Thứ Năm, 2025-01-23, 2:11 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Hai » 28 » Trao giải No-ben cho ai đưa ra được công thức thị trường hóa ngành điện và nước?
12:19 PM
Trao giải No-ben cho ai đưa ra được công thức thị trường hóa ngành điện và nước?
Lão Trang
26.02.2009

Tôi còn nhớ cách đây trên 10 năm muốn bắt được một máy điện thoại cố định ở các thành phố lớn phải chạy chọt hàng chục triệu (với trị giá tiền hồi đó). Cước điện thoại hàng tháng cũng cao chót vót ở mức nhất thế giới. Tôi đã tận mắt thấy một vị Việt kiều trước khi thực hiện một cuộc gọi quốc tế đã lấy bút viết ra giấy nội dung cần nói, tự mình biên tập bỏ dần những từ thừa sao cho nội dung cô đọng nhất. Sau khi thấy không thể thêm bớt được gì nữa mới thực hiện quay số rồi đọc nhanh nội dung và tắt máy. Nếu không làm kĩ vậy họ sẽ phải tốn một khoản tiền quá lớn.

Hồi đó cũng đã xuất hiện nhiều lời ca thán của cả dân trong nước lẫn khách quốc tế, nhưng rồi ông Bưu điện (sau này là bưu chính viễn thông) đã giải thích là đầu vào không bù nổi đầu ra, ngành cứ phải thua lỗ hoài. Chỉ có ai đó thóc mách mới nhận ra, lương và thưởng của ngành họ lúc nào cũng lơ lửng trên mây so với mặt bằng đời sống!

Thế rồi, bỗng dưng nẩy ra thêm vài công ty kinh doanh hệ thống điện thoại. Khởi đầu là ông Viettel quân đội. Tôi lại nhớ lúc mới khởi sự, Viettel gặp ngay sự khó dễ. Ví dụ không cho hòa mạng. Nhưng rồi, một hòn đá chẳng ngăn được dòng chảy. Dần dần hàng loạt đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông khác đua nhau ra đời và bắt đầu kỉ nguyên đại hạ giá. Hạ giá đến mức biếu không máy. Tôi không hiểu với tình hình như vậy thì cái gọi là đầu vào với đầu ra kia sẽ được giải thích thế nào.

Nhìn lại toàn bộ các ngành hàng trên đất Việt ta hiện nay, giữa những ngày suy thoái kinh tế này hầu hết đều đã hạ giá. Ngay cả mặt hàng nhạy cảm nhất là xăng dầu cũng đã hạ rất nhiều. Duy nhất chỉ có 2 ngành tăng giá là điện và nước. Lí do vì 2 ngành này dầu vào vẫn quá lỗ so với đầu ra!!!

Theo Chính phủ thì 2 mặt hàng này cũng phải vận hành theo cơ chế thị trường, không thể cậy mãi vào sự bù lỗ của nhà nước. Cái đó là quá đúng. Việc gì Nhà nước - tức là tiền thuế của dân - lại cứ đi bù mãi vào cái hút xoáy không đáy đó.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra lúc này là, công thức nào cho cái gọi là thị trường điện và nước?

Trong rất nhiều yếu tố cấu thành thì trường, theo sự hiểu non nớt của tôi thì mấu chốt nhất là có được bao nhiêu người bán hàng để người mua lựa chọn. Mà khái niệm bán mua nói ở đây là bán mua trực tiếp chứ không phải lựa chọn thông qua người đại diện. Mà muốn bán mua trực tiếp thì các người bán phải được mở cửa hàng, quầy hàng riêng để dân ta thoải mái kén chọn. Ngay cả mặt hàng xăng dầu thì các công ty đều có hệ thống cửa hàng riêng. Khách có thể mua hàng của đại lý công ty này hoặc công ty khác nếu thấy phù hợp với mình.

Bây giờ quay trở lại ngành điện. Nghe nói tới đây sẽ kêu gọi nhiều nhà đầu tư đầu tư sản xuất điện. Đó là một công thức của thị trường. Lại nghe nói sẽ tách các khâu từ sản xuất đến cung ứng ra độc lập chứ không để thành một cục như hiện nay. Đó lại thêm một công thức nữa. Tuy nhiên có cái công thức quan trọng nhất là cái cửa hàng nơi người mua trực tiếp giao dịch thì không thể tách được. Đó là một đặc thù rất riêng biệt của việc cung ứng 2 ngành điện và nước. Cửa hàng của họ chính là hệ thống các trạm hạ thế, hệ thống đường giây dẫn điện đến đồng hồ của người tiêu dùng (đối với điện) và hệ thống đường ống dẫn nước vào nhà dân (đối với ngành nước). Không thể cho phép nhiều nhà bán điện khác nhau với các hệ thống dây dẫn khác nhau đan ngang đan dọc trên thành phố để cho người tiêu dùng lựa chọn.

Tương tự đối với việc cấp nước cũng vậy.

Như vậy rõ ràng là, dù chúng ta mở rộng thị trường để cho nhiều nhà sản xuất rồi bán điện và nước với các giá thành khác nhau, nhưng họ không có cơ hội bán trực tiếp cho người tiêu dùng mà phải bán cho duy nhất một đầu mối thu gom. Sau đó người tiêu dùng là 80 triệu dân ta đây chỉ được mua hàng hóa với duy nhất một cửa hàng. Như vậy có thật sự đảm bảo yếu tố thị trường của mặt hàng này không? Và theo truyền thống thì cửa hàng duy nhất này hàng năm lại tiếp tục kêu ca đầu ra không bù nổi đầu vào đành phải tăng giá. Tôi đánh cược rằng mọi sự chắc chắn sẽ tiếp tục diễn ra như vậy.

Ai đưa ra được cái công thức để giải quyết đúng vào huyệt tử này tôi xin đệ đơn tiến cử giải No-ben.

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 989 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 29
Khách: 29
Thành Viên: 0