưng Việt Nam là nước gần họ, không phải là nước quá nhỏ, và cũng yếu hơn các Đại quốc như Nga và Ấn Độ. Vì vậy quan hệ Trung-Việt không chỉ phụ thuộc vào quan hệ hai nước mà phụ thuộc vào quan hệ giữa Trung quốc với các nước khác. Nói cách khác, Việt Nam luôn là nước mà họ mang ra mặc cả với các nước lớn.

Sự thật
Nhiều người lên án TQ, một số phản đối chính quyền về những vấn đề quan hệ VN – TQ. Theo tôi, người lãnh đạo cũng là công dân VN nên họ cũng có mong muốn bảo vệ đất nước.

Tuy nhiên, do vấn đề rất phức tạp mà nhiều khi chúng ta không biết được, nên họ chỉ có thể làm theo hướng có lợi nhất cho đất nước. Chúng ta còn yếu về mọi mặt nên lép vế là điều tất nhiên, tuy có hơi ấm ức một chút nhưng bù lại ta có cơ hội để sống và làm ăn.

Tôi mong rằng mỗi người chúng ta cùng cố gắng phát triển kinh tế và khoa học, đặc biệt là khoa học kỹ thuật quân sự. Thử hỏi chúng ta có thể làm gì một cách thiết thực và hiệu quả ngoài việc hô khẩu hiệu phản đối TQ: liệu ta có thể dùng sức mạnh kinh tế để chèn ép TQ, hay ta có thứ vũ khí quân sự g! để răn đe TQ?

Khi nào chúng ta mạnh lên như đất nước Israel thì tự khắc TQ phải giao nộp lại đất đai, biển đảo mà chúng đã cướp lại cho VN. Ngoài ra, tôi mong BBC có thêm bài viết về vấn đề ảnh hưởng về kinh tế, văn hóa TQ hiện nay đối với VN. Có vẻ như rất nhiều người chưa nhận ra là VN quá phụ thuộc vào kinh tế của TQ. Về văn hóa thì hết chỗ nói, truyền hình từ TW đến địa phương đưa nhau chiếu phim tàu. Dường như nhiều người có chỉ định nghĩa độc lập về mặt lãnh thổ thôi.

Paul N
Bài TS Vũ, chung quy cũng “thân Mỹ”, hoặc “thân hơn” với khối ASEAN, bao vây TC, nằm trong chiến lược của Mỹ? Hay là cả Ấnđộ cũng lôi cuốn vào cuộc?

Chiến lược thân mỹ, VC cũng đã làm rồi. Trong khi Mỹ đang cân nhắc “quyền lợi” giữa TC và VC bên nào lợi hơn? Giả sử Mỹ quay lưng thì VC phải làm sao? Thậm chí Mỹ còn gài cho “Cộng sản đánh Cộng sản”, “Ngư ông hưởng lợi”, thì sao?

Thành sự tại thiên, thành sự hay không là do lòng dân, vì lòng dân là lòng trời. Khối ASEAN và cả thế giới thấy anh điều hành đất nước của anh mà không đoàn kết được nhân dân của anh, làm sao tôi dám tin anh?

Nobody
Vũ Hồng Lâm viết bài hay. Cứ như ông vừa đi qua ba cuộc chiến mà người đồng chí vừa ra roi đánh anh bạn láng giềng. Năm phương pháp ông đưa ra quả là thuốc tiên để chữa căn bệnh khuất nhục của chính giới Việt Nam. Nhưng với điều kiện 15 vị đó vẫn còn là người Việt. Chúng tôi e là họ cũng bị Hán hóa mất rồi!

 
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 910 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 79
Khách: 79
Thành Viên: 0