Thứ Tư, 2024-12-04, 0:06 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Hai » 27 » Ở Việt Nam, chính trị đè nặng lên các quyết định đầu tư
6:38 PM
Ở Việt Nam, chính trị đè nặng lên các quyết định đầu tư

John Ruwitch, Reuters 26/02/09, Nguyễn Phương Nga lược dịch




Xưởng lọc dầu trị giá 3 tỷ đô la ở Dung Quất, dự án đầu tư lớn nhất tại Việt Nam hiện nay, là đầu mối của nhiều thứ đối với bà mẹ trẻ Trần Thị Yến.

Xưởng lọc dầu đã mang lại nhiều đường xá mới mẻ cho vùng bờ biển đầy cát, là nơi mà chị Yến 25 tuổi, đang sống trong một vùng xa xôi hẻo lánh thuộc trung phần Việt Nam. Xưởng lọc dầu cũng thu hút một đội ngũ công nhân đến từ xa, trong đó có có một người mà chị Yến, một phụ nữ có vóc dáng nhỏ bé với một nụ cười ấm cúng, đã lập gia đình với anh ta.  

Và việc nhộn nhịp xây dựng xưởng lọc dầu, vừa được chính thức khai trương hồi tuần trước, đã trao cho chị Yến một cơ hội bằng vàng để kinh doanh. Năm ngoái, chị lập ra một quán karaơke bên vệ đường đã bắt đầu sinh lợi.

"Ở nơi này trước đây chỉ có một thứ là cát", chị Yến nói trong khi đang bồng đứa con bụ bẫm  mới có 7 tháng tuổi.

Nhà nước Việt Nam có lẽ nhìn vào những trường hợp giống như chị Yến để làm bằng chứng về quyết định của họ khi xây dựng nhà máy lọc dầu ở đây là lý tưởng, mang cơ hội kinh tế đến một trong những vùng nghèo nhất ở Việt Nam.

Nhưng nhiều nhà kinh tế và phân tích chính trị đã chỉ trích dự án nhà máy lọc dầu, có lẽ đây là một thí dụ điển hình nhất về việc chính trị đã xen lấn như thế nào vào việc đưa ra các quyết định kinh tế ở Việt Nam.    

Xưởng lọc dầu, phải mất đến 15 năm để xây dựng, bị các nhà đầu tư ngọai quốc lãng tránh do không có khả năng kinh tế vững vàng vì có vị trí nằm ở nơi xa xôi hẻo lánh, cách xa các mỏ dầu. Cuối cùng thì tập đoàn dầu khí quốc doanh Petrovietnam bị bó buộc phải tự gánh vác lấy một mình.  

"Ðiều này cho thấy vấn đề đầu tư trong khu vực nhà nước không được nhạy bén lắm đối với những cân nhắc về kinh tế", theo ông Jonathan Pincus, chủ nhiệm chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright tại TPHCM.

Từ khi công cuộc cải cách "đổi mới" được bắt đầu vào năm 1986, đảng Cộng sản đang nắm quyền ở Việt Nam đã từ từ tự nới mình ra khỏi việc trực tiếp kiểm soát các hoạt động kinh tế. Hàng ngàn công ty quốc doanh được "cổ phần hóa", một cách nói trại ra từ việc tư nhân hóa.

Tuy nhiên, chính trị có thể có một ảnh hưởng trực tiếp trên các dự án đầu tư ở nhiều mức độ khác nhau tuỳ thuộc vào ngành nghề, theo bà Melanie Beresford, một phó giáo sư thuộc Trường Ðại học Macquarie ở Úc Ðại Lợi cho biết.

"Họ có một quan điểm chiến lược về các ngành kỹ nghệ thiết yếu cho công cuộc phát triển quốc gia. Năng lượng rõ ràng là một trong những ngành này ... cũng như một vài ngành kỹ nghệ căn bản khác", bà Beresford nói thêm.

CẦN CÂU CÁ

Con đường mới đặt tên, đường Võ Văn Kiệt, được đặt theo tên của cố thủ tướng Võ Văn Kiệt, là một con đường trải nhựa bụi mù kéo dài 23 cây số xuyên qua trung tâm khu kinh tế của nhà máy lọc dầu đến cảng Dung Quất.
 
Ông Kiệt làm thủ tướng từ 1991 đến 1997, được ghi nhận là có công về quyết định xây dựng xưởng lọc dầu có năng suất 140 ngàn thùng mỗi ngày ở bờ biển Quảng Ngãi và ông ta được kính trọng nơi đây.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã rút lui khỏi quyết định xây xưởng lọc dầu ở Quảng Ngãi vì nó cách xa nguồn cung cấp dầu thô và nơi tiêu thụ sản phẩm.

Vào năm 1995, công ty dầu khí Total SA của Pháp đã rút ra khỏi một liên doanh dự tính xây nhà máy lọc dầu với tập đoàn dầu khí quốc doanh Petrovietnam vì vấn đề nơi chốn. Rồi vào năm 2002, công ty dầu khí quốc doanh Zarubezhneft của Nga cũng tháo lui vì các bất đồng về vị trí xa xôi của nhà máy và về nhiều vấn đề kỹ thuật  

Tuy nhiên, ông Lê Văn Dũng, phó chủ tịch Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất, coi sóc cả một vạt đất trải dài gần gấp đôi diện tích của khu Manhattan, và là chỗ xây dựng nhà máy lọc dầu và các dự án khác, gọi ông Kiệt là một người "có tầm nhìn chiến lược vĩ đại".

ông Dũng nói., "Không phải chỉ là trách nhiệm của Thủ tướng, nhưng cũng là của nhà nước nhằm phát triển khu vực miền trung, vốn đã mất hàng triệu mạng sống trong chiến tranh, nhưng hiện nay đang chậm trễ về mặt phát triển kinh tế. Thay vì đưa cho họ một con cá, thì họ phải được giúp cho cái cần câu",

Ông Dũng còn nói rằng lợi tức thu được từ thuế trên toàn huyện đã gia tăng và tổng sản phẩm quốc nội GDP tính trên từng đầu người đã nhảy vọt từ khoảng 400 đô la vào năm 2006 lên đến 700 đô la vào năm 2008.

Một số nhà quan sát vẫn còn hoài nghi cao độ.

"Thả một dự án nguồn vốn cao chỉ có vài mối liên hệ đến kinh tế địa phương vào một tỉnh nghèo nàn nên ảnh hưởng vào địa phương đó rất nhỏ", theo một chuyên gia kinh tế Việt Nam, không muốn tiết lộ tên tuổi vì lo ngại sẽ nhận lãnh hậu quả xấu vì lên tiếng đưa ra các quan điểm đi ngược lại với chủ trương đường lối của đảng.

"Trong khi đó, khoảng cách từ các mỏ dầu lại quá lớn cho nên mức chênh lệnh giá dầu lọc ra sẽ có khả năng bị lỗ lã. Rồi kết quả cuối cùng là gì? Trả một cái giá quá mức cho một dự án thua lỗ tiền bạc mà lại không tạo ra công ăn việc làm".

KẺ ÐƯỢC NGƯỜI TA THÁN

Mặc dù có được một vài lợi lộc trước mắt tạo ra cho nhiều người trong vùng, chẳng hạn như chị Yến chủ tiệm karaoke, nhưng những cư dân khác cũng có nhiều điều ta thán.

Tổng cộng 7 ngàn đơn vị gia cư sẽ bị chuyển dời năm cho đến 2015 là hạn chót để dành chỗ cho khu kinh tế và đầu tư kỹ nghệ mới.

Bà Phạm Thị Sách, 59 tuổi, ngụ cạnh đường Võ Văn Kiệt, hiện đang lo lắng không biết sẽ ra sao.
"Ở đây mỗi ngày chúng tôi có thể kiếm được vài trăm ngàn bằng cách ra chợ buôn bán đồ biển, nhưng nếu chúng tôi dọn đến một chỗ mới thì chúng tôi sẽ không biết làm gì", bà Sách nói.  

Vấn đề môi sinh cũng là một mối lo, nhất là đối với các ngư phủ làm ăn cá thể như ông Bùi Quang Tiến.

Ông nói, "Tiếng động từ nhà máy lọc dầu sẽ đuổi cá đi vì sợ hãi cho nên các mẻ lưới của tôi sẽ nhỏ hơn. Trong quá khứ, tôi không cần phải mua xăng nhớt để đi đánh cá, tôi chỉ chèo thuyền, nhưng bây giờ tôi phải đi xa ra biển hơn. Do đó tốn kém thêm".

Nhiều công nhân ở nhà máy lọc dầu, nếu không muốn nói là hầu hết, sẽ đến từ bên ngoài vì cư dân địa phương thiếu tay nghề, mặc dù vài hãng xưởng khác sẽ được xây dựng trong khu kinh tế để có thể trợ giúp thêm nhiều hơn về mặt công ăn việc làm cho người dân địa phương.

Một vài bài học được rút ra từ cái kinh nghiệm dài đầy khổ đau của Dung Quất, ngay cả khi đường lối của đảng vẫn không thay đổi trong việc ca ngợi (sự thành công) của Dung Quất.

Hai nhà máy lọc dầu kế tiếp của Việt Nam, sẽ to lớn hơn, đang được dự định xây dựng ở các vị trí thuận lợi hơn ở Nghi Sơn, gần phía nam Hà Nội, và Long Sơn, gần khu vực trung tâm thương mãi của TPHCM.

http://uk.reuters.com/article/oilRpt/idUKSP36222320090226?sp=true
Category: Chính trị | Views: 904 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 43
Khách: 43
Thành Viên: 0