Thiện Giao (RFA)
28-02-2009
Tiếp
tục theo dõi vụ cưỡng chế thi hành án tại văn phòng luật sư Pháp Quyền
của ông Lê Trần Luật, chúng tôi hỏi thêm chi tiết của chính luật sư này
cùng ý kiến của một luật sư khác liên quan đến khía cạnh pháp lý trong
tiến trình cưỡng chế.
Có thể đã có những vi phạm nghiêm trọng từ phía cơ quan thi hành. Biên tập viên Thiện Giao có thêm chi tiết sau đây.
Cơ
quan thi hành án Quận Gò Vấp tiến hành cưỡng chế thi hành vào sáng ngày
25 tháng Hai tại văn phòng luật sư Pháp Quyền của luật sư Lê Trần Luật
có thể đã “vi phạm nghiêm trọng các qui định có liên quan đến lãnh vực
thi hành án.” Một luật sư Việt Nam nhận định như vậy, trong khi luật sư
Lê Trần Luật khẳng định ông sẽ kiện cơ quan này.
Cưỡng chế thi hành án 1 ngày
Ông
Lê Trần Luật cho biết, liên quan đến số tiền 42 triệu của một vụ “hòa
giải thành,” thì từ lâu ông đã cho người mang tiền sang nộp cho cơ quan
thi hành án, nhưng cơ quan này nói bên được thi hành án chưa yêu cầu
thi hành nên không thể nhận tiền. Cơ quan này cũng nói, là khi phía
được thi hành yêu cầu, họ sẽ thông báo để ông Luật nộp tiền. Thế rồi,
theo lời ông Luật:
“Bất ngờ, chiều 24 tháng Hai, họ dán thông
báo cưỡng chế lấy số tiền 42 triệu. Đó là cái sai thứ nhất của phía Cơ
Quan Thi Hành Án. Cái sai thứ hai là, trước khi cưỡng chế, phải có
thông báo để phía thi hành án có 7 ngày thi hành. Ở đây, họ dán thông
báo chiều 24 rồi đến sáng 25 thì thi hành.”
Một luật sư Việt
Nam, theo dõi diễn biến vụ cưỡng chế thi hành án tại văn phòng Pháp
Quyền ngày 25 tháng Hai nhận định, nếu đúng như những gì đã được mô tả
trên blog riêng của bà Tạ Phong Tần, một đồng sự của ông Lê Trần Luật
tại văn phòng Pháp Quyền, thì cơ quan thi hành đã vi phạm các qui định
liên quan đến lãnh vực thi hành án và đã không quan tâm đến quyền lợi
của phía được thi hành án.
Chỉ muốn máy vi tính
Luật sư Lê Trần Luật kể thêm:
“Đoàn
cưỡng chế đến, và được cô Tạ Phong Tần, phó của tôi, nói rằng chúng tôi
đã chuẩn bị sẵn 50 triệu rồi. Họ nói là họ không lấy tiền. Một số luật
sư tại văn phòng viện dẫn sách luật, có điều khoản trước khi cưỡng chế
mà đương sự nộp tiền thì không cưỡng chế nữa. Phía cưỡng chế nói rằng,
không có ông Luật thì họ không nhận tiền, mà họ chỉ muốn cưỡng chế để
lấy máy tính thôi.”
Một luật sư Việt Nam cho rằng, chi tiết
này cho thấy cơ quan thi hành án “không tôn trọng quyền lợi của phía
được thi hành, vì đã từ chối nhận tiền, mà nhất định đòi máy vi tính.”
Vị luật sư phân tích thêm, theo luật định, một nguyên tắc của việc
cưỡng chế thi hành án là đơn vị cưỡng chế phải lấy được những gì có lợi
ích cao nhất cho phía nguyên đơn. Trong trường hợp này, số tiền 50
triệu là quyền lợi cao gấp bội so với những máy móc dụng cụ của văn
phòng luật sư phía bị đơn. Nhưng nhân viên cưỡng chế đã thi hành công
tác sai nguyên tắc và sai luật pháp, khi chỉ nhắm tịch thu những máy vi
tính có chứa đựng tài liệu pháp lý của các luật sư, không cần nhận số
tiền nạp lại theo kết quả cuộc hòa giải thành.
Liên quan đến vụ “hòa giải thành” nguồn gốc của cuộc cưỡng chế, bà Tạ Phong Tần cho biết:
“Đây
là một vụ dân sự, 2 bên thỏa thuận đồng ý giải quyết dân sự. Tòa án là
cơ quan trung gian đứng ra công nhận sự thỏa thuận của 2 bên đương sự
và ra quyết định công nhận hòa giải thành.”
Ông Lê Trần Luật
kể thêm, vụ cưỡng chế này bắt đầu từ một tranh chấp dân sự giữa ông và
công ty Huy Hồng liên quan đến 1 hợp đồng mua đất tại Đắc Nông. Công ty
Huy Hồng vào thời điểm ấy là thân chủ của ông Luật, nhờ ông Luật lo
giấy tờ trong một vụ mua đất tại Đắc Nông. Sau khi vụ mua đất không còn
được tiếp tục, phía Huy Hồng yêu cầu ông Luật trả lại số tiền công 84
triệu đã trao trước. Ông Luật không đồng ý. Phía Huy Hồng kiện ra tòa,
và sau đó cùng thỏa thuận hòa giải. Hòa giải ấy có nội dung là ông Luật
được giữ 1 nửa số tiền công, tức 42 triệu, một nửa kia trả lại cho Huy
Hồng.
Trong buổi sáng ngày 26 tháng Hai, đài chúng tôi đã liên
lạc với Cơ Quan Thi Hành Án Quận Gò Vấp, để được trao đổi với chấp hành
viên Nguyễn Thị Hạnh, người tham gia đoàn cưỡng chế, thì được nhân viên
trực cho biết:
“Chị Nguyễn Thị Hạnh sáng nay đi cưỡng chế rồi. Xin gọi lại vào buổi chiều.”
Đài chúng tôi gọi lại vào buổi chiều, thì một nam nhân viên nói rằng:
“Chúng
tôi không xác định được điện thoại của các anh nên chúng tôi không thể
cung cấp thông tin và cũng không cho các anh tiếp xúc.”
Luật
sư Lê Trần Luật là người đại diện pháp lý cho tám giáo dân Thái Hà bị
kết tội gây rối trật tự công cộng và phá hoại tài sản trong vụ đòi đất
tại giáo xứ Thái Hà. Hiện luật sư Luật cũng đang đại diện những người
này trong các phiên phúc thẩm cũng như yêu cầu một số cơ quan truyền
thông tại Hà Nội cải chính về một số thông tin mà phía giáo dân tin là
các cơ quan này đưa không đúng sự thật về phiên tòa xử họ.