Việt Dương
Rước voi dầy mồ
Nước mất nhà tan.
Tục ngữ
Ngày 28 tháng chạp Âm lịch (24/1/2009), Ban Liên Lạc Đồng Hương Thanh Hóa ở Hà Nội đã đến biếu quà tết cựu Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu tại tư gia.
Nhân dịp này, ông Phiêu đã dẫn các thành viên trong đoàn đi thăm nhiều
nơi trong toà nhà mới và cuối cùng đã tặng cho mỗi người một tập sách
do ông tự viết về đời mình với nhan đề: "Mênh mông tình dân". Nhan đề tập sách đẹp và cuộc đời của lê Khả Phiêu cũng rất đặc biệt trong binh nghiệp và chính trị của đảng Cộng Sản.
Về binh nghiệp, ông Phiêu đã nhập bộ đội từ một lính trơn năm 1950 lên
tới thượng tướng năm 1992. Và trong suốt đời binh nghiệp, ông chỉ
chuyên trách về chính trị, từ chính trị viên đại đội lên tới chủ nhiệm
Tổng Cục Chính Trị Quân Đội Nhân Dân Việt Nam (1991).
Còn về chính trị, Lê Khả Phiêu cũng lên rất nhanh, từ ủy viên Ban Chấp
Hành Trung Ương năm 1991 lên tới Tổng Bí Thư Ban Chấp Hành Trung Ương
năm 1997, và đã giữ nhiệm vụ này trong 4 năm (1997-2001).
Không hiểu Lê Khả Phiêu đã viết những gì trong "Mênh mông tình dân",
nhưng chúng ta có thể hình dung là ông đã viết về cuộc đời cách mạng
của một đảng viên Cộng Sản, chiến đấu chống thực dân, đế quốc giải
phóng đất nước và làm cách mạng xã hội để đem lại tự do hạnh phúc cho
nhân dân như tất cả các đảng viên Cộng Sản đã tự nhận là những người
đầy tớ trung thành của nhân dân. Với cái tên Tình Dân, không hiểu ông
Phiêu muốn nói về cái tình của dân đối với ông, đối với lãnh đạo, với
đảng Cộng Sản hay ông muốn ám chỉ cái tình rộng lớn của ông đối với
nhân dân. Dù ý gì thì "Mênh mông tình dân" cũng hàm ý về thứ tình hỗ
tương giữa lãnh đạo với dân và dân với lãnh đạo, với đảng.
Làm cách nào để đo lường, để hình dung cái tình này. Nếu đo bằng lời
thì trừu tượng vô cùng mà lời thì cũng đã có quá nhiều trong ngôn ngữ
của đảng, của các cấp lãnh đạo trên nửa thế kỷ nay. May mắn là trong
dịp Ban Liên Lạc Đồng Hương Thanh Hóa tới tư gia ông Phiêu đã ghi lại
được một ít hình ảnh và đem công bố trên mạng, nên chúng tôi xin ghi
lại đây ít điều về đời sống của ông Phiêu qua ảnh để so sánh với đời
của đa số nhân dân đang sống quanh ông, để từ đó có thể nhận rõ sự biểu
hiện của cái tình Mênh Mông giữa ông Phiêu với nhân dân.
I. Đời quan
Tầng lớp lãnh đạo đảng Cộng Sản sống kín cổng cao tường và trên 20 năm
nay, sau việc quay về làm ăn với tư bản đã trở thành triệu phú, tỷ phú
là điều không lạ gì với người dân. Nhưng người ta chỉ có thể nhìn ở
ngoài và hiểu thầm với nhau như thế, còn không mấy người có thể nhìn
vào bên trong của thế giới lãnh đạo này. Có lẽ ông Phiêu “cởi mở” hơn,
nên đã cho đoàn đồng hương Thanh Hóa chụp nhiều ảnh ghi lại cuộc chúc
tết và cho phép phổ biến. Vì thế chúng ta mới thấy được một phần đời
sống của ông cựu tổng bí thư đảng Cộng Sản.
Trước hết đó là tòa nhà mới của ông Phiêu ở số 7/36 C1 Lý Nam Đế, Hà
Nội. Tòa nhà 4 tầng trị giá 5 triệu mỹ kim. Từ tầng 4 có thể nhìn bao
quát thành phố Hà Nội, chẳng hạn nhìn rõ khu Bộ Quốc Phòng và cột cờ
thành phố.
Phòng khách rộng lớn, thiết trí như một đại sảnh với nhiều thứ quí giá. Ảnh cho thấy:
- Lọ lục bình cổ lớn nhiều màu bài trí khắp nơi với nhiều bức tranh lớn, ảnh Karl Marx, Lenin và Hồ Chí Minh.
- Những tủ sách cao, đầy ắp những bộ sách dày bìa cứng. Chắc hẳn đó là
những tập sách kinh điển của Marx, Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông, Hồ
Chí Minh, và có thể là những bộ bách khoa toàn thư…
- Cùng với sách là những bức họa, ảnh và tượng của lê Khả Phiêu ở khắp
đại sảnh. Trong đó nổi bật là bức chân dung Lê Khả Phiêu trong khung
lớn dát vàng trên nền đỏ, phía trước chân dung có bộ ngà voi lớn chầu
đặt trên một tác phẩm điêu khắc bằng gỗ quí, theo lời chú trong ảnh thì
giá không dưới 50.000 mỹ kim.
- Ảnh cho thấy 2 thứ đặc biệt: Thứ nhất, đại sảnh trưng bày trống đồng
Đông Sơn, bảo vật của quốc gia. Như vậy là ông Phiêu đã lấy đồ quốc bảo
ở bảo tàng viện về làm của riêng. Thứ nhì là bàn thờ với pho tượng Phật
lớn và bên cạnh tượng Phật là tượng Hồ Chí Minh.
Ngoài đại sảnh, khách được dẫn lên sân thượng và ở đây ảnh cho thấy
vườn rau xanh, trồng nhiều loại rau theo từng ngăn và được chăm sóc
bằng hệ thống tự động với phí tổn thiết kế, theo lời chú trong ảnh là
khoảng 20.000 mỹ kim. Vậy là gia đình ông Phiêu đã không ăn rau của
nhân dân trồng vì có nhiều chất độc hại. Từ vườn rau trồng trên trời,
gia đình ông có thể tránh chất độc của rau chợ, nhưng còn cá thịt, bánh
trái, sữa, nước và không khí thì ai cung cấp, và đáng nói hơn là nhân
dân thành phố Hà Nội đang ăn rau độc hại, đang uống nước ô nhiễm… Tình
dân Mênh Mông mà sao lại cách biệt giữa chuyện ăn uống giữa quan và
dân. Thời ông Phiêu nhập Việt Minh năm 15 tuổi ở Thanh Hóa thì ông ăn
gì, uống gì và mấy chục năm qua ông sống với ai?
II. Tình dân
Xin ghi lại một số cảnh đời của dân trong giai đoạn đổi mới kinh tế mà ông Phiêu và các quan Cộng Sản thành triệu phú, tỷ phú.
1. Dân đói rét:
Trong bài ký “Nông Dân và Đất”, nhà báo Võ Đắc Danh đã ghi lại tình cảnh của “Nông
dân xã Khánh Bình Tây thuộc Cà Mau, một xã có 2600 hộ dân với hơn 40%
sống dưới mức nghèo khổ, trong đó có gần 500 hộ dân không có đất, nghĩa
là có hàng ngàn con người trên cái vùng đất nhỏ nhoi này không biết
phải làm gì để sống. Làm mướn ư? Đâu phải lúc nào cũng có người ta mướn
để mà làm. Mùa gặt họ vào nông trường săn chuột, bắt ốc, hái rau thì bị
xô, bị tịch thu phương tiện, bị đánh đập, thậm chí bị bắn trọng thương,
bởi dưới con mắt của cán bộ nông trường, họ là nhũng phần tử bất hảo
cần phải cách ly. Nhiều người kéo nhau ra biển xúc cua giống để bán thì
bị các anh bảo vệ nguồn thủy sản vây bắt vì cái tội ăn trộm tài nguyên
thiên nhiên”.
Ngày nay trên khắp nước có những chợ người, như những vùng biên giới
Tàu Việt, biên giới Căm Pu Chia là chợ của dân cửu vạn đi chuyên chở
hàng lậu, chợ của phụ nữ đi bán thân, nhưng ngay ở thủ đô Hà Nội, trên
đường Giảng Võ và nhiều đường khác có những chợ đầy người, ngày ngày
chờ ai đó tới thuê để bán sức lao động độ nhật. Dân Hà Nội gọi đó là
chợ người.
Nhà báo tự do (blogger) Tạ Phong Tần, trong bài “Lại thêm 1 người nhìn thấy “Thiên Đường”, có đoạn viết: “Mùa
đông năm nay, thủ đô Hà Nội đã xảy ra tình trạng nông dân lê tấm thân
ra thành thị kiếm miếng ăn và chết đói, chết rét vạ vật trước hiên nhà
người khác như thời “nô lệ” trước tháng 8 năm 1945. Mới ngày 21/11/2008
vừa rồi, người dân Hà Nội đã phải chứng kiến một thanh niên quê Phú Thọ
mới 34 tuổi, làm nghề đánh giày, đã chết ở hiên nhà khu tập thể Thành
Công. Ngày 5/1/2009 lại thêm 1 người đàn ông trẻ khoảng 35- 40 tuổi
chết ở vỉa hè phố chùa Bộc “Sau khi được đưa vào bệnh viện cấp cứu,
người đàn ông kể trên đã chết vì lạnh cóng”.
Người chết không phải là những con nghiện hay thành phần lang thang
ngoài phố chờ cơ hội trộm cắp, cướp giật, cũng không già tuổi đến mức
độ sức khỏe giảm sút, cũng không bị bệnh tật từ trước hay bị thương
tích dẫn đến suy kiệt cơ thể; họ có sức khỏe và chăm chỉ làm lụng kiếm
đồng tiền chân chính để sống; cay nghiệt thay, vậy mà họ vẫn phải chết.
Hai cái chết thương tâm của 2 người trẻ vì đói rét, tha phương cầu
thực, không nơi cư trú”.
Báo điện tử Dân Trí ngày 6/2/2009, trong bản tin “Dân đổ xô cướp gà tiêu hủy” đưa tin: “Chiều
ngày 5/2, Chi Cục Thú Y Hà nội đã chở 1500 con gà bệnh (khoảng 3 tấn)
đến bãi cát xã Hồng Vân, thường Tín để tổ chức tiêu hủy. Tuy nhiên tại
đây, khi lực lượng chuyên ngành bắt đầu đưa gà xuống hố chôn theo quy
định thì người dân địa phương đã đổ xô vào cướp gà. Do lực lượng chức
năng quá ít, trong khi người dân lại đông nên đành bó tay. Người dân
nhảy cả xuống hố để lấy gà, ném lên cho người đứng trên bờ cho vào bao
tải. Tiếp đến, người dân đổ xô vây lấy xe chở gà và trèo lên cả xe để
cướp. Thậm chí, để tiện cho việc lấy gà, có người còn leo lên ca bin,
lái chiếc xe chở gà ra giữa bãi cát.
Kết quả là chỉ khoảng 20% số gà nói trên được tiêu hủy, còn lại đã bị
cướp hết. Ngoài ra có những con gà chết bị vứt vương vãi khắp nơi”.
2. Dân oan
Từ thập niên 1990 đến nay, chính sách thu hồi đất của nhà nước xã hội
chủ nghĩa để giải phóng mặt bằng xây dựng khu đô thị, khu công nghiệp,
khu du lịch, sân golf… đã biến 7 triệu nông dân thành dân không có đất
sinh nhai. Trong đó, nhân danh chính sách thu hồi đất để phát triển
kinh tế, các ông quan Cộng Sản địa phương, tỉnh, huyện, xã đã cướp đất
của dân để làm của riêng, để bán cho tư bản đã tạo thành những lớp sóng
phẫn nộ, phản kháng trên khắp nước. Để đối phó với vấn đề này, nhà nước
đã thiết lập nhiều Văn Phòng Tiếp Dân từ tỉnh tới thành phố, quốc hội,
thủ tướng để người dân bị cướp đất, nhà cửa, ruộng vườn tới nạp đơn
khiếu kiện. Có được cửa công lý nên dân đã tới, nhưng đâu biết đó là
một thứ công lý giả nên đơn khiếu kiện chồng chất từ năm này đến năm
khác không được xét sử với đủ thứ lý do. Xét xử làm sao khi tất cả từ
trên xuống dưới đều là một bọn tham quan có đảng bảo vệ để độc quyền
tham nhũng thì ai xử ai? Vì thế, những Văn Phòng Tiếp Dân ở Hà Nội (khu
vườn hoa Mai Xuân Thưởng và 110 Cầu Giấy) và ở Sài Gòn (210 Võ thị Sáu)
đã trở thành những Công Trường Đòi Công Lý. Dân oan lấy vườn hoa, hè
đường làm nhà và áo họ đã trở thành những tấm biểu ngữ (để công an nhân
dân không thể cướp và xé) tố cáo đích danh những ông quan địa phương:
Chủ tịch xã, huyện và tỉnh đã cướp nhà cửa, ruộng vườn của họ. Khi dân
oan tụ tập đông quá trong thời gian quốc hội họp, hay có những phái
đoàn quốc tế tới thăm thì công an nhân dân lại đem lực lượng cơ động
đến bao vây, bắt dân oan quẳng lên xe chở tới giam vào một nơi nào đó,
hoặc chở đi đổ xuống một vùng xa thành phố. Rồi sau đó, từng lớp dân
oan bị giải tán lại tìm đường trở lại Văn Phòng Tiếp Dân (tên đẹp mà
sao nơi này lại nhiều uất hận). Có nhiều người đã đi nhặt rác hay ăn
xin để có thể ở lại thành phố lâu ngày.
Thảm kịch dân oan đã quá lâu, quá lớn và đã trở thành một phần lịch sử
của chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam từ vô sản tiến về tư sản. Ở đây,
xin ghi lại hai trường hợp mới nhất biểu hiện rõ nét về tình dân và
tình quan:
Thứ nhất là dân oan lạy quan cộng sản:
Ông Nam Bình ở Cần Thơ, trong bài “Việt Nam ngày nay: Dân cày mất ruộng” đã viết:
“Lão nông Lâm Văn Phát từ huyện Thạnh Trị, Sóc Trang đội đơn ra quỳ
lạy ở số 48 Lý Thường Kiệt, đòi lại 5000 mét vuông đất thấy mà xót xa.
Bà Nguyễn Minh Chiếu ở An Giang bị cướp mất 70 công đất và 650 giạ lúa
lại bị tù 3 năm vì lũ cướp ngày gian ác. Bà đã lăn lết ra Hà Nội để đòi
công lý, nhưng công lý xa vời quá.
Hình ảnh ông Nguyễn Thanh Đạo ở Mộc Hóa, Long An quỳ lạy ở nhà ông Đặng
Quang Phương, Trần Văn Tú là những phó chánh án (?) Tỏa Án Tối Cao ở Hà
Nội thấy đau lòng quá. Thức cả đêm chờ đến sáng các quan này đi làm,
chờ cổng mở, quỳ xuống đội đơn trên đầu và lạy theo từng bước chân các
quan. Nhưng các quan này y hệt bọn đàn em cướp đất dân nghèo, lạnh lùng
bước lên xe hơi, đóng cửa cái rầm kèm theo vài lời chửi mắng. Vậy mà
dân oan vẫn chờ đợi và quỳ lạy, vì họ không còn đường nào khác, quay về
nhà thì đất bị cướp mất rồi”.
Thứ nhì là tiếng khóc của dân Văn Giang:
Trong tháng 12/2008 có nhiều vụ chính quyền điạ phương sử dụng lực
lượng công an, bộ đội để cướp đất của dân, chẳng hạn ở ấp T4 xã Vĩnh
Phú, Kiên Giang (17/12), ở các phường Vĩnh Ban, Vĩnh Lạc, An Hòa, Rạch
Giá. Nhưng đáng kể là vụ chiếm đất 3 xã Cửu Cao, Phụng Công và Xuân Quan huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.
Theo bản tin của nhóm Phóng Viên Nhân Quyền thì dân 3 xã trên, khoảng
23.000 người, có hơn 500 hec ta đất làm vườn và trồng cây cảnh để sinh
nhai, nhưng đã bị chính quyền ra lệnh thu hồi bán cho công ty Việt Hưng
để công ty này xây dựng khu đô thị (biệt thự, sân golf) và đã đền bù
với giá rẻ mạt: 135.000 đồng/m2, trị giá tương đương với 10 kí gạo.
Trong khi đó lãnh đạo chính quyền thì bán trao tay nhau với giá 6
triệu/m2. Khi dân hỏi tại sao bù cho dân 135 ngàn lại công khai rao bán
trên mạng là 6 triệu/m2 thì ông chủ tịch xã trả lời rằng: Đi buôn phải
có lãi!
Trước sự tước đoạt để mua bán trắng trợn đó, dân 3 xã đã chống lại,
quyết giữ đất bằng cách thay phiên nhau đêm ngày canh đất, canh cây.
Cuối cùng ngày 25/12/2008, chính quyền huyện Văn Giang đã huy động hàng
trăm công an, lực lượng cơ động, cả thành phần đầu gấu cùng các phương
tiện cơ giới đến cày, san ủi cơ nghiệp mồ hôi, nước mắt của dân. Khi
dân Văn Giang giàn hàng ngăn cản xe ủi thì công an, bô đội huyện đã
thẳng tay đàn áp, kéo, lôi, ném những người dân cản đường lên bờ như
ném những con vật, rồi đấm đá, dùng dùi cui điện đánh vào dân bất kể
già trẻ làm nhiều người bị thương và ngất xỉu.
Bị chính quyền đàn áp dã man, nên ngày 7/1/2009, trên 2000 dân Văn
Giang đã kéo lên Hà Nội biểu tình trước văn phòng thủ tướng để bày tỏ
nỗi oan. Ở đây họ đã không được gặp một vị quan nào để nói lên nỗi oan
mà lại bị lực lượng công an, cảnh sát cơ động và thành phần xã hội đen
đàn áp dã man hơn. Cứ 2, 3 tên túm một người quẳng lên xe bít bùng, rồi
chở về Văn Giang, liệng xuống ven đê sông Hồng, giữa sự vật vã, lê lết
cùng tiếng khóc của hàng ngàn con người.
Với sức mạnh của chuyên chính (công an, bộ đội, xã hội đen), chính
quyền sẽ tước đoạt được đất sống của dân Văn Giang để xây khu đô thị
Văn Giang. Nhưng trước thảm cảnh này, chúng ta tự hỏi là chính quyền
xây cất khu đô thị cho ai và để làm gì để phải quăng dân Văn Giang ra
ngoài thứ đô thị này mà dân Văn Giang không có quyền biết đến, không có
quyền tham gia xây dựng như khẩu hiệu nhật tụng của nhà nước Xã Hội Chủ
Nghiã: Dân Biết, Dân Bàn, Dân Kiểm Tra, Dân Hưởng Thụ. Câu trả lời đơn
giản là nhà nước liên kết với tư bản để xây khu đô thị cho một loại dân
khác, gồm những thành phần giàu có của đảng, của tư bản nước ngoài, của
tầng lớp thành đạt trong nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Vì
thế mới có chuyện cướp đất đi buôn của chủ tịch Nguyễn Cảnh Hưng. Ông
ta nói: Đi buôn phải có lãi. Tất nhiên là như thế, nhưng sao không cho
dân Văn Giang một phần cái lãi này? Các ông quan vô sản cũng không thể
làm như thế, không thể chia cái lãi của nghề đi buôn không vốn này cho
ai. Vì với tiền bán đất cùng đủ thứ làm ăn chia chác với tư bản thì sau
khi giải quyết xong dự án đô thị Văn Giang, chỉ một bước nhiều quan
chức vô sản của tỉnh, huyện sẽ trở thành triệu phú, tỷ phú. Do đó họ
phải hy sinh 23.000 người dân Văn Giang cho sự nghiệp làm giàu của họ
như nhiều nơi khác trên khắp nước, dân cũng đã phải hy sinh như vậy.
Đến như những miền ven biển, nhiều nơi dân chài phải than là các cấp
lãnh đạo đã bán hết bờ biển cho tư bản nước ngoài xây dựng khu du lịch
đến nỗi họ không còn chỗ để đậu ghe thuyền đánh cá.
Chuyện xây dựng kinh tế, xây dựng khu đô thị thì trên thế giới, nước
nào cũng làm. Chẳng hạn như những quốc gia ở Á Châu như Nam Hàn, Đài
Loan, Phi Luật Tân, Thái Lan, Mã Lai… mấy chục năm qua, người ta đã xây
dựng nhiều khu đô thị, khu chế xuất, khu viên kỹ nghệ, nhưng không ở
đâu có chuyện chính quyền huy động lực lượng cảnh sát, quân đội, băng
đảng xã hội đen đến cưỡng chế, cướp đất của dân bán cho công ty tư bản,
rồi mặc xác đám dân sau đó sống ra sao không cần biết. Và người ta cũng
có bờ biển, có làng đánh cá, nhưng chắc chắn không đâu có thảm kịch
chính quyền bán bờ biển cho tư bản nước ngoài làm khu du lịch để dân
đánh cá không còn chỗ đậu tàu thuyền. Cũng cần nói thêm một điều là
những quốc gia ấy đã phát triển kinh tế rất nhanh, nhưng dân có quyền
và chính quyền tôn trọng dân. Từ đó nước có quy củ và người dân quí
trọng lẫn nhau. Cứ quan sát dân Hàn, dân Đài Loan sẽ thấy họ đối xử lễ
độ, tôn trọng nhau ở bất cứ đâu trong đời sống thường nhật và chúng ta
sẽ thương dân ta, rồi tự vấn: Tại sao họ có thể sống như thế mà ta lại
không?
Trên đây chúng tôi ghi lại ít tình cảnh đời dân dưới chế độ Xã Hội Chủ
Nghĩa, và tự hỏi không hiểu trong tác phẩm hồi ký “Mênh mông tình dân”,
ông Lê Khả Phiêu đã ghi lại thứ tình này như thế nào và ông đã làm gì
để đáp lại thứ tình Mênh Mông này?
III. Hận nước
Ngoài tình dân, đời của ông Phiêu còn gắn liền với nước, vì ông đã
chiến đấu một đời cho độc lập, tự chủ của Việt Nam mà chắc nội dung tác
phẩm “Mênh mông tình dân” sẽ phải nói đến những chuyện này. Cũng như
tình dân, chúng ta không biết ông Phiêu viết về tình nước ra sao. Nhưng
trong 4 năm làm Tổng Bí Thư với tinh thần khép mình, phụ thuộc tìm nơi
nương tựa như ông nói: “Trung Quốc thành công thì chúng ta thành công”, Lê Khả Phiêu đã cắt nhiều đất biên giới và biển cho Tàu bằng 2 hiệp định:
Thứ nhất là Hiệp Định Về Biên Giới Việt Nam Trung Quốc, ký tại Hà Nội
ngày 30/12/1999 giữa Bộ Trưởng Ngoại Giao Trung Quốc Đường Gia Triền và
Bộ Trưởng Ngoại Giao Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm. Bản hiệp định không được
công bố. Nhưng nay qua Bản Lên Tiếng của một số cựu chiến binh và giáo
chức khu vực Hà Đông – Hà Nội gởi lãnh đạo đảng Cộng Sản ngày 14/1/2009
cho thấy diện tích lãnh thổ đã mất 1694 km2 (vì sách giáo khoa cũ và
niên giám 1996 ghi diện tích Việt Nam là 336.991 km2, còn sách giáo
khoa in năm 2006-2007 lại ghi 329.297 km2), trong đó khu vực danh thắng
thác Bản Giốc thuộc Cao Bằng và khu địa linh Ải Nam Quan ở Lạng Sơn đã
thuộc Trung Quốc như thứ trưởng ngoại giao Vũ Dũng mới công bố sau khi
hoàn tất việc cắm mốc biên giới ngày 22/12/2008.
Thứ nhì là Hiệp Định Phân Định Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam – Trung Quốc,
ký ngày 25/12/2000 giữa Nguyễn Mạnh Cầm và Đường Gia Triền. Bản hiệp
định cũng không được công bố, nhưng theo những nguồn tin được tiết lộ
thì với hiệp định này, Việt Nam đã mất cho Tàu trên 10.000 km2 biển.
Sau khi Lê Khả Phiêu cống cho Tàu gần 2000 cây số vuông đất biên giới
và trên 10.000 cây số biển, Nông Đức Mạnh cùng với Đỗ Mười, Trần Đức
Lương, Lê Đức Anh và Phan Văn Khải đã mở đường cho Trung Quốc xâm lấn
Việt Nam theo chính sách “Hợp Tác Toàn Diện Giữa Các Ngành Ngoại Giao,
Quốc Phòng, Công An, An Ninh…” qua tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc
ngày 17/11/2006 trong dịp Hồ Cẩm Đào sang thăm Việt Nam. Và với mỹ từ
hợp tác toàn diện, Tàu đã khống chế Việt Nam từ đất đến biển:
Với biển, Trung Quốc tuyên bố Nam Hải thuộc chủ quyền của Trung Quốc
với luận điểm hàm hồ là từ thời Hán Vũ Đế (trên 2000 năm trước) và thời
Minh thành Tổ (thế kỷ 15), hải quân Trung Quốc đã đi tuần thám Nam Hải
và đã khám phá ra Hoàng Sa và Trường Sa. Từ luận điểm hoang đường về
chủ quyền này, Trung Quốc khai thác Hoàng Sa, lấn chiếm Trường Sa,
không cho Việt Nam đánh cá và thăm dò dầu khí ở vùng Hoàng Sa và Trường
Sa. Vì thế, từ năm 2005 ngư phủ Việt Nam ra đánh cá những vùng gần
Hoàng Sa và Trường Sa đã bị hải quân Trung Quốc bắt, bắn giết, đâm bể
tàu và xua đuổi, còn chuyện tìm dầu thì không một công ty tư bản nào
dám liên doanh với Việt Nam để thăm dò dầu khí ở vùng Trường Sa vì bị
Trung Quốc cảnh cáo, phản đối là những hoạt động ấy đã vi phạm chủ
quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc ở Nam Hải, chẳng hạn tập đoàn
BP của Anh năm 2007 và tập đoàn Exxon Mobil của Mỹ năm 2008 đã ký hợp
đồng rồi đã phải bỏ.
Rồi để thực hiện luận điểm chủ quyền Nam Hải, ngày 22/11/2008, Trung
Quốc công bố tập đoàn dầu khí của Trung Quốc (Cnooc) sẽ thực hiện dự án
29 tỷ đô la để thăm dò khai thác tại biển Nam Trung Quốc, trong đó có
khu vực Hoàng Sa và Trường Sa mà chính quyền Việt Nam cũng tuyên bố có
chủ quyền. Tất nhiên đối với việc Trung Quốc làm, bộ ngoại giao Việt
Nam cũng như những lần trước đã lên tiếng phản đối với luận điểm “Việt
Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và có cơ sở pháp lý để khẳng định chủ
quyền và các quyền hợp pháp đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và
các vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam”. Phản đối như thế,
nhưng nếu Trung Quốc tiến hành việc thăm dò (mà chắc Tàu đã nói là Tàu
làm) thì chính quyền Việt Nam sẽ làm gì để ngăn cản hay lại lên tiếng
phản đối cho phải đạo để dối dân, rồi im lặng tuân thủ chính sách 16
chữ vàng và 4 tốt: Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu
dài, hướng tới tương lai và mãi là láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí
tốt, đối tác tốt.
Đó là chuyện mất biển, còn chuyện lãnh thổ thì từ thời Lê Khả Phiêu tới
nay, Trung Quốc đã lặng lẽ xâm lấn Việt Nam bằng chính sách 16 chữ vàng
như sau:
Về kinh tế:
Từ sau trận chiến “Dạy cho Việt Nam một bài học” năm 1979, Trung Quốc
vẫn không ngừng trận chiến phá hoại kinh tế Việt Nam bằng đủ thứ đòn
hiểm ác. Khởi đầu là thu mua dây điện thoại, xích xe tăng, nòng đại
bác, các loại rễ cây, cây con, sừng móng trâu bò, gỗ quí, các loại
muông thú rừng, rồi đến biến vùng biên giới thành cửa khẩu để tuồn vào
Việt Nam các loại hàng lậu và cả tiền giả.
Về di dân:
Năm 2008, chính quyền Việt Nam đã quyết định miễn chiếu khán nhập cảnh
cho người Hoa vào Việt Nam. Quyết định này là một biện pháp giúp người
Hoa ở lại Việt Nam dễ dàng, vì họ có thể nhập vào những cộng đồng người
Hoa trên khắp Việt Nam để làm đủ mọi ngành nghề mà ngày nay thì cộng
đồng người Hoa lại có nhiều ưu thế về kinh tế và cả chính trị.
Về chính trị quốc phòng:
Đảng Cộng Sản Việt Nam bị đảng Cộng Sản Trung Quốc chế ngự có một lịch
sử lâu dài, nhưng đến nay, qua chính sách Hợp Tác Toàn Diện, với nhiều
sự việc đã xảy ra, có thể nói là bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Việt Nam đã
trở thành cơ quan nội ứng của Tàu, mở đường cho Tàu vào Việt Nam. Vì
thế chúng ta thấy:
- Dân Tàu được đi lại, cư trú ở Việt Nam như trên đất Tàu.
- Chính quyền cấm tất cả những biểu lộ và ngôn ngữ chống Tàu của dân Việt.
- Những di tích chống Tàu sau trận chiến 1979 đã bị xóa bỏ. Những nghĩa
trang liệt sĩ Trung Quốc trong chiến tranh biên giới Việt Trung đã được
đổi tên thành “Nghĩa trang Liệt Sĩ Trung Việt”. Chẳng hạn một tấm ảnh
trên trang web www.ykien.net cho thấy Nghĩa Trang Liệt Sĩ Long Châu
(Thủy Khấu) ở biên giới tỉnh Cao Bằng đã được đổi thành “Nghĩa Trang Liệt Sĩ Trung Việt Thủy Khấu Long Châu”
với tượng đài lớn và hai hàng chữ Hoa và Việt. Như thế là Việt Nam đã
đồng lòng với Tàu làm những đài tưởng niệm liệt sĩ Trung Việt ở biên
giới để nhớ ơn đoàn quân Tàu đã sang xâm lăng Việt Nam.
- Trung Quốc đã chế ngự Việt Nam ở biển Đông.
- Và đến nay đảng Cộng Sản Việt Nam mời Trung Quốc lên Tây Nguyên với
những dự án bauxite. Chuyện bauxite lộ liễu, bất thường và quá nguy
hiểm về cả sự tàn phá môi trường lẫn an ninh quốc gia, nên từ tháng
11/2008 đến nay đã dấy lên một làn sóng phản đối từ các giới nghiên cứu
khoa học, kinh tế, báo chí và dân chúng trên khắp nước. Cứ đọc bài
nghiên cứu đầy tâm huyết của tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn, Giám Đốc Công Ty
Năng Lượng Sông Hồng, bác bỏ dự án mà Nguyễn Tấn Dũng đã duyệt, cùng
những ý kiến của mọi giới về bài nghiên cứu này, sẽ thấy lòng dân phẫn
nộ và âu lo như thế nào đối với dự án.
Đến Đại Tướng Võ Nguyên Giáp cũng phải viết thư gửi Nguyễn Tấn Dũng
(5/1/09) đề nghị dừng triển khai các dự án khai thác bauxite. Trong thư
ông cho biết là năm 1980, chính phủ đã có chương trình khai thác
bauxite trong kế hoạch hợp tác với khối COMECON, nhưng đã phải bỏ vì
sau khi khảo sát, các chuyên gia Liên Sô và khối COMECON đã khuyến nghị
Việt Nam không nên khai thác bauxite trên Tây Nguyên do những tác hại
sinh thái lâu dài, nghiêm trọng không thể khắc phục, chẳng những đối
với dân cư tại chỗ mà còn cả với dân cư vùng đồng bằng Nam bộ. Ngoài
chuyện sinh thái, ông còn nói đến vấn đề an ninh quốc phòng và đã nêu
lên một sự kiện: Trong tháng 12/2008 đã có hàng trăm công nhân Trung
Quốc đầu tiên có mặt trên công trường (dự kiến cao điểm sẽ lên tới vài
nghìn tại mỗi dự án).
Nhưng đảng Cộng Sản Việt Nam đã không đếm xỉa gì đến ý kiến của các nhà
khoa học, đến ý dân, đến những lời khuyên can đầy lo âu của tướng Giáp,
nên Nguyễn Tấn Dũng, trong cuộc họp báo tại Hà Nội ngày 4/2/09 đã khẳng
định: Việc khai thác bauxite tại Tây Nguyên là chủ trương lớn của đảng và nhà nước.
Chuyện đã đến như thế thì chỉ có thể giải thích là đảng Cộng Sản Trung
Quốc đã biến cả bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Việt Nam thành nội tuyến mở
đường cho Tàu vào xâm chiếm Việt Nam bằng con đường 16 chữ vàng.
Trước đây có những nhận định là Trung Quốc làm chủ Hoàng Sa, Trường Sa,
ngoài chuyện kinh tế, Trung Quốc có một lợi thế là dùng hai quần đảo
này làm căn cứ để tiến quân cắt đôi Việt Nam ở miền Trung. Nhưng đến
nay thì chuyện dùng Hoàng Sa, Trường Sa làm bàn đạp không cần nữa, vì
với những dự án bauxite cùng chục ngàn lính Tàu giả làm công nhân,
Trung Quốc sẽ dễ dàng nắm yết hầu Việt Nam.
Kết luận
Từ câu chuyện Mênh Mông Tình Dân của Lê Khả Phiêu, chúng tôi xin kết luận mấy điều:
1. Với Lê Khả Phiêu:
Trước hết ông Phiêu là một đảng viên đảng Cộng Sản, đã từng là người
lãnh đạo tối cao của đảng và trở thành một tỷ phú (theo tin, tài sản có
5 khách sạn 5 sao ở Hà Nội và Sài Gòn, và trên 1 tỷ Mỹ kim), sống xa
hoa trên sự đói nghèo, tủi nhục của đa số dân Việt do chế độ độc trị và
kinh tế xã hội chủ nghĩa của đảng Cộng Sản tạo ra.
Ông Phiêu nhập vào phong trào Việt Minh từ lúc 15 tuổi, chiến đấu cho
độc lập, tự chủ của Việt Nam, nhưng khi lên làm Tổng bí Thư, Lê Khả
Phiêu đã quên mất mấy chữ độc lập tự chủ nên đã cắt đất nhượng biển cho
Tàu với tinh thần nô lệ: “Trung Quốc thành công thì ta thành công”.
2. Với đảng Cộng Sản:
Đời của Lê Khả Phiêu cũng như đời của nhiều đảng viên cao cấp của đảng
Cộng Sản là đã đạt vinh hoa phú quí trong thảm kịch của nước, vì khi
đảng phát động 2 cuộc chiến tranh chống Pháp và Việt Nam Quốc Gia
(1946-1954), chống Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa (1960-1975) với mục tiêu
giành độc lập, thì trong 2 cuộc chiến tranh hủy diệt gần 4 triệu sinh
mạng này đã tiềm phục một mối họa cho nước là đảng Cộng Sản đã không
độc lập tự chủ với Nga, Tàu vì đã nhận viện trợ để làm một tên lính
xung kích cho Liên Sô và Trung Cộng phát triển đế quốc Cộng Sản. Vì
thế, khi thế giới Cộng Sản tan rã thì đảng Cộng Sản Việt Nam đã đưa
Việt Nam vào vòng lệ thuộc Trung Quốc theo tham vọng bành trướng của
đảng Cộng Sản Trung Quốc như lời của Mao Trạch Đông đã nói với lãnh đạo
Cộng Sản Việt Nam ở Vũ Hán năm 1963: “Tôi sẽ làm chủ tịch 500 triệu bần nông đưa quân xuống Đông Nam Á” và “Chúng
ta phải giành cho được Đông Nam Á bao gồm cả miền Nam Việt Nam, Thái
Lan, Miến Điện, Ma-lai-xi-a và Xin-ga-po. Một vùng Đông Nam Á rất giàu,
ở đây có nhiều khoáng sản, xứng đáng với sự tốn kém cần thiết để chiếm
lấy” (Bạch Thơ - Sự Thật Về Quan Hệ Việt Nam – Trung Quốc Trong 30 Năm Qua”.
Trong đời Mao, Mao chưa thực hiện được giấc mộng đế quốc Đại Hán, nhưng
tới thập niên 2000 thì đảng Cộng Sản Trung Quốc đã có Việt Nam trong
tay và đã có thể tung hoành ở biển Đông. Vì thế năm 2000 và 2006, Giang
Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào đã từ Bắc Kinh đến thẳng Hội An tắm biển, nhìn
ra Hoàng Sa, Trường Sa trước khi ra Hà Nội ban chỉ thị cho lãnh đạo
đảng Cộng Sản Việt Nam. Hành động của Giang và Hồ cao ngạo bất thường,
nhưng hai tên này đã làm như thế để nói với thế giới là Việt Nam và Nam
Hải đã thuộc quyền của Trung Quốc.
Và đến nay thì Trung Quốc đã đi dần tới việc kiểm soát Việt Nam toàn
diện khi có thể thung dung đem quân lên Tây Nguyên vừa khai thác
bauxite vừa chiếm giữ hiểm địa cao nguyên để thực hiện tham vọng bành
trướng Đại Hán mà Mao đã vạch ra từ thập niên 1960.
3. Với đảng viên đảng Cộng Sản:
Trước những thảm kịch đang diễn ra trong xã hội Việt Nam, chúng ta thấy
là 3 triệu đảng viên đảng Cộng Sản, từ thấp tới cao, đã dùng đất nước
như của riêng và bóc lột 80 triệu dân, coi dân như những súc vật, để
làm giàu cho cá nhân, nhưng họ đã quên một mối họa là rồi đây chính họ,
con cháu họ sẽ trở thành những tên nô lệ của đế quốc Tàu, và lúc đó họ
và dân Việt lại thành những con vật dưới ách thống trị của thực dân
Tàu. Khi đó ai là Việt, ai là Tàu? Ai là kẻ thống trị và ai là kẻ bị
trị?
Từ một số sự việc ghi lại trên đây xin thưa là trên nửa thế kỷ thống
trị với chế độ chuyên chính, đảng Cộng Sản Việt Nam đã gây nên những
thảm họa cho dân, cho nước như thế thì làm gì có chuyện tình dân, tình
nước mà Lê Khả Phiêu lại lộng ngôn với tác phẩm “Mênh mông tình dân”?
Chúng ta hiểu những người lãnh đạo Cộng Sản luôn luôn dùng mỹ từ xảo
trá để quay lưng lại những sự thật đen tối đau lòng. Vì thế chúng ta
phải kéo họ quay lại một sự thật, một Thực Từ là đảng Cộng Sản Việt
Nam, là chính họ đã tạo cho nước một bộ sử: Mênh Mông Hận Nước.
Việt Dương
Nguồn: Tâm Thức Việt
|