Thứ Bảy, 2024-12-21, 8:26 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Hai » 22 » Hệ lụy tăng giá điện
1:57 PM
Hệ lụy tăng giá điện


2009-02-21

Sau khi quyết định tăng giá điện được chính thức công bố ngày 17/2 tại Hà Nội, khuynh hướng chung của doanh nghiệp và người tiêu dùng là nhiều lo âu.

AFP PHOTO

Trong lúc kinh tế khó khăn, việc chính phủ quyết định tăng giá điện càng khiến đời sống của đại đa số dân nghèo thêm vất vả.

Điện sinh hoạt tăng giá sẽ ảnh hưởng chi tiêu gia đình, vốn đã quá khó khăn cho đại đa số người bình dân, giới có thu nhập từ thấp tới trung bình. Trong khi đó, các doanh nghiệp dù sản xuất hay kinh doanh, đều nhìn thấy trước sự ảnh hưởng mang tính dây chuyền, mà hậu quả của nó chưa lường hết được.

Ảnh hưởng dây chuyền

Các giới chức chính phủ VN trong cuộc họp báo ở Hà Nội nhìn nhận rằng, toàn bộ nền kinh tế sẽ phải chi tiêu thêm 6.400 tỷ đồng trong năm 2009. Đây là tính chung phần tiền điện phụ trội của các doanh nghiệp sản xuất và hộ gia đình sử dụng điện sinh hoạt. Tỷ lệ tăng giá điện được công bố theo đó từ 1/3, điện sinh hoạt tăng 13%, còn điện cho sản xuất sẽ tăng khoảng 7,5%. Còn tính chung thì giá điện tăng 8,92% so với mức giá bình quân năm 2008.

Việc tăng giá điện lên 8,92% chắc chắn sẽ dẫn đến tăng thêm chi phí của các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp nào sử dụng nhiều điện.

TS Lê Đăng Doanh

TS Lê Đăng Doanh thành viên Viện Nghiên Cứu Phát Triển, một tổ chức độc lập ở Hà Nội khi trả lời Đài ACTD đã nhận định:

“Việc tăng giá điện lên 8,92% chắc chắn sẽ dẫn đến tăng thêm chi phí của các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp nào sử dụng nhiều điện. Việc tăng giá điện này cũng sẽ tăng chi dùng của người dân và như vậy chắc chắn sẽ đóng góp vào việc làm tăng lạm phát. Tôi rất lấy làm ngạc nhiên về mức tăng 8,92% này mà theo tôi là hơi cao trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay.”

Tuổi Trẻ Online ghi nhận câu hỏi của các nhà báo rằng, theo tính toán của Bộ Công Thương với mức giá dầu 40 đô la/thùng thì giá điện sẽ chỉ tăng 7,5% thay vì 8,92%. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Hữu Hào đáp rằng, phương án giá điện được tính theo mức giá dầu 50 tới 60 đô la/thùng, vì giá dầu 30-40 đôla có thể tăng bất ngờ. Ông Hào nhấn mạnh là trình độ quản lý của VN chưa đạt nên phải tính giá theo năm, trong khi nhiều nước tính giá theo tháng.

Giá thành sản phẩm không tăng nhiều?

Vẫn theo Tuổi Trẻ Online, đáp một câu hỏi khác Thứ Trưởng Bộ Tài Chánh Trần Văn Hiếu trấn an rằng, với các ngành sản xuất chi phí tiền điện chiếm 40 tới 50% giá thành thì giá thành sản phẩm cũng chỉ tăng 3 tới 4%. Vẫn theo lời ông Hiếu, thép hay xi măng chỉ tăng 5 ngàn tới 7 ngàn đồng 1 tấn sản phẩm. Với người dân theo lời giới chức này chi tiêu hộ gia đình do tăng giá điện cũng chỉ thêm khoảng 3%.

Ý kiến người trong cuộc như thế nào, chúng tôi xin trích phát biểu của ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp Hội Thép Việt Nam trong cuộc phỏng vấn của đài ACTD:

“Tất nhiên chúng tôi bị ảnh hưởng, bởi vì hiện nay sản xuất phôi thép sử dụng điện tương đối nhiều. Nó chiếm tỷ lệ trong giá thành từ 5% tới 7%, thế cho nên cái đó tăng lên thì giá thành thép cũng tăng lên. Trong khi đó giá bán sản phẩm trên thị trường thì không tăng được, và tăng giá điện như vậy thì người sản xuất phải chịu đựng.

Năm nay riêng phôi thép trong nước sản xuất 60% khoảng từ 2,5 triệu tới 2,6 triệu tấn, riêng phôi thôi giá thành đội lên khoảng 180 tỷ tiền Việt. Còn cán thép thì mỗi tấn sẽ tăng lên khoảng 15 ngàn đồng. Tôi tính sơ bộ tăng lên khoảng 250 tỷ.”

Không ảnh hưởng đến kích cầu?

Trở lại cuộc họp báo 17/2 theo tường thuật của Tuổi Trẻ Online, Thứ Trưởng Tài Chánh Trần Văn Hiếu tuyên bố rằng, tăng giá điện không ảnh hưởng nhiều đến chính sách kích cầu. Chính phủ đã giảm thuế, có những biện pháp kích thích khác và những biện pháp này vẫn đang phát huy tác dụng.

Giới doanh nghiệp có cùng nhận định như thế hay không. Chúng tôi mời quí thính giả nghe ý kiến ông Phạm Văn Min, Giám đốc công ty Phú An Sinh TPHCM, công ty của ông có trại chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học và có nhà máy sát sinh công nghiệp:

Việc tăng giá điện này cũng sẽ tăng chi dùng của người dân và như vậy chắc chắn sẽ đóng góp vào việc làm tăng lạm phát.

TS Lê Đăng Doanh

“Đây là điều rất khó cho doanh nghiệp. Chính sách kích cầu hỗ trợ vốn bù lãi suất cho doanh nghiệp chưa được phát huy, thì giá điện tăng lên một phần kéo giá thành tăng lên. Thành ra như vậy làm giảm tiêu thụ. Tăng giá thành lên là một bài toán khó giải đối với doanh nghiệp.”

Theo Tuổi Trẻ Online Thứ Trưởng Tài Chánh Trần Văn Hiếu nhận định rằng, điện chỉ là một yếu tố cấu thành giá. Tăng giá điện có ảnh hưởng đến giá thành các mặt hàng nhưng không nhiều, do đó các doanh nghiệp không được lợi dụng tăng giá.

Có thể câu chuyện không đơn giản như lời giới chức cao cấp Bộ Tài Chính. Mời quí thính giả nghe nhận định của TS Lê Đăng Doanh chuyên gia kinh tế độc lập về vấn đề này:

Các con số mà Bộ Tài Chính đưa ra rất nhỏ nhưng đấy chỉ là tính theo vòng đầu, nếu như giá điện tăng thì giá xi-măng, giá vận tải sẽ tăng và nó sẽ quay nhiều vòng, và người ta có thể tính được rằng sau độ 3 tháng thì cái tác động ấy sẽ bộc lộ đầy đủ. Và lúc bấy giờ chúng ta sẽ có thể thấy cái tác động của việc tăng giá điện này ra làm sao.”

Điều tiết độc quyền

Theo báo chí VN, một trong các nguyên nhân mà ngành điện xin tăng giá, là vì giá điện quá thấp không hấp dẫn các nhà đầu tư tham gia vào các dự án tạo thêm nguồn điện. VnExpress trong bài tường thuật có đề cập tới vấn đề bao giờ Tập đoàn điện lực VN hết độc quyền, người tiêu dùng chấp nhận tăng giá điện nhưng liệu họ có được hưởng chất lượng dịch vụ tốt hay không.

Ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc tập đoàn điện lực VN gọi tắt là EVN trả lời rằng, tập đoàn EVN không muốn độc quyền mà đây là nhiệm vụ chính phủ giao và EVN buộc phải làm. Ông Đinh Quang Tri thêm rằng cải tổ ngành điện phải có lộ trình, nếu không sẽ ảnh hưởng lớn tới lợi ích dân chúng.

Vẫn theo lời người đại diện Tập đoàn điện lực, hiện nay đã có một số đơn vị khác kinh doanh trong lĩnh vực điện lực như Tập đoàn dầu khí, Tập đoàn than và khoáng sản. EVN mới đáp ứng được khoảng 50% nguồn điện trong nước, còn lại phải mua của các đơn vị ngoài ngành như vừa nói.

Theo Tuổi Trẻ Online, hiện nay Tập đoàn điện lực VN đang nắm cả sản xuất, truyền tải và phân phối. Chính phủ đang xem xét đề án tái cơ cấu lại ngành điện.

TS Lê Đăng Doanh nhận định về vấn đề liên quan:

“Nghĩ rằng bằng việc nâng giá điện lên thì sẽ có một thị trường về điện và sẽ có sự cạnh tranh bình đẳng, theo tôi, đó chỉ là một bước rất nhỏ trong rất nhiều bước mà bước quan trọng nhất là phải quản lý và điều tiết được sự độc quyền của Tập Đoàn Điện Lực Việt Nam.”

… và người ta có thể tính được rằng sau độ 3 tháng thì cái tác động ấy sẽ bộc lộ đầy đủ. Và lúc bấy giờ chúng ta sẽ có thể thấy cái tác động của việc tăng giá điện này ra làm sao.

TS Lê Đăng Doanh

Trong tổng số 6.400 tỷ đồng mà toàn thề nền kinh tế phải chi tiêu thêm cho tăng giá điện trong 10 tháng còn lại của năm 2009, phần của khu vực sản xuất vào khoảng 2.300 tỷ, hơn 4 ngàn tỷ còn lại là lấy từ túi người dân dùng điện sinh hoạt.

Báo chí nêu câu hỏi nông dân nhiều nơi đang phải trả trên 1.000đ/kwh điện, họ sẽ phải trả tiếp phần tăng giá 8,92% hay sao.

Theo Tuổi Trẻ Online, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nói rằng, Thủ tướng qui định giá điện nông thôn, nơi vẫn qua các hợp tác xã, giá tối đa sau ngày 1/3 là 700đ/kwh. Nếu sau 6 tháng, các tổ chức hợp tác xã không bán đúng theo giá bậc thang qui định của chính phủ, thì sẽ phải bàn giao lại cho ngành điện trực tiếp bán điện cho dân.

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, sau ngày 1/9 tất cả người dân sẽ được dùng điện theo giá bậc thang, trước mắt chỉ phải trả tối đa 700đ/kwh. Còn ở các Khu công nghiệp sẽ tính toán để công nhân được dùng điện với giá hợp lý.

Cơ chế cho người nghèo?

TS Lê Đăng Doanh nhận định về vấn đề giá điện ưu đãi cho người nghèo nông dân và công nhân:

“Tôi nghĩ rằng điều này là một ý muốn tốt đẹp của chính phủ, còn việc thực thi tới đâu và những người nghèo có được bảo vệ và giảm chi phí khi giá điện tăng lên hay không thì chúng ta cần phải xem xét.

Bởi vì vừa qua chính phủ trong dịp Tết đã có thiện chí là trợ cấp cho người nghèo một khoản tiền để người ta ăn Tết, nhưng sau Tết cho đến hiện nay thì mới té ra là rất nhiều người nghèo không có tiền ăn Tết vì tiền đó đã không đến tay người dân nghèo, và nhiều người bà con họ hàng của các quan chức thì đã được chia số tiền đó mặc dù họ giàu có hơn.Vì vậy phải thiết kế một cơ chế để cho các quyết định của chính phủ thực sự đến được với người dân, đến được đúng đối tượng.”

Theo Tuổi Trẻ Online, Bộ Công thương giải thích về cách tính giá điện bậc thang sẽ áp dụng từ 1/3/2009. Theo đó những người dùng trên 100kwh/tháng sẽ được bù giá cho 50kwh đầu tiên, mức bù là 35% tới 40% giá bán điện bình quân, từ 51 tới 100kwh tính theo giá không tính lãi của EVN, chỉ từ kwh thứ 101 trở đi mới tính theo giá bậc thang.

Theo tính toán của Bộ Công thương, những hộ dùng dưới 50kwh một tháng sau 1/3 sẽ phải trả thêm 2.500đ/tháng, dưới 100kwh trả thêm 18 ngàn/tháng. Hộ dùng tới 300kwh/tháng phải trả thêm 28 ngàn/tháng.

Trong cuộc họp báo, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải xác định năm nay tăng giá điện 8,92% nhưng sang năm 2010 giá điện hoàn toàn theo cơ chế thị trường.

Tương lai giá điện thả nổi sẽ như thế nào thật khó biết là tính đúng tính đủ hay không, nếu như Tập đoàn điện lực VN vẫn còn giữ vị thế độc quyền.

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 851 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 2
Khách: 2
Thành Viên: 0