Thứ Năm, 2025-01-23, 1:47 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Hai » 22 » Tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam năm 2008
6:24 AM
Tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam năm 2008

LM Phan Văn Lợi



I- NHẬN ĐỊNH

            Muốn hiểu thật rõ tình hình tôn giáo tại Việt Nam, trước hết, cần khẳng định và nắm vững nguyên tắc cai trị của Cộng sản Việt Nam, đó là độc tài toàn trị. Điều đó có nghĩa: đảng CS muốn quản lý tất cả mọi cá nhân, tập thể, tổ chức và định chế tại Việt Nam, và muốn biến tất cả những thứ ấy thành công cụ phục vụ cho chế độ, cho đảng; hay ít nhất là làm tê liệt mọi cá nhân và tập thể, tổ chức và định chế nào dám động tới quyền lực cai trị của đảng.

            Vấn đề tôn giáo tại CHXHCN Việt Nam luôn phải rập theo nguyên tắc độc tài toàn trị đó. Mọi tôn giáo hiện nay đều bị chi phối bởi chính sách đặc biệt của CSVN, mà điển hình là “Pháp lệnh về tín ngưỡng và tôn giáo” số 21/2004/QH11, do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội CSVN ban hành ngày 18-06-2004, và “Nghị định Hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo” số 22/2005/CP do Chính phủ ban hành ngày 01-03-2005. Pháp lệnh và Nghị định này muốn kiểm soát và khống chế các tôn giáo, các giáo hội ở 5 điểm, theo 5 yếu tố cấu thành sinh hoạt tôn giáo: quy chế, nhân sự, hoạt động, tài sản và quan hệ quốc tế.

            1- Về quy chế:

            Hiện nay mọi tôn giáo tại Việt Nam, ngoại trừ Công giáo vốn đã tồn tại ở đây nhiều thế kỷ, muốn hoạt động đều phải “đăng ký” (=ghi danh, register, trong thực tế chính là xin phép) với nhà cầm quyền CSVN và phải được nhà cầm quyền công nhận (nghĩa là cho phép) theo điều 16 của Pháp Lệnh. Nhưng hiện nay nhiều phái Tin Lành, Cao Đài, Hòa Hảo vẫn không được công nhận dù họ đã đăng ký, chẳng hạn Hội thánh Phúc âm Toàn vẹn Việt Nam tại Thái Bình (x. bài phỏng vấn của RFA ngày 03-09-2008)… Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất cho tới nay vẫn bị đặt ra ngoài vòng pháp luật và bị đàn áp nặng nề chỉ vì họ không “đăng ký” (xin được công nhận) với nhà nước CSVN, lấy lý do họ đã tồn tại lâu đời tại Việt Nam (Thông cáo báo chí của Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế ngày 16-12-2008: lời Hòa thượng Thích Thiện Hạnh đáp trả bà Phó Đại sứ Hoa Kỳ) ; mà nếu có đăng ký chưa chắc đã được công nhận, và khi đã đăng ký mà không được công nhận thì mọi hoạt động tôn giáo của Giáo Hội này trở thành minh nhiên bất hợp pháp.

            Nhà cầm quyền CSVN dùng biện pháp “đăng ký hoạt động − công nhận quy chế” này để cản trở mọi tổ chức tôn giáo muốn hoạt động độc lập bên ngoài sự kiểm soát của CS.

            2- Về nhân sự:

            Trong mọi tôn giáo, ai muốn trở thành tu sĩ trước hết phải “đăng ký” với nhà cầm quyền địa phương (UBND cấp xã, PL điều 21. 2). Mọi chức sắc trong tôn giáo, kể từ việc nhập tu, huấn luyện, tấn phong, đến việc bổ nhiệm, thuyên chuyển, đều phải chịu sự can thiệp của nhà cầm quyền.

            Trong các chủng viện Công giáo, Ban Giám Đốc phải trình báo chương trình học tập huấn luyện với nhà cầm quyền. Nhà cầm quyền cử người của mình vào chủng viện để dạy về chủ nghĩa Mác-xít, lịch sử đảng CS, nền pháp chế XHCN: “Môn học về lịch sử Việt Nam, pháp luật Việt Nam là các môn học chính khoá trong chương trình đào tạo tại trường đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo” (PL điều 24. 2). Ngoài việc nhồi sọ cho các chủng sinh, cán bộ giảng dạy có nhiệm vụ theo dõi tư tưởng, khuynh hướng (chính trị, xã hội) của các ứng viên linh mục để nhà cầm quyền sẽ đặc biệt lưu tâm và dự phòng những biện pháp đối phó sau này với những đối tượng nào có tư tưởng bất lợi cho nhà cầm quyền khi họ chịu chức và được bổ nhiệm.

            Các ứng viên chức linh mục phải được nhà cầm quyền địa phương (tỉnh) xét duyệt và đã từng có nhiều người bị loại hay bị cầm chức nhiều năm. Có những người muốn chịu chức đã phải cam kết làm việc bí mật (báo cáo viên) cho công an. Việc bổ nhiệm các linh mục đi các giáo xứ cũng phải thông qua nhà cầm quyền tỉnh và nhà cầm quyền địa phương huyện xã (nơi có giáo xứ mà vị linh mục được sai đến cai quản). Nhà cầm quyền đặc biệt chú ý tới các giáo điểm quan trọng (như giáo xứ chánh tòa, trung tâm hành hương, linh địa đền thánh… ) và các chức vụ quan trọng trong giáo phận (như tổng đại diện, giám đốc chủng viện, giám đốc trung tâm mục vụ… ). Được bổ nhiệm vào nơi đó phải là những chức sắc không có “tiền sự chống cộng”. Các linh mục đã ký tên vào Tuyên ngôn 8406 nay gặp nhiều rắc rối, nhất là trong chuyện xuất ngoại.

            Các ứng viên giám mục phải được nhà cầm quyền trung ương (thủ tướng) ưng thuận. Thông thường Hội đồng GM trình lên Tòa thánh một danh sách nhiều ứng viên, rồi Tòa thánh lại cũng trình cho nhà cầm quyền CSVN một danh sách nhiều ứng viên. Theo chúng tôi được biết, các ứng viên Giám mục được nhà cầm quyền chọn còn phải cam kết một số điều với nhà cầm quyền. Chính việc nhà cầm quyền xen vào việc chọn lựa Giám mục đã khiến cho phẩm chất của hàng GMVN hiện nay không hoàn toàn như Tòa thánh và Dân Chúa mong đợi. Bằng chứng là có nhiều giám mục trẻ đã sớm từ chức (như Giám mục Nguyễn Văn Yến, Phát Diệm; Giám mục Nguyễn Tích Đức, Ban Mê Thuột… ) và đa phần Giám mục thích được yên ổn, không dám đương đầu với nhà cầm quyền độc tài, áp bức và tham nhũng hiện nay.

            Nói chung, những chức sắc tôn giáo nào tận tình phục vụ chế độ hay ngoan ngoãn lặng im trước những sai lầm và tội ác của nhà cầm quyền thì được tạo nhiều cơ hội thuận tiệntuyên bố sự thật và đòi hỏi công lý thì bị trù dập để xuất ngoại, tổ chức, xây dựng… Còn những ai dám (sách nhiễu, quản chế, bỏ tù, chẳng hạn Ht Quảng Độ, Lm Nguyễn Văn Lý…)

            3- Về hoạt động:

            Hoạt động thờ phượng của các tôn giáo vẫn chỉ được tiến hành trong những nơi đã được nhà cầm quyền cho phép (thánh đường, thánh thất, chùa chiền… ). Nhiều trường hợp linh mục dâng thánh lễ ở tư gia (nơi những vùng chưa có hay chưa được phép xây nhà thờ) hay mục sư cử hành việc cầu nguyện tại nhà riêng đã bị cấm cản (x. Tường trình của mục sư Nguyễn Văn Điện, Hội thánh Tin Lành Việt Nam, Chi hội Trà Vinh, ngày 07-03-2008 trên RFA). Linh mục Hoàng Cẩn, Giáo phận Huế, từng bị cấm đi làm lễ Giáng sinh tại giáo điểm Nam Đông, Thừa Thiên và bị khước từ xuất ngoại vì đã ký tên vào Tuyên ngôn Khối 8406. Tại giáo xứ An Bằng, linh mục Nguyễn Hữu Giải bị cấm cử hành Thánh lễ tại đài lễ Thánh giá ở An Bắc, thuộc giáo xứ, dịp Giáng sinh 2008.

            Hoạt động mục vụ của các tôn giáo như truyền giáo, giáo dục, xã hội vẫn bị hạn chế. Các tôn giáo không có nhà xuất bản riêng, báo chí riêng, đài phát thanh truyền hình riêng. Thậm chí cũng không có giờ phát thanh, phát hình trên đài của nhà nước (vốn do tiền dân đóng thuế mà có). Trang mạng của Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam đã bị phá sập sau khi loan tin vụ đất đai giáo xứ Thái Hà bị biến thành công viên (09-2008) và đã phải thiết kế lại gần đây dưới một tên khác. Các tôn giáo chỉ được quyền mở các trường mẫu giáo mà thôi, không thể thành lập trường tiểu học, trung học, đại học (như trước năm 1975 tại miền Nam). Hàng ngàn cơ sở loại này của các tôn giáo vẫn tiếp tục bị nhà cầm quyền tịch thu hay không trả lại. Thậm chí vài đại chủng viện, như tại Xuân Lộc, chỉ được phép mở sau nhiều năm đợi chờ (tháng 09-2008). Các tôn giáo vẫn không được xây bệnh viện mà chỉ được mở bệnh xá để phục vụ dân nghèo thôi. Còn việc cứu trợ quy mô các nạn nhân thiên tai thì vẫn bị cấm cản bởi Nghị định “về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo” số 64/2008/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 14-05-2008. Theo Nghị định này, điều 5: “Ngoài các tổ chức, đơn vị (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Chữ thập đỏ trung ương và địa phương), không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ”.

            Việc nhà cầm quyền không cho tôn giáo tham gia vào việc giáo dục rộng rãi chẳng phải là vì không tin các tôn giáo, hay vì các tôn giáo không có khả năng, nhưng là vì nhà cầm quyền muốn độc quyền uốn nắn các công dân, đặc biệt các thế hệ trẻ, thành những kẻ chỉ biết phục tùng đảng CS và mù quáng chấp nhận chế độ độc tài.

            4- Về tài sản:

            Tài sản của các tôn giáo là đất đai, nơi thờ phượng, cơ sở giáo dục, từ thiện và truyền giáo. Tất cả đều hoặc bị nhà nước bảo hộ (các nơi thờ phượng), hoặc bị tịch thu hoàn toàn (cơ sở giáo dục, từ thiện, truyền giáo), hoặc bị tước quyền sở hữu, chỉ chấp nhận cho quyền sử dụng (đất đai). Cũng có một số nhà thờ (nơi không còn hay còn ít giáo dân) bị chiếm cứ và rất nhiều ruộng đất (nguồn nuôi sống) bị tịch thu hẳn. Mấy năm gần đây, qua chủ trương làm sổ đỏ để để xác nhận quyền sử dụng đất, nhà cầm quyền đã yêu cầu các Giáo phận, giáo xứ hay dòng tu (bên Công giáo) chỉ khai báo số đất đang sử dụng chứ không phải tổng số đất mà mình đã có quyền sở hữu từ trước năm 1975.

            Nhà cầm quyền CSVN thi hành các việc vừa nói dựa trên nguyên tắc “nhà nước quản lý đất đai” và “độc quyền giáo dục” cũng như dựa trên Hiến pháp 1992 (điều 17-18), Luật đất đai 2003 (điều 5), Nghị quyết số 23 của Quốc hội (26-11-2003) và gần đây nhất là Chỉ thị 1940 về đất đai tôn giáo (31-12-2008). Chỉ thị này cho thấy những đất đai nào mà nhà cầm quyền đã mượn hay tịch thu của các tôn giáo sẽ không bao giờ trả lại. Đây là một trong những cách dùng luật pháp hay quyền lập pháp để cướp đất đai của dân.

            Sở dĩ có Chỉ thị mới nhất này là vì mấy năm gần đây, các tôn giáo đứng lên đòi lại các đất đai và cơ sở đã bị nhà cầm quyền tịch thu cách bất công và sử dụng không đúng mục đích (biến thành nơi kinh doanh hay chia chác nhau giữa các đảng viên cán bộ). Nổi cộm gần đây là vụ tòa Khâm sứ của Tổng giáo phận Hà Nội, Linh địa Thánh mẫu của Giáo xứ Thái Hà, dòng Nữ tu Phaolô ở Vĩnh Long…

            Cuộc đấu tranh này của các tôn giáo động tới một nguyên tắc nền tảng của chế độ CS và một phương tiện sống còn của đảng CS, đó là quyền công hữu (đúng hơn là đảng hữu) về đất đai mà đúng ra phải là quyền tư hữu về đất đai. Thành ra đây không phải là sự tranh chấp về đất đai giữa hai tập thể (nhà nước và giáo hội) và mang tính cách dân sự hay hình sự, nhưng là sự tranh chấp mang tính chính trị giữa một bên là quyền lực độc tài toàn trị (muốn thâu tóm mọi đất đai và tài nguyên đất nước vào tay mình) và một bên là thế lực bảo vệ công lý, nhân quyền, dân chủ.

            5- Về quan hệ quốc tế:

 Pháp lệnh Tôn giáo tín ngưỡng điều 35 viết:

 “Khi tiến hành các hoạt động quan hệ quốc tế sau đây phải có sự chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo ở trung ương:

            1. Mời tổ chức, người nước ngoài vào Việt Nam hoặc triển khai chủ trương của tổ chức tôn giáo nước ngoài ở Việt Nam;

            2. Tham gia hoạt động tôn giáo, cử người tham gia khóa đào tạo về tôn giáo ở nước ngoài”.

            Điều này trong thực tế đã được nhà cầm quyền CSVN sử dụng để ngăn cản nhập cảnh nhiều chức sắc tôn giáo ở hải ngoại từng lên tiếng phê phán chế độ (có trường hợp cho đến phi trường rồi trục xuất như linh mục Trần Công Nghị từ Hoa Kỳ năm 2006 hay cho vào nước rồi bắt giữ hoặc thủ tiêu, như Đức Ông Đào Đức Điềm từ Anh Quốc tháng 01-2003), hoặc để ngăn cản xuất cảnh nhiều chức sắc trong nước có thái độ độc lập hay dám đương đầu với nhà cầm quyền (ví dụ Hòa thượng Quảng Độ đã từng bị ngăn cản sang Na-uy nhận giải Rafto năm 2007, nhiều linh mục tại Huế đã bị cấm xuất ngoại vì đã ký tên vào Tuyên ngôn 8406).

            Một sự kiện quan trọng cho thấy nhà cầm quyền CSVN can dự vào mối quan hệ quốc tế của các tôn giáo, đó là họ đã đứng ra điều hành và chi phối đại lễ Phật giáo Liên hiệp quốc Vesak 2008 (13-17/5/2008) tại Hà Nội. Trong đại lễ này, nhà cầm quyền đã sử dụng Giáo hội Phật giáo Việt Nam như công cụ tay sai và loại trừ Giáo hội Phật giáo Thống nhất là tôn giáo chính truyền, trong mục đích chính trị rõ rệt là đánh bóng chế độ và tuyên truyền tự do tôn giáo giả tạo trước mặt quốc tế.


II- NHỮNG ĐỀ NGHỊ CHO CHÍNH SÁCH CỦA HOA KỲ VỀ TÔN GIÁO

            Việc tôn giáo đang gây ra nhiều vấn đề tại VN (từ việc nhà cầm quyền liên tục đưa ra các văn bản về tôn giáo tín ngưỡng nhằm mục đích kiểm soát, khống chế, tiến đến việc công cụ hóa hay tê liệt hóa, biến chất hóa các giáo hội, liên tục tuyên truyền với quốc tế rằng VN có tự do tôn giáo, đến việc các tôn giáo luôn tìm cách gỡ bỏ sợi xích sắt 5 vòng nói trên, tức PL tôn giáo tín ngưỡng), nguyên do chính là chế độ độc tài toàn trị hiện nay là do một đảng duy vật vô thần độc quyền và toàn quyền lãnh đạo vô thời hạn, sẵn sàng khống chế và chà đạp tất cả mọi nhân quyền. Nếu Hoa Kỳ muốn thật sự giúp Việt Nam được tự do tôn giáo, thì phải làm sao giúp cho Việt Nam có dân chủ nhân quyền thực sự.

            Một số đề nghị cụ thể:

            1- Tái đặt lại VN vào danh sách CPC, vì nhà cầm quyền VN chưa bao giờ có những tiến bộ rõ rệt và đích thực trong việc tôn trọng quyền tự do tôn giáo. Những tiến bộ mà nhiều chính khách Hoa Kỳ thấy trên phương diện sinh hoạt tôn giáo chỉ là những thứ tự do ngoại diện và phụ tùy (như xây nơi thờ phượng, tổ chức lễ hội tôn giáo, chức sắc ra ngoại quốc… ).

            2- Khi đã đặt lại VN vào CPC thì cần áp dụng những biện pháp chế tài, nhất là những chế tài liên quan tới kinh tế. Vì nhà cầm quyền CSVN chỉ sợ những ai làm thiệt hại tới sự thu vén ngoại tệ của họ.

            3- Áp lực nhà cầm quyền CSVN trả tự do lập tức và vô điều kiện cho các tín đồ và chức sắc tôn giáo đang bị cầm tù hay bị quản chế và sách nhiễu. Xin nhớ là họ không phải là tội phạm hình sự, không phải là kẻ vi phạm pháp luật nhà nước, nhưng là những chiến sĩ đấu tranh cho tự do tôn giáo và dân chủ nhân quyền.

            4- Can thiệp để các Giáo hội có được quyền giáo dục (được mở các tư thục mọi cấp), quyền thông tin (sở hữu báo chí, đài phát, nhà xuất bản) và xa hơn nữa là thủ tiêu Pháp lệnh về tôn giáo tín ngưỡng vốn chỉ là công cụ pháp luật nhằm đàn áp các tôn giáo tại VN.

Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi, Huế, VN
01-02-2009
Category: Tiếng nói dân chủ | Views: 1249 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 10
Khách: 10
Thành Viên: 0