Thứ Ba, 2024-12-10, 2:56 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Hai » 21 » Khủng hoảng năng lượng: Lý sự của "ông độc quyền" EVN
7:19 AM
Khủng hoảng năng lượng: Lý sự của "ông độc quyền" EVN

20/02/2009 11:50 (GMT + 7)
(TuanVietNam) - Nếu đề xuất của Bộ Công thương về việc tái cấu trúc ngành điện được chuẩn y, Tập đoàn Điện lực EVN sẽ mất thế độc quyền, chỉ còn là DN hạng trung trong hệ thống điện. Vì thế, cũng dễ hiểu khi EVN phản ứng đề xuất này với lí do, không cho EVN độc quyền, Việt Nam có khả năng khủng hoảng năng lượng.

Ảnh: quangninh.gov.vn


Tái cơ cấu ngành điện

Theo thông tin trên báo Sài Gòn Tiếp thị ra ngày hôm nay (20.2), bộ Công thương vừa mới có tờ trình lên Chính phủ đề án thiết kế tổng thể thị trường điện cạnh canh và tái cơ cấu ngành điện. Đề án đề nghị trước mắt tách khâu sản xuất - truyền tải ra khỏi tập đoàn Điện lực. Trước hết để hình thành các tổng công ty phát điện, để cùng tham gia, cạnh tranh bình đẳng trên thị trường điện, được thiết kế theo mô hình “chào giá theo chi phí” (Cost Based Pool - CBP)…ngay trong năm nay.

Nhưng ngay sau đó, trong một văn bản gọi là góp ý cho đề án này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN đã có những phản ứng mạnh mẽ vì lý do cho rằng, những đề xuất tái cơ cấu ngành điện trong đề án này không phù hợp, có khả năng dẫn đến thu hẹp EVN, khiến tập đoàn này không còn là tập đoàn kinh tế mạnh như chủ trương của nhà nước…

EVN còn tỏ ra làm mình làm mẩy cho rằng, nếu tách các nhà máy điện ra khỏi EVN thì các nhà máy này chưa đủ uy tín, năng lực để đi kêu gọi các tổ chức tài chính trong và ngoài nước cho vay những khoản tiền lớn, đầu tư cho các công trình nguồn; rồi các nhà máy mới thì lại không đủ kinh nghiệm, năng lực đầu tư…Khâu truyền tải tách ra thì EVN cũng “lo” là không ai thu xếp đủ vốn để đầu tư. Cho nên tập đoàn này mạnh dạn “đe” là Việt Nam sẽ đứng trước nguy cơ mất an ninh năng lượng, rồi không ai lo cung điện cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo…

Trở lại với đề án của Bộ Công thương, theo nguồn tin của VietNamNet, Cục Điều tiết điện lực (ERAV) - cơ quan thuộc bộ này đã trực tiếp xây dựng và hoàn chỉnh đề án đã đề xuất lựa chọn mô hình “chào giá theo chi phí” (Cost Based Pool-CBP) cho thị trường điện cạnh tranh sẽ đi vào hoạt động trong tương lai của Việt Nam. Đây là mô hình hoạt động dựa theo nguyên tắc thị trường toàn phần và điều độ tập trung, trong đó, các đơn vị phát điện tham gia chào giá cho toàn bộ công suất đã sẵn sàng.

Cơ quan vận hành thị trường và hệ thống điện (không thuộc EVN) sẽ căn cứ vào các bản chào để  sẽ lập lịch huy động các nguồn điện theo chi phí tối thiểu, xếp theo mức giá tăng dần.

Có thể nói, mô mình này là phù hợp nhất với các nước đang phát triển nơi có hạ tầng ngành điện chưa phát triển cao như Việt Nam, nhu cầu điện tăng cao trong khi dự phòng luôn ở mức thấp, thậm chí nhiều năm gần đây dự phòng phát điện là bằng 0.

Một số chuyên gia về điện năng cho rằng,  mô hình CBP đáp ứng các yêu cầu: duy trì giá điện ổn định, có khả năng nâng cao hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh điện; hạn chế lũng đoạn thị trường và có khả năng phát triển lên thị trường bán buôn điện cạnh tranh trong tương lai...

Một kế hoạch chia nhỏ, xé lẻ như vậy cho dù rất hợp lý và đúng đắn nhưng làm sao có thể khiến cho lãnh đạo tập đoàn EVN vui vẻ?

Nếu đề án này được chuẩn y, việc tái cơ cấu sớm thực hiện thì hiển nhiên EVN sẽ mất đi vị thế độc quyền, từ chỗ là một tập đoàn lớn trở thành một doanh nghiệp hạng trung trong hệ thống điện. Cho nên dễ hiểu vì sao EVN lại có những phản ứng như vậy.

Thậm chí, tập đoàn này còn cho rằng, những đánh giá của đề án về EVN như: “ …nắm và chi phối hầu hết các khâu trong quá trình dây chuyền sản xuất - truyền tải - phân phối nên không thể minh bạch hoá được chi phí từng khâu; hoạt động của ngành điện kém hiệu quả, cản trở việc chuyển sang cơ chế thị trường…Tình trạng cắt điện lan tràn, không có kiểm soát và không rõ mục đích, đặt lợi ích doanh nghiệp lên trên lợi ích quốc gia” là những đánh giá không phù hợp với thực tế (?), dẫn đến đề xuất tái cấu trúc ngành điện bất hợp lý, giảm sức mạnh đầu tư của EVN...

Ảnh: nguoidaibieu.com.vn.

Nguy cơ khủng hoảng năng lượng?

Không phải EVN hoàn toàn vô lý trong việc nói rằng nếu tái cơ cấu ngành điện theo đề nghị của cục ĐTĐL sẽ dẫn đến nguy cơ khủng hoảng năng lượng (điện), gây ra thiếu điện trầm trọng…

Quả thực, kinh nghiệm ở nhiều nước cho thấy, nếu việc tái cơ cấu diễn ra quá nhanh và có những bước đi không phù hợp thì sẽ gây ra những hậu quả tai hại khác như: thiếu điện, giá điện tăng nhanh và việc cấp điện không đầy đủ…Khách quan mà nói, EVN hiện nay cũng vẫn là doanh nghiệp giàu kinh nghiệm, năng lực nhất trong việc đầu tư, triển khai, vận hành các nhà máy điện, tổ chức truyền tải, phân phối… theo một dây chuyền khép kín.

Cho dù mấy năm gần đây, những trục trặc thường xuyên xảy ra hơn, tình trạng cắt điện, cúp điện…ngày càng trầm trọng nhưng những cố gắng, công lao của EVN trong hàng chục năm qua cũng không nên phủ nhận.

Có điều, một hệ thống tổ chức như EVN đã không còn hợp lý. Tình trạng độc quyền gần như toàn bộ từ khâu quy hoạch đến tổ chức đầu tư, mua điện để truyền tải, phân phối, xây dựng giá bán... của EVN đã hạn chế cạnh tranh giữa các nhà máy của EVN với các nhà máy của các nhà đầu tư bên ngoài.

Ví dụ gần nhất là năm 2008, EVN đã không mua hết sản lượng điện của mọt số nhà máy điện của tập đoàn Dầu khí, của tập đoàn Than khoáng sản đã đầu tư dẫn đến việc tập đoàn Dầu khí phải khiếu nại lên Chính phủ về cách làm của EVN. Xây dựng nhà máy lên rồi không được công bằng trong việc bán điện thì đó là rủi ro to lớn cho các nhà đầu tư bên ngoài muốn nhảy vào lĩnh vực điện năng chứ đâu chỉ hẳn là vấn đề giá điện.

Do đó, cho dù còn nhiều vấn đề có thể sẽ phải hoàn thiện hơn  về tổ chức, bước đi, cách làm để hạn chế thấp nhất những trục trặc xảy ra cho hệ thống điện, cho việc cung cấp điện tới nền kinh tế, cho sinh hoạt của người dân…trong đề án của cục ĐTĐL, nhưng việc xây dựng thị trường điện cạnh tranh, tổ chức lại ngành điện để EVN không còn là độc quyền tuyệt đối ở mọi khâu nữa, chắc chắn là điều sẽ phải làm.

Nói như Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trong cuộc họp báo mới đây về công bố giá điện, Chính phủ chủ trương đưa cạnh tranh, đưa sự minh bạch vào lĩnh vực điện để đạt tới mục tiêu cấp điện đủ, chất lượng, với mức giá hợp lý.

Mục tiêu đó chắc chắn sẽ không đạt được nếu để EVN vẫn giữ độc quyền như hiện nay.

  • Hàn Thạch

Chìa khoá để có thị trường điện hiện đại

Trong một thị trường điện hiện đại, hệ thống đường dây tải, hệ thống bán lẻ và lĩnh vực sản xuất điện là các mảng tách rời. Trong mỗi mảng này lại có nhiều công ty cùng hoạt động và cạnh tranh với nhau. Việc tách rời các mảng này là chìa khóa để xây dựng một thị trường điện hiện đại.

Việc hiện đại hóa và nới lỏng quản lý thị trường điện mới chỉ khởi động cách đây không lâu trên nước Mỹ và thế giới. Lý do của sự chậm trễ này nằm ở chỗ việc phát triển một thị trường bán buôn điện hiện đại là một việc hết sức phức tạp.

Ngay cả ở Mỹ hiện nay vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Một trong những ví dụ nổi tiếng về thất bại của cơ chế bán buôn trong ngành điện thường được nhắc đến là trường hợp ở California hồi cuối thập kỷ 1990. Cuộc cải cách chóng vánh thị trường điện ở California trong thập niên 1990 đã mắc nhiều sai lầm, tạo cơ hội cho các công ty sản xuất điện thao túng bằng cách tạo ra khan hiếm giả tạo nhằm nâng giá bán buôn.

Trong một thời gian khá dài, California thường xuyên bị thiếu điện và giá điện bán buôn tăng lên nhiều lần khiến nhiều nhà bán lẻ phải tuyên bố phá sản. Việc này cuối cùng cũng được điều chỉnh lại, tuy nhiên hoạt động buôn bán và đầu cơ trên thị trường bán buôn nói chung ở khắp nơi vẫn thường khiến giá cả diễn biến phức tạp hơn nhiều lần so với thị trường chứng khoán.

Không như thị trường chứng khoán nơi chỉ số chứng khoán thường chỉ dao động vài phần trăm trong một ngày, mức giá điện trong ngày trên các sàn giao dịch bán buôn có thể dao động tăng giảm tới hàng chục lần. Giá điện bán buôn trên thị trường PJM có độ lệch chuẩn là 34% trong giai đoạn 1997-2000. Trong khi đó độ lệch chuẩn của chỉ số chứng khoán S&P 500 trong thời kỳ biến động nhất kể từ vài thập kỷ gần đây cũng chỉ là 5,7% (tháng 10-1987).

Một thị trường điện hiện đại hoạt động hiệu quả sẽ tạo môi trường cạnh tranh tích cực giữa các công ty sản xuất điện, giữa các nhà bán lẻ và giữa các công ty cung cấp đường dây tải. Việc cạnh tranh sẽ khiến các doanh nghiệp này liên tục phải tìm cách cắt giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh và có những kế hoạch dài hạn thích hợp.

Một thị trường điện hiệu quả cũng tạo ra cơ chế ngăn cản các doanh nghiệp sử dụng sức mạnh thị trường để gây sức ép tăng giá nhằm trục lợi bằng sự tổn thất của người tiêu dùng. Biện pháp hành chính, độc quyền và hiệu quảMục tiêu của doanh nghiệp là lợi nhuận.

Việc của Chính phủ là tạo ra cơ chế để lợi ích của doanh nghiệp song hành - hay ít ra cũng không đi ngược lại - lợi ích của người tiêu dùng. Đây là một việc khó khăn nên đôi khi các chính phủ phải dùng đến biện pháp quản lý hành chính (regulations). Tuy nhiên, các biện pháp hành chính thường dẫn tới những méo mó và khiến các doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả.

Ts. Trần Vinh Dự (Theo TBKTSG)

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 858 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0