§ JB Nguyễn Hữu Vinh Phiên
toà phúc thẩm xử các giáo dân Thái Hà đã trôi qua 1 tuần nhưng dư âm
của nó vẫn còn vang xa. Không có may mắn được hoà mình vào dòng người
tuôn chảy về Hà Đông hôm đó, dù cả ngày “ngồi chơi xơi nước” cách đó
không xa - là một thiệt thòi của bản thân tôi.
Không thể dự phiên toà “công khai”
Khi 8 giáo dân Thái Hà một lần nữa phải ra trước vành móng ngựa,
đồng đạo của tôi và những người quan tâm đến vụ án từ mọi miền đất nước
kéo về tràn ngập để chứng kiến một “phiên toà công khai”. Trước mắt họ,
là hàng rào sắt, là cảnh sát các loại và những phương tiện khủng khiếp
mới nhìn qua đã đủ để những người yếu bóng vía phải rụng rời chân tay.
Đúng giờ khai mạc phiên toà cũng là giờ tôi “được” các “đồng chí” ở
Sở Công an Hà Nội triệu tập lên 87 Trần Hưng Đạo - Hà Nội, thay vì số 6
Quang Trung – Hà Đông như mấy lần trước, để hỏi thăm đủ thứ chuyện
không đầu không cuối.
Tôi thấy thật buồn cười khi nghĩ về phiên toà “công khai” đang xử
các giáo dân trong kia và cái cách xử sự này, nó không minh bạch và…
hèn, biểu lộ sự sợ hãi mơ hồ nào đó.
Đến khi tôi được rời sở Công an thì phiên toà ở Hà Đông cũng kết
thúc. Sau đó, tôi mới được biết nhiều giáo dân cũng đã được cán bộ
“quan tâm”, gọi lên dặn dò, khuyên nhủ không nên đến toà.
Phiên toà đã qua nhưng đã để lại trong mỗi chúng ta, dù có mặt tại Hà Đông trong ngày 27/3 hay không, nhiều suy nghĩ.
Đối với tôi – đây là phiên toà hiếm có trong lịch sử đất nước, ít
nhất là từ khi tôi chào đời và được sống trong “thiên đường xã hội chủ
nghĩa” đến nay đã gần nửa thế kỷ.
Phiên toà có nhiều điều lạ
Đây là phiên toà thứ hai (sau phiên toà sơ thẩm xử chính 8 giáo dân
này) để nhà nước có dịp phô diễn các đạo quân cảnh sát, binh hùng,
tướng mạnh, phương tiện vũ khí đầy đủ và đội quân cán bộ hùng hậu được
huy động.
Nhìn cảnh bày binh bố trận như trên, câu nói: Lực lượng vũ trang của
chúng ta “kẻ thù nào cũng đánh thắng” là hoàn toàn có cơ sở.
Ông Lê Công Phụng, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao trả lời báo chí nước
ngoài có nói đại ý rằng chúng ta là một nước nhỏ, sống bên nước lớn nên
nhiều khó khăn, ngay cả việc đưa vấn đề Trường Sa, Hoàng Sa ra Liên Hợp
Quốc cũng cần suy xét… Có thể ông có lý?
Có lẽ vì vậy mà cứ mỗi lần có vấn đề với Trung Quốc trong tranh chấp
lãnh hải, lãnh thổ… thì Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng chỉ “ra tuyên bố:
Việt Nam có đủ bằng chứng lịch sử về chủ quyền…” – Và chỉ có thế mà
thôi.
Khi các sinh viên, thanh niên biểu tình biểu thị lòng yêu nước trước
ĐSQ Trung Quốc bị ngăn cản, bị trấn áp… có người đã giải thích “rất có
lý”: “Đất nước mình yếu, lại nghèo nên không thể đối đầu với Trung
Quốc, đành phải làm thế để giữ hoà khí mà thôi”.
Nhà sư Thích Đàm Bình tham gia cùng giáo dân Thái Hà đòi công lý trong ngày xử phúc thẩm 8 giáo dân Thái Hà ngày 27-03-2009
Nhưng sau khi xem hình ảnh phiên toà xử các giáo dân, tôi cho
rằng ông Phụng và những người kia đã không hiểu được sức mạnh của nhà
nước nên mới nói bừa.
Cụ thể: Một phiên toà đơn giản, 8 giáo dân tay không, đập phá một
đoạn tường rào cũ (cơ quan nhà nước thẩm định không tới 500.000
đồng/người để cấu thành tội “phá hoại tài sản” - theo luật). Một phiên
toà với 8 công dân Việt Nam, án nặng nhất cũng chỉ là “án treo, cảnh
cáo” mà còn chống án kêu oan, nghĩa là tội chẳng có gì ghê gớm bằng tội
cướp nước và bán nước.
Vậy mà khi đưa ra xét xử, hàng hà sa số cảnh sát, cán bộ từ phường,
xã quận huyện đến thành phố… được điều động, các loại phương tiện, vũ
khí, chó nghiệp vụ, máy móc… được đưa ra trong tư thế “sẵn sàng chiến
đấu”. Chưa hết, phiên toà được mở ngày 27, nhưng trước đó, báo chí đã
mở đường tuyên truyền tấn công dồn dập, đồng loạt kết tội. Nhân dân
được “quán triệt” phải cảnh giác, cán bộ được huy động vận động giáo
dân không đến Toà, trường học trong khu vực bị đóng cửa, cửa hàng, chợ
búa bị tạm ngừng.
Với công dân của mình còn như vậy, thì với quân thù, chắc chắn sức
mạnh được phô diễn sẽ gấp bội phần? Đâu phải chúng ta thiếu sức mạnh
của vũ khí và phương tiện cũng như con người cho việc bảo vệ lãnh hải
và lãnh thổ?
Vậy thì không thể nói rằng đất nước chúng ta còn nghèo. Người nào nói vậy thì chẳng qua họ thiếu hiểu biết.
Cũng vì thế, chúng ta có quyền cao giọng nói với các thế lực thù
địch bành trướng xâm lược rằng: “Chúng ta có đủ khả năng về con người,
phương tiện và kinh tế… để đủ sức làm cho chúng kinh hồn bạt vía. Cứ
đến Hà Đông mà xem, chỉ với mấy công dân VN và cái án con muỗi mà nhà
nước còn công phu tốn kém thế này, thì kẻ thù của đất nước chỉ có nước…
biến. Nếu không được mời, thì bọn bành trướng đừng mơ đặt chân lên đất
nước này”.
Điều lạ thứ hai là cách xét xử của Toà án
Nhân dân TP Hà Nội. Thông thường, việc tranh luận trước toà của bị cáo,
luật sư… là điều hết sức cần thiết để làm sáng tỏ vấn đề có tội hay
không có tội, cơ sở nào để cấu thành tội trạng đó… cũng như hàng loạt
vấn đề được công khai xem xét để phù hợp với nghĩa của từ “tranh tụng”.
Tại phiên toà này, phần tranh luận, bào chữa của Luật sư bị cắt thì
lấy gì để làm sáng tỏ vấn đề đang xét xử? Bởi phần biện hộ đó, liên
quan đến cơ sở của những hành động được nhà nước cho là “hành vi phạm
tội” của các bị cáo: Nguồn gốc đất đai của mảnh đất tranh chấp ở Thái
Hà, tính pháp lý của bức tường bị đập kia ở đâu?
Tôi đọc trên báo chí nhà nước có đoạn này: “…70 năm về trước (từ
13-17/8/1937), Người (Hồ Chí Minh) đã đến nơi này gặp lãnh tụ của phong
trào Quốc tế Cộng sản Dimitrop để nhận chỉ thị về cách mạng Việt Nam.
Trong giây phút chia tay, lãnh tụ Dimitrop nắm tay Bác xúc động nói:
“Chúc anh may mắn, hãy dựa hẳn vào quần chúng nhân dân, quần chúng có
nhiều cái đáng cho ta phải học hỏi””. Nguồn:
http://suckhoedoisong.vn/2537p0c15/dong-au-ky-su.htm
Hai nhân vật được nói tới trong đoạn trên đã nhắc tôi nhớ đến hai
phiên toà: Phiên toà của Phát xít Hitle xét xử Đimitrop – lãnh tụ của
Quốc tế Cộng sản - về tội “đốt nhà quốc hội” và phiên toà của chính
quyền HongKong xử Tống Văn Sơ – tức Hồ Chí Minh về tội “là Cộng sản và
tay sai Liên Xô”. Đây là vụ án được coi là “châu chấu đá voi”.
Cả hai phiên toà, nhờ tranh tụng thật sự tại phiên toà được thoải
mái, đúng theo luật pháp đã quy định mà Đimitrop được tuyên vô tội và
Tống Văn Sơ đã không bị kết tội mà chỉ bị trục xuất. Dù thực chất thì
Tống Văn Sơ chính là Cộng sản và quan toà HongKong cũng biết điều đó.
Nhưng sự tranh tụng tại Toà được công nhận và tôn trọng luật pháp nên
Tống Văn Sơ đã thoát khỏi vụ án này.
Trong phiên toà Tống Văn Sơ, có những đoạn như sau: “Ông ta đặt ra
trước mặt Tống Văn Sơ một tấm hình chụp nhà cách mạng Nguyễn ái Quốc
đầu đội mũ dạ cứng hình quả dưa, dưới ảnh có đề Đồng chí Nguyễn Ái Quốc
bằng chữ in. W.Thomson chắc mẩm rằng, lần này, ông Tống hết đường chối
cãi. Tống Văn Sơ cầm bức ảnh lên ngắm nghía một thoáng rồi trả lời:
“Tôi thấy cái ảnh này trông giống tôi!” Rồi ông Tống lại nói thêm: “Và
có thể là tôi”!
Nghe được câu đó, W.Thomson mừng rỡ như bắt được vàng, chưa kịp nói
câu gì thì Tống Văn Sơ lại thản nhiên nói tiếp: - Nhưng chưa bao giờ
tôi đội cái mũ này!
Kẻ hỏi cung ớ miệng, không nói được câu gì, chỉ còn cách giơ hai tay lên đầu, mặt nhăn nhó tựa như chó cắn phải mướp nóng!”
Qua đó, chúng ta thấy rằng ở những phiên toà kia của bọn phát xít và
đế quốc thực dân, quyền bào chữa được đã được tôn trọng, luận cứ bào
chữa tại toà được lấy làm căn cứ để kết tội chứ không theo một ý muốn,
mệnh lệnh hoặc chỉ thị nào. Tóm lại, ở đó không có loại “án bỏ túi”,
những vụ án đó, không có sự lãnh đạo của một đảng phái nào, pháp luật
được thượng tôn.
Còn ở vụ án 8 giáo dân Thái Hà - phiên toà ở thế kỷ 21 tại Việt Nam,
một đất nước “dân chủ gấp triệu lần dân chủ tư sản” - Luật sư Lê Trần
Luật đã bị ngăn cản, khống chế bằng mọi cách. Lời bào chữa của các luật
sư còn lại bị cắt ngang. Tang vật phạm tội không có, hai đĩa hình được
sử dụng để kết tội giáo dân đã bị phủ nhận tính hợp pháp. Không hiểu
hai đĩa hình này có giá trị pháp lý bằng tấm hình của Tống Văn Sơ trong
phiên toà HongKong hay không?
Toà đã bỏ qua tất cả để kết tội các giáo dân.
Nói rằng “phiên toà lạ” là khi chúng ta đem so sánh với phiên toà
của bọn phát xít, thực dân đế quốc cách đây cả gần thế kỷ, còn khi xem
những phiên toà như phiên sơ thẩm và phúc thẩm với 8 giáo dân Thái Hà
này, người ta cũng chẳng lấy làm ngạc nhiên. Câu khẩu hiệu “Sống, làm
việc theo hiến pháp và pháp luật” vẫn nhan nhản, nhưng khẩu hiệu chỉ là
khẩu hiệu mà thôi.
Điều lạ thứ ba, phiên toà đã được sự chú ý
và tập trung đông đảo lực lượng quần chúng nhất kể từ xưa tới nay. Hàng
ngàn người từ muôn nơi, bất chấp trở ngại, khó khăn gian khổ và nguy
hiểm đã đến toà như đi trẩy hội, bị cáo đến toà với trang phục và ánh
mắt rạng ngời như đi đến đài vinh quang…
Đó là một sự thật không thể chối cãi. Dù báo chí nhà nước đã cố công
tô vẽ rằng: có những thế lực, những kẻ chủ mưu lợi dụng lòng tin của
giáo dân để lôi kéo họ đến toà và đòi “nghiêm trị”. Xin thưa rằng: Lòng
tin người dân đâu dễ lợi dụng đến thế? Trên các báo cáo và truyền thông
nhà nước luôn có câu: “Nhân dân ta tuyệt đối tin tưởng vào Đảng và nhà
nước”. Vậy thì làm sao cả hàng ngàn người dân đã có “lòng tin tuyệt
đối” kia lại dễ bị lợi dụng đến thế để kéo đến phiên toà mà hô vang “Vô
tội, vô tội, trả lại Công lý, Sự thật”?.
Cũng xin đừng mập mờ rằng họ chỉ là những nông dân nghèo, ít nhận
thức, ít học, chỉ có lòng tin mù quáng mà có thể khẳng định rằng họ là
những người dân hiểu biết pháp luật, họ hiểu họ có quyền gì.
Nếu lòng tin của nhân dân bị lợi dụng như đã từng bị lợi dụng trong
quá khứ, thì khi “cái kim trong bọc đã lòi ra” lòng tin sẽ biến mất và
thay vào đó là sự uất hận và vô cảm. Điều đó đã có nhiều thực tế để
chứng minh. Nhà thơ Bùi Minh Quốc - nhà thơ mà cuộc đời của ông đã từng
gắn liền với huyền thoại về sự hy sinh của văn nghệ sĩ cho cuộc kháng
chiến chống Mỹ đã từng viết: “Trọn tuổi xuân ta hiến dâng cuồng nhiệt.
Lại đúc nên chính cỗ máy này”.
Điều lạ thứ tư có thể kể đến là lần đầu
tiên, những tiếng kêu thét đòi “Sự thật, Công lý” được đám quần chúng
hô vang như một đòi hỏi chính đáng và là một nhu cầu bức thiết cho xã
hội được phát triển, đất nước được tiến bộ. Bởi không có một đất nước
nào có thể phát triển nếu không dựa vào Sự thật, Công lý. Những lời đó
đã được hô vang trên các con đường Hà Đông, trước sở Công an Hà Nội và
Thị uỷ Hà Đông.
Điều lạ nữa chắc các cán bộ và công an có
mặt cũng như những người quan sát từ xa phiên toà này phải thừa nhận
là: hàng ngàn con người đã đến toà, đứng cả ngày dưới nắng nóng. Họ đến
từ muôn phương, không quen biết lẫn nhau, không cùng giọng nói và quê
hương, khác biệt về trình độ và nhận thức… nhưng đã không có bất cứ một
sự xô xát, cãi vã hay hiềm khích nào xảy ra. Ngược lại, họ đã bên nhau
đoàn kết, hiệp thông và chia sẻ. Họ đến dự phiên toà, đồng cảm với các
nạn nhân mà có thể họ chưa hề biết đó là ai ngoài mỗi một thông tin
rằng những bị cáo kia là giáo dân.
Điều lạ lùng hơn nữa là hệ thống truyền
thông đã tốn công sức, tiền của, giấy mực để nhất loạt đòi nghiêm trị
“kẻ chủ mưu, xui bẩy giáo dân đập tường”. Nhưng khi bị cáo đã khai ra
kẻ chủ mưu thì Toà lại lờ đi và không nghiêm trị, ít nhất là trong bản
án.
Tại toà, bị cáo Nguyễn Đắc Hùng khi được hỏi: “Có ai xúi giục đập
tường rào không?” đã trả lời: “Có”. Toà hỏi tiếp “Ai đã xúi giục?” thì
bị cáo đã trả lời rõ ràng: “Chúa”.
Nhưng “kẻ chủ mưu” này đã không bị nhắc nhở, cảnh cáo hay bị nghiêm trị, phạt tù…
Mèo tha miếng thịt thì đòi…
Toà án đã bằng mọi cách để kết tội các giáo dân là “vi phạm pháp
luật”, tuyên y án bản án rất nhỏ “tù án treo, cải tạo không giam giữ và
cảnh cáo”... Để kết được tội các giáo dân này, nhà nước đã tốn một
khoản không thể gọi là nhỏ về tiền bạc, của cải vật chất, sức người…
trong khi kinh tế đang suy thoái.
Tổng kết lại thì nhà nước đã đánh đổi cái rất lớn để lấy cái rất nhỏ
xét về phương diện vật chất. Đó là chưa nói đến lòng dân, những người
đến dự phiên toà dù là Công giáo cũng như không Công giáo, hay chỉ là
những người qua lại trên con đường huyết mạch nối Thủ đô với Tây Bắc
hôm đó.
Hẳn qua phiên sơ thẩm, nhà nước thừa biết rằng mở phiên toà này nhằm mục đích răn đe thì đã không có tác dụng.
Điều này nói lên một sự thật không dễ nghe: Nhà nước đã không hiểu
lòng dân. Nhà nước đã thiếu thông tin và lòng tin nghiêm trọng về những
công dân hiền lành và nhẫn nhục này. Và đối lại, lòng tin của những
người dân này cũng đã tiêu tan khi toà đã bất chấp tất cả để cố tình
kết tội các giáo dân.
Nếu không nghiêm trọng hoá vấn đề, cứ xử theo luật pháp bình thường,
kể cả tuyên án vô tội khi không có đủ bằng chứng kết tội họ, chấp nhận
đền bù tí chút vật chất, tinh thần cho những giáo dân đã bị bắt bớ,
giam cầm, chấp nhận “nhìn thẳng vào sự thật”, thì tôi tin rằng mọi việc
sẽ hết sức dễ dàng và đơn giản. Người Công giáo xưa nay vẫn được giáo
dục kỹ càng về sự tha thứ, phải tha thứ cho bất cứ ai với một lẽ đời
đương nhiên là ai cũng có thể có những sai lầm và cần được tha thứ.
Nếu được như vậy, giáo dân từ muôn nơi đã không phải bỏ cả gia đình,
công việc và cuộc sống của mình, bất chấp tất cả và chi phí một khoản
tiền bạc, sức lực, của cải… để đến dự phiên toà.
Những vật chất đó đã phải tiêu phí, cũng là vật chất của cải trong
xã hội Việt Nam. Trong khi đất nước đang rất cần thắt lưng buộc bụng
vượt qua cơn khủng hoảng.
Nhìn hình ảnh hàng ngàn người, trẻ già, trai gái cùng đồng hành vượt
cả chục cây số bằng phương tiện duy nhất là đôi chân, tôi hiểu về ước
vọng và khát khao của họ với Sự thật, Công lý lớn lao đến mức nào. Tôi
cũng hiểu sự hiệp thông và tình cảm họ dành cho giáo dân, đồng đạo của
mình thật nồng hậu và to lớn, tình cảm đó đã vượt qua tất cả những khó
khăn về thể lý để quyết tâm đi đến cùng trên con đường tìm kiếm Công
lý, Sự thật.
Tất cả những hình ảnh đó nói lên: Công lý, Sự thật và Chính nghĩa
đang thuộc về đâu. Cách hành xử với một vụ án “con kiến” này đã làm
nhiều người trong xã hội phải suy nghĩ: Nguyên do nào có sự khác thường
đến thế? Điều này có thể xảy ra hay không nếu họ không phải là giáo dân?
Nói đến đây, thiết nghĩ cần nhắc lại câu nói của chính Đimitrop,
lãnh tụ cao nhất của Cộng sản quốc tế đã từng dặn dò Hồ Chí Minh “…hãy
dựa hẳn vào quần chúng nhân dân, quần chúng có nhiều cái đáng cho ta
phải học hỏi”. Không hiểu những cán bộ đã “thấm nhuần đạo đức, tư tưởng
Hồ Chí Minh” qua bao lớp học triền miên, tốn kém vừa qua có học và nhớ
câu nói này? Không hiểu những người quản lý các tờ báo đã nghĩ gì khi
có những bài viết xuyên tạc nhằm đánh vào sự thật, nhằm làm chia rẽ
tình đoàn kết trong lòng dân tộc, trong nội bộ nhân dân, bôi xấu công
dân và nhục mạ một bộ phận lớn cộng đồng dân tộc, làm suy yếu đi tình
đoàn kết toàn đất nước trước hoạ xâm lăng đang càng ngày càng cận kề?
Với những người Công giáo, cả hàng giáo phẩm và tu sĩ, chúng ta nghĩ
gì trước hàng ngàn con người đứng thẳng và tươi cười trước hàng rào
sắt, chó, cảnh sát và một rừng thiết bị, xe pháo, dùi cui, hơi cay… khi
nhìn lại bản thân mình. Trong khi chúng ta có nghĩa vụ hiệp thông với
mọi thành phần, mọi cá nhân trong Giáo hội, tất cả đều có vai trò là
Ngôn sứ của Thiên Chúa, có nhiệm vụ phải bênh vực lẽ phải, sự công
chính và những kẻ yếu hèn bị áp bức dù họ có trong giáo hội hay không.
Thiết nghĩ không ai có quyền dửng dưng.
Thiên Chúa đã ban cho chúng ta nhiều Hồng ân, được làm con cái Chúa.
Ngài đã ủi an chúng ta trong mọi hoàn cảnh, mọi điều kiện sống và cũng
đòi hỏi chúng ta có nghĩa vụ đối với đồng đạo, đồng loại của mình. “Người
luôn nâng đỡ ủi an chúng ta trong mọi cơn gian nan thử thách, để sau
khi đã được Thiên Chúa nâng đỡ, chính chúng ta cũng biết an ủi những ai
lâm cảnh gian nan khốn khó”. (Thư Côrintô 2 – Chương 1).
Sự vô cảm, sự im lặng nhiều khi cũng đồng nghĩa với sự phản bội, mà
trên đời này chắc sự phản bội là khó được tha thứ nhất, theo thiển ý
của cá nhân tôi.
Hà Nội, một tuần sau ngày xét xử sơ thẩm 8 giáo dân Thái Hà 4/4/2009.
JB Nguyễn Hữu Vinh
|