Thứ Ba, 2024-12-24, 8:15 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Hai » 19 » Một âm mưu bất thành - Gậy ông đập lưng ông
12:42 PM
Một âm mưu bất thành - Gậy ông đập lưng ông

JB Nguyễn Hữu Vinh

Khi UBND Thành phố Hà Nội chặt đứt con đường đối thoại, sử dụng đội ngũ cảnh sát trang bị tận răng, chó nghiệp vụ và nhiều “lực lượng tổng hợp” khác để xây dựng công viên trên hai khu đất chiếm đoạt là Toà Khâm sứ và Giáo xứ Thái Hà, những lý do nghe rộn rã và đầy đạo đức được đưa ra “với mục đích tạo thêm điểm sinh hoạt văn hóa cho cộng đồng dân cư, cả lương và giáo” – Theo lời của Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội (Báo Hà Nội mới online ngày 21/9/2008)

Cái gọi là “tác giả” Anh Quang một bồi bút chuyên nghiệp, chuyên sản xuất các sản phẩm xuyên tạc sự thật, vu cáo giáo dân cũng như hàng ngũ tu sĩ đã không còn cơ hội nào hơn để tán tận trời xanh: “Hai công viên mới khánh thành - hai lẵng hoa đẹp giữa lòng thành phố ngàn năm tuổi… lợi ích của nhân dân là trên hết” (Báo Hà Nội mới online ngày 13/10/2008).

Tuy nhiên, ít ai biết được những lý do nào để hai công viên hoàn thành một cách nhanh chóng như chạy giặc? Có thể nhiều người chưa thấy được hết ẩn sâu đằng sau hai sự việc đó có ý nghĩa gì. Thậm chí có người còn nói: “Đó là một sáng kiến hay, dù sao hai khu đất cũng chưa bị cướp đoạt và chia chác cho tư nhân như ý đồ ban đầu, cơ hội để hai khu đất đó về lại với Giáo hội vẫn còn đó thì có nghĩa là vẫn còn nhiều khả năng”.

Thực ra, khi đặt vấn đề làm vườn hoa, các nhà hoạch định đã ngẫm đến những điều sâu xa hơn nhiều, đâu chỉ vì lợi ích của nhân dân như họ đã nói ở trên. Khi phá bỏ khuôn viên Toà Khâm sứ Hà Nội, có mặt Uỷ viên Bộ Chính trị Đảng CSVN, ông Bí thư Thành uỷ Phạm Quang Nghị, như vậy đâu chỉ là chuyện làm việc ngẫu hứng?

Để tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi đã đi khảo sát một vòng thực địa.

Vườn hoa Toà Khâm sứ, gặp cán bộ văn hoá thiếu văn hoá

Trong khi chuẩn bị đón phái đoàn Toà Thánh đến thăm Toà Tổng Giám mục Hà Nội và dâng lễ tại Nhà thờ Lớn, khoảng 4 giờ, chúng tôi rủ nhau đi loanh quanh một vòng cho đỡ sốt ruột.

Từ ngày nhà nước biến Toà Khâm sứ thành vườn hoa một cách “đặc biệt”, tôi chưa lần nào bước chân vào đó. Hôm nay, tôi cùng anh bạn ghé xem vườn hoa như thế nào sau bốn năm bận xới lên đào xuống.

Cảnh đầu tiên đập vào mắt là vườn hoa đã khá đẹp nhưng vắng tanh vắng ngắt, dù bây giờ là chiều Chủ nhật, một trong những thời khắc hiếm hoi mà người dân hay thả bộ hoặc thư giãn nơi có không gian rộng.

Nhưng tịnh không, ở đây vắng vẻ đến rợn người bên cạnh đường đi khá tấp nập và dòng người chen chúc bên Bờ Hồ cách đó không xa.

Mỗi góc công viên, vài ba bảo vệ co chân lên ghế ngồi ngáp vặt. Bảo vệ ở vườn hoa này không ít, có tất cả chừng bảy tám người mặc đồng phục. Tưởng thế là hết, đâu ngờ sau đó chúng tôi mới biết một số mặc may ô, mặc thường phục cũng chính là bảo vệ nơi đây.

Chúng tôi gặp và hỏi họ thì được biết: Họ có ba ca làm việc, và được hưởng lương cán bộ công chức hẳn hoi. Thế mới hiểu vì sao hệ thống công chức và cán bộ ăn lương từ tiền ngân sách của nhân dân nhiều đến thế.

Cả khu công viên vắng lặng, nhà Thư viện đóng im ỉm, bảo vệ nói rằng trong đó cũng có các loại sách về chính trị xã hội, nhưng giờ muốn vào đó thì không được. Chúng tôi đi quanh một vòng vườn hoa, lá khô bay đầy lối đi, có những bảo vệ ngồi ở các góc hoang vắng.

Tiện máy ảnh trong tay, tôi chụp vài kiểu ảnh làm kỷ niệm lần đầu đến vườn hoang.


Thật bất ngờ, như từ dưới đất chui lên, một người mặc áo phông, quần bò mặt mũi hầm hầm chạy đến:

- Anh ở đâu?

Tôi thấy hơi buồn cười cho cách hỏi han rất “cán bộ nhà nước” với “ông chủ nhân dân”:

- Tôi ở đây, trước mặt anh.

- Anh ở đâu mà dám đến đây chụp ảnh, ai cho chụp ảnh, không được chụp ảnh ở đây!

- Tôi ở đây, đang đứng trước mặt anh, anh là ai mà dám tự nhiên chặn đường hỏi tôi như thế? Anh là gì mà dám cấm tôi chụp ảnh? Ai cấm chụp ảnh kỷ niệm trong công viên? Biển cấm chụp ảnh đâu?

Dường như thấy bắt nạt không đúng đối tượng, anh ta rút điện thoại gọi. Một lát sau, một người mặc may ô chạy đến giật cái máy ảnh trong tay tôi, và đấm vào miệng tôi, may tôi tránh kịp nên cú đấm chỉ sướt qua môi chảy máu. Còn máy ảnh đã được tôi quàng dây qua cổ nên hắn không giật được. Hắn to tiếng chửi rủa om sòm nào là bố tao là ông này, ông nọ… Tôi bảo:

- Này anh, nếu anh có là con Nguyễn Minh Triết, mà cướp máy ảnh của tôi và đánh người vô cớ thì cũng là vi phạm pháp luật, tôi sẽ yêu cầu bảo vệ ở đây giữ anh và lập biên bản.

Ngờ đâu là tôi nhầm, anh ta chạy ngay vào phòng dưới của “Thư viện” lấy ngay bộ quần áo bảo vệ khoác lên người.


... lấy ngay bộ quần áo bảo vệ khoác lên người.

Khi đó, một đoàn bảo vệ mới xuất hiện đông đúc, một số người dân đi qua thấy cảnh đó đã kịp thời xông đến can thiệp. Thấy có vẻ không doạ nạt được, ông bảo vệ áo may ô rút điện thoại và đe doạ: “Tao gọi con tao”, quả là nực cười, bây giờ bảo vệ nhà nước có biên chế cả bố cả con.

Một lúc sau, một thanh niên da  mai mái mặc quần đùi áo phông chạy đến chửi rủa om sòm. Nhưng thấy quá lố, một số bảo vệ đã kéo hắn ra ngoài thì thầm và giữ hắn lại. Khi đó một số giáo dân thấy vậy đã ra xem và một số người hiếu kỳ kéo đến.

Về sau, một số giáo dân cho biết, vốn anh này trước cũng là dân công giáo, nay theo tiếng gọi của đảng, nhà nước và được trả tiền nên trở thành “quần chúng tự phát”, được vào làm bảo vệ ở đây, con cái bị nghiện ngập nặng nề.

Khen cho lực lượng nhân sự nhà nước khéo chọn người, đúng tiêu chí lấy “tôn giáo diệt tôn giáo”.

Một lúc sau, ô tô cảnh sát xuất hiện, một số cán bộ được tăng cường, mặc quần áo thường dân.

Còn anh chàng mặc áo phông quần bò quát nạt kia thì “lặn” mất tăm vào khu dưới tầng hầm nhà “Thư viện”.

Tôi cứ ngờ ngợ, một lúc sau mới nhớ ra là ngày 25/1/2008 tôi đã thấy người này, khi giáo dân cầu nguyện ngoài hàng rào, anh ta chỉ đạo nhiều việc trong đó, kể cả khi bắt chị người Mường và luật sư Lê Quốc Quân. Nhưng khi giáo dân tràn vào Toà Khâm sứ, mặt anh ta tái nhợt và anh ta chỉ dám xưng mình là bảo vệ. Khi các linh mục đến để giải quyết, anh ta lại xưng mình là cán bộ. Quả là anh chàng này cũng biến hoá khôn lường thật.

Chỉ có một điều, sau đó tôi nghe rằng đâu như anh ta là Phó Giám đốc Văn hoá gì đó của quận? Tôi nghĩ về nét văn hoá của anh “cán bộ văn hoá này”. Khi làm việc với các linh mục trong gian nhà kho, anh ta vẫn đội sùm sụp cái mũ bảo hiểm xe máy, đến khi phía nhà thờ yêu cầu làm việc nghiêm túc phải bỏ mũ ra, anh ta mới chịu bỏ.

Và hôm nay gặp lại anh ta, khác hẳn với gương mặt tái nhợt, nói lắp bắp hôm nào, nhưng thái độ thì vẫn vô văn hoá, hách dịch và thiếu lịch sự tối thiểu làm tôi hiểu hơn vì sao ở Hà Nội, mọi ngõ phố, khu vực đều là khu phố, tổ văn hoá mà quá nhiều biểu hiện của sự thiếu văn hoá trên đất thủ đô ngàn năm văn hiến này.


Một giáo dân hỏi tôi, vườn hoa được coi là “của nhân dân” nhưng hình như những người công giáo chúng ta không được coi là nhân dân, bị ngăn chặn, bị rình mò thù địch khi đến đó, phải chăng đó là câu nói thật? Hay nhà nước chỉ coi những người như anh chàng bảo vệ kia mới là công giáo, còn chúng ta chỉ là người ngoài hành tinh?

Công viên, vườn hoa – nhu cầu có thật.

Nơi đất chật người đông như Hà Nội, khi mà mọi nơi đều là dự án là công trình liên doanh đầu tư đua nhau mọc lên tấc đất không chỉ là tấc vàng thì những nơi giải trí, công cộng dần dần thu hẹp lại.

Công viên Thủ Lệ đã biết bao lần được báo chí phàn nàn phản ứng, nhưng đất vẫn cứ bị sử dụng trái mục đích. Bao nhà hàng, chỗ ăn chơi cứ lấn dần khung cảnh công cộng, ở những nơi công cộng đó làm gì có tiền để “đầu tư”? Vì vậy nên đành để biến tướng thành khu phục vụ.

Chúng tôi đến công viên Thống Nhất chiều thứ 2 đầu tuần, khác với công viên vườn hoa Toà Khâm sứ, ở đây tấp nập các tốp người từ già đến trẻ, đủ mọi lứa tuổi, thành phần. Nhiều người cởi trần chạy bộ, người tập dưỡng sinh, nhóm nhỏ học sinh đá bóng, đám phụ nữ tập thể dục nhịp điệu. Công viên ngày thường mà như ngày hội.

Đến khu vực phía Bắc công viên, hàng rào tôn cao lừng lững chặn ngang một khu đất gần rạp xiếc đang ngổn ngang máy móc và cần cẩu để thi công xây dựng khách sạn bốn sao. Toàn bộ cây cỏ đã bị dọn sạch. Những hàng cây bên ngoài hàng rào, như cùng đồng ý nhường chỗ cho khách sạn nên rủ nhau chết(!), trơ trọi cành khô trong buổi chiều đầu xuân.

Bên cạnh hồ nước công viên là một con đường, những đoàn người già trẻ quần cộc hoặc cởi trần đang chạy bộ, đang đi dạo xung quanh hoặc tập thể thao. Mai đây, khi khách sạn bốn sao mọc lên, thì có ai dám can đảm cởi trần đi qua khu vực đó nếu không muốn nhận một câu chửi thề “đồ điên”?



Tối, chúng tôi lại đi qua công viên, kiểm nghiệm xem công viên về đêm ra sao. Từng đôi nam nữ đang tình tự với nhau ở nhiều cấp độ. Ở đó họ coi công viên như phòng ngủ. Lấp ló đằng sau các gốc cây, là những kẻ đang rình mò, chờ các đôi nam nữ say sưa là móc túi, trấn lột. Những mảng tối và sáng hiếm hoi trong công viên, đã là nơi cho các tệ nạn xã hội phát triển.

Và chúng tôi đã hiểu ra thâm ý của các “nhà quy hoạch” khi làm công viên nơi Toà Khâm sứ và Thái Hà cũng như nhiều nơi khác trên đất nước này là đất đai của nhà thờ, dòng tu.

Vài điều suy nghĩ về một âm mưu

Không phải ngẫu nhiên mà đất nhà thờ, đất dòng tu thường bị chiếm đoạt để kinh doanh những dịch vụ giải trí, thường là bể bơi, khu nhảy nhót, ăn chơi, ăn uống dịch vụ. Và khi không thể nuốt trôi, người ta làm vườn hoa công viên.

Điểm qua một số khu đất của Thánh thất, của nhà thờ, người ta dần dần thấy đằng sau đó là cả một sự thâm hiểm. Sự hiểm ác đó, ít khi người thường thấy được.

Một dòng tu là nơi có sự cách biệt với sự trần trục ngoài đời. Những nơi thâm nghiêm như Toà Giám mục, nơi ở của các nữ tu, các chủng sinh, các linh mục… được thiết kế cách biệt bởi những khu vực đệm, hoặc những bức tường cao cổng kín.

Khoảng không gian đó giúp cho những người tu hành có cơ hội tốt hơn để sống trọn đời tu bỏ thân xác và cái riêng của mình. Những chốn ăn chơi không được bén mảng đến, các thú vui trần tục không được tiếp xúc. Tất cả nhằm để người tu hành không bị các cơ hội vấp ngã quyến rũ làm mất đi sự khiết tịnh và dâng hiến của  đời tu.

Nhưng dường như hiểu điều đó, các lãnh đạo đã tận dụng hết mọi cơ hội để mang đến cho các dòng tu, các toà giám mục và nhất là các linh mục những điều đó bằng mắt thấy, bằng tai nghe, bằng nhiều phương pháp khác nữa.

Hãy điểm lại vài “dự án”, vài công trình thì chúng ta sẽ rõ:

Khi chiếm đoạt Toà Khâm sứ trước đây, chính quyền đã cho xây ngay bên canh ngôi nhà của Toà Khâm sứ, Toà Tổng Giám mục Hà Nội một cái gọi là “Nhà văn hoá” của Hoàn Kiếm, hằng đêm thanh niên nhảy nhót, gào thét, đem cả vào giấc ngủ những kẻ tu hành những lời trần tục, bẩn thỉu. Hàng ngày là những hò hét của đám cưới, của nhạc hội, những ngày lễ lớn của Công giáo là những ngày ở đó mở đủ loại nhạc hội…

Chưa hết, ngay trước phòng nghỉ của các linh mục và nhà khách họ cho xây một bể bơi công cộng. Các nam nữ thanh niên chiều chiều trong những bộ đồ tắm ngả mình dưới nước nhìn lên tầng 5 Toà Tổng Giám mục và nhà khách các linh mục. Thử hỏi có cách nào để sỉ nhục người tu hành hữu hiệu hơn chăng? Năm 2000, người ta đã dự tính xây dựng ở đó khu nhà 7 tầng cho mục đích kinh doanh, ăn chơi. Bắt đầu từ đó, sự phản ứng của nhà thờ mới càng quyết liệt hơn như chúng ta đã biết.

Khi không thể chuyển hoá được thành các tài sản tư nhân hay tổ chức nào đó, họ dở con bài nhân nghĩa “vì lợi ích của nhân dân là trên hết” để lại làm công viên, vườn hoa.

Bên cạnh đó, các nữ tu dòng Mến Thánh Giá Hà Nội ngày ngày ra vào sẽ được ngắm các đôi thanh niên nam nữ tình tứ, như để khiêu khích cuộc sống tu hành. Có thể những người đến đó là sự vô tình, nhưng với người chủ trương, đó là sự cố ý có chủ định rõ ràng.

Vườn hoa Thái Hà cũng không là ngoại lệ, nó nằm ngay bên cạnh nhà dòng và cơ sở nhà dòng hiện đang “bị mượn” để làm bệnh viện, tất cả cũng nằm trong một chuỗi những sự việc và ý tưởng giống nhau. Ngay trong khu vực bệnh viện hiện nay, nhà nguyện của Dòng bị biến thành hội trường, chỗ nhảy nhót, tượng Thánh giá đã bị che lấp bởi Quốc huy, Bàn Thánh đã bị bịt ngang bởi câu khẩu hiệu “Đảng cộng sản Việt Nam quang vinh”? Khi mà nhà nguyện tôn giáo đã bị biến thành chốn ăn chơi sa đoạ thì đó không thể là sự quang vinh, đó là sự nhục nhã và thiếu đạo đức cơ bản của con người.

Khi chúng tôi đến Dòng Chúa Cứu thế 38 Kỳ Đồng, Sài Gòn, cảnh tương tự cũng diễn ra. Ngay bên cạnh nhà dòng là khu hồ bơi, nguyên là đất của nhà dòng, nghe nói được mượn làm dự án cho người nghèo. Nhưng những người nghèo bây giờ sử dụng khu đất này là những kẻ thừa tiền, thiếu sự truỵ lạc, ở đó nhảy múa, bơi lội và hò hét suốt đêm. Các tu sĩ và linh mục thường xuyên bị tra tấn hàng ngày.

Còn nữa, khu vực của Dòng Nữ tử Bác ái Vinh Sơn cũng nhằm mục đích là vũ trường, là những thứ luôn ngược đời với đời sống người tu trì và bảo hạnh.

Mới đây, khi vào Huế, chúng tôi đến Đan viện Thiên An. Đan viện này nằm trên một quả đồi cách xa khu dân cư cho hợp với một dòng chiêm niệm. Nhưng trớ trêu thay, khu đất cả trăm hecta của họ đã bị cưỡng chiếm mất hơn 100ha giao cho lâm trường Tiền Phong. Và sau đó lại bổn cũ soạn lại rất đúng chủ trương là làm dự án “khu vực vui chơi giải trí”, nơi để thanh niên diễn những trò nghỉ ngơi, picnic cuối tuần. Chính ở đó đã có những trận đâm chém nhau đến chết khi ăn chơi. Đó là vụ 5 cầu thủ đội Thừa Thiên Huế, trong đó có cầu thủ Lê Văn Trương của đội Thừa Thiên - Huế, đồng thời là tuyển thủ quốc gia gây sự trong sự việc trên.

Chắc không thể kể hết những vụ việc, những dự án, những nơi thờ tự bị chiếm đoạt biến thành nơi ăn chơi tương tự ở khắp nơi trên đất nước này. Thử hỏi xem trên thế giới, có đất nước nào dám làm những việc ngang ngược và cực kỳ kiêng kỵ về đạo đức làm người như vậy không? Dù chưa được tổng kết, nhưng chắc chẳng có nhiều, may ra có ở đất nước của những “người cộng sản trong sạch và chân chính” Campuchia thời Khơme đỏ, hay ở đất nước Trung Quốc cộng sản thời “cách mạng văn hoá”.

Những việc làm đó đưa lại những lợi ích gì cho xã hội? Thái độ của người dân ra sao đối với những sự việc bất nhân nghĩa ấy?

Khi chúng tôi hỏi một thanh niên bị nạn móc túi trong công viên sao không đến công viên Hàng Trống mà chơi, lại đến những chỗ như công viên để bị móc túi? một thanh niên trả lời: “Bọn em là sinh viên nghèo, cũng thỉnh thoảng đưa bạn đi chơi ở công viên hơi ngại, nhưng cái vườn hoa đó là của đất nhà thờ nên bọn em chẳng dám đến, mình là thanh niên, dù em không phải là dân công giáo nhưng đến những chỗ đó nhiều khi bất kính, dù là vườn hoa cũng phải tội.

Không chỉ có công viên vườn hoa Toà Khâm sứ vắng lặng đáng ngờ, mà khi chúng tôi đi qua vườn hoa Thái Hà cũng tương tự, hầu như không có bóng người, thỉnh thoảng một vài người quá bộ qua đó, họ đi nhanh qua khu vực đường cạnh rồi về.


Hai vườn hoa được xây dựng “đặc cách” đã thật sự đúng nghĩa mà người dân vẫn gọi là “vườn hoang”. Điều đó nói lên thái độ của người dân đối với những hành động, mục đích của người lãnh đạo đặt ra. Thực tế đã chứng tỏ một điều: Dù xã hội có hỗn loạn về đạo đức, có xuống cấp về luân lý, thì những người Việt thật sự vẫn có sự kính trọng và kiêng nể, e dè khi động chạm vào tôn giáo, thần linh.

Thái độ của người dân Hà Nội tránh xa những sản phẩm độc hại về mục đích, ngược với luân lý xã hội đó của những người lãnh đạo là thái độ đáng có của con người. Những thái độ bất hợp tác trong việc biến đất thánh thất thành chốn ăn chơi, truỵ lạc, thành nơi cho các tệ nạn xã hội nhằm trêu ngươi, sỉ nhục những chốn tôn nghiêm của tôn giáo như vườn hoa Toà Khâm sứ và Thái Hà, là một sự thất bại nặng nề của một âm mưu thâm độc - âm mưu của những nhà quy hoạch, hoạch định chính sách với tôn giáo này.

Hà Nội, ngày 16 tháng 2 năm 2009
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Nguồn: J.B Nguyễn Hữu Vinh
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 846 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0