Thứ Năm, 2024-11-21, 7:30 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Hai » 24 » Nói ngược
8:50 PM
Nói ngược

Nguyễn Dư



Mấy ông lãnh đạo cao cấp của nhà nước Việt Nam chuyên môn làm ngược và nói ngược. Trong khi người ta cần tự do dân chủ, nhân quyền trước rồi mới đến cái ăn thì mấy ổng hành động và quan niệm  ngược lại.

Nhìn trong sinh hoạt đời sống cho thấy, khi người ta dạy con chó, con khỉ, con voi hay con cá heo trong gánh xiếc, trước tiên phải cho nó ăn trước. Thí dụ như trái chuối, khúc mía, hạt đậu hoặc một con cá tươi đem cho chúng nó ăn thì lúc đó mới điều khiển đươc. Nhưng con người thì khác con thú, không thể đánh đồng! Hay nói cách khác là hoàn toàn ngược lại. Con người có khối óc hoàn hảo hơn so với những loài động vật khác. Đem tiền bạc cho con cái ăn tiêu rồi bảo nó nghe lời! Có thể được đấy, và sẽ dễ dàng điều khiển với điều kiện nó có phải có bản năng gần giống con thú. Nhưng chỉ có thể thành công ở trước mặt, và sẽ thất bại sau lưng mà có khi đồng tiền vô tình tiếp tay làm cho nó hư thân. Cũng không thể cầm cái roi đe dọa giống như điều khiển con thú; bạt tai con cái trước rồi hỏi nó: Tao nói mầy có nghe không? Mầy phải nghe lời tao, không được cãi…(Đàn áp bằng vũ lực với con người, hoặc áp đặt tư tưởng là vi phạm nhân quyền)

Cách lèo lái hữu hiệu, khôn khéo là phải để cho nó tiếp cận mọi thông tin, mọi trường hợp (Nhân quyền); chỉ cho nó cái sai để tìm ra hướng đúng. Đúng, sai phải phân minh rạch ròi. Sợ con cái sa ngã trong cuộc sống hút chích thì trước tiên phải đem những hình ảnh tai hại đó ra, chỉ cho nó thấy rồi mới hướng chúng đi theo mình và sẵn sàng tranh luận tự do cho đến khi thành công. Tức là phải tạo ra kiến thức trước, cái ăn chỉ là thứ yếu. Kiến thức sẽ tạo ra cuộc sống ổn định và của cải vật chất, không thể ngược lại. Thiếu ăn có thể chết dần chết mòn kéo dài, nhưng thiếu hiểu biết thì có thể chết bất kỳ lúc nào. Nếu có tồn tại mà không hiểu biết thì cũng như người đã chết. Hiểu biết rất quan trọng. Như vậy thì người ta có thể hiểu rằng người Việt Nam được quyền ăn, nhưng lãnh đạo nhà nước chưa cho cái quyền được nói! Đối xử với con người giống như đối xử với con thú là dã man, đi ngược lại công ước về tuyên ngôn quốc tế nhân quyền.
                   
Thử nhìn xem từ khi bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền ra đời cho đến nay, có những nước văn minh tiến bộ nào trên thế giới tuyên bố rằng họ cần cái ăn trước rồi mới áp dụng đến tự do dân chủ, nhân quyền? Hoặc là: Phong tục tập quán khác hơn những nước khác nên không thể áp dụng nhân quyền giống như người Tây Phương được (lời ông Triết). Mới chỉ nghe có nhà cầm quyền Việt Nam tuyên bố như thế! Ít ra thì người ta cũng tôn trọng luật pháp, áp dụng công ước về tuyên ngôn quốc tế nhân quyền trước, hoặc hai sự việc cùng một lúc, uyển chuyển, hỗ tương cho nhau. Chỉ có những nước lạc hậu, nghèo đói, chính quyền không tôn trọng luật pháp, cai trị bằng cảm tính, bằng phong tục, tập quán; cái nào có lợi cho phe nhóm thì được phép, không có lợi thì kiếm cớ để đàn áp mới sinh ra xã hội bất công rồi tuyên bố như thế để chạy tội vì đã vi phạm công ước như đã cam kết. Những lời tuyên bố đó cũng chứng tỏ và tự thú rằng Việt Nam không tôn trọng nhân quyền. Khác với những gì mà mấy ổng thường khoe khoang là Việt Nam có nhân quyền (Chắc theo kiểu Việt Nam!)

Trong bộ luật hình sự Việt Nam có điều khoản: Tuyên truyền chống phá nhà nước là phạm tội. Là một điều khoản trắng trợn vi phạm nhân quyền, hết sức lạ đời! Thế thì nhà nước làm sai có quyền phản đối, chống phá không? Hay người ta phải lo cái ăn trước tiên, rồi để yên, làm ngơ, cúi đầu để rồi nhà nước tự ý? Từ cái quan niệm phản đối đến chống phá, kẻ hở khít khao, một cụm từ mập mờ (chống phá bằng vũ lực hay bằng lời nói?). Lợi dụng sự khít khao nên người ta có thể nhập nhèm để trấn áp, không tôn trọng luật pháp, cư xử giữa con người và con người như con thú hoang.

Có người đầu năm đầu tháng được đến nhà bác Khả Phiêu chúc tết. Thấy bác ăn nên làm ra, có cơ ngơi đồ sộ thì chúc mừng bác bằng cách khoe khoang giùm, tung hình ảnh cơ ngơi của bác, phổ biến khắp nơi. Những người khác bắt gặp, họ bảo trong khi biết bao người đói khổ, nhà cửa rách nát tả tơi mà nhà bác Khả Phiêu như một cung đình là tại bác sống trên đầu trên cổ người khác, làm ăn bất chính nên mới được như thế! Nhiệm vụ của bác là phải giải bày, chứng minh trước công luận cái cơ ngơi của bác là do mồ hôi nước mắt, công lao gia đình bác gầy dựng. Bác và những “người thân” không thể làm ngược lại là theo dõi, điều tra xem những ai đã làm những chuyện cho rằng “bôi xấu, xuyên tạc đời tư”.

Luật cấm phổ biến, xuyên tạc làm ảnh hưởng xấu đến đời tư cá nhân cần phải tôn trọng. Đúng quá! Không biết trường hợp kia có nằm trong điều cấm đó không, bởi vì giải thích thế nào là xuyên tạc làm ảnh hưởng đến bí mật đời tư cá nhân rắc rối lắm! Thí dụ như bác gái, hay con gái bác Khả Phiêu muốn khoe…của, chơi nổi; rồi có người phổ biến trước công chúng hình ảnh “bí mật đời tư” thì họ làm lơ, không thưa gởi gì ráo, biết đâu còn khoái nữa! Tự dưng cảnh sát tới nhà tóm cổ người ta, bảo rằng xâm phạm đời tư cá nhân! Chúng ta thấy có hai luồng dư luận trái chiều: Nói tốt cán bộ không đươc; nói xấu cũng cấm luôn. Thế mới khổ thân!

***

Sau đây cũng là một việc làm ngược đời của chính quyền: Trong vấn đề viện trợ của nước ngoài giúp Việt Nam xây dựng những hạ tầng cơ sở để phát triển. Trong nội bộ các cấp chính quyền, ăn hối lộ có hệ thống từ trên xuống dưới. Mọi vụ việc đã xảy ra thì không thể trách những nước viện trợ là tại sao để báo chí làm rùm beng lên. Rồi nào là để xảy ra sẽ làm mất tình hữu nghị, quan hệ truyền thống hai bên cùng có lợi… Đại khái như thế. Trước khi trách người thì nên nhìn lại mình. Để người ta “cấm vận” rồi mới nhảy cỡn lên, lấp liếm, thập thò, nghe ngóng; Kêu gọi mọi vấn đề phải minh bạch, công khai, nhưng chính mình lại không công khai, minh bạch! Rồi soạn ra những điều luật ràng buộc trong tự do ngôn luận: Cấm phổ biến những bí mật quốc gia, liên quan làm ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao. Như thế nào, đến chừng mực nào mới gọi là “bí mật quốc gia” nhỉ ? Chính những cái mập mờ đó là kẻ hở để chính quyền các cấp có thể đàn áp người dân bất cứ lúc nào khi cảm thấy không có lợi cho cá nhân, phe nhóm. Những trường hợp luật pháp mập mờ, cần phải tranh luận công khai trước tòa cho đến nơi đến chốn. Khi người ta “nói có sách, mách có chứng” thì không thể gọi là xuyên tạc được; do đó cũng không thể ngang nhiên ghép tội. Đừng cư xử giữa con người và con người như con thú hoang!

Không thể, và chắc chắn sẽ không có kết quả nếu mình chưa làm tốt mà đi cấm người khác nói xấu. Làm chuyện ngược đời! Lãnh đạo kiểu nhà nước Việt Nam, chính quyền mấy đất nước tự do nó cười cho thối mũi!

***

Người Việt hải ngoại sau hơn ba mươi năm đã thành đạt và ổn định cuộc sống. Thời gian đầu sống xứ người, họ cũng nhiều chật vật và đầy khó khăn; thế mà vừa đi làm kiếm tiền lo cho bản thân, gia đình, lại vừa cưu mang những người thân còn lại bên quê nhà. Sau khi có của ăn của để, tấm lòng lại mở ra, phóng khoáng hơn; nhìn về Việt Nam thấy đời sống xã hội càng ngày càng sa sút, họ nghĩ đến đồng bào ruột thịt còn biết bao nhiêu người nghèo khổ, thiếu ăn. Một mặt họ thành lập những hội đoàn các tôn giáo quyên góp gởi tiền về giúp đỡ; một mặt họ phản đối chính quyền tha hóa, tham nhũng chỉ biết lo cho bản thân, phe nhóm, để cho dân đói khổ, bất công, sinh ra tệ nạn xã hội, đạo đức suy đồi tràn lan. Mấy phái đoàn chính phủ Việt Nam đi ra nước ngoài, đi tới quốc gia nào có người Việt sinh sống cũng điều bị phản đối, la ó, chửi bới, đòi hỏi chính quyền phải cải tổ để cho người dân có cuộc sống tốt hơn.

Người Việt ta có câu thành ngữ: “Trong ấm, ngoài êm”. Thế mà mấy ông lãnh đạo nhà ta ở Việt Nam, trong khi ở trong không “ấm” mà đòi ngoài phải “êm”! Thế mới ngược đời!

Nguyễn Dư
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 1110 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 79
Khách: 79
Thành Viên: 0