Trần Hùng
| Mặt bằng và hồ chứa bùn thải nhà máy Alumin Nhân Cơ (Đăk Nông) đang được TKV gấp rút triển khai. Hình: Thanh tra chính phủ
| Từ
2 tuần lễ nay, số lượng tin tức, bài vở liên quan đến vấn đề bauxite
Tây Nguyên gia tăng rõ rệt. Tất cả những diễn đàn truyền thông của
người Việt hải ngoại như báo in, báo mạng, các trang thông tin điện tử,
truyền thanh, truyền hình, phòng paltalk… đều liên tục đề cập về đề tài
này. Truyền thông ngoại quốc cũng có mặt, tất cả những chương trình
Việt ngữ của các đài phát thanh BBC, VOA, RFI, FRA… đều loan tin. Ngoài
ra, biến cố này còn được loan truyền rộng rãi qua các trang blog mà chủ
nhân của nó ở cả hải ngoại cũng như trong nước. Và điểm đặc biệt là
những bài viết về bauxite Tây Nguyên còn được tìm thấy trên các trang
báo online của nhà nước, một số bài được đăng tải từ trước, vẫn còn duy
trì tại đó, nhưng cũng có bài mới được đưa lên sau khi Nguyễn Tấn Dũng
đã có chỉ thị cấm loan tin về việc này. Nếu truy nhập qua google để tìm
chủ đề "bauxite tây nguyên" hoặc "khai thác bauxite", người ta sẽ có
khoảng 500 đường dẫn đến các bài viết về đề tài trên. Có tác giả so
sánh nó với quả "bom bùn 20 tấn nằm ngoài vòng kiểm soát". Có
thể nói rằng đây là vấn đề đang được người Việt quan tâm nhất hiện nay,
mặc dù hiện tại tình hình Việt Nam vẫn còn nhiều điểm nóng khác nữa.
Hơn một năm trước đây, CSVN đã ký quyết định số 167 ngày 1-11-2007 về
việc khai thác quặng nhôm bauxite tại vùng Tây Nguyên, theo đó việc
phân vùng, thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bauxite sẽ được
thực hiện từ năm 2007 đến năm 2015. Cụ thể trong năm 2008, tại 2 vùng
Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắc Nông) sẽ có thể sản xuất 1,2 triệu
tấn nhôm hàng năm. Lẽ ra nó phải được hân hoan chào đón như một yếu tố
giúp cho nền kinh tế đang khủng hoảng của Việt Nam được tăng trưởng,
nhưng ngược lại, chỉ là những lời phản đối mạnh mẽ kèm theo những cảnh
báo thống thiết. Vậy thì việc gì đã xẩy ra?
Đọc những bài viết về vấn đề khai thác bauxite ở Tây Nguyên, người ta
hiểu rõ tại sao lại có dư luận phản đối quyết liệt như vậy. Tất cả
những bài viết này đều dựa trên những nghiên cứu khoa học công phu,
cũng như cung cấp những dữ kiện cụ thể đầy tính thuyết phục. Đặc biệt
là bài viết của một số nhân vật hữu danh trong nước như ông Võ Nguyên
Giáp, đại tướng quân đội cộng sản, ông Nguyễn Trung, nguyên thành viên
ban nghiên cứu của cố thủ tướng CSVN Võ Văn Kiệt, hay các chuyên gia
như tiến sĩ Tô Văn Trường, tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn, tiến sĩ Phạm Bích
San… Đại tướng Giáp ngày 5/1/2009 đã gửi thư tới Nguyễn Tấn
Dũng kêu gọi ngừng triển khai dự án vì nó có "nguy cơ nghiêm trọng đối với môi trường tự nhiên và xã hội". Ông Nguyễn Trung đã thực hiện chuyến đi khảo sát thực tế một tuần lễ vào cuối năm 2008, sau đó đưa ra nhận định: "kế hoạch cầm chắc là sẽ lỗ lớn", "tác hại nhiều tiềm năng phong phú của địa phương" và "tăng thêm nguy cơ uy hiếp an ninh và sự ổn định chính trị của Tây Nguyên, mà cũng có nghĩa là của cả nước". Tựu chung, các tác giả trong và ngoài nước cùng thống nhất với nhau ở 4 nguy cơ chính sau đây:
1- Kế hoạch khai thác bauxite không có hiệu quả về kinh tế:
Loại quặng bauxite ở Tây Nguyên là loại quặng non, cho ra loại nhôm có
phẩm chất thấp. Ngoài ra, quy trình sản xuất rất phức tạp và tốn kém.
Để được 1 tấn alumina người ta phải xử dụng 60m3 nước và 1 tấn than, là
những nguyên liệu địa phương không thể cung ứng. Ngoài ra, người ta
phải phá từ 3000 đến 7000 mẫu rừng cho một địa điểm khai thác. Nhôm
không phải là kim loại quý nên giá hạ, tiền thu vào không đủ so với phí
tổn bỏ ra. Vì thế, "kế hoạch cầm chắc là sẽ lỗ lớn" như ông Nguyễn Trung đã nhận định. Như thế khai thác bauxite để làm gì?
2- Làm huỷ hoại môi sinh:
Việc khai thác bauxite như nói trên phải phá huỷ một diện tích rừng
rộng lớn. Ngoài ra, mỗi khi sản xuất được 1 tấn nhôm, nó lại thải ra 3
tấn bùn đỏ chứa nhiều chất độc hại, từ từ hình thành một sa mạc bùn đỏ
rộng mênh mông mà không loại cây cối nào có thể sinh sống được. Có nhà
khoa học ví bùn đỏ giống như “bom bẩn” treo lơ lửng trên đầu. Theo ước
tính, mỗi năm công trường sẽ tạo ra khoảng 20 triệu tấn bùn đỏ, là một
khối lượng khổng lồ.
Cũng trong quá trình khai thác, khí thải từ động cơ của các thiết bị
máy móc, từ mìn nổ gây ra có khả năng kết hợp với hơi nước tạo ra các
hạt mù axit làm chai đất, phá hủy rễ cây, hạn chế khả năng đâm chồi,
giảm năng suất cây trồng, đồng thời gây kích ứng niêm mạc phổi, làm
loét phế quản con người.
3- Việc khai thác Bauxite tạo bất ổn xã hội:
Để khai thác quặng Bauxite, phải di dời cư dân đang sinh sống, có nghĩa
là cả một cộng đồng người thiểu số tại đây phải thay đổi địa bàn sinh
sống, thay đổi sinh kế, thay đổi văn hóa cộng đồng, có nguy cơ bị mất
đi một số di sản văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh… Việc phá huỷ
nếp sống an lành ổn định đang có, đẩy họ vào những môi trường hỗn tạp
cũng sẽ làm nẩy sinh những loại tội phạm xã hội, tạo xung đột giữa cư
dân cũ với người mới nhập cư, giữa cư dân với công ty đầu tư cũng như
giữa cư dân với chính quyền địa phương. Chưa kể đến việc đền bù đất đai
bất hợp lý khi giải phóng mặt bằng sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề dân
oan đang tràn lan khắp nước.
Kế hoạch cũng cho thấy các dự án chỉ xử dụng một số rất nhỏ công nhân
địa phương, hầu hết là cơ bắp. Như thế, việc khai thác quặng bauxite
hoàn toàn không giúp giải quyết nạn thất nghiệp, và các sắc tộc thiểu
số tại Tây Nguyên sẽ chịu thiệt hại hầu như toàn bộ.
4. Ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng
Chỉ với những tác hại to lớn trong 3 lãnh vực trên cũng đủ khiến kế
hoạch bị huỷ bỏ. Như vào thập niên 80, khi CSVN đề nghị hợp tác đa
phương với khối COMECON để khai thác bauxite tại Tây nguyên, chính khối
này đã đề nghị bác bỏ vì các nguy cơ sinh thái. Vậy mà bây giờ CSVN lại
ngoan cố thực hiện, ngay cả khi nó có thêm tác hại thứ 4, còn to lớn và
nguy hiểm hơn 3 nguy cơ kể trên, đó là ảnh hưởng đến an ninh quốc gia
qua việc đặt kế hoạch này vào tay nhà thầu Tianjin-Chec 3 của Trung
cộng. Trên phương diện chuyên môn, các công ty của Trung cộng đã nổi
tiếng về kỹ thuật lạc hậu, cung cách làm việc vô trách nhiệm, và đặc
biệt là tàn phá môi sinh. Nay những đoàn công nhân Trung cộng thao túng
trên miền Tây nguyên thì hiểm họa mất miền đất này đã hiện ngay trước
mắt. Đại tướng Giáp tiết lộ vào tháng 12-2008 đã có hàng trăm công nhân
Trung cộng đến vùng này, và con số sẽ còn tăng lên đến nhiều ngàn
người. Đảng viên Việt Tân Lý Nam Bình trong chuyến thám sát tại xã Nhân
Cơ tỉnh Đăk Nông vào giữa tháng 2-2009 cho biết "lực lượng công an cộng sản đã được rải thảm"
tại khu vực này để ngăn ngừa người lạ. Rõ ràng, bất chấp những lời phản
kháng quyết liệt từ mọi phiá, bất chấp nhiều vụ mất đất đã xẩy ra như
Nam Quan, Bản Giốc, Hoàng Sa, Trường Sa… nay đến lượt vùng Tây Nguyên
nằm trong vòng ảnh hưởng của Trung cộng.
Người ta còn nhớ, trong chuyến đi chầu Bắc Kinh đầu tháng 6-2008, Nông
Đức Mạnh đã phải ký kết với Hồ Cẩm Đào một bản Tuyên Bố Chung 9 điểm,
trong đó Trung cộng đã chỉ thị: "Hai bên tăng cường hợp tác trong các dự án như Bôxít Đắc Nông…".
Hai chữ "hợp tác" chỉ nhằm che dấu một âm mưu xâm thực hiểm độc. Cũng
vì thế, vào đầu tháng 2, Nguyễn Tấn Dũng đã phải lớn tiếng tuyên bố "việc khai thác bauxite tại Tây Nguyên là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước". Đồng thời hứa hẹn "sẽ
tổ chức một hội thảo về các phương án khai thác nguồn tài nguyên to lớn
này một cách bền vững, hiệu quả, đảm bảo môi trường sinh thái và an
ninh quốc gia", nhưng lại ra lệnh cấm các cơ quan truyền thông nhà nước đưa tin về chủ đề này.
Tất cả những tin tức liên quan đến sự việc này cho thấy những lời cảnh
báo thống thiết đang vang lên từ những người yêu nước là để tránh cho
đất nước khỏi rơi vào một tương lai cực kỳ bi thảm. Không phải chỉ miền
Tây Nguyên bị đặt dưới hiểm họa của một trái "bom bùn 20 tấn", mà toàn
bộ giải đất hình chữ S cũng sẽ bị xâm thực nhanh chóng sau khi vùng
chiến lược này bị chiếm lĩnh. Hãy cùng gióng lên tiếng chuông báo động
để tất cả mọi người Việt đều hiểu rõ nguy cơ này và cùng tiếp tay ngăn
chặn. Những cán bộ trong hàng ngũ truyền thông nhà nước hãy đặt quyền
lợi của tổ quốc lên trên quyền lợi của một đảng phái. Đây là cơ hội để
các bạn cùng góp phần với toàn thể nhân dân đẩy mạnh tiến trình thực
hiện dân chủ cho đất nước.
Trần Hùng
Nguồn: Việt Tân
..
Cập nhật lúc: 00:54 28/10/08 Khai thác Bauxit ở Tây Nguyên: “Bom bùn” 20 triệu tấn bị đặt ngoài vòng kiểm soát
Mặt bằng và hồ chứa bùn thải nhà máy Alumin Nhân Cơ (Đăk Nông) đang được TKV gấp rút triển khai
(Thanh
tra)- Công nghiệp chế biến thải ra môi trường 3 tấn bùn đỏ/1tấn Alumin
(tinh chế từ Bauxit). “Bom bùn” treo lơ lửng trên đầu các tỉnh cực Nam
Trung bộ, đe dọa vùi lấp lưu vực sông Đồng Nai và các dòng chảy đổ vào
sông Mê Kông, nhưng đến thời điểm này, khi những gàu xúc đầu tiên đã bổ
xuống, mở đầu hàng loạt dự án (D.A) khai thác quy mô ở Tây Nguyên thì
vẫn chưa có giải pháp chế ngự nào được đưa ra.
“Quả bom bùn” nặng 20 triệu tấn
Toàn
tỉnh Đăk Nông có 13 mỏ Bauxit, trải đều trên địa bàn các huyện nằm ở
thượng nguồn 2 hệ thống sông lớn là Srepok (gồm các nhánh Krông Bông,
Krông Păk, Krông Ana, Krông Nô - đổ vào dòng chính sông Mê Kông) và
Đồng Nai (gồm các nhánh chính là Đăk Huýt, Đăk Glun, Đăk Rtit, Đăk Nông
- đổ vào sông Đồng Nai). Phần diện tích sông Srepok trên địa bàn Đăk
Nông là 3.583 km2 (chiếm 50% diện tích toàn tỉnh), sông Đồng Nai là
2.934,4 km2 (chiếm 45% diện tích tỉnh). Thượng nguồn của cả 2 hệ thống
sông này đều có địa hình thuận lợi, tạo thành các hồ chứa bùn.
Theo
các nhà khoa học Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, các D.A khai thác đều
cần đến những diện tích đất rất lớn làm bãi thải bùn. Kết quả tính toán
cho thấy, để chế biến được 1 tấn Alumin từ Bauxit, các nhà máy phải
thải ra môi trường 3 tấn bùn đỏ. Cứ mỗi năm trong giai đoạn 2007 -
2015 (thực hiện theo quy hoạch), các D.A ở Tây Nguyên sẽ sản xuất 6,6
triệu tấn Alumin và lượng bùn đỏ (gấp 3 lần sản lượng chế biến) là 20
triệu tấn. Các hồ chứa quá mong manh trước biến cố thiên tai như lụt,
lũ quét… là nguyên nhân dẫn đến thảm họa môi trường trong tương lai!
“Quả bom bùn” nặng 20 triệu tấn lúc nào cũng sẵn sàng “nổ tung”, san
phẳng một vùng đồng bằng rộng lớn. Thảm họa sẽ khủng khiếp hơn khi hạ
lưu sông Đồng Nai và các dòng chảy đổ vào sông Mê Kông bị bùn đỏ vùi
lấp.
“Bom bùn” bị đặt ngoài quy hoạch đã được phê duyệt
Một
trong những D.A khai thác Bauxit đầu tiên được triển khai ở tỉnh Đăk
Nông là Nhà máy Alumin Nhân Cơ. Tại công trường thi công, chúng tôi
được ông Nguyễn Phú Dương, Phó Tổng Giám đốc Cty Cổ phần Alumin Nhân Cơ
thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết,
diện tích hồ chứa bùn đỏ là 200 ha, gấp 3 lần diện tích mặt bằng nhà
máy. Hồ chứa bùn chỉ có “1 cửa” để tránh bị vỡ do biến cố thiên tai.
Với tư cách nhà đầu tư, ông Dương nêu ra các yếu tố an toàn khác như
toàn bộ diện tích 200 ha đáy hồ được nện đất sét và lót bạt chóng thấm…
Có
điều, những giải pháp này của ông Dương và của cả lãnh đạo TKV không
những không thuyết phục được giới khoa học mà trái lại, còn bị phản bác
quyết liệt. Ý kiến phản bác gay gắt nhất về khai thác Bauxit ở Tây
Nguyên thật trớ trêu lại đến từ TS Nguyễn Thành Sơn của chính TKV. Theo
ông Sơn: “Chỉ riêng D.A của Cty Cổ phần Nhân Cơ, phần đuôi quặng nước
thải và bùn đỏ có khối lượng hơn 11 triệu tấn/năm. Dung tích hồ thải
bùn đỏ 15 năm là 8.754.780m3. Tổng lượng bùn thải vào hồ là 1.733
tấn/ngày. Lượng nước thải phải bơm đi từ hồ là 5.959.212m3/năm. Với quy
mô như vậy, thiệt hại do vỡ đập là không thể kiểm soát được và nguy cơ
vỡ đập không thể lường trước. Một D.A khác ở Tân Rai (Lâm Đồng) có khối
lượng bùn đỏ thải ra môi trường là 826.944m3/năm. Khối lượng quặng
Bauxit khai thác của D.A này lên đến 2,23 triệu m3/năm dẫn đến nguy cơ
tổng lượng bùn đỏ phải tích tụ thường xuyên trên cao nguyên Lâm Đồng là
80 - 90 triệu m3 (trong khi tổng dung tích hồ chứa của D.A chỉ có 20 -
25 triệu m3)…”.
Đưa ra các số liệu như thế nhưng TS Nguyễn Thành
Sơn và phần lớn các nhà khoa học tên tuổi đều thật sự lúng túng trong
việc đưa ra giải pháp hữu hiệu chế ngự “bom bùn”… Ông Sơn thậm chí còn
dẫn chứng một số quốc gia như như Pháp, Áo phải xử lý vấn đề bùn đỏ
bằng cách rẻ tiền là đổ ra khu vực gần biển! Sự lúng túng của các nhà
khoa học Việt Nam hoàn toàn có cơ sở khi chính họ đang rất hoài nghi về
thiện chí cùng khả năng tài chính của TKV. Chi phí cho việc “chôn cất”
vĩnh viễn bùn đỏ bằng công nghệ tiên tiến lên đến hàng trăm triệu USD
(cho một D.A khai thác diện tích vài chục ha) trong khi đó thì báo cáo
và cam kết của chủ đầu tư TKV lại không dành trọng tâm cho vấn đề quan
trọng bậc nhất này.
Trong Quyết định số 167/2007/QĐ - TTg (phê
duyệt quy hoạch phân vùng, thăm dò, khai thác, chế biến sử dụng quặng
Bauxit giai đoạn 2007 - 2015, có xét đến năm 2025) Thủ tướng đã yêu
cầu: “Xây dựng, phát triển công nghiệp khai thác, chế biến quặng Bauxit
bằng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, phải bảo đảm phát
triển hài hòa kinh tế - xã hội khu vực Tây Nguyên và các địa phương
liên quan”. Rõ ràng, sự đầu tư “nóng” của TKV trong khai thác quặng
Bauxit đang đặt “quả bom bùn” nặng 20 triệu tấn ra ngoài ý kiến chỉ đạo
phê duyệt quy hoạch!
Dương Thanh Tùng Nguồn: Thanh tra chính phủ
|