I. Xã hội bị thống trị bởi thiểu số
I.1. Temasek không chỉ có ở Thái Lan Suốt
mấy tuần qua, dân Thái biểu tình ào ạt; có cuộc lên đến hàng trăm ngàn
người. Giá như ông Thaksin Shinawatra ở Việt Nam (VN) thì chuyện chẳng
có chi là ầm ỹ. Trong nội vụ câu chuyện có nổi lên một cái tên mà nhiều
đại gia Việt không xa lạ: tập đoàn Temasek của Singapore. Nội vụ chưa
ngã ngũ, song theo như báo cáo của Tổ chức tư vấn về Rủi ro Kinh tế và
Chính trị (PERC), điểm tham nhũng của Thái năm nay cao hơn năm trước
(2005: 7.20; 2006: 7.64) với viện dẫn về vụ bán Shin Corp cho Temasek.
Người
ta từng thấy Temasek mua cổ phần của Vinamilk, Kinh Đô… song nổi trội
nhất là vụ sở hữu 30% cổ phần công ty hàng không Pacific Airlines với
số tiền là 50 triệu USD. Pacific Airlines đã lỗ khoảng 14 triệu USD sau
hơn 10 năm hoạt động dưới sự quản lý của Vietnam Airlines. Với lý do
bảo vệ ngành hàng không nội địa, các quan chức Bộ Tài chính VN đã loại
cả Boeing và Airbus để chọn Temasek, hầu như họ quên rằng Temasek sở
hữu 57% vốn của Singapore Airlines và 11% cổ phần hãng hàng không giá
rẻ Tiger Airways, đây là những đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Vietnam
Airlines trong vận tải hàng không quốc tế tại khu vực. Quái lạ hơn nữa,
việc chọn lựa nhà đầu tư này không qua giai đoạn đấu thầu.
Thoạt
trông, vụ mua bán Pacific Airlines chẳng có chi phiền hà, thậm chí phía
VN còn lời to là khác. Mọi chuyện chỉ toé loe ra khi Luật hàng không
dân dụng đem trình Quốc hội hồi tháng 02/2006, trong đó có vấn đề muốn
đảm bảo được quyền lợi khách hàng thì phải phát triển ngành hàng không.
Giải trình cho tình trạng ngắc ngứ về Luật hàng không lại chẳng đề cập
đến việc cấp phép mở hãng máy bay; với tư cách là người chủ trì Ban
soạn thảo Luật hàng không, bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đào Đình
Bình đã trả lời: Chính phủ (cụ thể đây là chính phủ ông Phan Văn Khải -
HVL) có cam kết với nhà đầu tư Temasek là trong ba năm tới VN sẽ không
lập thêm hãng hàng không nào. Thì ra, luật pháp một quốc gia đã bị bẻ
quặt vì một vụ mua bán 50 triệu USD. Luật hàng không dân dụng sẽ được
đem ra Quốc hội vào tháng 6 năm nay, chưa biết sẽ được thông qua kiểu
nào. Sự vụ ông Thaksin buôn bán vẫn được coi là hợp pháp trên mọi
phương diện pháp lý, nhưng hàng trăm ngàn người Thái đã tức giận khi
thấy người lãnh đạo đất nước lại thiếu lòng yêu nước. Xem xét trên nền
tảng quyền lợi quốc gia, vấn đề đạo đức của ông Thaksin được đặt ra.
Nếu là người Việt Nam, chuyện này hoàn toàn dễ hiểu. Coi ra, Tamasek (1) và Pacific Airlines sẽ là một câu chuyện rất chó má trong năm con chó này.
Tập
đoàn phản động Hà Nội luôn muốn giữ nguyên trạng để tiếp tục thụ hưởng
các bao cấp về: tài chính và tư tưởng. Ý thức hệ đối với chế độ độc tài
có giá trị như một vũ khí đặc hiệu, những phần tử day máu ăn phần sẵn
sàng gạt phắt đi các lợi ích cộng đồng - một khi các đặc lợi của chúng
có nguy cơ tổn hại. Bên trong một nhà nước luôn hô hào cái chung đã
hình thành những nhóm lợi ích tư; sự lớn mạnh của chúng xảy ra từng
ngày, quyền lợi của đại bộ phận nhân dân – chưa bao giờ như hôm nay -
bị bóc lột đến cùng tận. Nếu không có ai đó…và nhiều ai đó... chấp nhận
dấn thân thì trong tương lai thật gần, Việt Nam trở thành một xã hội
được thống trị bởi thiểu số (orligarchy) là tất yếu. Tài nguyên đất
nước liên tục bị thâu tóm vào tay các quan chức đại diện công quyền.
I.2. Dư âm tư duy "… chùm khế ngọt” Sau
khi vắt kiệt thành quả lao động của người dân trong nước - bất chấp khả
năng tái tạo sức lao động, như kiểu người ta vắt sữa bò… của nhà hàng
xóm, nhà nước toàn trị quay sang ve vãn kiều bào hải ngoại với chủ
trương “Việt kiều là chùm khế ngọt”. Quả thật, số lượng ngoại tệ năm
sau chuyển về nước luôn nhiều hơn năm trước, song dòng chảy kiều hối
này luôn nằm ngoài tầm tay với của đám tham quan độc tài phản động. Vậy
là nhà đương quyền lại quay sang nguồn có vốn đầu tư trực tiếp nước
ngoài (FDI) trong nước. Đây là dư âm một kiểu tư duy “chùm khế ngọt”.
Trong
6 tháng đầu năm 2005, tỷ lệ doanh nghiệp (DN) FDI tại Sài Gòn kê khai
thua lỗ kéo dài hoặc đang trong giai đoạn triển khai dự án là: 84%. Chỉ
có 194 DN kê khai có lãi. Cũng trong thời gian này, Cục thuế Sài Gòn
tiến hành kiểm tra hơn 50/1.450 DN có vốn FDI, phát hiện nhiều DN khai
man lợi nhuận trước thuế, xác định số thuế truy thu là gần 60 tỷ đồng.
Với năng lực thẩm định của nhà nước hiện nay, Việt Nam phải mất ít nhất
5 năm mới có thể điều tra nổi một công ty đa quốc gia có gian lận hay
không (2). Vậy là chùm khế FDI kia vẫn đẫm một vị chua loét. Cái
kiểu chính sách nửa trăng nửa đèn hiện nay đã liên tục nảy sinh tình
trạng ích nước thì ít mà hại dân lại nhiều. Những xung lực đối chọi
ngay trong nội bộ nhà cầm quyền khiến mọi việc trở nên chậm chạp cách
đáng ngờ. Chẳng hạn, trong vấn đề cổ phần hóa DN nhà nước được tiến
hành ầm ỹ về số lượng trong nhiều năm; thực chất vốn chuyển đổi chỉ đạt
9% (3).
Nhiều tờ báo lâu lâu lại trưng ra thực tiễn: nước
ta có 26% hộ nghèo… nghĩa là khoảng 20 triệu hộ gia đình nghèo. Họ làm
như tự dưng cái nghèo kia từ trên trời rơi xuống hay những người dân
kia không muốn làm giàu. Trước cảnh dầu sôi lửa bỏng này, các nhà lý
luận cộng sản lại hục hặc nhau về chuyện: “Đảng viên (CS) có được làm
kinh tế không giới hạn hay không ?”. Chẳng phải những người này u mê
đến độ không phân biệt được cái chức năng có khác nhau giữa một trọng
tài và một cầu thủ, đã đứng thổi còi thì đừng vung chân sút banh và
ngược lại. Họ chỉ lập lờ chuyện vừa muốn cỡi trên đầu cha thiên hạ mà
vẫn nghiễm nhiên quơ cào tư túi - dưới một cái mác kinh doanh dớ dẩn
nào đó. Nhân danh: “Đảng viên cũng là con người bình thường” nên “Việc
không cho đảng viên làm kinh tế tư doanh thời gian qua (…) cũng ít
nhiều làm phát sinh tình trạng ăn cắp, tham ô, tham nhũng”. Song, họ
lại lờ tịt đi những quy định có tính pháp lý về đạo đức của người công
chức. Với thiết chế hiện nay, đảng CS đang đóng vai trò lãnh đạo toàn
diện; khả năng các đảng viên – doanh nhân nằm trong bộ máy lãnh đạo là
hiển nhiên. Đối diện phía kia là các doanh nhân – không đảng viên mặc
nhiên thành bộ phận chịu/bị lãnh đạo. Mọi người hoàn toàn thấy trước
được kết quả của cuộc cạnh tranh thương trường giữa hai bộ phận này.
Trong một nền kinh tế đầy lổ hổng pháp lý hiện tại, chùm khế ngọt
mới/lãnh vực kinh doanh siêu lợi nhuận chính là việc đầu tư vào các
quan chức.
Một khi đám bộ sậu đảng viên công chức được công khai
làm ăn thì liệu bộ máy chuyên ăn cắp kia có trở nên liêm chính hay
không - vẫn còn là một nan đề lớn. Trong lúc đợi câu trả lời, người cả
nước có quyền ngạc nhiên về tập hợp nhân sự không phải thần thánh ấy
lại tự cho mình quyền muôn đời thống trị nhân dân.
II. Người lao động dưới chế độ XHCN
II.1. Một văn bản pháp lý bẩn cấp Chính phủ
Điểm
lợi của những người dân sống dưới chế độ XHCN là họ sẽ rất rành danh
tánh những kẻ bóc lột người lao động: đó là giai cấp tư sản, chế độ tư
bản chủ nghĩa v.v, gần đây lại thêm các ông chủ nước ngoài. Còn dưới
chế độ “ưu việt ta” thì thi thoảng có thể là ông nọ bà kia; nhìn chung,
chỉ là những con sâu nho nhỏ nào đó – khó mà làm rầu được nồi canh đại
dương của Đảng (CS). Ấy vậy mà chuyện “bóc lột sức lao động” chết người
kia lại thể hiện rành rành qua một nghị định cấp chính phủ.
Trong nghị định số 199/2004/NĐ-CP (4) có nói văn vẻ như sau: “Lợi
nhuận sau thuế của công ty nhà nước được phân phối theo tỷ trọng giữa
vốn nhà nước và vốn huy động của doanh nghiệp. Phần được chia theo vốn
nhà nước được dùng để tái đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại công ty. Phần
được chia theo vốn tự huy động dùng để trích các quỹ tại công ty”.
Như vậy, theo quy định thì lợi nhuận được chia phân biệt khác nhau giữa
nguồn vốn ban đầu. Các nguồn trích thưởng, trích phúc lợi cho người lao
động trong/cùng các quỹ khác tại công ty chỉ được lấy từ phần được chia
theo vốn tự huy động của công ty; người lao động chớ có léo hánh đến
phần được chia theo vốn nhà nước.
Điểm vô lý đến quái gở của văn
bản này là đã gạt phăng đi sự đóng góp của người lao động trong quá
trình hình thành nên những đồng lợi nhuận - dẫu đó có là vốn của nhà
nước. Qua cách phân chia và sử dụng lợi nhuận này, nhà nước đã từ chối
trách nhiệm phải thanh toán sòng phẳng với sức lao động đã làm ra lợi
nhuận. Đây là nguyên nhân dẫn đến thảm trạng: tại các công ty nhà nước,
với tỷ lệ đầu tư vốn nhà nước chiếm đa phần; các chế độ khen thưởng,
phúc lợi dành cho người lao động chỉ là những con số tượng trưng, bởi
không có nguồn để trích chi.
II.2. Những nạn nhân điển hình
Trong
lúc thiên hạ đang mơ màng say ngủ, người công nhân (CN) cạo mủ phải
thức dậy rất sớm, đạp xe ra ngoài lô cao su làm việc từ 4 - 5 giờ sáng.
Một ngày như mọi ngày, bất kể nắng hay mưa. Trong những lô cao su luôn
ẩm thấp, người lao động vẫn phải vác các thùng mủ ra các xe bồn. Mặc
rết cắn muỗi chích, chưa kể mùi cao su thoang thoảng như… hơi cóc chết.
Vậy mà đồng tiền đẫm mồ hôi của họ đang có nhiều nguy cơ giựt trắng
trợn từ một văn bản pháp lý bẩn cấp chính phủ.
Cái sẩy làm nảy cái ung, truy nguyên lại người ta sẽ thấy các hành vi vô trách nhiệm diễn ra như sau:
1.
Cơ chế tính quỹ khen thưởng cho CN đã được Tổng Công ty Cao su Việt Nam
(TCty CSVN) kiến nghị lên Chính phủ và Bộ Tài chính từ đầu năm 2005.
Mãi
đến cuối năm (20/12), Văn phòng Chính phủ mới có Thông báo số
234/TB-VPCP thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trên
nguyên tắc đồng ý cho TCty CSVN trích quỹ khen thưởng, phúc lợi từ lợi
nhuận sau thuế thưởng tết cho CN "tối đa không quá 3 tháng lương, giao
Bộ Tài chính xem xét giải quyết, nếu vượt thẩm quyền trình Thủ tướng
Chính phủ".
Ngày 30/12, Bộ Tài chính cũng có văn bản gửi Thủ
tướng, trong đó, thống nhất với kiến nghị của TCty CSVN, đề nghị Thủ
tướng cho phép áp dụng mức thưởng nêu trên. Đã quá cận kề ngày Tết, Thủ
tướng vẫn im lặng. Dù chưa nhận được quyết định cuối cùng từ Thủ tướng,
nhưng lãnh đạo TCty CSVN đã tạm trích hơn 500 tỷ đồng để thưởng tết cho
hơn 84.000 người lao động ngành cao su - mức tối đa bằng 70% của 3
tháng lương.
2. Sau Tết Âm lịch - tức tiền thưởng đã trao CN;
ngày 7/02/2006, Văn phòng Chính phủ mới có văn bản trả lời về kiến nghị
trên của TCty CSVN. Theo chỉ đạo này, mỗi người lao động ngành cao su
chỉ được thưởng tết không quá 1 tháng lương. Một quan chức khác phóng
thêm: dựa trên luật và các quy định tài chính, TCty CSVN cần phải thu
hồi lại khoản tiền "lỡ" chi cho ngân sách nhà nước.
3. Và cuối
cùng theo người phát ngôn của Thủ tướng, ông Nguyễn Kinh Quốc, việc xử
lý TCty CSVN áp dụng mức thưởng vượt khung của Chính phủ là thuộc thẩm
quyền giải quyết của Quốc hội. Quả bóng quyền lợi người lao động đã
lần lượt đưa qua Bộ Tài chính, rồi Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đến
Văn phòng Chính phủ… Bóng lại được đẩy lên Thủ tướng, e khó bề xoay sở,
cuối cùng có vẻ bóng đang trong chân Quốc hội. Của phải tội, nguồn vốn
nhà nước trong TCty CSVN chủ yếu là từ tiếp quản khơi khơi các đồn điền
ngày trước của… Tây. Do đó, tỷ trọng vốn nhà nước trong vốn kinh doanh
của TCty rất lớn: 92,6%; đồng nghĩa với mỗi CN ngành cao su chỉ được
thưởng tết không quá 1 tháng lương. Nhà nước đương quyền tỏ ra đang
lúng túng. Câu chuyện nếu xử theo hướng chặt đẹp, thì không thể bịt
miệng được hơn 84.000 người lao động ngành cao su. Nếu để Tcty CS
thưởng Tết vượt khung thì té ra Nghị định của Chính phủ chẳng khác chi
tờ giấy lộn; làm sao ngăn chặn các Tổng công ty nhà nước khác xin truy
“thưởng Tết vượt khung”.
Bức xúc hiện nay của 84.000 người lao
động ngành cao su là bao giờ họ được chi trả tiếp số thưởng Tết còn lại
thì căn cứ trên các quy định nhà nước, diễn tiến quay sang chiều ngược
lại: số tiền còn lại không được chi trả tiếp mà còn có nhiều khả năng
sẽ bị thu hồi hồi lại qua hình thức trừ vào lương năm 2006. Người lao
động ngành cao su làm việc trên một địa bàn trải rộng 16 tỉnh, thành
phố; trong đó có hơn 6.500 người là đồng bào dân tộc thiểu số. Họ đang
suy nghĩ và định làm gì nhỉ… Thực ra diễn giải về các hình thức bóc
lột, chỉ nên dành cho những người không có chân trong chế độ toàn trị;
chớ chắc chắn rằng: những người xuất thân cai đồn điền như ông Lê Đức
Anh thì đã quá rành. Chính cách nhà nước xử lý phản ứng của các xã hội
dân sự sẽ làm cho họ bị sụp đổ trước khi bị ngoại lực bên ngoài tác
động tới.
III. Biểu tượng mới tình đồng bào
III.1. Sức mạnh người lao động
Có
những người Việt thở dài khi thấy hình ảnh cặp vận động viên Lee Bora
(Nam Hàn) và Han Jong In (Bắc Hàn) đi song đôi, bên nhau, dẫn phái đoàn
Triều Tiên vào dự lễ khai mạc Thế vận Mùa đông 2006 ở Turin, Ý. Ruột
gan những người Việt đó quặn thắt khi hồi niệm về quê mình – nơi từng
có những người chung tiếng nói, vờn nhau dọc hai bờ chiến hào, để ghìm
chặt tay súng mà… nã đạn vào đầu nhau. Đoạn phim ấy đã cháy, đã trở nên
cũ rích… sau những tháng ngày qua. Bởi hôm nay Sài Gòn đã lên tiếng;
Bình Dương, Biên Hoà trả lời... Hải Phòng, Quảng Ninh réo gọi; Long An,
Cần Thơ có mặt... Chưa bao giờ trong suốt hơn 50 năm qua (1954 – 2006),
người cả ba miền: Nam, Trung và Bắc cất chung tiếng nói như hôm nay...
Lịch sử dân chủ mai này sẽ ghi nhận sự thật này. Đã xuống tới năm con
chó, dẫu biết chẳng thể ngày một ngày hai mà đời được lên voi – nhưng
vẫn thấy mát lòng hả dạ khi anh chị em ngoài kia đến với nhau vì cái
tình cần lao vốn cùng bọc mẹ sinh ra. Những ngày này sẽ đi vào lịch sử
dân tộc. Chẳng một chủ nghĩa, học thuyết ngoại lai nào có thể huy động
được đám đệ tử con nhang đông như vậy. Chính tinh thần chung sức đấu
tranh bảo vệ dân quyền đã làm được việc đó. Trong quá trình thể hiện
công khai chính kiến, người lao động Việt có những bước tiến dài lên
phía trước. Hình ảnh anh chị em lao động không phân biệt địa phương
sinh trưởng, chính kiến; đồng lòng ngẩng cao đầu bước ra cổng công ty
là biểu tượng của tinh thần nối vòng tay lớn, đủ làm xúc động rất nhiều
trái tim xa xứ. Nhân dân từ miền Tổ quốc thứ tư: hải ngoại – đã nức
lòng ủng hộ cuộc đấu tranh chân chính này. Đoàn kết dân tộc luôn là
khát vọng truyền đời của người Việt, bởi đây là nguồn lực vô giá để bảo
vệ/đòi lại lãnh thổ quốc gia, xây dựng/phát triển một Việt Nam mới sánh
vai cùng bè bạn năm châu. Mọi chuyện không đơn giản chỉ là miếng cơm
manh áo, giành lại công bằng vài trăm ngàn bạc… Cháy bỏng hơn, là cái
tình đồng bào của những người đi đầu và đi bên cạnh cuộc tranh đấu
không tiếng súng hàng trăm ngày qua. Đó là thắng lợi quan trọng nhất mà
hơn 110.000 người lao động cả nước đã làm được trong 03 tháng ròng (5).
Đình
công sẽ ngày càng phát triển ở quy mô lớn và dai dẳng hơn. Cách thức
biểu thị ý chí của người lao động sẽ loang ra, vượt qua những giới hạn
phân biệt loại hình doanh nghiệp, không loại trừ các công ty quốc
doanh. Qua các cuộc tranh đấu quyền lợi người lao động, vai trò một
công đoàn độc lập trở nên thiết thực hơn bao giờ hết. Chỉ có công đoàn
do người lao động trực tiếp bầu ra mới có giá trị đại diện cho cộng
đồng anh chị em thợ thuyền. Thực tiễn cho thấy các cán bộ công đoàn do
nhà nước dựng lên đã cụp đuôi bỏ chạy khi lệnh đình công phát động. Đốn
mạt hơn, đã có những trường hợp quay ra giải vây cho các chủ doanh
nghiệp, chỉ điểm các thủ lĩnh công nhân. Công đoàn nhà nước thực chất
chỉ là một cơ quan ngoại vi của đảng cộng sản, cưỡng đoạt quyền đại
diện của anh chị em cần lao. Trước thực tế luật pháp không gắn liền
cuộc sống, đình công hôm nay không đơn thuần là đòi lại các quyền lợi
hợp pháp của người lao động khi người sử dụng lao động phạm luật. Anh
chị em thợ thuyền đã có bước tiến xa hơn: chủ động đưa ra các yêu cầu
hợp lý, gây áp lực phải thực hiện với chủ sử dụng lao động. Bộ máy
đương quyền đã sử dụng nhân dân như đám đổ vỏ mà chính bọn họ là người
ăn ốc.
III.2. Vận mệnh dân tộc cần tương lai
Quả
là một đề tài nhạy cảm khi so sánh các khuynh hướng vận động dân chủ
hoá cho nước nhà hiện nay. Tuy nhiên, nếu loại trừ các yếu tố như: học
thuyết uyên thâm, chủ trương độc đáo, hoạt động phù hợp... thì người ta
sẽ thấy rằng: khó có một lộ trình đúng đắn xuất phát từ một tập hợp
không lớn mạnh/sống cùng ngay trong lòng đồng bào mình. Đây có lẽ là
một tiêu chí thiết yếu để lượng giá thực lực của một tập hợp tranh đấu.
Bởi không khổ như chị em công nhân đang khổ, chẳng sợ như đồng bào từng
sợ thì làm sao cảm hết được những trăn trở của nhân dân. Do đó, để thay
đổi hiện trạng quốc gia dứt khoát không thể bằng một số hoạt động có
tính cách cục bộ, càng không thể bằng những tuyên bố - dẫu là những
ngôn từ hùng hồn nhất. Thực tại Việt Nam luôn kêu gọi những công dân ái
quốc hãy xắn tay áo lên trong hành động bản thân. Tự lời nói thuần tuý
không thể tải được các xung động dân chủ; thậm chí mang sắc thái tiêu
cực nếu lặp lại có chủ ý - bởi tính cách cơ hội ẩn chứa bên trong. Ý
chí không thể thay thế cho lập luận, mỹ từ thì càng chẳng thể lấp được
những lỗ hổng tư duy logic.
Thời gian qua, các biến động thời sự
trong nước như: người lao động đình công hàng loạt, tiểu thương bãi
thị... được nhìn nhận có khác nhau, phụ thuộc vào sự dị biệt của các
nhãn quan chính trị. Giữa thực tế xảy ra và việc mô tả chúng có khoảng
cách nhất định, độ lớn của khoảng cách này tuỳ thuộc vào thực lực của
mỗi tập hợp. Ở một số trường hợp nhất định, những tuyên bố nẩy lửa nhất
– cơ hồ - được xem như/thay thế một hoạt động trong thực tiễn. Trong
khi đó, xung động của các xã hội dân sự Việt Nam dẫu đã vượt qua giai
đoạn trứng nước song hiện nay, để xác định là một lực lượng đủ sức đối
trọng thì cần nhiều nỗ lực hơn. Thực vậy, chủ trương sử dụng bạo lực có
khả năng làm tàn lụi những tụ điểm dân chủ - dẫu xuất phát từ bất cứ
phe nào: dân chủ/phản dân chủ. Xét dưới góc độ dân chủ là một giá trị
phổ quát, những vấn đề trong thực tiễn Việt Nam như: kêu gọi công nhận
đầy đủ quyền công dân, đấu tranh bảo vệ lợi ích người lao động… thuộc
phạm trù tiến hóa (evolution) hơn là cách mạng (revolution). Vì những
lợi ích thiết thực, người lao động chúng ta đang cố gắng thực thi những
bổn phận công dân bằng quyền hạn của người công dân; hơn là họ hoạt
động như một phần tử cách mạng. Bởi những gì họ đấu tranh/bảo vệ là cái
vốn phải có, chớ chẳng phải là cái mới cần đạt. Các quyền cần phải có
của con người cơ hồ như quả cầu đa sắc, tuỳ nhãn quan mà người ta sẽ
thấy chúng là các lợi ích kinh tế hay chính trị. Song trong chừng mực
cảnh khốn cùng hiện nay, nhân dân ta đang cần giải quyết cấp bách các
vấn đề cơm áo gạo tiền – và đây là ưu tiên hàng đầu.
Tuy nhiên,
mức độ thành công trong tiến trình dân chủ hóa phụ thuộc một phần vào
khả năng kết hợp giữa các thành tố của xã hội dân sự. Thực tiễn cho
thấy, các nhóm nhỏ có phối hợp chặt chẽ thường hiệu quả hơn những đám
đông to lớn thiếu tổ chức. Đâu phải làm bậy cho bõ ghét, làn sóng đứng
lên giành quyền bình đẳng tư pháp là chính đáng và thiết thực. Chẳng có
người tranh đấu nào là mình đồng da sắt, canh cánh trong lòng anh chị
em chúng ta là những lo toan rất đỗi đời thường. Giữa muôn trùng cam
go, lực lượng cần lao nòng cốt vẫn đứng vững. Anh chị em thợ thuyền đã
tiên phong thực hiện, các tầng lớp khác trong xã hội Việt nỡ nào làm
ngơ, chẳng lẽ trớt qướt quay lưng... Tiến trình dân chủ hoá nước nhà
cần tăng tốc hơn nữa. Mỗi con người có thể sống bằng quá khứ nhưng vận
mệnh cả dân tộc này thì luôn cần một tương lai. Dẫu đứng ở bất cứ nơi
đâu, tất cả người Việt đang sống trên cõi đời này cũng chỉ có một Tổ
quốc.
Sài gòn, ngày 29/03/2006 - Kỷ niệm cuộc đình công thứ 1.000 đã qua.
Chú thích:
1. Tính đến tháng 05/2004, công ty Temasek Holdings
đầu tư vào Việt Nam 400 triệu USD. Để hiểu về Temasek, cần để ý thêm
một vụ mua bán trong ngành cáp quang biển năm 2005 tại Mỹ: Global
Crossing, mạng cáp kết nối phần lớn nước Mỹ với châu Âu và châu Mỹ La
tinh đã được bán cho hãng Technologies Telemedia với giá 250 triệu USD.
Và Technologies Telemedia là một hãng con của Temasek Holding. Tổng
giám đốc của Công ty là bà Ho Ching - phu nhân Thủ tướng Lý Hiển Long,
con dâu của cố vấn cao cấp Lý Quang Diệu. Là một siêu thế lực tại
Singapore, tính minh bạch về hoạt động của Temasek luôn là một ẩn số
trong suốt thời gian hoạt động 30 năm qua. Chỉ đến năm 2004, Temasek
mới lần đầu tiên công bố báo cáo thường niên của mình. 2.
Nguồn: Cục thuế thành phố. Báo Tuổi trẻ số 146/2005, ngày 29/06/2005,
tr. 1 & báo Người lao động số 3345, ngày 01/07/2005, tr. 7. 3. Tính đến thời điểm tháng 10/2005, theo trình bày của đại biểu tỉnh Thái Bình trước Quốc hội kỳ 8 khóa XI. 4. Ban hành ngày 3/12/2004, kèm theo có Thông tư số 33/2005/TT-BTC, ngày 29.4.2005 của Bộ Tài chính, hướng dẫn nghị định trên. 5.
Tính sơ bộ từ năm 1995 - 28/02/2006, cả nước có 1.017 cuộc đình công.
Riêng thời điểm từ 23/12 – 28/02 có hơn 110.000 người lao động tham gia.
|