|
|
Không
có gì giải thích rõ ràng sự khác biệt giữa khuynh hướng Cộng Hoà và
khuynh hướng Dân Chủ tại Hoa Kỳ bằng hai câu nói của tổng thống Ronald
Reagan và Barack Obama về vai trò của chính phủ.
Ngày 20/1/1981 trong bài diễn văn nhậm chức tổng thống Reagan nói: “Trong cuộc khủng hoảng hiện nay, chính phủ không phải là giải pháp, chính phủ chính là vấn đề của chúng ta” (nguyên văn: “In this present crisis, government is not the solution to our problem; government is the problem”).
Tổng thống Obama, trong bài diễn văn nhậm chức ngày 20/1/2008 thì nói: “Chúng
ta không còn thắc mắc chính phủ quá lớn hay quá nhỏ, thay vào đó chúng
ta hỏi chính phủ có làm việc hữu hiệu không – có tạo ra công ăn việc
làm lương đủ sống, có chế độ săn sóc sức khỏe tốt, có hưu bổng đầy đủ
cho người nghỉ hưu không…” (nguyên văn: “The question we ask
today is not whether our government is too big or too small, but
whether it works -- whether it helps families find jobs at a decent
wage, care they can afford, a retirement that is dignified.”)
Đối
với tổng thống Reagan, đại diện cho khuynh hướng Cộng Hoà, nguyên tắc
cung cầu là bàn tay vô hình điều khiển nền kinh tế quốc gia. Và chính
sách thuế khoá của chính phủ nếu thích hợp (chính yếu là giảm thuế) sẽ
tạo điều kiện cho giới tư bản đầu tư tiền bạc đúng lúc đúng chỗ mang
lại sự phồn thịnh. Nếu chính phủ dùng quyền viết ngân sách để đánh thuế
cao rồi dùng tiền thuế bỏ vào các chương trình chi tiêu và trợ cấp để
ảnh hưởng đến sinh hoạt xã hội thì nền kinh tế sẽ héo mòn như một cái
cây cần đất khô lại được trồng vào một vùng đất lắm nước. Nói cách khác
chính phủ sẽ là nguyên nhân của mọi vấn đề nếu can thiệp vào sự vận
hành của luật cung cầu.
Những người Dân Chủ hiểu luật cung cầu
là cốt tuỷ của một nền kinh tế tự do, và vai trò quan trọng của các
ngân hàng và các đại công ty trong một nền kinh tế, nhưng họ không
khoán trắng vào tay các nhà tư bản. Nếu để hoàn toàn tự do không có sự
kiểm soát của chính phủ, lòng tham (bản tính tự nhiên của con người) sẽ
làm các nhà tư bản bóp méo sinh hoạt kinh tế và đến một lúc nào đó
khủng hoảng kinh tế sẽ bộc phát.
Mặt khác trong thế giới tư
bản của luật cung cầu thành phần có khả năng trí tuệ và đa năng sẽ
chiếm thế thượng phong, tích luỹ một tỉ số lớn tài sản quốc gia tạo ra
sự chênh lệch khả năng kinh tế giữa các tầng lớp trong xã hội. Cho nên
những người Dân Chủ chủ trương chính phủ phải nhúng tay vào sinh hoạt
kinh tế, dùng quyền ngân sách để phân phối tài nguyên quốc gia sao cho
sự vận hành dưới bảng chỉ đường của luật cung cầu không trở thành méo
mó tạo ra bất công xã hội.
Nói chung người Cộng Hoà hay người
Dân Chủ đều biết giới hạn kinh tế tư bản và sự cần thiết của sự can
thiệp của chính phủ. Cái khác biệt là mức độ.
Kinh tế thị
trường huy động sức người sức của hữu hiệu nhưng thỉnh thoảng theo chu
kỳ tạo ra khủng hoảng kinh tế. Trong khi sự can thiệp quá nặng tay của
chính phủ tạo ra sự trì trệ kinh tế. Cho nên ai cũng thấy sự cân bằng
giữa sự vận hành của luật cung cầu và sự can thiệp của chính phủ là cần
thiết.
Và đó là lý do tại sao tại Hoa Kỳ qua các cuộc bầu cử
định kỳ đảng Dân Chủ và đảng Cộng Hoà thay phiên nhau cầm quyền để sinh
hoạt kinh tế (và qua đó sinh hoạt chính trị) được điều chỉnh vĩ mô qua
thời gian, và tại sao nếu đảng này vào toà Bạch Cung thì đảng kia
thường nắm Quốc hội để làm nhiệm vụ đối lập điều chỉnh vi mô các chính
sách kinh tế làm cho sinh hoạt xã hội được hài hoà.
Trên thực tế, Lực lượng Tư bản và Sự Can thiệp của Chính phủ
là hai điều đều cần thiết và bổ túc cho nhau. Tuy nhiên mỗi lần do điều
kiện kinh tế phải chuyển đổi “chính trị” từ phương thức này sang phương
thức khác bởi quyết định của dân qua bầu cử thì phe mất quyền chính trị
thường có khuynh hướng đối kháng để kềm hãm phe thắng thế không đi quá
đà trong các chính sách mới, đồng thời chuẩn bị thế chính trị cho
khuynh hướng của mình.
Và khi sự chuyển đổi chính trị là kết
quả của một tình trạng khủng hoảng xã hội và kinh tế thì phản ứng đối
kháng càng mạnh mẽ. Và điều này giải thích sự phản kháng đầy mầu sắc
đảng phái của đảng Cộng Hoà đối với luật kích thích kinh tế 787 tỉ vừa
được tổng thống Obama ký ban hành ngày 17/2/2009. Các lý lẽ phản kháng
(như quá nhiều chương trình chi tiêu, quá nhiều chương trình trợ cấp,
chương trình phi lý như giúp những người mất nhà do họ thiếu trách
nhiệm khi vay tiền mua nhà biết rằng mình không có khả năng trả ...)
đều hữu lý trên mặt lý thuyết nhưng không hữu lý trên mặt thực tế. Khi
con bệnh đang hồi thập tử nhất sinh phương thuốc cần nặng về chữa trị
biến chứng hơn là nặng về chữa trị nguyên nhân có tính dài hạn. Và đó
là bản chất và nội dung của luật kích thích kinh tế 787 tỉ mỹ kim.
Trong
8 năm cầm quyền tổng thống George W. Bush áp dụng đường lối kinh tế
thuần tư bản đặt nặng trên hai nguyên tắc làm kim chỉ nam từ thời tổng
thống Reagan là (1) giúp đỡ cho các đại công ty phát triển làm ăn, tin
rằng người nghèo sẽ được hưởng phúc lợi theo (trickle –down economics)
và (2) giảm thuế - nhất là giảm thuế cho những người giàu có, những tay
tư bản – để các nhà tư bản có thêm tiền đầu tư làm cho nền kinh tế
chuyển vận mang lại phúc lợi cho xã hội (supply-side economics).
Tuy
nhiên chính phủ Cộng Hoà đã tạo ra một khung cảnh sinh hoạt kinh tế
thiếu kiểm soát đưa đến quá đáng và lợi dụng. Giới tư bản (tượng trưng
là Wall Street và Main Street – Thị trường Chứng khoán và Ngân hàng)
được tự do do sự phá bỏ các khâu kiểm soát (regulations) trở nên làm ăn
thiếu nguyên tắc. Ngân hàng Trung ương giảm lãi suất quá thấp và quá
lâu, các dân biểu kiếm phiếu bằng cách khuyến khích mọi người mua nhà
dù không đủ điều kiện và làm ngơ trước mọi dấu hiệu bất ổn đã đưa đến
cuộc khủng hoảng kinh tế bùng nổ vào tháng 9/2008. Sau gần 6 tháng
(9/2008 – 2/2009) các cơ sở tài chánh lớn và các ngân hàng kếch xù trụ
cột của kinh tế quốc gia hoàn toàn sụp đổ và mới nhất là sự lung lay
của hai đại ngân hàng còn sống sót là Bank of America và City Bank. Đây
là cuộc khủng hoảng kinh tế lớn nhất và trầm trọng nhất kể từ cuộc đại
khủng hoảng năm 1929.
Và đã có khủng hoảng kinh tế thì chính phủ phải can thiệp.
Đó
là điều từng xảy ra như một nguyên tắc, mặc dù mỗi lần xẩy ra đều có
cuộc tranh cãi giữa các chính trị gia và các nhà kinh tế về mức độ và
sự hữu hiệu của phương pháp chữa trị.
Trong cuộc đại khủng hoảng
năm 1929 tổng thống Franklin D. Roosevelt đã thành lập Tổng Cục Tìm
Việc Làm (Work Projects Administration – WPA) tạo ra 8 triệu công ăn
việc làm, thành lập chương trình An sinh Xã hội (Social Security) cho
người nghỉ hưu và người già cũng như các cơ chế bảo vệ và kiểm soát như
FDIC (Federal Deposit Insurance Commission) và SEC (Securities &
Exchange Commisssion). Trong cuộc khủng hoảng tháng 9/2008 tổng thống
Bush cũng đã khẩn cấp quốc hữu hoá hai đại công ty cho vay tiền (chính
yếu để mua nhà) sạt nghiệp Fannie Mae và Fredie Mac và vội vàng thông
qua luật cho phép Bộ Tài chánh tiêu 700 tỉ mỹ kim cứu nguy các cơ sở
tài chánh nòng cốt của nền kinh tế quốc gia đang trên đà sụp đổ.
Và
sau khi tổng thống Obama nhậm chức, công việc đầu tiên của ông là thúc
đẩy quốc hội, và chưa đầy một tháng đã ký ban hành ngân sách kích thích
kinh tế (stimulus package) 787 tỉ mỹ kim gồm gần 25% giảm thuế theo yêu
sách của đảng Cộng Hoà, và còn lại cho các chương trình tạo công ăn
việc làm ngay trước mắt và xây dựng căn bản hạ tầng cho sự phát triển
bền vững như sửa chữa đường sá, cầu cống, trường học, hệ thống điện
toán đa dẫn (broadband), chương trình tự túc năng lượng...
Các
nhà kinh tế tư bản cũng như một số dân biểu nghị sĩ đảng Cộng Hoà cho
rằng ngân sách 787 kích thích kinh tế của tổng thống Obama không giúp
đặt căn bản cho sự phát triển dài lâu như sự giảm thuế cho giới tư bản
và khuyến khích giúp đỡ các đại công ti. Họ quên rằng các chính sách
trên đã được thi hành trong 8 năm của Bush và vì quá tin vào sự nhiệm
mầu của thuyết supply-side và trickle-down quên cả nhiệm vụ kiểm soát đã đưa đến tình trạng nguy ngập hôm nay.
Người
ta phê bình đảng Dân Chủ và ông Obama đang áp dụng nguyên tắc xã hội
chủ nghĩa của Âu châu, hậu quả sẽ làm cho Hoa Kỳ trở nên nghèo khó
thiếu thốn như tại Âu châu. Sự phê bình này có giá trị ở chỗ Hoa Kỳ là
một nước tư bản và nền kinh tế tư bản cung cầu của nó đã giúp nước Mỹ
thành cường quốc kinh tế thế giới. Nhưng sự phê bình không có giá trị ở
chỗ là nếu không tạm thời Âu châu hoá nền kinh tế Hoa Kỳ thì trận bão
táp kinh tế 2008 này có thể sẽ làm tê liệt quốc gia. Các nước Âu châu
không phải bỗng nhiên có một chế độ kinh tế tư bản đậm mầu sắc xã hội
như hiện nay, trong đó sự giúp đỡ người yếu kém trong xã hội cũng cần
thiết như sự phát triển kinh tế. Là một lục địa già và cũ (Old Europe -
theo lời của cựu bộ trưởng quốc phòng Donald Rumsfeld) Âu châu đã trải
qua mọi thử thách, và có thể họ đang chọn cái giải pháp mà họ cho là
tối hảo.
Chương trình kích thích kinh tế tổng thống Obama vừa
ký ban hành sẽ làm chậm lại đà suy thoái kinh tế hiện nay, đó là điều
không cần bàn cãi. Điều cần bàn cãi là nó có giúp cho nền kinh tế phục
hồi hoàn toàn hay không, và một câu hỏi then chốt khác là hệ lụy thâm
thủng ngân sách (để có tiền kích thích kinh tế) là một gánh nặng con
cháu chúng ta có kham nổi hay không. Vị trí của Hoa Kỳ trên thế giới
sau cuộc khủng hoảng này hoàn toàn lệ thuộc vào đáp số của hai câu hỏi
trên.
Nhìn rộng ra, hình như chính trị và kinh tế thế giới biến chuyển qua lại giữa hai quan niệm phát triển kinh tế và an sinh xã hội.
Khi tình trạng phát triển kinh tế gặp trở ngại như suy thoái kinh tế đe
doạ an sinh xã hội thì các biện pháp mang lại an sinh xã hội trở thành
ưu tiên. Khi các biện pháp quá chú trọng về an sinh xã hội làm cho kinh
tế bị ngưng trệ thì đó là lúc giảm sự can thiệp của chính phủ đề nền
kinh tế được tự do.
Khi những người lập quốc Hoa Kỳ hình thành
trên căn bản một chế độ lưỡng đảng, một bên Cộng Hoà chủ trương phát
triển là chính (dân sinh sẽ được phục vụ do thành quả của kết quả kinh
tế), một bên Dân Chủ chú trọng đến dân sinh (phát triển là một quan tâm
nhưng ưu tiên sau dân sinh) bảo đảm bởi một Hiến pháp đa đảng họ đã
thấy sự vận hành này của xã hội mà mọi chế độ chính trị đều phải tuân
theo như một quy luật. Cho nên sự tranh cãi giữa Cộng Hoà và Dân Chủ
tại Hoa Kỳ không là một vấn đề. Đó là một sinh hoạt dân chủ để làm cho
Hoa Kỳ luôn là một quốc gia hùng mạnh trong khi nhân dân được bảo đảm
một đời sống tự do, phóng khoáng và đầy đủ.
Thuyết Mác xít do
Karl Marx và Engels chủ trương trên bản chất là một nỗ lực giải quyết
bất công xã hội do cuộc cách mạng kỹ nghệ tại Anh quốc (cuối thế kỷ 18
kéo dài sang đầu thế kỷ 19) mang lại như môi trường bị huỷ hoại, đời
sống kinh tế chênh lệch, thành phần thợ thuyền bị bóc lột... Nhưng lý
thuyết cải tạo xã hội của Marx chủ trương tiêu diệt tư hữu và thị
trường đã đi quá đà, chệch hướng, và đã cung cấp một căn bản lý thuyết
cho những tay đầu cơ chính trị thiết lập những chế độ độc tài. Chế độ
độc tài Mác xít tại Liên bang Xô viết (trong đó chính phủ nắm toàn bộ
sinh hoạt kinh tế) đã tàn tạ cùng với các nước Đông Âu, và các chế độ
cộng sản tại Trung quốc, và Việt Nam cũng trên con đường tàn tạ nhường
chỗ cho kinh tế thị trường.
Tại Việt Nam chính quyền cộng sản
từ năm 1986 đã tạm từ bỏ chế độ kinh tế tập trung trả quyền quyết định
kinh tế cho nông dân và các thương gia nhưng vẫn kéo dài cái đuôi “xã
hội chủ nghĩa” trong một nền kinh tế mệnh danh là “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Lý thuyết “định hướng” này không có gì sai trái nếu nó được dùng như
một phương thức để tránh những thái quá của kinh tế thị trường như sự
phân nhiệm “Cộng Hoà, Dân Chủ” tại Hoa Kỳ. Rất tiếc tại Việt Nam nó là
một công thức để bảo vệ đảng cầm quyền. Đảng nắm các sinh hoạt quốc
doanh nói là để bảo vệ xã hội nhưng thực chất là để bảo vệ quyền lợi
của đảng.
Tại Trung quốc có một biến chuyển đáng quan tâm do ông Lý Thành (Cheng Li) nêu ra trong bài viết nhan đề “China’s Team of Rivals” đăng trong tạp chí Foreign Policy
số Tháng Ba/Tháng Tư 2009. Theo ông Lý, Hồ Cẩm Đào, Tổng bí thư đảng
Cộng sản Trung quốc đã có một quyết định độc đáo trong Đại hội đảng thứ
17 (10/2007) là cất nhắc hai Ủy viên Trung ương đảng trẻ tuổi vào Uỷ
ban Thường trực của Bộ chính trị là hai ông Tập Cận Bình (Xi Jinping)
và Lý Khắc Cường (Li Keqiang) để chuẩn bị cho một trong hai trở thành
Tổng bí thư đảng vào đại hội đảng thứ 18 năm 2012.
Hai nhân
vật này có khuynh hướng và đường lối chính trị khác nhau. Ông Tập Cận
Bình thuộc nhóm có khuynh hướng cởi mở chủ trương kinh tế thị trường,
khuyến khích kinh tế tư nhân (gọi là nhóm Con Dòng – Elitism)
(1) trong khi ông Lý Khắc Cường thuộc nhóm có khuynh hướng chăm lo các
vấn đề xã hội và sự ổn định của đời sống nông thôn là chính (gọi là
nhóm Dân Tuý – Populist). Hình như ông Hồ Cẩm Đào có ý chuẩn bị
hai khuynh hướng đối chọi nhau trong đảng như một cơ chế điều chỉnh
những thái quá của sự nhắm mắt phát triển bất chấp hậu quả hay sự can
thiệp quá sâu đậm của nền kinh tế xã hội tàn dư của nền kinh tế Mác
Xít. Có thể đảng Cộng sản Trung quốc đã cảm nhận được rằng đảng không
thể giữ tính chính thống và tồn tại nếu tiếp tục đường lối kinh tế dựa
vào xuất cảng là chính như hiện nay và đàn áp mọi tiếng nói đối lập của
nhân dân. Với công thức mới đảng Cộng sản Trung quốc chuẩn bị cho đối
lập lên tiếng qua khuynh hướng Lý Khắc Cường (hoặc ngược lại qua khuynh
hướng Tập Cận Bình nếu khuynh hướng Lý Khắc Cường cầm quyền). Mèo trắng
mèo đen đều có ích nếu duy trì được sự chính thống của đảng. Và vào đại
hội thứ 18 tùy theo đảng Cộng sản Trung quốc chọn đường lối ưu tiên
phát triển hay ưu tiên chăm lo dân sinh ổn định xã hội mà ông Tập Cận
Bình hay Lý Khắc Cường sẽ được bầu vào chức vụ Tổng bí thư.
Nếu
quả thật đây là thâm ý chính trị của đảng Cộng sản Trung quốc thì
chuyển biến này sẽ tạo ra tại Trung quốc một khung cảnh chính trị không
khác gì Cộng Hoà và Dân Chủ tại Hoa Kỳ.
Âu, Á, Tư Bản chủ nghĩa
và Xã Hội chủ nghĩa gặp nhau ở đây. Và cuối cùng công thức xã hội Âu
châu, một xã hội có tự do dân chủ, có một nền chính trị đa đảng và một
chế độ xã hội trong đó người không may mắn và ít khả năng vẫn có thể
sống chứ không bị chôn vùi dưới lớp gạch nặng nề của các đại ngân hàng
và của các đại công ty sẽ là cái xã hội mà Hoa Kỳ và Trung quốc vốn
khởi đầu từ những xuất phát hoàn toàn đối nghịch với nhau sẽ cùng đi
đến.
Trần Bình Nam
27/02/2009
(1) Có nơi dịch là nhóm “bảo hoàng” hay nhóm “vương tử”