Chủ Nhật, 2024-11-24, 1:44 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Tư » 4 » Chuyện ruồi bu kiến đậu
7:14 AM
Chuyện ruồi bu kiến đậu

Phạm Trần

Công nhân Tàu tràn ngập từ tây nguyên xuống đồng bằng

Khi một người mất bình tĩnh thường khó kiểm soát được lời nói và hành động nên dễ sai lầm, làm sai. Nhưng khi lãnh đạo một nước bị rối loạn thần kinh thì có khi cả dân tộc bị lâm nguy. Rất may chuyện này chưa xảy ra cho Việt Nam, nhưng không ai dám bảo đảm sẽ không xảy ra nếu lãnh đạo đảng cầm quyền Cộng sản Việt Nam tiếp tục làm những chuyện giới hè phố gọi là “ruồi bu, kiến đậu” như tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu biển, đảo Việt Nam” mà bỏ qua nỗi lo mất nước của toàn dân.

Theo thông tin của báo, đài nhà nước thì cuộc thi “Tìm hiểu biển, đảo Việt Nam” do Ban Tuyên giáo Trung ương khởi xướng sẽ được phối hợp với thành phần Ban tổ chức gồm báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Đài Tiếng nói Việt Nam, báo Quân đội nhân dân, đài Truyền hình Việt Nam, báo Tài nguyên và Môi trường, báo Quảng Ninh, báo Bà Rịa – Vũng Tàu, báo Tiền Phong. Đào Duy Quát, Chuyên gia cao cấp Ban Tuyên giáo TW, Tổng biên tập báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam làm Trưởng ban tổ chức.



Báo điện tử Trung ương đảng đưa tin ngày 30-3-2009: “Tại buổi họp báo, ông Đào Duy Quát cho biết: Cuộc thi nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền biển, đảo, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân về vị trí chiến lược của biển, đảo nước ta. Phấn đấu thực hiện mục tiêu đến năm 2020 đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo của Tổ quốc. Cuộc thi góp phần đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện thắng lợi Nghị quyết TW4 (Khoá X) về Chiến lược biển, đảo Việt Nam tới năm 2020.

Ban Tổ chức hy vọng thông qua cuộc thi này, đông đảo người dân Việt Nam có hiểu biết đầy đủ và toàn diện hơn về vị trí, vai trò, tiềm năng thế mạnh của biển, đảo Việt Nam; những kiến thức cơ bản phổ thông về Luật biển quốc tế và hệ thống pháp luật về biển đảo nước ta; về nhiệm vụ phát triển kinh tế biển; bảo vệ môi trường biển; kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu ở vùng biển và hải đảo; các vấn đề xã hội biển đảo.”

Trái với lối đưa tin “ai muốn hiểu sao thì hiểu” của báo điện tử đảng do Đào Duy Quát làm Tổng biên tập, báo Quân đội Nhân dân viết thẳng: “Cuộc thi viết tìm hiểu “BIỂN ĐẢO VIỆT NAM” tập trung vào các chủ đề sau:

Các bài viết về vị trí, vai trò, tiềm năng của biển đảo Việt Nam đối với sự nghệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; những thành tựu về phát triển kinh tế biển, đảo của địa phương, đơn vị mình sinh sống.

Các bài viết thể hiện sự hiểu biết về Luật Biển quốc tế và hệ thống pháp luật về biển, đảo của Nhà nước Việt Nam. Các bài viết về cơ sở pháp lý, khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Những nhân tố mới, điển hình trong phong trào phát triển kinh tế biển đảo và bảo vệ chủ quyền biển đảo. Các bài viết về danh lam thắng cảnh tự nhiên và các công trình xây dựng trên biển, đảo tiêu biểu. Tầm quan trọng và trách nhiệm trong bảo vệ môi trường sinh thái biển đảo, thực tiễn đấu tranh chống các hiện tượng sai trái, tiêu cực, buôn lậu, phá hoại môi trường sinh thái biển và những tấm gương tiêu biểu của cá nhân, tập thể trong bảo vệ môi trường sinh thái biển đảo. Các bài viết thể hiện những kết quả đã đạt được và những hạn chế trong công tác phòng, chống và cảnh báo thiên tai, cứu hộ, cứu nạn trên biển. Mỗi bài viết không quá 1.200 từ”.

Báo điện tử của đảng viết thêm: “Theo thể lệ cuộc thi, người dự thi có thể thi trắc nghiệm trên mạng internet qua việc truy cập vào các trang web của các báo điện tử như Báo Điện tử Đảng cộng sản Việt Nam, Tiền Phong, Quân đội nhân dân, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, website Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch đồng thời có thể vừa thi trắc nghiệm vừa tham gia thi viết với các thể loại báo chí trên các tờ báo bảo trợ thông tin cho cuộc thi. Đối tượng dự thi bao gồm tất cả các thí sinh là người Việt Nam trong và ngoài nước, người nước ngoài, quan tâm tìm hiểu biển, đảo Việt Nam”.

Báo này cũng cho biết sẽ có giải thưởng hàng tuần cho những người dự thi trắc nghiệm (16 tuần) và giải thưởng cho những người tham gia thi viết trao vào cuối cuộc thi. Thời hạn nộp bài dự thi đến hết ngày 1 tháng 8 năm 2009.

Chuyện gì xảy ra ?

Đáng chú ý là cuộc thi “Tìm hiểu biển, đảo Việt Nam” được loan báo chỉ 9 ngày sau khi Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc tại thành phố Hải Phòng trong 2 ngày 20- 21/3 để gọi là “tổng kết công tác tuyên truyền biển, đảo, phân giới cắm mốc và thông tin đối ngoại năm 2008, triển khai nhiệm vụ 2009”.

Cả 2 việc này xảy ra sau khi đảng bất ngờ “bật đèn xanh” cho Tạp chí Cộng sản phối hợp với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tổ chức cuộc Hội thảo chủ đề "Đổi mới công tác xây dựng, quản lý và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong quá trình hội nhập quốc tế " ngày 25-12-2008.

Sau đó vào ngày 17/3/2009 lại cho phép Học viện Ngoại giao tổ chức lần đầu tiên cuộc Hội thảo tại Hà Nội giữa “các Nhà nghiên cứu của Việt Nam, trong và ngoài nước” để tranh luận về vấn đề chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông và âm mưu bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc tại Hoàng Sa và Trường Sa.

Như vậy có gì khẩn trương, rắc rối trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Hoa sau khi hai nước đã hoàn tất công tác cắm mốc phân định biên giới trên bộ vào ngày 31-12-2008, hay đảng và nhà nước CSVN muốn cứu vãn danh dự , bằng cách dùng ý dân để tạo áp lực dư luận trước khi phải ngồi vào bàn đàm phán với Tàu trong năm nay (2009) về phân ranh giới Biển Đông mà hai bên đã đồng ý theo “Hiệp ước phân định vịnh Bắc Bộ 2000”?

Nhưng cuộc thi “Tìm hiểu biển, đảo Việt Nam” vừa công bố có phải là việc làm khôn ngoan, tích cực hay chỉ là màn trình diễn phô trương “tinh thần ái quốc mầu mè” của đảng CSVN đối với chủ quyền lãnh thổ, dù họ vẫn thường xuyên xác nhận bằng “nước bọt”, qua cái miệng của Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao, vể chủ quyền hai quần đào Hoàng Sa và Trường Sa?

Nếu chỉ tìm hiểu để cho biết và biết mà không làm gì được để bảo vệ đất đai của Tổ tiên để lại thì thà đừng biết còn bớt đau khổ hơn khi phải nhìn đất và tài nguyên của mình lọt vào tay ngoại bang vì đất nước không có một chính quyền đủ mạnh để bảo vệ.

Bằng chứng thế yếu của Việt Nam trước nước láng giềng khổng lồ phương Bắc luôn luôn có âm mưu chiếm đất và tham vọng đô hộ không xa lạ gì với dân tộc, nhưng khi người dân thấy nhà nước do đảng CSVN độc quyền cai trị chỉ biết hành động nặng phần trình diễn thay vì phục hồi lại không khí oanh liệt của thời Hội nghị Diên Hồng thì ai cũng phải nghi vấn về tính chân thật và hiệu qủa của cuộc thi “Tìm hiểu biển, đảo Việt Nam”.

Bởi vì sự “lạc điệu” của Cuộc thi đã phơi bày ngay trong 4 câu hỏi đầu tiên dành cho Tuần lễ thứ Nhất có thời gian bắt đầu: 9 giờ sáng ngày 31/3/2009 cho đến 9 giờ sáng ngày 7/4/2009.

Các câu hỏi ghi trong báo điện tử của đảng nguyên văn như sau: “Câu 1: Bác Hồ về thăm làng cá Cát Hải (Cát Bà - Hải Phòng) vào ngày, tháng, năm nào?

Câu 2: Bờ biển Việt Nam dài khoảng bao nhiêu km?

Câu 3: Quốc hội nước Cộng hoà XHCN Việt Nam phê chuẩn Công ước của Liên Hợp quốc về Luật biển năm 1982 vào năm nào?

Câu 4: Theo công ước Luật biển của Liên Hợp Quốc năm 1982, Việt Nam có mấy vùng biển?

Theo bạn có bao nhiêu người trả lời đúng các câu hỏi trên” Với nội cung các câu hỏi này, ngoài những người có nhiệm vụ nghiên cứu hay có nhu cầu tìm hiểu , có mấy người dân trong nước, kể cả học sinh và sinh viên để ý đến?

Hơn nữa đối với câu hỏi thứ nhất: “Bác Hồ về thăm làng cá Cát Hải (Cát Bà - Hải Phòng) vào ngày, tháng, năm nào?”, ai cũng biết chẳng dính dáng gì đến việc “Tìm hiểu biển, đảo Việt Nam” trên phương diện tranh chấp chủ quyền và lịch sử, bởi vì đảo Cát Bà nằm trong khu vực Vịnh Hạ Long, một danh lam thắng cảnh nằm sát bờ biển Việt Nam.

Nhưng sự kiện Hồ Chí Minh đi thăm làng đánh cá Cát Hải nằm trên đảo Cát Bà có gì là ghê gớm, hay có đáng xem là một biến cố lịch sử mà phải ghi nhớ?

Câu hỏi thật thừa thãi, vô tích sự, nếu không muốn nói là để nịnh hót vô duyên.

Chiến lược biển

Thế còn “Nghị quyết Trung Ương 4 (Khoá X) về Chiến lược biển, đảo Việt Nam tới năm 2020” nói gì mà phải tuyên truyền?

Thật ra chiến lược của đảng CSVN chỉ đặt trọng tâm vào việc dùng lợi điểm hướng ra biển của Việt Nam để phát triển kinh tế chứ không thấy nói đến việc làm thế nào để bảo vể chủ quyền biển, đảo.

Một đoạn trong Thông báo về Hội nghị IV năm 1997 viết: “Trong Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, phải phấn đấu để nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, góp phần giữ vững ổn định và phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường; có chính sách hấp dẫn nhằm thu hút mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế biển; xây dựng các trung tâm kinh tế lớn vùng duyên hải gắn với các hoạt động kinh tế biển làm động lực quan trọng đối với sự phát triển của cả nước. Phấn đấu đến năm 2020, kinh tế biển đóng góp khoảng 53 – 55% GDP, 55 – 60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện một bước đáng kể đời sống của nhân dân vùng biển và ven biển.

Để thực hiện thắng lợi Chiến lược biển, cần nâng cao nhận thức của toàn Đảng, toàn dân về vị trí, vai trò của biển đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; xây dựng cơ sở luật pháp và lực lượng nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền và an ninh trên biển; đẩy mạnh điều tra cơ bản và phát triển khoa học – công nghệ biển; triển khai công tác quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh các vùng biển và ven biển; tiếp tục xây dựng đồng bộ khung khổ pháp lý về biển và hệ thống cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển các lĩnh vực liên quan đến biển và vùng ven biển; xây dựng cơ quan quản lý nhà nước có hiệu lực, hiệu quả đối với mọi vấn đề liên quan đến biển; tăng cường công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế về biển; phát triển nguồn nhân lực và phát triển một số tập đoàn kinh tế mạnh trong lĩnh vực kinh tế biển. Ban Chấp hành Trung ương đã ra Nghị quyết về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”.

Nhưng từ năm 1997 đến nay (2009), chưa thấy nhà nước CSVN làm được việc gì cho thấy chiến lược biển đã đóng góp cho mức tăng trưởng kinh tế. Các kế hoạch đánh cá xa bờ, khai thác dầu khí, khoáng chất, hơi đốt đã bị Tàu đe doạ dọc Biển Đông trong vùng tranh chấp mà Bắc Kinh gọi là “Vùng đặc quyền kinh tế” chiếm đến 75 diện tích Biển Đông.

Ngay cả kỹ nghệ du lịch biển của Việt Nam cũng không thu hút được nhiều du khách vì thiếu phương tiện phục vụ khách du lịch. Việc thi đua xây dựng bến cảng bừa bãi, vô tổ chức, thiếu nghiên cứu mức khả thi sử dụng đã lãng phí không biết bao nhiêu tỷ đồng để lại tình trạng ngày nay có nhiều bến cảng bị bỏ hoang.

Như vậy thì thi “Tìm hiểu biển, đảo Việt Nam” để làm gì, trong khi nhiều ngàn công nhân Tàu đã có mặt ở Việt Nam để lấy mất việc làm của dân thì không thấy Nhà nước làm gì để giành lại.

Công nhân Tàu và bauxite

Bằng chứng đã được báo Tuổi Trẻ loan tin ngày 28-3-2009: “Tổng hội Xây dựng VN tổ chức buổi toạ đàm về kích cầu trong xây dựng. Thực trạng lớn nhất được đưa ra tại buổi toạ đàm là rất nhiều dự án lớn đã triển khai nhưng hàng hoá VN không thể tiêu thụ được vì trúng thầu là các nhà thầu ngoại, chủ yếu là Trung Quốc”.

Tình trạng Công ty Tàu được Nhà nước Trung Hoa trợ giúp để đấu thầu rẻ nhằm mục đích dành lấy việc làm cho công nhân Tàu ở Việtt Nam chỉ xảy ra sau khi Nhà nước Việt Nam quyết định bỏ ra trên 6 tỷ Mỹ Kim để giúp các Công ty Việt Nam tạo công ăn việc làm cho công nhân trong kế hoạch “Kích cầu Kinh tế”.

Tuy nhiên, không ai biết vì một lý do nào đó mà các Công ty Tàu đã trúng thầu nhiều hơn các Công ty trong nước.

Báo Tuổi Trẻ viết tiếp: “Chủ trương kích cầu xây dựng là đúng, nhưng ông Trần Ngọc Hùng - chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN - khẳng định các nhà thầu VN đang rất lo vì thực tế cho thấy các dự án lớn khi đem ra đấu thầu hầu như đều rơi vào tay các nhà thầu nước ngoài. Ông Hùng cho biết các nhà thầu Trung Quốc đang thắng thầu rất nhiều công trình trọng điểm về điện, ximăng, hoá chất... “Đáng quan tâm là các nhà thầu Trung Quốc thường đem theo hàng ngàn công nhân và đem cả thiết bị của họ sang, trong khi những thiết bị đó VN hoàn toàn có thể sản xuất được.

“Vừa đi cùng Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đến thăm một công trình xây dựng nhiệt điện ở Quảng Ninh, ông Nguyễn Công Lục - vụ trưởng Vụ Kinh tế ngành, Văn phòng Chính phủ - công nhận “một công trình nhưng công nhân Trung Quốc sang tới hơn 2.000 người”. Trong khi đó, ông Trần Văn Huynh - chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng VN - cho biết không chỉ một mà hơn 10 công trình xây dựng nhà máy ximăng, nhiều dự án nhà máy điện lớn ở VN đều đang được các nhà thầu Trung Quốc làm”.

Phóng viên Cẩm Văn Kình viết thêm: “Đặc trưng của nhà thầu Trung Quốc, theo ông Huynh, là họ không thuê nhân công VN mà đem người sang, có thể bằng cả đường du lịch rồi ở lại. “Một số loại vật liệu Trung Quốc được đem qua Thái Lan rồi vòng vào VN. Máy móc thiết bị không nhập riêng được thì họ lắp sẵn rồi đem cả sang. Tôi có thăm một nhà máy ximăng do nhà thầu Trung Quốc làm, đến cái bệ xổm toilet họ cũng không dùng hàng VN mà mua hàng Trung Quốc” - ông Huynh nói.

“Ông Trần Hồng Mai - viện phó Viện Kinh tế xây dựng - góp thêm một thực trạng khi cho biết có thể các nhà thầu Trung Quốc nhận được nhiều hỗ trợ từ phía nước họ, kể cả chính sách thuế, nên giảm mạnh giá bỏ thầu. Vì vậy, họ thường nắm phần thắng khi đấu thầu. Nên các công trình lớn như Đạm Cà Mau, nhà máy điện ở Hải Phòng, khi xây dựng lúc nào cũng có hàng ngàn công nhân Trung Quốc.

Cùng lo ngại như ông Trần Văn Huynh “nếu các công trình lớn đều vào các nhà thầu ngoại sẽ dần triệt tiêu nội lực”, nhiều chuyên gia đề nghị nên có chính sách cụ thể để giúp các doanh nghiệp xây dựng trong nước. Ông Huynh phân tích: “Giá thầu rẻ nhưng chất lượng không cao chưa chắc đã là rẻ, không nên tư duy cứ giá thấp là trúng thầu”. Ông Trần Hồng Mai viện dẫn Luật đấu thầu đã quy định phải ưu tiên doanh nghiệp VN nhưng nhiều chủ đầu tư VN lại “quên” điều này. Ông Mai cho rằng Nhà nước cần có chính sách để “nhắc” các chủ đầu tư”.

Bài học Công nhân Tàu tràn vào thị trường Việt Nam xảy ra cùng lúc với việc Tập đoàn Nhôm Chalco của Trung Hoa đem theo hàng trăm và dự trù tăng thêm nhiều ngàn công nhân Tàu vào làm việc tại các Công trường khai thác quặng Bauxite để lấy chất Nhôm tại tỉnh Đắk Nông trên Tây Nguyên.

Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam, vào cuối năm 2006, đã ký các hợp đồng liên doanh trị giá 1,4 tỷ Mỹ Kim để cho Chalco của Tàu khai thác và sản xuất nhôm tại Đắk Nông.

Các chuyên viên độc lập ở trong nước cũng e ngại Tập đoàn luyện kim Vân Nam của Tàu cũng sẽ đem theo công nhân vào Việt Nam khi khai thác Bauxite tại tỉnh Lâm Đồng như dự trù.

Tuy nhiên việc khai thác chưa được nghiên cứu tường tận về hậu qủa sẽ để lại cho môi trường, sự sinh tồn của động vật, cây rừng và con người đã gây tranh luận ở trong nước nên nhà nước CSVN dự trù tổ chức một cuộc Hội thảo rộng rãi về vấn đề này.

Nhưng trong khi mọi người chờ đợi cuộc hội thảo thì ngày 17-3, qua lệnh của Hoàng Trung Hải, Phó Thủ tướng, nhà nước đã yêu cầu Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam tiếp tục việc khai thác Bauxite tại hai tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng.

Một trong số người tích cực và nổi tiếng nhất đã yêu cầu nhà nước CSVN đình chỉ việc khai thác Bauxite để tránh hiểm hoạ về sau là Võ Nguyên Giáp, Đại tướng hồi hưu.

Trong thư tướng Giáp gửi cho Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng, được công bố ngày 11-1-2009, có đoạn viết: “Đầu tháng 11-2008 một số nhà khoa học và quản lý có tên tuổi đã gửi kiến nghị đến lãnh đạo Đảng và Nhà nước đề nghị cho dừng các dự án này để nghiên cứu, xem xét lại, cân nhắc lợi hại một cách toàn diện.

Tuy nhiên, các dự án này vẫn đang được triển khai, trong tháng 12-2008 đã có hàng trăm công nhân Trung Quốc đầu tiên có mặt trên công trường (dự kiến cao điểm sẽ lên tới vài nghìn tại một dự án).

Cần nhắc lại rằng, đầu những năm 1980 Chính phủ đã đưa chương trình khảo sát khai thác bô-xít trên Tây Nguyên vào chương trình hợp tác đa biên với khối COMECON. Tôi được phân công trực tiếp theo dõi chỉ đạo chương trình này. Sau khảo sát đánh giá hiệu quả tổng hợp của các chuyên gia Liên Xô, khối COMECON đã khuyến nghị Chính phủ ta không nên khai thác bô-xít trên Tây Nguyên do những nguy cơ gây tác hại sinh thái lâu dài rất nghiêm trọng, không thể khắc phục được đối với dân cư chẳng những tại chỗ mà còn cả dân cư và vùng đồng bằng Nam Trung Bộ. Chính phủ khi đó đã quyết định không khai thác bô-xít mà gìn giữ thảm rừng và phát triển cây công nghiệp (cao su, cà phê, chè...) trên Tây Nguyên.

Ý kiến phản biện của các nhà khoa học nước ta vừa qua phân tích trên nhiều phương diện, trong các điều kiện kinh tế kỹ thuật hiện nay cũng đi tới kết luận như các nhà khoa học Liên Xô cách đây 20 năm. Với những cảnh báo nghiêm trọng như vậy, chúng ta cần xem xét các dự án này một cách khách quan - cần đánh giá lại quy hoạch khai thác bô-xít trên Tây Nguyên đến 2025”.

Như vậy, nếu so sánh hậu quả để lại cho dân, cho nước của việc khai thác Bauxite cùng với sự xâm nhập ngày càng đông của hàng ngàn công nhân Tàu vào Việt Nam từ Tây Nguyên xuống đồng bằng thì việc phát động cuộc thi “Tìm hiểu biển, đảo Việt Nam” vào lúc này có ích gì không, hay chỉ nhằm đánh lạc hướng và làm lu mờ nỗi lo âu mất nước của người dân?

Phạm Trần
04/09
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 972 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0