Thứ Sáu, 2024-11-22, 3:21 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Tư » 5 » Hội chứng suy vong
7:19 AM
Hội chứng suy vong

Ở một một thời điểm nào đó trong lịch sử đau thương rất gần đây, ta quen nghe toàn những lời khen dành cho dân tộc. Bây giờ, chạm trán với thực tế phũ phàng trên đường phố hay tại những điểm đón khách du lịch, ta không khỏi bàng hoàng...


Hội chứng suy vong:
một viễn ảnh đáng sợ

Bùi Đức Hào

Thời báo Kinh tế Sàigòn số Xuân Kỷ Sửu vừa qua chọn chủ đề “ xây đắp niềm tin”. Đối với một tờ báo kinh doanh “làm ăn”, sự kiện này – tự nó – là đáng chú ý, nhất là khi nội dung chữ niềm tin ở đây không dính dáng gì đến những vấn đề rất ư thời sự về kinh tế và tài chính hiện nay.

Đặt vấn đề tin tưởng về tinh thần và đạo lý trên xứ sở của sự “ăn xổi ở thì”, của thực trạng “thượng vàng hạ cám”, quả là một việc làm đầy ý nghĩa: can đảm nhìn thẳng vào thực tế, kiên trì động não tìm một lối ra.

Thế nhưng, thực chất vấn đề là gì? Có phải bây giờ còn là lúc tự rà soát tư cách chứng nhân (témoin) hay tác nhân (acteur) của mỗi “kẻ sĩ”, hoặc đi tìm cách đặt nền tảng cho một tiến trình phản tỉnh của xã hội?

Và, ngay như trong khuôn khổ đó, đưa ý chấp nhận “trả bằng cái giá khá đau đớn của sự thất vọng” để được trở nên “trưởng thành”, để “thăng hoa thành tinh thần hoài nghi khoa học”(1) là một thái độ e có phần quá thanh lịch, khắc kỷ và trí thức, so với đối tượng cần nhắm tới.

Nêu lên kỳ vọng “khôi phục một nền đạo đức dựa trên nguyên tắc tự trị” của những “chủ thể luân lý thật sự tự do”(2) sợ cũng hơi vượt quá tầm chăng?

Hay là, tốt nhất, có lẽ ta chỉ nên hạn chế yêu cầu và mục tiêu ở một mức độ thấp hơn, “sát mặt đất” hơn?


Từ thói vượt đèn đỏ đến bệnh xả rác đại trà


Trần Hữu Quang (2) cho rằng quan điểm duy lợi là một trong hai nguyên nhân chính dẫn đến sự xuống cấp của đạo đức con người và xã hội Việt Nam (VN) hiện tại. Nguyên nhân kia là “sự yếu kém của hệ thống luật pháp và bộ máy nhà nước”.

Nếu lợi ích cá nhân, nói cho cùng, là động cơ tự nhiên cho hoạt động và thậm chí cho cả tiến bộ của con người, thì sự thiếu luật lệ đúng là nguồn gốc của hỗn loạn trong cuộc sống.

Thế nhưng, vấn đề của VN đâu phải là thiếu luật pháp hay định chế xã hội?

Luật pháp chỉ có nghĩa khi nó “sống”, tức là được áp dụng đúng: đúng lúc và đúng lẽ.

Đây có lẽ là nhược điểm trầm trọng của những người cầm quyền ở VN.

Xin thử bắt đầu bằng việc quan sát: một điều không lạ gì với những ai ra đường là hiện tượng bất chấp đèn đỏ, như ở quận 4 Sài Gòn chẳng hạn.

Thoạt nhìn thì như không có gì nghiêm trọng, hành vi này thực chất mang đầy cái xấu : ngoài hậu quả tai nạn nguy hiểm và xuẩn ngốc có thể xảy tới, nó còn bộc lộ một tình trạng thiếu lành mạnh: sự dửng dưng “ thông thường hóa” ( banalisation) thói quen chà đạp luật lệ, ngày càng ngấm sâu trong tiềm thức con người VN, nhất là đối với thiếu nhi ngày ngày chứng kiến kiểu sống sai trái của người lớn ; sự ly khai thường trực giữa môt bên là phép tắc nền tảng cho tổ chức xã hội “ chính thức” và một bên là thói giả dối, lừa đảo “thực tế” của con người đáng lý phải là chủ thể trách nhiệm trong tiến trình văn minh hóa.

Khốn thay, đó chỉ mới là một chi tiết nhỏ trong bức tranh đời sống hỗn độn của VN hiện nay.

Bức tranh đó còn để lộ hằng hà sa số “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”.

Bạn yêu sông Hương ư? Xin hãy nhìn đây (3):


songhuong


Huế thì đã vậy. Còn Sài Gòn?

Xin thử nhìn con kênh dưới đây với chú thích của bài báo liên quan (4) : 

Kênh Tàu Hủ vốn là dòng kênh huyết mạch của Q.8 (TP.HCM), nhưng nó đã bị chết từ lâu. Nguyên do là dòng kênh bị ô nhiễm nặng, nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Người dân cứ “vô tư” trút rác thải sinh hoạt xuống dòng kênh.


kinhtauhu


Một tờ báo khác cũng đưa tin tương tự (5) :

Nhiều kênh rạch tại TPHCM bị ô nhiễm ở mức báo động. Nguyên nhân: mỗi năm có hàng ngàn tấn rác thải vô cơ và hữu cơ được “tuồn” xuống những kênh rạch một cách vô tội vạ. Hậu quả không chỉ làm xấu mỹ quan đô thị, phá vỡ môi trường sinh thái còn ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người dân.

Kèm theo lời thú nhận của một người trong cuộc :

Trước giờ dân sống ven rạch này đều đổ rác xuống lòng kênh, vẫn biết đổ rác xuống kênh sẽ gây hôi thối, ô nhiễm, nhưng kiểu làm đâu vứt đó của nhiều hộ dân ven rạch này đã thành thói quen”, chị Trần Thị Trang một hộ dân có nhà sống trên con rạch cho biết một cách khá tự nhiên (xin được gạch dưới).

Cùng với lời kêu cứu bi ai, nhất là từ tờ báo mang danh nghĩa « Cơ quan của Đảng bộ ĐCS VN TP HCM » :

TPHCM đang trong thời điểm bùng phát nhiều loại dịch bệnh: Tiêu chảy cấp, sốt xuất huyết, thủy đậu… Các dịch bệnh này thuộc nhóm bệnh truyền nhiễm, do vậy người dân sống tại các khu vực ven kênh rạch bị ô nhiễm về nguồn nước, rác thải... rất nhiều khả năng bị nhiễm bệnh. Nên rất mong lãnh đạo các cấp, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh các biện pháp (xin được gạch dưới ) phòng trừ luồng dịch. Song song với đó, cần vạch ra những giải pháp trước mắt và lâu dài để cứu lấy những kênh, rạch hiện đang trước nguy cơ bị bức tử.


THUAN AN


Thế còn biển, niềm hãnh diện về thiên nhiên và tài nguyên đất nước? Vẫn theo bài báo đã nêu trên (4) thì

bãi tắm số 1 bãi biển Thuận An rác vương vãi khắp nơi (xem hình), có nơi rác được chất thành đống hoặc vứt bừa bãi tràn lan trên bãi cát. Mùi hôi nồng nặc bốc ra từ rác khiến nhiều du khách không khỏi khó chịu...

Nha Trang cũng chịu chung số phận, theo như ghi nhận của một độc giả báo Tuổi Trẻ (6):

Thành phố Nha Trang là một trong những địa danh thu hút nhiều khách du lịch tham quan. Tuy nhiên, trên những con đường phố biển hiện tượng vứt rác bừa bãi vẫn khá phổ biến. Người dân địa phương và khách qua đường vô tư vứt rác (bọc nilông, vỏ trái cây...) xuống lề đường.

Đặc biệt, đường Trần Hưng Đạo có nhiều đống rác xuất hiện thường xuyên hai bên đường. Trong đó, đáng chú ý nhất là đống rác gần ký túc xá Trường cao đẳng Sư phạm Nha Trang và Trường tiểu học Lộc Thọ.

Còn Hội An, một địa danh có « đẳng cấp », cũng lại là nạn nhân của ô nhiễm sơ đẳng được mô tả như sau (7) :

Chùa Cầu là điểm du lịch nổi tiếng khi du khách đặt chân đến phố cổ. Tuy nhiên, hiện nay nước dưới chân cầu bị ô nhiễm nặng nề, có màu đen, đọng trên mặt nước là những mảng đen bốc mùi hôi thối. Tình trạng này đã kéo dài từ lâu mà chưa được xử lý triệt để (xin được gạch dưới).

Anh hướng dẫn viên Công ty lữ hành du lịch Sài Gòn Tourist than thở: “Du khách đến đây rất thích chụp ảnh, nhưng họ không hài lòng vì ô nhiễm quá, nhiều lần mình rất khó xử khi dẫn du khách nước ngoài đến đây vì cảnh du khách vừa chụp ảnh vừa dùng tay bịt mũi”.

Nếu Miền Trung đã như thế thì Vũng Tàu có khá hơn không?

Mời bạn thử tự mình kiểm chứng bằng cách đi theo đường Hạ Long vào buổi chiều : trên hằng cây số bệ đá bọc dài theo lề đường lát toàn đá hoa cương trông thật sang chạy dọc bờ biển từ Bãi Dứa đến Bãi Trước, thiên hạ ngồi « nhậu » nghênh ngang rồi thản nhiên... đùn hết rác rưới xuống biển, mặc dù có sẵn nhiều thùng rác được đặt suốt con đường đẹp đẽ này với biết bao hảo ý và công phu.


Vô cảm, bất trí hay vô tâm


Ở đây, ta sẽ không đi vào phân tích về trình độ, ý thức hay tìm hiểu đặc trưng xã hội học của những kẻ làm quấy, làm hại. Người ta thường đổ cho « dân trí » thấp kém. Nhưng « quan trí » thì sao?

Cũng như điển hình hỗn loạn giao thông nói trên, tình trạng bừa bãi xả rác vô tội vạ ở VN cho thấy, trước hết, sự yếu kém của lãnh đạo và sự nhu nhược của quản lý, là những người có trách nhiệm giải quyết vấn đề.

Bởi vì ai cũng biết chỉ có trừng phạt thật đích đáng mới làm kẻ sai trái đổi thái độ, trong khi chờ đợi hiệu quả lâu dài của giáo dục, nếu có một nền giáo dục đúng nghĩa (và biết giáo dục từ mẫu giáo !). Sự kiện dân chúng VN răm rắp đội nón bảo hiểm ngay từ ngày đầu tiên áp dụng luật mới là một bằng chứng hùng hồn : không có « ngoại lệ VN », cứ phạt thật gắt gao ắt sẽ bớt kẻ vi phạm, ngay cả trên đất nước này.

Đâu cần gì phải vắt óc nghĩ thêm ra luật lệ mới để khống chế kẻ gian hay xoay chuyển tình thế. Chỉ việc áp dụng nguyên tắc cơ bản về Quản lý chất lượng ISO 9000 : nói điều mình làm và làm điều mình nói. Đó là cái gốc để tạo « niềm tin » nơi khách hàng mà bất cứ doanh nghiệp nào, nếu đã quan tâm làm ăn đều biết.

Vậy mà các quan chức VN vẫn im lìm kỳ lạ. Họ có đủ thông tin để biết nhiều nước đã đi trước trong lãnh vực giữ sạch không gian sống. Đầu tiên là đàn anhTrung Quốc của họ (ít ra đã bài trừ được nạn khạc nhổ, mà « biểu tượng » là cái ống nhổ đã từng đi vào lịch sử qua tấm hình Mao tiếp Nixon năm 1972 với « phụ tùng » này). Hoặc đảo quốc « cố vấn » Singapour là nơi họ đã chịu khó bỏ công quỹ để đi tham quan « nghiên cứu học tập » (8).

Vậy nếu lãnh đạo không có hành động cụ thể để làm thay đổi nhanh chóng và hiệu quả bộ mặt xứ sở, chắc chắn không phải vì họ thiếu dữ liệu. Thời sự gần đây về thảm họa khai thác bauxite Tây Nguyên đã rọi đủ ánh sáng lên các ngõ ngách « tâm hồn » kẻ trong cuộc, nếu ta không lạm dụng từ cao đẹp này.

« Thả nổi » những thứ sai trái, xấu xa, mất vệ sinh, tràn ngập đất nước này, để nó thành bãi rác « vĩ mô » phải chăng là sự bộc lộ tự nhiên của một căn bệnh nội tạng, bắt nguồn từ những bộ óc « vi mô » không thiết tha gì đến việc giữ gìn sạch sẽ, phép tắc, kỷ cương ?


Làm sao vực dậy cái chung


Ngăn chận bàn tay tội lỗi, gìn giữ di sản tổ tiên, bảo vệ những gì còn có thể, là trách nhiệm của mỗi người. Việc đó đòi hỏi một sức mạnh của chủ thể và dựa vào nội lực đích thực của cộng đồng. Khi cái chung xiêu vẹo, rữa nát, thì cái riêng không thể tồn tại. Bộ mặt xã hội VN, do đó cũng chính là tấm gương – không chóng thì chầy – dội trả lại cái « tôi » đã, đang hoặc sẽ là của mỗi cá nhân. Vì thế, không thể ngoảnh mặt làm ngơ trước những chuyện trái lạ quanh ta. Trong hoàn cảnh đó, lắng nghe người khác nhận xét về cộng đồng mình là điều kiện tiên quyết để đi đến tự hoàn thiện.

Ở một một thời điểm nào đó trong lịch sử đau thương rất gần đây, ta quen nghe toàn những lời khen dành cho dân tộc. Bây giờ, chạm trán với thực tế phũ phàng trên đường phố hay tại những điểm đón khách du lịch, ta không khỏi bàng hoàng tự hỏi đâu là cái mức «tối thiểu » của đất nước và con người VN.

Một số ý kiến không mấy gì dễ chịu được phổ biến trên mạng gần đây (9) không hẳn chỉ phản ảnh toàn chuyện cay cú cá nhân hay giới hạn đầu óc quá hiển nhiên của tác giả: nó gióng một hồi chuông báo động về sự mất giá của « thương hiệu » VN, hậu quả tất yếu của quá trình tầm thường hóa (mediocrisation) cuả một dân tộc đang ngày càng tụt dốc mà một trong những thể hiện sơ cấp ở bề mặt là nạn lạm phát chửi thề và bằng giả chẳng hạn (cũng như có lẽ nên kể thêm cả bệnh kê học vị trước tên gọi !).

Cái xấu xí trên diện mạo một tập thể « bát nháo » như thế, đương nhiên, không thể tương thích (compatible) với bất cứ một dự án thăng hoa cá nhân nào. Vì thế, góp phần tích cực vào việc chăm sóc chữa trị cho hội chứng suy vong đang lan truyền trên cơ thể quê hương cũng là công việc của từng người và là tiền đề cho mọi nỗ lực thắp sáng niềm tin.

Đã qua rồi, những cảm nhận đầy tin yêu của đứa con xa trở về dẵm chân trên mảnh đất quê nghèo hãy còn xanh sạch, còn gợi được bao ý đẹp tình sâu (10). Đã xa rồi, những lối trình bày quá « rào đón trước sau », quá nhẹ tay mổ xẻ những điều mình còn phải học người (11).

Tình trạng xuống cấp quá tệ hại của đất nước đòi hỏi một đột biến trong cách suy nghĩ và thể hiện. Cường độ của sự trăn trở tỉ lệ thuận với mức trầm trọng của hiểm nguy. Chính nó sẽ làm bật dậy sức mạnh tiềm tàng của dân tộc. Những thông điệp sẽ ngày càng bức phá, xuyên thấu và truyền xa. Những tấm lòng bốc lửa qua từng câu chữ (12) sẽ là ngọn hỏa châu rọi sáng thao thức cho bao người.

Lúc này là thời điểm của yêu cầu bức thiết cho cách tân và sáng tạo, như Trần Văn Thọ đã đề khởi: « Đã qua rồi một thời đổi mới » (13) ! Sự nghèo nàn, khô héo của văn học mấy năm nay (14), phải chăng cũng chỉ là phản ảnh sự bí lối, trầm cảm của hồn Việt ?

Để vực dậy, xin được chia sẻ với Bùi Văn Nam Sơn (1) về một cộng đồng dân tộc « không để mình ngã quỵ trước sự mất lòng tin, nhờ biết dựa vào sức mạnh phòng vệ của một xã hội dân sự phát triển ». Và, cùng nhau, « ta nhớ đến câu nói nổi tiếng của thi hào Goethe : phải tự tin mới có thể tin vào người khác ! ».


Bùi Đức Hào




(1) Bùi Văn Nam Sơn, Tin và đáng tin, Thời báo Kinh Tế SàiGòn, số 5&6, 22/1/2009, trang 7.

(2) Trần Hữu Quang, Sự tin cậy, đạo đức và luật pháp, tập san đã dẫn, trang 11.

(10) Trương Quang, Mùa đông phương Tây và nỗi lòng phương Đông, NXB Trẻ,2006

(11) Trần Ngọc Châu, Vị đắng những chuyến đi xa, NXB Trẻ, 2006

(12) Phạm Đình Trọng và Lê Phú Khải:
http://www.diendan.org/viet-nam/hai-thu-ngo-bauxit/

(13) Trần Văn Thọ, Đã qua rồi một thời đổi mới , tập san đã dẫn, trang 29

(14) Vương Trí Nhàn, Đọc lại Khổng Tử để hiểu con người hiện đại, tập san đã dẫn, trang 18

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 1240 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 22
Khách: 22
Thành Viên: 0