Hoàng Cúc
Ải Chi Lăng
“Hiền tài là nguyên khí quốc gia”,
câu nói ngắn gọn, nhưng cũng diễn tả thật đầy đủ lòng trân trọng của
tiền nhân đối với những kẻ giỏi giang, những người được xem là tinh
hoa, là yếu tố quyết định chuyện thịnh suy hưng phế của cả dân tộc. Đọc
lại chuyện xưa, nhìn lại chuyện gần đây để nhận ra điều phải quấy có lẽ
vẫn là chuyện cần và nên làm.
Đọc lại chuyện xưa
Câu
trên đây được tạc trên tấm bia tiến sĩ khoa thi năm Nhâm Tuất, niên
hiệu Đại Bảo thứ 3, 1442. Tấm bia này được dựng năm Giáp Thìn, niên
hiệu Hồng Đức thứ 15, 1484. Người soạn văn bia là Thân Nhân Trung. Sự
kiện này được Đại Việt sử kí toàn thư ghi lại như sau:
“Vua
cho là từ năm Đại Bảo thứ 3 triều Thái Tông đến giờ, việc dựng bia, đề
tên tiến sĩ các khoa vẫn chưa làm được, sai Lễ bộ thượng thư Quách Đình
Bảo biên rõ họ tên, thứ bậc các tiến sĩ từ khoa Nhâm Tuất năm Đại Bảo
thứ 3 triều Thái Tông, khoa Mậu Thìn năm Thái Hòa thứ 6 triều Nhân
Tông, khoa Quý Mùi năm Quang Thuận thứ 4, khoa Bính Tuất năm thứ 7,
khoa Kỷ Sửu năm thứ 10, khoa Nhâm Thìn năm Hồng Đức thứ 3, khoa Ất Mùi
năm thứ 6, khoa Mậu Tuất năm thứ 9, khoa Tân Sửu năm thứ 12 đến khoa
Giáp Thìn năm nay, khắc vào bia đá.”
Đại Việt sử kí toàn thư còn cho biết thêm:
“Bọn
từ thần là Hàn lâm viện thừa chỉ Đông các đại thần học sĩ Thân Nhân
Trung, Hàn lâm viện thị độc Đông các hiệu thư Đào Cử, Đàm Văn Lễ, Ngô
Luân, Hàn lâm viện thị thư kiêm Tú lâm cục tư huấn Nguyễn Đôn Hậu, Hàn
lâm viện thị thư kiêm Sùng văn quán Tú lâm cục tư huấn Lương Thế Vinh,
Đông các hiệu thư Lê Tuấn Ngạn, Hàn lâm viện thị độc kiêm Tú lâm cục tư
huấn Nguyễn Xung Xác chia nhau soạn văn bia. Bọn Trung thư giám chính
tự Nguyễn Tủng và Thái Chúc Liêm cùng điển thư Phạm Lý vâng sắc chỉ
viết chữ. Kim quang môn đãi chiếu Tô Ngai vâng sắc chỉ viết chữ triện.”
Đoạn
văn trên không hề nhắc tới Đỗ Nhuận, nhưng liền sau đó, Đại Việt sử kí
toàn thư trích lại đoạn văn bia do Đỗ Nhuận soạn. Có thể nói, tư tưởng
nổi bật trong đoạn văn được trích lại trong chính sử cũng không khác
với tư tưởng trong văn bia do Thân Nhân Trung soạn. Đỗ Nhuận viết rằng: “Sự nghiệp trị nước lớn lao của Đế vương, không gì cần kíp hơn nhân tài …”
Trong
một cái nhìn toàn diện hơn, việc vua Lê Thánh Tông cho dựng văn bia tại
Văn Miếu là tiếp nối ý định của các vua đầu triều Lê, cũng là nối chí
các triều Lí - Trần. Việc này cho thấy bận tâm hàng đầu của các triều
đại trong việc đào tạo và kén chọn nhân tài lo việc nước. Trong cái
nhìn của người xưa, người hiền tài là kết tụ của tinh hoa sông núi.
Người có tài mà không được sử dụng là tội của nhà vua. Khi quốc gia có
tai họa, nhà vua tự xem xét kiểm điểm bản thân. Khả năng phát hiện và
sử dụng nhân tài là một trong những điểm mà nhà vua phải lưu tâm tự xét
mình. Như thế, câu văn “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” trong quá khứ
từng là triết lí chính trị, là “chủ trương lớn” của các triều đại.
Xem chuyện mới đây
Từ
nửa cuối thế kỉ 19, qua đầu thế kỉ 20, nước Việt Nam chịu sự đô hộ của
thực dân Pháp. Vận nước lúc đó suy vi, thiết tưởng không cần phải nói
nhiều. Tuy nhiên, nhìn lại lịch sử Việt Nam hơn nửa thế kỉ qua, tôi
không khỏi ngậm ngùi nhận thấy rằng người Việt chúng ta đã vì một ý
thức hệ ngoại lai nào đó mà vứt bỏ truyền thống tốt đẹp ngàn đời của
tiền nhân, nên nỗi bao chuyện thương tâm huỷ diệt và đè nặng khiến con
dân đất Việt không mở mày mở mặt nổi với thiên hạ!
Có thể nói bi
kịch bắt đầu với công cuộc giành độc lập năm 1945. Viễn tượng độc lập
vừa mở ra, cũng là lúc các đảng phái bắt đầu tranh giành ảnh hưởng, sát
phạt lẫn nhau. Không ít anh tài tuấn kiệt của đất nước đã mất mạng,
nhiều khi vì những lí do không đâu giữa các đảng phái.
Sau đó là
cuộc chiến chín năm với người Pháp với những tai hoạ khủng khiếp bắt
đầu lộ diện. Nước Việt trở thành bàn cờ để các nước lớn xâu xé, mặc cả
và chia chác. Nhân danh cuộc “đấu tranh giai cấp” , những người cộng
sản đã bắt đầu làm lại bản sao cuộc cách mạng xoá bỏ “giai cấp bóc lột”
ở những phần đất do họ kiểm soát, để rồi sau đó mở rộng cuộc tàn sát từ
vĩ tuyến 17 trở ra Bắc. Công cuộc này dĩ nhiên được họ tô hồng, nhưng
không sao che đậy được bao vết máu tím bầm trên thân thể Việt Nam.
Trong khoảng thời gian vài ba năm, họ đã dùng biện pháp khủng bố để
giết hại những kẻ được gọi là “có nợ máu với nhân dân” . Thực ra, những
người bị sát hại có cái tội là đã tổ chức làm ăn giỏi, tạo ra được
nhiều của cải. Phần lớn trong số họ làm những nông dân suốt đời cần
kiệm tích cóp, tính toán chăm chỉ làm ăn, là những nhà tiểu tư sản dân
tộc vừa bắt đầu áp dụng cung cách buôn bán và sản xuất theo kĩ nghệ Tây
phương. Có thể tạm xem họ là tầng lớp ưu tú trong nền kinh tế đất nước
vào thời điểm đó. Vậy mà bằng nền tảng là giấc mộng mơ màng của một
thiên đường phù phiếm, với tham vọng xây dựng từ đầu một xã hội hoàn
toàn mới trên máu và nước mắt, giữa tiếng gào thét kinh hoàng của biết
bao người, những kẻ từ rừng rú bước ra đã không ngần ngại xoá sạch tất
cả!
Chừng đó đau thương xem ra vẫn còn chưa đủ, những kẻ nắm
quyền sinh sát lại tiếp tục nhúng bàn tay đầy máu của họ vào một cuộc
thanh trừng mới, không đến nỗi “long trời lở đất” , nhưng cũng không
kém phần bi thảm.
Những người từng một thời cúc cung tận tuỵ “hi
sinh cho sự nghiệp cách mạng” đến lúc bắt đầu tỏ ra bất nhẫn với thói
cai trị độc tài ngạo mạn, miệng nói “sửa sai” , nhưng lại nghiền nát
mọi lời tố cáo sai lầm, đè bẹp mọi lời cảnh tỉnh. Họ là lớp người từng
được “bọn đế quốc” đào tạo, nên không chấp nhận thực tế quái gở là một
nhúm người tự cho mình cái quyền làm thay và nghĩ thay cho toàn xã hội.
Thế là vụ án mang tên “Nhân văn giai phẩm” ra đời, nhằm gom góp tất cả
những kẻ bắt đầu trở nên chướng tai gai mắt đối với đảng cầm quyền. Họ
bị kết tội, bị đày đoạ chỉ vì họ muốn suy nghĩ, sáng tạo, muốn nói lên
tiếng nói của riêng mình, chứ không chịu để cho đảng tự tung tự tác
nghĩ hộ, nói hộ. Những cung cách cư xử với nhóm “Nhân văn giai phẩm”
thực ra là cầm tù và giết chết mọi suy nghĩ và sáng tạo cá nhân. Bằng
cách đó, khá nhiều nhân tài của một thời cùng với con cháu họ đã bị
bách hại, huỷ diệt hay thui chột!
Tuy nhiên, loài người tự nhiên
vốn đa dạng. Đối với những người có chút chữ nghĩa ăn học, việc tự rập
khuôn theo lối nói, lối nghĩ của một nhúm người tự xưng là đảng “vô
địch” , cũng đồng nghĩa với việc tự tử về mặt tư tưởng. Chẳng chóng thì
chày những kẻ này sẽ bằng cách này hay cách khác bày tỏ suy nghĩ riêng
mình, dù họ cũng chẳng có ý định chống lại ai. Thế nhưng trong mắt
những kẻ ham mê quyền lực, lại tàn ác đa nghi, vài biểu hiện nho nhỏ
cũng đủ làm họ sợ hãi nháo nhác. Chính trong bối cảnh như thế mà một vụ
án mới mang tên “Vụ án xét lại chống đảng” chào đời với mục đích bóp
nát bất cứ kẻ nào vẫn còn muốn lẽo đẽo không chịu cun cút để “đảng
quang vinh” mớm cho từng lời từng ý.
Trong vài chục năm, lịch sử
Việt Nam đã phải chứng kiến sự vận hành khủng khiếp của cỗ máy huỷ
diệt. Cỗ máy này mang một sức mạnh kinh hồn vì dù sao bằng nhiều mánh
lới lừa bịp, nó cũng tổng hợp được sức mạnh cơ bắp của cả vài chục
triệu người đã bị bịt mắt để có thể lao vào bất cứ chỗ dầu sôi chảo lửa
nào theo ý muốn của vài kẻ cầm quyền!
Gần hai chục năm là thời
gian đủ để cho mấy nước lớn chia chác bàn cờ thế giới. Thế cờ Việt Nam
đã đến lúc phải có hồi kết theo kiểu phân chia lợi nhuận của đám con
buôn quốc tế. Trong khoảng hai chục năm đó, hai phía người Việt đã lao
vào nhau với tất cả mọi sức mạnh huỷ diệt để cùng nướng khoảng vài
triệu thanh niên, đất nước tan hoang đổ nát.
Ngày một số kẻ ca
khúc khải hoàn cũng là ngày số còn lại ôm mối hận trong tim. Những bàn
tay đã vấy đầy máu bầm lại tiếp tục một cuộc lên đồng huỷ diệt mới. Bao
tầng lớp ưu tú của “miền Nam ruột thịt” chịu cảnh đoạ đày tù tội, gia
đình họ nheo nhóc tan hoang. Khi những bài ca “hừng hực khí thế cách
mạng” , khi đội “quân giải phóng” tràn ngập miền Nam cũng là lúc bao
người vỡ mộng, là lúc bao gia đình sống trong cảnh nơm nớp lo sợ. Và
rồi bổn cũ sao lại với chút ít sắc thái cũ, ít mùi khủng bố hơn, những
vẫn nguyên si bản chất cướp giật và huỷ diệt. Cỗ máy mù quáng, cơn lên
đồng mới, lại đẩy tiếp hàng triệu người vào cảnh khốn cùng khiến không
ít người lao ra biển, bằng mọi giá mong tìm một chân trời mới.
Xã
hội thực sự dân chủ là một xã hội nơi mà người dân được bày tỏ ý kiến,
sự bất bình của mình đối với chính quyền khi chính quyền làm những điều
phương hại tới lợi ích của các cá nhân hoặc lợi ích của quốc gia, thậm
chí, nếu cần, họ có thể thay đổi cả chính quyền. Vậy mà trong một chế
độ tự xưng dân chủ gấp triệu lần tư bản, khi cỗ máy huỷ diệt liên tục
lao vào những trò say máu điên khùng, người dân không hề có bất cứ một
phương tiện nào để tự bảo vệ, hoặc bày tỏ sự phản đối, hay điều chỉnh
lại cái cơ cấu gây tại hoạ, mà chỉ còn cách hoặc lao mình vào guồng
quay khủng khiếp, hoặc trốn chạy càng xa càng tốt!
Dĩ nhiên,
không phải tất cả những người bị hại trong những biến động kinh tế
chính trị xã hội tại Việt Nam hơn nửa thế kỉ qua đều là “hiền tài” ,
nhưng khủng khiếp thay, dường như trong số họ, con số hiền tài là khá
nhiều. Người còn chút tâm với quê hương đất nước đọc lại lịch sử quê
hương suốt thế kỉ 20, rồi soi trang sử ấy vào tấm gương “Hiền tài là
nguyên khi quốc gia” không khỏi giật mình khi thấy dân tộc mình cứ lao
vào những cuộc lên đồng tự huỷ diệt, hết cuộc này tới cuộc khác, khiến
nguyên khí hao mòn kiệt quệ. Như vậy, phải nói vận mạng nước Việt không
suy vi mới lạ, chứ nếu có suy vi tàn tạ cũng chỉ vì con cháu đã ngu
muội phá bỏ kho tàng khôn ngoan minh triết của tổ tiên để cuồng loạn
lao vào những trò ngu dại!
Lịch sử sẽ chẳng giúp ích gì cho
chúng ta, nếu chúng ta không có khả năng nhận ra sai lầm quá khứ, không
tìm được cách ứng xử phù hợp trong hiện tại, nếu chúng ta vẫn tiếp tục
lao vào những cuộc tự huỷ diệt để trong tương lai tên gọi Việt Nam sẽ
chỉ còn là chút kí ức xa xôi của nhân loại hoặc chỉ là vài con chữ ghi
trên sách vở!
Hoàng Cúc Nguồn: VietCatholic News
|