(Cư dân mạng Trung Quốc phân tích)
Hôm
nay (17 tháng 2) là một ngày nhân dân hai nước Trung Quốc, Việt Nam đều
không thể nào quên. Ngày này 30 năm trước, quân đội Trung Quốc phát
động “Cuộc chiến tự vệ phản kích” Việt Nam trên biên giới Trung Việt.
Cuộc chiến tranh này đã trở thành vết thương khó có thể hàn gắn giữa
nhân dân hai nước. Nếu bỏ qua cuộc chiến đó để xem xét “Mối quan hệ
Trung Quốc-Việt Nam” hiện nay, dù là quan hệ nhà nước hay nhân dân, thì
sẽ là què quặt, cũng là phiến diện không hoàn chỉnh.
Ba quốc
gia có liên quan trực tiếp nhiều nhất tới cuộc chiến đó là Trung Quốc,
Việt Nam và Căm-pu-chia có cách nhìn khác hẳn nhau đối với cuộc chiến
tranh Trung Quốc-Việt Nam 30 năm trước. Phía Trung Quốc cho rằng phía
Việt Nam quấy rối biên cương Trung Quốc, cho nên Trung Quốc phát động
“Cuộc chiến tự vệ phản kích”. Phía Việt Nam cho rằng chính phủ Trung
Quốc vì để ủng hộ chính quyền Khơ-me Đỏ mà phát động bành trướng xâm
lược Việt Nam, thể hiện chiến tranh bá quyền. Phía Căm-pu-chia tuy
không tỏ thái độ rõ ràng đối với cuộc chiến Trung Quốc-Việt Nam nhưng
ngày 7 tháng 1 năm nay đã tổ chức một cuộc mít tinh quy mô chưa từng có
tại Pnông-pênh chúc mừng 30 năm ngày nhân dân Căm-pu-chia thoát khỏi
ách thống trị của Khơ-me Đỏ. Tại cuộc mit tinh, Chủ tịch Thượng viện
Căm-pu-chia Chia-xin cảm ơn Việt Nam “đã cứu Căm-pu-chia”, đánh giá cao
bộ đội tình nguyện Việt Nam đã hy sinh to lớn để tiêu diệt chính quyền
Khơ-me Đỏ tàn sát nhân dân, và đã kịp thời ngăn chặn được số phận bất
hạnh nhân dân Căm-pu-chia tiếp tục bị tàn sát.
Giờ đây chính phủ
Trung Quốc đang ra sức làm mờ nhạt cuộc chiến 30 năm trước ấy, không tổ
chức bất kỳ bất kỳ hoạt động kỷ niệm chính thức nào. Tại Việt Nam,
chính phủ và nhân dân đều tổ chức hoạt động tưởng niệm với quy mô lớn
(?) những người Việt Nam đã chết trong cuộc chiến đó, giáo dục người
Việt Nam chớ quên cuộc chiến này. Rốt cục trong cuộc chiến tranh ấy ai
phải ai trái, ở đây tác giả không muốn bàn thảo. Bao giờ các tài liệu
mật được dần dần công khai, sau khi nhìn thấy chân tướng, tự nhiên
người ta sẽ hiểu rõ.
Tác giả muốn nhân dịp hôm nay ngày đặc biệt
này để nói qua về một số cảm nhận của mình tại Việt Nam, hy vọng qua đó
người trong nước sẽ hiểu được tại sao đa số người Việt Nam có thái độ
không hữu hảo với Trung Quốc. Để nhìn nhận Việt Nam một cách khách
quan, chúng ta nên xuất phát nhiều hơn từ góc độ của mình mà suy nghĩ.
Ngoài việc cuộc chiến đó cần thời gian để hàn gắn vết thương giữa nhân
dân hai nước ra, hiện nay vấn đề người Việt Nam không hữu hảo với người
Trung Quốc chủ yếu có mấy mặt sau đây đáng để người nước ta cảnh giác
và suy nghĩ.
Trước hết, người Trung Quốc chưa hiểu tình hình
Việt Nam – đây là một nguyên nhân khiến người Việt Nam ghét người Trung
Quốc. Hai nước tuy là láng giềng gần nhau, truyền thống văn hóa và tập
quán giống nhau nhưng tuyệt đại đa số người Trung Quốc lại chưa hiểu
Việt Nam. Việt Nam là quốc gia nhược tiểu, chính phủ không đủ tài lực,
thậm chí việc vận hành của chính phủ hàng năm phải cần đến viện trợ
quốc tế. Thế nhưng sự nghèo khó của chính phủ không đại diện cho sự bần
cùng của dân chúng. Người Trung Quốc có quan niệm là chỉ cần thấy nước
này chỗ nào cũng rách nát, thiết bị hạ tầng cơ sở chưa hoàn thiện,
đường phố không rộng rãi tráng lệ thì cho rằng nước này hỏng rồi. Thực
ra nhìn bên ngoài không bằng nhìn thực chất. Việt Nam luôn ltheo đường
lối giấu ngầm sự giàu có vào dân chúng. Chỉ cần đến thăm nhà thường dân
Việt Nam để cảm nhận một chút, bạn sẽ thay đổi ấn tượng về Việt Nam.
Hầu như gia đình Việt Nam nào cũng có một căn lầu nhỏ kiểu Pháp của
riêng họ, các loại đồ điện gia đình và thiết bị trong nhà không hề ít
hơn dân Trung Quốc. Nghèo nữa thì cũng có một chiếc xe máy. Gia đình
dân chúng Việt Nam chưa thể coi là giàu có nhưng cũng tuyệt nhiên không
nghèo. Tuyệt đại đa số người Trung Quốc từng đến Việt Nam phần lớn chỉ
nhìn thấy hiện tượng bên ngoài chứ không phải đời sống thực chất của
người Việt Nam bình thường, do đó có sự hiểu lầm về Việt Nam. Ngược
lại, người Việt Nam cũng từ xương cốt coi thường một bộ phận người
Trung Quốc.
Thứ hai, tâm trạng ưu việt cao ngạo của người Trung
Quốc đã làm cho người Việt Nam không hữu hảo với người Trung Quốc.
Người nước ta tự cho rằng thực lực Trung Quốc mạnh hơn Việt Nam, phần
lớn người Trung Quốc khi đến Việt Nam thì có thái độ thiếu thân mật và
khiêm tốn với người Việt Nam. Thường xuyên có bạn hỏi tôi: Việt Nam
chẳng phải là rất nghèo đấy ư, có phải là ở Việt Nam đi mua hàng phải
vác cả bọc tiền to tướng, có phải Việt Nam thừa phụ nữ, có thể lấy mấy
vợ cũng được phải không? ... đều là những câu hỏi làm người ta cười
gượng. Thực tế Việt Nam khác xa những gì chúng ta tưởng tượng. Chính
quyền Việt Nam nghèo, thậm chí rất tham nhũng, song dân chúng Việt Nam
không nghèo. Đồng bạc Việt Nam giá trị cao nhất là 500 nghìn đồng,
tương đương 200 Nhân Dân Tệ Trung Quốc, ra phố mua hàng đâu có cần vác
rất nhiều tiền, thậm chí còn ít một nửa so với người Trung Quốc đi mua
hàng. Phụ nữ Việt Nam không nhiều, tỷ lệ nam nữ cơ bản bằng nhau, thậm
chí tỷ lệ nam cao một chút, chớ có sang Việt Nam làm giấc mộng lấy mấy
cô vợ. Người Việt Nam coi người Trung Quốc không ra gì không phải không
có nguyên cớ.
Thứ ba, nhà đầu tư Trung Quốc đến Việt Nam rất bị
nghi ngờ về chữ tín. Cuối thập niên 90, rất nhiều người Trung Quốc đến
Việt Nam đầu tư, tưởng là ở đấy có thể dễ kiếm được tiền. Khi phát hiện
đầu tư trên toàn thế giới đều có cùng một nguyên tắc là “không có đầu
tư vào thì không có sản phẩm ra”, kiếm tiền đâu có dễ như tưởng tượng.
Thế là người Trung Quốc ào sang như một đàn ong rồi lại ào ào đại rút
lui như một đàn ong, rút vốn về nước một cách bất hợp pháp, để lại một
đống tạp chứng khó chữa như nợ lương, nợ thuế, nợ vốn với đối tác hợp
tác, khiến chính quyền Việt Nam rất đau đầu. Sự thành thật giữ chữ tín
của thương nhân Trung Quốc phổ biến bị người Việt Nam nghi ngờ. Cùng
sang Việt Nam kiếm tiền, người Nhật, người Hàn Quốc trước lúc đi đã xem
xét coi đây là vấn đề khá phức tạp, khi gặp phải các vấn đề tồn tại
trong xã hội Việt Nam họ giải quyết dễ hơn người Trung Quốc. Tâm lý quá
ư đầu cơ của nhà đầu tư Trung Quốc, thái độ oán trách mỗi khi gặp khó
khăn đã gây ra hậu quả người Việt Nam cho rằng người Trung Quốc có độ
tin cậy thương mại không cao. Trung Quốc khi đưa vốn ra nước ngoài cũng
đem theo những bệnh bất trị vốn có trong xã hội thương mại của mình
sang nước ngoài. Điều này không những các nhà đầu tư chúng ta phải suy
ngẫm mà chính phủ Trung Quốc cũng nên cảnh giác.
Thứ tư, việc
các thương gia Trung Quốc phán đoán sai lầm về thị trường tiêu dùng
Việt Nam đã không những làm cho sản phẩm Trung Quốc khó tiêu thụ ở Việt
Nam mà cũng tổn hại nghiêm trọng tới hình ảnh và thanh danh của người
Trung Quốc. Do hiểu biết lệch lạc về tình hình nội bộ và thói quen tiêu
dùng của Việt Nam, cho rằng người Việt không tiêu dùng nổi những sản
phẩm chất lượng tốt cấp cao, mà người Trung Quốc chuyển sang Việt Nam
những dây chuyền sản xuất lạc hậu bị đào thải trong nước, kết quả thế
nào có thể suy ra mà thấy. Nhà sản xuất xe máy Trùng Khánh huênh hoang
ở Trung Quốc là đã chiếm được bao nhiêu thị phần thị trường Việt Nam.
Đáng
tiếc là người viết bài này ở Việt Nam cho tới nay chưa hề phát hiện
thấy một chiếc xe máy Trùng Khánh nào chạy trên đất nước này, dù ở vùng
nông thôn tương đối nghèo hay đô thị phồn hoa đều khó mà thấy bóng dáng
nó. Trong lòng người tiêu dùng Việt Nam thì hàng Trung Quốc là đại danh
từ của “chất lượng xấu”. So với người Trung Quốc, rõ ràng người Nhật
Bản, Hàn Quốc, kể cả người Âu Mỹ đánh giá quan niệm tiêu dùng của người
Việt Nam chính xác hơn nhiều; ngay từ đầu họ đã đưa hàng chất lượng tốt
sang thị trường Việt Nam, giành được sự ủng hộ của người tiêu dùng nước
này. Đây cũng là nguyên nhân hàng hóa Trung Quốc ở Việt Nam đại bại
trước hàng hóa Nhật Bản, Hàn Quốc và cũng là một nhân tố lớn làm cho
người Việt Nam khinh thường (bỉ thị) người Trung Quốc.
Trung
Quốc và Việt Nam núi liền núi sông liền sông, có hơn 2000 năm tiếp xúc
văn hóa, thế nhưng sự hiểu biết của chúng ta về Việt Nam lại dừng ở hồi
ức trong quá khứ, thiếu con mắt tỉnh táo và thận trọng để nhìn nhận
người hàng xóm này, khiến cho giữa nhân dân hai nước hình thành một vết
thương khó có thể vượt qua. Đồng thời với việc mất tín nhiệm của dân
chúng Việt Nam, chúng ta cũng dần dần chắp tay nhường cho Nhật Bản, Hàn
Quốc lợi ích thị trường to lớn ở Việt Nam mà người Trung Quốc vốn dĩ
nắm được.
Người Việt Nam không hữu hảo với người Trung Quốc
tuyệt nhiên không chỉ là do cuộc chiến tranh 30 năm trước mà còn nhiều
cái nữa đáng để tất cả người Trung Quốc suy ngẫm!
Bài “越南人为何对中国人不友好” đăng trên website Phượng Hoàng (Trung Quốc)
ngày 17-2-2009
Nguyễn Hải Hoành lược dịch và giới thiệu. Nguồn: Hội Nhà Văn Việt Nam
|