§ Tạ Phong Tần Khoản
1 Điều 20 Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự (BLTTHS) quy định: "Đối với bản án,
quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị thì vụ án phải được xét xử
phúc thẩm"; vì vậy, việc phải chấp nhận kháng cáo và phải xét xử phúc
thẩm đối với vụ án Hình sự của 8 giáo dân Thái Hà mà Tòa án quận Đống
Đa đã xét xử ngày 8/12/2008 là chuyện Tòa án Thành phố Hà Nội không thể
từ chối.
Căn cứ khoản 2 Điều 237 BLTTHS "Tòa án cấp sơ thẩm phải gửi hồ sơ vụ
án và kháng cáo, kháng nghị cho Tòa áp cấp phúc thẩm trong thời hạn bảy
ngày, kể từ ngày hết hạn kháng cáo, kháng nghị", ngày hết hạn kháng cáo
là 23/12/2008, thì Tòa án quận Đống Đa phải chuyển hồ sơ vụ án này cho
Tòa án Thành phố Hà Nội chậm nhất là ngày 30/12/2008.
Cũng theo Điều 242 Bộ Luật này, Tòa án Thành phố Hà Nội phải mở
phiên tòa phúc thẩm chậm nhất là 60 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ
án do Tòa án quận Đống Đa chuyển đến, như vậy hạn chót của thời hạn mở
phiên tòa xét xử phúc thẩm các giáo dân là ngày 30/02/2009.
Bào chữa cho các giáo dân Thái Hà trong phiên xử phúc thẩm lần này,
ngoài Luật sư Lê Trần Luật còn có thêm Luật sư Huỳnh Văn Đông và Luật
sư Hoàng Cao Sang (cùng ở Sài Gòn) tham gia. Theo BLTTHS và Luật Luật
sư thì việc bào chữa cho những công dân bị cáo buộc vi phạm vào các
Điều luật được quy định tại Bộ Luật Hình Sự là hoạt động nghề nghiệp
bình thường của Luật sư. Tuy nhiên, trong vụ án xét xử các giáo dân
Thái Hà này cơ quan tố tụng Hà Nội lại có những biểu hiện bất thường.
Theo Luật sư Lê Trần Luật thì nhóm Luật sư bào chữa đã trực tiếp đến
Tòa án Thành phố Hà Nội 5 lần để yêu cầu được nghiên cứu hồ sơ vụ án
nhưng đều bị cán bộ Tòa án Thành phố Hà Nội viện hết lý do
này đến lý do khác hẹn lần hẹn lữa để cản trở nhóm Luật sư tiếp xúc với
hồ sơ. Khi bị Luật sư chất vấn thì cán bộ Tòa án Thành
phố Hà Nội tên Bùi Thị Hồng viết tiếp giấy hẹn "ngày 23/2/2009 Luật sư
đến nghiên cứu hồ sơ".
Tuy nhiên, ngày 18/2/2009, cán bộ Thư ký Tòa án Thành phố Hà Nội lại
gọi điện thoại thông báo rằng ngày 23/2/2009 Luật sư vẫn chưa có thể
tiếp xúc hồ sơ vì “Vụ án sẽ hoãn vô thời hạn và ngày 23/2/2009 các Luật sư vẫn chưa có thể đọc được hồ sơ”, “Đây là ý kiến chỉ đạo của cấp trên".
Không hiểu cái gọi là "cấp trên" mà cô Thư ký Tòa án Thành phố Hà Nội
nói là cá nhân nào mà lại có quyền "chỉ đạo" trái pháp luật như thế?
Rõ ràng, việc cố tình nại ra đủ thứ lý do để cản trở Luật sư nghiên
cứu hồ sơ vụ án của cán bộ Tòa án Thành phố Hà Nội là vi phạm nghiêm
trọng vào điểm e khoản 2 Điều 50, điểm g khoản 2 Điều 58, Điều 11
BLTTHS. Bởi lẽ, hạn chót phải mở phiên Tòa phúc thẩm là ngày 30/2/2009,
nhưng đến thời điểm này có vẻ như Tòa án Thành phố Hà Nội không muốn
cho Luật sư được nghiên cứu hồ sơ vụ án thì làm sao các Luật sư có sự
chuẩn bị luận cứ bào chữa chặt chẽ nhằm bảo vệ tốt nhất cho các thân
chủ của mình?
Bức xúc trước việc làm khuất tất của cán bộ Tòa án Thành phố Hà Nội
đã xâm phạm nghiêm trọng vào quyền được bào chữa của bị cáo và quyền
của Luật sư, Luật sư Lê Trần Luật đã gởi đơn khiếu nại đến Chánh án Tòa
án Thành phố Hà Nội.
Trong đơn khiếu nại, Luật sư Lê Trần Luật viết: "Thưa Ngài Chánh án!
Nhân đây, tôi cũng xin được mạn phép trao đổi với Ngài rằng: “Trì hoãn
và cản trở những điều pháp luật cho phép thực hiện là cố tình phủ nhận
công lý”, còn tôi thì tôi lại nghĩ rằng: "Khuất tất và bóng tối luôn
luôn là nơi ẩn núp của hèn hạ và tội ác".
Ghi chú:
- Đơn khiếu nại đề ngày 19/2/2009 của Luật sư Lê Trần Luật, trang (1) và (2)
- Giấy Chứng Nhận của Toà Án Nhân Dân thành phố Hà Nội.
- Thư (viết tay) của Toà Hình Sự gửi Phòng Kiểm Sát Xét Xử Phúc Thẩm.
- Thư của Luật sư Hoàng Cao Sang gửi Toà Án Nhân Dân thành phố Hà Nội.
Tạ Phong Tần
|