|
|
Báo cáo năm 2008 còn nói tới việc thiếu minh bạch trong việc thu hồi đất cho các dự án hạ tầng |
Phúc trình thường niên của Bộ Ngoại giao Mỹ nói tình hình nhân quyền ở Việt Nam năm 2008 vẫn còn ở mức ‘chưa thoả đáng’.
Theo báo cáo này, ở Việt Nam vẫn còn tình trạng cấm đoán bất đồng chính kiến và người dân bị bắt bớ vì có quan điểm chính
trị đối lập nhưng không được đưa ra xét xử nhanh chóng và công bằng.
Phúc trình cũng cho rằng Việt Nam tiếp tục giới hạn tự do ngôn luận “đặc biệt là chuyện chỉ trích cá nhân lãnh đạo chính phủ,
hay việc thúc đẩy đa nguyên, đa đảng”.
Báo cáo còn dẫn chứng vụ trưởng đại diện hãng thông tấn Mỹ Associated Press 'bị cảnh sát đánh' hôm 19/9/2008 sau khi tới chụp
ảnh giáo dân cầu nguyện ở khu vực Tòa Khâm sứ cũ ở Hà Nội.
Trả lời BBC sáng 26/2, ông Nguyễn Đức Thuỳ, Viện trưởng Viện nghiên cứu Quyền con người, cho rằng ‘lâu nay trong bất kỳ báo
cáo hàng năm nào, Mỹ đều có quan điểm như vậy’, nên ‘chuyện đó không có gì đáng bàn lắm’ .
“Họ chỉ dựa trên một số hiện tượng bề ngoài và một số sự kiện đơn lẻ, như vụ các nhà báo bị bắt. Như thế không phản ánh đúng
tình hình”.
Báo cáo của Mỹ nói cho tới cuối năm 2008, chính quyền Việt Nam đã bắt “ít nhất 35 tù nhân chính trị”.
Phúc trình cũng nói tới hiện trạng buôn người, bạo lực và phân biệt đối xử với phụ nữ vẫn còn là một vấn đề lớn ở Việt Nam.
'Thiếu minh bạch'
Trong khi đó, các tổ chức nhân quyền độc lập vẫn “chưa được phép hoạt động”.
Về vấn đề này, ông Thùy nói: “Hiện giờ Việt Nam có rất nhiều cơ quan nghiên cứu về quyền con người ở nhiều nơi theo hương
đa dạng và rộng mở chứ không có chuyện ngăn cản”.
“Việc nghiên cứu quyền con người phụ thuộc vào nhu cầu nội tại của cơ quan đó, chứ không có chuyện chỉ đạo từ trên xuống”.
|
Ngay một lúc mà đòi hỏi minh bạch mọi thứ thì hơi khó. Đó là cả một tiến trình
Ông Nguyễn Đức Thuỳ, Viện trưởng Viện nghiên cứu Quyền con người
|
Ngoài ra, báo cáo còn thấy nhiều vụ tham nhũng trong lực lượng công an, cũng như nêu lên sự thiếu minh bạch trong việc “thu
đất và di dân khỏi các dự án cơ sở hạ tầng”.
Viện trưởng Nguyễn Đức Thuỳ lý giải: “Ngay một lúc mà đòi hỏi minh bạch mọi thứ thì hơi khó. Đó là cả một tiến trình".
"Luật thông tin đang được xây dựng để làm sao minh bạch hóa hơn hoạt động của chính quyền, không chỉ có trong lĩnh vực đất
đai”.
Điểm tích cực trong báo cáo về Việt Nam là có những cải thiện liên quan tới người khuyết tật ở Việt Nam, trong đó có việc
các tòa nhà chính phủ mới đã có chỗ đi dành cho đối tượng này.
Năm ngoái, Việt Nam đã lên tiếng chỉ trích báo cáo của Mỹ là không khách quan và dựa vào những thông tin “sai lệch và thành
kiến”.
Chính quyền nhấn mạnh trong những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu trong việc “bảo đảm và thúc đẩy tự do của người dân
trong mọi lĩnh vực, trong đó có tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do thông tin”.
|