Thanh Quang, phóng viên RFA
2009-02-24
Tạp
chí Time của Mỹ hôm thứ Hai 23-2-2009 đăng tải bài viết, phân tích
những ảnh hưởng của nạn tham nhũng đối với sự phát triển của Việt Nam.
RFA PHOTO
Hình chụp bài báo của Tạp chí TIME viết về tình trạng tham nhũng tại Việt Nam.
Xà xẻo, bòn rút
Trong mấy ngày qua, giữa lúc
báo chí Việt Nam dồn dập đăng những bài gây xôn xao và phẫn nộ trong dư luận, với tựa đề chẳng hạn như “‘Xà xẻo’
tiền Tết của người nghèo”, “Về vấn đề ăn chặn tiền Tết của hộ nghèo”, “Người
dân đề nghị xử lý nghiêm vụ ‘xà xẻo’ tiền Tết”…, thì tạp chí Time có bài đề tựa
tạm dịch là “Tham nhũng gây phương hại đến chương trình kích thích kinh tế của Việt
Nam”.
Theo bài đăng trên tờ Time hôm thứ hai, vào lúc chính phủ trên
khắp thế giới chi ra hàng ngàn triệu đô-la kích cầu để ngăn chận nạn suy thóai
kinh tế thế giới, thì những vụ tranh cãi gay go diễn ra, mà một trong những
nghi vấn được nêu lên là liệu phần lớn nguồn tiền cứu nguy kinh tế khổng lồ ấy
có bị phí phạm hay không.
Đề cập tới Việt Nam, bài báo
viết tiếp rằng Việt Nam, cũng giống như hầu hết những xứ Á Châu khác bị ảnh hưởng
bởi đà suy thóai kinh tế tòan cầu, nhưng lại phát hiện ra rằng hầu hết tiền bạc nhằm trực tiếp giúp người dân nghèo lại có thể nằm trong tay những
kẻ không nghèo.
Bài báo nhận xét rằng giữa
lúc số người nghèo tại Việt Nam gia tăng, và có tin đề cập tới một số hộ đã bị
đói, khiến Hà Nội quyết định biếu tiền Tết cho hàng triệu người nghèo, nhưng
xem chừng như phần lờn nguồn tiền mặt bố thí ấy chui vô túi của các viên chức địa
phương tham nhũng.
Theo bài báo, có những trường
hợp, các khỏan tiền nhỏ nhoi này, tính ra chừng 12 đô-la cho mỗi người nghèo, đã bị cắt xén, còn quà Tết thì bị đánh thuế, khiến
những nguồn trợ giúp ấy, nếu có tới được đối tượng, cũng chẳng còn bao nhiêu.
Bài báo trích lời của nhiều
dân làng ở tỉnh Quảng Bình cho biết hơn 90% số tiền trợ giúp này đã vào tay cán
bộ, trong khi tại Quảng Ngãi, nhiều người bị buộc phải tặng khỏan trợ giúp ấy
cho quỹ gọi là lưu thông nông thôn, hay những người nghèo xơ xác lại phải đóng góp số tiền Tết này cho quỹ… dành cho người nghèo.
Đã nghèo còn bị ăn chận
Bài báo nói thêm rằng cho tới
giờ, Hà Nội xem chừng như không thành công trong nỗ lực tranh thủ sự tin tưởng
của công chúng. Bài báo đề cập tới lời phát biểu của GS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc
Nghiên cứu Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright ở TPHCM, lưu ý rằng Bộ Tài Chánh Việt Nam đã công bố kế họach
kích thích kinh tế từ nhiều tháng nay, nhưng các biện pháp ấy chỉ mới được thực
hiện một vài tuần qua.
Và giờ, bài báo viết tiếp,
hình ảnh của chính phủ Việt Nam bị lu mờ thêm nữa vì các quan chức địa phương
ăn chận nguồn tiền dành cho chính người nghèo mà Hà Nội ra sức giúp đỡ.
Bài báo nhân tiện trích dẫn lời
GS Tương Lai, cựu Giám đốc Viện Xã Hội trụ sở tại Hà Nội, nói rằng thực ra
không mấy ai ngạc nhiên về quy mô ăn chận tiền Tết này. Ông cho rằng các quan chức Việt Nam ở mọi cấp đều bị mang tiếng về bàn tay nhớp nháp.
Hồi năm ngóai, một cuộc khảo
sát của cơ quan Transparency International chuyên theo dõi về tính minh bạch
trên thế giới, đã xếp Việt Nam tham nhũng nhiều thứ 121 trong số 180 quốc gia.
Theo GS Tương Lai, việc lấy
tiền của người nghèo không có gì mới ở Việt Nam. Nhưng ông lưu ý rằng sau một
năm gặp nhiều khó khăn nghiêm trọng, thì quà Tết của chính phủ trợ giúp giới
nghèo nhằm phục hồi sự tín nhiệm của người dân lại gây phương hại đến sự tín
nhiệm ấy.
Tạp chí Time đề cập đến tệ nạn vừa nói ở Việt Nam, vài ngày sau khi báo
điện tử Hà Nội Mới, qua bài tựa đề “ ‘Xà xẻo’ tiền Tết của người nghèo”, có đọan
mở đầu rằng “Không chỉ ở Quảng Ngãi, Quảng Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Bắc Ninh… những
nơi có sai phạm trong việc cấp hỗ trợ Tết cho người nghèo theo quyết định của
Thủ tướng Chính phủ, đến nay danh sách này có thêm xã Tân Khánh, huyện Phú
Bình, tỉnh Thái Nguyên.”
Vẫn theo bài báo thì “Vụ việc
ở Tân Khánh…chưa dừng lại ở chuyện bớt tiền mà còn dây dưa sang cả xén gạo”.
Theo báo VietnamNet thì “những
thông tin về việc “xà xẻo” tiền hỗ trợ Tết cho các hộ nghèo tại nhiều địa
phương trong cả nước đã gây bất bình trong dư luận”.
Bài báo ghi nhận ý kiến của
hàng trăm độc giả, kể cả ý kiến nhận xét rằng “Đây là hành vi vừa vi phạm pháp
luật vừa vi phạm đạo đức nghiêm trọng, ăn tiền của cả người nghèo thì không còn
là con người nữa”.
|