Cuốn
tiểu thuyết “Ma Chiến Hữu” của nhà văn quân đội Trung Quốc, Mạc Ngôn,
được dịch sang tiếng Việt, được xuất bản và lưu hành tại Việt Nam, đã
và đang gây nên những tranh luận trong giới blogger Việt Nam.
Photo by Lê Quang Nhật
Hình
đăng trên bài báo của Huy Đức trên tờ Sài Gòn Tiếp Thị (đã bị gỡ
xuống). Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên hoang vắng, quạnh quẽ.
“Ma Chiến Hữu”
có tựa đề tiếng Trung là “Chiến Hữu Trùng Phùng,” dịch giả Trần Trung Hỷ, do
Văn Học xuất bản và công ty văn hóa Phương Nam phát hành, với nội dung liên
quan đến cuộc chiến biên giới Việt – Trung 1979.
Những tranh luận
của một số blogger Việt Nam trên Internet cho thấy, đã và đang có những tiếp cận
cũng như quan điểm khác nhau của độc giả Việt Nam đối với một tác phẩm do tác
giả Trung Quốc viết về một cuốc chiến cách đây 30 năm giữa 2 quốc gia.
Có những người
phản đối mạnh mẽ việc xuất bản một tác phẩm như “Ma Chiến Hữu,” vì làm như thế là
“ca ngợi những kẻ thù đã xâm lược, giết hại
đồng bào của mình.”
Cũng có lý lẽ
cho rằng, “Ma Chiến Hữu” là một cuốn sách hay, “đề cập tới thân phận của những
người lính Trung Quốc tham chiến tại Việt Nam … mà không biết rõ lý do tại sao
lại tham chiến.”
Ở một khía cạnh
khác, các blogger Việt không đồng ý với một câu được đăng trên bìa sau của tác
phẩm “Ma Chiến Hữu.” Lời ấy là: tác phẩm đưa đến “một cách nghĩ khác về chiến
tranh, một cách ca tụng riêng về chủ nghĩa anh hùng, cuộc đối thoại giữa hai
cõi âm dương, sự vướng luỵ giữa con người và ma quỷ.”
Blogger “Người
Buôn Gió” trích một đoạn từ tác phẩm và đăng lên Internet: “Chúng ta hy sinh vinh quang, quá khứ của chúng ta là
vinh quang, lúc này cũng vinh quang, tương lai cũng vinh quang. Bất kỳ sự hoài
nghi nào về vinh quang của chúng ta đều là sai lầm, những sai lầm cực kỳ nghiêm
trọng.”
Kinh hoàng Ma Chiến Hữu
“Người Buôn Gió”
mạnh mẽ chỉ trích việc xuất bản “Ma Chiến Hữu” tại Việt Nam. Tác giả này viết
trên blog riêng, thổ lộ sự “kinh hoàng” sau khi “đọc vài trang của cuốn sách
này.”
“Khi đọc vài trang cuốn sách này tôi thực
sự kinh hoàng. Có lẽ nào nhà xuất bản Văn Học lại cho ra một cuốn sách ca ngợi
những kẻ thù đã xâm lược, giết hại đồng bào của mình.
Trong cuốn sách có những trang mà quân Trung Quốc chúc
nhau giết được nhiều địch để rạng danh quân đội anh hùng. Kẻ địch trong cuốn
sách này nói chính là những người lính quân đội nước CHXHCNVN.
blog Người Buôn Gió
Trong cuốn sách có những trang mà quân Trung Quốc chúc
nhau giết được nhiều địch để rạng danh quân đội anh hùng. Kẻ địch trong cuốn
sách này nói chính là những người lính quân đội nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa
Việt Nam.
Nhưng sự thực thì vẫn là sự thực.”
Tác giả viết tiếp, là từ lâu
rồi, “truyền hình Việt Nam chiếu những bộ phim dài ca ngợi vua quan Trung Quốc
tài giỏi, hào hiệp, như Càn Long, Ung Chính, vân vân, và ngày một tiến bước, gần
đây trong nền văn hoá Việt Nam trực tiếp công khai ca ngợi những tên xâm lược,
giết người Việt Nam thời hiện tại.”
Tác giả đặt câu hỏi, “không thể nói là họ vô tình để lọt những
bài báo, tác phẩm như thế này. Nếu chúng ta được biết rằng những cây bút viết về
chiến tranh Nam - Bắc trước 1975 ở Việt Nam hiện nay khó lòng mà xuất bản tác
phẩm của họ.”
Hồn ma tử sĩ
Những độc giả khác tiếp cận
“Ma Chiến Hữu” ra sao?
Blogger tên Linh viết rằng, tác
giả đã “đọc cuốn này sau khi được biết rằng cuốn
này đề cập tới số phận những người lính Trung Quốc trong chiến tranh Việt -
Trung 1979,” tác giả “nghĩ một cuốn sách đề cập tới một cuộc chiến tranh với
góc nhìn từ phía bên kia sẽ gợi mở nhiều điều thú vị” và tác giả “tìm đọc cuốn
này cũng như trước kia từng tìm đọc các cuốn
“The Quiet
American” của Graham Greene, “The Things They Carried”của Tim
O'Brien hay “Tree
of Smoke” của Denis Johnson, hoặc xem các phim “Trung Đội,” “Trời và Đất,”
“Rambo,” “Apocalypse Now,” “Full Metal Jacket,” vân vân.
Blogger Linh viết tiếp, rằng “chủ đề cơ bản của cuốn sách này là phản chiến.”
Trong truyện có đoạn các hồn ma tử sĩ
Trung Quốc khóc than đau đớn khi biết tin Việt Nam và Trung Quốc bình thường
hóa quan hệ và họ cảm thấy rằng cái chết của họ là vô nghĩa.
Blogger Linh
“Nhìn chung, tôi nghĩ “Ma Chiến Hữu” là
một cuốn sách hay. Cuốn sách đề cập tới thân phận của những người lính Trung Quốc
tham chiến tại Việt Nam.
Họ đều là những thanh niên nông thôn
nghèo thất học. Họ tham chiến mà không biết rõ lý do tại sao lại tham chiến, chỉ
đơn giản là bị bắt lính và đi lính thì đỡ miệng cơm ở nhà, nếu chết trận thì
gia đình ở nhà cũng được một khoản tử tuất còm.
Ảnh cùa Lê Quang Nhật
Đến khi kết thúc chiến tranh thì kẻ còn,
người mất, những kẻ sống sót cũng có số phận mạt rệp, nghèo khổ, cùng quẫn, chịu
ảnh hưởng bởi di chứng chiến tranh. Không những thế, họ còn bị chính quyền và
nhân dân lãng quên.
Trong truyện có đoạn các hồn ma tử sĩ
Trung Quốc khóc than đau đớn khi biết tin Việt Nam và Trung Quốc bình thường
hóa quan hệ và họ cảm thấy rằng cái chết của họ là vô nghĩa.”
Tranh luận Ma Chiến Hữu
Có hai khuynh
hướng cảm nhận khác nhau, và qua đó có 2 quan điểm khác nhau về việc cho xuất bản
tác phẩm “Ma Chiến Hữu” tại Việt Nam. Tuy nhiên, cả 2 khuynh hướng này có một
điểm chung, là chỉ trích lời giới thiệu đăng trên bìa sau của ấn bản lưu hành tại
Việt Nam.
Blogger Linh viết,
là tác giả “có thể hiểu sự phẫn nộ của nhiều người đọc với những người chịu
trách nhiệm trong việc dịch và in cuốn “Ma Chiến Hữu” ra tiếng Việt.”
Tuy nhiên, tác
giả “không cho rằng cuốn sách này là một cuốn ca ngợi chủ nghĩa anh hùng như lời
viết của nhà xuất bản Văn Học ở bìa 4.
[Đó] không phải
là ca ngợi mà là sự nhạo báng, lên án của một nhà văn quân đội Trung Quốc đối với
cuộc chiến tranh vô nghĩa, vô lý và không cần thiết.
Với những người
lính Tàu sống hay chết tại cuộc chiến thì Mạc Ngôn có một sự cảm thông sâu sắc,
nhưng cái khiến tác phẩm sống động cũng không phải là ở “chủ nghĩa anh hùng” mà
là ở tình đồng đội.”
Lâu nay, những
người mần công tác xuất bản ở Việt Nam cứ luôn muốn định hướng người đọc, giờ với
“Ma Chiến Hữu,” họ cũng làm điều tương tự. Nhưng vô hình
trung, hành động của họ lại tung hô kẻ địch.
Mr. Do
Một bài viết
khác trên blog của tác giả Mr. Do, với nội dung cẩn trọng, có thể được hiểu rằng,
tác giả khuyên người đọc bình tĩnh, đừng tự để mình rơi vào vị trí của những cơ
quan kiểm duyệt kiểu Ban Tuyên Giáo tại Việt Nam.
Mr. Do viết rằng
“Một điều không thể chấp nhận
được nữa là cách giới thiệu của nhà xuất bản nọ trên cuốn “Ma chiến hữu.”
Lâu nay, những
người mần công tác xuất bản ở Việt Nam cứ luôn muốn định hướng người đọc, giờ với
“Ma Chiến Hữu,” họ cũng làm điều tương tự.
Nhưng vô hình
trung, hành động của họ lại tung hô kẻ địch, vô tình cổ súy cho những “giá trị”
(như họ tưởng) mà ngay cả đến Mạc Ngôn cũng không muốn thể hiện.”
Xuất bản ở Việt Nam?
Tác giả Mr. Do
cũng đặt ra một vấn đề khác, khá bất ngờ khi bàn về tác phẩm “Ma Chiến Hữu,” đó
là: tại sao trong khi tác phẩm với nội dung có thể gây đụng chạm như vậy được
đường đường chính chính xuất hiện ở Việt Nam, thì hàng loạt cuốn truyện khác của chính người Việt Nam - với tinh
thần tố cáo chiến tranh - lại không được phép xuất bản?
Tuyển tập “Rồng Đá”
của tác giả Vũ Ngọc Tiến và Lê Mai là ví dụ gần nhất, theo cả 2 nghĩa nội dung
và thời điểm.
Tác phẩm “Rồng Đá,”
với một truyện ngắn liên quan đến đề tài cuộc chiến Việt – Trung năm 1979, đã bị
cấm lưu hành, Nhà Xuất Bản Tổng hợp Đà Nẵng thì bị tạm đình chỉ hoạt động, giám
đốc và phó Giám Đốc thì bị tạm đình chỉ công tác.
Truyện ngắn “Chù
Mìn Phủ và Tôi” là 1 trong 3 truyện ngắn khiến tác phẩm gặp rắc rối. Và tác phẩm
này, theo như nội dung bức thư mà tác giả Vũ Ngọc Tiến gởi nhà xuất bản Đà Nẵng,
thì truyện ngắn “Chù Mìn Phủ và Tôi” đề cập đến cuộc chiến biên giới phía Bắc
(1979) đã “lùi vào dĩ vãng ¼ thế kỷ rồi.
Nó là cuộc chiến
phi lý nhất trong thế kỷ XX đối với cả 2 dân tộc mà cả ta và phía bên kia đều
phải nghiêm túc nhìn ra nó cần phải tránh và hoàn toàn có thể tránh được.”
Nhiều nhà văn Trung Quốc khi
viết tiểu thuyết đã từng có đoạn nhắc tới cuộc chiến biên giới Việt - Trung với
tâm trạng dày vò sâu sắc. Họ viết được, sao ta lại cứ tự hù dọa mình để rồi tảng
lờ, không dám viết?
Vũ Ngọc Tiến
Xin kết thúc bài
viết này bằng một lời trong bức thư mà tác giả Vũ Ngọc Tiến gởi nhà xuất bản Đà
Nẵng, đó là “nhiều nhà văn Trung Quốc khi
viết tiểu thuyết đã từng có đoạn nhắc tới cuộc chiến biên giới Việt - Trung với
tâm trạng dày vò sâu sắc. Họ viết được, sao ta lại cứ tự hù dọa mình để rồi tảng
lờ, không dám viết?”
Ông nói, không thể
bình thản coi cuộc chiến Việt – Trung năm 1979 như “một vụ va quẹt xe trên đường
mà phải tỉnh táo và sòng phẳng với lịch sử.”
------------------
Trên đây là những ghi nhận từ các
blog cá nhân liên quan đến tác phẩm “Ma Chiến Hữu,” một tiểu thuyết của một nhà
văn Trung Quốc, viết về cuộc chiến biên giới Việt – Trung 1979 và hiện đang được
phát hành tại Việt Nam.
Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm,
sàng lọc và gởi đến quí vị những hình thức thông tin trên Internet, trong các
trang Blog cá nhân liên quan đến nhiều đề tài khác nhau và gởi đến quí vị trong
các chương trình sau.
Mong quí vị đóng vai trò cầu nối
giữa chúng tôi và các thông tin như vậy. Xin gởi cho chúng tôi các thông tin
cùng đường liên kết đến các blog hữu ích mà quí vị đọc được, qua địa chỉ vietweb@rfa.org.