Tạ Phong Tần
8 giờ 10 phút ngày 25/2/2009, tôi vừa từ trong nhà vệ sinh bước ra thì
nghe phía trước Văn phòng có tiếng lao xao, ồn ào, không hiểu có chuyện
gì. Tôi đi ra thì thấy có rất đông người lạ mặt đang đứng đầy tại bàn
tiếp khách phía trước. Tôi thấy một bà béo khoảng 50 tuổi, mặt mày cau
có, gằm gằm, giọng nói chua loét eo éo, mặc đồng phục Thi hành án, đeo
bảng tên Nguyễn Thị Hạnh - Chấp hành viên quận Gò Vấp (SG). Bà béo đang
đọc oang oang cái gì đó, phải mất vài phút sau tôi mới hiểu bà đọc cái
Quyết định cưỡng chế thi hành Quyết định thi hành án. Tôi hỏi kỹ lại đó
là vụ gì, hóa ra là để thực hiện Quyết định công nhận hòa giải thành
của Tòa án quận Gò Vấp, nội dung là cưỡng chế thi hành (tức thu giữ) 42
triệu đồng đối với ông Lê Trần Luật - Trưởng Văn phòng Luật sư Pháp
Quyền. Lúc này trong Văn phòng có Luật sư Hùng, Luật sư Đạt, 2 nhân
viên khác, Bác sĩ Lê Trần Luân (anh ruột ông Luật) và tôi.
Quy trình thi hành án hoàn toàn trái pháp luật
Luật sư Hùng chất vấn bà Hạnh rằng chị đã tống đạt hợp lệ Quyết định tự
nguyện thi hành cho ông Luật chưa thì bà Hạnh nói rằng đã giao quyết
định cho 1 người tên Nhung (?!). Cần phải nói rõ là người này không
phải người trong gia đình ông Luật, nên việc giao quyết định cho người
không liên quan gì là trái với điểm A, khoản 2, Điều 34 Pháp lệnh thi
hành án dân sự. Tuy nhiên, chúng tôi cũng chỉ nghe bà Hạnh nói thế, mà
yêu cầu bà cho xem biên bản tống đạt thì bà từ chối. Lẽ ra, nếu không
gặp ông Luật để tống đạt, bà Hạnh phải gởi các lại quyết định, thông
báo cho đương sự bằng đường Bưu điện, 2 lần đăng (hoặc phát) trên báo,
đài (điểm c, khoản 2 Điều 34) nhưng bà không hề thực hiện đúng quy
trình.
Luật sư Hùng lại hỏi tiếp bà Hạnh rằng Thông báo cưỡng chế ký ngày
16/2/2009 này bà Hạnh đã tống đạt hợp lệ cho ông Luật chưa thì bà Hạnh
nói rằng bà có đến Văn phòng Luật sư nhưng Văn phòng đóng cửa. Tôi nghe
vậy mới hỏi tiếp: "Ngày 16 là thứ mấy vậy chị?". Bà Hạnh trả lời: "Thứ Hai". Tôi nói tiếp: "Ngày nào em cũng mở cửa Văn phòng, không hề nghỉ làm việc ngày nào sao em không thấy chị đến, cũng không thấy có niêm yết?". Bà Hạnh dấm dẳng: "Cái đó tôi không biết. Tôi đã niêm yết rồi". Tôi hỏi tiếp: "Chị niêm yết hồi nào? Ở đâu vậy?". Bà Hạnh trả lời: "Tôi niêm yết ngày hôm qua, ở đây?". "Ở đây là chổ nào?". Bà Hạnh lại lặp lại: "Cái đó tôi không biết". Rồi bà đột nhiên nổi cáu: "Ở đây ai là nhân viên Văn phòng này?". "Là chúng tôi đây" - Ba bốn người cùng trả lời. "Vậy giấy ủy quyền đâu? Thẻ nhân viên đâu? Tôi không thừa nhận các anh chị là nhân viên, không cần làm việc với các anh chị".
Trời đất ơi, chính miệng bà Hạnh nói bà mới niêm yết ngày hôm qua mà
đòi giấy ủy quyền? Ông Luật đang ở Hà Nội làm sao ủy quyền được? Văn
phòng Luật sư chớ có phải cơ quan nhà nước đâu mà có thẻ nhân viên? Bà
Hạnh đòi hỏi mà không nhìn lại coi anh cán bộ nhà nước (sau này mới
biết tên Phong) "lính" của bà đi công tác mà ăn mặc lôi thôi, không có
nổi cái thẻ đeo trên cổ cho đúng quy định mà bà Hạnh cứ thích đòi hỏi
những chuyện không tưởng để ra oai với chúng tôi chăng? Tôi nói: "Đây là Lê Trần Luân, anh ruột ông Luật, vậy ông Luân đại diện cho ông Luật". Bà Hạnh lớn tiếng: "Tôi không biết ông này là ai, tôi không làm việc với người này". Mọi người ngạc nhiên: "Vậy chị vô đây làm việc với ai?". Tôi xen vào: "Mục đích của chị là muốn thi hành 42 triệu đồng chớ gì. Bây giờ em nộp chị 50 triệu đồng đây. Chị cứ kê biên khoản tiền này". "Tiền vẫn còn niêm phong của Ngân hàng, có ghi rõ trên giấy nè". "Tôi không nhận tiền vì tôi chưa tính phần lãi suất". "Thì ở đây là 50 triệu, dư so với quyết định rồi, chị cứ thu giữ 50 triệu, lãi suất tính sau". Bà Hạnh gạt ngang: "Tôi không nhận tiền, tôi không đếm nên không biết bao nhiêu tiền".
Thật ngạc nhiên, trên đời này đi thu tiền thi hành án mà chê tiền thì
chỉ có duy nhất bà Chấp hành viên Nguyễn Thị Hạnh này, nếu mắt bà không
có vấn đề bất thường, nếu bà biết đọc chữ thì bà không cần đếm mà nhìn
tờ giấy in Ngân hàng dán trên cục tiền cũng biết cục tiền đó là bao
nhiêu triệu. Khi tôi hỏi "Tại sao chị đến đây thi hành án 42 triệu đồng mà tôi đưa 50 triệu chị không lấy là sao?". Bà Hạnh trả lời: "Tôi chưa tính được số tiền lãi". Rồi bà giục 2 thanh niên mặc thường phục (không có bảng tên) đi cùng bà gom các bộ máy vi tính lại.
Người thanh niên mặc áo hồng xám xám đòi lên "kiểm tra" luôn các phòng trên lầu. Tôi cáu tiết lên nói: "Trên đó phòng ngủ của tôi, anh muốn vô phòng ngủ của tôi sao?". Anh ta đứng sựng sựng ấm ớ không trả lời được.
Bà Hạnh chỉ huy cho "lính" bà đi gom 5 bộ máy tính trong Văn phòng lại
và niêm phong. Điều làm tôi hết sức ngạc nhiên là họ tự ký tên lên giấy
niêm phong rồi dán lên, không hề đưa cho người đại diện đương sự ký, và
dán bên hông máy một cách sơ sài. Tôi thấy vậy mới nói: "Tôi
đề nghị chị niêm phong kín lại, giấy niêm phong sao không đưa cho tôi
ký vào. Các anh chị tự ký dán vô rồi mang về các anh chị xé ra thay đổi
linh kiện trong đó rồi các anh chị dán lại ai mà biết được. Niêm phong
mà các cổng, đầu cáp không niêm lại, thì các anh chị cắm cáp vào rút
bớt dữ liệu hay thêm vào cái gì đó thì sao?". Bà Hạnh làm thinh như không nghe tôi nói gì.
Dán giấy xong, họ viết biên bản rồi yêu cầu tôi ký mà lại không cho ông
Luân đại diện gia đình. Tôi lặp lại yêu cầu niêm phong lại bộ máy vi
tính đúng quy định như đề nghị của tôi lúc nãy nhưng bà Hạnh cứ làm
thinh như điếc không nghe tôi nói gì. Ông Luân thắc mắc thì được bà
Chấp hành viên phang cho ông Luân một câu: "Tôi không biết gia đình nào hết".
Lại thêm điều quái lạ nữa, rõ ràng, một người "già lão" như bà Hạnh
không thể không biết nguyên tắc niêm phong tài sản để không bị dịch
chuyển giá trị là như thế nào, càng không thể nói bà không biết gì về
khoản 3 Điều 6 Pháp Lệnh thi hành án, Điểm 2.2 Công văn số 404/TP-THA
ngày 24/02/2005 của Bộ Tư pháp hướng dẫn nghiệp vụ thi hành án dân sự.
Diễn biến sự việc cho thấy bà Nguyễn Thị Hạnh cố ý gây khó khăn cho
hoạt động thường nhật của Văn phòng bằng cách nằng nặc kê biên máy mà
chê tiền. Chẳng biết họ cố tình niêm phong trái quy định như vậy để
nhằm phục vụ cho âm mưu đen tối nào đây?
Tôi yêu cầu bà Hạnh viết 2 biên bản và đưa cho tôi giữ mỗi thứ 1 bản. Bà Hạnh vội vàng khất để... từ từ làm sau.
Thấy vậy, tôi ghi vào trang ba tờ biên bản kê biên như sau:
- Tôi đại diện cho Văn phòng Luật sư Pháp Quyền nộp cho bà Nguyễn Thị
Hạnh 50 triệu đồng còn nguyên niêm phong của Ngân Hàng Nông nghiệp
nhưng bà Hạnh không đồng ý nhận tiền thi hành án.
- Năm bộ máy vi tính được phía Thi hành án Gồ Vấp niêm phong sơ sài,
không đưa giấy niêm phong cho tôi ký tên, giấy niêm phong dán bên ngoài
thùng máy, vì vậy vẫn có thể mở máy ra được và cắm dây vào thùng máy để
thêm hoặc bớt dữ liệu bên trong mà không để lại dấu vết. Tôi đã đề nghị
niêm phong kín lại nhưng chấp hành viên Nguyễn Thị Hạnh không đồng ý.
- Nếu sau này ruột máy vi tính bị thay đổi thì bà Nguyễn Thị Hạnh và
Thi hành án Gò Vấp hoàn toàn chịu trách nhiệm. Dữ liệu bên trong máy bị
mất hay bị thêm vào nhằm mục đích đen tối chúng tôi không chịu trách
nhiệm. Tôi được biết mỗi bộ máy vi tính (gồm thùng CPU và màn hình tinh
thể lỏng) trị giá khi mua là 15 triệu đồng.
Trong biên bản tạm giữ đồ vật tài sản, trang 2, tôi ghi lại nội dung
giống như biên bản kê biên tài sản. Khi tôi lấy máy ảnh ra chụp lại
biên bản thì bà Hạnh chồm tới giựt lại tờ biên bản. Tôi nắm tờ giấy
giật lại và nói: "Tôi là người đại điện, tôi ghi vào đấy cái gì thì thôi chụp lại để báo cho ông Luật cho chính xác" thì bà Hạnh mới đứng im.
Sự xuất hiện của nhiều kẻ lạ mặt hung hăng
Cũng trong lúc làm việc, bên trong và bên ngoài văn phòng xuất hiện
nhiều người lạ mặt không biết họ tên gì, nhởn nhơ đi luồng tuông qua
lại trong Văn phòng, kẻ thì miệng cười tí toét, kẻ thì tích cực chụp
ảnh, quay phim, thậm chí chen vào ngồi cùng bàn với cán bộ thi hành án,
ở trong nhà mà mắt đậy cái kính đen to tổ bố như ông thầy bói mù. Những
người này họ rất hănghái quay phim, chụp ảnh toàn bộ nhân viên và quang
cảnh trong, ngoài Văn phòng; nhưng khi bị tôi chỉa ống kính máy ảnh vào
họ thì họ đều quy mặt đi chổ khác hoặc cúi gằm mặt xuống, tôi phải
"canh me" mãi, nhanh tay lẹ mắt lắm mới chộp được cái bản mặt của họ
vào ống kính. Ban đầu, bà Hạnh nói rằng họ là người của Thi hành án,
sau khi lập biên bản tôi mới biết ngoài cô Nguyễn Thị Tuyết Hồng - cán
bộ Tư pháp phường 7 (có đeo bảng tên), anh Đặng Phương Quang- CSKV (mặc
quân phục) , cô Trần Thị Cẩm Anh - Kiểm sát viên (mặc đồng phục), số
còn lại không có họ tên, đồng phục, chẳng biết họ thuộc cái loại nào mà
được "ưu tiên" ngang nhiên như chốn không người như thế?.
Trong khi đó, người quen của chúng tôi như: cô Thu Duyên, anh Phan
Thanh Hải đến Văn phòng thì bị những kẻ lạ mặt mày bậm trợn hăm he đuổi
đi chổ khác. Tôi cũng thấy xung quanh Văn phòng xuất hiện rất nhiều kẻ
lạ đông đến bất ngờ. Quái gỡ hơn là họ quay phim chụp ảnh ào ào hình
ảnh cá nhân người khác mà không thèm xin phép ai, còn Luật sư Đạt cầm
cái máy ảnh của tôi chụp hình ngoài sân thì bị một lũ côn đồ 4-5 tên
không biết ở đâu ra đe dọa "Mày coi chừng tao" và rượt chạy vào nhà,
chúng còn xông vào trong sân nhưng bị xe máy dựng trong sân khá nhiều
cản trở, vì vậy chúng không rượt kịp.
Anh Phan Thanh Hải "kém may mắn" hơn nên bị 4 thanh niên bặm trợn mặc
thường phục đã nắm kéo sểnh nhét vào xe Cảnh sát, đè mặt xuống sát sàn
xe trước sự chứng kiến của nhiều người, rồi chiếc xe Cảnh sát hú còi
lao inh ỏi đi như vừa bắt được tên tội phạm nguy hiểm vì nó đã dám chụp
hình, quay phim cảnh thi hành án(?!).
Cuối cùng, họ mang đi 5 bộ máy vi tính và 1 máy photocopy.
* * *
Theo hướng dẫn của Cục Thi hành án, nếu trước khi kê biên mà đương sự
nộp tiền thi hành án thì phải chấm dứt việc kê biên. Động thái chê tiền
khó hiểu cùng sự cố ý niêm phong tài sản sơ sài trái quy định bất chấp
đề nghị của người đại diện đương sự, gạt phắt người nhà đương sự ra
ngoài của bà Chấp hành viên Nguyễn Thị Hạnh, xuất hiện nhiều kẻ lạ dùng
bạo lực bắt người trái pháp luật... cho thấy đằng sau việc kê biên này
là một âm mưu đen tối.
Tạ Phong Tần
Công Lý và Sự Thật
Khoản 3 Điều 6 Pháp lệnh Thi hành án Dân sự quy định:
"Căn cứ vào quyết định thi hành án, Chấp hành viên định cho người
phải thi hành án thời hạn không quá ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được
quyết định thi hành án để tự nguyện thi hành, trừ trường hợp quy định
tại khoản 2 Điều 7 của Pháp lệnh này.".
Điều 34. Thông báo về thi hành án
1. Các quyết định, giấy báo, giấy triệu tập về thi hành án phải được
thông báo cho người được thi hành án, người phải thi hành án, người có
quyền, nghĩa vụ liên quan. Người được thông báo có nghĩa vụ nhận thông
báo và chịu trách nhiệm về việc cố tình không nhận thông báo.
2. Việc thông báo được thực hiện bằng các hình thức sau đây:
A) Chấp hành viên, cán bộ thi hành án giao trực tiếp các giấy tờ quy
định tại khoản 1 Điều này cho người được thông báo. Trong trường hợp có
khó khăn trong việc giao trực tiếp thì việc thông báo được thực hiện
bằng thư bảo đảm qua đường bưu điện. Nếu người được thông báo vắng mặt
thì các giấy tờ về thi hành án được giao cho Thủ trưởng cơ quan nơi
người đó công tác hoặc cán bộ tư pháp cấp xã hoặc người thân thích có
năng lực hành vi dân sự đầy đủ cùng sống trong một gia đình nhận thay.
Người nhận thay phải cam kết chuyển kịp thời, đúng thời gian quy định
đến tận tay cho người được thông báo. Việc giao, nhận thông báo phải
được ký xác nhận;
B) Trong trường hợp không thể thực hiện được việc thông báo quy định
tại điểm a khoản này thì phải niêm yết công khai bản chính thông báo
tại trụ sở Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú của người
được thông báo và tại nơi ở của người được thông báo nếu xác định được
nơi ở cụ thể của người đó. Việc niêm yết công khai phải được lập biên
bản, ghi rõ ngày, tháng, năm niêm yết, nội dung thông báo và người thực
hiện niêm yết, có xác nhận của chính quyền địa phương;
C) Trong trường hợp không thể thực hiện việc thông báo theo quy định
tại điểm a khoản này hoặc việc niêm yết công khai theo quy định tại
điểm b khoản này không có kết quả thì thông báo liên tiếp hai lần trên
báo, đài phát thanh hoặc đài truyền hình của trung ương hoặc của tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương nếu xác định đương sự đang ở tại địa
phương đó. Khi thực hiện việc thông báo trên các phương tiện thông tin
đại chúng, cơ quan báo, đài phải có văn bản xác nhận đã thực hiện xong
việc thông báo và gửi Cơ quan thi hành án để lưu hồ sơ thi hành án.
3. Người có nghĩa vụ thực hiện việc thông báo không làm đúng trách
nhiệm của mình thì tuỳ theo mức độ vi phạm và hậu quả xảy ra mà có thể
bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự
theo quy định của pháp luật; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Điểm 2.2 Công văn số 404/TP-THA ngày 24/02/2005 của Bộ Tư pháp hướng dẫn nghiệp vụ thi hành án dân sự như sau:
"Khi tiến hành niêm yết công khai, Chấp hành viên cần ấn định thời
gian nhất định (kể từ ngày niêm yết) để người được thông báo thực hiện
các quyền, nghĩa vụ của họ. Ví dụ: Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày
niêm yết, người phải thi hành án phải đến cơ quan thi hành án để giải
quyết việc thi hành án.
Việc ấn định thời gian bao nhiêu lâu, cần căn cứ vào từng vụ việc cụ
thể, nhưng phải đảm bảo cho người được thông báo biết để thực hiện
quyền, nghĩa vụ của họ theo thông báo.".
..
|