Thứ Năm, 2024-11-21, 6:34 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Hai » 27 » Nước đổ đầu vịt
10:37 PM
Nước đổ đầu vịt


Báo đảng cũng không muốn tuyên truyền cho “bác”

Con cháu “Bác” Hồ của đảng Cộng sản Việt Nam lớn lên sau ngày “Bác” chết (1969) nói phét và to gan không làm theo đảng hơn khi “Bác” còn sống, nhưng nếu đảng cứ nhắc mãi chuyện đảng viên chưa làm theo lời ‘Bác” thì con cháu “Bác” có học được “Bác” điều gì không, hay là tư tưởng “Bác” đã hết thời rồi?...

Bằng chứng thứ nhất là khi nói về “tư tưởng và đạo đức” Hồ Chí Minh, đảng Cộng sản Việt Nam đã không thống nhất trong cách diễn đạt và suy luận và đã thay đổi tùy theo quan niệm “bốc đồng” của giới lãnh đạo ngành tuyên truyền của từng giai đọan.


Tỉ du như trong Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 7/11/2006 của Bộ Chính trị về tổ chức cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", Ban Tư tưởng Trung ương thời đó đã “tô son điểm phấn” cho “Tư tưởng và đạo đức” của Hồ Chí Minh là “sự kết tinh những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta và tinh hoa văn hoá của nhân loại, là tài sản tinh thần vô giá của Đảng và nhân dân ta, là tấm gương sáng để mọi người Việt Nam học tập và noi theo”.

Trước đó có 3 năm thôi, ngày 27 tháng 3 năm 2003, Bí thư Trung ương đảng khoá IX là Phan Diễn phổ biến Chỉ thị Số 23 -CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới lại cường điệu cách khác: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm lý luận chính trị toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá của nhân loại.”

Nhưng nếu đem những hành động cụ thể như “giúp dân ít, hại dân nhiều”, tôn thờ “cá nhân chủ nghĩa” và ham mê quan liêu, tham nhũng, sa sút đạo đức trong cuộc sống của cán bộ, đảng viên so với điều gọi là “giá trị truyền thống tốt đẹp ” trong tư tưởng Hồ Chí Minh thì người ta phải nghi ngờ cái “giá trị truyền thống” ấy có thật là của dân tộc Việt Nam hay đảng CSVN đã mạo nhận “dân tộc” để khoác cho Hồ Chí Minh những thứ mà ông không có?

Bởi vì nếu họ Hồ có những thứ tốt đẹp trong tư tưởng như đảng tuyên truyền và đảng viên không dám làm ông chủ của nhân dân như hiện nay thì người dân đâu có bị cai trị và phải phục vụ kẻ cai trị như bây giờ?

Hơn nữa “tinh hoa văn hoá của nhân loại” lại càng không có những thứ lăng nhăng phản văn hoá như của nhiều người trong đảng CSVN.

Vì vậy mà sau 6 năm thi đua, vận động, tuyên truyền học tập và làm theo Hồ Chí Minh (2003-2009), các đảng viên vẫn trơ ra như đá, kể cả những kẻ có chức, có quyền. Ngay đến các cơ quan Báo, Đài của đảng cũng không tha thiết tuyên truyền tư tưởng “Bác” hay làm theo chỉ thị của đảng thì hẳn là “Bác” phải có vấn đề, hay đảng viên không còn tha thiết với “Bác” nữa?

Hãy đọc Phan Diễn viết trong Chỉ thị 23: “Việc tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh còn một số hạn chế, yếu kém. Nội dung giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh chưa thống nhất và chưa đạt được chiều sâu tư tưởng, lý luận. Chậm đưa tư tưởng Hồ Chí Minh thành môn học trong các trường đại học, cao đẳng, các trường trung học chuyên nghiệp, dạy nghề và chưa có chương trình thích hợp trong các bậc phổ thông. Nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền tư tưởng Hồ Chí Minh thiếu sinh động; chưa giúp cán bộ, đảng viên gắn việc học tập tư tưởng Hồ Chí Minh với giải quyết những vấn đề thực tiễn; chưa tạo được phong trào học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh sâu rộng trong Đảng và trong nhân dân. Việc đấu tranh bảo vệ tư tưởng Hồ Chí Minh chưa chủ động, kịp thời và sắc bén.

Nguyên nhân của những yếu kém, khuyết điểm nói trên chủ yếu là do không ít cấp uỷ, tổ chức đảng chưa nhận thức sâu sắc về vai trò, vị trí tư tưởng Hồ Chí Minh, về trách nhiệm tổ chức nghiên cứu công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng của Người, Đảng ta chưa thực hiện có nền nếp chế độ học tập lý luận chính trị đối với mọi đảng viên; chậm hoàn chỉnh nội dung, tài liệu giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh làm cơ sở thống nhất cho công tác tuyên truyền. Đầu tư cho tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh còn hạn chế và chưa tương xứng.”

Vậy nguyên nhân nào đã khiến cán bộ, đảng viên không muốn học theo những điều gọi là của Hồ Chí Minh, hay là họ biết học chỉ là việc để ngụy trang cho mục đích khác nên không ai muốn mất thời giờ ?

Cũng nên biết kết luận của Bộ Chính trị thời Phan Diễn được đưa ra sau 12 năm đảng ra lệnh cho tòan đảng và tòan dân phải học tập và nghiên cứu quyết định của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (năm 1991), theo đó họ kiên định " lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng và kim chỉ nam cho hành động".

Nhưng cho đến năm 2009, các đảng viên đảng CSVN vẫn lấn cấn và hoang mang về quyết định “đi ngược chiều” của đảng sau khi nhân dân Nga đã xoá bỏ nhà nước Cộng sản theo chủ nghĩa Mác-Lênin từ năm 1992.

Sự dao động và sa sút tư tưởng trong đảng viên vì vậy càng lấn sâu hơn sau hơn 20 năm Đổi mới để gọi là “qúa độ” lên Xã hội Chủ nghĩa mà ngay những người sọan thảo đường lối của chế độ cũng chưa biết nó ra sao.

Vận động cả nước

Do đó ngày 03-02-2007, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã phải phát động Cuộc vận động gọi là “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân với mục đích duy nhất là tuyên truyền để duy trì chủ nghĩa Cộng sản ở Việt Nam.

Cuộc vận động này được mở ra theo Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 7/11/2006 để gọi là: “ Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tu dưỡng, rèn luyện và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh sâu rộng trong toàn xã hội, đặc biệt trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, thanh niên, học sinh... nâng cao đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ nạn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng.”

Nhưng sau 2 năm thực hiện với không biết bao nhiều tiền bạc của dân bị phung phí, đảng CSVN vẫn phải đương đầu với những khó khăn đã có từ thời Hội nghị đảng VII năm 1991.

Bằng chứng thiếu tiến bộ, tụt hậu, sa sút nghiêm trọng hơn trong tư tưởng cán bộ, đảng viên đối với phong trào học tập đã được phơi bầy tại Hội nghị sơ kết 2 năm tổ chức tại Hà Nội ngày 14-02 -2009.

Báo điện tử Trung ương đảng CSVN trích lời Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư đảng, nhìn nhận: “ Sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy nói chung chưa thực sự quyết liệt, thường xuyên; hoạt động của Ban chỉ đạo các cấp chưa đồng đều. Việc tổ chức học tập các chủ đề về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở một số nơi, nhất là khối doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước chưa tốt, còn tình trạng làm qua loa, chiếu lệ. Việc tổ chức hội thi “Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” có nhiều kết quả, nhưng còn có biểu hiện phô trương, hình thức, nặng về biểu diễn, “sân khấu hoá”, gây tốn kém, hoặc chạy theo thành tích. Công tác tuyên truyền cuộc vận động còn một số hạn chế, khuyết điểm.”

“Theo Ban Chỉ đạo Trung ương”, báo này viết tiếp, “việc triển khai cuộc vận động trong Đảng và trong hệ thống chính trị chưa đồng đều, hiệu quả chưa cao; kết quả “làm theo” chưa thực sự rõ nét, chưa tạo ra phong trào rộng lớn, tự giác làm theo Bác. Chuyển biến về hành động chưa mạnh, chưa đều, nhất là chống tham nhũng, lãng phí kết hợp với thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khoá X; chưa đủ sức thuyết phục...”

Tô Huy Rứa, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương còn nhìn nhận nhiều khuyết điểm nghiêm trọng hơn trong cuộc phỏng vấn của báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam:

“ Việc triển khai Cuộc vận động trong Đảng và trong hệ thống chính trị chưa đều, hiệu quả chưa cao. Nói chung, các địa phương triển khai Cuộc vận động tích cực, kịp thời, đồng bộ hơn các cơ quan bộ, ngành Trung ương; các cơ quan đảng, đoàn thể làm tốt hơn các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp. Việc triển khai Cuộc vận động trong công nhân làm việc trong các doanh nghiệp tư nhân, khu công nghiệp còn lúng túng, khó khăn, chưa có giải pháp cụ thể để tháo gỡ.

Kết quả chuyển biến về nhận thức trong cán bộ, đảng viên, công chức chưa đồng đều. Ở một số cơ quan, đơn vị, việc viết thu hoạch, xây dựng kế hoạch tu dưỡng, đề ra phương hướng phấn đấu của cá nhân còn mang tính hình thức, việc thực hiện nguyên tắc trên trước, dưới sau, trong trước, ngoài sau… chưa tốt.

Kết quả làm theo còn chưa thực sự rõ nét, chưa tạo ra phong trào rộng lớn, tự giác làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Chuyển biến về hành động chưa mạnh mẽ, chưa đều, nhất là chống tham nhũng, lãng phí. Các điển hình tiến tiến làm theo tấm gương đạo đức của Bác có chiều hướng phát triển tốt, nhất là ở địa phương, cơ sở, nhưng chưa được quan tâm phát hiện và bồi dưỡng để nhân rộng.”

Báo cáo của Ban Chỉ Đạo

Trong khi đó báo cáo của Ban Chỉ Đạo do Nông Đức Mạnh đứng đầu, đã đổ lỗi thất bại học tập cho tình hình thế giới, thiên tai và hậu qủa của nền kinh tế thị trường.

Báo cáo viết: “Từ sau Đại hội X của Đảng, tình hình thế giới và khu vực diễn biến nhanh chóng và phức tạp. Cách mạng khoa học - công nghệ và toàn cầu hoá diễn ra mạnh mẽ; hòa bình, hợp tác phát triển vẫn là xu thế lớn, nhưng chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, khủng bố quốc tế, bất ổn chính trị - xã hội, tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ giữa một số nước tiếp tục diễn biến phức tạp. Thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng năng lượng, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trở thành những vấn đề nghiêm trọng trên quy mô toàn cầu. Từ cuối năm 2007, nền kinh tế Mỹ lâm vào khủng hoảng tài chính nặng nề, lan rộng ra nhiều nước, gây ra suy thoái kinh tế thế giới.

Ở trong nước, sau hai năm 2006, 2007 phát triển thuận lợi, cuối năm 2007 và năm 2008, kinh tế gặp nhiều khó khăn. Một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô mất cân đối, đầu năm lạm phát tăng cao, cuối năm suy giảm kinh tế. Thiên tai, dịch bệnh liên tiếp xảy ra. Các thế lực thù địch tiếp tục chống phá và can thiệp vào công việc nội bộ, kích động bạo loạn, lật đổ và đẩy mạnh hoạt động "diễn biến hoà bình", thúc đẩy "tự diễn biến" trong nội bộ ta.

Tất cả những điều đó có tác động lớn đến việc thực hiện các nhiệm vụ đề ra cho các năm 2007, 2008 và Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".

Lập luận như thế nghe được không? Nếu đảng viên để cho những thứ liên quan đến cuộc sống và tình hình bên ngòai lung lạc tinh thần và bản lĩnh chính trị khiến cho “tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" cũng bị lu mờ thì có phải đảng viên đã quan tâm đến những khó khăn trong đời sống của họ hơn học theo “Bác” ?

Bằng chứng đã được Ban Chỉ đạo nhìn nhận vì sao đảng CSVN phải phát động cuộc học tập: “Trước những bức xúc về tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ nạn xã hội gia tăng, dư luận xã hội coi đây là việc làm có ý nghĩa vừa cơ bản, vừa cấp thiết. Đó là cơ sở quan trọng cho phép phát huy sức mạnh tổng hợp và lực lượng to lớn trong toàn Đảng, toàn dân để tiến hành có hiệu quả Cuộc vận động.”

Tuy nhiên càng học, đảng viên càng hư hỏng. Bằng chứng: Báo cáo viết sau Đợt I: “Tuy nhiên lúc đầu, nhận thức chung, từ Trung ương đến địa phương về Cuộc vận động còn chưa thực sự đầy đủ và sâu sắc; đặt vấn đề còn đơn giản, thiếu toàn diện. Sự hướng dẫn triển khai của Ban Chỉ đạo Trung ương còn thiếu cụ thể. Thành phần Ban Chỉ đạo các cấp còn chưa thống nhất. Sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, nói chung chưa thực sự quyết liệt, thường xuyên; hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp chưa đồng đều. Việc tham gia của các cơ quan, nhất là của các cơ quan quản lý nhà nước, từ Trung ương đến địa phương, còn ít. Một số đồng chí là thành viên của Ban Chỉ đạo, cả Trung ương và địa phương, chưa quan tâm đúng mức đến trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, chưa dành thời gian cho công việc này. Một số nơi, nói là hoạt động của Ban Chỉ đạo, nhưng chủ yếu là hoạt động của Ban Tuyên giáo...”.

“...Việc chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn trong triển khai Cuộc vận động với một số đối tượng, như công nhân khu công nghiệp, trong các doanh nghiệp tư nhân… còn chậm và có nhiều lúng túng; các hướng dẫn về kinh phí dành cho cuộc vận động còn chậm, gây khó khăn cho ngành, địa phương. Những yếu kém nêu trên có ảnh hưởng đến kết quả chung của Cuộc vận động.

Qua kiểm tra cho thấy, lãnh đạo các địa phương quan tâm và chỉ đạo triển khai mạnh mẽ, đồng bộ, kịp thời hơn so với các cơ quan trung ương, doanh nghiệp nhà nước.”

Đến cuối năm 2008, Ban Chỉ đạo vẫn nói: “Tuy nhiên, nhìn chung công tác kiểm tra triển khai Cuộc vận động ở các cấp còn bị động, thiếu kế hoạch tổng thể; nội dung, hình thức kiểm tra chưa thực sự sát hợp. Nhiều đợt kiểm tra không phù hợp về thời gian và điều kiện của địa phương, ngành; còn trùng chéo. Hình thức kiểm tra còn nặng về nghe báo cáo, thiếu cụ thể, chưa trực tiếp nghe được nhiều ý kiến của cán bộ, đảng viên, người dân ở cơ sở...”

“...Trong hoạt động sơ kết, tổng kết, sự hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương còn chậm và có một số nội dung chưa thực sự cụ thể. Một số nơi chưa chú trọng phát hiện các điển hình học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác; còn tiến hành chậm, làm qua loa, đại khái. Báo cáo tổng kết còn chung chung, không cụ thể, không có tác dụng thiết thực, chưa đáp ứng được sự mong mỏi của nhân dân.”

Ngay cả việc tổ chức kể chuyện về “Bác”, nhiều cơ sở đảng cũng tổ chức cốt để phô trương như Báo cáo viết: “ Ở một số hội thi có biểu hiện phô trương, hình thức, nặng về biểu diễn, "sân khấu hoá"… gây tốn kém. Ngược lại, có nơi làm qua loa, đại khái, chưa đảm bảo chất lượng người thi và bài dự thi. Trong một số hội thi ở các cấp trên cơ sở đã có biểu hiện “ăn thua”, chạy theo thành tích, có ảnh hưởng nhất định đến kết quả chung.”

Báo đài cũng lơ đãng

Đối với cán bộ, nhân dân thì như thế, Báo chí nhà nước cũng lơ là chuyện tuyên truyền về “Bác” thì có lạ không?

Hãy đọc Báo cáo của Ban Chỉ đạo: “Việc tuyên truyền về Cuộc vận động còn có một số hạn chế, khuyết điểm. Nội dung tuyên truyền còn ít nói về các hoạt động làm theo, về những gương điển hình trong nhân dân làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Ban Chỉ đạo các cấp chưa thực sự quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện để các cơ quan báo, đài tuyên truyền về Cuộc vận động. Nguyện vọng của nhân dân muốn các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước có nhiều bài nói, bài viết về Cuộc vận động, về sự tham gia của bản thân… chưa được đáp ứng. Một số cơ quan báo chí chưa chủ động và thường xuyên tham gia công tác tuyên truyền về Cuộc vận động. Các cơ quan bộ, ngành Trung ương chưa quan tâm đến trách nhiệm tuyên truyền về Cuộc vận động. Trên các phương tiện giao thông công cộng, các công sở… còn ít các khẩu hiệu tuyên truyền về Cuộc vận động. Sự tham gia của các văn nghệ sỹ, nhà báo sáng tác các tác phẩm về đề tài Cuộc vận động chưa tương xứng với tiềm năng; chưa có nhiều tác phẩm hay, có tác động lay động và lan tỏa trong xã hội...”

“ ...Nhiều cơ quan tuyên truyền, thông tin đại chúng chưa thực sự tích cực, chủ động tham gia, chưa xác định rõ nhiệm vụ của mình, dành thời gian "giờ vàng, trang nhất"… để tuyên truyền cho Cuộc vận động. Thậm chí có báo, đài còn đứng ngoài cuộc, nhưng cơ quan chủ quản vẫn bỏ qua, chưa quan tâm chỉ đạo.

Chất lượng các bài tuyên truyền trên báo, đài chưa cao; chưa quan tâm đầy đủ việc tuyên truyền có hiệu quả các tập thể và cá nhân điển hình, gương mẫu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đang xuất hiện ngày càng nhiều trong xã hội. Số lượng các báo thường xuyên có bài viết về các gương học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh như báo Quân Đội Nhân Dân, báo Nhân Dân…, còn ít.

Chậm đưa nội dung tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vào chương trình của các nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Công tác đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và về Cuộc vận động không kịp thời, thiếu sắc bén, kém hiệu quả....”

Như vậy, nếu tính từ thời điểm năm 2003 là khi đảng CSVN mở rộng Phong trào học theo “tư tưởng và đạo đức” Hồ Chí Minh cho đến năm 2009 là khi cuộc vận động này được cả đảng đưa lên thành một chiến dịch đã có thời gian dài 6 năm.

Nhưng nếu nhìn lại từ khi đảng CSVN tái khẳng định tại Đại hội đảng VII năm 1991 "lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng và kim chỉ nam cho hành động", để phát động phong trào học tập theo “Bác” nhằm củng cố chủ nghĩa Cộng sản ở Việt Nam thì đã mất 18 năm.

Thời gian và tiền bạc bị phung phí lâu như thế mà phong trào học tập vẫn như nước đổ đầu vịt thì không biết đến bao giờ lãnh đạo đảng CSVN mới nhận ra thái độ tẩy chay của nhân dân?


Phạm Trần
26/02/2009

Category: Đạo đức Hồ Chí Minh | Views: 930 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 46
Khách: 46
Thành Viên: 0